Trong tác phẩm Văn Chương Bình Dân, giáo sư Thanh Lãng đã có nhận xét như sau về sự dùng điển tích trong văn chương bình dân:
-"Văn chương bình dân rất kỵ những điển tích, nhất là những điển tích sáo ngữ, nói để không nói, hay nói để nói như người ta đã nói từ bao nhiêu đời. Tuy nhiên đôi khi ta cũng thấy nhà văn bình dân dùng điển". (1)
Điển tích hay điển cố, nhiều khi được nói gọn là "điển". Vậy "điển" là gì? Sau đây tôi xin mượn lại định nghĩa và một số ý kiến về sự sử dụng điển tích của học giả Dương Quảng Hàm trong Việt Nam Văn Học Sử Yếu:
"Điển (nghĩa đen là việc cũ) là một chữ hay một câu có ám chỉ một người, một vật, một lời nói, một sự tích xưa, khiến cho người xem phải nhớ đến người ấy, lời ấy hoặc việc ấy mới hiểu được cái lý thú của câu văn" (2).
Các văn thi sĩ Trung Hoa và Việt Nam ngày xưa, khi viết văn làm thơ hay dùng điển tích, bởi vì, "điển dùng khéo thì làm cho câu văn gọn gàng, ít chữ mà nhiều ý".
Vả lại, "nhiều khi làm văn, nếu dùng lời nói thường mà diễn đạt ý tưởng thời lời văn nhạt nhẽo, vô vị, giá dùng một điển gì mà khiến cho người đọc phải nhớ đến một câu văn cũ, một sự tích xưa thì lời văn thành ra đậm đà lý thú". (3)
Hầu như trong toàn bộ các tác phẩm văn chương bác học của ta, Hán cũng như Nôm, đều sử dụng điển tích như một hình thức tu từ cần thiết. Ngược lại, trong kho tàng văn chương bình dân - ở đây tôi chỉ bàn về ca dao - việc sử dụng điển tích tương đối ít nếu so số câu có điển tích với toàn bộ số câu ca dao đã được sưu tập. Dăm ba trăm câu hay bài ca dao có dùng điển tích so với vài chục ngàn câu hay bài ca dao đã được sưu tầm, đó quả là một tỉ lệ quá nhỏ. Tuy nhiên, dù chỉ với dăm ba trăm câu có sử dụng điển tích, cách thức sử dụng điển tích trong ca dao lại không hoàn toàn giống như cách sử dụng điển tích trong văn chương bác học, chẳng hạn như trong truyện Nôm, và đó chính là điều mà chúng ta cần tìm hiểu.
Nguồn gốc của điển tích dùng trong ca dao:
Điển tích dùng trong ca dao không hoàn toàn giống với điển tích dùng trong văn chương bác học của ta. Có thể nói, gần như hầu hết điển tích dùng trong văn chương bác học của ta có nguồn gốc từ điển tích văn học Trung Hoa. Trong lúc đó, điển tích dùng trong ca dao lại phát sinh từ nhiều nguồn gốc khác nhau. Ta thử đọc bài ca dao sau đây:
Kể từ ngày xa cách người thương
Về nhà đài sen nối sáp, đọc mấy chương phong tình
Đọc tới đoạn Thúy Kiều xa gã Kim sinh
Thôi Oanh Oanh xa Trương Quân Thụy nghĩ tội cho tình biết chừng mô
Đọc tới lúc Hạnh Nguyên phụng chỉ cống Hồ
Để cho Mai Lương Ngọc ra vô ưu phiền
Hạ Nghinh Xuân còn ở bên nước Yên
Mà Tề Vương phế chánh trao quyền cho Yến Anh
Đọc tới lớp Ngọc Kỳ Lân bỏ hội công danh
Cũng vì Kim Hồ Điệp tử sanh không nài
Đã mấy phen lâm cảnh trần ai
Cho hay chữ tình làm lụy anh tài biết bao nhiêu
Huống chi chàng chừ nỡ phụ người yêu
Dầu có tan vàng nát ngọc cũng đành xiêu với tình. (4)
Đọc bài ca dao trên đây, ta sẽ thấy điển tích trong bài phát xuất từ những nguồn sau đây:
Từ các tác phẩm văn học cổ điển Việt Nam:
* Thúy Kiều và Kim sinh (tức Kim Trọng) là 2 nhân vật trong Truyện Kiều của Nguyễn Du.
* Hạnh Nguyên và Mai Lương Ngọc là 2 nhân vật trong truyện Nôm khuyết danh Nhị Độ Mai.
Từ các tác phẩm văn học cổ điển Trung Hoa:
* Thôi Oanh Oanh và Trương Quân Thụy là 2 nhân vật trong Tây Sương Ký của Vương Thực Phủ.
* Hạ Nghinh Xuân, Tề Vương, Yến Anh là 3 nhân vật trong truyện dã sử Chung Vô Diệm.
* Ngọc Kỳ Lân và Kim Hồ Điệp là 2 nhân vật trong truyện Bồng Lai Hiệp Khách .
Trong 2 nguồn phát xuất điển tích kể trên, các điển tích Trương Quân Thụy, Thôi Oanh Oanh, Tề Vương, Yến Anh...được mượn thẳng từ nguồn điển tích văn học Trung Hoa và các tác giả cổ điển Trung Hoa và Việt Nam đều có thể đã dùng những điển tích nầy; trong lúc đó, các điển tích Thúy Kiều, Kim Trọng, Hạnh Nguyên, Mai Lương Ngọc dù đã là những nhân vật trong các tiểu thuyết Trung Hoa nhưng lại phải thông qua một tác phẩm cổ điển Việt Nam trước khi đi vào ca dao Việt Nam và do đó được xem như là điển tích văn học Việt Nam. Đó là chưa kể, sự khác biệt còn nằm trong các loại điển tích phát xuất từ các truyện dân gian Việt Nam hay lịch sử Việt Nam tôi sẽ trình bày sau.
Sau đây tôi thử nêu lên nguồn gốc của một số điển tích thường thấy xuất hiện trong ca dao:
Các điển tích có nguồn gốc từ điển tích văn học Trung Hoa:
Dĩ nhiên, phổ biến hơn hết vẫn là những điển tích đã được dùng trong văn chương cổ điển, đặc biệt là trong thơ truyện Nôm, có nguồn gốc từ kho tàng điển tích văn học Trung Hoa. Trong quá trình hình thành các câu hay bài ca dao có những điển tích phát xuất từ nền văn chương cổ điển Trung Hoa thông qua các tác phẩm cổ điển của Việt Nam, sự đóng góp của các nhà Nho không phải là ít.
Trong suốt mấy ngàn năm lập quốc cho đến nhiều năm sau khi người Pháp đặt nền đô hộ trên đất nước ta, đa số dân ta sống bằng nghề nông. Phần lớn nho sĩ xuất thân từ tầng lớp nông dân. Trước khi đỗ đạt và xuất chính, ngoài thì giờ "sôi kinh nấu sử", họ là những chàng nông dân chân lấm tay bùn, và đêm đêm họ có thể cùng những bạn nông dân khác tham gia vào các đám hát ở địa phương như hát trống quân, hát quan họ, hát ghẹo, hát xoan...ở các tỉnh trung châu Bắc phần; hát dặm, hát ví, hát phường vải...ở các tỉnh miền bắc Trung phần; hò giã gạo, hò cấy lúa, hát hố...ở các tỉnh miền trung Trung Phần...
Đồn đây có gái hát tài
Để ta đối địch một vài trống canh
Dẫu thua, dẫu được cũng đành
Gọi là đèn sách học hành bấy lâu.
Chính lớp nho sĩ nầy đã tham gia một cách đắc lực vào sự sáng tạo ca dao và cũng chính họ đã sáng tác ra phần lớn những câu ca dao có những điển tích bắt nguồn từ nền văn hóa Trung Hoa.
Có một giai thoại văn chương kể rằng, thuở còn là một bạch diện thư sinh, nhà cách mạng Phan Bội Châu có tên là Phan San, người huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, nổi danh là người tài hoa và rất mẫn tiệp trong hát đối đáp. Quê hương của chàng thanh niên họ Phan có tục hát phường vải và trong những cuộc hát đối đáp như thế, hoặc Phan làm chủ hẳn một phe đàng trai, hoặc cũng có khi Phan làm người mớm câu cho bạn hát của mình.
Chuyện kể rằng, trong một cuộc hát nọ, bên đàng gái đã tìm cách "bắt bí" họ Phan bằng một câu hóc búa:
Sách rằng: "Nghiêu hữu cửu nam"
Biết Đan Chu là một, hỏi tám chàng tên chi?
Phan San biết chắc là sẽ không có câu trả lời chính xác, bởi lẽ, Bắc sử (tức sử Trung Hoa xưa) chỉ ghi vua Nghiêu có 9 người con trai (Nghiêu hữu cửu nam) và chỉ ghi tên người con trai đầu lòng là Đan Chu, còn 8 người kia không sử sách nào ghi tên. Thế nhưng, vốn nổi danh là người mẫn tiệp trong tài ứng đối, Phan San láu lỉnh đáp lại:
Các em là phận nữ nhi,
Một Đan Chu cũng đủ hỏi mần chi những tám người?
Chữ "hỏi" trong câu của các cô chỉ có nghĩa là "hỏi và đáp", còn chữ "hỏi" trong câu của Phan San lại còn hàm chứa cả cái nghĩa "hỏi vợ, hỏi chồng" - hỏi một chồng cũng đủ, hỏi chi đến những tám ông chồng! Oái oăm quá chừng!
Biết chàng Phan "chơi khăm", các cô ả đành cười trừ!
* * *
Sau đây là một ít thí dụ tiêu biểu về điển tích văn học Trung Hoa đã đi vào ca dao Việt Nam:
Để nói lên việc trai gái gặp gỡ nhau ngoài vòng lễ giáo, ta dùng điển tích Cầu Hoàng, Phượng cầu hoàng tức tên bản đàn mà Tư Mã Tương Như đã đàn để quyến rũ một gái góa là nàng Trác Văn Quân:
Dầu ai gieo tiếng ngọc
Dầu ai đọc lời vàng
Trớ trêu khúc Phượng cầu hoàng
Lòng em không giống như nàng Văn Quân!
Để nói lên tình nghĩa vợ chồng gắn bó keo sơn, khi vinh hiển vẫn nhớ lúc nghèo hèn, ta dùng điển tích "tao khang", theo câu nói của Tống Hoằng đời nhà Hán bên Trung Hoa: “Tao khang chi thê bất khả hạ đường” (người vợ tấm cám - tao khang - chớ để nằm nhà dưới, nghĩa là không thể rời bỏ được).
Nhởn nhơ cô gái cửa đông
Quần là, áo lượt nhưng lòng không ưa
Tao khang là vợ ngày xưa
Khăn thâm, áo vải sớm trưa vui cùng!
Và v.v...
Những điển tích có nguồn gốc từ các tác phẩm văn chương chữ Nôm:
Phần lớn những điển tích này là những nhân vật chính có điểm đặc biệt hay những sự kiện đặc biệt trong các truyện Nôm hữu danh như truyện Kiều của Nguyễn Du, truyện Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu...và trong các truyện Nôm khuyết danh như Thoại Khanh Châu Tuấn, Phạm Công Cúc Hoa...
Trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, Thúy Kiều là một nhân vật đa tài, đa tình, là người con chí hiếu nhưng luôn gặp cảnh gian truân: "Hết nạn nọ đến tai kia - Thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần..." phải chịu 15 năm xa cách người yêu là chàng Kim Trọng. Khi đi vào ca dao, Thúy Kiều và Kim Trọng trở thành điển tích văn học. Và ở đây, người bình dân hầu như không có ý nhắc đến những đức tính quan trọng kể trên của Thúy Kiều mà họ chỉ muốn nhấn mạnh đến sự chia lìa trong tình yêu đôi lứa giữa nàng Kiều và chàng Kim Trọng mà thôi.
- Sen xa hồ, sen khô hồ cạn
Liễu xa đào, liễu ngã đào nghiêng
Anh xa em như bến xa thuyền
Như Thúy Kiều xa Kim Trọng biết mấy niên cho tái hồi.
- Em như nút, anh như khuy
Như Thúy Kiều Kim Trọng biệt ly sao đành
- Dứt tình kẻ ở người đi
Cũng như Kim Trọng biệt ly Thúy Kiều
Trong truyện Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu, nàng Nguyệt Nga là một trang quốc sắc, đoan chính và thủy chung. Nhắc đến Nguyệt Nga và Lục Vân Tiên là nhắc đến tình yêu thủy chung như nhất.
- Kể từ ngày thiếp cách chàng xa
Như Vân Tiên lâm bệnh, Nguyệt Nga đi cống Hồ
Thiếp xa chàng ruột héo gan khô
Hang Thương Tòng chàng đợi, chốn biển hồ thiếp thương
Sống làm chi trắc trở đôi phương
Liều mình thác xuống suối vàng gặp nhau.
- Đôi đứa ta như Nguyệt Nga ngày trước
Đã trao lời nguyện ước với Vân Tiên
Liều mình qua cống Tây Phiên
Vai mang bức tượng giữ lời nguyền không phai.
Khúc ca chèo đò dưới đây rất phổ biến ở Thanh Hóa ngày xưa sẽ cho ta thấy được ảnh hưởng của truyện Nôm vào đời sống của quảng đại quần chúng sâu xa đến chừng nào và nó đã tạo ra một số điển tích văn học mới mang sắc thái đặc biệt Việt Nam:
Ê dố khoan là dố khoan
Mấy khi chàng Từ Thức gặp tiên [1]
Mười lăm năm Kim Trọng kết nguyền Thúy Vân [2]
Cúc Hoa gặp được Tống Trân [3]
Phan Sinh kỳ ngộ Kiều Lân chốn này [4]
May sao may khéo là may
Cho nàng Phương thị gặp thầy Trương Viên [5]
Bây giờ bến lại gặp thuyền
An Nam công chúa kết duyên với Hoàng Trừ [6]
Phương sinh trao nhạn gửi thư
Phương Dong chờ đợi tương tư tháng ngày [7]
Họ Văn có nữ tú tài
Duyên trời xe lại gặp người Soạn Chi [8]
Cảnh Yên dắt mẹ ra đi
Duyên trời xe lại kết nghì Phương Hoa [9]
Phạm Tải lấy được Ngọc Hoa [10]
Duyên trời run rủi mới ra cương thường
Khen ai chỉ nẻo đưa đường
Cho chàng Sơn Bá nhớ thương ả Đài [11]
Ba năm xe chỉ giăng dài
Cho người Hoàng Tú biết tài văn nhân [12]
Hài hoa chân bước hài văn
Nguyễn Sinh, Nguyễn Đạt tới gần Ngọc Thanh [13]
Bây giờ mới lại gặp mình
Cầm kỳ thi họa thư sinh một nhà
Bây giờ bướm lại gặp hoa
Thì ta hãy kết giao ca một phòng
Dố khoan dố khoan! (5)
Ở trên là một số nhân vật tiêu biểu trong các truyện Nôm mà phần lớn là những truyện Nôm khuyết danh:
[1] Nhân vật trong Từ Thức tân truyện (khuyết danh)
[2] Nhân vật trong Truyện Kiều của Nguyễn Du.
[3] Nhân vật trong truyện Tống Trân - Cúc Hoa (khuyết danh).
[4] Nhân vật Kiều Lân tức Trần Kiều Liên trong truyện Phan Trần (khuyết danh)
[5] Nhân vật trong Trương Viên truyện (khuyết danh)
[6] Nhân vật trong Hoàng Trừu truyện (khuyết danh)
[7] (chưa rõ tên truyện)
[8] Nhân vật Ngụy Soạn Chi trong Nữ Tú Tài truyện (khuyết danh)
[9] Nhân vật trong Phương Hoa truyện (khuyết danh)
[10] Nhân vật trong truyện Phạm Tải - Ngọc Hoa (khuyết danh)
[11] Nhân vật trong truyện Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài (khuyết danh)
[12] Nhân vật trong Hoàng Tú tân truyện (khuyết danh)
[13] Nhân vật trong truyện Nguyễn Đạt - Nguyễn Sinh tân truyện (khuyết danh).
Những điển tích có nguồn gốc từ sự tích Việt Nam:
Cũng giống như những điển tích có nguồn gốc từ truyện Nôm, điển tích có nguồn gốc từ các sự tích của dân tộc trong kho tàng truyện dân gian cũng thường chỉ nhắc đến những nhân vật hay những sự kiện tiêu biểu của truyện. Từ truyện "Từ Thức lấy vợ tiên", ta có câu :
Trách chàng Từ Thức vụng suy
Cõi tiên chẳng ở, về chi cõi trần.
Từ truyện "Nợ như Chúa Chổm", truyện kể dân gian về một nhân vật lịch sử tức vua Lê Trang Tông (1533-1548), ta có câu:
Vua Ngô ba mươi sáu tàn vàng
Thác xuống âm phủ chẳng mang được gì
Chúa Chổm uống rượu tì tì
Thác xuống âm phủ kém gì vua Ngô!
Hay từ thành ngữ "Vắng như chùa Bà Đanh" rất phổ biến trong dân gian, ta có câu:
Còn duyên như tượng tô vàng
Hết duyên như tổ ong tàn ngày mưa
Còn duyên kẻ đón người đưa
Hết duyên vắng ngắt như chùa Bà Đanh.
Có một số câu ca dao tóm tắt trọn vẹn cho một câu truyện cổ. Nếu không biết truyện, người ta không thể hiểu ý câu ca dao muốn nói gì. Chẳng hạn như mấy câu ca dao sau đây :
- Sinh con rồi mới sinh cha
Sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông. (*)
- Nực cười ông huyện Hà Đông
Xử vị lòng chồng hai bảy mười ba
Không nghe tan cửa, nát nhà
Nghe ra hai bảy mười ba cực lòng! (**)
Và khi chúng ta đã biết về câu chuyện cách xử kiện của ông huyện Hà Đông kể trên, ta mới có thể hiểu câu ca dao sau đây cũng lấy từ điển tích nầy:
* Mồ cha đẻ mẹ con dơi
Sao mày ăn nói những lời Hà Đông!
* Bên này sông anh lập cái chùa Tân Thiện
Bên kia sông anh lập cái huyện Hà Đông
Cái huyện Hà Đông để cho Bao Công xử án
Cái chùa Tân Thiện nhiều kẻ tu hành
Bạn mình ơi, chim kêu dưới suối trên nhành
Qua không bỏ bậu, sao bậu đành bỏ qua?
Những điển tích có nguồn gốc từ truyện Tàu và các tuồng tích hát bộ:
Ngoài những điển tích có nguồn gốc từ truyện Nôm, truyện cổ, còn có một số điển tích có nguồn gốc từ các tuồng tích hát bộ hay từ các truyện Tàu được dịch ra chữ quốc ngữ trong những thập niên đầu của thế kỷ thứ XX.
Lúc khởi thủy, hát bộ chỉ được một bộ phận ít ỏi trong quần chúng đó là giới quan lại cấp cao thưởng thức, nhưng kể từ khi được Đào Duy Từ, một nho sĩ của đất Bắc Hà, xuất thân từ một gia đình làm nghề ca xướng, đem hát bộ vào xứ Đàng Trong thì hát bộ đã dần dần trở thành một bộ môn nghệ thuật của quảng đại quần chúng từ người già đến người trẻ, nam cũng như nữ ai ai cũng đều hâm mộ. Có thể nói, dưới triều đại nhà Nguyễn (1802-1945), nhất là dưới hai triều Tự Đức (1848-1883) và Thành Thái (1889-1907), hát bộ đã được nâng lên hàng quốc kịch. Nhiều tác giả hát bộ nổi tiếng như Đào Tấn (1845-1907) được xem như ông tổ của tuồng Bình Định, Nguyễn Hiến Dĩnh (1853-1926) được xem như ông tổ của tuồng Quảng Nam...
Có người mê hát bộ đến độ không kể đến hình phạt bị roi vọt như câu ca dao dưới đây được lưu truyền ở đất Bình Định từ lâu đời:
Bầu Đông đóng Phụng Nghi Đình
Dầu chồng có đánh thì mình cũng đi.
Bầu Đông tức chánh ca Đông quê ở Gò Bồi, huyện Tuy Phước tỉnh Bình Định sắm vai Phụng Nghi Đình trong tuồng cùng tên của nhà nho Nguyễn Trọng Trì, người huyện An Nhơn, Bình Định.
Các truyện Tàu như Tam Quốc, Đông Chu Liệt Quốc, Thủy Hử, Tây Du, Phong Thần, Ngũ Hổ Bình Tây, ... xuất hiện ở đất lục tỉnh Nam Kỳ vào những năm cuối thế kỷ thứ XIX sang những năm đầu thế kỷ XX cũng đã có những ảnh hưởng rất lớn đến tâm tư tình cảm của người dân miền Nam.
Một số nhân vật trong truyện Tàu và tuồng hát bộ (cũng bắt nguồn từ truyện Tàu) đã tạo nên những điển tích văn học. Những điển tích thuộc loại nầy rất ít, tuy cũng có xuất xứ từ văn học cổ điển Trung Hoa (truyện Tàu) nhưng chúng lại không xuất phát từ nguồn điển tích có sẵn của văn học Trung Hoa mà là các điển tích mới được người Việt miền Nam sáng tạo khoảng trên dưới trăm năm trở lại đây. Do vậy, ta đã không thấy loại điển tích nầy xuất hiện trong các thơ truyện Nôm và các nhà chú giải điển tích cũng không đưa các loại điển tích nầy vào tác phẩm của mình.
Thực ra, ta không thể phân biệt câu nào có xuất xứ từ truyện Tàu, câu nào có xuất xứ từ tuồng hát bộ, vì phần lớn tuồng hát bộ cũng từ truyện Tàu mà ra.
- Phàn Lê Huê say mê thái tử
Oán thù dữ còn đổi ra hiền
Huống chi phận thuyền quyên
Chẳng qua căn số định, giận phiền uổng công.
- Ai khôn bằng Tiết Đinh San
Cũng còn mắc kế nàng Phàn Lê Huê
- Con chim nho nhỏ
Cái đuôi nó đỏ
Cái mỏ nó vàng
Nó kêu bớ Tiết Đinh San
Mê chi nàng Kim Đính, phũ phàng Lê Huê.
Phàn Lê Huê là nhân vật nữ trong các truyện Tiết Nhơn Quý Chinh Đông, Thuyết Đường, Tiết Gia Tướng...Nàng là cô gái sắc tài cân xứng, văn võ song toàn, đa mưu túc trí, đã yêu là yêu hết mình, đã hận cũng hận hết mình, có chồng là Tiết đinh San nguyên là kẻ thù của cha mình và nàng cũng đã hết mình vì giang san nhà chồng.
Nhơn tham tài tắc tử
Điểu tham thực tắc vong
Tiết Cương xưa đáng bực con dòng
Lâm cơn hoạn nạn còn mang vòng gian nan
Cũng bởi vì kết nghĩa bạn vàng
Uống đôi chung rượu, cổ mang gông xiềng
Cứu vật vật trả ơn liền
Cứu nhân nhân trả oán nhỡn tiền chẳng lâu!
Tiết Cương là nhân vật trong truyện Tiết Đinh San Chinh Tây, con của Tiết Đinh San và Phàn Lê Huê. Bọn nịnh thần vu cho Tiết Đinh Đan có ý mưu phản nên cả 2 vợ chồng đều bị án tru di tam tộc. Vua Đường lại còn gia tội "thiết khâu phần" (tức xiềng mả). Tiết Cương trốn thoát được lên núi lập đảng kéo quân về phá "thiết khâu phần" giải thoát cho linh hồn cha mẹ. Chàng được xem là người con chí hiếu.
Trời mưa lác đác
Hột cát nằm nghiêng
Chàng Phụng Thiên gá nghĩa Điều Thuyền
Kiếp này không đặng thời nguyền kiếp sau.
Phụng Thiên hay Lã Phụng Thiên tức Lã Bố và Điêu Thuyền là hai nhân vật trong truyện Tam Quốc Diễn Nghĩa.
Tưởng là anh trung quân ái quốc
Hay đâu anh bội chúa rõ ràng
Tưởng là anh giúp Đổng Kim Lân
Phò Hoàng thái hậu đỡ tấm thân em nhờ
Hay đâu anh cỡi gió phất cờ
Theo dòng họ Tạ bao giờ em không hay.
- Liếc mắt thấy song mẫu nhỏ lụy
Nhìn mặt chàng dạ ngọc xốn xang
Em dặn anh như bà thứ hậu dặn Tử hoàng
Như bà Đổng mẫu dặn chàng Đổng Kim
Em dặn anh nhơn nghĩa ở trọn niềm
Giữ câu hiếu hạnh, trăm niên em cũng chờ.
Đây là những nhân vật trong tuồng San Hậu, một tuồng hát cung đình nổi danh tương truyền do Đào Duy Từ soạn và sau đó được Đào Tấn chỉnh lý. Theo tuồng tích, anh em Tạ Thiên Lăng và Tạ Ôn Đình là những tên phản thần âm mưu cướp ngôi vua Tề. Đổng Kim Lân và Khương Linh Tá là 2 trung thần đã đem hoàng tử và thái hậu chạy sang thành San Hậu.
Cách thức sử dụng điển tích trong ca dao:
Trong các tác phẩm chữ Nôm nói riêng, và trong toàn bộ sáng tác văn chương cổ điển của ta nói chung, việc sử dụng điển tích là một phép tu từ cần thiết và trang trọng. Đối với các tác giả cổ điển, dùng điển là cách "dùng ít lời mà nói được nhiều ý". Mỗi điển được dùng phải nói lên đúng ý nghĩa của nó, không thể xảy ra trường hợp ý nằm ngoài điển. Trong lúc đó, các tác giả bình dân đôi khi lại không hoàn toàn câu nệ vào điển. Nói như vậy không có nghĩa đánh giá thấp tác dụng của sự dùng điển trong văn chương bình dân, đặc biệt là trong ca dao.
Trong nhiều câu ca dao ta thấy cách sử dụng điển tài tình của các tác giả bình dân.
Theo cổ sử Trung Hoa, vua Nghiêu (2351-2257 trước Tây Lịch) sai 2 nhà bác học Hi Trọng và Hòa Trọng cùng với Hi Thúc và Hòa Thúc soạn ra lịch ngày nay ta dùng gọi là Âm lịch. Theo âm lịch, mỗi năm chia làm 4 mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông và cứ 3 năm hoặc 4 năm lại có 1 năm nhuận 1 tháng. Những người yêu nhau đã trách cứ 2 họ Hi Hòa sao không làm cho mỗi đêm nhuận thêm "vài trống canh" tức là kéo dài thêm vài trống canh để cho những người yêu nhau được sống bên nhau lâu hơn :
- Ai về nhắn họ Hi Hòa
Nhuận năm sao chẳng nhuận và trống canh!
- Anh quyết lên trên bắt họ Hi Hòa
Từ nay làm lịch phải kéo đêm ra cho dài!...
Thời Chiến Quốc bên Trung Hoa, có 2 nhà du thuyết đại tài, khéo dùng 3 tấc lưỡi mà khuynh đảo thiên hạ, đó là Tô Tần, người đất Lạc Dương đã thuyết phục các nước Yên, Triệu, Hàn, Tề, Ngụy và Sở lập thế "Hợp Tung" để chống lại nước Tần, còn Trương Nghi người nước Ngụy lại lập ra thuyết "Liên Hoành" dụ Tần lập liên minh chống lại thế "Hợp Tung" của Tô Tần. Như vậy, Trương Nghi và Tô Tần là hai người có tài dùng ba tấc lưỡi để thuyết phục người khác. Và một cô gái quê của ta đã dám thách đố cả 2 nhà du thuyết lừng danh kể trên để nói lên tình yêu thiết thạch của nàng đối với người yêu:
Lưỡi Trương Nghi dầu bén,
Miệng Tô Tần dầu lanh
Bây giờ em đã quyết với anh
Dầu hai ông mà tái thế dỗ dành chẳng xiêu!
Bạch Cư Dị (772-846) một nhà thơ nổi tiếng đời Đường (Trung Hoa) có làm bài thơ như sau:
Từ Châu cổ Phong huyện
Hữu thôn viết Châu Trần.
Nhất thôn duy lưỡng tính,
Thế thế vi hôn nhân.
(Huyện Phong xưa ở đất Từ Châu,
Có thôn gọi là Châu Trần.
Một thôn chỉ có hai họ
Đời đời kết thông gia).
Từ đó Châu Trần trở thành một điển tích để nói lên việc hôn nhân xứng đôi vừa lứa. Trong các sách giải thích về điển tích như Từ Điển Văn Liệu của Long Điền Nguyễn Văn Minh, Từ Điển Thành Ngữ Điển Tích của Diên Hương, Từ Điển Từ Ngữ Tầm Nguyên của Bửu Kế, phần phụ lục Thành Ngữ, Tục Ngữ, Điển Tích trong Việt Nam Tự Điển của Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ... đều nhắc đến điển tích này và đều sắp trong vần CH (Châu Trần). Trong văn nôm của ta có nhiều tác giả dùng điển tích nầy.
Thực là tài tử giai nhân,
Châu Trần còn có Châu Trần nào hơn. (Truyện Kiều, câu 1357-1358)
Nghĩ xa thôi lại nghĩ gần
Chạnh niềm sẩy nhớ Châu Trần nghĩa xưa. (Truyện Phan Trần, câu 229-230)
Có quan Phò mã Đồ Công
Khiến người mai ước tin thông Châu Trần. (Truyện Song Tinh, câu 1713-1714)
Để nói lên ước vọng kết duyên đôi lứa, trong ca dao cũng có nhiều câu dùng điển tích Châu Trần thật xác đáng, chẳng hạn như những câu dưới đây:
- Ngọc trong sánh với vàng mười
Anh hùng chỉ đợi một người thuyền quyên
Châu Trần đã đáng nhân duyên
Đôi ta kết ngãi thiên niên đời đời.
Như trong bài thơ của Bạch Cư Dị ta đã thấy, Châu Trần để chỉ hai họ nhưng Châu Trần cũng lại là tên của một thôn và vì vậy, trên nguyên tắc về danh xưng, ta không thể đổi ngược một danh xưng. Chẳng hạn ta không thể đổi Sài Gòn thành Gòn Sài hay Hà Nội thành Nội Hà. Vậy mà ở đây, vin vào cớ tên thôn còn là tên hai họ, do đó các tác giả ca dao đã rất phóng khoáng khi đổi ngược tên thôn Châu Trần thành Trần Châu:
- Kể từ khi mới gặp nàng
Cũng mong kết nghĩa đá vàng Trần Châu...
Thực ra, trong các truyện Nôm, thỉnh thoảng ta cũng bắt gặp sự đảo ngược này, dù rằng đây không phải là trường hợp phổ biến.
Chúng tôi đã khảo sát 12 truyện Nôm trong đó 4 truyện có tác giả và 8 truyện khuyết danh. Trong 4 truyện có tác giả, đó là truyện Kiều của Nguyễn Du, truyện Hoa Tiên của Nguyễn Huy Tự và Nguyễn Thiện, truyện Song Tinh của Nguyễn Hữu Hào và truyện Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu. Trừ truyện Lục Vân Tiên không dùng điển tích Châu Trần, 3 truyện kia đều dùng điển Châu Trần đúng như các sách viết về điển tích đã ghi.
Trong số 8 truyện khuyết danh, ta có:
Truyện Thoại Khanh Châu Tuấn dùng 1 lần Châu Trần,
Truyện Nữ Tú Tài dùng 2 lần Châu Trần
Truyện Thạch Sanh dùng 1 lần Châu Trần
Truyện Quan Âm Thị Kính dùng 1 lần Châu Trần
Truyện Hoàng Trừu dùng 11 lần Châu Trần
Truyện Phan Trần dùng 1 lần Châu Trần (câu 230), 1 lần Trần Châu (câu 456)
Đa mang chẳng dám chịu lời
Mặc người Tần Tấn, mặc người Trần Châu
Truyện Phạm Công Cúc Hoa dùng 2 lần Châu Trần ( câu 1746 và 2617), 2 lần dùng Trần Châu (câu 377, và 3961):
Tình riêng muốn kết Trần Châu
Sự riêng chẳng hở gót đầu cùng ai. (câu 377-378)
Ba mươi năm vẹn Trần Châu
Hết duyên nên lại về chầu Phụ Vương! (câu 3961-3962)
Các truyện khuyết danh Nhị Độ Mai và Bích Câu Kỳ Ngộ không dùng điển tích Châu Trần.
Ngoài kỹ thuật đảo ngữ, điển tích nầy còn được tác giả bình dân cho tách ra làm đôi tạo thành một ý mới thật thâm trầm mà tha thiết biết bao! Đây là một sáng tạo độc đáo của tác giả ca dao mà trong các tác phẩm Nôm ta không bắt gặp:
Ra về nước mắt phân vân
Lòng Châu có nhớ nghĩa Trần hay không?
Chúng ta thử bàn đến một điển tích khác: Chương Đài.
Có sự tích kể rằng: Vào thời nhà Đường (618-906), Hàng Hoành lấy một người kỹ nữ tên là Liễu ngụ ở phố Chương Đài đất Trường An. Hoành đi làm quan xa, Liễu ở nhà bị tướng Phiên cướp mất, ba năm sau mới tái hợp. Lúc đi xa, Hoành có gửi cho Liễu bài thơ, trong đó có những câu như sau:
Chương đài Liễu,
Tích nhật thanh thanh kim tại phủ?
Giả ưng phan chiết tha nhân thủ.
(Liễu Chương Đài,
Ngày trước xanh xanh nay còn chăng?
Hay tay người khác đã bẻ mất rồi)
Điển tích Chương Đài thường dùng để nói về nỗi xa cách tình nhân hay ám chỉ người đàn bà không đứng đắn (theo Long Điền Nguyễn Văn Minh trong Từ Điển Văn Liệu)
Nhiều tác giả truyện Nôm đã sử dụng điển tích nầy:
Khi về hỏi liễu Chương Đài
Cành xuân đã bẻ cho người chuyền tay. (Kiều, câu 1261-1262)
Xanh xanh khóm liễu Chương Đài
Tiếc thay đã để tay ai vin cành. (Quan Âm Thị Kính, câu 221-222)
Trong ca dao của ta cũng có nhiều câu dùng điển Chương Đài với ý nghĩa nêu trên :
- Nên chăng bởi khách Chương Đài
Còn không hay đã có ai vịn cành?
- Đá vàng đây giữ một màu
Lòng son xin đó làu làu chớ phai
Đừng như cô gái Chương Đài
Trớ trêu bẻ liễu tặng ai vội vàng!
Cũng giống như điển tích Châu Trần kể trên, trong điển tích nầy tác giả bình dân cũng đã đảo ngược tên riêng :
Vóc bồ liễu e dè gió bụi
Đóa anh đào sợ hãi nắng sương
Em biết đâu là khách Đài Chương
Ngãi nhân giữ được bực thường vậy chăng.
Trong một trường hợp khác, tác giả bình dân dùng từ Chương Đài với ý nghĩa hoàn toàn khác với ý nghĩa gốc của nó và do đó, ở đây Chương Đài không còn được xem như một điển tích cần phải tìm hiểu nữa:
- Công anh làm rể Chương Đài
Ăn hết mười một, mười hai vại cà
Giếng đâu thì dắt anh ra
Kẻo mà anh chết theo cà đêm nay.
- Ai về nhắn liễu Chương Đài
Có bán gạo chịu đong hai ba tiền!
Thử bàn về điển tích cầu Ô Thước.
Theo sách “Kinh Sở tuế thời ký” của Tống Lẫm thời Nam Bắc Triều (420-589), Chức nữ (ả Chức) là cháu Trời, làm nghề dệt vải rất siêng năng, Trời đem gả cho Khiên Ngưu (chàng Ngâu) làm nghề chăn trâu. Vì vợ chồng quá âu yếm nhau, bỏ bê cả công ăn việc làm, không giữ đúng phép Trời, Trời phạt đem đày mỗi người một bên sông Ngân (tức giải Ngân Hà). Mỗi năm Trời chỉ cho phép 2 vợ chồng gặp nhau một lần vào đêm mùng 7 tháng 7 âm lịch (thất tịch). Để cho hai người được gặp nhau, Trời sai chim quạ (ô) và chim khách (thước) vác đá lấp sông Ngân tạo thành cái cầu gọi là cầu Ô Thước cho Chức nữ qua gặp Ngưu lang. Điển tích “cầu Ô Thước” tạo nên một biểu tượng của Tình Yêu.
Điển tích này đã được tác giả bình dân sử dụng khá chính xác trong một số câu, chẳng hạn:
* Chim nhàn vỗ cánh bay đi
Thương cây, mến rễ mà đi không rồi
Chim nhàn vỗ cánh thảnh thơi
Mượn cầu Ô Thước trao lời thủy chung.
* Xưa kia ai biết ai đâu
Bởi chim ô thước bắc cầu sông Ngân.
* Bậu đừng dứt nghĩa cầu Ô
Chớ anh không phụ Hớn Hồ như ai!
* Cầu Ô Thước trăm năm giữ vẹn
Sông Ngân Hà giữ trọn đừng phai
Sợ em ham chốn tiền tài
Dứt đường nhân ngãi lâu dài bỏ anh
Thế nhưng, trong một số câu, “ô thước” đã được hiểu theo cách của người bình dân, chẳng hạn:
Cầu Ô chín thước vật thường
Tìm nơi kiếm chốn, tìm đường giả ơn
Mưa sầu gió thảm từng cơn
Lấy ai chắc phận thờn bơn một bề.
Chữ “thước” ở đây không còn là con chim khách (chim thước) nữa mà là “thước tấc” dùng để đo độ dài.
Hay trong câu:
Quạ đen lông kêu bằng ô thước
Thấy em có chồng vô phước anh thương.
Ở đây tác giả bình dân đã dịch chữ “quạ đen” thành “ô thước”, dùng chữ “ô” với nghĩa màu đen như trong chữ ngựa ô (ngựa lông đen), gà ô (gà lông đen) và “ô thước” trở thành con chim quạ đen!
Lại như trong câu:
Muốn sang thời bắc cầu Ô
Muốn con hay chữ cưới cô cho thầy!
Cầu Ô ở đây không còn là biểu tượng của tình yêu mà được xem như biểu tượng của sự sang giàu!
Trong hôn nhân của ta ngày xưa có tục tế Tơ Hồng. Nhất Thanh Vũ Văn Khiếu trong “Đất Lề Quê Thói” khảo cứu về phong tục Việt Nam đã nói về tục lệ này như sau:
"Khi xưa tế Tơ Hồng ngay sau lúc đón dâu về đến nhà, trước khi lễ yết Tổ họ, lễ yết gia tiên và chào mừng ông bà cha mẹ họ hàng; ý rằng khi cô gái bước chân về đến nhà người ta là nên vợ nên chồng, lương duyên do ông Tơ chắp mối xe lại, điều trước tiên là nghĩ đến công đức của Ông, tế lễ để Ông chứng giám việc hôn nhân đã thành, và đồng thời để tạ ơn Ông" (6).
Đây là tục lệ bắt nguồn từ một sự tích của Trung Hoa. Theo các sách Tình Sử, U Quái Lục và Tục U Quái Lục kể về chuyện Vi Cố đời nhà Đường bên Trung Hoa. Chuyện kể rằng: Vi Cố ở trọ tại Tống Đô. Một hôm Vi Cố thấy một cụ già râu tóc bạc phơ đang ngồi dưới trăng (Nguyệt hạ lão nhân) xem sách, bên cạnh để một cái túi đựng chỉ đỏ (xích thằng). Thấy lạ Vi Cố bèn hỏi, cụ già đáp rằng ông đang đọc quyển sổ ghi hôn nhân và sợi chỉ hồng để cột chân những người sẽ thành vợ chồng với nhau, dù hai bên có thù hằn hay cách xa nhau ngàn vạn dặm, sổ đã ghi và dây đã buộc thì cũng nên vợ chồng. Vi Cố hỏi vợ tương lai của mình là ai, cụ già chi cô gái con người ăn mày ngoài chợ. Vi Cố sợ sẽ phải kết duyên với con bé hạ tiện bèn xách gươm ra chợ chém con bé rồi bỏ trốn. Con bé ăn mày được một vị quan nhận làm con nuôi. Về sau Vi Cố được một vị quan ở kinh đô gả con gái cho. Một hôm thấy vết sẹo trên trán vợ, Vi Cố hỏi thăm. Người vợ kể lại đầu đuôi câu chuyện và lúc ấy Vi Cố mới biết rằng vợ mình chính là cô gái ăn mày ngày xưa.
Do tích nầy, trong văn chương cổ điển của ta đã dùng những từ như: Ông Tơ, bà Nguyệt, Nguyệt lão, Nguyệt sứ, Trăng già, xích thằng, tơ hồng, chỉ hồng, chỉ thắm… để chỉ người làm mai mối trong việc hôn nhân. Trong các truyện Nôm, điển cố nầy được dùng một cách trịnh trọng :
Vái cùng Nguyệt lão hỡi ông
Trăm năm cho trọn chữ tòng mới an!. (Lục Vân Tiên, 241-242)
Đức vua van vái hết lòng
Nguyện cùng Nguyệt lão tơ hồng xe săn. (Thoại Khanh Châu Tuấn, 195-196)
Nếu duyên nợ không thành, họ có trách nhưng lời trách cũng thật nhẹ nhàng, không có chút gì mỉa mai:
Ông Tơ gàn quải chi nhau
Chưa vui sum họp đã sầu chia phôi (Kiều, 549-550)
Trêu ngươi chi bấy Trăng già
Sao cho chỉ thắm mà ra tơ mành? (Cung Oán Ngâm Khúc, 335-336)
Trong lúc các tác giả truyện Nôm nhìn ông Tơ, Nguyệt lão hay Trăng già chỉ như một ý niệm, một niềm tin, một định mệnh thì dưới mắt nhìn của các tác giả ca dao, ông Tơ bà Nguyệt, Nguyệt lão hay Trăng già là những nhân vật cụ thể hết sức sống động:
Hôm qua anh đi chợ Trời
Thấy ông Nguyệt lão đang ngồi ở trên
Tay thì cầm bút, cầm nghiên
Tay cầm tờ giấy biên biên rành rành
Biên ta rồi lại biên mình
Biên đây lấy đấy, biên mình lấy ta
Chẳng tin lên hỏi Trăng già
Trăng già cũng bảo rằng ta lấy mình...
Từ đó, họ đồng hóa ông Tơ bà Nguyệt với những người thân trong gia đình hay bà con chòm xóm láng giềng:
Dầu thầy với mẹ không thương
Đôi ta trải chiếu, lạy từ ngoài đường lạy vô
Lạy cùng ông bác bà cô
Lạy cùng làng xóm nói vô tôi nhờ
Lạy cùng bà Nguyệt, ông Tơ
Xe sao cho trọn một giờ bén duyên.
Họ nói chuyện với ông Tơ bà Nguyệt bằng một gọng điệu thật chân tình như tâm sự với những người thân yêu:
Ông Tơ bà Nguyệt đi đâu
Không về mà gỡ mối sầu cho ta.
Ông Tơ bà Nguyệt ở nhà
Không đi mà gỡ cho ta mối sầu!
Bởi họ xem ông Tơ bà Nguyệt như những con người rất người, với đầy đủ "thất tình lục dục" như con người, rất gần với họ, nên họ có những cung cách ứng xử với ông Tơ bà Nguyệt như cung cách ứng xử với những con người bình thường và họ tìm mọi cách để "hối lộ" ông Tơ bà Nguyệt :
Vái ông Tơ đôi ba chầu hát,
Vái bà Nguyệt năm bảy đêm kinh
Xin cho đôi đứa tôi thuận một tâm tình
Dầu ăn hột muối, nằm đình cũng ưng .
Trong lúc các tác giả truyện Nôm cho nhân vật của mình nhìn nhận ông Tơ bà Nguyệt như những quyền lực vô hình (như duyên số, số mệnh, định mệnh...), và vì vậy, khi bị trái duyên hay không đạt được sở cầu, họ chỉ biết van vái và cầu xin thì nhân vật của ca dao lại có một thái độ hết sức dứt khoát đối với quyền lực đã ngăn trở cuộc hôn nhân của họ. Có thể họ cũng van vái cầu xin đấy, nhưng rồi họ nhận thức được ngay cái sai lầm, cái độc ác của ông Tơ bà Nguyệt, nên họ đã có một thái độ vô cùng quyết liệt đối với bà Nguyệt, ông Tơ. Họ hoàn toàn không chịu bất lực để phục tùng cái mệnh lệnh của duyên số mà họ phải tìm cho ra lẽ, phải làm cho ra lẽ:
Em phải gặp ông Tơ hỏi sơ cho biết
Gặp bà Nguyệt gạn thiệt cho rành
Vì đâu hoa nọ lìa cành
Nợ duyên sớm dứt cho đành dạ em.
Hôn nhân đổ vỡ, duyên nợ không thành, tình duyên trắc trở...ai gây nên nỗi? Ông Tơ, bà Nguyệt là thủ phạm:
Chiều nay tôi lên ông Tham biện
Tôi kiện căn, kiện nợ, kiện vợ, kiện chồng
Tôi kiện ông Tơ hồng,
Tôi kiện bà Nguyệt lão
Xe giây rồi sao tháo trở lộn ra?
Và vì vậy, ông Tơ bà Nguyệt phải bị trừng trị đích đáng:
Bắt ông Tơ mà cho ba đấm
Bắt bà Nguyệt đánh bốn mươi chín hèo
Duyên người ta xe buổi sớm, duyên em buổi chiều mới xe!
Đôi khi họ còn có ý nghĩ táo bạo buộc ông Tơ bà Nguyệt phải phục tùng cái sở nguyện của họ:
Bắc thang lên đến tận trời
Tìm ông Nguyệt lão đánh mười cẳng tay
Đánh rồi lại trói vào cây
Hỏi ông Nguyệt lão: nào dây tơ hồng?
Nào dây xe bắc xe đông
Nào dây xe vợ xe chồng người ta?
Ông vụng xe xe phải vợ già
Tôi thì đốt cửa đốt nhà ông lên!
Lại có kẻ như hoàn toàn không có một chút tin tưởng nào vào niềm tin có một ông Tơ bà Nguyệt nào đó xe duyên cho họ. Tình duyên của họ họ tự quyết định lấy:
Trăm năm trăm tuổi trăm chồng
Đẹp duyên thì lấy, ông Tơ hồng nào xe?
Như vậy, ta thấy rõ ràng các tác giả bình dân không cùng quan niệm về ông Tơ bà Nguyệt với các tác giả truyện Nôm.
* * *
Trong phần đầu của bài viết, chúng tôi đã đưa ra nhận định rằng, số câu ca dao dùng điển tích so với số câu ca dao không dùng điển tích thật là ít ỏi. Lại nữa, số điển tích được du nhập từ kho điển tích văn học Trung Hoa thật là phong phú, đa dạng, trong lúc đó, số điển tích này được các tác giả ca dao sử dụng lại càng ít ỏi hơn. Thực ra, ta không thể có một con số thống kê gọi là chính xác số điển tích mà các bậc tiền bối của ta đã vay mượn từ kho điển tích văn học Trung Hoa. Như chúng tôi đã trình bày, các nhà làm văn học của ta ngày xưa, hễ có cầm bút là có dùng điển tích, do đó, điển tích chẳng những được sử dụng trong các sáng tác văn chương như làm thơ, làm phú, viết ký, viết truyện, mà họ còn sử dụng điển tích trong các thể loại văn học khác như sử ký, địa lý, phong tục, triết học... Điển tích được sử dụng trong văn thơ Nôm, điển tích còn được sử dụng với một lượng nhiều hơn trong văn thơ chữ Hán. Do đó, các sách sưu tập điển tích của các tác giả ngày nay như Từ Điển Văn Liệu của Long Điền Nguyễn Văn Minh, Tự Điển Thành Ngữ Điển Tích của Diên Hương, Từ Điển Từ Ngữ Tầm Nguyên của Bửu Kế... chỉ sưu tập các điển tích tương đối thông dụng trong văn Nôm mà thôi. Tuy chỉ mới sưu tập những điển tích tương đối thông dụng trong thơ văn Nôm mà số lượng đã lên hàng ngàn. Trong lúc đó, lượng điển tích dùng trong ca dao không vượt quá con số trăm, đó là kể cả những điển tích phát sinh từ văn học Việt Nam - từ truyện Nôm, truyện cổ tích...
Đa số điển tích được các tác giả ca dao sử dụng đều nói về tình yêu trai gái, tình nghĩa vợ chồng : Nguyệt lão (ông Tơ, bà Nguyệt, Trăng già), Xích thằng (tơ hồng, chỉ thắm), Ngưu lang Chức nữ (ả Chức chàng Ngưu), cầu Ô, Ô thước, Nữ Oa, Tấn Tần, Châu Trần, tào khang, cát đằng, Chương đài, Phụng cầu hoàng (Tư mã Tương như, Trác Văn Quân)... Những điển tích thuộc loại nầy chiếm vào khoảng trên 80% số câu và bài ca dao có dùng điển tích, đó là chưa kể đến loại điển tích được các tác giả ca dao sáng tạo ra từ truyện Nôm hay truyện cổ tích của dân tộc, hầu như gần hết là nói về tình yêu trai gái. Tuy sự sử dụng điển tích trong ca dao có vài khác biệt với sự dùng điển tích trong văn chương chữ Nôm, nhưng vì số lượng sử dụng điển tích trong ca dao quá ít ỏi nên đã không được các nhà biên khảo văn học nói chung, và các nhà biên khảo về ca dao nói riêng lưu tâm đến khía cạnh nầy của ca dao.
ĐÀO ĐỨC NHUẬN
(*) Giáp và Ất là 2 người bạn thân trong thời gian đi chinh thú phương xa. Đến khi cùng được trở về quê, biết Ất nhà nghèo, Giáp cho Ất vay mười lạng bạc để làm vốn sinh nhai. Nhờ số bạc của bạn, vợ chồng Ất làm ăn khá giả. Mấy năm sau, không biết bạn làm ăn ra sao, Giáp tìm đến thăm Ất. Trước khi đi, Giáp lại mang theo mười lạng bạc phòng khi bạn vẫn còn sa sút thì cho bạn mượn tiếp. Khi đến nơi, thấy Ất đã giàu có nên Giáp bèn giấu mười lang bạc trên đầu cổng rồi vào nhà thăm. Thấy Giáp đến, Ất ngỡ bạn đến đòi nợ bèn bàn với vợ ám hại bạn. Sau khi giết bạn, Ất chôn Giáp ở gốc cây khế. Đến mùa, cây khế chỉ sinh được một quả. Vợ Ất thấy thích mắt bèn hái ăn, sau đó vợ Ất mang thai, sinh được một trai. Đứa bé rất khôi ngô nhưng phải tật câm. Vợ chồng than van thì đứa bé lại bảo mời quan huyện về chơi với nó nó sẽ nói mãi cho nghe. Đến khi quan huyện đến, nó bèn kể đầu đuôi câu chuyện. Quan huyện cho đào gốc khế thì quả có cái thây người, tìm trên cổng thì quả có mười lạng bạc. Vợ chồng Ất bị trị tội, còn Giáp được trở về nhà mình. Khi về nhà thì con của Giáp đã có vợ và sinh được đứa con lớn tuổi hơn Giáp. Do đó mới có câu:
Sinh con rồi mới sinh cha,
Sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông.
(**) Xưa ở huyện Hà Đông (nay thuộc địa phận tỉnh Quảng Nam) có một đôi vợ chồng "kẻ tám lạng, người nửa cân". Một hôm nhà có giỗ, vợ nấu nồi chè để cúng. Vì thiếu mâm, vợ cứ múc được 2 chén lại mang lên cho chồng sắp lên bàn thờ, cả thảy 7 lần vị chi là 14 chén. Chồng sắp vào bàn thờ nhưng chỉ sắp được 13 chén, còn thừa 1 chén bèn lén vợ ăn hết. Khi cúng xong mang xuống, thấy thiếu 1 chén, vợ bèn hạch chồng. Chồng chối quanh, vợ cả quyết chồng đã ăn vụng. Cãi nhau đến chỗ ẩu đả. Vợ tức mình bèn đâm đơn kiện lên quan huyện. Chồng sợ mất mặt, bèn tìm cách đút lót cho quan huyện. Đến khi xử kiện, quan nhanh trí chỉ lên mái nhà huyện đường mà bảo:
-"Vợ chồng bay thử đếm mỗi mái có bao nhiêu đòn tay. Có phải mỗi mái có 7 đòn tay không nào? Thế chúng mày đếm từ mái này sang mái kia thử được bao nhiêu? Có phải là 13 không nào.Vậy hai bảy không nhất thiết phải là 14, mà có thể là 13."
Người vợ muốn cãi nhưng quan huyện mắng át:
"Thôi vợ chồng đem nhau về, phải sống hòa thuận với nhau, đừng kiện tụng lôi thôi nữa."
Do đó mới có câu ca dao trên.
Tài liệu tham khảo:
(1) Văn chương Bình dân, Thanh Lãng, Phong Trào Văn Hóa, Hà Nội, 1954, tr. 121
(2) (3) Việt Nam Văn Học Sử Yếu, Dương Quảng Hàm, Trung tâm Học liệu Bộ Giáo dục xuất bản, Sài Gòn, Bản in lần thứ 10, năm 1968, tr. 183 & 185
(4) Dân Ca Nam Trung Bộ tập II, Trần Việt Ngữ, Trương Đình Quang, Nhà XB Văn Hóa, Hà Nội, 1963, tr. 121-122.
(5) Tìm hiểu tiến trình Văn học Dân gian Việt Nam, Cao Huy Đỉnh, Nhà XB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, lần 2, 1976, tr. 138-139.
(6) Đất lề Quê thói, Nhất Thanh Vũ Văn Khiếu, Nhà Đại Nam, Hoa Kỳ tái bản, Tr. 370.
- Một số truyện Nôm
- Các tuyển tập Ca Dao, Dân Ca.
* * *
Xem bài cùng tác giả: click vào đây
Xem bài trên trang Biên khảo: click vào đây
Trở về trang chính: http://www.nuiansongtra.com