Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 10, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Đất nước, con người
CẦN TRẢ LẠI TÊN LÀNG CŨ CHO MỘT SỐ ĐỊA PHƯƠNG Ở QUẢNG NGÃI
Thiệu Khang NGUYỄN THÁI BÌNH


Phong hoá xưa nay:
CẦN TRẢ LẠI TÊN LÀNG CŨ CHO MỘT SỐ ĐỊA PHƯƠNG Ở QUẢNG NGÃI
Thiệu Khang NGUYỄN THÁI BÌNH

Tên làng xã có một ý nghĩa hết sức quan trọng, nó không những là địa danh đơn thuần để gọi, mà nó còn mang ý nghiã về mặt lịch sử, phong tục, tập quán và bản sắc văn hoá vùng đó. Điều đó được thể hiện trong lịch sử.

Có làng lấy tên một dòng họ (thường là những vị tiền hiền có công khai phá đầu tiên ở làng đó), như các làng Mai xá, Đào xá, (Lệ Thuỷ, Quảng Bình). Tộc danh "Mai, Đào, Ngô..." tức là tên của các dòng họ Mai, họ Đào, họ Ngô. Còn "xá" là chỉ vùng đất nơi ở. Có làng mang tên sự kiện lịch sử, như làng Ba Đình (Thanh Hoá). Có làng mang tên vị tâm linh, như làng Thất Sơn (Bảy Núi, An Giang). Có làng mang tên nghề nghiệp, như làng Cói (Hải Hậu, Nam Định)... Có làng mang tên cũ khi đi ở nơi khác, như ví dụ làng Đông Sơn ở Thái Bình khi vào Nam khai hoang, sinh sống, họ lấy làng Đông Sơn quê cũ (cố hương) đặt tên làng mới của mình, để nhớ về quê hương nguyên quán v.v…

Riêng ở Quảng Ngãi chúng ta cũng có nhiều tên làng gắn với các ý nghĩa trên, đồng thời cũng có một số làng mang tên ý nghĩa cầu tài, mỹ tự. Ví dụ, như các làng Phước Lộc ở xã Đức Hoà, Vạn Lộc Đông - Vạn Lộc Tây ở xã Đức Phú (Mộ Đức) Phú Lộc (Bình Sơn), mong muốn nhiều tài lộc, cuộc sống no đủ. Có làng mang tên mỹ tự đẹp đẽ, như làng Mỹ Thiện (Châu Ổ), Mỹ Khê (Tịnh Khê), hoặc mong cuộc sống giàu có, bình yên, như các làng An Phú, An Thành, Phú Nhiêu, Phú An. Có làng mang tên nghề nghiệp, như làng Chú Tượng (làng đúc), làng Thiết Trường (làng luyện sắt). Có làng mang dấu tích lịch sử, như làng Thạch Bi, Phổ Thạnh (tức bia đá, vì ở đây có một bia ký Chămpa, nay vẫn còn).

Có làng thì thích dùng từ liên quan đến mặt trời, khí dương, mùa Xuân, phương Đông để đặt, làng Đồng Dương (Tịnh Ấn, Sơn Tịnh). Có làng đặt tên văn chương, chữ nghĩa, mong con cháu thoát khỏi chân lấm tay bùn, như làng Văn Bân (Đức Chánh). Có làng ở gần ven núi thì lấy chữ Sơn đặt cho làng mình, như Nghĩa Sơn, có làng ở gần ven sông thì lấy chữ Thuỷ (Lệ Thuỷ, Thanh Thuỷ…), có làng ở vùng núi cao thì đặt lên Lâm, như Nghĩa Lâm (Tư Nghĩa).

Thậm chi một số địa danh cầu cống, quán xá cũng mang địa danh lịch sử, như cầu Dắt Dây (Đức Tân, xưa chưa có cầu, phải dùng đò, cột dây kéo qua, kéo về), Quán Vịt (Phổ Thuận, vì ở đây chuyên làm nghề ấp trứng vịt và bán vịt con), Quán Thơm (ranh giới giữa các xã Hành Thịnh, Hành Thiện, Hành Tín), chuyên bán sản vật là trái thơm, Quán Cơm (Sơn Tịnh) vì hồi đó có quán bán cơm cho khách vãng lai, trên đường thiên lý Bắc- Nam v.v…

Ngoài việc mang tên địa danh phong tục, tập quán, dòng họ... ra, nhiều tên làng được thể hiện qua các câu ca dao, tục ngữ rất trữ tình, mang dấu ấn rõ nét về đặc điểm vùng quê đó, như:

Củ lang mọng vỏ đỏ da
Ai về Long Phụng theo ta thì về
Ai về Long Phụng thì vê
Có sông tắm mát, chợ kề một bên.
(Long Phụng, Đức Thắng)

Hỡi cô lưng thắt bao xanh
Có về An Phú cùng anh thì về
An Phú có ruộng tứ bề
Có sông tắm mát, có nghề mạch nha.
(An Phú, Tịnh An)

Tiếng đồn Đông Phước nhiều tre
Tham Hội nhiều lúa, Châu Me nhiều tièn.
(Các địa danh phía nam huyện Bình Sơn)

Gái Thanh Khiết chuyên nghề cải giá
Trai Sùng Tích chuyên dạ kén dâu.
(Thanh Khiết, Nghĩa Hoà; Sùng Tích, Tịnh Long)

Bao giờ Thiên Mã sang sông
Thì làng Mỹ Lại mới không công hầu.
(Mỹ Lại,Tịnh Khê - quê hương của dòng họ Trương Đăng nổi tiếng công hầu, như Trương Đăng Đồ, Trương Đăng Quế, Trương Quang Đản...).

Nhìn chung, cũng như cả nước, việc đặt tên làng ở Quảng Ngãi đều hàm chứa nhiều ý nghĩa, lịch sử, tình cảm khát vọng ... chứ không phải thuần tuý như một số người nghĩ: "muốn đặt sao thì đặt" (!).

Tên làng có nhiều ý nghĩa đẹp đẽ như vậy, nhưng hiện nay có nhiều địa phương chưa quan tâm nhiều đến việc đặt tên làng, tên xóm, hoặc cải chính (đổi lại), nên xảy ra tình trạng bị biến đổi thành những con số khô khan, phản cảm, nhân dân không thích, họ thích đặt lại tên cũ.

Ví dụ như ở huyện Mộ Đức, khi chúng tôi đi điền dã, để lấy tư liệu viết lịch sử, văn hoá địa phương, được hỏi, rất nhiều người dân ở đây cho biết, họ không thích gọi tên làng mình theo con số (toán học) thôn 1, thôn 2... như ở các xã Đức Tân, Đức Chánh, hay xóm 1, xóm 2 như ở xã Đức Nhuận. Họ nói, chẳng thà ở thành phố, thị trấn gọi khối 1, khối 2 (tức khu phố 1, khu phố 2...) thì được, chứ ở làng quê mà gọi thôn 1, thôn 2..."nghe cứng lỗ tai quá!".

Cụ Nguyễn Thiện, 82 tuổi, ở thôn 7 (Đức Tân) nói:

"Trước đây, do chiến tranh, mấy ổng Cách mạng ở trên đặt theo con số để tiện (ký hiệu) hoạt động ...nhưng nay hoà bình rồi, đất nước thống nhất rồi thì trả lại tên làng cũ cho chúng tôi chứ, măc mớ chi để hoài vậy. Tại sao cùng hoàn cảnh chiến tranh như nhau, có làng thì giữ nguyên tên cũ, có làng thì đặt theo con số? nhờ quý anh nói giùm".

Rồi ông nói tiếp

-"Quý anh nhà báo biết không, xưa kia làng tui mang tên là làng Bầu Đế, hay lắm, vì nghe ông cố tui nói lại làng mình xưa nấu rưọu ngon lắm, cộng thêm trong làng nhiều bầu ao... nên đặt làng Bầu Đế".

Còn bà Đào thị Phúc ở thôn 1 (Đức Chánh) thì nói:

-"Tôi vốn ít chữ, nhưng nghe cụ ông nhà tôi khi còn sống nói, làng tôi xưa mang tên làng Phước Thành, nghĩa là mong muốn con cháu trong làng phúc đức, thành đạt. Hay quá đi chớ. Nay gọi thôn 1, nghe sao sao ấy..., rất mong cấp trên đổi lại chúng tôi".

Riêng cháu Trần Thị Huyền, học sinh lớp 9, trường THCS Đức Chánh thì nói:

-"Mỗi lần viết thư gửi cho ông bà ngoại cháu ở trong Tuy Hoà, Phú Yên, ngoài bì thư đề đội 1, thôn 1 cháu thấy khô khan quá. Nghe ông nội cháu bảo ngày xưa tên làng mình là làng Hoài An, nghĩa là mong ước hoài niệm thanh bình, cháu nghe thấy hay, tình cảm hơn gọi là thôn 2".

Không riêng gì cụ Thiện, bà Phúc, cháu Huyền, mà có rất nhiều người ở các nơi khác trong tỉnh, đề nghị chúng tôi nói lại với cấp trên, xem xét trả lại tên làng cũ cho họ, vì tên làng cũ đầy ắp bao kỷ niệm quá khứ, đẹp đẽ, gợi cảm lâu nay trong tiềm thức của bao thế hệ...

Nhiều khi tôi nghĩ dại rằng (người viết bài này), nếu có ai đó khi đọc các câu "Củ lang Long Phụng đỏ da... Tham Hội nhiều lúa, Châu Me nhiều tiền" đòi đổi lại thôn 1, thôn 2... như ở các xã Đức Tân, Đức Chánh thì sao nhỉ. Chắc chỉ có Trời biết (!).

Có thể khẳng định rằng, tên làng có ý nghĩa đặc biệt đối với cư dân vùng đó. Đồng thời, nó gắn liền với sự hình thành và phát triển của một dòng họ, bộ tộc, sự kiện lịch sử... nên có một ý nghĩa, sức mạnh tâm linh vô hình, liên kết mọi người cùng chung sống trong một cộng đồng dân cư bền vững nhất, vượt qua mọi khoảng cách về thời gian và thăng trầm lịch sử. Thông qua tên làng, xã các nhà nghiên cứu có thể biết thêm về lịch sử, văn hoá của vùng đất đó, về quá trình khai hoang mở đất, về những suy nghĩ, ước vọng đẹp đẽ của người Việt Nam nói chung, cũng như ở Quảng Ngãi nói riêng. Có thể nói tên làng xã là bức tranh rực rỡ màu sắc, chứa đựng nhiều tư liệu quý để cho con về sau hiểu được lịch sử của cha ông, của tiền nhân.

Vì vậy, chúng tôi thiết nghĩ, các cơ quan chức năng nên thận trọng, xem xét tâm tư nguyện vọng của người dân địa phương trước khi thực hiện việc đặt tên thôn, làng mới (định cư hay tái định cư), đồng thời với điều kiện lịch sử cho phép, có thể đổi lại tên làng cũ cho một số địa phương nói trên, nhằm thoã mãn ước vọng lâu đời của người dân ở đó, cũng như bảo vệ bản sắc văn hoá độc đáo của từng thôn làng nói trên./.

Quảng Ngãi- mùa Hạ tháng 5/2013
Thiệu Khang NGUYỄN THÁI BÌNH

* * *

Xem các bài cùng tác giả: click vào đây
Xem trang QN: Đất nước, con người: click vào đây
Trở về trang chính: http://www.nuiansongtra.com
 

 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh