Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 08, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Kiến thức, tài liệu
CHÍNH SÁCH XOAY TRỤC SANG ĐÔNG Á CỦA MỸ: VỀ PHƯƠNG DIỆN HẢI QUÂN
BAN ĐIỀU HÀNH
Các bài liên quan:
    CHÍNH SÁCH TÁI CÂN BẰNG CHÂU Á CỦA MỸ ĐANG BỊ ĐE DỌA
    CHÍNH SÁCH “XOAY TRỤC” SANG CHÂU Á-THÁI BÌNH DƯƠNG: NHIỀU HỎA MÙ HƠN HỎA LỰC
    NHỮNG KHÍA CẠNH QUÂN SỰ TRONG CHIẾN LƯỢC “XOAY TRỤC” CỦA MỸ SANG CHÂU Á
    BÊN NGOÀI VIỆC CHUYỂN TRỤC CHIẾN LƯỢC: MỘT LỘ ĐỒ MỚI CHO QUAN HỆ MỸ-HOA.
    MỸ HƯỚNG VỀ CHÂU Á: NÓI DỄ HƠN LÀM


(AMERICA’S PIVOT TO EAST ASIA: THE NAVAL DIMENSION)
Survival: Global Politics and Strategy, Vol. 54, No. 3, pp. 81-94.
By Christian Le Mière
Dịch & Hiệu đính: Vương Tuấn Hưng.



USS George Washington CVN-73


Công bố của Tổng thống Mỹ Barack Obama và Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta vào đầu tháng 1-2012 về việc điều chỉnh chiến lược quốc phòng đã khẳng định rằng Mỹ đang hướng sự chú ý tới khu vực châu Á – Thái Bình Dương khi mà các cam kết tiến hành chiến tranh ở Trung Đông và Trung Á lắng xuống. Trong một cuộc họp báo tại Ngũ Giác Đài vào ngày 05-01, Tổng thống Obama, Bộ trưởng Quốc phòng Panetta và Tổng tham mưu trưởng Liên quân Martin Dempsey đã đề cập đến văn bản hướng dẫn chiến lược mới “Duy trì vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ: Những ưu tiên trong chiến lược quốc phòng thế kỷ 21”. Là sản phẩm của một quá trình rà soát lại những ưu tiên quốc phòng của Mỹ “trong thời điểm quá độ”, văn bản này cho biết Mỹ sẽ “cần phải tái cân bằng sang khu vực Châu Á - Thái Bình Dương”. (1) Chính sách xoay trục về châu Á cũng đã được Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đề cập tới trong một bài trên tạp chí Foreign Policy vào tháng 11 năm 2011, trong đó bà nhấn mạnh rằng “Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ trong thập niên tới sẽ là thực hiện một khoản đầu tư gia tăng đáng kể trong các lĩnh vực ngoại giao, kinh tế, chiến lược… vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương”. (2)

Tuy tài liệu “Duy trì vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ” không đề cập chi tiết về việc chuyển trọng tâm sang châu Á, một vài chi tiết trong số đó đã dần được nhận thấy một cách rõ ràng, đặc biệt là đối với lực lượng Hải quân và Thủy quân Lục chiến (TQLC). Sau công bố của Bộ trưởng Quốc phòng lúc đó là Robert Gates tại đối thoại Shangri-La ở Singapore vào hồi tháng 6-2011, (3) trong một bài viết trên tạp chí Proceedings vào tháng 12 cùng năm, đô đốc Jonathan Greenart, Tư lệnh Hải quân mới của Mỹ, cho biết Hải quân Mỹ sẽ “bố trí một số tàu chiến gần bờ mới nhất đến cơ sở Hải quân của Singapore”. Ông Greenart cũng đưa ra khả năng là cho đến năm 2025 Mỹ sẽ lần lượt điều động máy bay chống ngầm P-8A Poseidon hoặc “các khí cụ bay giám sát hàng hải không người lái phạm vi rộng” có thể được bố trí đến Philippines hoặc Thái Lan để “giúp những quốc gia này giám sát vùng biển”. (4)

Đây không phải là chi tiết đầu tiên được công bố trong chính sách phòng thủ của Mỹ ở châu Á. Vào tháng 11, Tổng thống Obama tuyên bố đã đạt được thỏa thuận với Australia cho phép đến 2.500 Thủy quân Lục chiến đồn trú luân phiên 6 tháng một lần ở khu vực Lãnh thổ Phía Bắc nước này (5). 200 TQLC đầu tiên đã đến đây vào đầu tháng 4, cùng lúc 2 nước vẫn đang bàn luận về việc tăng thêm số tàu chiến của Hải quân Mỹ quá cảnh các căn cứ của Australia, đặc biệt là căn cứ HMAS Stirling.

Những cam kết chưa được thi hành cũng đã bắt đầu lộ diện và được ủng hộ trong năm qua. Cũng trong tháng 11, Ngoại trưởng Hillary Clinton, bằng việc ký “Tuyên bố Manila” với Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosaria nhằm kỷ niệm 60 năm Hiệp ước phòng thủ chung năm 1951, đã một lần nữa tái khẳng định liên minh giữa Mỹ và Philippines. Sau khi ký tuyên bố trong một buổi lễ mang tính biểu tượng cao trên khoang tàu khu trục USS Fitzgerald ở Vịnh Manila, bà Hillary nói: “Chúng ta đang bảo đảm rằng năng lực phòng thủ chung và cơ sở vật chất thông tin liên lạc có thể hoạt động hiệu quả để răn đe những động thái khiêu khích”. (6) Sau sự kiện này, Hải quân Philippines đã được Washington tặng một tàu chủ lực mới, tên là BRP Gregorio del Pilar, vốn là một tàu lớp Hamilton của lực lượng Tuần duyên Mỹ. Dự kiến Philippines sẽ có thêm một tàu chiến thứ 2 vào tháng 5. Trong khi đó, Mỹ và Việt Nam đã bắt đầu các hoạt động tăng cường quan hệ giữa hai quân đội thông qua các chương trình huấn luyện phi tác chiến trong tháng 7 năm 2011.

Tuy loạt công bố và sự kiện vừa rồi có thể gây ấn tượng rằng Mỹ đang tăng cường cam kết và sức mạnh quân sự ở khu vực châu Á – TBD, nhưng thực chất những diễn biến này bắt nguồn từ nỗ lực của Mỹ trong cả một thập niên qua nhằm phân tán bớt một phần lớn lực lượng đồn trú lâu dài ở Nhật và Hàn Quốc. Từ đó có thể thấy rằng Mỹ đang ra sức thực hiện một chiến lược kép ở châu Á thông qua việc củng cố những cam kết quân sự khác nhau, đồng thời tránh chọc giận Trung Quốc (TQ) bằng những động thái triển khai quân được coi như hiếu chiến ở gần biên giới. Mục tiêu của Washington là duy trì sự hiện diện phô trương ở châu Á – TBD để vừa răn đe vừa xoa dịu Trung Quốc, tránh những cuộc đối đầu trực diện.

Cùng thời điểm này, TQ, do có lực lượng hải quân yếu thế hơn so với Hải quân Mỹ, đã áp dụng một dạng chiến lược khá tương đồng với khái niệm “hạm đội hiện hữu” (fleet-in-being) được Bá tước thứ nhất xứ Torrington, Đô đốc Arthur Herbert của Hải quân Anh đưa ra vào thế kỷ 17. Cụ thể hơn, Torrington đã sử dụng sự có mặt một hạm đội của liên quân Anh-Hà Lan dù không có khả năng chiến thắng nhưng có thể gây thiệt hại đáng kể để răn đe không cho quân Pháp tấn công. [*] Cũng giống như vậy, trong khi cố gắng che giấu những điểm yếu của mình, TQ đang muốn cho Mỹ thấy rằng họ có khả năng đáp trả bất cứ động thái gây gổ nào mà Mỹ có thể đưa ra.

Hai chiến lược của Mỹ và TQ đã tạo nên một mẫu hình đặc biệt về hành vi hải quân mang tính căng thẳng, phô trương, khi mà cả hai quốc gia đang phô diễn ý định và khả năng răn đe sự gây hấn của đối phương, nhưng đồng thời cũng cố gắng tránh đụng độ trực tiếp. Lo ngại về phía TQ là việc sử dụng chiến lược như vậy sẽ khiến Mỹ coi TQ như mối đe dọa an ninh chủ chốt và do đó sẽ tập hợp thêm lực lượng để đề phòng. Còn về phía Mỹ, việc phân tán lực lượng ra nhiều địa điểm để đối phó với chiến lược của TQ sẽ làm giảm khả năng của các lực lượng Mỹ trong việc tiến hành những trận đánh mang tính quyết định. Ngoài ra, cách tiếp cận của Mỹ tạo ra một không gian chiến lược “dễ thở” cho TQ ở khu vực cận ngoại vi, do đó có thể khiến Đảng Cộng sản TQ và Quân đội Giải phóng Nhân dân trở nên khinh địch, dẫn đến những tính toán sai lầm.

Chiến lược “hạm đội hiện hữu” của Trung Quốc

“Hạm đội hiện hữu” là một khái niệm thường dùng để chỉ chiến thuật được sử dụng bởi một lực lượng hải quân yếu thế hơn nhằm răn đe không cho đối phương tấn công hoặc làm suy yếu lực lượng địch qua những đợt tấn công nhỏ lẻ và liên tục thẳng vào lực lượng hải quân địch hoặc vào các con đường giao thông trên biển. Bắt nguồn từ nỗ lực của Đô đốc Torrington nhằm tránh một cuộc quyết chiến với một hạm đội mạnh hơn nhiều của Pháp vào năm 1690 (trận chiến mà cuối cùng ông cũng không thể tránh khỏi, dẫn đến thất bại của quân Anh - Hà Lan tại Beachy Head), mục đích ban đầu của “hạm đội hiện hữu” là nhằm duy trì một sự hiện diện hải quân có thể quan sát được để hư trương thanh thế, khiến đối phương lo sợ phải chịu thiệt hại nặng nề khi đối đầu trực diện, từ đó làm đối phương mất đi nhuệ khí tấn công. Như vậy, “hạm đội hiện hữu” sử dụng trong chiến thuật truyền thống này không thể tấn công do yếu thế hơn, nhưng cũng sẽ không rút khỏi vị trí chiến lược của mình mà ngược lại, giữ vững vị trí đó để ngăn chặn những cuộc tấn công vào chính nó hay vào lãnh thổ chủ quyền (mà nó đang phòng thủ).

Kể từ sau sự kiện Torrington, thuật ngữ “hạm đội hiện hữu” đã được dùng để chỉ những hành động của một hạm đội yếu thế nhằm làm suy yếu đối thủ mạnh hơn mà không phải thông qua các trận đánh quyết định, thay vào đó là những đợt tấn công hạn chế hoặc làm gián đoạn nguồn tiếp tế, hay thậm chí là chỉ bằng chính sự có mặt của nó. Theo Geoffrey Till, chiến thuật này thường có 4 mục tiêu: đạt được một mức độ kiểm soát nhất định trên biển theo đường vòng bằng cách tránh những trận đánh quyết định; đạt được lợi ích chiến lược… bằng những hành động có ích (chẳng hạn như đánh vào thương mại hay bờ biển của đối phương) mà không kỳ vọng vào việc đánh bại lực lượng chủ lực của địch; bằng cách liên tục quấy rối và tránh né, ngăn không cho đối phương hưởng lợi thế của lực lượng vượt trội; và cuối cùng là bảo đảm cho hạm đội yếu thế của mình sống sót đến cùng (7).

