Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 08, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Biên khảo
SỰ NÀY CHỈ TẠI BÀ CHÈ...
ĐÀO ĐỨC NHUẬN


Sau khi giết vua Lê Chiêu Tông, Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê lập nên nhà Mạc vào năm 1527. Các trung thần nhà Lê kẻ bị giết, kẻ tự vận, người bỏ trốn để tìm đường khôi phục. Trong số bỏ trốn đó có Nguyễn Kim chạy sang đất Cầm Châu (Ai Lao) nằm về phía Tây tỉnh Thanh Hóa chiêu binh mãi mã, tìm kiếm con cháu nhà Lê để phục hưng. Đến năm 1533, Nguyễn Kim tìm được người con út của Chiêu Tông là Duy Ninh đưa lên ngai vàng tức vua Lê Trang Tông (1533-1548). Nhà Lê trung hưng từ đây.

Tại làng Sóc Sơn, huyện Vĩnh Lộc, phủ Quảng Hóa, tỉnh Thanh Hóa có một anh hùng thảo dã nhà nghèo ít học nhưng có tài thao lược đã đầu quân dưới trướng của Nguyễn Kim và đã được Nguyễn Kim rất tin tưởng, gả con gái Ngọc Bảo cho ông. Đó là Trịnh Kiểm (1503-1570).

Năm 1545, Nguyễn Kim bị đầu độc chết, binh quyền về tay con rể là Trịnh Kiểm. Kiểm được Lê Trang Tông phong làm Đô tướng Tiết chế các doanh quân thủy bộ, kiêm Tổng nội ngoại Bình chương quân quốc trọng sự, Thái sư, Lạng quốc công, nắm toàn quyền quyết định mọi việc trong ngoài. Thời gian này có nhiều nhân tài quay về với vua Lê như Lương Hữu Khánh, Phùng Khắc Khoan. Từ đây, Trịnh Kiểm từng bước gây thanh thế, tạo nên cơ nghiệp cho dòng họ Trịnh sau này.

Năm 1546, Trịnh Kiểm rước vua Trang Tông về Tây Đô tức Thanh Hóa lập nên thế Nam Bắc Triều: từ Thanh Hóa trở vào thuộc vua Lê gọi là Nam triều, từ Sơn Nam trở ra thuộc nhà Mạc gọi là Bắc triều, gọi chung là thời kỳ Nam Bắc triều (1527-1592). Trong hoàn cảnh đất nước bị qua phân, chiến tranh triền miên khiến dân chúng vô cùng cực khổ buông lời ta thán:

Một nhà hai chủ không hòa
Hai vua một nước ắt là không yên!

Năm 1548, Trang Tông từ trần, con là Duy Huyên nối ngôi tức vua Lê Trung Tông (1548-1556). Sau 8 năm cầm quyền, Trung Tông băng hà.

Tương truyền, Trịnh Kiểm thấy uy quyền mình quá lớn, các quan lại trong triều đều răm rắp tuân theo, mà Lê Trung Tông lại không có con nối ngôi, Kiểm đã toan bắt chước Mạc Đăng Dung soán ngôi nhà Lê nhưng còn lưỡng lự. Các quan trong triều cũng không dám có ý kiến gì. Trịnh Kiểm bèn theo lời đề nghị của Lương Hữu Khánh phái sứ giả lẻn ra Hải Dương là đất của nhà Mạc để xin Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) một lời khuyên. Trạng Trình không trả lời ngay ý định của sứ giả mà lại ngoảnh ra sân gọi bọn người giúp việc căn dặn: “Năm nay mất mùa, thóc giống không tốt, chúng mày nên tìm giống cũ mà gieo mạ.” Xong, lại sai bọn người nhà ra chùa bảo chú tiểu giữ chùa quét dọn, thắp hương và nói cho chú ấy biết “Giữ chùa thờ Phật thì có oản mà ăn.” Sứ giả nghe đến đấy biết được ý của Trạng bèn cáo từ và về Nam tường trình mọi việc cho Trịnh Kiểm. Kiểm biết ý tìm được Lê Duy Bang thuộc chi Lê Trừ anh của Lê Lợi đặt lên ngôi tức vua Lê Anh Tông (1556-1573).

Có thể trong khoảng thời gian này, nhóm nhà nho trung quân ái quốc thật sự phao truyền trong dân gian một câu sấm: “Lê tồn Trịnh tại, Lê bại Trịnh vong” để dằn mặt bọn người chạy theo Trịnh Kiểm, và một câu ca dao với ý nghĩa tương tự cũng đã được truyền tụng:

Lê còn thì Trịnh cũng còn
Lê mà sụp đổ, Trịnh khôn vẹn tuyền.

Từ đó, dòng họ Trịnh không còn có ý dòm ngó ngai vàng của vua Lê nữa.

Năm 1570, Trịnh Kiểm mất, con trưởng là Trịnh Cối lên thay nhưng bị em là Trịnh Tùng giết chết cướp mất ngôi vị và Tùng được vua Lê phong làm Thái úy Trưởng quốc công. Mọi việc trong triều do Trịnh Tùng quyết đoán cả, Tùng lại hống hách khiến vua Anh Tông rất lo sợ, bèn tìm cách trừ khử. Việc bại lộ, Anh Tông bị Trịnh Tùng giết chết (1573) và Thế Tông (1573-1599) kế vị.

Năm 1592, Trịnh Tùng dốc toàn lực đánh chiếm kinh đô Thăng Long, dòng họ Mạc phải chạy lên Cao Bằng.

Sau khi thu xếp xong việc ngoại giao với nhà Minh và cho con cháu nhà Mạc trấn giữ đất Cao Bằng, tình hình đã tạm yên, “Năm Kỷ hợi (1599) Trịnh Tùng tự xưng làm Đô nguyên súy, Tổng quốc chính Thượng phụ Bình An vương, chỉ cho vua Lê thu thuế 1.000 xã gọi là lộc Thượng tiến và 5.000 lính làm quân túc vệ, 7 con voi và 20 chiếc thuyền. Rồi Trịnh Tùng lập phủ Liêu là một triều đình riêng gồm Lục phiên (cũng như lục bộ), tự quyền đặt quan, thu thuế, bắt lính và chỉ khi nào có dịp long trọng đặc biệt mới mời vua ra để thiết triều hay tiếp sứ. Tóm lại vua Lê chỉ còn hư vị, mọi quyền hành đều qua phủ Chúa hết. Từ đó chế độ phong kiến toàn thịnh ở Việt Nam ra đời và con cháu nhà Chúa được cả quyền thế tập với danh vị là Thế tử (Thái tử là con vua, Thế tử là con chúa). (1)

Có thể nói, từ Trịnh Kiểm (1545-1570), đến Trịnh Tùng (1570-1620) sang Trịnh Tráng (1623-1657), Trịnh Tạc (1657-1682), dòng họ Trịnh luôn phải đối đầu với chiến tranh chống họ Mạc ở phương Bắc, chống họ Nguyễn ở phương Nam. Những trận chiến tranh quyền đoạt vị này đã để lại bao tiếng oán than trong dân chúng.

Người ta oán than vì chiến tranh với dòng họ Mạc:

Cái cò lặn lội bờ sông
Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non
Nàng về nuôi cái cùng con
Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng

Người ta oán than vì chiến tranh với chúa Nguyễn ở phương Nam:

Kìa ai tiếng khóc nỉ non
Ấy vợ chú lính trèo hòn đèo Ngang
Chém cha cái giặc chết hoang
Làm cho thiếp phải gánh lương theo chồng
Gánh từ xứ Bắc, xứ Đông
Đã gánh theo chồng, lại gánh theo con

Tương truyền dưới đời chúa Tây vương Trịnh Tạc (1657-1681), vợ của Chúa dân chúng gọi là bà chúa Tây dùng quyền lực của Chúa để chiếm đoạt đất đai của dân chúng Kẻ Dựa khiến cho dân chúng nơi đây không còn đất đai canh tác, nghèo khổ đến độ phải dùng dây buộc túm quần áo mà mặc:

Chỉ vì có bà Chúa Tây
Để cho Kẻ Dựa mang dây buộc đùm

Dòng họ Trịnh giữ vững ngai chúa từ đời Trịnh Tùng xưng vương vị là Bình An vương (1570-1622) cho đến đời Trịnh Sâm (1739-1782) thì cơ đồ Chúa Trịnh bắt đầu lung lay vì nữ sắc.

