Giao con cho cái quạ già
Biết rằng cái quạ thương là chẳng thương? (Ca dao)
Vua Trần Nghệ Tông (1370-1372) ở ngôi chưa đầy 3 năm đã trao lại ngai vàng cho em tức Trần Duệ Tông (1372-1377) rồi lui về Thiên Trường làm Thái thượng hoàng.
Năm 1376, quân Chiêm quấy phá Hóa Châu. Duệ Tông đặt kế hoạch chinh phạt, triều thần can ngăn đều không được. Biết ý vua Việt, vua Chiêm là Chế Bồng Nga muốn tránh việc binh đao nên đem 10 mâm vàng nhờ trấn thủ Hóa Châu là Đỗ Tử Bình dâng cho vua Trần để xin bãi binh. Đỗ Tử Bình lấy vàng làm của riêng rồi làm sớ tấu gian rằng vua Chiêm ngạo mạn. Vậy nên, sang đầu năm 1377, Duệ Tông tức khí thân chinh đem quân sang Chiêm thảo phạt. Bị mắc mưu quân Chiêm, Trần Dụ Tông chết giữa trận tiền.
Nghệ Tông đưa con trưởng của Duệ Tông là Đế Hiện mới 16 tuổi lên kế vị, gọi là Phế Đế (1377-1388).
Hồ Quý Ly có hai người cô đều là vợ của vua Trần Minh Tông, một người sinh ra Nghệ Tông, người kia sinh ra Duệ Tông.
Năm 28 tuổi, biết bác mình là Nghệ Tông quá tin tưởng vào quyền thần Hồ Quý Ly, Đế Hiện cùng bầy tôi thân tín tìm mưu trừ khử.
Hồ Quý Ly biết được âm mưu của Đế Hiện bèn theo lời mưu sĩ Phạm Cự Luận tìm gặp Thái thượng hoàng Trần Nghệ Tông mà xúi: "Cổ lai chỉ nghe nói bỏ cháu nuôi con, chứ chưa thấy ai bỏ con nuôi cháu bao giờ". Tin theo lời Hồ Quý Ly, Nghệ Tông xuống chiếu trách cứ Đế Hiển rồi đưa con út là Chiêu Định Vương húy Ngung mới 12 tuổi lên nối ngôi tức vua Trần Thuận Tông (1388-1398). Nghệ Tông đã giao cho Hồ Quý Ly phụ chính cho Trần Thuận Tông. Vậy là mọi việc từ nay đều nằm trong tay quyền thần Hồ Quý Ly.
Vị hoàng thân có bề thế của nhà Trần lúc bấy giờ là Trần Nguyên Đán (1325-1390), từng giữ chức Tư đồ Nhập nội Kiểm hiệu Bình chương Quốc Thượng hầu tức như ngôi Tể tướng đứng đầu triều đình can ngăn Nghệ Tông không được bèn xin lui về động Thanh Hư, núi Côn Sơn thuộc huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương ở ẩn.
Trước khi về trí sĩ, ông có gởi cho các quan đồng triều bài thơ trong đó có câu:
Kim cổ hưng vong chân khả giám,
Chư công hà nhẫn gián thư hi?
(Còn mất xưa nay gương đã rõ,
Các ông sao nỡ vắng thư can?)
Quan Tư đồ có ý trách cứ các bạn đồng liêu sao không chịu can gián Thượng hoàng. Để trả lời, quan đồng triều là Thái úy Trang Định Vương Ngạc liền làm thơ tặng quan Tư đồ có ý châm biếm nhẹ nhàng:
Ngã thị đương niên khí vật
Công phi đại hạ kỳ tài
Hồi thủ nhất ban lao bệnh
Điền viên tảo biện quy lai.
(Ngày nay tôi là đồ bỏ,
Ông không tài lạ cứu đời
Cùng một lớp già đau ốm
Ruộng vườn sớm liệu về thôi! (1)
Việc về trí sĩ của Trần Nguyên Đán gây nhiều dư luận xôn xao trong quần chúng đương thời. Những việc làm của Trần Nguyên Đán sau khi về trí sĩ quả là những hành động không mấy sáng sủa. Quốc sử quán triều Nguyễn, trong bộ Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục đã ghi lại sự việc này với lời phê phán thật gay gắt:
"Nguyên Đán biết Quý Ly thế nào rồi cũng cướp ngôi, nên tìm cách để tránh khỏi vạ, đem con là Mộng Dữ gửi gắm Quý Ly, và xin kết làm thông gia. Quý Ly đem con gái của Nhân Vinh, người họ tôn thất nhà Trần, gả cho Mộng Dữ; rồi cất làm đông cung phán thủ. Em Mộng Dữ là Thúc Dao và Thúc Quỳnh cũng đều được làm tướng quân. Về sau, Quý Ly cướp ngôi, giết hại gần hết các tôn thất nhà Trần, chỉ riêng con cháu Nguyên Đán là được toàn hoạt. Nguyên Đán có Băng Hồ thi tập, có nhiều bài mượn sự vật để tỏ ý cảm khái thời thế.
Nhưng đó cũng chỉ là nói suông, lo hão, mà đối với nước của dòng dõi nhà mình còn hay mất, cứ bỏ mặc, không nói qua. Thế thực là người bất trung lắm đấy." (2)
Các tác giả của bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư cũng có lời trách cứ nhẹ nhàng:
"Những người khác như Trần Nguyên Đán là bậc hiền tài trong các khanh sĩ cùng họ nhà vua, tuy mang khí phách trung phẫn, nhưng bó tay bỏ mặc vận nước không biết làm sao, lánh quyền tướng quốc để mong bảo toàn gia thuộc sau khi nước đổ." (3)
Năm Canh ngọ (1390), thấy sức khỏe của Trần Nguyên Đán không được tốt, "Thượng hoàng thường ngự đến nhà riêng của ông để thăm bệnh và hỏi việc sau này. Nhưng Nguyên Đán đều không nói gì, chỉ thưa: "Xin bệ hạ kính nước Minh như cha, yêu Chiêm Thành như con, thì nước nhà vô sự. Tôi dầu chết cũng được bất hủ". Thượng hoàng có làm bài thơ đề trên mộ ông. Nguyên Đán từng làm bài thơ Thập Cầm có câu rằng:
Nhân ngôn ký tử dữ lão nha,
Bất thức lão nha liên ái phủ.
(Đem con mà gửi cho loài quạ,
Chẳng biết quạ già có xót thương?) (4)
Sau này người ta đồn rằng, khi biết Trần Nguyên Đán bệnh nặng khó qua khỏi, Thái thượng hoàng Trần Nghệ Tông có đến vấn an và hỏi kế trị nước sau này, Trần Nguyên Đán đã đọc 2 câu thơ nói trên. Thực ra, đây là 2 câu thơ trong bài thơ Thập Cầm như đã được kể ra ở trên.
Hai câu này đã được phỏng ý thành 2 câu lục bát truyền tụng trong dân gian thành ca dao từ bấy cho đến giờ:
Giao con cho cái quạ già
Biết rằng cái quạ thương là chẳng thương?
Có nơi lại truyền:
Đem con mà gởi quạ già
Biết đâu quạ để con ta được toàn?
Trong Việt Sử Tiêu Án, một tác phẩm sử học bàn về các nghi án trong lịch sử Việt Nam từ thời Hồng Bàng lập quốc đến hết thời thuộc Minh (1427), tác giả Ngô Thì Sỹ (1726-1780) đã có nhận định về Trần Nguyên Đán như sau:
"Nguyên Đán là tôn thất nhà Trần, gặp vận nước không may, chỉ lấy sự rút lui để toàn thân là đắc sách, biết chơi thắng cảnh ở động Thanh Hư, mà không hỏi đến xã tắc ở Thiên Trường an hay nguy; chỉ mưu tính cho anh em Mộng Dữ, mà không nhìn gì đến cha con vua Nghệ Tôn được lợi hay bị hại ; đến khi vua hỏi đến hậu sự, cũng không nói rõ; không biết rằng: Quý Ly đã không che chở gì cho mình, thì sao còn đưa Mộng Dữ gửi nó? Vua đã mất nước, bầy tôi toàn một mình thế nào được? Lời răn dạy của cố nhân đúng lắm." (5)
Trong tác phẩm Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Sử thần Ngô Sĩ Liên đã có lời bàn như sau:
"Làm rõ điều nghĩa mà không mưu lợi, làm sáng đạo lớn mà không kể công, đó là tấm lòng người quân tử. Nguyên Đán là bậc đại thần cùng họ với vua, biết họ Hồ sắp cướp ngôi, cơ nghiệp nhà Trần sắp hết, thế mà không nghĩ đến việc vững vàng vượt qua gian nan, cùng vui lo với nước, lại đem con mình gửi gắm cho họ Hồ để làm kế về sau. [Thế là] mưu lợi mà không nghĩ đến nghĩa, bỏ đạo mà chỉ tính đến công, sao gọi là người hiền được? (...) Tiếc rằng học vấn kiến thức của ông biết trước được mọi điều mà lòng nhân thì không giữ được!" (6)
Một lời bàn của sử gia còn nặng hơn ngàn lần búa rìu của dư luận!
Trần Nguyên Đán là ông ngoại của nhà văn hóa, nhà chính trị đại tài Nguyễn Trãi (1380-1442). Khi viết về tiểu sử của ông ngoại trong Băng Hồ Di Sự Tập, không biết Nguyễn Trãi đã có nhận định như thế nào về việc làm này của ông ngoại mình?
ĐÀO ĐỨC NHUẬN
Ghi chú:
(1) Đại Việt Sử Ký Toàn Thư - tr. 276 (Viện Việt Học)
(2) Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục - tr. 305 (Viện Việt Học)
(3) Đại Việt Sử Ký Toàn Thư - tr.264
(4) Đại Việt Sử Ký Toàn Thư - tr.284
(5) Việt Sử Tiêu Án - tr.107 (Viện Việt Học)
(6) Đại Việt Sử Ký Toàn Thư - tr. 284
(Trích Tản mạn về ca dao lịch sử)
* * *
Xem bài cùng tác giả: click vào đây
Xem trang Biên khảo: click vào đây
Về trang chính: www.nuiansongtra.com