Có nhiều ví dụ trên thực tế minh họa cho chiến lược “hạm đội hiện hữu”, có thể kể đến cuộc chiến ở Peloponnesse, “hạm đội bất khả chiến bại” Armada của Tây Ban Nha hay chiến tranh Nga - Nhật, nhưng có lẽ dẫn chứng tiêu biểu nhất phải là Thuyết Rủi ro (Risikogedanke) được đưa ra bởi Đô đốc hải quân Đức Alfred von Tirpitz trong một bản ghi nhớ bí mật vào tháng 6 năm 1897 (8). Đô đốc Tirpitz cho rằng nước Đức không nên đụng độ với tất cả các mối đe dọa về hải quân, mà thay vào đó chỉ tập trung vào một đối thủ chính (tuy ông không nhắc đến tên của đối thủ này, nhưng có thể hiểu rằng đó chính là Hải quân Hoàng gia Anh). Do đó ông đề xuất sử dụng một hạm đội có kích thước và sức mạnh vừa đủ để gây thiệt hại đáng kể cho Đại Hạm đội của Hải quân Hoàng gia Anh, qua đó làm suy yếu vị thế chiến lược và đe dọa sự thống trị của hạm đội này trong bối cảnh Đức còn phải đối đầu với các quốc gia khác như Pháp và Nga. Nhìn chung hạm đội này của Đức vẫn yếu thế hơn, nhưng vẫn sẽ khiến hạm đội Anh mất đi ý chí tấn công. Sau đó hàng loạt đạo luật hải quân đã được ban hành, trong đó đáng kể nhất là Đạo luật liên quan đến hạm đội Đức ngày 14 tháng 6 năm 1900, theo đó số tàu chiến trong hạm đội phải tăng gấp đôi thành 38 tàu. Với kích cỡ như vậy, hạm đội này sẽ tạo ra một lượng rủi ro đủ lớn để Hải quân Anh cảm thấy mối nguy hiểm từ những hiểm họa tiềm tàng khác, dẫn đến không còn muốn chạm trán với Đức.

Cũng như vậy, được đặt theo tên của Đô đốc Tirpitz, một tàu chiến lớp Bismarck đã được hạ thủy vào năm 1941, tạo nên một ví dụ hoàn hảo cho chiến lược “hạm đội hiện hữu” áp dụng trong thời chiến, cụ thể là vào Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Chỉ dùng sự hiện diện của mình, cùng với sự bao bọc tuyệt vời của những vùng vịnh hẹp ở Na Uy, tàu Tirpitz cùng đoàn hộ tống đã trở thành một mối đe dọa giao thông hàng hải cho Liên Xô, buộc Hạm đội chủ lực của Hải quân Hoàng gia Anh “Home Fleet” phải có mặt và bị cầm chân ở khu vực này. Theo thư của Thủ tướng Anh Winston Churchill gửi cho Thứ trưởng thứ nhất Hải quân Dudley Pound vào tháng 8 năm 1941, con tàu này “tạo ra một nỗi sợ mơ hồ, đe dọa tất cả các điểm cùng một lúc. Nó thoắt ẩn thoắt hiện gây phản ứng trực tiếp và nhiễu loạn cho đối phương (9).

Chiến thuật cố tình tránh những trận chiến quyết định này có thể coi như hoàn toàn trái ngược với học thuyết của Alfred Thayer Mahan vốn đôi khi được Hải quân Mỹ áp dụng rộng rãi: tập trung vào trận đánh của hạm đội chủ lực. Tuy nhiên, Chính Mahan cũng hiểu được lợi ích của chiến lược “hạm đội hiện hữu” trong trường hợp một lực lượng yếu thế phải đối mặt với kẻ địch mạnh hơn:

Mục tiêu của bên yếu hơn là phải giữ được vùng biển càng nhiều càng tốt; không được tách rời lực lượng tàu chiến, mà phải tập trung lại; phải sử dụng tính lưu động, ít xuất hiện để tạo ra tin đồn tăng lên theo cấp số nhân, từ đó tạo ra đe dọa ở nhiều hướng, khiến cho đối phương phải phân tán lực lượng, tóm lại là phải khiến đối phương, theo như Daveluy gọi, phải “di dời binh lực” một cách không thuận lợi (10).

Những hoạt động hiện tại của Hải quân TQ rất giống với các yếu tố của chiến lược “hạm đội hiện hữu”, đặc biệt là Thuyết Rủi ro của Tirpitz. Đây là một phần trong chiến lược “phong tỏa biển” (tạm dịch từ “sea-denial”), đối nghịch với chiến lược “kiểm soát biển” (sea-control). Hạm đội được sử dụng không nhắm đến quyền kiểm soát vùng biển mà nhìn chung để cho đối thủ mạnh hơn kiểm soát, nhưng đồng thời cũng ngăn không cho đối phương ngự trị các vùng biển trong một số thời điểm nhất định bằng cách sử dụng sự hiện diện và mối đe dọa đến từ hạm đội này.

Khả năng phong tỏa và chống xâm nhập được ca ngợi rất cao của TQ, bao gồm một hạm đội tàu ngầm lớn, hỏa tiễn đạn đạo chống tàu và những chiến hạm lưu động được trang bị hỏa tiễn chống tàu, là công cụ chính để TQ theo đuổi chiến lược “hạm đội hiện hữu”. Đây là nền tảng để họ cho Mỹ thấy rằng bất cứ nhóm đặc nhiệm hải quân nào được cử đi đối đầu với TQ đều sẽ phải chịu thiệt hại khôn lường. Thay vì thống trị vùng biển hay triển khai sức mạnh vượt ra ngoài biên giới, trong vài chục năm gần đây TQ đã áp dụng chiến lược phát triển công nghệ tàng hình và tốc độ để trở nên khó theo dõi và đối phó. Những công nghệ như hỏa tiễn đạn đạo chống tàu (thường được gọi là “sát thủ tàu sân bay”) được dùng để răn đe không cho Hải quân Mỹ điều động những chiến hạm cỡ lớn, tức là nhắm vào chính những lợi thế của Mỹ mà Hải quân TQ không có. Những cuộc tập trận thường xuyên và những ngày đặc biệt như kỷ niệm 60 năm ngày thành lập hạm đội vào tháng 4-2009 là dịp để TQ có thể phô diễn những sức mạnh trên. Những cuộc tập trận này tuân theo đúng gợi ý của Julian Corbett rằng chiến thuật “hạm đội hiện hữu” đòi hỏi “hạm đội phải hiện hữu một cách tích cực, không đơn thuần chỉ là tồn tại mà phải hoạt động và đầy sức sống” (11).
 

 

USS George Washington ghé cảng Busan, Nam Hàn


Chắc chắn chiến lược của TQ có thể còn tiến hóa cùng sự phát triển lớn hơn trong khả năng triển khai sức mạnh của nước này. Hiện tại TQ đã có sẵn một chương trình phát triển tàu sân bay, 3 tàu tấn công lưỡng cư loại 071 và một hạm đội ngày càng được mở rộng gồm những chiến hạm mạnh và hiện đại. Mặc dù vậy, trong tương lai Hải quân TQ vẫn là bên yếu thế hơn trên chiến trường Thái Bình Dương, do vậy họ vẫn sẽ áp dụng chính sách răn đe qua các hành động phô diễn sức mạnh có thể gây cho bất kỳ đối phương nào các thiệt hại không nhỏ.

Chiến lược “hạm đội phân tán” của Mỹ

Trớ trêu thay, một vài khía cạnh trong chiến lược hải quân hiện tại của Mỹ ở Đông Á lại khá giống với chiến lược “hạm đội hiện hữu” của TQ. Tuy đang ở vị thế đứng đầu khu vực, nhưng lực lượng hải quân và lính thủy đánh bộ Mỹ cũng đang tránh đụng độ trực tiếp và cùng lúc đó có những hành động răn đe các động thái gây hấn của TQ. Tóm lại, Mỹ, lực lượng hải quân với ưu thế vượt trội, đang cố tình giữ khoảng cách để tránh xung đột và cũng để phòng bị tốt hơn trước những loạt tên lửa của đối thủ, nhưng đồng thời duy trì đủ lực lượng tấn công để tạo áp lực và răn đe. Chiến lược này có thể được gọi là “fleet-in-dispersal”, hay “hạm đội phân tán”.

Bằng chứng cho thấy Mỹ đang áp dụng chiến lược này nằm ở những thông báo gần đây về việc hướng lại sự chú ý về phía châu Á và ở những thay đổi lực lượng trên thực tế ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong vòng 10 năm trở lại đây. Đã có rất nhiều ý kiến được đưa ra xoay quanh những thông báo gần đây về sự gia tăng hiện diện của quân đội Mỹ trong khu vực. Do Mỹ đang duy trì hiệp ước phòng thủ với 5 nước châu Á - Thái Bình Dương, sẽ là khôn khéo về mặt ngoại giao nếu Mỹ đề cao việc triển khai quân diễn ra gần đây như là nhằm duy trì cam kết giữ gìn ổn định và tự do hàng hải qua các vùng biển chung của khu vực. Sự bảo đảm này có thể nói là ngày càng cần thiết trong hoàn cảnh quan hệ của các bên tranh chấp ở Biển Đông gần đây đã trở nên xấu đi, xung đột ngoại giao xảy ra đều đặn ở vùng biển Hoa Đông, quan điểm ngoại giao của Bắc Kinh trong 2 năm gần đây được coi là trở nên cứng rắn hơn, và cuối cùng là mối đe dọa nhận thấy được ở tiềm lực hải quân gia tăng của TQ (kết hợp với mối lo tiềm ẩn về chủ nghĩa sô-vanh TQ). Tại Hội nghị thượng đỉnh An ninh châu Á IISS, hay còn gọi là Đối thoại Shangri-La, diễn ra vào tháng 6-2011, một trong những chủ đề chính là mong muốn một tín hiệu rõ ràng trong việc Mỹ kéo dài các cam kết của mình (12).

Khó khăn đối với Bộ quốc phòng và Bộ Ngoại giao Mỹ, đặc biệt là Bộ chỉ huy Thái Bình Dương, chính là phải đưa ra được lời đảm bảo cho các nước châu Á mà vẫn tránh được cơn thịnh nộ của TQ, vốn đang lo ngại sự bao vây của Mỹ và các nước đồng minh, đồng thời tin rằng các đối thủ đang theo đuổi chính sách siết chặt TQ trong “chuỗi đảo thứ nhất” (kéo dài từ Nhật đến Đài Loan, Philippines và Biển Đông).

Do vậy, có thể nói việc điều quân của Mỹ sẽ có 2 tác động chính. Tác động thứ nhất có thể thấy ở việc triển khai tàu chiến gần bờ đến Singapore trong thời gian gần đây, cho thấy rõ ý định hỗ trợ đồng minh và đảm bảo tự do lưu thông hàng hải trong khu vực. Đảo quốc này không chỉ là đồng minh chủ chốt của Mỹ ở Đông Nam Á mà còn là một trung tâm hàng hải quốc tế, nằm trên một trong những tuyến đường giao thông trên biển tấp nập nhất thế giới. Năm 2003, Chủ tịch nước TQ Hồ Cẩm Đào đã chính thức thừa nhận rằng quốc gia này phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nhiên liệu lưu thông qua eo biển này (90% sản phẩm năng lượng vận chuyển bằng đường biển đi qua eo biển hẹp này), lần đầu tiên nêu ra tình thế mà người TQ gọi là “thế lưỡng nan Malacca” (13). Trong bối cảnh đó, việc Mỹ triển khai thêm sức mạnh ở Singapore có thể ẩn chứa một mối đe dọa cho TQ (14). Nếu chiến sự nổ ra giữa hai nước thì lực lượng Mỹ đã được bố trí sẵn để kiểm soát toàn bộ lưu thông qua eo biển này và siết chặt TQ bằng một cuộc phong tỏa. Cũng như cách TQ sử dụng chiến lược “hạm đội hiện hữu” để vô hiệu hóa sức mạnh của Hải quân Mỹ, việc Mỹ điều quân đến Singapore cũng nhắm vào điểm yếu chiến lược của TQ – sự phụ thuộc của họ vào eo biển Malacca.

Tương tự, Mỹ cũng điều lính thủy đánh bộ đến Australia như một sự trấn an rõ ràng dành cho đồng minh trong khu vực, đồng thời ngầm đe dọa TQ bằng một lực lượng lính thủy đánh bộ có thể được triển khai nhanh chóng tác chiến ở những vùng tranh chấp. Ban đầu, một đơn vị cỡ đại đội sẽ được cử đến Darwin, và con số có thể lên tới 2.500 lính thủy đánh bộ và nhân viên không quân trong những năm tới theo thời hạn 6 tháng một lần. Thông điệp dành cho TQ là rất rõ ràng: Mỹ đang mở rộng cam kết với đồng minh trong khu vực và sẽ không ngần ngại điều động lực lượng đến những nơi cần thiết. Việc Singapore và Australia có tên trong danh sách những nước được Mỹ triển khai lực lượng hoàn toàn phù hợp với một văn kiện chiến lược khác được Bộ Quốc phòng Mỹ ban hành vào ngày 17-1-2012: “Khái niệm tiếp cận tác chiến liên hợp” (Joint Operational Access Concept). Văn kiện này mô tả sự phản ứng của Mỹ đối với chiến lược chống tiếp cận/ phong tỏa khu vực ngày càng mạnh của TQ, và lần đầu tiên vạch ra chi tiết ý tưởng “tác chiến hợp nhất không-hải quân” (Air–Sea Battle Concept) được đề cập đến trong bản Kiểm điểm chính sách quốc phòng bốn năm một lần năm 2010.

Một vài ý tưởng trong “Khái niệm tiếp cận tác chiến liên hợp” được áp dụng cụ thể cho chiến lược “hạm đội phân tán” triển khai ở châu Á. Ví dụ ở trang 26, văn kiện này chỉ ra rằng “ý tưởng tác chiến dựa trên nhiều chiến dịch tự duy trì cùng lúc mang lại nhiều lựa chọn cho lực lượng liên hợp và buộc đối thủ phải phòng thủ theo nhiều trục khác nhau”. Nói cách khác việc có thể triển khai quân từ nhiều nơi sẽ gây khó khăn cho hoạt động thu thập tình báo và khả năng đáp trả hiệu quả của đối phương đối với sự dịch chuyển quân. Văn kiện còn nói thêm, khi được triển khai, một lực lượng phân tán “bao gồm những thành tố liên kết tự duy trì, được hỗ trợ bởi hỏa lực liên kết, sẽ di chuyển một cách độc lập đến nhiều điểm chiến dịch, từ nhiều cảng xuất quân khác nhau, có thể thay đổi lộ trình trên đường nếu cần, tập trung nhanh chóng vào những mục tiêu chủ chốt, và lại phân tán nếu tình huống đòi hỏi”. Mặc dù văn kiện “Khái niệm tiếp cận tác chiến liên hợp” đã được thiết kế để đảm bảo sự tự do tiếp cận của quân đội Mỹ trên toàn cầu, nó cũng chỉ ra rằng sự tự do này đang bị thách thức bởi “những đối thủ tương lai ngày càng trở nên mạnh mẽ vốn nhìn nhận chiến lược chống tiếp cận/ phong tỏa khu vực chống lại Mỹ như một cách hành động mang lại ưu thế cho họ”. 15 Mặc dù ý kiến này có thể ở một mức độ nào đó áp dụng được cho Iran với một lực lượng lớn bao gồm các chiến hạm nhỏ được trang bị tên lửa chống tàu (mua từ TQ), thực chất đối thủ mạnh nhất trên phương diện chống tiếp cận/ phong tỏa khu vực chính là TQ.

Những kế hoạch điều động lực lượng của Mỹ tại Nhật và Hàn Quốc cũng là một ví dụ khác phản ánh việc Mỹ thay đổi cách bố trí quân ở Châu Á, và cùng với đó là chiến lược “hạm đội phân tán”. Các kế hoạch chính bao gồm việc rút bớt khoảng 5.000 lính thủy đánh bộ từ Lực lượng Thủy quân lục chiến Viễn chinh số III từ Okinawa, Nhật để củng cố thêm đáng kể lực lượng đóng quân ở đảo Guam. (Thêm khoảng 4.000 lính thủy đánh bộ nữa sẽ rời khỏi Nhật Bản để đến Hawaii và Australia). Cùng lúc đó, lực lượng Mỹ ở Hàn Quốc đã giảm từ con số 38.500 vào năm 2004 xuống còn 28.500 và có thể con số này sẽ còn tiếp tục giảm. 16 Từ sau khi kết thúc Chiến tranh lạnh, Nhật và Hàn Quốc là 2 quốc gia Đông Á có sự hiện diện quân sự của Mỹ nhiều nhất. Với việc rút bớt quân ra khỏi 2 nước này, Mỹ về cơ bản đang phân tán lực lượng ra một khu vực rộng hơn, tới nhiều địa điểm hơn.

Những thay đổi trong bố trí lực lượng của Mỹ cũng có một hiệu ứng thứ hai. Việc điều quân từ Nhật Bản và Hàn Quốc có thể coi là hành động rút quân từ “tiền tuyến” chuỗi đảo thứ nhất về hậu phương là “chuỗi đảo thứ hai” (nối liền Guam, quần đảo Mariana, Palau và các đảo phía Tây Indonesia). Mỹ cũng đang dự định đầu tư 8,6 tỷ đô la (5,1 tỷ trong số này là từ Nhật) để mở rộng căn cứ ở Guam và các khu vực huấn luyện xa bờ ở phía Bắc quần đảo Mariana. Từ quan điểm của Bắc Kinh, có thể nói việc Mỹ rút bớt quân đã đóng từ lâu ở hai trọng điểm Đông Á, những quốc gia có tiền sử mâu thuẫn với TQ và là đồng minh thân cận của Mỹ, có thể coi là giảm bớt áp lực lên biên giới và cho TQ khoảng không gian chiến lược mà họ trước đây vẫn còn thiếu.

Ngoài ra, việc chuyển quân đến Singapore và Australia cho thấy một quyết định đã được cân nhắc cẩn thận để tránh chọc giận TQ bằng những việc triển khai mang tính chất gây hấn. Các tàu chiến gần bờ của Mỹ sẽ được điều hẳn đến Singapore, nhưng sẽ không lập căn cứ ở đó. Tháng 1 năm 2012, Đô đốc Robert Willard, Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương, cho biết: “Hiện tại Mỹ không hề có ý định hay mong muốn lập thêm căn cứ quân sự ở bất cứ đâu trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương”.17 Và mặc dù Singapore nằm ngay tại một nút thắt rất quan trọng trên thế giới, đây lại không phải là một trong những quốc gia tranh chấp trên vấn đề Biển Đông. Có lẽ vì thế mà Mỹ chọn Singapore làm đồng minh Đông Nam Á đầu tiên để tăng cường triển khai quân thay vì Philippines, một đồng minh chủ chốt khác mà vẫn còn căn cứ quân sự của Mỹ trên lãnh thổ cho tới năm 1992. Mỹ có thể sẽ điều động thêm quân luân phiên tới Philippines trong tương lai nhưng hiện tại, việc ưu tiên Singapore sẽ giúp Washington tránh gây cảm nhận là đang xen vào một tranh chấp 6 bên (bao gồm TQ, Việt Nam, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Brunei) vốn đã ngày càng căng thẳng trong vòng 2 năm trở lại đây. Trong khi đó, Australia tuy cũng là một đồng minh quan trọng nhưng lại có vị trí xa TQ và nằm ngoài chuỗi đảo thứ hai. Thực tế, khi nói về việc triển khai quân ở Australia, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Michele Flournoy khẳng định rằng “Mỹ không có ý định ngăn chặn TQ” và rằng “những động thái thay đổi này quan trọng hơn hết là để củng cố liên minh của Mỹ và Australia” chứ không phải là để chống lại sự trỗi dậy của TQ. 18

Thông qua việc củng cố thêm cho chiến lược “hạm đội phân tán”, Mỹ đang cố gắng phô diễn sức mạnh hải quân của mình, chủ yếu bằng những cuộc diễn tập hải quân lớn với đồng minh. Những động thái này là nhằm một lần nữa trấn an đồng minh của Mỹ trong khu vực và để nhắc nhở Trung Quốc về sức mạnh vượt trội cũng như sự hiện diện quân sự thường trực của mình ở nhiều địa điểm trên toàn khu vực, đồng thời vẫn tránh đối đầu trực tiếp với Trung Quốc. Ví dụ vào tháng 7-2011, Mỹ đã tổ chức một cuộc tập trận chung đầu tiên với Nhật Bản và Australia tại khu vực Biển Đông, tuy là chỉ trên qui mô rất hạn chế.

Một động thái đặc biệt hơn là việc sử dụng tàu sân bay USS George Washington tại Biển Nhật Bản trong suốt thời gian cuộc tập trận Invincible Spirit diễn ra vào tháng 7-2010, với mục đích phản ứng lại việc Bắc Triều Tiên đánh chìm tàu hộ tống Cheonan của Hàn Quốc vào tháng 3 cùng năm. Tàu sân bay này, cùng với 2 tàu tuần dương và 2 tàu khu trục, đã được sử dụng trong cuộc tập trận chung với Hàn Quốc tại biển Hoàng Hải, được công bố chỉ 1 ngày sau khi Bắc Triều Tiên nã pháo vào đảo Yeongpyeong của Hàn Quốc. Mặc dù phần lớn nhắm tới Triều Tiên, nhưng địa điểm của những cuộc tập trận này cũng có thể là lời nhắc nhỏ cho TQ về sự hiện diện liên tục và cam kết của Mỹ đối với khu vực này. 19

Các mối lo ngại có thể có

Rõ ràng là Mỹ đang duy trì một sự hiện diện vững chắc và phô trương ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại nhiều địa điểm hơn, một sự hiện diện chắc chắn sẽ gây thiệt hại không nhỏ cho Hải quân TQ trong bất cứ cuộc xung đột nào, nhưng cùng lúc cũng đang chuyển trọng tâm ra khỏi biên giới TQ để tránh phải đối đầu trực diện. Trong khi đó, TQ cũng đang phát triển những năng lực để phản kháng lại ưu thế hải quân và ngăn chặn sự can thiệp của Mỹ. Phản ứng của Mỹ trước TQ có vẻ đã được dự báo bởi giáo sư Milan Vego, người đã viết “mục tiêu của một hạm đội hiện hữu có thể là để ngăn cản một cuộc xâm lược trên biển qui mô lớn hay một cuộc tấn công vào bờ biển, hoặc nó còn có thể dùng để phân tán sức mạnh hải quân của đối phương và buộc họ phải phân bố lại hạm đội của mình”. 20 Phản ứng này không nhất thiết bị coi là một điểm yếu: sự di chuyển lực lượng của Mỹ ngày càng xa lãnh thổ TQ phản ánh tầm bắn ngày càng xa của tên lửa TQ, và như vậy quân đội Mỹ sẽ không muốn để cho số lượng lớn quân và tài sản của mình chịu rủi ro khi xung đột nổ ra. Hơn nữa, Washington có thể đang muốn duy trì một lực lượng phục kích cho phép Mỹ trả đũa và can thiệp nếu TQ khiêu chiến với một trong các đồng minh của mình nhưng đồng thời không để nhiều quân gặp rủi ro khi xung đột vừa mới bắt đầu.

Mặc dù vậy, theo như hiệu ứng đã được nhận thấy từ Thuyết Rủi ro của Đô đốc Tirpitz lên người Anh thì vẫn có những mối nguy hiểm cho sự linh động chiến lược này. Thật vậy, chiến lược “hạm đội hiện hữu” rất có thể sẽ gây ra tác dụng ngược so với dự tính. Thuyết Rủi Ro có thể đã thành công trong việc dấy lên lo ngại của London về sức mạnh của hạm đội Đức và ngăn chặn những hành động gây hấn nhỏ của Anh, nhưng nó cũng khiến cho Anh điều chỉnh chiến lược quốc phòng để chống lại nước Đức đang trở thành một mối đe dọa ngày càng lớn, dẫn đến việc hai cựu thù Anh và Pháp đi vào một liên minh hữu hảo (entente cordiale). Trong khi Đức giành được những lợi ích chiến lược hồi đầu thế kỉ 20 một phần nhờ phát triển hải quân (ví dụ, cuộc khủng hoảng Agadir vốn tiềm ẩn xung đột hải quân đã khiến Pháp phải nhượng một phần lớn thuộc địa Tây Phi cho Đức), họ đã không thể ngăn chặn được nước Anh tuyên chiến vào năm 1914. Việc Đức tích tụ sức mạnh hải quân thực sự làm cho hạm đội High Seas của mình có khả năng trở thành một mối đe dọa đủ lớn để giữ cho Đại Hạm đội của Anh không tấn công (trừ trận Jutland bất phân thắng bại), nhưng nó không đủ để ngăn ngừa một thất bại nặng nề mà họ có thể gánh chịu.

Tương tự, trong trường hợp của TQ, chiến lược “hạm đội hiện hữu” có thể khuyến khích Mỹ (và các đồng minh chủ chốt, đặc biệt là Nhật) càng tập trung hiện đại hóa quân sự và chiến lược lâu dài hướng vào đối thủ Đông Bắc Á tiềm tàng (tức TQ) một cách có chủ ý. Chừng nào hạm đội hiện hữu của TQ còn được xem là nhắm vào việc răn đe Mỹ, thì một cách tự nhiên, Washington sẽ còn tiếp tục gia tăng sức mạnh hải quân nhằm vô hiệu hóa khả năng của TQ trong việc làm suy yếu sự thống trị của họ trên biển, nhờ đó làm thất bại sự răn đe của TQ. Như vậy, thay vì ngăn chặn một cuộc chạy đua vũ trang, chiến lược “hạm đội hiện hữu” lại có thể làm kéo dài tình thế lưỡng nan an ninh trong khu vực.

Xung lực này còn có thể trở nên trầm trọng hơn bởi chiến lược “hạm đội phân tán” của Washington. Việc Mỹ di dời lực lượng khỏi Nhật và Hàn Quốc có thể sẽ khiến TQ càng táo bạo hơn bởi họ đã có được không gian chiến lược mà trước đây không có. Một lý giải cho sự hung hăng ngày càng tăng của Bắc Kinh trong những năm gần đây có thể là sự tự tin ngày càng lớn của TQ do sức mạnh quân sự giữa họ và các nước láng giềng nhỏ hơn ngày càng chênh lệch, khi mà Hải quân TQ hoàn toàn chiếm ưu thế so với các quốc gia giáp biển Đông. TQ có thể sẽ còn tự tin hơn khi sự hiện diện của Mỹ ở các khu vực lân cận không còn mạnh mẽ như trước. Do đó, chiến lược “hạm đội phân tán” cũng sẽ là một canh bạc, ở chỗ thay vì trấn an đồng minh và khiến TQ thận trọng hơn, Mỹ sẽ càng kích động TQ và làm giảm lòng tin của các nước đồng minh.

Tất cả những điều được viết ở đây không nhằm gợi ý rằng xung đột Trung - Mỹ ở Đông Á là việc tất yếu, hoặc rằng chúng ta đang chứng kiến một cuộc chạy đua vũ trang Trung - Mỹ giống như cuộc chạy đua vũ trang hải quân ở châu Âu vào đầu thế kỉ 20. Tuy nhiên, các hành động và chiến lược của TQ và Mỹ ở Đông Á đang ngày càng tác động lẫn nhau. Giáo sư Desmond Ball cho rằng một cuộc chạy đua vũ trang đang diễn ra giữa các nước Đông Bắc Á, với các loại vũ khí cụ thể như chiến hạm mặt nước hiện đại, tàu chiến tầm xa và tàu ngầm, được phát triển theo mẫu hình kích thích-phản ứng. 21 Mặc dù rõ ràng Mỹ và TQ vẫn còn sự chênh lệch về hỏa lực rất lớn, nhưng mối quan hệ giữa hai quốc gia này cũng có nhiều nét tương đồng với cuộc chạy đua vũ trang mà giáo sư Desmond Ball đề cập tới. Trong trường hợp này, Mỹ đang phát triển chiến lược để chống lại các năng lực chống tiếp cận/phong tỏa khu vực của TQ, vốn cũng đang được Bắc Kinh phát triển để loại bỏ thế thống trị của Hải quân Mỹ. Chiến lược “hạm đội hiện hữu” và hệ lụy tự nhiên của nó, chiến lược “hạm đội phân tán”, đều có những rủi ro của riêng mình.

Ghi chú

[*] Robert D. Kaplan đưa ra một cách giải thích khác về khái niệm “fleet-in-being”. Xem bài “Yếu tố địa lý của quyền lực của Trung Quốc”
(http://nghiencuuquocte.files.wordpress.com/2013/07/nghiencuuquocte-net-24-yeu-to-dia-ly-cua-quyen-luc-tq1.pdf), trang 16 (chú thích của người biên tập).

1. Bộ Quốc phòng Mỹ, ‘Sustaining US Leadership: Priorities for 21st Century Defense', ngày 5/1/2012, trang 2, www.defense.gov/news/Defense_Strategic_Guidance.pdf

2. Hillary Clinton, ‘America’s Pacific Century’, Foreign Policy, tháng 11 năm 2011,
http://www.foreignpolicy.com/articles/2011/10/11/americas_pacific_century

3. Về bài phát biểu của Robert Gates, xem ‘Emerging Security Challenges in the Asia-Pacific’, Đối thoại Shangri-La, Hội nghị thượng đỉnh An ninh châu Á lần thứ 10, Phiên họp toàn thể đầu tiên, Singapore, ngày 4 tháng 6 năm 2011,
http://www.iiss.org/conferences/the-shangri-la-dialogue/shangri-la-dialogue-2011/speeches/first-plenary-session/dr-robert-gates/

4 Đô đốc Jonathan Greenart, ‘Navy 2025: Forward Warfighters’, Proceedings, Vol. 137, No. 12 (tháng 12 năm 2011), http://www.usni.org/magazines/proceedings/2011-12/navy-2025-forward-warfighters

5 Ben Packham, ‘2,500 Marines on Australian Soil to Increase Defence Ties’, The Australian, 17 tháng 11 năm 2011, http://www.theaus-tralian.com.au/nationalaffairs/obama-in-australia/us-president-touches-down-at-fairbairn-airforce-base/storyfnb0o39u-1226197111255

6 Hillary Clinton, ‘Remarks Aboard USS Fitzgerald Commemorating the 60th Anniversary of the U.S.– Philippines Mutual Defense Treaty’, Manila, Philippines, 16 tháng 11 năm 2011, http://www.state.gov/secretary/rm/2011/11/177228.htm

7 Geoffrey Till, Seapower: A Guide for the Twenty-First Century, 2nd ed. (Abingdon: Routledge, 2009), p. 173.

8 Xem thêm bàn luận về những ví dụ lịch sử, Milan N. Vego, Naval Strategy and Operations in Narrow Seas, 2nd ed. (London: Cass, 2003), pp. 208–9; Norman Friedman, Seapower as Strategy: Navies and National Interests (Annapolis, MD: Naval Institute Press, 2001), pp. 88–90. Về bản ghi nhớ của Tirpitz, xem Jonathan Steinberg, Yesterday’s Deterrent: Tirpitz and the Birth of the German Battlefleet (London: Macdonald, 1965), pp. 209–10.

9 Winston Churchill, The Second World War, Volume III: The Grand Alliance (New York: Houghton Mifflin, 1985), p. 773.

10 A.T. Mahan, Naval Strategy: Compared and Contrasted with the Principles and Practise of Military Operations on Land (Boston, MA: Little, Brown and Co., 1911), trích dẫn trong Till, Seapower, pp. 174–5

11 Julian Corbett, Some Principles of Maritime Strategy (London: Longmans, Green & Co, 1911), tái bản trong Classics of Sea Power (Annapolis, MD: United States Naval Institute, 1988), p. 212.

12 Phỏng vấn tác giả, Singapore, 3–5/6/2011.

13 Xem Ian Storey, ‘China’s “Malacca Dilemma”’, China Brief, vol. 6, no. 8, 12 April 2006, http://www.jamestown.org/programs/chinabrief/single/?tx_ttnews[tt_news]=31575&tx_ttnews[backPid]=196&no_cache=1

14 Như trên.

15 Bộ Quốc Phòng Mỹ, ‘Joint Operational Access Concept’, v1.0, 17 January 2012, pp. ii, 26, 30.

16 Để biết chi tiết về việc di dời cam kết của Mỹ tại Đông Nam Á, xem Maurice Johnstone & Eugena Stone, ‘Shifting Gear – US Reviews its Commitments in East Asia’, trong Jane’s Intelligence Review, vol. 22, no. 4, April 2010.

17 Donna Miles, ‘Willard: U.S. Welcomes Rotations, Not Bases, in Asia-Pacific’, American Forces Press Service, 27 January 2012.

18 ‘U.S. Undersecretary Says Troops Deployment to Australia Not Aimed at China’, Bloomberg News, 8 December 2011, http://www.bloomberg.com/news/2011-12-08/u-ssays-australia-troop-plan-not-aimed-at-china-correct-.html

19 Để biết phân tích về việc sử dụng tập trận hải quân như một hình thức ngoại giao pháp hạm ở Đông Á, xem Christian Le Mière, ‘The Return of Gunboat Diplomacy’, Survival: Global Politics and Strategy, vol. 53, no. 5, October– November 2011, pp. 53–68.

20 Vego, Naval Strategy and Operations in Narrow Seas, pp. 207–8, tác giả tự nhấn mạnh.

21 Xem Desmond Ball, ‘Asia’s Naval Arms Race: Myth or Reality?’, thuyết trình trước Hội nghị Bàn tròn Châu Á-Thái Bình Dương tại Kuala Lumpur, 30/5/2011.

Christian Le Mière



Christian Le Mière is Senior Research Fellow for Naval Forces and Maritime Security at the International Institute for Strategic Studies. Previously, he worked at Jane’s Information Group, where he edited Jane’s Intelligence Review.

Main Responsibilities: Working within the Defence and Military Analysis Programme, Christian Le Mière is responsible for ensuring the quality of the Institute’s maritime analysis and the information on maritime capabilities presented in the flagship Military Balance publication. He is also responsible for the formulation and execution of research projects in his areas of expertise. In tandem with his colleagues in the Programme, Christian contributes to other IISS publications, databases and conference activities, as well as taking a prominent role in the work of other research programmes and strengthening the Institute’s networks among defence ministries, naval forces and defence industries.

Background: Before joining the institute, Christian Le Mière was from June 2006 the editor of Jane’s Intelligence Review and Jane’s Intelligence Weekly, while simultaneously managing a team of security analysts. During this period, he launched Jane’s Intelligence Weekly, pioneered the use of satellite imagery intelligence within open source magazines and developed a quantitative global security risk system. His research focus was on East Asian security and maritime developments, reflecting his earlier position at Jane’s as an Asia analyst from August 2004.

In other professional positions, Christian has acted as a managing editor at risk analysis firm Business Monitor International and Southeast Asia editor at Europa Publications.

He undertook undergraduate studies in PPE at Oxford, and he holds an MA in War Studies from King‘s College London.

 

America’s Pivot to East Asia: The Naval Dimension

By: Christian Le Mière

Publication: Survival: Global Politics and Strategy June–July 2012

Pages: 81-94

Volume: 54

Edition number: 3

01 June 2012

 

Washington and Beijing have established a pattern of nervous, ostentatious behaviour, whereby each attempts to demonstrate its ability and intent to deter aggression while avoiding direct confrontation.

 

The announcement of a reformed US defence strategy by President Barack Obama and Secretary of Defense Leon Panetta in early January 2012 confirmed a pivot towards the Asia-Pacific as commitments to war fighting in the Middle East and Central Asia subside. Obama, Panetta and General Martin Dempsey, the chairman of the Joint Chiefs of Staff, briefed reporters on 5 January on America’s new strategic guidance document, ‘Sustaining US Leadership: Priorities for 21st Century Defense’. The product of a review of US defence priorities ‘at a moment of transition’ for the nation, the document notes that the United States will ‘of necessity rebalance toward the Asia-Pacific region’. The principle of the Asia pivot was also signalled by Secretary of State Hillary Clinton in a November 2011 Foreign Policy article in which she noted that ‘one of the most important tasks of American statecraft over the next decade will … be to lock in a substantially increased investment – diplomatic, economic, strategic, and otherwise – in the Asia-Pacific region’.

 

While ‘Sustaining US Leadership’ did not delve into the specifics of the Asia pivot, some of those particulars are now coming into focus, particularly for the US Navy and Marine Corps. In an article in the December 2011 edition of Proceedings, new Chief of Naval Operations Admiral Jonathan Greenart noted that the US Navy will ‘station several of our newest littoral combat ships at Singapore’s naval facility’, following on from an announcement made by then-Secretary of Defense Robert Gates at the IISS Shangri-La Dialogue in Singapore in June. Greenart also put forward the possibility that by 2025 P-8A Poseidon aircraft or ‘unmanned broad area maritime surveillance aerial vehicles’ could be deployed periodically to the Philippines or Thailand ‘to help those nations with maritime domain awareness’.

 

This was not the first detail about the United States’ new defence posture in Asia to be publicised. In November, Obama announced an agreement with Australia that would allow up to 2,500 Marines to train on six-month rotations in the country’s Northern Territory. The first 200 Marines arrived in early April, while discussions continued on whether an increased number of US Navy vessels would be able to pass through Australian bases, particularly HMAS Stirling. 

 

(. . . . . . . . . )


* * *

Xem bài liên hệ cùng chủ đề: click vào đây
Xem trang “Kiến thức, tài liệu”: click vào đây
Trở về trang chính: www.nuiansongtra.net  

 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh