Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 17, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Văn (Kim văn)
PHÁO KÍCH (Phùng Nhân)
BAN ĐIỀU HÀNH
Các bài liên quan:
    HAI CHỊ SUI (Nguyễn Viết Tân & Thanh Mai)


Ở đời có những việc nó đến rất tình cờ mà không thể nào biết trước, cho nên ông Hai Chức vẫn dửng dưng lo cỡi xe đạp đi thăm chị sui ở tuốt trên miệt giồng Ông Hổ xã Thới Lai quận Bình Đại tỉnh Bến Tre. Chớ ông đâu có biết đó chính là một ngày oan gia mà sau nầy hai sui gia phải đành mang tai tiếng. Có người lại còn nói móc họng ông, là nhờ pháo kích mà ông mới được chun xuống hầm trăng xê (tranchée) với bà sui trai để mà tò tí. Chớ thật ra ông nào có tính trước cái chuyện đó đâu, bởi dù gì thì cũng “sui gia” với nhau nên ông đâu có bao giờ mà tính tới cái chuyện ác ôn như vậy.

Thế rồi từ ở dưới xã Lộc Thuận, ông phải đạp một chiếc xe đạp lâu lâu lại trật dây sên, vì ổ líp nó lại mòn răng không còn đủ bén để ăn vô cái dĩa. Nhưng ông lại không nản lòng, vì đã nhớ tới đứa cháu ngoại đã hơn năm tháng trời rồi mà chưa có gặp. Đó mới là một nỗi nhớ khờ người, vì đâu có người nào mà không thích bồng ẵm cháu ngoại của mình đâu, nhưng vì tụi nó ở riêng tư nên ông cũng đành phải chịu.

Không phải đứa con gái và thằng rể nó tệ bạc gì đối với ông, nhưng ngặt nỗi nó nghèo chưa mua nổi một chiếc xe đạp để làm chưn, cho nên từ giồng Ông Hổ mà đổ đường lội bộ về tới xã Lộc Thuận cũng gần hết nửa ngày trời chớ đâu có ít gì. Phần bà “sui giá” của ông chỉ có độc nhứt một thằng con trai, rồi hôm nay mới lọt ra thêm một đứa cháu nội đích tôn nữa nên bả cưng như trứng mỏng đội trên đầu, chớ đâu phải như mấy người con đàn cháu đống mà mạnh ai nấy ẵm nấy bồng đi đâu thì tùy ý.

Cũng chính vì cái lý lẽ cưng cháu cưng con lưu truyền như vậy, cho nên mỗi lần con gái của ông mà ẵm con nó về thăm bên ngoại, là bà mẹ chồng của nó lại căn dặn dường như là đi đâu xa xôi dữ lắm. Nên đứa con gái của ông nó cũng không dám cãi lời, sợ thằng nhỏ bị ấm đầu sổ mũi rồi không biết phải làm sao, bởi thời chiến tranh giặc giã bây giờ mấy ông thầy thuốc thì cứ ở bu theo trong chợ để kiếm ăn. Chớ họ đâu có dại gì mà ở trong chỗ trẻo, để cho mấy ông Việt cộng ban đêm mò về bắt người ta đóng thuế, hoặc ủng hộ bông băng, hay thuốc men để phòng khi bị cảm cúm.

Ban đầu thì ông cũng thỉnh thoảng è ạch đạp xe lên thăm, nhưng ngặt nỗi chòm xóm có mấy người xấu miệng xấu mồm, họ nói rằng ông thấy cái đít của bà sui còn láng, nên làm bộ lấy cớ đi thăm cháu ngoại đặng dòm đít bà sui cho đỡ khổ. Chớ tội lệ gì mà phải đạp xe đi thăm cháu ngoại xa tới tám chín cây số dữ trời, những lời chòm xóm dị nghị như vậy không biết có bị cu hồn đeo theo vướng vít hay không, mà sau nầy ông Hai Chức mới bị cà nông thụt cho một bữa, rồi hai sui gia chun xuống hầm trăng xê mới sanh ra lắm chuyện thị phi, nên từ đầu trên cho tới xóm dưới đi đâu cũng nghe người ta dị nghị...

Chính vì cái lời bàn độc địa đó mà ông đành nhớ cháu ngoại chỉ biết nằm chờ, chừng nào tụi có rảnh thì bồng về thăm ông chớ ông không thể đi lên thường như lúc trước. Nhưng rồi cái miệng của đứa cháu ngoại thật thơm mùi sữa, khiến cho ông Hai Chức phải nhớ nôn nao, nhứt là mỗi khi nó nói đả đớt cà lăm, làm cho ông cảm thấy ở thế gian chỉ có cháu ngoại là số một.

Rồi ông quyết định đi thăm vào một ngày trời quang đãng, mặc tình cho chòm xóm họ có muốn cáp đôi hay có muốn nói gì thì nói, miễn mình trong sạch đàng hoàng thì thôi chớ việc gì mà phải sợ. Nhưng là chỗ sui gia mà đi tay không coi cũng kỳ, cho nên ông phải bơi xuồng đi tuốt vô ngọn xẽo Trùm Cu để gài mấy cái lọp, nhờ trời thương nên nước vừa mái rong nên chạy được mấy con cua, với vài con cá lóc bự cỡ bắp tay, đem bán thì cũng uổng còn nấu canh chua ăn hoài nó cũng mất ngon, thôi thì của ít lòng nhiều sẵn dịp lên thăm rồi cho chị sui luôn thể.
Tuy là trong lòng hăm hở đạp xe đi như vậy, chớ mỗi lần ông Hai Chức nhớ lại mấy lúc gần đây thời cuộc cũng mất an ninh, cho nên mấy ông Giải Phóng Miền Nam họ thường về đống đô trên giồng Ông Hổ làm cho ông hơi sợ. Nhưng với bản tánh thương con thì bất cứ cha mẹ nào, cho dù có lội suối trèo đèo hay những chỗ hiểm nguy, thì cũng phải đi để gặp mặt con chớ đâu có ngại.

Vì thế mà Liên Đội của ông trung úy Hồng đóng trên đầu giồng ngã tư Lộc Thuận, hễ hồ nghi có mấy ổng mò về thâu tiền thuế hay là bắt dân công, thì cứ việc ken ba cây cà nông day họng lên đó mà thụt. Nhưng nhờ đất nước ông bà linh thiêng che chở, cho nên đạn tránh người chớ người làm sao tránh đạn. Nhờ thế mà từ khi cuộc chiến leo thang cho tới bây giờ, tại chỗ giồng Ông Hổ chỉ mới có bị thương vài người, chớ cũng chưa có ai hóa thành thiên cổ.

Mặt trời lên được vài sào; con đường lộ đá từ dưới xã Lộc Thuận đi lên xã Thới Lai bị đứt đi nhiễu khoảng. Vì phía Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, cứ tối đến thì bắt dân đi đào, còn phía Quốc Gia sáng thiệt mặt ra thì bắt dân đi đắp lại. Chẳng mấy chốc con lộ đá teo lại một cách thảm thương, nhiều bữa nước rong tràn qua trắng dã. Dù vậy theo thói thường thì ai nấy cũng đợi sáng thiệt mặt rồi mới dám đi qua, sợ ban đêm ban hôm mấy ổng bò về gài lựu đạn lở đạp nhầm, nếu không chết liền thì cũng hóa thành ông Tôn Tẫn! Cũng chính vì thế mà con lộ nào cũng vậy, hừng đông sáng thì chịu cảnh vắng tanh, chớ không phải như mấy năm đất nước được thanh bình, thì vừa thiệt mặt xe trâu, xe bò, xe ngựa họ trốc đi cọc cạch vang rân trên đường lộ.

Tuy vậy mà ông Hai Chức phải è ạch đạp chiếc xe trườn qua mấy chỗ đứt, làm cho đất bùn dẻo nó dính vào cái gạt đờ bu cứng ngắc, làm cho hai cái bánh xe dính lại không quay, khiến cho ông phải bẻ một nhánh cây lức để cạy hết mấy lần, nhờ thế mà chiếc xe đạp mới có cơ lăn bánh. Chớ còn xe cộ tử tế có dè có gạt đàng hoàng, thì đi đường đất thịt kiểu nầy có môn mà kê vai lên vác! Đó cũng là một cách kinh nghiệm xe cộ ở dưới thôn quê, hễ tới tháng mưa hoặc nước rong con lộ đất sình lầy, thì chỉ có nước đi xe trụi lủi kiểu con nhà nghèo thì khỏe nhứt.

Nhưng rồi khi đạp chiếc xe lên tới tại chợ Thới Lai, thì ông Hai Chức mới ngán ngẩm tình đời. Bởi ông đạp xe đi tới đâu thì có người ta nhìn theo đến đó, có người lại vọt miệng nói bâng quơ, là ông đi lên thăm chị sui coi mòi được quá. Đó là những câu nói bông lông, nhưng lại ngụ ý âm thầm, khiến cho ông phải nhiều phen mắc cỡ. Bởi hai bên sui gia bên nào cũng đều góa bụa lâu rồi, không biết sao người đời lại ác miệng làm chi, hết chỗ cáp độ hay sao nhè ngay chỗ sui gia của người ta mà nói bậy. Trong bụng tuy là nghĩ vậy, nhưng ông Hai Chức cũng cảm thấy khoan khoái trong lòng, mỗi khi được diện kiến với chị sui, chỉ càng bẽn lẽn chừng nào thì cái duyên lại lộ ra ngoài mới làm làm chết giấc anh hùng đây chớ...

Cơn nắng bữa nay dường như nóng hôm mọi bữa, nên ông Hai Chức ránh sức lên mà đạp chiếc xe chạy ra giồng Ông Hổ mà mắt muốn đổ hào quang. Tuy vậy mà ông cũng không dám trì huỡn dọc đường, sợ cụm mây chưn đâm ngang mưa đổ xuống rồi còn đường về nữa chớ.

Chiếc xe cùi vẫn cọc cạch đi hết quãng đường đất cát trong làng, rồi tới một cái bờ lức đất cục lởm chởm nhiều lúc làm cho ông muốn té xuống mương, nhưng nhờ hai cái chân ông dài nên chống đỡ. Một hàng dừa bung vừa xây bàng thang của ai đó đang trồng, tàn lá của nó thật sum sê, để chứng tỏ giống dừa bung nầy nó đang chịu miền đất lợ. Cũng có khi tàu dừa nó quẹt làm cho ông muốn bay cái nón nỉ trên đầu, mấy khi đó thì ông phải lấy tay ghịt lại cho nó khỏi bay, cứ như vậy mà ông nhắm nhà chị sui đạp xe đi tới.

Rồi ông đạp chiếc xe đạp quẹo qua tay mặt, từ đây đi ra tới nhà chị sui không có bao xa, nhưng là một đoạn đường sanh tử. Bởi vì mấy ông lính nghĩa quân ở trong đồn Thới Lai nầy, thường thì rất làm biến đi hành quân để giữ an ninh diện địa. Cho nên mấy ông giải phóng cứ lấn dần, vì thế mà chẳng bao lâu trong miệt giồng Ông Hổ, cách chợ Thới Lai chẳng bao xa mà kể như là một vùng xôi đậu!

Ông Hai Chức đạp cái xe trườn qua một khúc bờ đứt nữa, thì căn nhà lá của bà sui lại hiện ra dưới mấy bóng dừa. Tuy là có mừng thầm trong bụng, vì đi lên tới chị sui trời còn mát, rồi chiều lại đạp xe về dưới xã Lộc Thuận cũng không sao. Nhưng mỗi lần nghĩ đến cảnh chị sui còn góa bụa, mà mình đi tới thăm nom có một mình, làm cho ông Hai Chức hơi bâng khuâng mắc cỡ. Nhưng lại cảm thấy hơi vui, không biết sao người đàn ông khi tiếp xúc với người đàn bà nào mà còn góa bụa, thì cũng nghe một niềm khoái cảm lâng lâng trong bụng. Mặc dầu chưa chắc kiếm chác được cơm cháo gì, nhưng hơi hám của người đàn bà còn độc thân, nó làm cho mấy cha đàn ông thấy cuộc đời nầy cũng còn dễ thương quá chớ.

Dựng chiếc xe đạp xong ông Hai chức chưa muốn vào nhà, nên giả bộ tằng hắng lên đánh tiếng. Thì bà sui trong nhà đon đả bước ra nói:

- Dạ ... thưa anh sui mới lên. Xin mời anh sui vào nhà uống nước...

Hình như tất cả mấy ông bà sui gia ở Việt Nam, mỗi khi gặp nhau chỉ toàn là có nói một câu như vậy, chớ không thấy ai nói được một tiếng chí tình. Chắc có lẽ âu đó cũng là một chế độ gia phong của hằng ngàn năm còn để lại. Cho nên ông Hai Chức cũng lột nón xuống rồi lại gật đầu, để thay cho tiếng hỏi thăm, thay vì lâu ngày gặp mặt phải hỏi thăm thật là giòn giã.

Ông Hai Chức lễ phép xách cái bịt đệm đi vô nhà đứng xớ rớ bên mép ván, chớ cũng chưa biết phải làm sao; vì cửa nhà của bà sui trai hôm nay sao mà im vắng quá. Bà sui lại cầm cây chổi lông mã gà cồ lên quét bụi; rồi mời:

- Xin mời anh sui ngồi xuống nghĩ chân. Xin mời anh sui dùng tạm với tui chén nước. Thế là bà sui rót nước đậu ván thay cho nước trà chảy lỏn tỏn xuống ly, mà hai cái tay run run dường như là hơi lúng túng. Ông Hai Chức bưng tách nước đậu ván lên hớp một miếng, rồi hỏi:

- Ụa ... còn mấy đứa nhỏ đi đâu hết rồi vậy chị sui?

Bà sui từ tốn trả lời:

- Con bé Ngọc bị bịnh ban đỏ nhập nội anh à, cho nên ông thầy Mười ở ngoài chợ Thới Lai không dám lãnh, nên vợ chồng thằng Tấn mới đón xe ẵm con nhỏ đi lên Mỹ Tho hồi sáng sớm nầy rồi, rủi quá phải anh lên sớm một chút nữa thì được quá.

Ông Hai Chức hoảng hồn hỏi lại:

- Mà có nóng gì nhiều hôn vậy chị sui?

Bà sui trai nhỏ nhẹ nói:

- Chắc cũng không sao. Ông thầy Mười nói đi lên trển cho bác sĩ họ tiêm thuốc trụ sinh mạnh vô, để trừ căn sau nầy không lo sưng phổi. Chớ con nhỏ cũng còn tỉnh táo bình thường, không chừng ngày mai hay ngày mốt nó về rồi tui biểu nó xuống thăm anh. Thiệt vì hoàn cảnh xa xôi, mà để anh sui đi lên tới đây thăm cháu ngoại làm cho tui ái ngại quá...

Nói xong một câu trải mài như vậy, rồi bà sui lại bưng ly nước đậu ván lên mời:

- Anh sui cứ tự nhiên ngồi uống nước nghen anh sui, nước đậu ván nầy coi vậy mà tốt lắm. Tui nhờ nó mà mấy năm nay không có bịnh hoạn gì, trái lại mình hà tiện được tiền trà, còn khi uống vô nghe thêm đói bụng nữa.

Ông Hai Chức lại bưng tách nước lên hớp, rồi khẽ liếc bà sui. Thì quả thật chị sui hôm nay tuy ăn mặc bình thường, nhưng đã lộ ra ngoài mấy nét duyên ngầm làm cho ông hơi rúng động. Nên ông buộc miệng hỏi trống không:

- Cơ khổ hôn. Tụi nó đi hết, rồi chị ở nhà có một mình vậy sao?

Bà sui bẽn lẽn cười lơi rồi đáp lại:

- Dạ ... thì cũng phải chịu chớ biết làm sao bây giờ anh sui!

Ông Hai Chức cầm cái túi đệm đưa qua, rồi nói nhỏ:

- Sẵn đi lên thăm tụi nó. Tui có xách mấy con cá lóc, với cặp cua đem lên chị ăn lấy thảo với tui...

Bà sui rước cái túi đệm cầm tay, rồi nói:

- Đường sá xa xôi anh đi lên chơi như vầy thì cũng đủ quý rồi, chớ anh sui còn xách lùm đùm như vầy thiệt tình làm cho tui ngại ngùng hết sức...

Nói một câu rào đón như vậy, rồi bà sui xin phép đi ra nhà sau đặng lấy cái thùng thiếc xuống rộng mấy con cá lóc, còn hai cặp cua thì bà bỏ vào trong cái ảng được rồi. Tiếng con cua bò trong ảng nghe lãn cãn cũng vui tai, còn mấy con lá lóc cũng nhảy lung tung trong thùng thiếc, để báo hiệu cho những bữa cơm chiều, mà con cua con cá là một niềm vui, nếu trong gia đình đời sống mà thiếu mấy tiếng động đó chắc là buồn thê thảm.

Còn lại một mình ngồi trên bộ ván cây dầu, ông Hai Chức mới nhìn nhận rằng bà sui còn ướt át thiệt chớ chẳng chơi, nhưng đã là sui gia với nhau mà có lòng tà đạo thì còn chi đạo đức. Bởi nghĩ vậy cho nên ông Hai Chức nhìn ra ngoài sân, để cho đầu óc của mình đừng nghĩ tới mấy chuyện vẩn vơ tai hại đó. Nhưng cái tướng đi, tướng đứng của bà sui cứ ám ảnh ông hoài, làm cho ông Hai Chức phải lúng túng tay chưn, khi một mình ngồi ở nhà trên nhìn ra cửa sổ.

Bà sui thì vẫn chạy xuống chạy lên, luôn miệng xin lỗi anh sui cảm phiền ngồi uống nước, còn bà vì mắc bận tay lo quấy quá một bữa cơm. Ông Hai Chức nửa muốn từ chối dắt xe đạp ra về, nửa muốn ở lại vì trong lòng đang đói bụng. Hơn nữa tình sui gia lâu ngày không gặp lại, mà từ chối không dùng với nhau một bữa cơm thì coi cũng kỳ, mai mốt thằng rể hay được thì thế nào cũng trách. Bởi trong lòng đã nghĩ như vậy, nên ông Hai Chức mới nấn ná bước ra sân, để nhìn coi mấy cây dừa lửa đang trổ lưỡi mèo sai trái. Rồi ông phạch bì thuốc rê ra vấn, không biết sao hình dáng chị sui cứ lởn vởn trong đầu hoài, dường như nó sắp bắt ông phạm tội hay sao, nên ông bước lẹ vô nhà rồi ngồi xuống bộ ván cho ra tuồng nghiêm nghị.

Trong lúc đó thì bà sui cứ xởi lởi, chạy xuống chạy lên, biểu anh sui cứ ở lại chơi, để tui nấu cơm ăn dằn bụng rồi hãy đi về; chớ từ đây về tới dưới cũng xa kể tám chín cây số chớ đâu có ít.

Chính những cái thái độ lưỡng lự như vậy, cho nên làm cho ông Hai Chức nói nước đôi:

- Ối... hồi sáng đi tôi cũng có ăn rồi. Chị sui đừng có lo cơm nước gì mà cực khổ. Tui ngồi chơi thêm một lát nữa rồi cũng đi về, sợ tới chiều đổ mưa xuống rồi lầy lội mình đạp xe đi cũng mệt.

Bà sui thành thực cười cười, rồi đáp lại:

- Lâu ngày anh sui mới lên tới đây, dù ít dù nhiều anh cũng phải ăn với tui một bữa cơm, chớ không ăn mà anh đi về liền thì tui buồn lắm đó...

Ông Hai Chức ngồi tẩn mẩn một hồi rồi móc bì thuốc rê ra vấn nữa. Nhưng ông bập bập một hồi thì lại dán cái đót thuốc lên môi dưới, đó cũng là một cái thói quen của những người làm ruộng. Họ rất tiết kiệm thời giờ, lâu dần nó đã trở thành một cái thói quen, cho nên ngày hôm nay ông Hai Chức cũng tự nhiên mà làm như vậy. Nhưng ở nhà quê không ai có được cái gạt tàn, cho nên mọi người cứ việc hút rồi muốn gạt xuống đâu cũng được. Ngoài trời hôm nay thật là yên vắng, càng làm cho cảnh vật sanh tình, trong khi đó thì bà sui cứ đi nhón tới nhón lui để lo cơm nước. Khoảng chừng hơn nửa giờ sau, thì một mâm cơm cũng được dọn lên trông rất đàng hoàng, mặc dầu món ăn cũng không có gì làm cao sang, nhưng được dọn vén khéo vào trong một cái mâm thau làm cho ông Hai Chức thêm đói bụng. Nó cũng y hệt như vợ với chồng, phải chi hai người đừng có thưa gởi sui gia, thì họ bày ra đánh một ván cờ người nầy rất đẹp.

Sau khi so đũa chén xong rồi. Bà sui lễ phép mời:

- Xin mời anh sui ăn với tui một bữa cơm cho đỡ đói.

Ông Hai Chức cũng lễ phép mời lại:

- Thôi... chị cũng lên ngồi ăn với tôi cho vui, chớ có ai đâu mà chị sui làm khách...
Bà sui miễn cưỡng trả lời:

- Dạ... mời anh sui cứ tự nhiên ăn đi. Còn tui hồi sáng có ăn trước rồi, nên chưa thấy đói. Anh sui ăn thật bụng với tui nghen, chỗ sui gia một nhà biết ra cả họ, xin anh sui đừng ngại.

Ông Hai Chức tuy là dốt nát, nhưng cũng biết sơ qua về phép tắt của hai tiếng sui gia, bà sui giá không thể ngồi ăn cơm với ông sui như hai vợ chồng, nên ông chậm rãi cầm đũa lên rồi nói nhỏ:
 

- Thiệt tình tôi tính đi lên thăm mấy đứa nhỏ một chút rồi về, mà chị bày vẽ cơm nước ra làm chi cho thêm cực. Hồi sáng nầy thì cũng vậy, mình ở nhà quê trước khi đi đâu, phải chững bị (chuẩn) ba hột cơm trước dằn bụng cái đã, chớ còn không lỡ có chuyện gì thì biết làm sao. Với lại lóng rày, lính tráng họ thường hay thụt cà nông bất tử dữ lắm.

Bà sui khép nép đứng ở góc ván để chờ bới cơm, làm cho ông Hai Chức tuy thật là đói bụng, nhưng ăn nhiều quá thì coi cũng hơi kỳ, nên ông ăn chầm chậm để còn giữ phép. Dù vậy mà ông cũng ăn sơ sơ hết bốn chén cơm đầy, thế mới biết dân quê nếu người nào ăn yếu cơm, thì kể như cuộc đời sắp đi vào trong hoàng hôn ngõ vắng. Một phần bữa nay sao bà sui kho cá kèo quá ngon, cái nước nó đặc hơi sệt sệt, còn con cá bóng kèo thịt nó săn cứng ngắc cắn tới đâu nghe bùi miệng tới đó. Phải chi một bữa ăn như vầy mà được tự nhiên, vừa và vừa gắp cá kèo nguyên con bỏ vào trong chén. Sau đó cắn ngay chỗ cái mật, rồi nhai chậm rãi cho chất mật tiết vào, rồi bưng ly rượu thuốc bìm bịp đưa cay, ôi một bữa cơm như vậy nó ngon còn hơn ở cao lâu tửu quán.

Ăn cơm xong ông Hai Chức định xỉa răng xong rồi mới xin phép kiếu từ chị sui ra về, thì bất ngờ thì bỗng đâu có tiếng hú của cà nông bay trên trời nghe chéo chéo. Bà sui sợ xanh mặt nói:

- Thôi rồi cà nông nó thụt nữa đó anh sui ơi!

Bà vừa dứt lời thì tiếng nổ “hoành hoành“ vang lên thật là khủng khiếp. Tới nước nầy thì đâu còn giữ kẽ gì được nữa. Bà sui vội la lên:

- Chun xuống hầm trăng xê với tôi mau lên anh sui ơi, đừng có đứng lớ quớ ở đó nữa làm cho tui đây sợ lắm.

Thế là ông Hai Chức cũng sợ vậy thôi quýnh đít trong quần, đâu có ai gan trời gì mà không sợ tiếng đạn pháo kích nó hú qua đầu. Nhưng ngày hôm nay không biết ở dưới liên đội địa phương quân họ có đánh hơi được chuyện gì không, mà họ câu cà nông thiệt độc. Họ bắn ba trái nổ chầu ba, cho dầu nó có nổ cách xa cái nhà cũng đâu mấy trăm thước, vậy mà cũng làm cho bà sui sợ muốn té đái trong quần. Nhờ có ông Hai Chức nên bà sui còn hơi tỉnh.

Vừa hơi hơi hoàn hồn trở lại thì bị nó chầu ba, đến khi nó chầu cho tới hồi thứ mười mấy, thì bà sui sợ quá không còn biết mình là ai nữa, cho nên bà sui ôm anh sui cứng ngắc trong lòng, rồi hổn hển nói:

- Bây giờ làm sao anh sui. Chớ nó pháo như vầy hoài rủi nó dến ngay đây một trái chắc là mình tan xác quá!

Ông Hai Chức tuy là có sợ thật nhưng ông vẫn còn bình tĩnh hơn bà sui nhiều, cho nên ông chỉ ôm nhẹ bà sui vào lòng vừa dỗ vừa nói:

- Không sao đâu chị sui. Chắc họ nắm được tin tình báo gì đó nên mới bắn dữ như vầy.

Thì lúc đó pháo binh nó lại chầu ba. Bà sui vì sợ quá lại cấu vào vai ông sui nói:

- Anh sui ơi... bây giờ mình phải làm sao? Chớ nó mà rớt xuống ngay đây chắc là tui với anh chết không kịp trối!

Ông Hai Chức đâu biết phải làm sao bây giờ, cho nên ông mới đưa bàn tay đi khắp mình mẩy của chị sui để mà trấn an cho bớt sợ, nhờ vậy mà bà sui cũng bớt run, chỉ còn có tiếng thở hổn hển của hai người. Bên ngoài thỉnh thoảng tụi pháo binh nó lại chầu ba, cứ canh 5 phút là nó dện cho ba quả, làm cho hai sui gia phải ở dưới hầm mà hoảng sợ cho đến mấy giờ liền. Cũng nhờ vậy mà ông Hai Chức mới giở phép thôi miên, chỉ có một chút mà bà sui lại nhắm nghiền đôi mắt. Nên ông Hai Chức cũng mừng húm trong lòng, giây phút đó thì ông cũng quên phứt hai tiếng “sui gia”, mà ông chỉ biết trong tay đang ôm một người đàn bà góa bụa.

Hai người cứ nằm như vậy giãy giụa một hồi, lâu lâu bà sui lại kêu lên:

- Anh sui ơi. Sao tui sợ quá hà, rủi ro chòm xóm hay được rồi tui hỏng biết phải làm sao.

Vừa lúc đó thì có mấy trái đạn hú qua đầu, rồi nó nổ “hoành hoành” nghe mà phát sợ. Bà sui trai lại hoảng hốt la lên:

- Anh sui ơi. Nó mà cứ pháo như vầy thì làm sao tui chịu nổi.

Ông Hai Chức bèn kê vào lỗ tai nói nhỏ:

- Bớt sợ lại đi chị sui.

Vừa nói ông vừa lần tay xuống mở sợi dây lưng quần, tới chừng trái đạn “oan gia” nó hú qua đầu, thì ông cũng giựt được sợi dây lưng quần nghe cái bựt. Tới chừng đó thì hai người chẳng còn biết sui gia, mà chỉ còn lại có tiếng thở phì phò, cũng như tiếng thở của “vợ chồng” đã từng thở với nhau trong đêm tối.

Không biết ông Hai Chức phản pháo bằng cách nào, mà sau đó tiếng súng lại êm re, chỉ còn lại có những ngọn gió chướng thổi vi vu trên tàu lá dừa nghe rất là ai oán. Dường như sau một cơn dại dột, con người đều lấy lại một cách bình tĩnh khác thường, nên bà sui nắm tay ông Hai Chức nói nhỏ:

- Tụi mình đã bị lỡ hoàn cảnh như vầy rồi tui không biết phải nói sao. Vậy tui xin anh sui giữ kín miệng giùm, đừng hé miệng cho ai biết rồi họ cười chê mình, không biết trốn đi đâu cho kịp!

Ông Hai Chức lòm còm ngồi dậy, lo vận lại cái lưng quần, rồi kê vào lỗ tai chị sui nói nhỏ:

- Chị sui đừng lo, tui biết mà. Việc nầy mình phải tiệt đối (tuyệt) giữ bí mật, chớ để cho con cái nó biết được thì mình sẽ ăn nói sao đây. Bởi tại lính họ pháo kích bất tử quá, chớ thiệt tình thì tui cũng đâu có bao giờ tính trước cái chuyện đó đâu, mong chị sui thông cảm đừng có bắt lỗi mà tui đây cũng không biết làm sao phạt vạ.

Hai người đã chun ra khỏi cái hầm trăng xê nãy giờ rồi, mà dường như hai kẻ xa lạ từ đâu đi tới. Nên cứ bỡ ngỡ nhìn nhau không nói tiếng nào. Thỉnh thoảng có một con gà cồ nào đó ở ngoài vườn, dường như đang hăng mái nên cất tiếng gáy bâng quơ, để phụ họa với quang cảnh đồng quê vô cùng yên tĩnh, khi tiếng súng pháo kích đã chấm dứt tự nãy giờ rồi, mà trong xóm vẫn còn êm re không nghe tiếng động. Có lẽ ai nấy cũng chưa hoàn hồn, nên mọi người đang ngồi trong nhà để nghe ngóng tình hình động tĩnh ra sao, để mà còn liệu bề đối phó.

Bà sui đi lại gần cất tiếng hỏi:

- Anh sui có đói bụng chưa, để tui dọn cơm ăn thêm rồi hãy về?

Ông Hai Chức nói trỏng:

- Thôi để tui uống thêm một ly nước đậu ván nữa rồi sẽ đi về, chớ ở ăn cơm thêm lỡ bị pháo kích thêm lần nữa rồi tui cũng không biết phải làm sao...

Bà sui đập tay lên vai, rồi nói:

- Xăn dịch anh chớ pháo. Pháo nữa cho tui có nước đội quần, thôi anh sui đi dìa (về); khi nào có rảnh lên chơi. Nhưng tui nói trước lần sau có pháo kích chết bỏ, chớ tui cũng hỏng có dám chun xuống hầm trăng xê nữa đâu nghen. Thiệt tình lính tráng gì mà họ thụt cà nông nghe phát sợ vậy hà...

Ông Hai Chức đứng dậy đi về, nhưng ông cũng không có chào hỏi theo đúng phép sui gia, mà ông chỉ nói:

- Thôi tui dìa (về) nghen.

 

Rồi dắt chiếc xe đạp đòn vông đi ra ngoài đầu bờ ruộng.

Bà sui đứng trong nhà nhìn theo chớ không dám tiễn đưa, sợ mấy người xóm chòm nhìn thấy. Đợi ông Hai Chức đi hơi xa một đỗi, rồi bà đưa bàn tay vuốt lại áo quần, sau đó bà đi vô buồng lấy lược chải đầu, mà từ hồi chun xuống hầm trăng xê trốn pháo kích, đã bị ông sui quần làm cho đầu tóc sổ tung. Trong phút giây bâng khuâng hồi tưởng đó, làm cho bà mắc cỡ nên ửng hồng đôi má.

Còn ông Hai Chức vừa dắt chiếc xe đi ra tới ngoài bờ trống, vừa thót lên chòi đi được chừng vài chục thước, thì có một ông già cắc cớ ló đầu ra hỏi:

- Sao bị pháo kích nãy giờ, hai sui gia có chun xuống hầm để chống pháo kích hôn vậy anh Hai?

Ông Hai Chức bẽn lẽn trả lời:

- Tôi thì nằm trốn ở kẹt bồ lúa, còn chị sui của tui thì trốn ở đâu mình đâu có biết. Bởi nó pháo kích rần trời như vậy mà ở đó nhớ tới sui gia...

Ông già kia ghẹo tiếp:

- Thiệt hôn đó. Chớ gặp tui thì tui cũng mần chớ đừng nói chi ai. Chị sui ở giá lâu ngày mà coi mòi cũng còn ngọt nước quá chớ bộ.

Ông Hai Chức cười chúm chím, rồi lo đạp chiếc xe đi cho thật lẹ, sợ đứng cà kê ông già dền nầy ổng bắt chuyện rồi nói đổ nuồi. Tới chừng đó thì sẽ lòi ra, sau nầy bị bà sui phiền trách. Sau lưng ông dường như còn có tiếng mấy người hàng xóm, họ đang chõ mỏ nói vọng theo, vì ở dưới nhà quê tuy người ta dốt nát, chớ chuyện gì họ cũng đón mò thật là chính xác. Không cần phải phân tích tùm lum mấy dữ kiện như dân chúng thị thành, mà họ cứ nhìn thẳng vào vấn đề rồi khẳng định. Cho nên cái việc họ nghi ngờ ông sui đã ở giá mấy năm, hôm nay gặp dịp may nầy dễ gì mà nhịn nổi. Như vậy mà cũng trúng phốc chớ có trật đâu, vì một khi thân xác của đàn ông với đàn ông mỗi khi xáp lại, thì có cu hồn đeo theo nó giục, chi bằng nếu có muốn tránh cái cảnh đó thì phải dang ra, nhưng gặp lúc đang pháo kích như vầy thì đâu còn có cái hầm nào nữa mà hòng chun xuống đỡ...

Riêng về bà phần sui gái thì đâu có được yên, mấy ông với mấy bà chòm xóm đợi cho ông Hai Chức đạp xe đi khỏi rồi họ nói:

- Chà ... lâu lâu có ông sui lên chơi, vậy mà mấy thằng lính pháo binh chơi cắc cớ há. Nó lại pháo chầu ba, sao tui hỏi thiệt chị Ba nó nghen, hồi nãy rồi chị để anh sui ổng núp ở đâu, hay là chị kêu ổng chun xuống hầm đặng hai người cùng chống pháo kích?

Bà Ba Thêm nói nhỏ:

- Ối mấy bà cứ nghĩ bậy gì đâu không. Chỗ sui gia của người ta mà nói bậy không sợ tội.

Rồi có giọng một người đàn ông khác nói xen vào:

- Không chừng ông sui cũng dám có lo lót trước với tụi pháo binh ở dưới lắm à, chớ pháo cái gì mà cả mấy giờ đồng hồ liền thì Mỹ làm sao viện trợ vô cho nổi.

Trước những câu nói bóng gió xa xôi, làm cho bà Ba Thêm càng thêm mắc cỡ, nên bà vội đánh trống lảng:

- Mấy người cứ nói cái gì đâu không. Chỗ sui gia của người ta mà nói mất trật tự, không sợ ông thần ổng vật chết thụt lưỡi cho rồi. Chớ thiệt tình hồi nãy chỉ có một mình tui chun xuống hầm thôi, còn anh sui của tui thì ổng chun xuống đít ván...

Tức thời có nhiều tiếng cười khật khật nổi lên. Khi họ đã biết mình may mắn còn sống sót, sau một trận pháo kích vừa rồi. Mà ở nông thôn trong thời giặc giã, mọi người đều có thể bình tĩnh để giỡn mặt với tử thần. Họ nói đó, cười đó, rồi nằm nhắm mắt xuôi tay đi vào một giấc ngủ bình yên thật đẹp. Chớ cũng không hề có biết oán hận đến ai. Chủ nghĩa cộng sản, hay chủ nghĩa tư bản cũng đều là xa lạ. Mà họ chỉ biết có thửa ruộng với lưỡi cày, và một đôi trâu sau một ngày cày bừa nặng nhọc, rồi họ rủ rê bạn bè ngồi lại với nhau để nướng con khô cá lóc, hay làm một món mồi gì đó để nhậu một trận sương sương, rồi nằm ngủ một giấc thẳng cẳng ngon lành, sáng hôm sau lại ra đồng tiếp tục. Chớ họ đâu cần biết đến hai chữ đảng “Cần Lao” hoặc “Nhân Vị” là gì, hay Việt cộng, với Liên Xô, ôi những thứ đó là những danh từ xa lạ. Vậy mà họ cũng chẳng được yên thân, một bên là một kẻ tối trời, còn một bên thì đi theo nắm chưn thằng Mỹ kéo về đây, để xây dựng lên một cái tiền đồn chống cộng rồi gieo đau thương tang tóc!

Về phần ông Hai Chức đã đạp xe về tới nhà nãy giờ rồi, mà ông có cảm tưởng như mình đang say sóng, thế mới biết hơi hướm của bà sui nó ám ảnh đến cỡ nào, không thua gì dầu gió của Nhị Thiên Đường, ông già nào đã lỡ xức vô rồi thì không đời nào quên được. Có khi trong giấc ngủ lại tương tư, cứ nằm trằn trọc vì một mùi hương mà không thể nào quên. Thì ra mùi da thịt của đàn bà, nó là một mùi không thể nào nhân tạo làm ra, cho nên ông Hai Chức đang chết mê chết mệt. Tuy vậy mà ông ta cũng ráng dằn lại trong lòng, sợ để lộ ra ngoài chòm xóm biết được thì họ cười chê, rồi con gái với thằng rể nó cự nự làm sao bày giải.

Đã nhiều lần Hai Chức tự nghiêm khắc lấy mình, đã là sui gia với nhau rồi mà còn làm như vậy nữa thì coi kỳ lắm. Nhưng rồi qua những đêm khuya trăn trở, ông Hai Chức vẫn nhớ đến chị sui, thế mới biết sự ăn ở vụng trộm nào cũng có cô hồn đeo theo vương vấn. Không ai có thể ăn một lần rồi thôi, mà nó cứ ám ảnh trong suốt canh trường, có nhiều lúc ông Hai Chức còn tìm cách để kiếm cớ đi lên thăm chị sui nữa chớ.

Nhưng ông phải chần chờ qua tới tháng mười hai gần tết, trong xóm mọi người lo chững bị (chuẩn) quếch bánh phồng, là ông Hai Chức mượn cớ tháo đập bắt một mớ cá đồng với xách một cặp gà đem lên cho chị sui ăn tết. Trời tiết xuân ngọn gió chướng thổi rong phần phật, làm cho từ con người cho tới vạn vật đều cảm thấy yêu đời. Nhưng chắc có lẽ chỉ có một mình ông Hai Chức là sung sức hơn ai hết, bởi vì hơi thở của bà sui cứ đeo theo ám ảnh riết lấy ông trong một buổi pháo kích hôm nào, hôm nay có nhiều lúc làm cho ông nhớ thôi không chịu nổi. Đó cũng là một cái thói quen của người đời, vì từ xưa tới nay đâu có người nào gần gũi xác thịt một lần rồi chịu thôi đâu, có khi họ đã biết đi đêm có ngày gặp ma, nhưng họ cũng ráng tìm cách để mà lén lúc.

Thế rồi tình hình chiến sự mỗi ngày căng thẳng thêm dữ dội, đứa con gái và thằng rể của ông Hai Chức chịu không nổi, phải dắt nhau lên thành phố Mỹ Tho để đạp xích lô sinh sống qua ngày, trong lúc ngộ bất cập tụi nó không thể đi về báo tin cho ông hay được. Nên ông có hay biết gì đâu, mà ông cứ đinh ninh lóng rày gặt hái xong, chắc là đứa con gái và thằng rể tụi nó lo đi thụt cá bóng kèo, hay đi đào cua để bán kiếm tiền bổi xài tết như mọi năm, cho nên ông hăm hở chụp một cặp gà giò trói lại, rồi giở khạp lựa bắt ra ba cặp cá lóc bự cỡ bắp tay bỏ vào trong túi đệm cột miệng lại xong, mà trong bụng lại nghĩ thầm, đứa cháu ngoại lóng rày đang tập nói thỏ thẻ chắc là dễ thương dữ lắm.

Thế là ông Hai Chức ung dung ngồi lật bì thuốc rê ra vấn một điếu như lệ thường, nhưng ông phải đợi cho mặt trời lên được vài sào để nghe ngóng tình hình động tịnh ra sao. Bởi phần đông ở nông thôn bây giờ, trước khi đi đâu qua khúc đường lộ đá, từ đây lên tới xã Thới Lai thì phải chờ lính nghĩa quân đi mở đường cho sạch trước cái đã, chớ còn đường sá bây giờ mỗi khúc đều có chôn mìn, cho nên mỗi bước đi đều kèm theo máu rơi lệ đổ.

Lần nầy ông Hai Chức đi thăm bà sui hết sức e dè, vì ông sợ cái vụ chun xuống hầm pháo kích hôm trước rủi bị ông địa dòm thấy rồi đi đâm thọt. Cho nên ông rón rén đạp xe đi một cách gấp rút, đầu đội một cái nón đệm kéo sụp xuống để cho đừng ai trông thấy. Đó cũng là một cái tánh lo xa khi ăn vụng được rồi, chớ thật ra thì ông Hai Chức từ trước tới nay ở trong xóm chòm thì ai cũng quý mến. Bởi cái tánh xởi lởi lễ phép của ông, hễ mỗi khi đi đâu gặp ai ở ngoài đường, ông ta cũng cũng đều chào hỏi trước.

Cũng may trong ngày hôm đó, bà con ai nấy đều lạnh cẳng không dám đi đâu, nên việc ông Hai Chức treo túi đệm có đựng hai con gà với mấy con cá lóc không ai nhìn thấy. Rồi từ chợ Thới Lai phải đổ đường đi ra ngoài giồng Ông Hổ, đó mới là một đoạn đường một mất một còn, vì người lạ mặt mà lọt vào đây thì một lát sau thế nào cũng bị bọn du kích bắt cóc đem đi làm thịt.

Bởi đã nghĩ trước như vậy cho nên ông Hai Chức, lột cái nón đệm xuống cầm tay để cho dân chúng ở đó họ nhìn cho rõ mặt. Vì ông là bên sui đàng gái đã được mấy năm nay rồi ở đây ai cũng biết hết, nhưng ngặt nỗi bà sui góa bụa mà ông sui tới lui thăm hoài coi sao phải. Nhưng ông cũng ráng làm mặt tỉnh bên ngoài, chớ thật ra thì trong bụng đang đánh trống múa lân, vì ông sợ khi gặp mặt chị sui rồi không biết làm sao mà ăn nói. Chính cái đó mới là một nỗi lo lắng trong lòng, phải chi hai người đừng có sui gia, thì lâu lâu ông đạp xe lên thăm một lần thì vui biết mấy.

Cũng may trong ngày hôm đó bà sui trai đang có mặt ở nhà, định liếc con dao yếm cho thật bén đặng mần ít con cá bóng kèo kho mắm ăn với rau đắng nước chơi, thì gặp ông Hai Chức cũng vừa đi tới. Thế là bà nhanh nhẩu ra chào, rồi mời ông sui bước vô nhà với vẻ ngỡ ngàng, chớ không còn được tự nhiên như mấy lần trước đó.

Ông Hai Chức làm bộ nhìn vô trong rồi hỏi:

- Ụa ... mấy đứa nhỏ đi đâu mất rồi vậy chị sui?

Bà sui làm bộ ngạc nhiên hỏi lại:

- Ụa ... bộ tụi nó không có thưa lại với anh sui hay sao? Là ở đây lóng rày găng quá, cho nên tụi nó đã dọn lên tá túc tạm ở Mỹ Tho để đạp xích lô sinh sống qua ngày, chờ chừng nào yên giặc hẵng hay, chớ còn lộn xộn như vầy mà ở đây gặp quốc gia đi ruồng thì cũng khổ, còn gặp mấy ổng thì cũng hồ nghi rồi có ngày oan mạng.

Ông Hai Chức ngước mặt mỉm cười ngó chị sui, rồi nói:

- Vậy mà tui có hay biết gì đâu, cứ tưởng tụi nó còn ở nhà nên bữa nay mới chụp cặp gà giò với mấy con cá lóc nầy đem lên cho tụi nó đây chớ...

Bà sui trai áng chừng hơi ngại; nên nói nhỏ:

- Anh sui đi không là được rồi, còn mang xách làm chi cho thêm cực, ở đây tháng nầy nát rạ chỉ cần làm siêng đi thụt cá bóng kèo một lát thì thiếu gì.

Nói xong một câu rào đón như vậy, rồi bà sui xin phép đi ra nhà sau để nhúm lửa nấu nước trà. Quả thật cái xóm giồng Ông Hổ nầy thật là yên vắng, thỉnh thoảng lại có vài tiếng con gà cồ nhà ai tục mái gáy vang lên lồng lộng, chớ ngoài ra không còn một tiếng động nào khác nữa. Ông Hai Chức ngồi một mình cũng tức cảnh sanh tình mà không biết phải làm sao, vì ông đã lén dòm chị sui tuồng như hôm nay bả hơi mắc cỡ. Như vậy là triệu chứng thất thường, lẽ ra lần nầy ông đi lên hai đứa nhỏ không có ở nhà, thì cũng như cá lóc đang gặp nước rong mê mồi mới phải. Còn đàng nầy dường như bà sui đang muốn tránh mặt ông, chính vì cái điệu bộ đó làm cho ông càng thêm khó nghĩ.

Ông Hai Chức ngồi một mình trên bộ ván, khiến cho ông càng thêm bối rối, nên ông lại phạch bì thuốc rê ra vấn rồi dán lên môi châm lửa hút. Nhờ khói thuốc cho nên ông đã dạn dĩ trở lại lần lần, nhưng ông cũng còn cảm thấy khó mở miệng để than thỉ nguồn cơn. Bởi hai sui gia mà tính tới chuyện ăn ở với nhau thì coi kỳ quá, còn nếu không tính tới thì thể xác nó đòi, cái điệu nầy thật khó giải quyết cho ông, một phần ông đã nhìn thấy cái đít của chị sui sao mà còn ướt rượt.

Chừng mười phút sau thì bà sui trai cũng khệ nệ bưng cái bình trà sứt vòi đi ra, với hai cái tách sành Chợ Lớn để xuống nói:

- Mời anh sui uống nước đậu ván cho ấm bụng.

Hai tách trà bốc khói, càng làm cho gương mặt của chị sui càng thêm vẻ mặn mà, khiến cho ông Hai Chức muốn cầm lòng không đậu, nhưng không biết phải làm sao. Vì hôm đó nhờ có pháo kích, rồi hai người sợ quá ôm đại với nhau, còn bây giờ êm re thì làm sao trổ mòi cho được.

Rồi hai người ngồi uống nước trà nói chuyện trời mưa nắng một hồi, bà sui trai nói một câu thăm dò cũng không khác gì đuổi khách:

- Dạ... chắc sáng anh sui chưa ăm cơm, thôi để tôi xuống bếp nấu cơm mời anh sui ăn rồi hãy về, chớ đi lỡ cỗ như vầy rủi ro về giữa đường, gặp mấy ổng đụng lộn với nhau thì đói bụng cũng khổ.

Ông Hai Chức làm thinh rót nước trà ra uống tiếp, bà sui đứng bẽn lẽn một hồi rồi xin phép xách cặp gà đem xuống bếp. Chừng hơn một giờ đồng hồ sau, thì một mâm cơm dọn lên cũng gọi là tươm tất. Vì thịt gà kho mẳn mà chấm với rau đắng nước có còn gì bằng, thế mà chỉ có một mình ông Hai Chức ngồi vào bàn ăn mới thật là ái ngại.

Ăn cơm xong ông Hai Chức cứ cà quần hoài mà chưa chịu về, trong khi đó thì bà sui trai cũng ngồi tạm nơi mép ván. Mặt trời đã lên trật ót đến mấy sào, khiến cho cơn gió chướng thổi vi vu càng thêm buồn áo não. Ông Hai Chức trong bụng lại nghĩ, nếu trễ thêm vài giờ đồng hồ nữa, thì từ đây đạp xe về tới dưới cũng nguy hiểm chớ chẳng chơi, vì trời chạng vạng thì bên nào cũng có thể hồ nghi rồi nhả đạn.

Đã nhiều lần ông Hai Chức bắt mạch chị sui, nhưng hôm nay chị sui dường như là muốn đuổi, dù vậy ông Hai Chức cũng ráng thả thử một câu thăm dò:

- Chị sui năm nay định cấy giống lúa gì đó?

Bà sui trai e dè đáp:

- Chắc cũng cấy lại giống Nàng Thước quá. Còn anh?

Ông Hai Chức làm bộ huỡn đãi đáp lại:

- Ở dưới tui có đổi được giống lúa Thần Nông. Chị có cấy hôn hôm nào để bữa nào rảnh tôi chở lên chia lại cho một giạ...

Bà sui trai mỉm cười, rồi nói:

- Dạ ... cám ơn anh. Ở đây từ hồi nào tới giờ mình cấy giống Nàng Thước quen rồi, bây giờ giống lạ sợ nước mặn chụp lên nó háp rồi thêm khổ nữa.

Hết cái vụ lúa giống, rồi bắt qua tới cái vụ heo gà, đã tới giờ nầy rồi mà ở dưới Liên Đội Địa Phương Quân không chịu pháo kích lên, làm cho ông Hai Chức nóng lòng nói đại:

- Sao bữa nay tới giờ nầy mà nó chưa chịu pháo kích vậy chị sui hả...

Bà sui hoảng hồn đáp lại:

- Thôi đi anh sui ơi, đừng nhắc tới mấy cái vụ đó nữa. Bữa nay mà nó pháo kích lên nữa tôi với anh còn có nước đội quần! Chớ còn không thì dám nhìn mặt với ai, xin anh sui thương tình đừng nhắc nữa...

Ông Hai Chức biết gặp phải mắt me, nên làm bộ kinh ngạc hỏi lại:

- Chị nói cái gì vậy chị sui? Nó pháo kích là quyền của nó chớ. Bộ hễ tui muốn thì được hay sao...

Bà sui cười mỉm rồi nói nhỏ:

- Từ bữa đó tới nay ở xóm nầy họ xầm xì, thiếu điều một chút nữa thì tôi đây độn thổ. Bữa nay mà nó dện thêm vài trái nữa, thì chắc chỉ có một mình anh chun xuống hầm thôi, còn tôi thì ngồi tại đây tới đâu thì tới. Chớ tui chun xuống dưới nữa rồi phải làm sao, tới chừng đó anh đòi phản pháo tui không biết làm sao để mà cản lại...

Ông Hai Chức đứng nán lại bẽn lẽn một hồi, rồi hỏi thăm coi thằng rể với đứa con gái tản cư lên Mỹ Tho ở đậu nhà ai. Nếu mai mốt chị sui có đi lên trển thăm nó, nói lại là khi nào có hết gạo thì cứ việc nhắn về, để tôi phơi lúa chở đi chà rồi đem lên tiếp tế, chớ ở thành đô gạo quế củi châu nếu mình không phụ hợ thì làm sao tụi nó sống nổi.

Bà sui trai thấy vậy cũng mừng, nên nói vuốt theo:

- Ờ... thôi từ rày về sao mình hãy để tâm đến phụ lo cho con, chớ đừng nhớ làm chi tới mấy trái đạn pháo kích bữa hổm mà lỗi đạo nghen anh sui. Bởi dù gì thì mình cũng phải giữ đạo thánh hiền, chớ đã là sui gia với nhau mà làm vậy thì coi sao phải!

Ông Hai Chức làm bộ chắc lưỡi nói:

- Thì chị sui không nói tôi đây cũng biết. Bữa nay tôi lên tới đây là cũng để dốc lòng nói ra cái chuyện đó thôi, chớ mình mà tiếp tục mong cho pháo kích hoài thì coi sao được. Dù gì thì mình cũng có cháu ẵm bồng rồi, tại bữa hổm bị pháo kích rát quá nên tui hoảng hồn mà không còn biết trời trăng gì nữa đó chớ...

Nói xong mấy câu giả lả rồi hai sui gia nhìn nhau trong cảnh ngại ngùng, như hai kẻ ban đêm đi ăn trộm dưa bỗng tình cờ gặp nhau nơi ngoài bờ ruộng. Ông Hai Chức vẫn còn ấm ức trong lòng, nhưng phải lễ phép gật đầu chào chị sui thêm lần nữa, rồi thong thả dắt chiếc xe đạp đi ra, chớ không còn hấp tấp như hôm mới vừa tan pháo kích.

Trong khi đó thì mấy bà hàng xóm dường như đang nói lén thì thầm, chắc bữa nay không có pháo kích nên anh sui mới chịu về sớm đó đây, chớ mà gặp pháo kích như hôm trước thì hai người lại chun xuống hầm dễ gì mà gỡ ra cho được. Từng lời nói chọc ghẹo như vậy cứ tiếp tục đuổi theo, cho tới khi ông Hai Chức đạp chiếc xe đi ra tới bờ dừa thì ông mới thở phào nhẹ nhõm.

Phùng Nhân

* * *

Xem bài liên hệ với chủ đề: click vào đây
Xem các bài trên trang Văn: click vào đây
Trở về trang chính: http://www.nuiansongtra.net  


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh