Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 07, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Tạp văn, tùy bút
“NGẬM NGÙI” & TÁC GIẢ
XUÂN THỚI

Mở speakers ON, click vào hình tam giác màu trắng để nghe âm-thanh.
Muốn OFF, click vào ô vuông
(góc trái dưới cùng, cạnh 2 gạch đứng).
NGẬM NGÙI
Thơ: Huy Cận
Nhạc: Phạm Duy
Ca sĩ: Vũ Khanh

* * *


“NGẬM NGÙI” & TÁC GIẢ

Không có được tư liệu để biết chính xác bối cảnh gây cảm hứng để thi sĩ Huy Cận viết nên bài thơ bất hủ “Ngậm ngùi” mà chỉ nghe người đương thời truyền lại rằng trước năm 1940, khi nó xuất hiện trên mặt báo ở thành phố Hà Nội, ngay lập tức, hầu hết người yêu thơ cũng như người đọc báo đều quý trọng và khen ngợi. Không dừng ở đó, nối tiếp đến tận hôm nay, bao nhiêu thế hệ người đọc, không phân biệt tuổi tác, không ai không yêu thích bài thơ.

Rồi đến năm 1940, nó như một trong những viên Kim cương lóng lánh của tập “Lửa thiêng” do nhà “Đời nay” của “Tự Lực văn đoàn” phát hành trên toàn quốc. Đa phần lớp trẻ lúc bấy giờ cũng chọn “Lửa thiêng” làm thành sách gối đầu giường.

Tiếp theo, trên rất nhiều tạp chí văn học, văn nghệ, trong mọi thời kỳ của đất nước, “Ngậm ngùi” luôn được người yêu thơ tôn vinh là một trong những “áng thơ hay”. Các nhà bình thơ không ngớt lời xưng tụng với tất cả mỹ từ bình phẩm. Sách “500 bài thơ mới hay nhất”, tác giả Châu Hải Kỳ chọn lọc và xuất bản khoảng nửa sau thế kỷ XX cũng trang trọng đặt “Ngậm nhùi” ở tốp trên.

Chương trình Tao Đàn thuở xưa, thi sĩ Đinh Hùng cũng thực hiện “Ngậm Ngùi” ngay trong lần đầu, để trong đêm thâu, giọng ngâm “Liêu trai Hồ Điệp”, vang vọng trên sóng vô tuyến, ru lòng người đến ngất ngây. Cùng với tiếng sáo Trương Chi của Thi sĩ Tô Kiều Ngân quyện vào nhau để như đọng mãi trong không gian vô tận.

Cuối cùng, nhạc sĩ tài hoa Phạm Duy - người rành thơ như rành nhạc - không thể thêm, bớt hay sửa chữa một chữ một câu nào, như có lần ông thực hiện đối với một vài thi phẩm khác để được hoàn hảo hơn. Ông phổ nguyên vẹn vào nhạc để lời thơ trở thành ca từ, với giọng oanh vàng Thái Thanh, bay bổng khắp bốn phương và sống mãi trong lòng người hâm mộ.

* * *

Giống như tác giả “Lỡ bước sang ngang”, thi sĩ Huy Cận làm thơ từ rất sớm, và nổi tiếng ngay. Năm 1934, lúc mới 15 tuổi, ngồi trên ghế trường trung học ở kinh thành Huế (Nguyễn Bính 13 tuổi, học trường làng - Nam Định), và chỉ hai năm sau, 1936, ở tuổi 17, người yêu thơ khắp nước biết thêm nhiều về ông, và sự mến mộ tài năng ông cũng tăng theo qua các trang báo trang trọng đăng thơ ông kèm lời khen tặng của nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Một văn đoàn chiếm trọn cảm tình và kính trọng của độc giả lúc bấy giờ.

Cùng với Nguyễn Bính, ông vào làng như một hiện tượng văn học.

* * *

Cũng không rõ bài thơ “Ngậm Ngùi” có phải là tác phẩm đầu tay của tác giả hay không, vì xưa nay trong giới văn học, đôi người có quan niệm “văn là người, thơ là lòng”, là tiếng lòng, mà lòng ông thì có thế, xem gần như ngậm ngùi suốt từ lúc vào đời cho đến khi ra đi vĩnh viễn.

Dù con đường quan lộ thênh thang trước mặt và vinh quang nào đó đang vẫy tay gọi mời, nhưng, ở một góc khuất tâm hồn, ai dám đoan chắc ông không ngậm ngùi cho ông, cho bạn bè ông, cho cảnh vật chung quanh trong cuộc bể dâu biến đổi? (Đoạn dưới sẽ nói rõ hơn).

Ông cũng làm cho người thân, người yêu mến ngậm ngùi cho bàn thân họ và cho cả ông, người đã đốt lên ngọn “lửa thiêng” chói lòa, để rồi cũng lại chính ông làm cho nó tàn lụi mau chóng trên con đường ông đi, con đường “quan lộ” ấy. Nhà biên khảo văn học Thụy Khuê cũng tiếc nuối nhìn nhận:

-“…cũng chính con đường quan lộ ấy đã tàn sát thi ca của ông”.

* * *

Năm 1942, đang là sinh viên khoa Canh nông ở Hà Nội, ông tham gia Việt Minh, sau đó đi tham dự Tân Trào hoạt động chính trị, để ba năm sau, năm 1945, từ bỏ nghề canh nông đã chọn đi làm “cách mạng vô sản”. Cùng với Nguyễn Lương Bằng, Trần Huy Liệu đại diện chánh phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào kinh đô Huế thu lấy ấn kiếm của vương triều nhà Nguyễn từ tay Hoàng đế Bảo Đại, vị vua cuối cùng của một triều đại có công lớn trong việc mở rộng biên cương Tổ quốc. Ấn là “Ngọc truyền tỷ” của Vương triều bắt đầu từ tổ Nguyễn Hoàng, Chúa đàng trong (1640), tồn tai hơn ba trăm năm cùng dân tộc, 1640-1945.
Thu lấy ấn kiếm, vật tượng trưng uy quyền của một vương triều, cũng là khép lại một thời kỳ, hay cay đắng hơn là khai tử một triều đại. Chấm dứt thời vàng son của một dòng họ đế vương.

Là một thi sĩ có tài, Huy Cận đã từng viết nên những bài thơ bất tử, dĩ nhiên ông phải có một tâm hồn nhẹ nhàng, nhạy cảm và nhiều tưởng tượng hơn người, như ông đã từng:

Đêm mưa làm nhớ không gian
Lòng run thêm lạnh nỗi hàn bao la
” (Buồn đêm mưa - HC)

Và đến nghe được cả cái nặng của đất trời để thấm vào lòng nỗi buồn mông lung:

Nghe trời nặng nặng, nghe ta buồn buồn”. (Buồn đêm mưa - HC )

Rồi bâng khuâng cả thâm phận những cánh bèo trôi vô định trên sóng nước sông dài:

Bèo dạt về đâu hàng nối hàng” (Tràng giang - HC)

Và tinh tế đến nỗi, có những bóng chiều rơi quen thuộc, nếu lỡ thiếu đi khói lam la đà, lòng ông vẫn chạnh:

Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà” (Tràng giang - HC)

Một con người với tâm hồn như thế, lại đang đi vào nơi tường cao, hào sâu, thành quách uy nghiêm, để sau đó đến cung vàng điện ngọc làm cái việc đặt dấu chấm hết cho một uy quyền; là ông đi gieo cho không riêng gì hoàng tộc mà cho không biết bao nhiêu người khác nỗi “ngậm ngùi” bất tận. Tiếc thay lại là một hoàng tộc của vương triều thức thời đang chuyển mình hòa nhập con đường tiến bộ của nhân loại, và những tấm lòng vì dân vì nước bao quanh. Riêng ông, một con người dạt dào tình cảm như thế, hôm nay, bỗng dưng trở thành xơ cứng để không chắc gì thoáng gợn được chút bâng khuâng trong lòng với nỗi ngâm ngùi, rồi đây, sau khi ta rời khỏi nơi nầy, những tháng năm tiếp theo lại không u ẩn với:

Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương

(Thăng Long thành hoài cổ - Bà huyện Thanh Quan).

Có lẽ đây là nỗi “ngậm ngùi” đầu tiên ông mang đến cho người khác, nhiều người khác nữa. Họ “ngậm ngùi” trước cơ đồ của một triều đại, và bao nhiêu sự nghiệp phụ thuộc đang sụp đổ. Và, cũng từ đây, bắt đầu hình thành một ngã rẽ đời thơ và đời người của một thi sĩ tài hoa nhưng tinh anh vắng số. Để về sau, ông cố quay trở lại con đương xưa, nhưng, hỡi ơi! còn đâu nữa!

Tiếc thay, một đoạn đời để lại lời khen thì ít, tiếng chê lại nhiều.

Trên cái con đường quan lộ ấy, dù Huy Cận đã dùng thi ca phục vụ chính trị một cách đắc lực, nhưng cũng chưa đến nỗi lớn tiếng hô hào:

Giết, giết nữa, bàn tay không phút nghỉ.
Cho ruộng đồng lúa tốt, thuế mau xong
Cho đảng bền lâu, cùng rập bước chung lòng,
Thờ Mao Chủ tịch, thờ Sít-ta-lin bất diệt
” (Tố Hữu)

Hay chối tai hơn:

Thương cha thương một, thương ông thương mười” (Tố Hữu)

Lại nữa, cũng tâm hồn thơ đó, trong cùng màu cân đai, áo mão, nhưng sẵn sàng ra quyết định cho Tổng giám thị một trại giam (trại Cổng Trời) áp dụng với một số bạn bè mình. Có khi trong đó còn có người thân của anh ta nữa:

“Các anh phải nhớ rằng một khi vào đây là các anh sẽ không có ngày trở lại, các anh sẽ ở đây cho đến lúc chết… Đã vào đây là… không bao giờ ra khỏi nơi này. Không bao giờ!... Trả tự do cho các anh là trả tự do cho hùm beo – các anh sẽ ở đây cho đến chết”. Tố Hữu - (Nguyễn Hữu Đang kể).

Xương máu đó, thân phận đó. Có hay không trong đáy sâu tâm hồn thi sĩ chút ngậm ngùi khi mà lúc vào đời chỉ cánh bèo trôi, cơn gió thoảng cũng làm cho lòng ông se sắt.

Trước cái bạo quyền sắt máu đến như vậy, trước vệc người ta không ngần ngại hành hạ bạn bè ông bằng những cách thức vô cùng dã man không còn tình người đó, mà “Nhân Văn, Giai Phẩm” là điển hình và làm thành gương soi cho những ai manh nha tư tưởng tự do nhân bản. Cái lặng lẽ hay cố tỏ ra bằng lòng của ông, có được là chút ngậm ngùi thầm kín chăng?

Cho đến hôm nay, vẫn còn âm ỉ trong lòng người hâm mộ tác giả “Lửa thiêng” nỗi trăn trở. Ông có “ngậm ngùi” hay không khi cái ngày nhìn những bạn bè mình thất thểu đi trước mũi súng trên đường lên “Cổng trời” kèm theo tấm giấy gởi đóng dấu “Mật”… “… là những người cần quan tâm đặc biệt”, ký tên “Lành” (Nhóm Văn Cao, Hoàng Cầm, Nguyễn Văn Tý, Lê Đạt…).

“Ngậm ngùi” hay không cho một văn nhân không xa lạ, cũng từng là bạn chiến đấu với ông trong công tác văn hóa, sau khi hòa bình lập lại đã phải vất bút để ngày ngày còng lưng, với chiếc xe đạp thồ đá mưu sinh - Tác giả “Màu tím hoa Sim”.

Và còn nhiều, nhiều lắm, những cảnh đời khốn cùng vốn là những trí thức không xa lạ với ông. Ông vẫn dửng dưng như không có chút trắc ẩn nào vương vấn trong lòng.

Sao vậy? Nhà thơ “ngậm ngùi”, tâm hồn nay trở nên chai cứng không còn “ngậm ngùi”, hay thời thế đã cắt mạch “ngậm ngùi” của nhà thơ!

Người viết những dòng nầy có cảm tưởng tâm hồn Huy Cận không chai cứng dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, vì với một tâm hồn chứa đầy cảm xúc như nước trường giang mênh mông thì nguồn ấy khó mà khô cạn để trờ thành chai cứng. Cũng không phải không còn “ngậm ngùi”, vì, như bước đường cùng, tâm hồn thơ “đa sầu” đó trót bon chen và bị đưa đẫy vào cuộc sắt máu “tẩy não”, cho dù có ngán ngẩm cũng không còn lối thoát. Biết đâu, trong âm thầm, có khi nhà thơ còn pha lẫn cả cay đắng vào “ngậm ngùi” cố hữu.

Ở Sài Gòn, trước năm 1975, nhà thơ Bùi Giáng, người khâm phục và yêu mến tài thơ Huy Cận hết mực, nhưng khi xuất bản tập thơ “Mưa nguồn”, ông lại phát biểu “Lửa thiêng” thì phải có “mưa nguồn” mới đối lại. Giai thoại nầy về sau cũng đến tai Huy Cận. Thế mà, trong một chuyến công tác của thi sĩ Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin vào thành phố, Huy Cận lại cho tìm nhà thơ “bụi đời” đến thăm, và chẳng những không quở trách mà còn tỏ ra quý trong như một bạn thơ tài tình. Trong cuộc gặp đó, tác giả “Lửa thiêng” đương thời quyền thế, đã không trách móc con người “kỳ dị” ấy, mà còn ký tên nhân danh Thứ trưởng cấp giấy “hộ thân”, yêu cầu nhân viên Công an trật tự địa phương hiểu tài năng xuât chúng của tác giả “Mưa nguồn” để tôn trọng mà không được đối xử thô bạo với thiên bẩm dị biệt nầy. Trong những lúc “người bất cần đời” rong chơi theo cách riêng của ông ngoài đường phố, hay trong công viên.

Cũng theo nhà biên khảo văn học Thụy Khuê thì: “Ở Paris, 1983, một số người yêu thơ Huy Cận, đã giúp ông xuất bản tuyển tập thơ viết tay tựa đề Đi giữa đường thơm, trên giấy quý, gồm phần lớn những bài đã in trong Lửa thiêng và một số bài thơ tình đắc ý, làm sau 45”.

Năm 1983, sau khi đất nước thống nhất, ở quê nhà, là thời điểm của những năm khắc khe nhất đối với mọi sinh hoạt xã hôi, không riêng gì văn học nghệ thuật. Khắc khe hơn cả giai đoạn “cải cách ruộng đất” và lập phương thức văn nghệ phụ thuộc, đưa đến thanh trừng như “Nhân văn, Giai phẩm; Đấu tố địa chủ” thập niên 50 thế kỷ XX ở miền Bắc. Mà lẽ thường, có nhờ mới có giúp, Vậy cho rằng nhà thơ không còn “ngậm ngùi” nuối tiêc những đứa con tinh thần của mình thì e kết luận có phiến diện chăng! Cho nên, nếu nhìn nhận thời thế đã cắt mạch “ngậm ngùi” của nhà thơ một giai đoạn có lẽ cũng có thể tin cậy được.

Tiếp đến, sau cái ngày gọi là “cởi trói”, Huy Cận như vội vã khai sinh những đứa con tinh thận của mình, trong đó nhiều bài và nhiều tập như thoát ra ngoài “vòng cương tỏa”, điển hình là bài “Các vị La Hán chùa Tây Phương” và toàn tập “Chim làm ra gió”, như để trờ lại về nguồn. Nhưng cũng theo Thụy Khuê:

“…cũng không còn phong độ bay bổng của thời “Lửa thiêng”, nhất là tập “Chim làm ra gió”, Huy Cận tỏ ra hết sức cố gắng quay về với vũ trụ, với thiên nhiên, nhưng thơ ông không còn thanh thoát, không còn bát ngát như ngày xưa nữa”.

Một chuyện kể :

Tác giả “Lửa thiêng”, một lần vào thành phố “mới được giải phóng”, và sau khi một số bài ca cũng được “cởi trói”, một người thân mời ông về nhà, sau đó mở băng đĩa cho ông nghe giọng Thái Thanh mượt mà với bài “Ngậm ngùi” do bạn ông, nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc. Ông cúi mặt lặng thinh chăm chú nghe, và khi ca sĩ dứt tiếng hát, ông tiếp tục ngổi yên một hồi lâu mới ngẩn lên nhìn người đối diện với đôi mắt đỏ hoe và như thấm ướt.

Cũng vậy, chuyến trở lại thành phố Sài Gòn đầu tiên sau năm 1975 của nhà thơ Hữu Loan, trong khi lang thang trên đường phố ồn ào tấp nập, nhà thơ “thồ đá” sững sờ khi gặp người phế binh mù hai mắt, tay đệm Tây ban cầm miệng hát bài “Màu tím hoa sim” do Dzũng Chinh phổ nhạc, để đáp ơn những ai yêu mến bài ca xin cái ăn. Quá ngỡ ngàng, ông đứng như chết lặng hồi lâu, sau đó ngồi bệch xuống bên cạnh người hát, yêu cầu “nghệ sĩ bất đắc dĩ” cho nghe lại bài ca một lần nữa. Xong, ông đứng lên dốc tất cả số tiền có được trong túi tặng người hát rong với câu nói chân tình mà như có đẩm chút chua xót:

-“Cảm ơn anh hát thơ tôi”.

Người nghệ sĩ mù cũng ngẩn ngơ cố nhìn nhưng không sao thấy được, vì chiến tranh đã cướp mất ánh sáng đời anh. Và trong hoàn cảnh hận thù được xem như thước đo lập trường, cũng không còn ai đoái hoài đến anh nữa.

Tác giả thơ “Màu tím hoa Sim” lặng lẽ bước đi giữa khói bụi thị thành.

* * *

Nếu cái quan niệm “văn là ngườ”, “thơ là lòng” của một số tác giả trong giới văn nhân thi sĩ trước đây có thể tin được. Và tác phẩm đầu tay của ai đó sẽ như một điềm báo trước sự an bài cho một thân phận. Bài thơ “Ngậm ngùi” là tác phẩm vào đời của Huy Cận thì quả nhà thơ được nhiều người yêu mến đã được an bài một định mệnh nghiệt ngã đến… vô cùng:

“Cho đến những năm tháng cuối đời, khi sắp trút bỏ mọi phiền lụy thế gian để về bên kia thế giới, ông còn phải chịu nỗi bất hạnh mà người đời thường gọi là vô phước - “Vô phước đáo tụng đình”. Cái vô phước của ông còn to lớn hơn nữa, khi cha đẻ, con ruột đưa nhau ra trước công đường, để cho những người chưa hẳn có tư cách hơn mình phán xét (Cù Huy Hà Vũ – Tiến sĩ Luật).

Cũng chưa hết. Khi đã về với cát bụi rồi, nếu anh hồn ông linh thiêng, làm sao tình phụ tử không làm ông “ngậm ngùi” khi cái lý tưởng “không có gì quý hơn độc lập tự do” mà ông đã tin theo và đem hết tâm trí đời người tuyên truyền xưng tụng. Cái lý tưởng đó đang biệt giam con ông trong ngục tối không xót thương.

Xuân Thới

* * *

Phụ Lục:

NGẬM NGÙI

Nắng chia nửa bãi chiều rồi,
Vườn hoang trinh nữ khép đôi lá rầu.
Sợi buồn con nhện giăng mau;
Em ơi hãy ngủ anh hầu quạt đây.
Lòng anh mở với quạt này,
Trăm con chim mộng về bay đầu giường.
Ngủ đi em, mộng bình thường
Ru em sẵn tiếng thuỳ dương mấy bờ.
Cây dài bóng xế ngẩn ngơ,
Lòng anh đã chín mấy mùa thương đau.
Tay anh em hãy tựa đầu,
Cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi.

Huy Cận

* * *

Xem bài cùng tác giả: click vào đây
Xem trang Tạp văn, tùy bút: click vào đây
Trở về trang chính: www.nuiansongtra.com  

 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh