Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 09, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Kiến thức, tài liệu
KINH NGHIỆM TOÀN TRỊ... (Phần IX)
NGUYỄN ƯỚC
Các bài liên quan:
    KINH NGHIỆM TOÀN TRỊ... (Phần IV)
    KINH NGHIỆM TOÀN TRỊ... (Phần III)
    KINH NGHIỆM TOÀN TRỊ... (Phần II)
    KINH NGHIỆM TOÀN TRỊ... (Phần I)
    KINH NGHIỆM TOÀN TRỊ... (Phần V)
    KINH NGHIỆM TOÀN TRỊ... (Phần VI)
    KINH NGHIỆM TOÀN TRỊ... (Phần VII)
    KINH NGHIỆM TOÀN TRỊ... (Phần VIII)
    KINH NGHIỆM TOÀN TRỊ... (Phần X)
    KINH NGHIỆM TOÀN TRỊ... (Phần XI)

KINH NGHIỆM TOÀN TRỊ TẠI TRUNG QUỐC (Phần IX).

NÉ LUẬT Ô NHIỄM MÔI-SINH, DOANH GIA HOA LỤC CHUYỂN XUỐNG VIỆT-NAM
Peter S. Goodman, Washington Post
Chủ nhật, 11.12.2005.

Hà Nội, Việt Nam - Trước khi rời quê cha đất tổ Trung Hoa hai năm trước đây, Li Shaoxing đang thua lỗ với xí nghiệp làm bọc xốp tại miền trung nước mình. Dù quê hương của y đã thành ra đồng nghĩa với lao động rẻ và thừa mứa cùng lợi lộc vô hạn do xí nghiệp đem lại, y đã vật vã với những khó khăn do tiền lương tăng, hụt năng lượng và hàng hoá đứng giá.

Vậy, cũng như các nhà tư bản hằng làm, Li đã kiếm một nơi dễ dàng hơn để thu lợi. Y liều xuôi nam sang bên kia biên giới, dựng ở đó một xí nghiệp trong khu kỹ nghệ mới của miền bắc Việt Nam, nơi tiền lương rẻ, chỉ xấp xỉ bằng một phần ba tại xứ y, và là nơi sự an toàn lao động cùng các tiêu chí bảo vệ môi sinh rõ ràng là rất ít ỏi.

“Sự cạnh tranh tại Trung Quốc thì gay gắt, và đầu tư vào Việt Nam là khôn ngoan,” Li nói lúc đang ngồi nơi văn phòng mặt tiền gắn kính, có máy lạnh, trong khi nơi căn nhà cơ xuởng kế cận, 500 công nhân lao động quần quật giữa tiếng lách cách của máy móc và mùi bốc lên từ plastic đang nấu chảy. “Công nhân vùng này đang thời buổi khó kiếm việc làm. Họ sung sướng có bất cứ việc làm nào và họ sẵn sàng chịu đựng cam khổ.”

Giống như số đông các chủ xí nghiệp Mỹ chuyển công ăn việc làm xuống châu Mỹ La-tinh và giống như các xí nghiệp ở Tây Âu lúc này đang ngó tới Ba Lan và Hungary, các nhà tư bản thời hiện đại của Trung Quốc cũng đang chú mục vào việc vắt lợi nhuận từ Ðông Nam Á. Họ đang nắm bắt các thị trường mới để buôn bán và dời công ăn việc làm xuống cho những người dân muốn lao động tại quê nhà mình, tuy lương rẻ hơn và thậm chí trong tình cảnh khắc nghiệt hơn. Trong một nền kinh tế toàn cầu bị lèo lái bởi việc đuổi theo phí tổn thấp hơn và lợi nhuận bổ béo hơn - cái lèo lái từng đưa rất nhiều công ty đa quốc gia tới một Trung quốc tiền lương thấp – thì Ðông Nam Á đang nổi bật như một phiên bản Trung Quốc của chính Trung Quốc.

Deng Weiwen, tổng giám đốc của Công ty TCL (Việt Nam), một cánh tay địa phương của công ty khổng lồ ở Trung Quốc chế tạo máy vô tuyến truyền hình mà từ năm 1999 đã lập xí nghiệp ở bên ngoài thành phố Hồ Chí Minh, nói: “Khá giống với Mỹ và Mexico, Trung Quốc và Việt Nam bồ sung cho nhau.”

Tại Việt Nam, các doanh gia Trung Quốc tìm thấy một xứ sở rất giống xứ sở của họ - đang giữa cuộc chuyển tiếp quằn quại từ chủ nghĩa cộng sản tới một nền kinh tế bị cai quản bởi các sức mạnh thị trường. Các nhà đầu tư Trung Quốc đã quá quen thuộc với việc kinh doanh tại nơi mà các quan hệ cá nhân cùng sự tiếp cận quyền lực thường lấn át pháp luật.

Zou Qinghai, doanh gia ngành dệt, kẻ đứng đầu Phòng Thương Mại của tỉnh Triết Giang Trung Quốc tại Hà Nội, nói: “Chúng tôi hiểu thông suốt rằng phải đưa tiền hối lộ thì mới xong công việc. Cách thức phát triển của Việt Nam chỉ đơn giản là một bản sao của Trung Quốc.”

Hiện nay, đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam còn trong thời kỳ mới triển khai. Tính từ năm 1988, theo con số của nhà nước, Việt Nam thu hút hơn 50 tỉ Mỹ kim, trong đó xấp xỉ một nửa đến từ Ðài Loan, Singapore, Nhật và Nam Hàn. Trong khi đang cạnh tranh với đầu tư nước ngoài thì Hoa Lục chỉ đưa vào (VN) 734 triệu Mỹ kim.

