Cây chè còn gọi là trà, tên khoa học là Camellia sinensis O. Ktze, thuộc họ chè Theaceae. Nguồn gốc từ Trung Quốc, tại Việt Nam chè được trồng nhiều ở các tỉnh Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang, Thái Nguyên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Đắc Lắc, Lâm Đồng.
Cây chè là loại cây xanh tốt quanh năm, có hoa màu trắng, có thể cao hàng chục mét nhưng trong những trang trại được xén tỉa thấp hơn hai mét để tiện thu hái lá. Hạt trà có thể ép để lấy dầu. Lá trà dài chừng 2,5 -> 4 cm và rộng từ 2 -> 5cm. Lá non và các lá xanh lục nhạt được thu hoach để sản xuất trà khi mặt bên dưới của lá còn các sợi lông tơ ngắn màu trắng. Các lá già có màu lục sẫm. Các độ tuổi khác nhau của lá trà tạo ra các sản phẩm khác nhau về chất lượng do thành phần hóa học trong các lá này khác nhau.
Nước trà hay nước chè là đồ uống phổ biến thứ hai trên thế giới, sau nước uống. Được chế biến bằng cách ngâm lá, chồi hay cành của cây chè vào nước sôi chừng vài phút là dùng được. Nước trà có mùi thơm, vị hơi đắng và chát. Có tác dụng làm tăng tuổi thọ, làm giảm quá trình lão hóa cho người già, giảm huyết áp cao, giảm cholesterol, hạ men gan và hạ đường trong máu người bệnh tiểu đường. Qua chế biến thường có nhiều tên và loại trà khác nhau như: trà tươi, trà lá, trà búp, trà cám, trà bột, trà mộc. Trà lá loại khác nhau về lên men (oxy hóa) như trà xanh, trà đen, trà ô long, bạch trà, hồng trà. Khi ướp các hương vị hoa được gọi là trà ướp hoa như trà sen (ướp với hoa sen), trà hoa nhài (ướp với hoa nhài)…
Bốn loại trà thường dùng:
1. Trà xanh còn gọi là lục trà, được chọn hái từ những lá trà non, sau khi hấp trà sấy khô không lên men. Do trà xanh không được cho lên men nên nước trà vẫn giữ được nhiều khoáng chất và thành tố có lợi cho sức khỏe vì chứa 30 - 40% polyphenol trích ly trong nước đươc. Trà xanh được cho là chứa nhiều yếu tố chống ung thư và một lượng cao vitamin C
2. Trà đen còn gọi là hồng trà, có mùi hương đặc biệt nhờ sự lên men rất mạnh lâu chừng vài giờ. Trà giữ được hương vị nhưng có màu đen. Trà đen chứa 3 -10% polyphenol và là loại trà mà người phương tây ưa chuộng (trà Lipton)
3. Trà ô long nằm giữa hai dạng trà đen và trà xanh. Lá và búp trà sau khi thu hoạch được phơi khô, vò nát rồi ủ trong thời gian ngắn nhờ vào quy trình sản xuất bán lên men. Lượng polyphenol trong trà ô long có nhiều ích lợi cho sức khỏe.
4. Bạch trà là loại trà thuần chất nhất. Lá trà non sau khi thu hái về đươc hấp ngay để chống lại sự lên men rồi sấy khô. Khi pha nước trà có màu trắng, do vậy có tên là bạch trà. Loại trà này chứa nhiều flavonoid (chất có tác dụng chống ung thư) so với các loại trà khác.
Tuy nhiên uống trà cũng phải cẩn thận vì đôi khi có tác dụng phụ. Vì các loại trà có chất chát (tannin) nếu uống nhiều có thể gây phản ứng ở ruột, giảm hấp thụ calcium và sắt. Ngoài ra uống nhiều trà đậm làm cho mất ngủ vì chất cafein trong trà kích thích thần kinh.
Ngoài công dụng làm nước uống hàng ngày, Đông y còn dùng trà làm thuốc kích thích do cafein và chữa lỵ theo đơn thuốc sau: Chè hương 100g (búp và lá chè non sao khô), Cam thảo 10g, nước 100ml nấu uống trong ngày.
Lương y NGUYỄN TẤN XUÂN
* * *
Xem bài cùng tác giả: click vào đây
Xem trang Y học, Đời sống: click vào đây
Trở về trang chính: www.nuiansongtra.com