Đầu năm 1767, Minh Đô vương Trịnh Doanh từ trần, con trưởng là Thế tử Trịnh Sâm lên thay. Sâm tài kiêm văn võ, tính tình quyết đoán. Khi mới lên ngôi chúa, Sâm đã thay đổi nhiều điều từ kỷ cương đến nội chính trong phủ Chúa, lấn quyền cả triều đình của vua Lê. Vì ghen tài với Thái tử Duy Vỹ - chồng của Quận chúa Tiên Dung là chị ruột của Trịnh Sâm - chỉ vì nghe nói Duy Vỹ có ý định muốn khôi phục lại quyền hành của Triều đình vua Lê, Sâm đã viện cớ gian bắt giam Duy Vỹ rồi bỏ đói cho đến chết.

Trong thời Sâm ở ngôi Chúa, ông đã cho dẹp tan được các cuộc khởi nghĩa của Hoàng Công Toản (con trai của thủ lãnh Hoàng Công Chất), và dẹp tan cuộc khởi nghĩa kéo dài 30 năm của Lê Duy Mật thuộc dòng dõi vua Lê, sau đó lại tìm cách mua chuộc được thủ lãnh của phong trào Tây Sơn là Nguyễn Nhạc (1774), từ đó ông tỏ ra kiêu căng tự phụ.

Thêm vào đó ông lại bị một người đàn bà đem sắc đẹp để khuynh loát. Đó là Đặng Thị Huệ. Đặng Thị Huệ người làng Phù Đổng, huyện Đông Anh, tỉnh Bắc Ninh. Đặng Thị Huệ làm nghề hái chè, nhờ sắc đẹp mà được tuyển vào cung làm thị nữ cho Tiệp dư Trần Thị Vinh, thứ thiếp vua Lê Hiển Tông (1740-1786).

Nhân một lần được Tiệp dư Trần Thị Vinh sai mang một đĩa hoa quả sang cho chúa Trịnh Sâm, thị Huệ lọt vào mắt xanh Trịnh Sâm và đã được ông Chúa này mang về cung sống chung như vợ chồng. Nhờ sắc đẹp và khéo nũng nịu chiều chuộng, chẳng bao lâu sau Đặng Thị Huệ được phong là Tuyên phi, người đương thời vẫn gọi là Bà Chúa Chè. Đến năm 1777, Đặng Thị Huệ sinh Trịnh Cán, Huệ lại càng được sủng ái hơn. Thấy con mình hay đau ốm mà con lớn của Chúa là Trịnh Khải đã trưởng thành, thị Huệ vô cùng lo lắng.

Trịnh Khải sinh năm 1763, nguyên có tên là Trịnh Tông, con của Trịnh Sâm với Dương thị Ngọc Hoan. Ngọc Hoan vốn chỉ là một cung nữ lại không được Chúa yêu vì nên Khải không được chúa thương yêu thực lòng. Đáng lẽ, theo thông lệ nhà Chúa, khi con trưởng được 13 tuổi phải được Chúa xin phong Thế tử và lập phủ đệ riêng, vậy mà Chúa chẳng nhắc nhở gì đến, trong lòng Khải đã không vui. Vào tháng 10 năm 1779, Trịnh Sâm trở bệnh, Khải xin vào thăm nhưng bị ngăn cấm. Bị cha bạc đãi, Trịnh Khải bèn cùng bọn Đàm Xuân Thụ mưu việc khởi loạn, dự định bắt Quận Huy và thị Huệ rồi thông báo cho quân ngoài trấn về tiếp cứu. Việc bại lộ, bọn Đàm Xuân Thụ bị án tử, Trịnh Khải bị truất xuống làm con út, giam ở nội phủ, gọi là vụ án năm Canh Tý (1780)

Trịnh Khải chính thức mất ngôi Thế tử, Quận Huy và thị Huệ thúc giục Trịnh Sâm đưa cậu bé Trịnh Cán mới 7 tuổi, bệnh hoạn què quặt chính thức lên ngôi Thế tử. Vì sự việc này, trong dân gian truyền nhau câu ca dao:

Đục cùn còn giữ lấy tông
Đục long, cán gãy còn mong nỗi gì!