Nhưng, cũng theo con số của nhà nước, tính từ năm 1988, nhiều tiền của Hoa Lục được lọc qua các đối tác ở Hongkong đã thẩm thấu vào Việt Nam 3.7 tỉ. Trung Quốc trở thành đối tác mậu dịch rộng rãi nhất của Việt Nam, với thương mại hai chiều, và được kỳ vọng là năm nay sẽ đạt tới 7.5 tỉ.

Nguyễn Anh Tuấn, phó giám đốc Cơ quan Ðầu Tư Nước Ngoài tại Hà Nội, nói:

-“Chúng tôi nghĩ rằng Trung Quốc sẽ phát triển nhanh hơn trong tương lai, và các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ quan tâm nhiều hơn tới việc đầu tư ở bên ngoài xứ sở họ. Tiềm năng đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam là rất lớn.”

Các công ty đa quốc gia của nước ngoài có xí nghiệp tại các lưu vực sông Dương Tử và sông Chu - những khu vực sản xuất chính của Trung Quốc – đang gia tăng việc thăm dò Việt Nam và các khu vực khác ở Ðông Nam Á như những nơi có khả năng thay thế cho việc mở mang của họ tại Trung Hoa (Middle Kingdom). Việc đó đặc biệt đối với các công ty Nhật Bản vốn sợ hãi hậu quả của sự đấu đá ngoại giao và những cuộc biểu tình trên đường phố về việc Nhật không sẵn lòng nhận trách nhiệm về những hành động độc ác trong thời chiến.

Trong các công ty của Trung Quốc ở Việt Nam, có nhiều công ty chú mục đầu tư vào tài nguyên thiên nhiên và năng lượng. Vào tháng Mười, trong khi Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Ðào viếng thăm Hà Nội, công ty quốc gia khai thác dầu hỏa viễn duyên của Trung Quốc (CNOOC: China National Offshore Oil Corp.) đã ký thoả thuận với công ty năng lượng địa phương (VN) để cùng nhau thăm dò dầu và khí đốt trong Vịnh Bắc Việt.

Hiện nay, các nhà sản xuất của Trung Quốc bành trướng sang Việt Nam một phần vì muốn đầu tư dài hạn về cổ phần trước khi tạo được một hiệp ước tự do mậu dịch có qui hoạch với Trung Quốc. Hàng dệt và may mặc được chuyển sang Việt Nam để né tránh vấn đề hạn ngạch (quota) trong việc đóng hàng đi châu Âu và Hoa Kỳ.

Có vài đầu tư bị chuyển xuống (VN) vì vấn đề tuân thủ nghiêm nhặt hơn các tiêu chí bảo vệ môi sinh tại một số khu vực ở Trung Quốc. Theo các doanh gia Trung Quốc, kể lại với điều kiện giấu tên để khỏi làm các quan chức chính quyền nổi giận, thì các nhà lãnh đạo tại các vùng duyên hải khuyến khích các kỹ nghệ cực kỳ gây ô nhiễm, như plastic, thép và điện tử hãy cân nhắc việc dời địa điểm xuống Ðông Nam Á.

Ðang có sự thúc đẩy mạnh mẽ của Ôn Châu, một thành phố thuộc tỉnh Triết Giang, phía nam của Thượng Hải, từng phục vụ lâu dài như một đầu tàu cho sự phát triển trong lãnh vực tư nhân của Trung Quốc.

Trong các tháng vừa qua, quan chức ở Ôn Châu triệu tập hội nghị bàn tròn với các doanh gia địa phương để khích lệ những kẻ làm ô nhiễm cao hãy dời đi. Theo lời kể của hai người tham dự thì trong một cuộc họp, phó thị trưởng Ôn Châu đã đặc biệt tuyên bố rằng các kỹ nghệ gây ô nhiễm cao sẽ bị tước quyền sử dụng đất, nước và điện.

Các doanh gia ấy còn kể rằng năm nay, chính quyền thành phố Ôn Châu và chính quyền tỉnh Triết Giang đã cùng nhau tổ chức 50 chuyến đi do họ đài thọ, cho các doanh gia địa phương để xem xét các địa điểm kỹ nghệ sắp tới tại Việt Nam và những nơi khác tại Ðông Nam Á.

Trong khi hẳn có ít kẻ mô tả Trung Quốc như ngọn hải đăng về an toàn lao động và tiền lương cao, thì trong các cuộc phỏng vấn, các nhà đầu tư Trung Quốc thừa nhận rằng Việt Nam vẫy tay ra hiệu như một địa điểm thậm chí tiền lương còn rẽ hơn và ít bị qui định hơn, để điều hành một xí nghiệp.

Qing Song, phó tổng giám đốc của Lifan Việt Nam, xí nghiệp xe gắn máy do một công ty Trung Quốc mở ở bên ngoài Hà Nội, nói: “Ở đây, công nhân có thể thật sự chấp nhận gian khổ. Bất cứ yêu cầu nào mà bạn đưa ra cho họ trong ngày, họ đều đáp ứng đủ.”

Tại xí nghiệp đó vào một buổi chiều gần đây, người ta tháo các tấm tôn mà không có găng tay bảo hộ trong khi những người khác đang điều khiển máy móc nặng mà không có kính bảo hộ hoặc đồ bịt tai. Việc lao động tiếp tục dưới trần nhà làm bằng tôn dợn sóng theo cấu trúc rất ít thông thoáng. Ðàn ông đi dép, dùng xe bò để chuyển gạch tới một địa điểm xây cất.

Nguồn: “China businesses skirt pollution laws by relocating manufacturing to Vietnam” (toàn văn bằng tiếng Anh), Diễn đàn Talawas, mục spectrum, ngày 12.12.2005.



Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh