Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 10, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Đất nước, con người
PHAN LONG BẰNG, MỘT CHÍ SĨ YÊU NƯỚC...
Thiệu Khang NGUYỄN THÁI BÌNH


PHAN LONG BẰNG (1886-1908) MỘT CHÍ SĨ YÊU NƯỚC TRONG PHONG TRÀO DUY TÂN HỘI Ở QUẢNG NGÃI

Sau thất bại của phong trào Cần vưong do vua Hàm Nghi khởi xướng (1885-1896), mà đỉnh cao là cuộc khởi nghĩa Lê Trung Đình ở Quảng Ngãi, một thời gian sau, phong trào "Duy Tân hội" ở Quảng Ngãi (1904- 1908) lại nổi lên, tiếp tục chống Pháp. Khác với giai đoạn trước, phong trào Duy tân hội lần này mang màu sắc theo hướng dân chủ tư sản, do các cụ Trần Cao Vân, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh... đề xướng, đã tác động mạnh mẽ đến phong trào đấu tranh của nhân dân cả nước, trong đó có Quảng Ngãi.

Tại Quảng Ngãi, dưới sự lãnh đạo của các cụ khoa bảng như Lê Đình Cẩn, Lê Tựu Khiết, Trần Kỳ Phong, Phạm Cao Chẩm, Phan Long Bằng... phong trào Duy Tân nổi lên mạnh mẽ, với khẩu hiệu “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh" (1). Ngoài việc hô hào bãi bỏ thi cử chữ Nho lỗi thời, mở trường dạy chữ Quốc ngữ, bài trừ tham ô, quan lại và tệ nạn cường hào, tổng lý, bài trừ hàng ngoại, đề cao, phát triển hàng nội, thành lập các phường hội buôn bán, vận động nhân dân cắt tóc ngắn v.v...thì nội dung chủ yếu của Duy tân hội vẫn là đấu tranh dòi quyền lợi dân sinh, dân chủ là chính, nhất là đòi giảm thuế, giảm sưu năm Mậu Thân 1908, được nhân dân tích cực hưởng ứng.

Năm 1908, thực dân Pháp và Nam Triều ra sắc dụ tăng thuế đinh và thuế điền. Thuế đinh (còn gọi là thuế thân, đánh vào tráng đinh trong độ tuổi lao động từ 18 - 55) tăng từ 0,3 đồng lên 2,3 đồng/ năm (tiền Đông Dương), thuế điền (thuế ruộng đất) từ 1,5 đồng lên 2,5 đồng tiền Đông dương. Thời đó, giá trị đồng tiền khá lớn, 0,3 đồng ngang một tạ lúa, khiến cho nhiều gia đình tá điền khổ cực, điêu đứng, phải đi làm thuê, cuốc mướn hoặc đi ở đợ cho địa chủ, để có tiền nộp sưu, nộp thuế. Nông dân nhiều nơi vô cùng căm phẫn, đấu tranh chống lại thứ thuế vô nhân đạo này. Chính vì lẽ đó, mà khi tổ chức Duy tân hội kêu gọi nhân dân trong tỉnh đứng lên đấu tranh, chống lại các thứ thuế hà khắc nói trên, thì nhân dân Quảng Ngãi đã tích cực hưởng ứng, trong đó có cụ Phan Long Bằng, một chí sĩ yêu nước, một yếu nhân lãnh đạo của Hội đã hy sinh anh dũng vì quyền lợi dân sinh dân chủ của nhân dân, của dân tộc.

Phan Long Bằng tự Song Nguyệt, sinh năm 1886 tại thôn Thanh Sơn, xã Phổ Cường (Đức Phổ), xuất thân trong một gia đình Nho học. Năm 19 tuổi (1905) Phan Long Bằng ứng thi ở trường Bình Định, đỗ hạng ưu ở trường hai, nhưng tẩy chay trường ba, vừa gia nhập phong trào Duy tân Quảng Ngãi do Lê Đình Cẩn chủ xướng, vừa học thêm Pháp văn, quốc ngữ và toán học. Ông mở trường ở chợ Cung (Phổ Cường, Đức Phổ), để dạy cho thanh niên trong vùng.

Khi phong trào Duy tân nổi lên (1904), ông đã tìm cách liên lạc với các ông Lê Đình Cẩn, Lê Tựu Khiết, Trần Kỳ Phong, Phạm Cao Chẩm, Nguyễn Bá Loan...để xây dựng phong trào, nhất là ở các huyện phía Nam tỉnh Quảng Ngãi. Đồng thời, ông làm nhiều thơ ca hò vè, vạch mặt kẻ thù, cổ động đồng bào đứng lên đấu tranh, nhất là chống lại đám quan lại cường hào địa phương, như Chánh Luyện ở Tổng Vân, Xã Hứa ở Bàn Thạch, kể cả Tuần vũ Lê Từ và Công sứ Daudet ở tỉnh.

Đầu tháng 4.1908, Hội Duy tân cử ông vào hỗ trợ phong trào Duy tân ở Bình Định. Cùng với các ông Lê Lân, Nguyễn Đinh, Nguyễn Huy, Phan Cần... ông đã dẫn đầu đoàn biểu tình từ Đức Phổ qua Hoài Nhơn, Hoài Ân, Phù Cát, Phù Mỹ vào hợp cùng nông dân các huyện phía Nam, bao vây thành Bình Định, liền bị địch bắn chặn lại, nhưng ông vẫn dẫn đầu, đội nón cời, tay trái cầm cây bút chì, tay phải cầm cây roi tre, hiên ngang xông xáo trước hàng quân, cho đến khi bị địch bắn trọng thương.

Khi bị bắt, địch tra tấn, dụ dỗ chẳng được, cuối cùng chúng kết tội ông “Nhất tiên khả dĩ chỉ huy, nhất bút vận trù quyết sách” (có nghĩa là: một tay cầm gậy chỉ huy, một tay cầm bút vạch thì kế mưu), rồi chém đầu ông, bêu trước thành Bình Định (Đồ Bàn) ngày 30.4.1908. Ông đã hy sinh oanh liệt vì quê hương, đất nước. Sự hy sinh anh dũng của ông đã để lại cho nhân dân hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định niềm thương tiếc vô hạn.

Cảm khái trước cái chết oanh liệt của ông, nhà chí sĩ yêu nước, Tiến sĩ Hồ Sĩ Tạo (lúc đó đang cư ngụ ở phía Tây thành Bình Định, thôn Hoà Cư, xã Nhơn Hoà, huyện An Nhơn) đã làm bài thơ, ca ngợi khí tiết của vị nghĩa liệt sĩ đất Cẩm Thành như sau:

“Đồng bào kháng thuế, nổi cơn giông
Nói tới Đồ Bàn - nhớ tới ông
Cất bút nhà văn, gây sóng gió
Giương roi cửa võ đỡ non sông
Tấm gương oanh liệt to tày biển
Lưỡi kiếm quân thù nhẹ tựa lông
Hoa cỏ Thanh Sơn(2) thêm khí tiết
Trăng nước sông Trà rạng nghĩa nhân

Ông Nguyễn Đình Ân, người xã Phổ Cường (Đức Phổ) gọi Phan Long Bằng bằng cậu và cũng là người cũng đã tham gia phong trào Duy tân đã làm 2 đôi câu đốí sau đây để viếng cậu mình.

Từ lúc Bắc thuộc tới Tây gian, giống da vàng so với bốn phương trời, mặt thẹn hoàn dinh, thân thế đem thế gươm một lưỡi, hồn ngoài cương toả, anh hùng lưu lại tiếng nghìn thu.

Xưa Bàn Thành (3), nay Cẩm Quận (4), nắm xương trắng dập vùi ba tấc đất, Nghĩ mà thương! Kiếp phù sinh gặp phải lúc phong trần, phận bạc riêng anh, xách sổ toan kêu toà Ngọc điện.

- Thôi chỉ tiếc! Xác nô lệ trả về trong tạo hoá, suối vàng cùng cậu, đêm hồn chung đúc khí Thanh Sơn”.

Năm 1945, để tưởng nhớ ơn ông, nhân dân tổng Phổ Vân (5), huyện Đức Phổ đã lấy tên ông đặt cho tổng Phổ Vân là tổng Phan Long Bằng (gọi tắt tổng Phan Bằng), trong đó có xã Phổ Cường, quê hương của ông.

Mặc dù dập tắt được phong trào, song một thời gian sau, thực dân Pháp và phong kiến Nam triều buộc phải giảm bớt thuế xâu cho nhân dân. Cụ thể, thuế thân trước đó 2 đồng rưỡi 50 giảm xuống 2 đồng. Công ích (làm xâu) trước đây phải đi làm liên miên, không hạn định, sau này tráng đinh chỉ làm 3 ngày, ai không đi làm, thì có thể nộp 2 hào bạc trắng thay cho 1 ngày xâu. Đó là thắng lợi quan trọng mà Phan Long Bằng đã cùng với tổ chức Duy tân hội lãnh đạo nhân dân đã giành được.

Sinh thời, khi còn sống, Phan Long Bằng đã để lại nhiều bài thơ hay, vận động nhân dân đấu tranh chống thực dân Pháp và các hủ tục lạc hậu Nam triều phong kiến, trong đó có 2 bài thơ nổi tiếng đương thời, “Nợ nước đã vay thì phải trả” (6) và "Cải lương hương tục" (7) được nhân dân truyền tụng và lưu lại đến ngày nay (xin xem Phụ chú phía dưới).

Quảng Ngãi, tháng 6/2013
Thiệu Khang NGUYỄN THÁI BÌNH

Chú thích:

1. Khai dân trí (mở rộng trí thức cho dân); Chấn dân khí (cổ vũ tinh thần dân tộc tự cường) và Hậu dân sinh (xây dựng đời sống nhân dân no ấm, hạnh phúc).

2. Thanh Sơn (thôn) là quê hương của cụ Phan Long Bằng (Phổ Cường - Đức Phổ).

3. 4. "Xưa bàn Thành, nay Cẩm Quận" là ý nói bôn ba hoạt động của ông (Bàn Thành tức là thành Đồ Bàn xưa - Bình Định. Cẩm Quận tức Cẩm Thành, thành Gấm xưa - Quảng Ngãi)

5. Khi đó, địa danh đơn vị hành chánh chưa đổi, còn có cấp "tổng" {nhỏ hơn cấp "huyện" (quận)}, quê hương của Phan Long Bằng nằm trong tổng Phổ Vân. Do đó tục ngữ Việt Nam thời đó có câu "Chưa đỗ ông Nghè đã đe hàng Tổng".

 

6. Bài thơ "Nợ nước đã vay thì phải trả!".

Sóng gió mênh mông!
Nhìn cảnh vật càng thêm ảo não
Biển trần lai láng
Đoái non sông chi xiết ưu sầu!
Nào ai có tháy cảnh này đâu
Kìa trăm họ lầm than trong vũ trụ
Một gánh giang sơn là nghĩa vụ
Phải cùng nhau xây dựng lại trần ai
Tạo thời mới gọi là trai
Chớ gầm ghè vào trường danh lợi
Tới! Bước tới chớ nên chờ đợi
Tung trời xanh cho thoả chí mày râu
Vẫy vùng bố biển năm châu
Gian nguy chi sá, khổ đau chẳng nài
Cũng mắt mũi, cũng tóc ta
Há đê khoanh tay ngồi ỷ lại
Ngược sóng gió vững vàng tay lái
Dẫu phong ba nào ngại tử sinh
Làm cho bể khổ tan tành
Để cứu vớt chúng sinh, lên đài hạnh phúc
Dù đói no chịu chắt
Đừng tham võng lọng ngựa xe
Sóng tang thương dồn dập bốn bể
Người chiến sĩ có nghe chăng tá?
Hay là ỷ lầu cao vách đá
Chẳng đang tay tế độ trầm luân
Hay là tham vóc ngọc cành vàng
Chẳng ra sức phá tan đời dâu bể !
Thôi, nên gấp hy sinh vì thân thế
Đem nó ra mà bồi đắp non sông
Làm trai nặng gánh tang bồng
Nợ nước đã vay thì phải trả!
Thế cuộc đang cơn mưa tầm tã
Nước nhà đang dội sóng bất bình
Hô lên một tiếng đồng tình
Đẩy thuyền tế độ chúng mình bước qua
Sao cho rõ mặt con nhà.

(7) Bài thơ "Cải lương hương tục".

Buổi trời đất thuỷ chung ohục thái
Cây cỏ trồng thì trái mới sinh
Việc năm châu xem lại sử xanh
Nước người cũng văn minh như thế
Sao ta cứ can làm nô lệ
Thói muội mê ngồi kể xiết bao
Gửi lời nhắn với đồng bào
Ở đời phải liệu làm sao cho đời
Sao không biết nghĩa tuỳ thời 
Ấy là hư một cái đời dư sinh
Trước cho biết học vệ sinh
Những điều cần kiệm, tài dangh nghiệp thành
Bỏ tuồng du đãng phóng sinh
Bỏ lòng mê hoặc cầu thần tín vu (chỉ mê tín quàng xiên)
Bỏ điều bày vẽ khật khù
Bỏ điều khoa cử sĩ phu những ngày
Bỏ cờ, bỏ học, bỏ say
Bỏ hết thói xấu xưa nay sạch sành
Sao không hổ với với khách thanh (chỉ Hoà kiều)
Thèm chi đồ cẩn cũng giành mà mua (đồ cẩn là chỉ hàng mã)
Những đồ nhang giấy ra tro
Những dù với vải vật gì ích đâu
Rưọu bia làm hại biết bao
Uống vào phá huyết mà sau hại nòi
Anh em nghĩ lại mà coi
Rựơu chè be bét học đòi ích chi
Say sưa mỉa ỉa, lề bề
Nói xằng nói bậy kẻ chê người cười
Tóc dài nực nội trên đầu
Cảm xông sương tuyết dãi dầu nhuốc nhơ
Ai ơi chớ dại đừng khờ
Cải lương hương tục bây giờ làm gương.

Tài liệu tham khảo:

- Bùi Định: Tìm hiểu phong trào yêu nước của nhân dân Quảng Nghĩa 1885-1945. Ban Nghiên cứu và Hội VHNT Nghĩa Bình xuất bản năm 1985.
- Thơ văn yêu nước đầu thế kỷ XX- NXB Văn học, Hà nội 1976.
- Thơ văn yêu nước và cách mạng Quảng Ngãi 1930-1945. Hội Văn nghệ Nghệ An, xuất bản 1975.

(Ghi chú thêm: Để tưởng nhớ công lao của ông, gần đây, chính quyền địa phương và nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đã tu bổ, xây dựng lại Đền thờ - Nhà lưu niệm ông. Đền thờ, Nhà lưu niệm được công nhận là Di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh).

Thiệu Khang NGUYỄN THÁI BÌNH

* * *

Xem các bài cùng tác giả: click vào đây
Xem trang QN Đất nước, con người: click vào đây
Trở về trang chính: http://www.nuiansongtra.com  


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh