Theo gia phả, ông tên thật là Phan Văn Hiệu, sau này đổi tên là Phan Thanh (1836-1914), tự là Tịnh Trai, hiệu là Long Khê cư sỹ. Năm Đồng Khánh nguyên niên (1885), vì tên cũ phạm huý, nên đổi lại là Phan Thúc Nghiễm, tự là Vọng Chi.
Ông sinh năm 1836 (Bính Thân), Minh Mạng thứ 17. Quán làng An Nhơn, nay là thôn Tân Mỹ, xã Tịnh An, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Ông mất ngày 29 tháng 3 năm Giáp Dần (1914). Duy Tân năm thứ 9. Vợ ông là Trưỏng nữ Bạch Thị Loan (con cháu Bố chánh Bạch Xuân Nguyên), quê quán ở thôn Đại Lộc, xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh.
Thưở nhỏ, ông vốn là người thông minh, hiếu học, lớn lên có tài kinh dịch, giỏi thơ phú. Ông là một trong số học trò giỏi nhất của cụ Lê Trung Lượng (thân sinh của Lê Trung Đình). Bạn học của ông khá đông, sau này nhiều người có tên tuổi, như Án sát Nguyễn Duy Cung, Đông các Nguyễn Trung Mưu... đếu là những nhà nho có lòng yêu nước.
Dưới triều vua Tự Đức, ngoài 2 khóa thi (thi Hương, thi Hội) như thường lệ, nhà vua còn tổ chức một số khoá thi bất thường, trong đó có khoá thi Hoàng từ (dành cho những Tú tài giỏi văn chương thi phú nhất). Ông đã trúng tuyển Tú tài Thượng hạng, khoa Tân Sửu (1861), năm Tự Đúc thứ 14.
Sau khi đậu xong, ông tiếp tục đèn sách, theo khoa cử, nhưng vì sức khoẻ yếu, học hành quá sưc, lại bị bệnh đau mắt trước đó, nên dần dần về sau, mắt ông bị mù. Đưòng danh phận phải dừng lại, ông chuyển sang dạy học, cốt để dem hết tài trí, đức độ truyền cho con cháu nên người.
Học trò của ông khá đông, và ở khắp nơi, trong đó có 72 môn đồ học giỏi, được ông khắc tên vào bảng Vàng, treo tại nhà thờ Long Khê Tự Đường. Năm Mậu thân (1968), bị bom ngoại đốt cháy cùng các kỷ cật khác. Tuy vậy, vẫn còn biết rõ một số người (sau này thành đạt), như Cử nhân Lê Trung Đình, Tú tài Trần Kỳ Phong, Tú tài Kiều Lâm, Tiến sĩ Tạ Tương (Thượng Thư Bộ Hình), Tiến sĩ Lê Ngãi, Cử nhân Phạm Viết Dung, Án sát Trần Giảng v.v... trong đó có 2 nhà chí sĩ yêu nước nổi tiếng, là Cử nhân Lê Trung Đình (lãnh tụ phong trào Cần vưong đầu tiên ở Quảng Ngãi 1885 và Tú tài Trần Kỳ Phong (một trong những yếu nhân lãnh đạo phong trào Duy tân, kháng thuế, cự sưu 1908 ở Quảng Ngãi).
Ông vẫn giữ trọn niềm trung hiếu của một nhà Nho xuất thân từ cửa Khổng sân Trình. Cái quan niệm Thuận Thiên Minh Đức của người quân tử không nhoè phai. Mặc cho lòng người nay đổi mai thay, nhưng ông vẫn giữ một tấm lòng thanh khiết sắt son với đạo Thành hiền.
Đối với dân với nước, ông có tinh thần yêu nước, thuơng dân. Bức xúc và bất lực vì bệnh tật, ông đã làm hàng trăm bài thơ nói lên chí khí của mình (rất tiếc ngày nay do thất lạc quá nhiều, chỉ còn một số lưu lại trong dân gian và một số sách in qua các thời kỳ). Thơ ông kịch liệt lên án những kẻ bất tài, cõng rắn cắn gà nhà, ca ngợi, thương tiếc những nghĩa sĩ đã quên mình vì nước, vì dân của các bạn bè, học trò ông, đặc biệt lòng thương dân khôn tả qua bài thơ dài "Lụt bất quá" (xem bài nầy, click vào đường dẫn ở cuối bài) mà đến nay ở Quảng Ngãi và các tỉnh lân cận như Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên còn lưu truyền.
Bài thơ này ông viết vào năm Mậu Dần (1878), thông qua cảnh tượng lụt lớn, ông mô tả cái xã hội thối nát thời bấy giờ để mặc dân lành đói rách, mặc cho bọn cường hào ác bá đục nước béo cò, thả sức bóc lột dân đen, đồng thời cũng thắm thiết nêu lên cái gương lá lành đùm lá rách, đầy tình người của người dân lao động Quảng Ngãi. Vì vậy, bài thơ này, được nhân dân cảm kích, truyền tụng từ đời này qua đời khác.
Tháng 4 năm Kỷ Mão (1879), vua Tự Đức nghe bài thơ này và cũng biết tài Kinh dịch của ông, nên mời ông ra Triều đình Huế, để ông xem xét vận Nước và vận Nhà của Vua. Sau một thời gian phục vụ nhà vua, ông được vua ban sắc và trát sức đưa cáng võng ông về tận quê nhà.
Đối với người thầy dạy, ông là người rất mẫu mức về lòng tôn sư trọng đạo. Vào thời Tự Đức thứ 15, năm Nhâm tý (1872), ở làng An Nhơn (nay là Tân Mỹ-Tịnh An- Sơn Tịnh) có cụ Tú Khoa, thường gọi Phát Khoa, thuộc thế hệ trước, cũng là người tài trí, thông minh, hiềm một nỗi là nhà nghèo khó. Khi cụ Phát Khoa qua đời, ông là người đề xướng và đứng ra quyên góp tiền mua đất Hượt điền (Học điền), để thờ cúng, kỵ lạp hàng năm cho thầy. Việc làm ấy còn lưu mãi đến ngày nay.
Đối với tình bạn, ông rất thuỷ chung, cảm khái, nhất là những người bỏ mình vì nước, đó là Án sát Nguyễn Duy Cung và quan Thị lang Phạm Hữu Mô. Án sát Nguyễn Duy Cung (ngưòi làng Vạn Tượng, nay thuộc xã Nghĩa Dũng- đố Cử nhân khoa Mậu Thìn 1868) là bạn học với ông (đồng môn của cụ Án Lê Trung Lượng), người đã viết Huyết lệ tâm thư và tử tiết ở thành Bình Định (1885). Còn quan Thị lang Phạm Hữu Mô (đố Cử nhân khoa Mậu Dần 1878), người bạn tâm giao, cùng bản quán với ông, đã treo ấn từ quan, tham gia phong trào Văn thân yêu nước (1896), cũng hy sinh vì nước... đã khiến ông xúc động, ông lấy đó làm tinh thần nghia khí cho mình và truyền đạo lòng yêu nước cho học trò ông dạy.
Đối với học trò, ông hết sức thương yêu, nhưng cũng rất mực nghiêm khắc. Lê Trung Đình (là con của thầy cũ), đã xin đặt Hiệu, được ông đặt Hiệu cho là "Long Cung" (vì Hiệu ông là Long Khê). Ông quyết chí đào luyện Lê Trung Đình nên người, về sau này, lúc kéo cờ khởi nghĩa (năm Ất Mùi 1885), cụ Cử Đình có về, yết bái ông trước khi xuất quân. Ý là vừa để tỏ tình với thầy cũ, có lòng yêu nước, nhưng cũng như mọi lần là để nhờ ông làm Quân sư.
Nhưng rất tiếc, đại cuộc không thành. Sau khi Lê Trung Đình bị bắt, bà thâm mẫu của cụ Cử Đình, vội đến ẩn náu tại nhà ông (tức nhà thờ Long Khê Tự Đường), chẳng may bị lộ, nhà cầm quyền đến tận nhà, băt ông giải lên Tỉnh đường để xét hỏi.
Đứng đầu cuộc hỏi cung này, có Bố chánh Nguyễn Hữu Bằng. Tại đây, Nguyễn Hũu Bằng hỏi gay gắt "Ông có dấu người nhà của Lê Trung Đình không?". Ông bình tĩnh, không trả lời ngay. Lại một câu quát nạt tiếp xé trời "Có hay không?". Ông nhìn thẳng vào quan Chánh và lũ thư lại, rồi ứng khẩu một bài thơ. thay lời đáp cung:
Biết đâu là có, biết đâu không!
Tôi hỏi lòng tôi, thử có không!
Phải có, bấy nay đã thấy có
Bởi không, đây đó, thử có không!
Khi không, ai khéo, bày kêu có
Thật có, sợ gì lại chối không
Không có, có không, trời đất biết
Mặc ai nói có, vốn tôi không
Trước lời lẽ đânh thép, khí khái, nhưng nhẹ nhàng lý thú, bọn Hữu Bằng phải thả ông về, vì không đủ chứng cớ buộc tội. Về sau, Nguyễn Hữu Bằng về Triều đình, nhận chức Lễ Bộ Tả Thị lang, Hữu Bằng cảm phục tài đức uyên thâm của ông, nên đã tặng ông 2 câu đối:
Nhơn lý, đa niên, lưu trạch giã
Cảm Thành thử địa, đắc nhân duyên.
(Rất tiếc 2 câu đối trên bị cháy cùng Nhà thờ Long Khê năm Mậu Thân 1968)
Đối với gia đình, gia tộc, ông rất mực nhớ ơn ông bà tổ tiên, thờ phụng chu tất và rất nghiêm khắc về giữ gìn đạo hiếu cho con cháu. Ông quan niệm rằng, người sống không có hiếu đối với ông bà, cha mẹ, không có tình nghĩa với bà con, anh em thì không thể nói người ấy trung với nước, hiếu với dân được. Hay nói một cách khác, muốn thành sự nghiệp, nên người, phải bắt nguồn từ một nền gia giáo tôt, trước hết trong gia đình, gia tộc. Ông đã dịch Trường thiên "Nhị thập Tư hiếu" của Lý Văn Phức, đồng thời vẽ lên vách nhà ở 24 hình ảnh hiếu để của người xưa, cốt là để hàng ngày con cháu xem và lấy đó là bài học vỡ lòng của đời mình.
Tháng 3 năm Giáp Dần (1914), Duy Tân năm thứ 3, do bạo bệnh, ông mất, để lại niềm thương tiếc, cảm phục cho con cháu và nhân dân trong tỉnh, đồng thời cũng là tấm gương nghĩa khí cho các đời sau noi theo./.
Thiệu Khang NGUYỄN THÁI BÌNH
Tài liệu tham khảo:
- Khuôn mặt Quảng Ngãi, Phạm Trung Việt, Nam Quang, Sài Gòn1973
- Non nước xứ Quảng, Phạm Trung Việt, Cẩm Thành thư xã 1974
- Giai thoại và thi ca miền Ấn Trà, Phạm Trung Việt, Nam Quang 1973
- Quảng Ngãi tỉnh chí, Nguyễn Bá Trác - Nam Phong 1933.
- Gia phả tộc họ Phan Tân Mỹ (Tịnh An, Sơn Tịnh)
- và một số Tư liệu khác.
* * *
Xem bài vè "Lụt bất quá": click vào đây
Xem các bài cùng tác giả: click vào đây
Xem trang QN, Đất nước, con người: click vào đây
Trở về trang chính: http://www.nuiansongtra.com