GIỌNG HÒ CÂU HÁT QUÊ XƯA (Phần I).
Đào Đức Nhuận.
Ngày nay chúng ta đã có thể được đọc hàng chục tuyển tập ca dao với hàng chục ngàn câu ca dao chan chứa tình người - hoặc chân chất mộc mạc, hoặc óng ả mượt mà - chứa đựng hầu như toàn bộ đời sống tinh thần của dân tộc Việt Nam. Đây là một kho tàng tài liệu vô cùng quý giá cho các nhà sử học, các nhà xã hội học, các nhà Việt học...muốn nghiên cứu về nếp sống xã hội và đời sống tâm tư tình cảm của con người Việt Nam.
Trước khi được sưu tập và in thành sách, ca dao của ta đã được quảng đại quần chúng trên mọi miền đất nước sáng tác, sử dụng và bảo lưu từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng những tiếng ru êm đềm của bà ru cháu, mẹ ru con, chị ru em, hoặc bằng những điệu hò, giọng hát bổng trầm lan rộng trên khắp các cánh đồng, trong các thôn làng sau những lũy tre xanh hay âm vang trên mọi nẻo sông rạch, biển khơi...
Trước khi nền tân nhạc ảnh hưởng Tây phương thịnh hành, hầu như mỗi người phụ nữ Việt Nam đều thuộc dăm bảy bài ca dao để hát ru con, ru cháu; mỗi nghệ sĩ dân gian tham gia vào các cuộc hò đối đáp, các đám hát giao duyên thường thuộc nằm lòng nhiều câu ca dao tục ngữ để làm “vốn liếng” trước khi có thể sáng tác kịp thời những câu đối đáp với đối phương:
Chợ nào chợ chẳng bán quà
Người nào chẳng thuộc một và bốn câu
Chợ nào chợ chẳng bán cau
Người nào chẳng thuộc vài câu huê tình
Như ta đã biết, ca dao của ta đã được ca lên theo giọng của mỗi địa phương, mỗi miền theo nhịp điệu bổng trầm, rồi thì, tùy theo công dụng (trong lao động, trong giải trí, trong hội hè), tùy theo cách thức trình diễn hay tùy theo địa phương mà được gọi bằng nhiều tên khác nhau, hoặc gọi là HÁT (hát ru, hát quan họ, hát sắc bùa, hát huê tình...) hoặc gọi là HÒ (hò chèo đò, hò cấy lúa, hò giã gạo...) hoặc gọi là LÝ (lý tương tư, lý con sáo, lý giao duyên...).
Vào thuở xa xưa, ông bà ta không phân biệt ca dao và tục ngữ mà họ gọi chung là “câu ví”. Theo một số nhà nghiên cứu về tục ngữ ca dao, có lẽ vì tục ngữ ca dao hay dùng hình thức ví von so sánh nên người xưa mới gọi ca dao tục ngữ là “câu ví”:
Kẻ xưa câu ví còn rằng:
Mẹ sàm, con ghẻ mà tâng con mình
(Thiên Nam Ngữ Lục, câu 3117-3118)
Phương ngôn, câu ví để đời:
-“Nhường cơm, nhường áo, dễ ai nhường chồng”. (Ca dao)
Qua nhớ lại lời xưa
Họ khéo lừa câu ví:
“Hễ chồng sang thì vợ quí
Nụ bí khó sánh với nụ bầu”
Xét vậy mà anh luống đeo sầu
Thương tình bạn cũ dãi dầu nắng mưa.
(Ca dao).
Có trăng nên nỗi phụ đèn
Chẳng ngon thể sốt, thì liền bén hơi (?)
Cười ra nước mắt hổ ngươi
Khen ai khéo đặt nên lời ví xưa :
“Còn duyên kẻ đón, người đưa
Hết duyên vắng ngắt như chùa Bà Đanh”.
(Ca dao)
Những bài ca dao ngắn độ vài bốn câu đôi khi còn được gọi là câu ví vặt:
Bực mình mà chẳng nói ra,
Những câu ví vặt chất ba gian đình!
Trong các thể loại hát hò, người ta còn có thể đặt cho một tên gọi khác:
Bao giờ cho đến tháng Hai
Con gái làm cỏ, con trai be bờ.
Gái thì kể phú, ngâm thơ
Trai thì be bờ kể chuyện bài bây.
Kể phú ở đây không phải là đọc bài phú theo giọng bình văn của các nhà Nho xưa và ngâm thơ ở đây cũng không phải là cách ngâm thơ như của chúng ta ngày nay mà kể phú ngâm thơ ở đây chính là hát theo các thể điệu dân ca vậy.
Trong đề mục “Phân loại ca dao” (Thanh Lãng trong Văn Chương Bình Dân và Nguyễn Trúc Phượng trong Văn Học Bình Dân) hay đề mục “Thể ca” trong Ca Dao Giảng Luận của Thuần Phong Ngô Văn Phát, các tác giả đã phân loại như sau:
1. THANH LÃNG : 2. THUẦN PHONG : 3. NGUYỄN TRÚC PHƯỢNG.
1. Hát Xẩm :2. không có : 3. Hát Xẩm
1. Tự tình : 2. không : 3. không.
1. Hát Keo : 2. không : 3. Hát Keo
1. Hát trống quân : 2. Trống quân : 3. Hát Trống quân
1. Hát Giã gạo : 2. không : 3. Hát Giã gạo
1. Hát Đò đưa : 2. Đò đưa : 3. Hát Đò đưa
1. Hát Bỏ bộ : 2. Hát Cử bộ, Bỏ bộ : 3. không
1 Hát Gõ : 2. không : 3. không.
1. Hát Giao duyên : 2. Hát Giao duyên : 3. Hát Giao duyên
1 Hát Quan họ : 2. Quan Họ : 3. Hát Quan Họ
1. Hát Ru em : 2. Ru con hay Ru em (Bắc): 3. Hát Ru Em.
1. Hát Đưa em (Nam) : 2. không : 3. không
1. Sa mạc : 2. Sa mạc : 3. không.
1. Bồng Mạc : 2. Bồng Mạc : 3. không.
1. Hát Đúm : 2. Hát Đúm : 3. không.
1. Hát Vãn : 2. Hát vãn : 3. không.
1. Hát Cách : 2. Hát Cách : 3. không.
1. Dịp Bảy : 2. Hát Nhịp Bảy :
3.không.
1. Hò mái đẩy : 2. Hò Mái đẩy : 3. không.
1. Hát Huê tinh : 2. không : 3. không.
1. Hò (thông dụng ở trong Nam): 2. không : 3. không.
1. Hò lờ : 2. Hò lờ : 3. không.
1. Lý Con sáo : 2. không : 3. không.
1. Lý Ngựa ô : 2. Lý Ngựa Ô : 3. không.
1. Lý Chim chuyền : 2. Lý Chim chuyền : 3. không.
1. Lý Ru Con : 2. Lý Ru Con : 3. không
1. không : 2. Hò Công cấy : 3. không.
1. không : 2. Hò Nhi đồng : 3. không.
Theo Nguyễn Kiến Thiết trong bài “Những nét đặc thù về thể văn và thể ca trong Cao Dao Miền Nam” rút ra từ phần đầu trong tiểu luận cao học về Văn Chương Việt Nam của ông đăng trong tạp chí Nghiên Cứu Văn Học (Sài Gòn, trước năm 1975) thì “những thể ca của ca dao miền Nam gồm những loại khá đặc thù như sau:
1. Sấm vãn
2. Hát đưa em
3. Hát huê tình có:
- Hát đối đáp
- Hát đố
- Hát chữ
- Hát tích
- Hát chèo ghe
- Hát xay lúa
- Hát giọng nhà thương
- Hát bắt vần
4. Hò, gồm có:
- Hò địa phương (hò Tân An, hò Vĩnh Long, hò Cần Thơ, hò Bến Tre, hò Ngã Bảy v.v...)
- Hò đối đáp (hò văn, hò truyện, hò môi hò mép...)
- Hò cấy lúa
- Hò chèo ghe
- Hò xay lúa
- Hò đưa linh
- Hò đám cưới v.v...
5. Hò lờ
6. Lý con sáo
7. Lý ngựa ô
8. Lý chim chuyền
9. Lý chim quyên
10. Vè
11. Nói thơ...
Xét theo bảng so sánh nêu trên, ta thấy Giáo sư Thanh Lãng đã gộp chung mọi hình thức dân ca vào một từ “HÁT”, trong lúc đó các ông Thuần Phong, Nguyễn Trúc Phượng và Nguyễn Kiến Thiết có sự phân chia rõ rệt và gần thực tế hơn, tức là có loại gọi là HÁT, nhưng cũng có loại gọi là HÒ và có loại gọi là LÝ.
Tuy nhiên, trong thực tế, các làn điệu dân ca của ta không phải chỉ có bấy nhiêu tên gọi như 4 tác giả kể tên ở trên đã liệt kê, mà thực sự các làn điệu dân ca của ta thật phong phú mà hầu như chưa có sách báo nào liệt kê cho thật đầy đủ.
Vả lại, hầu như chưa có một sự phân biệt thật chính xác giữa hát và hò; vả lại, cũng tùy theo cách gọi của mỗi địa phương, chẳng hạn có nơi gọi là hò chèo đò, có nơi gọi là hát chèo đò, và đôi khi ngay trong một địa phương cũng có cách gọi không phân biệt như thế.
Hát Ru là một thể loại ca hát dân gian được phổ biến khắp 3 miền Bắc Trung Nam. Hát ru tuy phổ biến trong cả nước, nhưng tùy theo giọng phát âm của từng địa phương mà giọng hát ru có khác nhau, và nó cũng còn tùy thuộc theo những tiếng hát đệm mà cách hát cũng khác nhau.
Tuy gọi chung là hát ru, nhưng có nơi gọi là hát ru con, có nơi gọi là hát ru em, hát đưa em; ở vùng Tĩnh Gia tỉnh Thanh Hóa gọi là hát khúc, vài nơi trong Nam gọi là hát ầu ơ.
Trước tiên, hát ru là một nhu cầu cần thiết để đưa đứa bé vào giấc ngủ:
* Con đói mẹ cho bú
Con buồn ngủ mẹ ru hời
* Anh về chẻ nứa đan sàng
Chẻ tre đan võng cho nàng ru con
Và đã gọi là ru con thì không phải chỉ ôm con nằm võng kẽo kẹt lại qua hay đặt trẻ vào nôi rồi cầm lấy tao nôi mà lắc mà đẩy mà chủ yếu là “hát ru” bằng giọng ru êm đềm, ngọt ngào đưa trẻ dần vào giấc ngủ:
* Đố ai nằm võng không đưa
Ru em không hát ầu ơ đôi lời?
* Đố ai nằm võng không đưa
Ru con không hát, anh chừa nguyệt hoa!
Ta hãy nghe Bà ru cháu:
Cái ngủ mày ngủ cho lâu
Mẹ mày đi cấy đồng sâu chưa về
Bắt được con trắm, con trê
Cầm cổ lôi về cho cái ngủ ăn!
Đây là vài lời ca của Mẹ ru con:
* Gió mùa thu mẹ ru con ngủ,
Năm canh dài thức đủ năm canh
* Ru con con ngủ cho rồi,
Mẹ ra chỗ vắng mẹ ngồi mẹ than...
* Ru con con ngủ cho lành
Để mẹ gánh nước rửa bành ông voi...
Và đây là lời ru của Chị ru em:
* Ru em em hãy nín đi
Kẻo mà mẹ đánh em thì em đau
Em đau chị cũng buồn rầu
Bé mồm, bé miệng kêu đâu bây giờ!
Lời ru của mẹ đôi khi còn là những ước vọng của mẹ đối với tương lai của con, do đó lời ru của mẹ là những bài học mà mẹ muốn cho con của mẹ phải uống từng chữ, nuốt từng lời như con đã uống dòng sữa của mẹ:
Giấc hòe, giấc quế êm êm
Chữ trung, chữ hiếu mẹ tìm mẹ ru
Ru con ước những khang cù
Ru con tạc tỉnh hữu chu (?) đạo thường
Ru con bất khải bất môn (?)
Ru con ứng chiếu cầu hiền quốc gia
Ru con đoan chính thái hòa
Ru con ngũ phúc tam đa tứ thời
Ru con con đã ngủ rồi
Mẹ ru con ngủ mẹ thời mới yên
Ru rồi, rồi mẹ lại khuyên
Lục thao tam lược chẳng quên đâu là!
Không phải chỉ có bà ru cháu, mẹ ru con hay chị ru em, mà đôi khi vắng đàn bà trong nhà, người cha cũng phải làm công việc ru con. Và dân ta đã biết lấy cái việc “cha ru con” để khuyên người đàn ông nên nghĩ đến bổn phận làm cha của mình mà đừng tơ tưởng đến một người đàn bà nào khác:
* Anh về mắc võng ru con
Đừng nên tơ tưởng trái chanh non trái mùa!
* Anh về mắc võng ru con
Ai lên xe xuống ngựa, ai đẹp giòn mặc ai!
* Anh về mắc võng ru con
Tán tiêu, mài nghệ, anh còn đi đâu?
Điệu hát ru thường êm ái và buồn, dễ đưa trẻ vào giấc ngủ, và người xưa đã có một nhận xét tâm lý thật tuyệt diệu về giọng hát ru của những nàng thiếu phụ:
Bướm vàng đậu đọt mù u
Lấy chồng càng sớm, tiếng ru càng buồn!
Ngoài hát ru, ta còn có những điệu hát hoặc được sử dụng ở nhiều địa phương, hoặc chỉ được sử dụng ở một địa phương mà thôi.
Ở đất Bắc xưa gồm từ đèo Ngang trở ra có hát ví, hát đúm, hát ghẹo, hát lượn, hát trống quân. Ngoài ra, ở Phú Thọ có hát xoan, ở Hà Nam có hát dậm, Bắc Ninh rất nổi tiếng về hát quan họ, ở Sơn Tây có hát hội Rô, ở Nghệ Tĩnh có hát giặm...
Ở nhiều địa phương miền Trung có hát sắc bùa; rồi thì hát hố ở Quảng Ngãi, hát ống ở Bình Định, Phú Yên...
Ở miền Nam có hát huê tình, hát đò đưa...
Dưới đây, người viết xin giới thiệu một số câu ca dao có nhắc đến tên một số làn điệu dân ca của ta ngày xưa (Thực ra không phải toàn bộ các thể loại dân ca đều được ca dao nhắc đến).
Ở đất Bắc, từ Hà Tĩnh trở ra, hát ví là loại hát dân gian rất phổ biến và đã xuất hiện rất sớm trong sinh hoạt lao động và sinh hoạt lễ hội của người Việt:
* Đưa lên ta ví cho đồng
Rồi ra ai vợ, ai chồng mặc ai!
* Vui Xuân ta ví dăm ba
Tiếng gần náo nức, tiếng xa bàn hoàn
Vui Xuân ta ví cho cân
Trong nhà là ngãi, ngoài sân là tình
Đưa lên ta ví cho tình
Cho duyên đằm thắm, cho mình say sưa
Ở Nghệ Tĩnh, các người cùng chung một nghề thường tạo thành phường và có làn điệu hát ví riêng như ví phường vải, ví phường nón, ví phường cấy...
Ở nhà con cậu, cháu quan
Đi ra phường vải hát đàn nghe chung
Ngoài hát ví, ở đất Bắc còn có hát trống quân, hát ghẹo, hát lượn, hát xẩm cũng rất phổ biến.
Hát trống quân:
Trống quân trống quít trống còi
Ta chẳng lấy nó, nó đòi lấy ta
Trống quân anh đánh nhịp ba
Lúc vào nhịp bảy, lúc ra nhịp mười
Hát xẩm xoan:
Thôi đừng lấy chú biện tuần
Tuy rằng bóng bẩy, nợ nần chan chan
Thà rằng lấy chú xẩm xoan
Công nợ chẳng có, hát tràn cung mây
Hát quan họ thật nổi tiếng ở Bắc Ninh:
Bâng khuâng nhớ cảnh, nhớ người
Nhớ nơi Quan họ, nhớ lời ca hay
Hát ghẹo ở Nghệ Tĩnh:
Ai về xóm Mí mà coi
Bắc niêu lên bếp, xách oi ra đồng
Đất nghèo chạy bữa ăn đong
Mà câu hát ghẹo thì không mô bằng!
Hát chèo đò ở Thừa Thiên:
Tiếng hát ngư ông giữa sông Bành Lệ
Tiếng kêu đàn nhạn trên áng Hoành Dương
Một mình em ngồi giữa sông Hương
Tiếng ca du nữ đoạn trường ai nghe!
Hát hố ở Quảng Ngãi:
Em đang so đũa dọn cơm
Tai nghe hát hố đầu hôm trên này
Ra đi cha đánh, mẹ rầy,
Không đi bạn ở trên này bạn trông.
Ra đi lội suối, băng sông
Tới đây mến bạn lòng không muốn về!
Hát ống ở Bình Định, Phú Yên:
Hỡi cô hát ống tối qua,
Hôm nay hát nữa cho ta hát cùng!
Hát đò đưa, hát huê tình ở đông bằng sông Cửu Long:
* Sông bao nhiêu nước cũng vừa
Đôi ta giọng hát đò đưa khác gì!
* Hai đứa mình ngồi xuống một ghe
Khoan khoan chèo chậm để nghe huê tình.
* Ở đây đất đỏ như nâu
Sao đó không hát vài câu huê tình?
Hỏi cô cô cứ làm thinh
Để ta hát mãi một mình sao đang!
Thực ra phần lớn các điệu hát phổ thông ở đất Bắc có tính cách hát đám, hát hội, chẳng hạn hát quan họ Bắc Ninh là một hình thức dân ca khá phổ biến vào các dịp lễ hội mùa Xuân. Hát đúm, hát xoan cũng là những hình thức dân ca phần lớn được trình diễn vào mùa Xuân. Trong lúc đó hát trống quân lại được xem là loại dân ca thịnh hành vào các dịp lễ hội mùa Thu như vào khoảng thời gian Rằm tháng Bảy gọi là Tết Trung Nguyên, hoặc khoảng thời gian Rằm tháng Tám gọi là Tết Trung Thu.
Hát đúm ở Thủy Nguyên thuộc Hải Phòng:
Thầy mẹ tôi ép
Lấy chồng trong làng
Tôi chỉ nói ngang
Chồng con chi vội
Để tôi đi hội
Hát đúm chơi bời...
Hát xoan:
Hoa Cầu gặp hội hát xoan,
Em ở một làng, anh ở một nơi.
Bây giờ mới gặp nhau đây,
Ước làm phu phụ trọn đời nên chăng?
Hát trống quân:
Tháng Tám anh đi chơi xuân
Đến đây gặp hội trống quân anh vào...
Mỗi thể điệu dân ca lại có điệu hát, lối hát khác nhau, chẳng hạn như hát trống quân thì có lối hát vận, hát đố, hát họa:
Trống quân hát vận mình ơi
Sao mình chẳng vận cho tôi vận cùng
Hát vận như vợ với chồng
Hỏi nàng có vận được không hỡi nàng?
Rồi lại còn lối hát trống quân nghi lễ được tổ chức vào các ngày hội làng tại đình làng:
Trống quân anh lập đầu đình
Có nam, có nữ, có mình, có ta...
Những hội hát, đám hát như thế đôi khi được che rạp, nhưng lắm lúc người ta chỉ tổ chức ở bãi đất trống để cho nhiều người cùng đến thưởng thức, đôi khi còn được tổ chức ở trên đồi như hát quan họ được tổ chức trên đồi Lim ở Bắc Ninh, và vì vậy những bạn hát đã trao nhau lời tự tình:
Nắng đâu nắng mãi thế nầy
Nắng suốt cả ngày chẳng thấy bóng râm
Hỡi người thục nữ tri âm
Có muốn đứng hát thì cầm lấy ô!
Ngoài những điệu hát mang tính chất hội hè trữ tình, còn có một số thể điệu hát dân ca mang tính chất tín ngưỡng như hát chầu văn hay hát hầu văn ở các đền miếu, hát sắc bùa là thể hát chúc phúc vào dịp đầu năm, hát đưa linh, còn gọi là hò đưa linh được hát vào các dịp đưa đám tang, hát Hội Rô...
Hát sắc bùa:
Sắc bùa là sắc bùa ôi
Trông mau tới Tết ăn xôi, ăn chè.
Sắc bùa là sắc bùa hòe,
Trông mau tới Tết ăn chè, ăn xôi!
Hát Hội Rô:
Đây là Liệp Hạ đón đám khách Xuân
Bạn vàng tôi vào hát thờ thần
Để cho vui vẻ
Già thì sức khỏe
Trẻ thì bình yên
Ở giữa án tiền
Kính thờ Thượng Đẳng...
Như ở trên ta đã thấy, các thể điệu hát trong dân ca phần lớn được dùng trong các lễ hội thì các thể điệu của hò trong dân ca lại được dùng trong các công việc lao động. Gần như toàn bộ các điệu hò được đặt tên dựa theo công việc lao động mà nó phụ họa. Chẳng hạn hò chèo đò, hò giã gạo, hò cấy lúa...
Ngay trong hò chèo đò, các điệu hò cũng được đặt tên riêng cho mỗi động tác hoặc chậm, hoặc nhanh tùy theo khúc sông như hò Sông Mã ở Thanh Hóa gồm có hò rời bến, hò đò xuôi, hò đò ngược, hò mắc cạn và hò cập bến...
Phần lớn các điệu hò là để phụ lực trong khi lao động, nên trong khi hò ta thấy sau câu hò chính của người hò cái, các tay hò con sẽ phụ họa bằng những tiếng như: dô ta, hò khoan, hố khoan, là hố là khoan, là hụ là khoan, rố khuẩy hò khoan...tùy theo từng điệu hò của mỗi địa phương.
Điệu hò thường ăn nhịp với các động tác lao động và nó sẽ giúp cho người tham gia lao động cảm thấy khỏe khoắn hơn với những điệu hò trợ lực như vậy:
Yêu em anh phải xuống đò
Vượt ghềnh, qua thác “khoan hò” lại vui!
Thế nhưng, lắm khi hát hò cũng lại là dip để cho một cá nhân nói lên niềm tâm sự hoặc buồn, hoặc vui, hoặc giải tỏa cái tâm trạng buồn bã, u uất:
Đêm tàn, canh lụn, dầu hao
Xúc tình cất tiếng hò rao đỡ buồn!
Căn cứ vào công dụng của hò, ta có thể chia ra: hò làm việc, hò nghỉ ngơi, hò đối đáp...
Căn cứ theo tính chất và không gian lao động, ta có thể chia làm 2 loại: hò trên cạn và hò trên sông nước.
Hò trên cạn: hò đẩy xe, hò giã vôi, hò dứt chỉ...ở miền Bắc; hò giã gạo, hò xay lúa, hò đi cấy, hò hụi hay hò nện, rồi hò nhơn nghĩa (Quảng Bình), hò ba lý (Quảng Nam), hò đạp mía (Quảng Ngãi), hò mài dừa (Bình Định), hò giã đậu (Phú Yên)... ở miền Trung; hò cấy, hò xay lúa, hò đám cưới... ở miền Nam.
Chúng ta có thể nghe đâu đó trên những cánh đồng Việt Nam vào những ngày mùa cấy hay mùa gặt những giọng hò lanh lảnh âm vang ngay từ sáng mờ sương cho đến khi hoàng hôn bắt đầu buông xuống bao trùm cảnh vật:
Em ôm bó mạ xuống đồng,
Miệng hò, tay cấy mà lòng nhớ ai.
Rồi những giọng hò êm đềm lại âm vang đâu đó bên trong những lũy tre làng, dưới những hàng cau cao vút hoặc thấp thoáng ánh trăng hay leo lét ngọn đèn dầu mù u hay ngọn đèn dầu dừa, dầu chai với tiếng những nhịp chày như tạo nhịp cho những điệu hò, khúc hát ân tình:
* Đến đây chẳng lẽ ngồi không,
Nhờ chàng giã gạo cho đông tiếng hò.
* Thiếu tay nên phải cầm chày,
Hò lên ba tiếng dở hay đừng cười!
Hò trên sông nước:
- Ở miền Bắc có hò rố khoan rố khuẩy, hò bắt cái hò khoan, hò kéo gỗ...
- Ở miền Trung có hò làn ai, hò đò xuôi, hò đò ngược, hò mái xấp, hò mái nhì, hò mái ba, hò mái đẩy, hò mái nhặt, hò mái duỗi, hò cập bến, hò đua thuyền, hò giựt chì, hò lả...
- Ở miền Nam có hò chèo ghe Châu Đốc, hò khoan Mỹ Tho, hò mái trường, hò mái đoản...
Trên đây là một số giọng hò chính thường được kể tên, ngoài ra mỗi địa phương lại có một số điệu hò mang tính đặc thù của địa phương mình, như tỉnh Thừa Thiên còn có một số điệu hò sau đây: hò bài chòi, hò bài thai, hò bài tiệm, hò cá sông Hương, hò đẩy nốc, hò đập bắp, hò đố (con gọi là hò thử tài) hò đức ông Cảnh Dương (tục thờ cá voi) hò kéo thác, hò khâu giai (tát nước gàu giai), hò khâu sòng (tát nước gàu sòng), hò phàm, hò đâm vôi, hò thả thơ... (theo Bùi Minh Đức trong Tự Điển Tiếng Huế)
Hò kéo gỗ ở miền Bắc:
Cùng nhau kéo gỗ, dô ta!
Kéo từ sườn núi kéo ra cánh đồng
Đóng bè thả xuống dòng sông
Thuận buồm xuôi gió, bềnh bồng trôi đi
Hai bên cây cỏ xanh rì
Mãi vui cảnh mới nghĩ gì đường xa!
Tiếng hò sông Mã:
* Trông lên phố chợ cao cao
Miệng khoan, tay lái bắt vào cho mau
* Ta chèo cất mái hò khoan
Thuyền rồng Chúa ngự khoan khoan mái chèo
Tiếng hò trên sông Hương:
* Hò lên hai mái song song
Phải cam cam ngọt, phải bòng bòng chua!
* Đò chèo sông Hương tiếng hò văng vẳng
Dương trồng núi Ngự gió thoảng vo vo
Anh nghe ai ngăn chợ, đón đò
Bỏ mấy lời nguyện ước hẹn hò trước sau.
* Đò từ Đông Ba đò qua Đập Đá,
Đò về Vĩ Dạ, thẳng Ngã ba Sình.
Lờ đờ bóng ngả, trăng chênh
Tiếng hò xa vọng, nặng tình nước non.
Tiếng hò trên sông nước miền Nam:
* Nước Ngã Ba chảy ra Giồng Dứa
Nghe giọng em hò anh ứa giọt châu!
* Ai qua Sa Đéc, Lấp Vò
Nhớ kinh Vĩnh Thạnh, giọng hò Tân Dương!
Tiếng hò trên biển Đông:
* Cơm chiên ăn với cá ve
Anh về nốc biển mà nghe câu hò.
* Ra đi sóng biển mịt mù
Trời cho lưới nặng dô hò kéo lên
Ngoài HÁT và HÒ, dân ca của ta còn có điệu LÝ. Nếu hò thường tùy theo động tác lao động mà gọi tên như hò chèo đò, hò giã gạo, hò cấy lúa v.v...thì các điệu lý lại tùy theo nội dung câu ca dao hay lấy những tiếng đầu của câu ca dao mà đặt tên như: “Một thương tóc bỏ đuôi gà, hai thương ăn nói mặn mà có duyên...” gọi là lý Mười Thương, hay “Ai đem con sáo sang sông...” gọi là lý Con sáo...
* Lý mấy câu kẻo sầu trong dạ,
Như ta với mình trước lạ, sau quen.
* Con cua nó ở trong hang
Nó nghe giọng lý kềnh càng bò ra!
(Xem tiếp phần II).