Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 07, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Văn (Kim văn)
LÒNG TRUNG THÀNH
XUÂN THỚI
Các bài liên quan:
    PHÍA BÊN NẦY ĐỜI
    NGHẸN HỌNG
    CHÚ THỜI


Nó là con đầu lòng, mở mắt vào đời bên nhà ngoại: “Con so nhà mạ, con rạ nhà chồng”. Và cũng cho đến hơn hai tháng sau ngày nó cất tiếng khóc đầu tiên, cha nó mới được nhìn thấy mặt con trai vì ông đang phục vụ trong một đơn vị bộ đội, xa nhà.

Nhà ngoại ở ven đường Quốc lộ số 1. Căn phòng mà bà mụ đỡ nó ra đời là cái chái rộng của ngôi nhà ngang ba gian, bày biện ngăn nắp, tường quét vôi trắng, có cửa sổ trông ra vườn. Bên ngoài, mấy khóm chuối tiêu mảnh mai, tàu lá xanh tươi phơ phất; chen lẫn là những cây cau bẹ nhỏ, giống cho quả bốn mùa. Trong năm, những lần hoa cau nở, phả vào phòng mùi hương dịu nhẹ. Mùi được thi sỹ Hà Huy Hà đưa vào thơ để tôn vinh mẹ “Hương cau thơm ngát ngôi sao mẹ”.

Cha mẹ nó biết nhau khi hai người cùng học chung một trường thời chiến tranh. Trường “Trung học bình dân” duy nhất trong vùng “cách mạng” mới giành được của triều đình. Sau đó cả hai đều nghỉ học, vì ông học xong lớp 8 là lớp cuối cùng nhà trường tổ chức. Bà, khi hết lớp 5, gia đình nhận thấy thời chiến, chương trình tạm bợ rồi cũng chẵng biết gì nhiều, để làm được việc gì.

Trong suốt bốn năm học ở đây, bộ môn chính trị nhà trường luôn khích động học sinh lòng căm thù đối với ách cai trị thực dân Pháp và phong kiến vương triều nhà Nguyên. Cũng không ngớt kêu gọi người trẻ gia nhập các lực lượng vũ trang, chiến đấu chống ngoại xâm, xây dựng nền độc lập.

Nghỉ học một thời gian, ông theo tiếng gọi, tình nguyện đi gia nhập bộ đội, nhưng vẫn giữ liên lạc tình cảm với người mình yêu. Ở quê nhà, gia đình chấp nhận, hai bên cha mẹ đã gặp nhau xin kết tình sui gia. và tính chuyện trăm năm cho con trẻ. Một năm sau, ông được phép về làm lễ cưới. Cưới nhau xong ông phải trở lại đơn vị ngay để chuẩn bị cho chiến dịch Tây Nguyên, đánh các đồn người Pháp lập lại sau chiến tranh thế giới lần thứ hai. Quân Nhật đầu hàng.

Từ đó, cho đến khi nó lên sáu tuổi, vì nhu cầu chiến trường, đôi khi đến cả năm hoặc lâu hơn ông mới về quê thăm gia đình một lần, và cũng vài ngày ngắn ngủi.

Ba tháng trước khi cùng đơn vị tập kết ra miền Bắc, theo qui định của hiệp ước đình chỉ chiến sự cho toàn cõi bán đảo Đông Dương. Ông được về quê một lần nữa, lần nầy ở lại lâu hơn, đến hơn tháng liền.

Gần chín tháng sau ngày ông ra đi, mẹ sinh cho nó một em gái. Lần nầy em được sinh bên nhà nội, và hoàn cảnh đất nước chia cắt, không liên lạc thư từ được, ông cũng không biết mình có thêm con.

Nó là đứa cháu đầu tiên và là con trai, đích tôn, nên hồi nó lên bốn tuổi, mẹ và nó phải về sống hẵn với ông bà nội.

Nhà nội cách nhà ngoại không xa lắm, chỉ độ năm, sáu cây số đường đất. Giữa một làng quê đông đúc và trù phú, có lũy tre bao bọc chung quanh, đồng ruộng hai mùa trĩu hạt.

Ra đến đất Bắc, không còn đánh nhau, đơn vị ông chuyển làm công tác sản xuất trên vùng cao. Mấy tháng sau, ông và một số người khác được điều vào Trung, vùng Hà Tỉnh, Quảng Bình trong kế hoạch “xóa vành đai trắng”. Là đi khai thác vùng đất của đồng bào theo đạo Thiên Chúa bỏ lại khi di cư vào Nam tìm tự do. Ở đây, lần lượt ông chuyển làm công tác đảng đoàn của lực lượng võ trang một huyện Trung du cho đến ngày về lại miền Nam, khi đất nước thống nhất.

Hết hai năm xa nhà, đến ngày về lại quê hương như lúc ra đi cấp trên phổ biến. Ông đến nhiều nơi tìm hiểu, nhưng không có thông báo gì mới. Ông quyết định lấy tiếp một phụ nữ địa phương làm vợ.

Ở miền Nam, thời gian đầu của chính quyền mới, bà cũng bị gọi lên nhắc nhở không có việc những người đi tập kết ra Bắc hai năm về lại, đừng mơ tưởng viễn vông mà lỡ cơ hội làm ăn, vì bây giờ là chế độ tự do hoàn toàn.

Sinh ra và lớn lên bên đường lộ chính, lại không xa thị trấn là bao, bà có ý thức kinh doanh buôn bán ngay từ khi còn nhỏ. Vì vậy, tuy nay ở nhà chồng giữa xóm làng xa xôi, bà vẫn nuôi ý chí mở quán hàng xén, tạo điều kiện sinh hoạt nhẹ nhàng để nuôi con, chờ chồng. Nghề cũng được chế độ mới khuyến khích và bảo trợ.

Sau vài mùa lúa bội thu, đủ cái ăn. Nghe thấy hàng tiêu dùng từ các thành phố tấp nập tràn về, sức mua sắm của người dân mạnh mẽ sau chín năm thiếu thốn. Bà bắt tay gom vốn, đi chạy hàng, mở quán bán buôn ngay tại nhà mình.

Đời sống ba mẹ con ổn định, có đà sung túc theo thời gian, nó và em có điều kiện học hành thuận lợi. Cả hai lại là học sinh xuất sắc từ lớp thấp lên lớp cao, nên mặc dù có cha là bộ đội đối phương nhưng dưới chế độ tự do bấy giờ, luôn quý trọng người giỏi giang, có chí. Anh em nó hằng tháng còn được nhận học bổng và sự bảo trợ của chính phủ cũng như các nhà hảo tâm trong tỉnh.

Sau khi thi đậu bằng tú tài. Chiến tranh càng lúc cảng trở nên ác liệt, đại gia đình lại gặp chuyện không may, nó không thể tiếp tuc học lên được. Thế là theo luật lúc bấy giờ, nó phải đi thi hành quân dịch theo lệnh động viên vào trường võ bị Thủ Đức.

Từ nhỏ, nó đã là một đứa bé luôn được khen cần cù và chăm chỉ. Đến khi xong khóa huấn luyện bộ binh ở quân trường, bổ sung về một đơn vị miền Tây Nam Bộ. Nó cũng là một sĩ quan được cấp chỉ huy đánh giá cần mẫn, thông minh và có ý chí, đủ sức tin cậy mỗi khi giao công tác. Nó được thưởng nhiều huy chương và thăng cấp trước thời hạn đương nhiên theo quy định.

Gần ba năm ở chiến trường vùng nước nôi sình lầy, nó được thuyên chuyển về nguyên quán để gần gia đình theo đơn xin. Về đây, với cấp bậc Trung Úy và hồ sơ quân bạ ghi nhận có năng lực và nhiều chiến công. Nó được bố trí làm sĩ quan hành quân của một tiểu đoàn thuộc sư đoàn bộ binh đồn trú trong vùng.
Năm 1975, miền Bắc đánh thắng miền Nam, người ta quy kết nó và đồng đội là ngụy quân, có tội với nhân dân, với tổ quốc, bị đưa đi học tập cải tạo tư tưởng ở một trại trên rừng xa.

Đất nước thống nhất. Một ngày đầu Thu năm đó, lần đầu tiên, sau hơn hai mươi năm xa cách, cha nó từ miền Bắc về lại quê hương. Ngày đoàn tụ bà hết sức vui mừng, vì hy vọng ông là người của cách mạng, sẽ can thiệp để con trai được sớm về lại với gia đình. Nhưng không, ông vận động bà nên để cho nó học tập nhiều hơn, mới thấm nhuần đầy đủ và sâu sắc chủ nghĩa ưu việt nầy. Để nhấn mạnh quan điểm của mình, đôi lúc ông còn nói ra sự hối tiếc có đứa con như nó. Và, không ngần ngại trách bà trước kia không khuyến khích các con thoát ly tham gia cách mạng, mà để thằng anh theo ngụy chống lại nhân dân, tiếp tay đế quốc Mỹ giết hại đồng bào. Con em theo nghề phổ biến văn hóa nô dịch, đầu độc (một năm trước nhờ học giỏi, em nó trúng tuyển giáo viên ấp Tân Sinh tại địa phương). Tuy vậy, vì thương con, bà giấu tất cả với mọi người. Và cố nhẫn nhịn để thuyết phục chồng, hy vọng tình phụ tử trong ông sẽ khiến ông nghĩ lại. Nhưng không, ông vẫn dững dưng. Hai mươi ngày sau, dù không còn làm gì, ông vẫn viện lý do hết phép, khoác ba lô lên vai mang số đồ dùng và một ít tiền bạc bà làm quà, đi ra lại miền Bắc, mà không một lời hỏi han đến con.

Lần thăm nuôi con sau đó, bà báo tin cho con biết cha nó đã về, và dối rằng vì ông còn đang công tác nên chưa lên thăm con được. Nó vui ra mặt, vì biết chắc chắn có ngày nó được gặp lại cha sau hơn hai mươi năm tưởng chừng không có điều may mắn nầy. Cũng kể từ hôm đó, đầu óc nó luôn nghĩ đến cái ngày được gọi tiếng “cha”, được cha ôm vào lòng, xóa đi cái mặc cảm như một đứa mồ côi bấy lâu. Nó đâu biết rằng trong lòng bà, một nỗi ưu phiền xốn xang mà bà phải cố nén để chờ ông thêm một lần nữa. Chờ sự hiểu biết của ông về tình phụ tử đối với lòng trung thành.

Trong lần về đầu tiên nầy, ngoài việc không bằng lòng con mình “theo địch”, còn một việc khác, ấm ức trong lòng mà ông chưa thể nói ra hay tỏ thái độ. Đó là em nó, đứa con gái bà mang thai với ông trong những ngày cận lúc ông ra đi mà ông không hay biết, khiến ông có ý nghi ngờ. Càng nghi ngờ hơn khi ông nhìn thấy nhà cửa bà sửa sang khang trang hơn xưa nhiều, khiến ông đoán già, đoán non không thể nào có được bằng công sức và tính chịu khó chịu khổ làm ăn, tằn tiện của bà, một phụ nữ tay yếu chân mềm, mà phải là của một ai đó hay một tổ chức nào đó cung cấp để mua chuộc, lợi dụng. Vì xã hội miền Nam như ông thường được tuyên truyền mô tả là xã hội tư bản lạc hậu và sa đọa. Chúng nó luôn khai thác triệt để sức mạnh của đồng tiền. Mấy mươi năm theo đảng ông đã thuộc nằm lòng lý luận: “lệ thuộc kinh tế sẽ lệ thuộc tất cả”.

Mùa hè năm sau, ông về lần thứ hai.

Một năm qua, số người ra đi trước kia, lần lượt trở về, mọi chuyện như bí mật của giai đoan bịt kín hơn hai mươi năm, cũng theo họ về đầy đủ. Bà mang máng biết ông đã lấy tiếp vợ ngoài đó từ lâu, và có thêm năm đứa con đã khôn lớn. Tuy thế, lần về nầy, bà vẫn bình thường với ông, còn có ý thông hiểu mọi việc cũng do hoàn cảnh lịch sử đất nước đưa đẫy mà nên, chứ không ai muốn như vậy. Bà không trách móc hay ghen tương như một số phụ nữ khác. Trong bà, điều quan trọng duy nhất bây giờ là làm thế nào để con trai sớm về lại đời thường, về với mẹ.

Sau mấy ngày thăm thú bà con, bạn bè thời ấu thơ xong. Đến một ngày Chúa nhật đúng kỳ thăm nuôi con trên trại, bà rủ ông cùng đi. Ban đầu ông hơi do dự, nhưng cuối cùng ông cũng bằng lòng nhưng như có chút miễn cưỡng. Bà thì do đặt nhiều hy vọng vào ông nên không để ý, vẫn vui vẻ và tin tưởng đầy lòng. Niềm vui có ông cùng đi, lần nầy bà chuẩn bị nhiều hơn, cũng ngầm có ý cho con đãi bạn mừng ngày đoàn tụ.

Đến nơi, kim đồng hồ đã chỉ gần mười giờ sáng, mặt trời mùa Hè lên cao, nắng nóng bắt đầu gay gắt. Trong lán chờ ngoài cổng trại, đã đông người, tất cả đều cùng một mục đích đến thăm người thân.

Như thường lệ, nó ra đợi mẹ từ rất sớm, nhưng đợi lâu, ngồi mõi, nó trở vào trong.

Ông bà lại đến.

Khi có người vào báo tin, nó mừng rỡ đến sững sốt, bật dậy như một chiêc lò xo chạy bay ra cổng...

Từ xa, nó nhìn thấy người đàn ông đội nón cối, bận quần áo bộ đội đã bạc màu, ngồi sát cạnh mẹ mình, nó chắc chắn đó là cha nó. Nó sà đến, hai tay dang ra định ôm ông, miệng bắt đầu gọi tiếng cha. Ông vội đứng dậy xua hai tay cản nó lại. Trước mọi người, ông dõng dạc lên tiếng:

- Anh không được gọi tôi bằng cha, mà chỉ gọi tôi là chú bộ đội thôi. Vì anh là người phản dân, hại nước. Một người đi làm việc giải phóng cho dân tộc không thể có đứa con như anh”.

Nghe xong câu nói, bà hốt hoảng như gười thất thần, bao nhiêu hy vọng bỗng chốc tan biến. Nó, khựng lại ngay, da mặt trở nên tái xạm như tàu lá, đứng lặng trước ông bà. Hồi lâu, khi lấy lại bình tỉnh nó lễ phép đáp:

-“Thưa chú bộ đội, như vậy, giữa tôi và chú bộ đội không có gì liên hệ. Xin chào, tôi vào nghỉ lấy sức để ngày mai đi lao động sản xuất”.

Nó quay lưng lảo đảo đi vào trong. Ông đứng yên. Bà thành cái xác không hồn, mắt nhìn ngơ ngác rồi ngã sóng soải xuống nến đât, lăn lóc kêu than, đồ sắm sửa trong túi xách vung vãi ra ngoài, trước bao nhiêu đôi mắt ngỡ ngàng hết nhìn ông, lại nhìn bà, và như không còn biết đã có việc gì vừa xảy ra nơi đây.

Chuyện nhà nó đến đây chưa hết. Còn nhiều nghịch lý đến như chưa từng xảy ra trong xã hội loài người. Sẽ có dịp kể tiếp.

Xuân Thới

 

Bài cùng chủ đề:

- Thư Sáu Ruộng gởi về Đầm Dơi.

- Phía bên nầy đời.

* * *

Xem bài cùng tác giả: click vào đây
Xem bài trên trang Văn: click vào đây
Trở về trang chính: www.nuiansongtra.com  


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh