Tôi và anh Trương Quang quen nhau kể từ ngày tòa soạn tuần báo Trường Sơn dời về đại lộ Thống Nhất, chỉ cách doanh trại Tiểu Đoàn 10 Chiến Tranh Chính Trị của anh không đầy một phần ba dặm đường.
Tuy bận rộn với công việc song chúng tôi vẫn thường xuyên gặp gỡ và cùng bàn thảo với nhau đủ mọi thứ chuyện. Từ chuyện chiến tranh đến chuyện báo chí, chuyện chính trị luôn cả chuyện một nền văn học vốn có nhiều biến thái ở những thập niên cuối cùng của thế kỷ 20, dẫy đầy sự lẫn lộn giữa hiện thực với trừu tượng, giữa cái chân với cái giả… qua bao nhiêu cảnh nhiêu khê thoát thai từ một dòng ý thức.
Từ đó tôi bắt gặp Trương Quang qua suy tư của anh đối với cuộc chiến tàn phá cả lòng nhân và đạo đức chỉ vì sự đam mê đến đần độn của những kẻ bên kia, cho đó là tiêu biểu của một cuộc cách mạng.
Với họ, chỉ có máu và nước mắt, sự chết chóc và cảnh đổ nát mới hoàn thành được cuộc cách mạng giải phóng con người và giải tỏa được mọi ẩn ức mà theo họ đó là “stream of consciousness” – hay đúng hơn là “Ideology” - dòng ý thức hệ phải giải quyết bằng khói lửa chiến tranh đánh đổi thân phận con người bằng máu và nước mắt! Theo Trương Quang cũng chỉ vì cái tham vọng đó mà họ đã ngụp lặn một cách mù quáng trong dòng suối máu, bất chấp vốn có chung cùng một huyết hệ. Trương Quang có quan niệm rõ ràng xuất phát từ dòng tư tưởng của anh, từ con người đích thực của anh, chứ không phải do vì công tác của anh đang phục vụ. Anh đã được đặt vào vai trò đúng theo lý tưởng trước cuộc chiến bằng khối óc và dòng suy tư đối đầu với kẻ thù bên kia chiến tuyến.
* * *
Anh sinh tại thôn Hải Môn, Thanh Hiếu, xã Phổ Minh, Tổng Phổ Tri, quận Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi thuộc dòng dõi nổi tiếng dưới triều vua Tự Đức.
Xuất thân từ trường sư phạm, hiệu trưởng một trường công lập và sau đó anh xếp bút nghiên để đi làm nhiệm vụ của chàng trai thời loạn lên đường nhập ngũ.
Vốn là một nhà giáo, Trương Quang lúc nào cũng nắm giữ vị trí mô phạm từ kỹ thuật đến cung cách hành văn, luôn cả nội dung trong các bài tham luận. Anh đúng là con người của khuôn vàng thước ngọc. Tôi muốn nói đến “con người đích thực” của Trương Quang biểu lộ qua những bản lai cảo tuần tự mà anh gửi đến tòa soạn.
Tôi thật sự ngạc nhiên và thích thú trước các bản lai cảo bằng thủ bút của anh với sự trình bày thuần nhất, thật trang trọng và thật mỹ thuật, khiến cho tôi có cảm tưởng anh đã vẽ lên một bức tranh bằng chữ nghĩa thật tuyệt vời. Điều này làm cho tôi liên tưởng đến Ma Cật một nhà hội họa tài ba mà cũng chính là Vương Duy, nhà thơ vang danh của thời Thịnh Đường trong nền Văn Học Sử Trung Hoa, được người đời ca tụng:
Vị Ma Cật chi thi,thi trung hữu họa
Quan Ma Cật chi họa, họa trung hữu thi.
(Ngâm thơ ông Ma Cật, trong thơ có vẽ
Nhìn tranh ông Ma Cật, trong vẽ có thơ).
* * *
Thế rồi cuộc chiến chấm dứt. Miền Nam sụp đỗ. Chúng tôi như đàn chim vỡ tổ lạc bầy, mỗi người mỗi ngả mang theo một nỗi cay đắng tận cùng:
“Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản”
Con hạc vàng một đi không trở lại.
Những tưởng không bao giờ còn nhìn thấy được nhau. Nhưng, bất thần, một buổi chiều Thu bầu trời ngã màu vàng ảm đạm, như Phương Đình Lương Thế Lịch, tôi và Trương Quang cũng lại gặp nhau, tay bắt mặt mừng, ôn lại tất cả những gì đã mất. Anh nói với tôi:
-“Chúng ta có thể mất tất cả đất nước, quê hương, song con người và lý tưởng cao đẹp của chúng ta không bao giờ bị đánh mất.”
Và, từ đó chúng tôi lập lại từ đầu như những ngày còn chưa mất nước, các bản thảo của anh như ngày nào trong nước lại gửi đến tôi, nói lên thân phận của những người bị bức bách xa rời cuộc chiến.
Hôm nay bất giác tôi nhận được tập “Tùy Bút Viễn Phương”, đứa con tinh thần đầu lòng của anh, môt tác phẩm viết lên theo nhu cầu từng chuyến viễn du đi tìm những nét văn hóa bốn phương và hình ảnh của các tiền nhân như lịch sử đã ghi những người không chết.
Tôi bắt đầu đọc. Không hời hợt. Không bỏ sót. Tôi nghiền ngẫm từng chữ trong các bức tranh của anh. Tất cả những tiểu phẩm gôm lại của anh trong một tùy bút đủ mọi thể tài, đủ mọi chuyện, mang tính phóng khoáng như trời cao bể rộng, hệt như lời của Vangogh kêu lên khi nhà đại danh họa này đứng trước cảnh tượng của tạo hóa trong vinh quang tột đỉnh. Anh hoàn toàn khách quan, trước các cảnh thiên nhiên, không mang trạng thái ý thức nào, nó đến với anh thật êm dịu nhẹ nhàng như những giấc mơ tuyệt hảo.
Trong tập “Tùy Bút Viễn Phương” tôi đặc biệt chú ý, ngoài sự hiểu biết của tôi, đó là bài “Sự Thật của Nghi Vấn DÒNG HỌ VUA TỰ ĐỨC”. Và, đúng như anh viết “Một chuyện quái lạ tưởng như thâm cung bí sử dưới triều Nguyễn” mà quả đó nếu anh không thổ lộ ra điều này…thì chẳng ai biết đó là thủ đoạn của trò chính trị, để ly gián giành giật ngai vàng dưới thời nhà Nguyễn, do đó một một mệnh phụ phu nhân mang nhiều tai tiếng và một đại thần bị vu oan giá họa”.
Anh Trương Quang – một cây bút, một người có liên hệ như một chứng nhân – tiết lộ:
-“Đây, quả là một mũi tên độc bắn xuyên thấu cả ba người đương cầm vận mệnh đất nước trong lúc phải đối phó với thù trong giặc ngoài”.
Một chuyện khác mang tính ký sự, nhưng thật ra Trương Quang vừa chiêm ngưỡng cảnh đẹp nước người, vừa để tô đậm nỗi lòng ái quốc của một người mất nước đang lưu lạc giang hồ… Anh bước chân đến Vạn Lý Trường Thành để nhìn tận mắt cái kỳ vĩ, anh đến Tử Cấm Thành, Thiên An Môn để chiêm ngưỡng cái đồ sộ và cái diễm lệ của Di Hòa… Với anh, tất cả những cái hùng vĩ, tráng lệ, anh chiêm ngưỡng và ca tụng cái đẹp của đất trời nơi đất khách, cho dù ở bất cứ lĩnh vực nào, anh vẫn an nhiên tự tại. Với anh không có một điều gì khiến anh đánh mất đi tình yêu đất nước.
Anh đã thổ lộ tâm tư của mình khi “Viếng Châu Giang Hoàng hoa Cương: nơi vinh danh liệt sĩ Phạm Hồng Thái”. Trong bài ký sự này anh tâm sự:
-”Khách du lịch đến Trung Hoa đều ca ngợi Vạn lý trường thành kỳ vĩ, Tử cẩm thành Thiên An môn đồ sộ, lâm viên Di Hòa tráng lệ v.v…đều là những kỳ công còn được bảo tồn.”
Và sau đó Trương Quang nói về tâm tư của mình khi đứng trước những cảnh tượng đã có gắn bó hình ảnh của những anh hùng mà tất cả người Việt không bao giờ quên đi được:
-“Tôi chỉ là một “người nhà quê” nước Việt, đứng trước cảnh hùng tráng của nước Tàu, ở nhiều nơi bỗng tưởng nhớ đến các sứ thần đầy tiết tháo và mẫn tiệp của nước ta đã giữ vững cương vực và quốc thể của nước nhà ngay tại Tây An, tại Nam Kinh, tại Lạc Dương và tại Bắc Kinh v.v…Bao nhiêu thành trì và lăng tẩm tráng lệ ấy còn là biểu hiệu của một đế quốc kiêu mạn từng từng áp đão các nước Đông và Tây, Phạm sư Mạnh, Hồ tông Thốc, Mạc Đỉnh Chi, Phùng Khằc Khoan, Nguyễn Đăng Tạo, Ngô Thì Nhậm, Trịnh Hoài Đức…của nước Việt. Thành phố Thượng Hải quá phồn thịnh vẫn không đủ dung nạp chí lớn của nhà cách mạng Phan Bội Châu khi người tá túc nơi đây. Thăm Hàng Châu để ngắm Tây Hồ, một hồ đứng đầu của 26 danh hồ thế giới đẹp như thơ xinh như mộng. Các hình ảnh này vẫn không đẹp hơn lời thơ của sứ thần Nguyễn Du trên sông Tiền Đường…”
v.v…
Và, để nói lên sự bất khuất của một anh nhà quê khiêm nhường nhưng dày chí cả…, Trương Quang mượn cảnh Thái tử Yên Đan lên đường sang Tần hành thích. Triều thần mặc tang phục bày tiệc rượu tiễn biệt Kinh Kha bên bờ sông Dịch Thủy, hôm ấy có cả người bạn tri âm là Cao Tiệm Ly đến dự, thổi sáo tiễn đưa, Kinh Kha hát theo tiếng trúc nghe nỉ non nhưng đầy hùng khí:
Tiến sĩ một đi không trở lại
Dòng sông Dịch Thủy rẽ đôi nơi.
Rượu nồng máu hận đầy vơi ấy,
Tiếng trúc còn vang mãi với đời.
Như những ngày nào còn trong đất nước, Trương Quang cùng tôi nói đủ mọi chuyện. Chuyện đất nước. Chuyện chiến tranh, chuyện của ý thức hệ v.v… thì trong tập ký sự “Tùy Bút Viễn Phương” của anh cũng diễn tiến như con người anh ghi nhận đủ mọi thứ chuyện: từ chuyện biên khảo, nhắc lại hình ảnh xa xưa ở miệt đồng quê với tiếng lòng của quảng đại quần chúng bao hàm cả dân tộc tính, và luôn cả sắc thái độc đáo địa phương. Miền Bắc có điệu lý giao duyên với lý quạ kêu, lý con sáo hay lý ngựa ô, lý qua cầu … Miền Nam có điệu cò lã, hò dô ta, có hố hụi…và Miền Trung quê hương của có Núi Ấn, Sông Trà, có điệu hò mái nhì, mái đẩy, nỉ non lả lướt và v.v… Tất cả đều được ấp ủ trong Tùy Bút Viễn Phương trong nỗi lòng uất nghẹn của anh.
Trước khi từ biệt, Trương Quang, tâm sự như Nguyễn Du thời xưa đã u buồn khi đi sứ sang Tàu phải rời xa đất nước. Đến đây anh bỗng khẽ ngâm lên bài Vọng Cố Hương của Nguyễn Du như nói lên nỗi u hoài thất chí của một chàng trai thời loạn:
Nhất thiên xuân hứng thùy gia lạc
Vạn lý Quỳnh Châu thử dạ viên
Hồng Lĩnh vô gia huynh đệ tán
Bạch đầu gia hận tuế thời thiên. (*)
Ngày 15-05-2010
THINH QUANG
(*) Dịch xuôi:
Một trời xuân hứng rơi vào nhà ai?
Muôn dặm xa ở Quỳnh Châu trăng tròn vành vạnh.
Chốn non Hồng không còn nhà, anh em đều ly tán.
Đầu bạc rồi thường hận vì ngày tháng đổi dời…
* * *
Xem bài cùng tác giả: click vào đây
Xem trang Tạp văn, tùy bút: click vào đây
Trở về trang chính: www.nuiansongtra.com