Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 10, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Đất nước, con người
QUẢNG NGÃI DƯỚI TRIỀU HỒ (1400-1407)
Thiệu Khang NGUYỄN THÁI BÌNH


Là người làm công tác nghiên cứu lịch sử nói chung, lịch sử - văn hoá Quảng Ngãi nói riêng, tôi thường thấy các nhà viết sử, văn nghệ sĩ trong tỉnh thường đề cập Quảng Ngãi chúng ta đã có dưới nhà Lê, đặc biệt là dưới thời vua Lê Thánh Tông - năm Tân Mão (1471), lập đạo Thừa tuyên Quảng Nam, trong đó có Chiêm động (vùng đất phía Nam của tỉnh Quảng Nam ngày nay) và Cổ Luỹ động (tức Quảng Ngãi ngày nay). Còn trước đó, dưới triều Hồ thường ít đề cập. Phải chăng do khó khăn về tư liệu?

Nhưng qua sử liệu cũ chúng tôi tìm thấy, cho biết, mảnh đất Quảng Ngãi của chúng ta đã có dưới thời Hồ (1400-1407). Tuy sử liệu còn hạn chế, nhưng ít nhiều nó cũng phản ánh một phần nào về vùng đất "núi Ấn sông Trà" do nhà Hồ cai quản trước đó, để giúp cho con cháu hiểu rõ thêm về mảnh đất "địa linh nhơn kiệt" này.

Sau khi phế truất nhà Trần, lập ra triều Hồ (1400), Hồ Quý Ly đã sai các tướng Đỗ Mãn, Nguyễn Vị, Nguyễn Bằng Cử, Đinh Đại Trung đem quân vào bình Chiêm (1402), sát nhập Quảng Ngãi (Cổ Luỹ động) và Chiêm động (Quảng Nam) vào đất Đại Việt (còn gọi là Đại Ngu - Quốc hiệu thời Hồ hồi đó), đồng thời cử quan lại (An phủ sứ) vào cai trị.

Theo “Đại Việt sử ký toàn thư” của Ngô Sĩ Liên (viết thời Hậu Lê, đời Lê Thánh Tông), thì sau khi bình Chiêm xong, sát nhập Cổ Luỹ động (tức Quảng Ngãi ngày nay) vào Đại Việt, Hồ Quý Ly đã tiến hành cải cách hành chánh (1402), cử nhiều quan lại vào trấn nhiệm, nhằm củng cố vùng đất phía Nam của Đại Việt, đề phòng người Chiêm sau này trở lại lấn chiếm, đó là các vị: Nguyễn Cảnh Chân, Nguyễn Ngạn Quang và Lê Quang Tổ. Xin trích nguyên văn (để đảm bảo tính trung thực của lịch sử):

1- NGUYỄN CẢNH CHÂN:

Nguyên là An phủ sứ lộ Thuận Hoá. Năm Nhâm Ngọ (1402) được triều Hồ (Hồ Hán Thương - Hiệu Thành năm thứ 2 - Minh Kiến Văn thứ 4) bổ nhiệm làm An phủ sứ lộ Thăng Hoa, cai quản 4 châu: Thăng – Hoa – Tư - Nghĩa (sau khi vua Chiêm Ba Đích lại bị bại, dâng 2 đất Chiêm động và Cổ Luỹ) và cho Hiệu chính hầu Chế-ma-nô-đa-nan (người Chiêm hàng Hồ) làm Cổ Luỹ huyện thượng hầu” (Đại Việt sử ký toàn thư, Tập II, Nxb KHXH Hà Nội 1970. trang 232-233).

2- NGUYỄN NGẠN QUANG:

Năm Ất Dậu (1405) (Hán Thương Khai đại thứ 3 - Minh Vĩnh lạc thứ 3). Quý Ly biếm (bãi chức) Nguyễn Cảnh Chân làm An phủ sứ lộ Thăng Hoa, lấy Phong quốc giám quản cán là Nguyễn Ngạn Quang làm Tuyên phủ sứ lộ Thăng Hoa, kiêm chế trí sứ trấn Tân Ninh (miền thượng du Nam – Ngãi, T.g.). Khi ông đi trấn nhiệm, Hồ Quý Ly có làm một bài thơ tặng Nguyễn Ngạn Quang như sau: (Nguyên văn, phiên âm Hán-Việt):

“Biên quận thừa tuyên tư tráng chi
Hùng phiên tiết chế hữu huy du
Thanh tùng bảo nhĩ tuế hàn tiết
Bạch phát khoan dư tây cố ưu
Huấn sức bình nông giai tựu tự
Giải đình trấn thủ thị hà thu.
Cần lao vật vị vô tri giả
Tứ mục nguyên phi tế miện lưu”.

Dịch nghĩa:

Trấn tự phương xa giúp một tay
Hùng phiên tiết chế sẵn mưu hay
Thông xanh người giữ bền năm rét
Tóc bạc ta không ngại phía tây
Dạy con bình nông đều được tốt
Rút quân đồn thủ chẳng bao ngày
Chớ lo khó nhọc không ai biết
Tua mũ không che nổi mắt này”.
(Đại Việt sử ký toàn thư. Tập II. Sđd. Trang 240- 241)

3- LÊ QUANG TỔ:

Năm Bính Tuất (1406) (Hán Thương Khai đại thứ 4 - Minh Vĩnh lạc thứ 4). Mùa hạ, tháng 4, Hán Thương gọi Tuyên phủ sứ Thăng Hoa là Nguyễn Ngạn Quang về làm Đại lý chính, lấy trấn phủ sứ Châu Nghĩa là Lê Quang Tổ, làm Hành Tuyên phủ sứ Thăng Hoa - Hoàng Hối Khanh lấy chân Hành Khiển tả ty thị lang kiêm lĩnh thái thú Thăng Hoa tiết chế (Chiêm động, T.g.) Tân Ninh (thượng du Nam Ngã I, T.g.), chuyên trị mọi phương” (Đại Việt sử ký toàn thư Tập II Sđd. trang 244- 246).

Ba vị này đời Hồ thay nhau vào trấn nhậm, sớm nhất là An phủ sứ lộ Thuận Hoá Nguyễn Cảnh Chân (1402). Có thể nói đây là vị An phủ sứ đầu tiên của Đại Việt (tức Đại Ngu, Quốc hiệu triều Hồ) vào Quảng Ngãi trấn nhậm (tức Cổ Luỹ động hồi đó), trước khi Lê Thánh Tông vào bình Chiêm (1471)

Cùng đi với các vị nói trên, trong thời gian triều Hồ (1400-1407), đã có hàng ngàn binh lính, vợ con, phu phen tạp dịch, tội đồ ở Thanh - Nghệ - Tĩnh... lần lượt vào trú ngụ, đóng quân, khai khẩn lập ấp, lập nên những làng mạc mới ở Cổ Luỹ động (Quảng Ngãi) cũng như Chiêm động (Quảng Nam ngày nay). Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, phần Chính biên, quyển 12 có ghi chép rằng:

-"Sau khi Chiêm Thành dâng đất Chiêm động và Cổ Luỹ động, người Chiêm bỏ đất mà đi, nên mùa Xuân năm Quý Mùi - Hồ Hán thương Khai đại thứ 3 - Minh Kiến văn thứ 5 (1403) mới lấy dân có của, nhưng không có ruộng ở các lộ khác, di cư vào vùng đất này". Tiếp đó "đến năm 1404 - Giáp Thân, Khai đại thứ 4, nhà Hồ lại cho vợ con những người di cư trước, theo đường biển vào để cùng sinh cơ lập nghiệp...". Dần dần làng xã Quảng Ngãi được hình thành, mở rộng thêm thời đó.

Có thể nói, đây là cuộc di dân lần đầu tiên của cư dân Đại Việt dưới triều Hồ, trước khi Lê Thánh Tông vào bình Chiêm, di dân lần thứ hai (1).

Đến năm Đinh Hợi (1407) Hán Thương Khai đại năm thứ 5 - triều Hồ bị nhà Minh (Trương Phụ) diệt. Chiêm Thành chiếm lại.

Đến đời Hậu Lê (Lê Thánh Tông về sau), năm 1471, Tân Mão, Hồng Đức năm thứ 2, lấy lại, sát nhập vào Đại Việt, lập đạo Thừa tuyên Quảng Nam (từ Quảng Nam đến đèo Cù Mông - Bình Định), đạo thứ 13 của cả nước, tương ứng với nhà Minh - Thành Hoá thứ 7 và cử Lê Ỷ Đà, người Châu Hoan (Nghệ An) theo vua Thánh Tông bình Chiêm, được cử làm tri Châu Cổ Luỹ (tức phủ Tư Nghĩa - Quảng Ngãi sau này) và Bồng Sơn (phủ Hoài Nhơn - Bình Định). Cùng thời với Lê Ỷ Đà có Đỗ Tử Quy, được bổ nhiệm làm tri Châu Đại Chiêm (Chiêm động - Quảng Nam) quân dân sự…” (Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư. Tập III. Nxb KHXH Hà Nội. 1968, trang 237- 238).

Như vậy, theo tư liệu trên mà chúng tôi tìm được của sử gia Ngô Sĩ Liên, thì thực tế lộ Thăng Hoa nói chung, Quảng Ngãi nói riêng (tức Cổ Luỹ động) đã trở thành một đơn vị hành chính dưới triều Hồ (trước khi Lê Thánh Tông vào, tuy triều Hồ ngắn ngủi), đặc biệt là chính sách “bình nông” (khuyến khích nông dân khai khẩn) dưới thời Nguyễn Ngạn Quang (1405- 1406) mà Hồ Quý Ly đã làm thơ đưa tiễn ông. Đó là điều chúng ta cần lưu ý khi Ngô Sỹ Liên đề cập (nhất là tác giả là một sử gia có uy tín và là người sống gần đương thời - Hậu Lê).

Trước đây, do hạn chế của lịch sử, các sử gia phong kiến đều quan niệm giáo điều họ Hồ “thoán nghịch” (cướp ngôi nhà Trần!) nên bỏ qua nhiều chính sách tiến bộ, tích cực của ông trong việc cải cách hành chánh, hạn điền, hạn nô… Ngày nay với nhiều cuộc hội thảo khoa học khách quan, do Viện Sử học tổ chức, công lao Hồ Quý Ly được đánh giá đúng mức. Hậu thế của chúng ta cũng nên xem xét lại công bằng hơn đối với triều Hồ nói chung cũng như công lao khai khẩn, lập làng ở Quảng Ngãi nói riêng.

Lịch sử là khám phá. Tuy tư liệu trên không nhiều, nhưng rất đáng trân trọng - với 3 vị “An phủ sứ” của triều Hồ nói trên (Nguyễn Cảnh Chân, Nguyễn Ngạn Quang, Lê Quang Tổ) trước khi Lê Ỷ Đà, Đổ Tử Quy (thời Lê Thánh Tông) vào cai quản, một lần nữa chúng ta khẳng định: Địa giới và bộ máy hành chánh của Quảng Ngãi đã thực sự có từ đời Hồ Quý Ly (1400-1407), chứ không phải dưới thời Lê Thánh Tông như lâu nay một số người vẫn nghĩ.

Như vậy, vùng đất Quảng Ngãi chúng ta ngày nay (tức Cổ Lũy động xưa) đã có hơn 600 năm lịch sử (2) tương đối sớm so với các tỉnh cực Nam Trung bộ (Phú Yên - Khánh Hoà 400 năm) và 300 năm vùng đất “Nam Kỳ lục tỉnh”./.

Quảng Ngãi, tháng 5 năm 2013
Thiệu Khang NGUYỄN THÁI BÌNH


(1) Qua các tài liệu tham khảo: Đại Việt sử ký toàn thư (Ngô Sĩ Liên), Đại Nam nhất thống chí, Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Quốc sử quán triều Nguyễn), Phủ biên tạp lục (Lê Quý Đôn), Lịch triều Hiến chương loại chí (Phan Huy Chú) và nhiều tài liệu, thư tịch cổ khác, chúng ta thấy Quảng Ngãi có 3 đợt di dân lớn, đó là dưới triều Hồ (1400-1407), Lê Thánh Tông (1471-1496) và chúa Nguyễn Đàng Trong (nhất là giai đoạn chiến tranh Trịnh - Nguyễn ác liệt 1653-1657, chúa Nguyễn đã bắt dân 7 huyện ở xứ Nghệ An đem vào... Trước đây (trừ giai đoạn Chúa Nguyễn sau này), một số người không hiểu, cho rằng di dân lần thứ nhất đã có từ thời Bùi Tá Hán, chúng tôi cho là suy diễn, vì chưa có tài liệu nào chứng minh. Hơn nữa, xét về mặt niên đại, Bùi Tá Hán sống vào đời Lê Trung hưng (1496-1568) còn sau triều Hồ (1400-1407) và Lê Thánh Tông (1471-1496), nghĩa là mới sinh ra khi Lê Thánh Tông mất 1496. Độc giả xem tự hiểu (Tác giả ghi đây tham khảo).

2. Lâu nay cũng có một số người nhầm lẫn Quảng Ngãi có 400 năm. Thực tế 400 năm là tính khi Quảng Ngãi có tên địa danh “Quảng Nghĩa” khi Tiên chúa Nguyễn Hoàng (thuỷ tổ nhà Nguyễn) vào trấn nhậm Thuận - Quảng, đổi phủ Tư Nghĩa thành dinh Quảng Nghĩa (1602). Sau đó đến năm 1832 - Minh Mạng thứ 13, đổi lại thành tỉnh (Quảng Ngãi - Quảng Nghĩa). Còn vùng đất Quảng Ngãi (tức Cổ Lũy động) dưới thời Hồ (1402) đã có hơn 600 năm (như đã đề cập trên). Chúng tôi ghi chú ở đây đề tránh nhầm lẫn (Tác giả).

* * *

Xem các bài cùng tác giả: click vào đây
Xem trang QN: Đất nước, con người: click vào đây
Trở về trang chính: http://www.nuiansongtra.com  

 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh