Mở speakers ON, click vào mũi tên màu trắng để nghe âm-thanh.
Muốn OFF, click vào ô vuông (góc trái dưới cùng, cạnh 2 gạch đứng).
ĐÊM TRĂNG TRÊN GIÒNG SÔNG XUÂN
Thơ: Thinh Quang
Nhạc: Cao Minh Hưng
Ca sĩ: Ngọc Quý
1. Lời giới thiệu đề tài “ĐÊM TRĂNG TRÊN GIÒNG SÔNG XUÂN”.
Phần âm thanh ở trên là nhạc phẩm “Đêm Trăng Trên Giòng Sông Xuân” được nhạc sĩ Cao Minh Hưng phổ từ bài thơ cùng tên của thi sĩ Thinh Quang.
Nhà thơ xứ Quảng Thinh Quang sáng tác bài thơ nầy lấy từ ý thơ của bài “Xuân giang hoa nguyệt dạ”, một thi phẩm của Trương Nhược Hư đời nhà Đường của Trung Hoa. Trương Nhược Hư sinh khoảng năm 660 ở Dương Châu (nay là huyện Giang Đô, tỉnh Giang Tô) là một nhà thơ nổi danh của Trung Hoa. Ông Trương không thích danh lợi nên ông thường ngao du khắp thiên hạ để tìm bạn thơ. Gặp được Hạ Tri Chương, Trương Húc, Bao Dung là những danh sĩ cùng thời, khi thấy hợp ý nhau, ông Trương cùng với ba danh sĩ nầy lập thành nhóm thơ mà người đương thời gọi là "Ngô trung tứ sĩ" (Bốn danh sĩ đất Ngô). Ông mất khoảng năm 720.
Cả đời làm thơ, chỉ cần lưu lại cho đời một hai bài thơ, cũng đủ làm cho mình trở nên bất tử. Các thi nhân thuộc nhóm “Ngô trung tứ sĩ” gồm chỉ có bốn mà đã có hai người rơi vào trường hợp trên: Trương Nhược Hư, tác giả bài trên và Hạ Tri Chương (bạn vong niên của Lý Bạch, họ Hạ hơn họ Lý 40 tuổi) với 2 bài thơ chỉ có 58 chữ: “Hồi hương ngẫu hứng thư” kỳ 1 & kỳ 2.
Theo “Đường Thi tuyển dịch tập 2” thì “Xuân giang hoa nguyệt dạ” là một bài thơ tuyệt diệu, với ngôn ngữ giản dị mà tươi tắn, thanh tao; âm điệu bàng hoàng, triền miên; hình ảnh sinh động, cảm xúc chứa chan”.
Nhà nghiên cứu văn học Vương Khải Vận (đời nhà Thanh) khen bài thơ này là “cô thiên hoành tuyệt, cánh vi đại gia” (chỉ một thiên tuyệt diệu, đủ xứng đáng là đại gia); thi sĩ Văn Nhất Đa thì ca ngợi bài thơ nầy là “Thi trung đích thi, đỉnh phong thượng đích đỉnh phong” (thơ trong thơ, đỉnh núi trên các đỉnh núi). Theo ông Lưu Kế Tài thì “Theo người Nhật hiện nay, hai bài thơ Đường được hâm mộ nhất, đó là "Xuân giang hoa nguyệt dạ" của Trương Nhược Hư và "Trường hận ca" của Bạch Cư Dị.
Bài thơ thể hiện nỗi nhớ của người du tử đối với người khuê phụ. Tựa đề "Xuân giang hoa nguyệt dạ" (Đêm hoa trăng trên sông Xuân); cũng là tên một khúc nhạc phủ thuộc "Thanh thương ca khúc", khúc điệu được sáng tác vào đời Trần Hậu Chủ ở Trung Hoa xưa.
Chính tứ thơ của “Xuân giang hoa nguyệt dạ” đã gợi ý cho bài “Minh nguyệt dẫn” (Khúc hát trăng sáng) của Lư Chiếu Tân và bài “Thái liên khúc” (Khúc hái sen) của Vương Bột là những danh tác sau nầy. Các thi phẩm này được người sau xếp vào hàng những sáng tác hay trong thơ Đường, và chính nhờ các bài thơ đó đã làm cho Trương Nhược Hư bất tử.
Ngày nay, chúng ta lại được đọc thêm bài “Đêm Trăng Trên Giòng Sông Xuân” do nhà thơ gốc Quảng sáng tác cũng từ tứ thơ trong nguyên tác - bài thơ đã đi vào giòng văn học Trung Hoa cổ đại - của thi sĩ họ Trương, như góp phần với những người xưa, cùng đưa danh tác Trương Nhược Hư đi vào huyền thoại văn chương Trung Hoa.
Dưới đây - theo thứ tự - là bài thơ “Đêm Trăng Trên Giòng Sông Xuân” của Thinh Quang, kế đến là tâm tình của nhạc sĩ Cao Minh Hưng, người đã phổ nhạc bài thơ của nhà thơ Thinh Quang qua bài viết TỪ “VƯỜN XUÂN” ĐẾN “SÔNG XUÂN”. Sau cùng là nguyên tác “Xuân Giang hoa nguyệt dạ” của Trương Nhược Hư được phiên âm Hán Việt và một bài dịch tiêu biểu của Tản Đà. Các bài dịch khác được đăng trong một trang khác trên cùng website nầy, muốn đọc, xin theo các đường dẫn (link: click vào đây).
Xin giới thiệu cùng độc giả.
Ban Điều Hành
http://www.nuiansongtra.net
* * *
2. ĐÊM TRĂNG TRÊN GIÒNG SÔNG XUÂN
Phóng tác theo “Xuân Giang hoa nguyệt dạ” Của Trương Nhược Hư.
Sông biển liền nhau nước nhẩy Xuân
Trăng lên cùng lúc dậy triều dâng
Đường xa muôn dặm trăng theo nước
Hỏi biển sông nào lại chẳng trăng?
Giòng sông nương khúc rừng thơm ngát
Bàng bạc trăng vàng trắng toát bông.
Sương chẳng trên không màn phủ lợp
Cát phau phau trắng tưởng chừng không.
Bụi trần vô nhiễm – sông cùng sắc
Vằng vặc trăng soi ở giữa trời
Sông với Ả Hằng ai thấy trước?
Buổi đầu trần thế thuở nào soi?
Người sinh kiếp kiếp khôn cùng tận
Năm lại năm hoài trăng vẫn trăng.
Chẳng biết nhìn ai trăng nước ấy?
Giữa giòng chỉ thấy nước phăng phăng...
Một mãng mây bồng trôi bạc phếu
Cùng rừng phong lạnh gợi sầu đau
Thuyền ai lơ lửng đêm thâu đó?
Chốn nguyệt lâu nào để nhớ nhau?
Ngày ấy trên lầu trăng hữu ý
Vào chốn đài trang ghẹo kẻ sầu
Cho dẫu rèm che trăng vẫn đó
Ví dù đạp đổ dễ gì nao!
Mong mãi sao mà tin vẫn biệt?
Thôi đành theo nguyệt đến bên nhau.
Nhạn bay khuôn ngọc còn trơ khấc
Cá với rồng ơi! Nước chảy đâu?
Đêm qua nằm mộng thấy hoa rơi
Nửa cái tàn xuân phận lẻ loi!
Nước kéo dần xuân trôi mất hút
Rồi trăng sông nữa xế trời tây...
Bóng nguyệt vùi chôn lòng bể cả
Cách núi sông và xa biết bao!
Cỡi mảnh trăng về ai đó tá?
Đầy sông sóng dậy tình nao nao...
THINH QUANG.
3. TỪ “VƯỜN XUÂN” ĐẾN “SÔNG XUÂN”.
Cao Minh Hưng
Từ khi nhận lời tham gia vào quyển sách có chủ đề "Mừng Thinh Quang 90 Tuổi", tôi đã phân vân rất lâu khi quyết định sẽ lựa chọn đề tài nào để viết về vị Giáo Sư khả kính, vừa là nhà văn, nhà báo kiêm thi sĩ này. Trong khi thực hiện quyển sách về nhà văn Thinh Quang, chúng tôi đã nhận được rất nhiều bài viết của những nhà văn tên tuổi, những nhà biên khảo, những bạn bè thân hữu của nhà văn Thinh Quang viết về cuộc đời hoạt động không mỏi mệt cống hiến cho nền văn học Việt Nam của ông từ trong nước ra đến hải ngoại. Tôi nghĩ thật khó mà viết về một đề tài nào đó mà sẽ không bị trùng lập với những tư tưởng của những bài viết về ông của rất nhiều tác giả trước đây.
Bìa sách 66 tác giả viết về Thinh Quang xuất bản năm 2007
Qua sự giới thiệu của nhà văn Việt Hải, tôi được biết về nhà văn Thinh Quang qua Tuyển Tập Văn Học Nghệ Thuật Hải Ngoại đầu tay do Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ chủ trương thực hiện với tựa đề "Vườn Xuân". Trong khoảng thời gian hơn ba tháng khi Ban Biên Tập của chúng tôi cùng làm việc ngày đêm cho quyển sách này được hoàn tất trước ngày lễ kỷ niệm 2 năm thành lập Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ vào tháng 4 năm 2012, chúng tôi nhận được rất nhiều bài vở của nhiều tác giả ở khắp nơi gửi về. Chúng tôi rất hân hạnh khi nhận được một bài viết trong số những tác giả gửi về là bài "Từ Đông Sang Tây Nói Chuyện Các Món Ngon Vật Lạ" của nhà văn Thinh Quang. Một bài viết rất thú vị như tựa đề của bài viết, về nét đặc trưng của một số món ăn đặc sản của một số quốc gia từ Đông sang Tây, qua lời kể của một người bạn của tác giả là ông R.V. Ellis.
Trong Tuyển Tập "Vườn Xuân", ngay trước trang "Lời Ngỏ" của Ban Chủ Trương, chúng tôi dành ra một trang trống với ý định sẽ dành đăng một hình ảnh hay một trích đoạn gì đó thật trang trọng như là một tiêu đề cho mục đích thực hiện quyển Tuyển Tập "Vườn Xuân" này. Sau khi Ban Biên Tập bàn thảo với nhau, chúng tôi cùng đồng ý sẽ mời một vị thi sĩ tiền bối thảo ra 4 câu thơ để đăng vào trang này. Một người mà chúng tôi nghĩ thật xứng đáng để làm điều này không ai khác hơn chính là vị Giáo Sư, nhà văn, nhà báo và người thi nhân đã dành gần trọn cuộc đời mình cho nền văn học Việt Nam: Giáo Sư, Nhà văn, Thi sĩ Thinh Quang. Vì là người phụ trách tổng quát cho quyển Tuyển Tập, tôi được hân hạnh giao cho trách nhiệm liên lạc nhà văn Thinh Quang để nói lên ý định của Ban Chủ Trương và Ban Biên Tập. Tôi rất vui mừng khi thấy nhà văn Thinh Quang vui vẻ nhận lời và qua những email trao đổi với ông, tôi rất khâm phục ông ở đức tính khiêm nhượng dù là một nhà văn, nhà thơ nổi tiếng, nhưng đối với một người thuộc thế hệ con cháu của ông, ông vẫn tỏ ra rất chân tình và thân mật. Chỉ một vài ngày sau, tôi nhận được một lúc 2 bài thơ của nhà văn Thinh Quang gửi đến và sau khi chuyển sang cho Ban Biên Tập, chúng tôi cùng đồng ý chọn 4 câu thơ mà ông sáng tác dành cho Tuyển Tập này. Tôi xin phép được ghi lại bốn câu thơ đó nơi đây:
Trở mình theo giấc chiêm bao
Trăng sao nở rộ lạc vào vườn Xuân
Non tiên quẳng gánh phong trần
Giấy hoa tiên trải bút thần đề thi.
(Tuyển tập "Vườn Xuân", trang số 6)
Trở lại với việc tìm đề tài để viết về nhà văn mà tôi vốn rất kính trọng này, trong lúc loay hoay tìm đọc những bài thơ của ông sáng tác trước đây, tôi vô tình tìm được bài thơ có tựa đề "Đêm Trăng Trên Dòng Sông Xuân". Tôi đã đọc đi đọc lại bài thơ nhiều lần, với một cảm xúc thật lạ như bắt gặp một điều gì đó vừa huyền bí, vừa thanh tao, vừa lãng mạn và đầy thi vị qua những hình ảnh mà tác giả đã ghi lại trong bài thơ này. Bài thơ bắt đầu với một hình ảnh sông và biển rất nên thơ trong một đêm trăng mùa Xuân:
Sông biển liền nhau nước nhẩy Xuân
Trăng lên cùng lúc dậy triều dâng
Đường xa muôn dặm trăng theo nước
Hỏi biển sông nào lại chẳng trăng?
Tôi nảy ra ý định phổ nhạc bài thơ này và gửi email hỏi ý kiến nhà văn Thinh Quang. Ông rất vui mừng cho tôi biết đây là một bài thơ ông rất yêu thích và đang có ý tìm lại, nhưng không thấy cho đến khi tôi gửi đến cho ông. "Thừa thắng xông lên", tôi gửi tiếp email cho ông để hỏi thăm thêm về xuất xứ cũng như những gì liên quan đến bài thơ. Đối với tôi, khi chọn phổ nhạc bài thơ nào, tôi thường cố gắng liên lạc với tác giả để nắm được "cái hồn thơ", tức là những cảm xúc, những điều liên quan ẩn nấp đằng sau những ý thơ, để mong rằng những nốt nhạc khi tôi mang vào có thể diễn tả được trọn vẹn cảm xúc của tác giả bài thơ.
Cũng như lần trước khi tôi có dịp tiếp xúc với nhà văn Thinh Quang khi thực hiện Tuyển tập "Vườn Xuân", lần này tôi được biết sức khoẻ của ông bắt đầu sút kém, nhưng ông vẫn "tiếp đãi" tôi một cách rất ân cần và niềm nở qua email. Ông cho biết "Đây là bài thơ kỷ niệm cuối cùng giữa chị Tuệ Mai nữ sĩ, tôi và nhà thơ nổi tiếng Vũ Hoàng Chương tại Sài Gòn. Bài này được nhà thơ Vũ Hoàng Chương cũng như nữ sĩ Tuệ Mai lưu ý và tán thưởng một số danh từ thật bình dân như "trắng toát", hay "năm lại năm hoài" hay "phăng phăng" v.v..." và ông cũng cho biết nếu bài thơ được phổ nhạc thì 'không gì cảm kích bằng". Tôi thật xúc động khi đọc được những lời chia sẻ của ông và hứa với lòng sẽ cố gắng với khả năng của mình để phổ bài thơ thành môt bản nhạc thật hay như món quà mừng tuổi cho ông.
Giòng sông nương khúc rừng thơm ngát
Bàng bạc trăng vàng trắng toát bông.
Sương chẳng trên không màn phủ lợp
Cát phau phau trắng tưởng chừng không.
Những hình ảnh thật đẹp như một bức tranh thuỷ mạc mà theo tôi thiết nghĩ, chỉ có dưới cái lăng kính của người thi sĩ có óc hội hoạ, mới có thể thêu dệt thành một bức tranh tuyệt đẹp đến mê hoặc hồn người như vậy. Thảo nào như ông cho biết, ngay cả hai thi sĩ nổi tiếng cùng thời với ông là nữ sĩ Tuệ Mai và thi sĩ Vũ Hoàng Chương phải khen ngợi.
Khi đọc bài thơ vài lần, tôi đã có khái niệm về melody mà tôi sẽ dùng cho bài hát và khi ngồi lướt những ngón tay trên phím đàn, điệu nhạc tango cứ tự nhiên quyện theo từng câu thơ và tôi như chìm đắm trong cái vô thường, cái tỉnh mịch trong không gian tưởng chừng như vô tận:
Người sinh kiếp kiếp khôn cùng tận
Năm lại năm hoài trăng vẫn trăng
Phải thú thật đây là lần đầu tiên tôi phổ một bản nhạc có nét thiền ca, với nhiều từ ngữ Hán, Nôm, mà thế hệ của chúng tôi không còn được nghe đến nhiều. Tôi xin phép nhà văn Thinh Quang cho phép tôi được thay đổi một vài chữ từ bài thơ nguyên thuỷ cho phù hợp với tiết tấu của bài hát và ông đã khuyến khích tôi cứ tự nhiên. Đó là đức tính rất đáng quý của một nhà văn bậc lão thành nhưng luôn khiêm cung mà tôi đã bắt gặp ngay trong ý thơ của ông trong bài thơ này:
Bụi trần vô nhiễm, sông cùng sắc
Vằng vặc trăng soi ở giữa trời
Tâm hồn ông thật thanh khiết, không nhiễm bụi trần đời và như ánh trăng soi thanh tịnh. Đó là lý do mà tôi đã chọn đoạn thơ này làm điệp khúc của bài hát, với nhịp điệu chậm lại với những nốt nhạc trắng khoan thai, để diễn tả cái thanh thoát, tính thiền định trong ý tưởng của ông.
Một mảng mây bồng trôi bạc phếu
Cùng rừng phong lạnh gợi sầu đau
Thuyền ai lơ lửng đêm thâu đó?
Chốn nguyệt lâu nào để nhớ nhau?
Khi đọc đến bốn câu thơ này, chắc chắn người đọc đã linh cảm thấy được sự chia cách của một mối tình, đúng như lời nhà văn Thinh Quang cho biết "đây là hình ảnh của cảnh vật của thuở nguyên sơ, thật ra, nó tiêu biểu của thuở ban đầu của ước mơ thầm kín..." Thật là đẹp với những kỷ niệm của một mối tình thầm kín dưới ánh trăng, trên dòng sông, với mảng mây trôi bồng bềnh, bên cánh rừng phong và con thuyền lơ lững giữa dòng sông Xuân...
Cuộc đời là những duyên định. Tôi đã được quen biết nhà văn Thinh Quang từ bốn câu thơ đề trong "Vườn Xuân" và hôm nay, trên giòng "sông Xuân", tôi lại được dịp biết thêm về ông qua bài thơ mà tôi được dịp phổ nhạc này. Mong cho mùa Xuân với những "trăng sao nở rộ" và "nương khúc rừng thơm ngát" mãi mãi đọng lại trong tâm hồn thanh cao của nhà văn Thinh Quang.
Cao Minh Hưng
4. Nguyên tác của Trương Nhược Hư
Xuân giang hoa nguyệt dạ
Xuân giang triều thuỷ liên hải bình,
Hải thượng minh nguyệt cộng triều sinh.
Diễm diễm tuỳ ba thiên vạn lý,
Hà xứ xuân giang vô nguyệt minh.
Giang lưu uyển chuyển nhiễu phương điện,
Nguyệt chiếu hoa lâm giai tự tiển.
Không lý lưu sương bất giác phi,
Đinh thượng bạch sa khan bất kiến.
Giang thiên nhất sắc vô tiêm trần,
Hạo hạo không trung cô nguyệt luân.
Giang bạn hà nhân sơ kiến nguyệt?
Giang nguyệt hà niên sơ chiếu nhân?
Nhân sinh đại đại vô cùng dĩ,
Giang nguyệt niên niên chỉ tương tự.
Bất tri giang nguyệt đãi hà nhân,
Đãn kiến trường giang tống lưu thuỷ.
Bạch vân nhất phiến khứ du du,
Thanh phong phố thượng bất thăng sầu.
Thuỳ gia kim dạ thiên chu tử,
Hà xứ tương tư minh nguyệt lâu?
Khả liên lâu thượng nguyệt bồi hồi,
Ưng chiếu ly nhân trang kính đài.
Ngọc hộ liêm trung quyển bất khứ,
Đảo y châm thượng phất hoàn lai.
Thử thời tương vọng bất tương văn,
Nguyện trục nguyệt hoa lưu chiếu quân.
Hồng nhạn trường phi quang bất độ,
Ngư long tiềm dược thuỷ thành văn.
Tạc dạ nhàn đàm mộng lạc hoa,
Khả liên xuân bán bất hoàn gia.
Giang thuỷ lưu xuân khứ dục tận,
Giang đàm lạc nguyệt phục tây tà.
Tà nguyệt trầm trầm tàng hải vụ,
Kiệt Thạch, Tiêu Tương vô hạn lộ.
Bất tri thừa nguyệt kỷ nhân quy,
Lạc nguyệt dao tình mãn giang thụ.
5. Bản dịch ra Việt văn của Tản Đà:
Đêm trăng hoa trên sông xuân
Sông xuân sáng nước liền ngang bể,
Vầng trăng trong mặt bể lên cao.
Ánh trăng theo sóng đẹp sao!
Sông xuân muôn dặm chỗ nào không trăng?
Dòng sông chảy quanh rừng hoa ngát,
Trăng soi hoa như tán trập trùng.
Sương bay chẳng biết trong không
Trên soi cát trắng nhìn không thấy gì.
Trời in nước một ly không bụi.
Mảnh trăng trong ròi rọi giữa trời.
Thấy trăng thoạt mới là ai?
Trăng sông thoạt mới soi người năm nao?
Người sinh mãi, kiếp nào cho biết,
Nhìn trăng sông năm hệt không sai.
Trăng sông chẳng biết soi ai,
Dưới trăng chỉ thấy sông dài nước trôi.
Đám mây trắng ngùi ngùi đi mãi,
Rặng phong xanh một dải sông sầu.
Đêm nay ai đó, ai đâu?
Chiếc thuyền để nhớ trên lầu trăng soi.
Trăng thờ thẫn nơi người xa ngóng,
Chốn đài gương tựa bóng thương ai.
Trong rèm cuốn chẳng đi thôi,
Trên bàn đập áo quét rồi lại ngay.
Cùng nghe ngóng lúc nay chẳng thấy,
Muốn theo trăng trôi chảy đến chàng.
Hồng bay, ánh sáng không màng,
Nước sâu cá quẫy chỉ càng vẩn tăm.
Đêm nọ giấc trong đầm hoa rữa,
Ai xa nhà xuân nửa còn chi!
Nước sông trôi mãi xuân đi,
Trăng tà lặn xuống bên kia cánh đầm.
Vầng trăng lặn êm chìm khói bể,
Đường bao xa non kệ sông Tương.
Về trăng mấy kẻ thừa lương,
Trăng chìm lay bóng đầy hàng cây sông.
* * *
Xem các bản dịch thơ Trương Nhược Hư
Xem bài trên trang Nhạc: click vào đây
Trở về trang chính: www.nuiansongtra.com