“Đục cùn” ám chỉ Trịnh Sâm bệnh hoạn đang nằm chờ ngày chết. Giữ lấy “tông” tức giữ lấy Trịnh Tông (tức Trịnh Khải) làm người kế vương vị chứ “đục long, cán gãy” tức Trịnh Sâm bệnh hoạn và Trịnh Cán què quặt thì còn mong gì giữ vững cơ đồ!

Có thể đây là câu ca dao do phe đảng của Trịnh Khải loan truyền trong dân chúng để đánh động lòng thương của quần chúng đối với Trịnh Khải!

Thị Huệ có người em trai là Đặng Mậu Lân – dân chúng thường gọi là Cậu Ba Kẻ Gióng vì là người làng Gióng tức làng Phù Đổng, quê hương của chị em Huệ – lợi dụng sự sủng ái của nhà Chúa đối với chị mình, Lân làm nhiều điều xằng bậy mà dân chúng vẫn không dám có phản ứng gì.

“...Đặng Mậu Lân này vốn là một tên hung bạo. Từ khi Thị Huệ được chúa yêu dấu Lân lại càng ỷ vào thế chị để làm những việc càn rỡ. Hết thảy áo quần, xe kiệu của y, nhất nhất đều rập kiểu theo đúng như của vua chúa. Thường ngày, Lân vẫn đem theo vài chục tên tay sai, cầm gươm vác giáo đi nghênh ngang khắp Kinh ấp. Hễ gặp xe kiệu, bất kỳ là của đám quan quân nào, Lân cũng đều cà khịa đánh nhau làm cho họ nhục nhã, rồi lấy thế làm thích thú. Gặp đàn bà con gái giữa đường, hễ người nào trông vừa mắt, tức thì Lân sai tay chân quây màn trướng ngay tại chỗ, rồi lôi người ấy vào hiếp liền. Ai không chịu Lân xẻo luôn đầu vú. Chồng hoặc cha kẻ bị nạn, nếu dám hé răng kêu ca lập tức Lân sai quân vặn gãy răng, hoặc cũng có người bị đánh đến chết. Người thiên hạ sợ Lân hơn sợ beo sói.” (2)

Kính Phủ Nguyễn Án (1770-1815), trong bài Quận Mã Đặng Lân trong Tang Thương Ngẫu Lục đã viết:

“Phủ đệ dựng ở phía tây nam kinh thành Thăng Long, đồ ăn thức dùng đàng hoàng như một vị vương giả. Lân càng làm nhiều sự càn dỡ, nuôi trong nhà hơn trăm gia đồng, thường cho đội mũ đeo gươm, ra ngoài chợ phố đi nhung nhăng, uống rượu say đánh người bị thương, quan Kinh Doãn không kiềm chế nổi. Mỗi khi Lân đi ra, đem theo hàng mấy chục con chó săn, con nào cũng đeo nhạc vàng, khoác áo thêu, hét trước hò sau, lấp cả đường lối...” (3)

Trước tình cảnh đó, dân chúng chỉ ấm ức truyền nhau những câu hát ví von:

Ấy ai vô phúc trên đời,
Ra đường gặp phải cậu Trời bắt đi!

Hay:

Kẻ nào có tội mấy đời,
Ra đường gặp phải cậu Trời bắt đi!

Chính phi của Trịnh Sâm họ Hoàng sinh được 2 con gái. Cô lớn là Ngọc Anh đã gả cho Đường Trung hầu Bùi Thế Toại, con trai của Đoan quận công Bùi Danh Đạt. Con gái thứ là công chúa Ngọc Lan, chưa chồng rất được chúa chiều chuộng. Rất nhiều vương tôn công tử xin chạm mặt đều bị cô từ chối. Vậy mà, khi Đặng Thị Huệ đánh tiếng bảo Chúa gả Ngọc Lan cho em trai mình là Đặng Mậu Lân, sợ thị Huệ phiền lòng, Chúa đành chấp thuận. Vậy là, đối với Quận mã Đặng Mậu Lân, Trịnh Sâm vừa là anh rể, vừa là cha vợ! Biết con gái mình vốn yếu đuối, sợ nắng sợ gió mà Đặng Mậu Lân lại là một tên vũ phu, thế nên tuy cho cưới nhưng nhà Chúa lại cho một vị quan giám sát là Sử Trung lúc nào cũng ở bên công chúa không cho Lân làm lễ động phòng hoa chúc. Không thuyết phục được Sử Trung, sau một lần cãi cọ, Lân rút kiếm đâm chết Sử Trung. Trịnh Sâm tức giận cho bắt Lân về triều giao cho các quan nghị án. Các quan đều khép tội chết. Thị Huệ nghe thế khóc lóc xin chết thay cho em khiến Trịnh Sâm tha tội chết và giảm thành tội bị lưu đày ra vùng An Quảng. Ngay trong chuyến đi đày này hắn cũng không bỏ được cái thói ngông nghênh “Lân xếp dọn nhà cửa, mặc áo tù đi ra khỏi kinh, nhà chức sự sắm sẵn ghe thuyền ở bến sông Nhị hà, y đem theo nàng hầu vợ lẽ rất nhiều, tiếng đàn sáo véo von không dứt. Ra đến nơi, quan địa phương phải làm nhà cho y ở.” (4)

Vậy là trong dân gian lại mỉa mai bằng câu:

Cậu Ba Kẻ Gióng kia ơi,
Sao chẳng ở lại mà chơi Kinh kỳ?

Về sau, khi Trịnh Cán và Đặng thị Huệ bị phế, Đặng Mậu Lân bị bắt giam vào ngục, Lân buồn tình nhịn ăn cho đến chết.

Tiếp tay với Đặng Thị Huệ tạo nên tình trạng rối ren trong phủ Chúa chính là Huy quận công Hoàng Đình Bảo (1743-1782).

Hoàng Đình Bảo người châu Hoan, nay thuộc tỉnh Hà Tĩnh, văn võ toàn tài, thi hương đậu hiếu liêm (cử nhân), thi võ đậu tạo sĩ (cử nhân võ), từng theo cha nuôi là Hoàng Phùng Cơ đánh chiếm Phú Xuân, lập nhiều chiến công. Năm 1777 làm trấn thủ Nghệ An giúp dân thoát nạn đói nên rất được lòng dân. Năm 1778, Trịnh Sâm cho vời về làm việc ở phủ Chúa, kiêm lãnh chức trấn thủ Sơn Nam gồm một vùng rộng lớn (Hà Đông, Hà Nam, Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình) và được chúa Trịnh Doanh gả con gái cho. Như vậy, đối với Trịnh Sâm, Hoàng Đình Bảo vừa là bầy tôi vừa là anh (hoặc em) rể.

Trước khi về Kinh, Đình Bảo làm trấn thủ Nghệ An rất được lòng dân, lại có tài tổ chức nên rất được bọn tay chân nể trọng, do đó có tin đồn Đình Bảo có ý tạo phản. Trịnh Sâm có ý muốn trừ khử. Vợ Đình Bảo nhờ thị Huệ can thiệp, do đó Bảo được về Kinh. Tuy được thị Huệ giúp đỡ nhưng Bảo sợ Cán còn quá nhỏ không nương nhờ được gì nên tìm cách xin yết kiến Trịnh Khải, con lớn của Trịnh Sâm. Đình Bảo đã sắm sẵn 100 lạng vàng, 10 cây đoạn gấm để làm lễ ra mắt Khải. Khải từ chối lại đánh tiếng sau này sẽ tịch thu toàn bộ tài sản của Bảo chứ cần gì bấy nhiêu lễ vật. Nghe được tin này, Bảo quay sang dựa thế lực thị Huệ, tạo bè cánh cho Trịnh Cán do thị Huệ tâu trình với Trịnh Sâm "Đình Bảo được vào giữ chức trong chính phủ, mở quân doanh Trung Nhuệ, lãnh chức trấn thủ Sơn Nam bằng cách vắng mặt. Quyền thế Đình Bảo làm nghiêng lệch cả trong kinh, ngoài trấn. Bọn quản binh và trấn thủ đều là môn hạ, chỉ có Nguyễn Lệ ở Sơn Tây và Nguyễn Khắc Tuân ở Kinh Bắc cùng Đình Bảo vẫn ngầm có ý đánh đổ nhau, đè bẹp nhau, gây ra tình thế bè đảng" (5)

Có thể nói chính Trịnh Khải đã đẩy Hoàng Đình Bảo về hùa với phe Đặng Thị Huệ để lập mưu phế lập ngôi thế tử của Khải cho con trai của Huệ là Trịnh Cán.

Từ khi về với phe thị Huệ, Quận Huy càng ra sức gây thế lực. Mọi việc bên phủ Chúa đều do một tay Quận Huy sắp xếp. Vì sắc dục quá độ, mấy năm cuối đời Trịnh Sâm mắc chứng bất lực nên Tuyên phi Đặng Thị Huệ đã tư thông với Quận Huy để nhờ thế lực Quận Huy che chở cho Trịnh Cán. Trước khi chết, Sâm lại phong cho Quận Huy làm Phụ chính cho Trịnh Cán, Quận Huy lại càng dễ ra vào phủ Chúa. Việc tư thông của Tuyên phi họ Đặng với Quận Huy ai cũng biết.

Trong quyển lịch sử ký sự “Hoàng Lê Nhất Thống Chí” của Ngô Thì Chí đã ghi sự kiện nầy như sau:

“Người ta bảo chính cung tư thông với Huy, ả sắp đem xã tắc giao phó cho Quận Huy. Bấy giờ, đầu dường xó chợ có câu ca dao như sau:

Trăm quan ít sáng, nhiều mờ *
Để cho Huy Quận vào rờ chính cung.

Huy nghe tin, bèn sai Đề lĩnh đem móc sắt và kéo treo khắp các chợ, dọa rằng những ai còn dám tụ họp nói chuyện thì sẽ móc lưỡi cắt đi. Do đó, ở ngoài đường sá người ta chỉ dám ghé mắt ngó nhau, dân chúng Kinh kỳ đều sợ nơm nớp”
(6)

(* Chúng ta cũng thường được nghe: Trăm quan có mắt như mờ - Để cho Huy Quận vào sờ chính cung)

Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm từ trần vào ngày 19-10-1782 (13-9 Nhâm dần), Tuyên phi Đặng Thị Huệ cùng với Quận Huy Hoàng Đình Bảo vội vàng đưa Thế tử Trịnh Cán lên ngôi Chúa với vương hiệu Điện Đô vương. Không còn ai dám ngăn cản, quan Phụ chính Hoàng Đình Bảo tự do ra vào cung cấm, Huệ và Bảo tự do tư thông không còn ra thể thống gì nữa.

Chính việc làm đồi phong bại tục này đã khiến cho hàng ngũ quan lai, quân sĩ và dân chúng chán ngán và bất bình. Điện Đô vương Trịnh Cán ở ngôi mới hơn một tháng, thì ngày 28-11-1782 (tức ngày 24-10 Nhâm dần) khi xác Trịnh Sâm vẫn còn quàn ở hậu cung, bọn lính Tam Phủ do tên Nguyễn Bằng, một tên biện lại thuộc đội Tiệp Bảo đã vào phủ Chúa đánh 3 hồi trống làm hiệu theo mật lệnh đã hẹn với nhau từ trước, quân Tam Phủ tràn vào giết chết Quận Huy, phế Trịnh Cán xuống làm Cung quốc công, giam thị Huệ vào ngục rồi công kênh Trịnh Khải từ nhà giam vào phủ Chúa, đặt lên ngai tức Đoan Nam vương Trịnh Khải. Để trả ơn cho Bằng Vũ và bọn lính Tam Phủ, Khải đã phong cho bọn người này đủ loại chức tước nhưng bọn họ vẫn không vừa lòng. Họ can dự cả vào việc điều hành triều chính của nhà Chúa. Hễ ai chống đối là họ lại tìm cách hãm hại, khiến không ai dám hở răng. Đã có lúc chúa Trịnh Khải đã phải than thở: "Bức bách nhau thế này, thà đừng lập làm chúa còn hơn!" (7)

Quận Huy bị giết, một thủ hạ thân tín nhất của ông ta là Nguyễn Hữu Chỉnh sợ vạ lây bèn bỏ Thăng Long vào Nghệ An để mưu việc chống trả. Thấy ai cũng sợ bọn kiêu binh, Chỉnh lên thuyền xuôi Nam vào Quy Nhơn đầu quân dưới trướng anh em Tây Sơn. Tại đây, Chỉnh đã bày mưu tính kế cho anh em Tây Sơn "phù Lê diệt Trịnh".

Vậy là, Năm 1786, theo lời của Nguyễn Hữu Chỉnh, quân Tây Sơn do Bắc Bình vương Nguyễn Huệ chỉ huy kéo quân đánh chiếm Phú Xuân. Tướng Trịnh là Phạm Ngô Cầu kéo cờ trắng đầu hàng. Thắng trận, lại theo lời Nguyễn Hữu Chỉnh, Nguyễn Huệ kéo quân thẳng ra Thăng Long đánh tiếng là diệt Trịnh phù Lê. Quân Tam Phủ chạy tán loạn bị dân chúng gặp đâu giết đó. Đoan Nam vương Trịnh Khải bỏ kinh thành chạy thoát thân. Đến Sơn Tây, Khải bị bắt giao cho Tây Sơn. Trên đường về Thăng Long, Trịnh Khải đã tự vẫn để khỏi bị rơi vào tay quân Tây Sơn. Thế là dòng họ Trịnh đến đây chấm dứt sau 216 năm cầm quyền kể từ thời Trịnh Tùng xưng vương vị (1570-1786). Bảo vệ nhà Chúa là quân Tam Phủ, làm hại cơ nghiệp nhà Chúa cũng là quân Tam Phủ, tức bọn kiêu binh!

Thuở ấy, trong dân gian có câu chuyện kể về ngôi mộ kết của bà mẹ Trịnh Kiểm với một "câu sấm" tiên tri sự nghiệp của dòng họ Trịnh. Thực ra "câu sấm" không phải xuất hiện ngay khi mẹ Trịnh Kiểm bị dân làng dìm chết dưới vực Tôm mà đây chỉ là một nhận định thời cuộc của một nhà nho nào đó khi nhìn vào cuộc diện nước nhà từ lúc Trịnh Kiểm khởi nghiệp đến khi xảy ra vụ tranh chấp quyền hành giữa hai phe Trịnh Khải và Trịnh Cán để rồi kết thúc bởi cái chết bi thảm nhưng đầy khí phách của Trịnh Khải:

Phi đế phi bá
Quyền khuynh thiên hạ
Truyền tộ bát đại (*)
Tiêu tường khởi vạ
(Chẳng đế, chẳng bá
Quyền khuynh thiên hạ
Truyền được tám đời
Trong nhà dấy vạ)

(*) Câu này có bản chép: Nhị bách dư niên (Hơn hai trăm năm)

Có nhiều nguyên do khiến cho cơ đồ của chúa Trịnh (dĩ nhiên kể cả vua Lê) phải tiêu vong. Thế nhưng, dưới mắt của dân chúng đường thời, kẻ chịu trách nhiệm nặng nề nhất về sự tan rã của dòng họ Trịnh, chính là bà Chúa Chè Đặng Thị Huệ.

Sự này chỉ tại Bà Chè
Cho Chúa mất nước, cho nghè làng xiêu.

Thế mới biết, cái họa nữ sắc bao giờ cũng gây ấn tượng nhiều ác cảm đối với quần chúng bị trị.

ĐÀO ĐỨC NHUẬN
(Trích trong "Tản mạn về ca dao lịch sử")

Chú thích:

(1) Việt Sử Toàn Thư - Phạm Văn Sơn - tr. 460
(2) Hoàng Lê Nhất Thống Chí - Ngô Thì Chí - tr. 22
(3) Tang Thương Ngẫu Lục - tr. 49
(4) Tang Thương Ngẫu Lục - tr. 50
(5) Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục - tr. 948
(6) Hoàng Lê Nhất Thống Chí - Ngô Thì Chí - tr. 35
(7) Hoàng Lê Nhất Thống Chí - Ngô Thì Chí - tr. 70

* * *

Xem bài cùng tác giả: click vào đây
Xem bài trên trang Biên khảo: click vào đây
Trở về trang chính: www.nuiansongtra.com  


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh