1. Văn hóa là linh hồn của một dân tộc, nhiều người nghĩ vậy. Khi nói văn hóa Việt Nam người ta cũng nghĩ như đó là linh hồn của dân tộc Việt Nam. Linh hồn là phần thiêng liêng cao cả của con người mà thường chỉ những người có tín ngưỡng, có tâm hồn hướng thượng hay những người được cho là thuộc phái duy tâm mới nghĩ đến. Nhà khoa học không nghĩ hay nói đến linh hồn. Nhà văn hóa, với tinh thần khoa học, không nói rằng văn hóa là linh hồn của một dân tộc, nhưng cũng xem văn hóa là cái gì rất quan trọng, rất đặc biệt, rất cơ bản của xã hội loài người. Loài kiến, loài ong, loài mối, cũng như các giống khỉ, các giống dã nhân, v.v... đều sống thành đàn, thành xã hội nhưng các giống sinh vật nói trên không có một nền văn hóa như xã hội loài người. Chỉ có xã hội loài người mới có văn hóa. Và chỉ có con người mới có khả năng bẩm sinh đặc biệt là học hỏi, giao lưu, biến đổi và lưu truyền văn hóa. Cái khả năng bẩm sinh đó đã góp phần làm nên tính linh thiêng của giống người mà người xưa đã xem là “nhân linh ư vạn vật”. Có thể nói con người và văn hóa xã hội gắn liền nhau, không tách rời ra được. Có con người là có xã hội có văn hóa hay ngược lại ở đâu có xã hội văn hóa là ở đó có con người. Nếu xã hội loài vật không có văn hóa vì không có con người thì ngược lại con người mà không có xã hội văn hóa thì cũng không thể thành người được.
Hơn năm mươi năm trước một nhà tâm lý xã hội học Pháp nói về ảnh hưởng của xã hội/ văn hoá đối với đời sống tâm lý của con người, có kể một câu chuyện của hai cô bé Ấn Độ được người ta tìm thấy ở trong rừng vào lúc hai cô chỉ độ vào khoảng 8-10 tuổi gì đó. Hai cô không nói được tiếng người, cũng không đi trên hai chân như người ta. Hai cô đi trên bốn chân, có cử chỉ và ngôn ngữ y hệt như loài thú. Các nhà khoa học cho rằng hai cô đã bị bỏ rơi trong rừng từ lúc mới sanh và đã được thú rừng nuôi dưỡng. Khi được đem về với xã hội loài người, các cô được người ta dạy cho cách sống của loài người. Người ta phải mất rất nhiều thì giờ để dạy dỗ cho các cô nhưng kết quả chưa tới đâu thì hai cô đã chết. Xã hội loài người là cái gì rất xa lạ mà các cô không thích nghi được, mặc dù các cô có mang trong người cái mầm sinh vật của giống người. Sự kiện trên đây cho thấy dù khi sanh ra là người, là có khả năng bẩm sinh học hỏi về văn hóa, nhưng không có môi trường văn hóa xã hội để khả năng đó phát triển thì cũng không đem lại kết quả văn hóa được. Con người không có xã hội văn hóa không thành người được là vậy.
Sự kiện trên đây cũng cho thấy một khía cạnh quan trọng khác của văn hóa xã hội. Sự kiện đó là khi con người lớn lên trong xã hội/văn hóa nào thì con người sẽ được giáo dục uốn nắn để trở thành một phần tử của xã hội/văn hóa đó. Trường hợp của hai cô bé Ấn Độ vừa nói ở trên là trường hợp hi hữu mà bây giờ ta không kiểm chứng được, nhưng trường hợp ta có thể thấy thường hơn là việc những đứa trẻ được cha mẹ nuôi đem về nuôi dưỡng ở một xã hội/ văn hóa khác hơn là nơi chôn nhau cắt rốn của chúng, như những trẻ Việt Nam, Trung Hoa, Đại Hàn được cha mẹ nuôi là người Mỹ đem về nuôi trên nước Mỹ từ lúc mới sơ sinh chẳng hạn. Những trẻ em này lớn lên có đời sống hoàn toàn Mỹ chớ không có dấu vết gì của xã hội/ văn hóa gốc (ngoại trừ màu da và những nét đặc thù của cấu trúc thể xác của chủng tộc gốc). Nói chung khi được nuôi nấng, lớn lên trong xã hội/ văn hóa nào, người ta sẽ trở thành con người trong xã hội/ văn hóa đó, bất kể nguồn gốc của người đó được sanh ra ở đâu và bởi giống người gì.
Tiến trình nuôi dưỡng, giáo dục, uốn nắn, cùng lúc với tiến trình hấp thụ, tiêu hóa những điều học hỏi để trở thành một phần tử của xã hội/ văn hóa được các nhà văn hóa xã hội học gọi chung là tiến trình xã hội hóa (socialization). Đây là một tiến trình vô cùng quan trọng trong việc làm cho con người được trở nên người trong một nền văn hóa hay một xã hội nào đó. Đó là tiến trình giúp cho con người học hỏi và áp dụng các sinh hoạt tâm sinh lý chung cho những người sống cùng trong một cộng đồng, một xã hội, một nền văn hóa với nhau. Nhờ có tiến trình xã hội hóa đó mà người ta có thể sinh hoạt được dễ dàng, hữu hiệu trong đời sống xã hội. Khi ta sanh ra và lớn lên trong xã hội/ văn hóa Việt Nam, ta sẽ được xã hội hóa vào xã hội/ văn hóa Việt Nam, và nhờ tiến trình xã hội hóa này mà chúng ta sinh hoạt được dễ dàng hữu hiệu trong xãhội/văn hóa quen thuộc của mình.
2. Một cách tổng quát có thể hiểu văn hóa là lối sống (life style) của một nhóm người ở trong một cộng đồng (một làng chuyên môn, một xóm đặc biệt, một khu vực địa lý nào), hay rộng hơn là của cả một dân tộc trong một quốc gia (văn hoá Việt), hoặc rộng hơn nữa là của cả một vùng địa lý nào đó (văn hoá Á Đông). Văn hoá gắn liền với xã hội. Không thể có văn hoá mà không có xã hội. Tuy ngược lại có thể có những xã hội không có văn hoá như như xã hội loài ong, xã hội loài kiếng và nhiều loài vật khác. Thú vật cũng sống thành xã hội nhưng xã hội thú vật không có văn hoá. Chỉ có xã hội loài người là có văn hóa vì loài người có những sinh hoạt có ý thức, có tri thức, có ký ức, có ngôn ngữ, có thể tích luỷ, lưu trử, truyền đạt, học hỏi, sáng tạo. Ngôn ngữ, tư tưởng, tín ngưỡng, các hoạt động kinh tế, các kỹ thuật, các sinh hoạt nghệ thuật, cách xử sự ở đời, cách ăn mặc, các thứ lễ nghi...tất cả mọi hoạt động của con người trên cõi đời này đều thuộc về văn hóa.
Khi mở mắt chào đời con người đã được đặt trong một cộng đồng, một xã hội, một nền văn hóa, xem như cái khung văn hoá xã hội có sẵn cho mình rồi. Con người lớn lên trong cái khung văn hoá xã hội đó, học hỏi tiếng nói, cách xử sự, cách sinh hoạt đã có sẵn để trưởng thành và hoà mình vào nếp sống chung của cộng đồng. Tiến trình học hỏi, hấp thụ kiến thức để sống được trong một cộng đồng, một quốc gia xã hội nào đó, được gọi là tiến trình xã hội hoá.
Tiến trình xã hội hoá của con người bao gồm tất cả các nguồn dạy dỗ, uốn nắn, truyền đạt gọi chung là giáo dục. Có 3 nguồn giáo dục chính:
(1) giáo dục trong gia đình,
(2) giáo dục ở học đường, và
(3) giáo dục ngoài xã hội hay trong “chợ đời” (tức trong đời sống).
Bất cứ ở đâu, trong thời đại này, con người cũng đều được xã hội hoá qua ba nguồn giáo dục đó để hội nhập vào đời sống văn hoá xã hội của cộng đồng, của quốc gia dân tộc.
Qua tiến trình xã hội hoá, mỗi người đều tạo được cho mình một cái vốn văn hoá xã hội của mình. Vốn văn hoá xã hội đó, cùng với bản tính bẩm sinh sẽ tạo nên “căn cước” cá nhân cũng như bản ngã và nhân cách của con người mình. Căn cước cá nhân (individual identity) không phải chỉ là tấm giấy có in hình mình, với ngày sinh tháng đẻ và vài nét đặc biệt vật chất để người ta nhận diện ra mình, mà nó còn bao gồm tất cả những đặc điểm tinh thần như tính tình, tư tưởng, học thức, khuynh hướng, tư cách, v.v...cho phép người ta nhận ra bản sắc khác biệt của cá nhân mình.
Những người sinh ra trong cùng một thời với nhau, lớn lên trong cùng một cộng đồng, một nền văn hoá, được trải qua cùng một tiến trình xã hội hoá, sẽ có cùng một vốn văn hoá xã hội gần giống nhau (trừ đi phần bẩm sinh và một số những khác biệt nhỏ về hoàn cảnh gia đình), mang một căn cước chung (căn cước cộng đồng hay collective identity) giống nhau. Họ được gom vào cùng một nhóm với nhau, mang cùng một căn cước, một danh xưng như nhau. Họ có cùng một nền văn hoá với nhau.
3. Nhưng văn hoá không đứng yên một chỗ mà luôn biến đổi. Không có một nền văn hóa nào đứng yên một chỗ, không có một nền văn hóa nào có thể giữ nguyên trạng thái của nó từ buổi ban đầu cho đến bây giờ dù người ta có cố bảo tồn duy trì nó mãi. Bất cứ nền văn hóa nào, dù ở trong những xã hội đóng kín không có những tiếp xúc với bên ngoài đi nữa, cũng có ít nhiều thay đổi theo thời gian. Nhịp điệu biến đổi của một nền văn hoá có thể từ rất chậm hay chậm, đến nhanh hay rất nhanh tùy theo hoàn cảnh, tùy theo trường hợp. Phần nhiều các nền văn hóa đều thay đổi rất chậm nếu không có những đột biến trong lịch sử (như một cuộc cách mạng xã hội), những va chạm/ xung đột lớn lao với những nền văn hoá khác, như sự va chạm/ xung đột giữa văn hóa Á Đông và văn minh Âu Tây hồi thế kỷ XIX-XX chẳng hạn.
Văn hóa Việt Nam không tránh được những định luật thay đổi tự nhiên đó theo thời gian và không gian. Từ trước thời Bắc Thuộc cho đến cuối thế kỷ XIX nền văn hóa Việt Nam cũng có những thay đổi theo thời gian, nhưng đó là những thay đổi rất chậm. Nhưng từ giữa thế kỷ XIX sang giữa thế kỷ XX, nền văn hoá Việt Nam trải qua những xáo trộn, thay đổi lớn lao khi có sự va chạm với nền văn minh Âu Tây. Một số những tập tục xưa được ghi chép trong sách sử bây giờ không còn tồn tại nữa, hoặc chỉ còn sót lại trong các thế hệ trước đây ở một ít vùng quê xa xôi mà thôi như tục xăm mình, ăn trầu, nhuộm răng chẳng hạn. Ngược lại có những thói quen mới chỉ xuất hiện gần đây chớ không có trong xã hội xưa như thói quen uống cà phê buổi sáng hay bắt tay khi chào nhau, mặc áo sơ mi, thắt cà vạt, hớt tóc, khiêu vũ, v.v...Tư tưởng, khoa học, kỹ thuật thay đổi nhiều từ khi có công cuộc đô hộ của người Pháp hồi cuối thế kỷ XIX.
Mặt khác trong quá trình bành trướng lãnh thổ từ Miền Bắc vào Miền Nam nền văn hóa Việt Nam cũng có nhiều thay đổi theo không gian, theo môi trường sinh sống, từ thức ăn, quần áo, đến cách phát âm tiếng Việt, làng mạc, tôn giáo, tín ngưỡng, nghệ thuật, tâm lý, tư tưởng, v.v...Từ khi Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa và các chúa Nguyễn nối tiếp, xây dựng nên Đàng Trong thì bắt đầu có một khu vực văn hóa Việt Nam mới, có phần khác biệt với văn hóa cổ truyền ở miền Bắc. Sự cắt đứt liên hệ chính trị giữa Đàng Trong (Chúa Nguyễn) và Đàng Ngoài (Chúa Trịnh), sự phân tranh Nam Bắc và chia đôi lãnh thổ đã là cơ hội để tạo nên một khu vực văn hóa mới này. Đến thế kỷ XVII khi Họ Nguyễn chiếm hết cả miền Trung và rồi một số người miền Trung vào khai phá vùng Đồng Nai Cửu Long khẩn hoang lập ấp xây dựng nên miền Nam thì một khu vực văn hóa khác nữa lại thành hình. Khu vực văn hóa mới này, văn hóa Đồng Nai Cửu Long, lại càng cách biệt với văn hóa gốc ở miền Bắc để đến gần văn hóa Đông Nam Á hơn (tức cũng có nghĩa xa dần văn hóa Trung Hoa và đến gần văn hóa Aán Đô hơn).
4. Môi trường sinh sống mới và sự tiếp xúc với những nền văn hóa khác là những điều kiện cần yếu đưa đến những biến đổi đó. Đất đai, khí hậu, ruộng nương, vườn tượt ở đây cùng một loại với đất đai, khí hậu, ruộng nương vườn tượt ở Kampuchia, Thái Lan, Mã Lai, kỷ thuật làm ruộng, làm vườn, trồng cây trái cũng giống nhau. Cuộc sống vật chất ở nhà quê do đó cũng rất giống nhau. Người lưu dân Việt vào môi trường sinh sống này không thể không linh động thay đổi để thích ứng với môi trường sinh sống mới. Đời sống dễ dãi, tương đối thừa thãi về vật chất và tự do về tinh thần, đã không bắt buộc người dân Việt ở đây phải duy trì hay theo đúng những phong tục tập quán đã được mang vào Đàng Trong từ mấy thế kỷ trước. Sự lỏng lẻo của khuông phép từ thế hệ này sang thế hệ khác đã tạo nên một nếp sống mới, một tính tình và nhân cách mới, rộng rãi và phóng khoáng, với tâm hồn chân thật, chất phác, mở rộng để đón nhận những cái mới lạ hơn là khép kín để duy trì những cái đã có.
Rồi trong quá trình mở rộng đất đai về phương Nam văn hóa Đàng Trong đã phải tiếp xúc va chạm với những nền văn hóa khác tạo nên điều kiện rất cần cho sự biến đổi và thích nghi về văn hóa. Có tiếp xúc với văn hóa khác là có cơ hội để nhìn thấy lối sống, cách hoạt động, sự tín ngưỡng, lề lối suy tư của một giống người khác. Từ đó có thể có những thích nghi với nhau hay vay mượn lẫn nhau ít nhiều từ tập quán, kỹ thuật, đến tín ngưỡng và nghệ thuật. Từ thế kỷ XVII người Đàng Trong đã có cơ hội gần gũi với văn hóa Chiêm Thành, đã nhìn thấy và hiểu biết lối sống của người dân Chàm. Sau đó sang thế kỷ XVIII người Việt khi bành trướng lãnh thổ về miền Nam lại có dịp sống bên cạnh người Miên và người Trung Hoa (Minh Hương, Triều Châu). Và gần đây hơn từ thế kỷ XIX người Việt ở đây lại có nhiều dịp để biết đến đạo Thiên Chúa cùng văn minh Tây Phương do người Pháp mang đến. Có thể nói miền Nam cũng na ná như xứ Mỹ, nó là một xã hội mới thành hình với nhiều chủng tộc sống lẫn lộn trong đó và với một nền văn hóa ít nhiều pha trộn đủ thứ. Nó như cái “melting pot” hay cái “salad bowl” của Việt Nam. Nó mang rất ít tính chất cổ truyền của nền văn hóa gốc. Trong một bài viết về “Sự Biến Đổi Trong Văn Hoá Việt Nam” trước đây, đang trong tập san Tiền Giang chúng tôi có ghi:
-“Trước hết sự biến đổi của văn hóa Việt Nam từ Bắc vào Nam cho thấy có khuynh hướng xa dần văn hóa Trung Hoa để đến gần văn hóa Ấn Độ hơn. Từ xưa, từ lúc bị Trung Hoa đô hộ cho đến đầu thế kỷ XVII, Việt Nam là một trong những nước ở Đông Nam Á ít nhận ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ nhất. Văn hóa Việt Nam xưa gần như là bản sao của văn hóa Trung Hoa. Khi văn hóa Đàng Trong, nhất là khu vực Đồng Nai Cửu Long thành hình thì khu vực văn hóa này một mặt giảm bớt ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa và mặt khác thu nhận phần nào ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ. Điều này không có nghĩa là văn hóa Ấn Độ mạnh hơn hay tốt hơn văn hóa Trung Hoa, thật ra đây chỉ có nghĩa là văn hóa Ấn Độ có những nét (traits) khác hơn văn hóa Trung Hoa mà thôi. Nó cũng không có nghĩa là văn hóa Đồng Nai Cửu Long trực tiếp nhận ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ, đúng ra nó chỉ tiếp nhận một số nét đặc biệt của văn hóa Ấn Độ qua các nước chịu ảnh hưởng văn hóa Ấn như Champa và Kampuchia hay Thái Lan. Văn hóa Đồng Nai Cửu Long đến gần văn hóa vùng Đông Nam Á hơn văn hóa truyền thống Việt Nam ở Thăng Long. Cái gì làm cho có sự thay đổi theo chiều hướng như vậy?
5. Chính trị đóng vai trò khá quan trọng ở đây. Từ danh xưng “Đàng Trong” để đối lại với “Đàng Ngoài” đến sự xác định nguồn gốc “Ô Châu” của chúa Nguyễn Phúc Khoát, người ta có thể suy ra được quyết tâm của chính quyền ở phía Nam sông Gianh trong nỗ lực xây dựng một nước khác, độc lập đối với nhà Lê và miền Bắc, đi một hướng đi khác hơn hướng đi của Đàng Ngoài, có một cách làm người Việt Nam khác hơn là người miền Bắc. Tana Li trong bài “An Alternative Vietnam? The Nguyen kingdom in the seventeenth and eighteen centuries” (Journal of Southeast Asia Sutudies; 3/1/1998) viết:
“From the seventeenth century, the Red River delta ceased to be the only centre of Vietnamese civilization: a new centre – Phu Xuan (Hue) – challenged Thang Long (Hanoi), and a second important socio-economic zone – Thuan Quang – took shape far from the Red River delta. This was more than a simple southern extension of the former Vietnamese economy and society. Rather, a new society developed, with a different cultural background and quite different political and economic circumstances. As a residents of a region over which the hostile Le/Trinh northern government never formally renounced control, southern Vietnamese described their territory as the “inner region” (Dang Trong), and characterized the northern Red River plains as the “outer region” (Dang Ngoai). The terminology indicates clearly that they perceived the south as a distinct entity, and the emergence of marked dissimilarities between the two areas amounted to two different ways of being Vietnamese.”
(Từ thế kỷ 17, châu thổ sông Hồng không còn là trung tâm duy nhất của văn minh Việt Nam: một trung tâm mới – Phú Xuân (Huế) – thách thức Thăng Long (Hà Nội), và một vùng xã hội kinh tế quan trọng thứ hai - vùng Thuận Quảng - thành hình, ở xa châu thổ Hồng Hà. Đây là cái gì nhiều hơn là chỉ một mở rộng của xã hội, kinh tế Việt Nam cũ. Đây là một xã hội mới được phát triển với một bối cảnh văn hóa khác và những điều kiện chính trị, kinh tế khác. Là cư dân của một vùng mà chính quyền thù nghịch Lê/Trịnh không bao giờ muốn từ bỏ kiểm soát, người Việt miền Nam mô tả lãnh thổ của họ là Đàng Trong, và cho vùng châu thổ Hồng Hà là Đàng Ngoài. Cách sử dụng danh từ cho thấy rõ họ nhận thức rằng miền Nam là một thực thể riêng biệt, và những khác biệt khởi lên giữa hai vùng đưa đến hai cách thức làm người Việt Nam khác nhau).
Và:
“When proclaiming himself king in 1744, Nguyen Phuc Khoat declared proudly, “our country rose and developed from O Chau”, using a name with strong local colour for the place of origin of the royal family and many high officers. O Chau emphasized a perception of Dang Trong as a separate country that had developed since the early seventeenth century. This identification actually implied two meanings: a country equal to the north and a local rather than a foreign regime for the local people. The latter sense was related to legitimacy, and to the self-confidence of the Nguyen.”
(Khi tuyên xưng mình là vua năm 1744, Nguyễn Phúc Khoát đã hãnh diện tuyên bố “nước chúng ta dựng lên và phát triển từ Ô Châu”, ông đã dùng một danh xưng rất có màu sắc địa phương để gọi quê hương, gốc gác của gia đình nhà vua và nhiều quan lại cao cấp của triều đình. Danh xưng Ô Châu nhấn mạnh sự nhân thức rằng Đàng Trong là một quốc gia riêng biệt đã được dựng lên từ đầu thế kỷ 17. Sự nhận diện này thật sự có hai ý nghĩa: một quốc gia ngang hàng với miền Bắc và là một chế độ ở địa phương của người địa phương chớ không phải ngoại lai. Ý nghĩa sau này liên hệ tới tính chính thống và sự tự tin của nhà Nguyễn).
Lý do quan trọng kế đó là môi trường sinh sống. Môi trường sinh sống mới và sự tiếp xúc với những nền văn hóa khác là những điều kiện cần yếu đưa đến những biến đổi. Trước hết là môi trường thiên nhiên vật lý: đất đai, khí hậu, ruộng nương, vườn tượt ở đây cùng một loại với đất đai, khí hậu, ruộng nương vườn tượt ở Kampuchia, Thái Lan, Mã Lai, thành ra các loại cây trái giống nhau, kỷ thuật làm ruộng, làm vườn, trồng cây trái cũng giống nhau. Cuộc sống vật chất ở nhà quê do đó cũng rất giống nhau. Người lưu dân Việt vào môi trường sinh sống này không thể không linh động thay đổi để thích ứng với môi trường sinh sống mới. Mặt khác ở trong hoàn cảnh sinh sống mới này họ lại gần gũi với những dân tộc khác với nền văn hóa khác mà lâu dần, quen dần, họ không thể không vay mượn một số nét đặc thù nào đó mà họ thấy cần yếu hay thích hợp với họ trong hoàn cảnh sinh sống mới. Thành ra từ khi Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa và các chúa Nguyễn nối tiếp, xây dựng nên Đàng Trong thì bắt đầu có một nhánh văn hóa Việt biến dạng dần dần trở thành một chi nhánh văn hóa (subculture) có phần khác biệt với văn hóa cổ truyền ở miền Bắc.
Sự cắt đứt liên hệ chính trị giữa Đàng Trong (Chúa Nguyễn) và Đàng Ngoài (Chúa Trịnh), sự phân tranh Nam Bắc và chia đôi lãnh thổ đã là cơ hội để tạo nên một chi nhánh văn hóa mới xa dần văn hóa cổ truyền. Đến thế kỷ XVII khi Họ Nguyễn chiếm hết cả miền Trung và rồi một số người miền Trung vào khai phá miền Nam khẩn hoang lập ấp xây dựng nên miền Nam thì một chi nhánh văn hóa khác nữa lại thành hình. Chi nhánh văn hóa mới này lại càng cách biệt với văn hóa gốc ở miền Bắc để đến gần văn hóa Đông Nam Á hơn (tức cũng có nghĩa xa dần văn hóa Trung Hoa và đến gần văn hóa Ấn Độ hơn).
Miền Nam là cả một vùng đất hoang mênh mông chằng chịt sông rạch với không biết là bao nhiêu cá tôm rau cỏ cây trái. Đất đai lại rất phì nhiêu do phù sa mang lại. Khẩn hoang lập nghiệp tuy có cực nhọc nặng nề nhưng kết quả thu lượm dễ dàng và khả quan, đời sống tự nhiên ung dung thoải mái. Điều kiện vật lý đó cũng dễ un đúc nên tính tình rộng rãi, phóng khoáng, hiếu khách, đối đãi tử tế với người từ xa mới đến của người miền Nam mà nhiều người công nhận. Vùng mới lập này tuy có ít nhiều liên hệ với Chúa Nguyễn nhưng triều đình ở xa, tổ chức cai trị không chặt chẽ tùy thuộc ở triều đình Huế (chế độ tổng trấn), thêm vào đó còn có những biến cố chính trị làm thay ngôi đổi chủ nhiều lần cho nên tương đối có nhiều tự do địa phương và tự do cho cá nhân nữa. Chỗ này ở không được, hoặc bị áp bức thì nhổ sào, chèo ghe đi chỗ khác làm ăn, không có gì ràng buộc họ được. Hoàn cảnh đặc biệt ở đây giúp người ta nuôi dưỡng tinh khí tự do phóng khoáng, không cần phải ép mình, chế ngự cái tôi để phụng sự cho một lý tưởng sách vở gì cả. Vả lại nỗ lực chính của những thế hệ đầu tiên vào đây là khai khẩn đất đai, thiết lập đời sống mới nhiều hơn là trau dồi kinh sử để lãnh lấy mão áo chức tước của triều đình.
Đời sống dễ dãi, tương đối thừa thãi về vật chất và tự do về tinh thần, đã không bắt buộc người dân Việt ở đây phải duy trì hay theo đúng những phong tục tập quán đã được mang vào Đàng Trong từ mấy thế kỷ trước. Sự lỏng lẻo của khuông phép từ thế hệ này sang thế hệ khác đã tạo nên một nếp sống mới, một tính tình và nhân cách mới, rộng rãi và phóng khoáng, với tâm hồn chân thật, chất phác, mở rộng để đón nhận những cái mới lạ hơn là khép kín để duy trì những cái đã có. Ngoài hoàn cảnh địa lý nói trên, trong quá trình mở rộng đất đai về phương Nam chi nhánh văn hóa Đàng Trong đã phải tiếp xúc va chạm với những nền văn hóa khác tạo nên điều kiện rất cần cho sự biến đổi về văn hóa. Có tiếp xúc với văn hóa khác là có cơ hội để nhìn thấy lối sống, cách hoạt động, sự tín ngưỡng, lề lối suy tư của một giống người khác. Từ đó có thể có những thích nghi với nhau hay vay mượn lẫn nhau ít nhiều từ tập quán, kỹ thuật, đến tín ngưỡng và nghệ thuật. Từ thế kỷ XVII người Đàng Trong đã có cơ hội gần gũi với văn hóa Chiêm Thành, đã nhìn thấy và hiểu biết lối sống của người dân Chăm.
Sau đó sang thế kỷ XVIII người Việt khi bành trướng lãnh thổ về miền Nam lại có dịp sống bên cạnh người Miên và người Trung Hoa (Minh Hương, Triều Châu). Và gần đây hơn từ thế kỷ XIX người Việt ở đây lại có nhiều dịp để biết đến đạo Thiên Chúa cùng văn minh Tây Phương do người Pháp mang đến. Thí dụ như ở Cà Mau (tỉnh lỵ An Xuyên), vào khoảng thập niên 1960, thống kê cho biết dân số là 270,643 người trong đó có 3,048 người Việt gốc Hoa, và 2,959 người Việt gốc Miên, với 22,000 Tịnh độ cư sĩ, 15,000 Công giáo, 3,700 Thiền Lâm, 3,200 Cao Đài, và 400 Tin Lành. Người Việt gốc Miên ở Trà Vinh, Sóc Trăng rất nhiều và người Triều Châu rất đông ở Bạc Liêu đến đổi người dân Nam phải nói “Dưới sông cá chốt, trên bờ Triều Châu”. Có thể nói miền Nam cũng na ná như xứ Mỹ, nó là một xã hội mới thành hình với nhiều chủng tộc sống lẫn lộn trong đó và với một nền văn hóa ít nhiều pha trộn đủ thứ. Nó như cái “melting pot” hay cái “salad bowl” của Việt Nam. Nó mang rất ít tính chất cổ truyền của nền văn hóa gốc.
6. Thật hết sức sai lầm khi Cộng Sản Bắc Việt muốn áp đặt văn hoá Cộng Sản Bắc Việt lên người dân Miền Nam tự do.
Vừa chiến thắng, Cộng Sản Hà Nội cho thi hành ngay một số các biện pháp vô đạo đức, phi nhân bản, phản khoa học, phản dân tộc, độc ác không thua gì những biện pháp tàn nhẫn của Stalin và Mao Trạch Đông ở các nước Nga, Tàu. Những biện pháp đó là:
Thứ nhất: Xóa bỏ chế độ tự do của Sài Gòn bằng cách bắt đi tù cải tạo tất cả quân, cán, chính Việt Nam Cộng Hòa...
Thứ hai: Xóa bỏ nền văn hóa Miền Nam mà Sài Gòn là biểu tượng bằng cách đổi tên thành phố Sài Gòn, đổi tên các trường trung học lớn, nổi tiếng ở Miền Nam như Petrus Ký, Gia Long, Phan Thanh Giản. Dẹp hết các cơ quan truyền thông, báo chí, xuất bản của tư nhân. Tất cả tài sản văn hóa phong phú, đa dạng, nhân bản, khai phóng của Miền Nam bị thẳng tay tàn phá, hủy bỏ.
Thứ ba: Thay thế nền giáo dục nhân bản, khai phóng, hiện đại của Việt Nam Cộng Hòa bằng sự giáo dục nhồi sọ, gieo rắc hận thù, chậm tiến, không hiệu năng của chánh quyền Hà Nội. Đem cán bộ Cộng Sản tốt nghiệp từ các nước Cộng Sản Nga và Đông Âu, mà kiến thức chuyên môn rất yếu kém, thay thế các nhà trí thức, giáo sư có nhiều uy tín, học vấn uyên thâm của Miền Nam. Nhiều giáo sư giỏi, nhiều trí thức, học giả có tiếng của Miền Nam phải tìm mọi cách trốn ra khỏi Việt Nam. Chất xám thật sự của đất nước đã ra nước ngoài. Những người làm giáo dục sau 1975 chỉ là những người của đảng, có nhiều năm thâm niên với đảng hơn là có đủ kiến thức chuyên môn, tân tiến, để có thể tiếp nối công trình giáo dục nhân bản, khoa học và hiện đại của Miền Nam tự do. [Đó là lý do cho thấy tại sao giáo dục ở Việt Nam từ sau 1975 đã tụt hậu thê thảm trong mấy mươi năm qua, đến chổ gần như không còn giá trị gì nữa với sự lạm phát quá mức các loại bắng cấp to với số người mệnh danh là Tiến Sĩ, Thạc Sĩ, của chế độ cộng sản Việt Nam hiện hữu].
Thứ tư: Tổ chức kiểm soát chặt chẻ đời sống của người dân. Xóa bỏ tự do ngôn luận, tự do tôn giáo...
Thứ năm: Đôc tài văn hóa. Ép buộc người dân Việt ở mọi nơi phải theo văn hóa Hà Nội, văn hóa Cộng Sản Bắc Việt. Dưới chiêu bài “thống nhất đất nước” người cộng sản muốn thống nhất tất cả dưới một hệ thống văn hóa duy nhất là văn hóa Hà Nội. Người Việt ở khắp mọi nơi, mọi miền đều phải nói một thứ tiếng, viết một thứ chữ, học một thứ tư tưởng, tin một thứ giáo điều. Tân Sơn Nhứt trỡ thành Tân Sơn Nhất, Võ Tánh thành Vũ Tính, Ngô Tùng Châu phải đổi lại là Ngô Tòng Chu. Nhiều danh từ mới, rất lạ lùng, ngược ngạo, được đem ra xử dụng ở mọi nơi. Không có tín ngưởng, tôn giáo gì khác hơn là Mắc, Lê Nin. Không có Phật, không có Chúa, không có Cao Đài, không có Huỳnh Giáo Chủ. Chỉ có Hồ Chí Minh. Phải treo hình Hồ Chí Minh để thờ ở mọi nơi, trong đình, trong miếu... Không có tư tưởng gì khác hơn tư tưởng Hồ Chí Minh (mà thật sự chính ông Hồ lại nói ông ta chẳng có tư tưởng gì cả, ông ta chỉ áp dụng tư tưởng Mao Trạch Đông và Stalin thôi, và điều này rất đúng đối với Hồ Chí Minh cũng như các lãnh tụ khác của Cộng Sản Hà Nội). Phải viết báo, phải sáng tác theo đúng con đường đảng và nhà nước cộng sản vạch ra.
Thứ sáu: Sửa đổi lịch sử, sửa đổi quan niệm về chiến tranh ở Việt Nam, biến Cộng Sản Bắc Việt thành anh hùng yêu nước đánh quỵ bọn xăm lăng Pháp, Mỹ, biến các chiến sĩ quốc gia thành những kẻ Ngụy đánh giặc mướn cho Pháp và cho Mỹ. Chỉ có Cộng Sản mới có chính nghĩa còn tất cả những người có tinh thần quốc gia khác đều là những kẻ Ngụy. Vùng của Cộng Sản chiếm được gọi là vùng tự do, vùng tự do của quốc gia thì bị gọi là vùng tạm chiếm. Chiến tranh Việt Nam phải được quan niệm theo Hà Nội là chiến tranh giữa Cộng Sản Bắc Việt (đại diên cho nhân dân Việt Nam) và Mỹ chớ không phải chiến tranh giữa người Việt Cộng Sản (mà Hà Nội là đại diện) và người Việt Quốc Gia mà đại diện là Sài Gòn theo quan niệm của người Việt Quốc Gia hay người Việt Tự Do. Theo quan niệm đó của Cộng Sản thì người Việt Quốc Gia và chánh quyền Việt Nam Cộng Hòa chỉ là công cụ của Mỹ. Lịch sử Việt Nam phải được viết lại theo đường hướng đó của Hà Nội dù có phải bóp méo sự thật.
Hậu quả là Miền Nam tự do, tân tiến, giàu có đã trở nên kiệt quệ, suy tàn, đổ nát, người dân khốn khổ trăm phần. Từ cảnh một thiền đàng bỗng tụt xuống trở thành địa ngục, thành ra ai ai cũng phải tìm mọi cách ra đi để thoát khỏi địa ngục trần gian của Cộng Sản. Thậm chí người ta còn nói “nếu cây cột đèn mà đi được thì nó cũng ra đi” để diễn tả tình trạng khốn khổ không còn cách gì chịu nổi của người dân Miền Nam khi cộng sản Hà Nội nắm quyền cai trị ở đây. Dù chết trên biển cả hay trong rừng sâu, dù nguy hiểm cách nào họ cũng phải cố vượt qua để ra khỏi cảnh địa ngục trần gian mà Cộng Sản Hà Nội đã mang đến cho họ dưới cái danh nghĩa thật đẹp là “Giải Phóng Miền Nam” và “Thống Nhất Đất Nước.”
Hãy đừng quên 10 năm vô vàn khốn khô của người dân Miền Nam sau ngày Cộng Sản cưỡng chiếm miền này để thấy rõ chủ trương xóa bỏ văn hóa và căn cước quốc gia của người Việt ở phương Nam của Cộng Sản Bắc Việt nó ác hại, tàn độc như thế nào. Hãy đừng quên những câu ca dao thật mỉa mai này:
“Nam Kỳ Khởi Nghĩa tiêu Công Lý,
Đồng Khởi vùng lên mất Tự Do.”
7. Văn hóa làm nên con người bởi khi sinh ra trong xã hội văn hóa nào thì con người sẽ được xã hội hóa (socialized) vào trong xã hội, văn hóa đó. Nhưng mặt khác cũng chính con người làm nên văn hóa, vì khi sống cùng những người khác con người có những sinh hoạt trong đời sống xã hội, và những sinh hoạt đó là văn hóa. Con người không thay đổi về phương diện sinh vật, cái gene của con người từ lúc có con người homo sapiens tới ngày nay vẫn vậy, không có gì thay đổi. Nhưng văn hóa lại biến đổi theo thời gian và không gian vì văn hóa là những sinh hoạt nhằm thỏa mãn những nhu cầu sinh sống của con người. Ở đâu con người cũng có những nhu cầu ăn uống, che thân, muốn được sung sướng hạnh phúc, ở đâu cũng có tín ngưỡng, giáo dục, học hỏi, truyền thông, ở đâu cũng có nghệ thuật hát ca, nhảy múa, làm tình sinh con đẻ cái. Nhưng những sinh hoạt thể hiện những nhu cầu đó rất biến đổi tùy theo thời đại, tùy theo môi trường sinh sống. Văn hoá Miền Nam tự do, tuy có biến đổi, có tính cách khai phóng, mở rộng, vẫn còn giữ được một số những đặc tính tốt đẹp của văn hoá truyển thống của dân tộc Việt Nam. Trong khi đó, văn hoá Cộng Sản Bắc Việt, vùa bảo thủ theo Cộng Sản, vừa vong bản, phi dân tộc.
Những người Việt tỵ nạn Cộng Sản ở hải ngoại còn giữ được văn hoá dân tộc. Người Việt hải ngoại cần bảo tồn.
Nguyễn Thanh Liêm
Giới thiệu tác giả:
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Liêm: sinh năm 1934 tại Mỹ Tho; Tiến sĩ giáo dục (Viện Đại học Iowa State, Hoa Kỳ); là Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Giáo dục và Thanh niên thời Đệ nhị Cộng hòa; phụ tá của Phó Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Giáo dục: Bác sĩ Nguyễn Lưu Viên. Bác sĩ Nguyễn Lưu Viên sinh năm 1919; từng tùng sự tại Trường Đại học Y khoa Sài Gòn, Bệnh viện Chợ Rẫy và Viện Pasteur Sài Gòn; từ 1969 đến 1971 làm Phó Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Giáo dục rồi Phó thủ tướng kiêm Trưởng Phái đoàn Việt Nam Cộng Hòa ở Hội nghị La Celle Saint Cloud trong chính phủ Trần Thiện Khiêm.
* * *
BÀI LIÊN HỆ:
- Giáo dục ở Nam Việt Nam từ xưa tới 1963 (cùng tác giả)
- Giáo dục ở miền Nam tự-do từ 1963 đến 1975 (cùng tác giả)
- Nền giáo dục của chế độ VNCH: Sự tiếc nuối vô bờ bến (Thiết Trượng).
* * *
Xem bài liên hệ cùng chủ đề: click vào đây
Xem bài trên trang Biên khảo: click vào đây
Trở về trang chính: www.nuiansongtra.net