GIỌNG HÒ CÂU HÁT QUÊ XƯA.
(Tiếp theo và hết).
Nếu hát và hò có một nhạc điệu tương đối tự do để người hát hay hò có thể sáng tác câu mới một cách dễ dàng thì nhạc điệu của Lý tương đối ổn định và hoàn chỉnh, do đó các nhạc sĩ tân nhạc đã có thể ghi âm những bài lý bằng ký âm pháp Tây phương như các bài Lý con sáo, lý ngựa ô, lý chim quyên...
Người ta đã có thể khám phá ra hàng bảy, tám chục bài Lý của dân chúng miền đồng bằng sông Cửu Long từ những bài lý nói về nhân vật như lý Chú Chệt, lý Ông Hương, lý Nàng Dâu.., những bài lý nói về động vật như lý Ngựa Ô, lý Con Sáo, lý Con Cúm Núm..., những bài lý nói về cây quả như lý Cây Ổi, lý Trái Mướp, lý Cây Bưởi..., những bài lý về đồ vật như lý Chiếu Bông, Lý Bánh Ít, lý Cái Phảng... đến những bài lý nói về sự việc như lý Ăn Giỗ, lý Xay Lúa, lý Chẻ Tre...
Có thể nói phần lớn nội dung của các đám hát, đám hò là những khúc hát trữ tình và chính vì thế mà khi ca dao được sưu tập qua trí nhớ của các nghệ sĩ dân gian thì cũng là ca dao trữ tình, chẳng thế mà ngay tên gọi chúng ta cũng đã có thể thấy ngay được tính chất trữ tình đó: hát huê tình, hát giao duyên:
Gặp lúc trăng thanh gió mát,
Thú nào vui bằng thú hát huê tình?
Lời hát hay, lời hát trữ tình vẫn chưa đủ sức quyến rũ mà còn phải có giọng hát hay, giọng hò đa tình mới thực sự quyến rủ lòng người:
Sông sâu sóng bủa láng cò
Thương anh vì bởi giọng hò có duyên!
Thế nên cô gái Bắc Ninh đã hát:
Còn trời, còn nước, còn non,
Còn câu Quan họ em còn say sưa.
Những câu hát, điệu hò trữ tình đó không những quyến rũ lớp thanh niên nam nữ dám từ chối đời sống hôn nhân để được thỏa tình tham dự vào các hội hát hò:
Thầy mẹ tôi ép
Lấy chồng trong làng
Tôi chỉ nói ngang
Chồng con chi vội
Để tôi đi hội
Hát đúm chơi bời...
Mà nó còn quyến rũ lớp người dù đã có gia đình nhưng vẫn còn thấy lòng mình rạo rực mỗi khi nghe đâu đó vọng lên những làn điệu dân ca quen thuộc:
* Tai nghe tiếng hố vọng đồng
Ai có con cũng bỏ, ai có chồng cũng vong
* Trống quân em lập lên đây
Áo trải làm chiếu, khăn quây làm mùng
Đùa vui dưới ánh trăng trong
Có con cũng hát, có chồng cũng chơi
Con thì em mướn vú nuôi
Chồng thì em để hát chơi xóm nhà!
Mỗi địa phuong thường có một làn điệu dân ca riêng biệt, thế nên, dù cuộc sống có đưa đẩy con người đến bất cứ chân trời, góc bể nào họ cũng vẫn luôn luôn nhớ về giọng hò, điệu hát quê hương:
Đi mô cũng nhớ về quê
Nhớ câu hát ghẹo nốc kề một bên!
Lời hát hay, giọng hát hay đã quyến rũ lòng người, nhưng cũng còn một nguyên tố nữa cũng quyến rũ lòng người không kém, đó là giọng hát, có thể là giọng hát của người bạn tình mà mình yêu, mình thương:
* Ở xa nghe tiếng anh hò,
Cách sông cũng lội, cách đò cũng qua.
* Đứng bên ni sông cách ba tay sáo
Nghe giọng em hò vắt áo ra đi!
* Em đang giã gạo giong đèn
Nghe tiếng anh hát như kèn thau ba.
Vội vàng em bốc gạo ra,
Đi ra than thở giao hòa cùng anh.
Mà cũng có thể là giọng hát của người bạn tâm giao mà mình quý, mình mến:
Ở xa tôi nghe tiếng bạn hò
Cách sông tôi cũng lội, cách đò tôi cũng sang
Tới đây tôi chào hết bạn vàng
Chào người thục nữ, chào nàng thuyền quyên
Người nào thiệt vợ Vân Tiên
Hát lên cho tôi biết, tôi chào liền vài câu!
Tiếng hát như có một ma lực ghê gớm:
Hát một câu thấu tới trong buồng
Kêu anh thức dậy đẩy xuồng bơi theo
Cái ma lực của điệu hò, giọng hát có sức cuốn hút cả những người mà sức khỏe không được bình thường, dù biết mình đang ốm...
Bữa nay giọng tắt, tiếng khan
Trong mình mỏi mệt choang vang cả đầu
Tai anh nghe chị em hò hát đã lâu
Giật mình trở dậy bối đầu, bịt khăn
Bước ra ba bước than rằng:
Biết nơi đâu xứng nợ, biết nơi nào bằng kết đôi!
Cái giọng hát rù quến đó, cái lời hát ân tình mặn nồng đó đã át cả trận đòn của cha, lời la rầy của mẹ, để người con gái phải vượt suối, băng sông để tìm đến giao hòa lời hát với người yêu:
* Đêm nằm đắp chiếu bịt bùng
Tai nghe tiếng hát dậy vùng ra đi
Con rồng nằm bãi cát bày vi
Vì chưng thương bạn nên ra đi làm vầy
Ra đị cha đánh, mẹ ngầy
Không đi bạn ở ngoài nầy bạn trông!
* Mẹ cha khuyên nhủ sớm trưa
Nhưng em vẫn hát đò đưa cùng chàng.
Có những chàng nho sinh, dù đang “dùi mài kinh sử để chờ kịp khoa” cũng lặn lội tìm đến những hội hát giao duyên, hát đối đáp để thỏa mãn cái sở thích mê ca mê hát mà đồng thời cũng là để thử lại cái sở học của mình:
Đồn đây có gái hát tài
Để tội đối địch một vài trống canh.
Dầu thua, dầu được cũng đành,
Bõ công đèn sách học hành bấy lâu!
Vậy là họ hẹn gặp nhau ở các đám hát quan họ, hát đúm, hát xoan... trong các lễ hội mùa Xuận, trong các đám hát trống quân vào dịp lễ hội mùa Thu. Họ hẹn gặp nhau trong những đám hát ngày mùa: những đám cấy lúa, gặt lúa...vào những buổi sáng nắng hanh vàng, vào những buổi chiều có gió mát hiu hiu; những đám tát nước đêm hè, hay xay lúa giã gạo vào những đêm trăng... Họ có thể là những người đã từng quen biết nhau mà cũng có thể là chưa có lần gặp mặt, nhưng nào có sá gì:
Lý mấy câu kẻo sầu trong dạ,
Như ta với mình trước lạ, sau quen!
Ngoài những đám hát qui tụ trai làng, gái làng:
* Gặp nhau một chút nên duyên,
Xin mời bên đó cất lên tiếng hò
* Khăn vuông bốn chéo cột chùm,
Miệng mời người nghĩa hò giùm ít câu!
Các hội hát còn đón nhận cả khách mười phương bất cứ nơi nào đến tham gia vào hội hát để tạo nên một không khí vừa hào hứng vừa hấp dẫn:
* Tôi người lữ thứ tha hương
Muốn gầy nhân ngãi rủ nàng hò chơi!
* Tôi là người dạo cảnh lê viên,
Tới đây gặp gái thuyền quyên rủ hò!
Vả lại, đã không đến đám hò, đám hát thì thôi, mà đã đến là phải tham gia vào hội hát kẻo không lại bị chúng bạn chê bai:
Tới đây chẳng hát thì hò
Có phải như cò ngóng cổ mà nghe
Hay:
Đã đi đến chốn thì chơi
Đã đi đến chôn tiếc lời làm chi
Nhất niên nhất lệ một kỳ
Trống quân tháng tám kể gì hơn thua.
Thật là chân chất, không chút khách sáo. Giọng hát câu hò như luân lưu trong huyết quản, gặp đám hát là hát, gặp đám hò, đám lý là hò, là lý hết sức tự nhiên:
Đến đây rượu thịt, bánh bò,
Ai ca ca với, ai hò hò chơi.
Và như vậy là họ bước vào cuộc chơi, một cuộc chơi có đối có đáp, một cuộc chơi gồm có 2 phe:
Một đàn cò trắng bay tung
Bên nam, bên nữ ta cùng hát lên
Hát lên một tiếng linh đình
Cho loan sánh phượng, cho mình sánh ta.
Có thể khi bắt đầu vào cuộc hát họ có những lời mời mọc thật tình tứ:
Nghe chàng là khách tài hoa
Mời chàng đối đáp một và trống canh
Có lá mà lại có cành
Có em mà lại có mình mới vui.
Vào những ngày hội mùa vào dịp mùa Xuân hay mùa Thu, các làng thường tổ chức các cuộc thi hát đối đáp nam nữ có phần thưởng. Nhiều nơi trên đất Bắc, ngoài tục lệ múa lân, múa rồng, rước lồng đèn cá chép vào dịp Trung Thu, các làng còn thường tổ chức thi hát Trống quân.
Đây là câu ca dao xuất hiện ở đất Bắc:
Tháng Tám anh đi chơi xuân
Đến đây có hội trống quân anh vào.
Và đây là một câu ca dao xuất hiện ở Tân An trong Nam:
Bảng treo ở chợ Cai Tài
Bên văn, bên võ có tài hát thi.
Lại có câu:
Gió đưa mười tám lá xoài
Bên văn, bên võ có tài hát thi.
Họ có thể bước vào cuộc thi với những lời mời mọc chân thành mà tha thiết, coi nhẹ việc hơn thua:
* Ra đây mà hát mấy câu
Được thua, thua được cho nhau bằng lòng!
* Nhất niên nhất lệ một kỳ
Trống quân tháng Tám kể gì hơn thua!
Thế nhưng cũng có khi, có những chàng trai vốn nóng tính nhưng cũng tỏ một thái độ chân thành mà bộc trực:
Đôi bên hàng xứ giãn ra
Để tối đối địch với ba cô nầy
Được thì ăn đĩa trầu đầy
Thua thì cởi áo trao tay ra về
Để tham dự vào các hội hát thi như thế, các nghệ sĩ dân gian thường phải khổ công tập luyện giọng hát:
Làm trai giọng hát cho nền
Để đi dự giải tháng Giêng mới hào!
Và dĩ nhiên họ phải học thuộc lòng một số câu ca dao làm nền để kịp thời ứng phó trong mỗi cuộc thi:
Trống quân anh tập đã lâu
Tốn cơm, tốn áo, tốn trầu mẹ cha
Trống quân anh tập thánh ba
Mồ hôi cái chảy đổ ra khăn đào!
Có khi phần thưởng chỉ là một cơi trầu mang đầy tình nghĩa:
Hát lên ta nhởi ta chơi
Nào ai hát được, thưởng cơi trầu đầy!
Đôi khi không cần phải tham dự vào các cuộc thi như thế, các nghệ sĩ dân gian cũng được quần chúng thưởng ngoạn tán thưởng bằng những lời khen “để đời”, và đó mới là phần thưởng thực sự có giá trị:
Tiếng đồn con Bảy đưa đò
Lên doi, xuống vịnh giọng hò con Bảy lanh!
Xét về mặt nhân sự tham gia hay trình diễn, người ta có thể chia dân ca ra làm mấy loại sau đây:
- Hát hay hò cá nhân: như hát ru hoặc một vài thể loại hát hay hò chèo đò...
Một đêm trăng nào đó bạn đang thả bộ ngang qua cầu Tràng Tiền, bỗng đâu đó từ dưới sông vẳng lên giọng hò thê thiết như ai oán:
Đò chèo sông Hương tiếng hò văng vẳng
Dương trồng núi Ngư gió thoảng vo vo
Anh nghe ai ngăn chợ, đón đò
Bỏ mấy lời nguyện ước hẹn hò trước sau!
Không phải chỉ là tiếng hò trên những con đò dọc hay những chuyến đò ngang mà con là tiếng hò của những khách thương hồ trên dòng sông vắng:
Đêm khuya nghe tiếng ai hò
Tưởng thuyền Lã vọng, hóa ra đò bán than!
- Hát hay hò tập thể: chỉ có một nhóm gồm một người hò cái hay hát cái và một nhóm người phụ họa như hò kéo gỗ, hò giựt chì, hát hố...
- Hát hay hò đối đáp: chia làm 2 phe, thường là phe nam và phe nữ, mỗi phe cũng có một người hát cái (hay hò cái) và một nhóm hát con (hay hò con), nhưng đôi khi cũng chỉ có 2 người (một nam và một nữ) mà thôi.
Bạn đang đi trên đường cái quan, bỗng nghe những tiếng cười đùa của đám con gái đang cấy lúa rồi một giọng thanh tao lanh lảnh cất lên để ghẹo đám con trai đang làm cỏ lúa ở đám ruộng khuất đâu đó:
Ở đây thấp ruộng cao bờ
Bên ấy có hát nghe nhờ vài câu!
Bỗng bạn lại nghe một giọng nam ở đâu đó ngân lên chẳng kém phần háo hức, nghịch ngợm:
Vẳng nghe tiếng hát đâu xa
Rằng trẻ hay già mà tiếng cũng xinh?
Hay một giọng nam đa tình vẳng lên từ thửa ruộng đằng xa:
Vẳng nghe tiếng hát đâu đây
Để ta đáp chiếc thuyền mây đi tìm!
Như ta đã biết, nội dung của các câu hát, câu hò cũng chính là nội dung của ca dao, dù rằng không phải tất cả các bài ca dao đều có thể được sử dụng trong toàn bộ các làn điệu ca hát dân gian.
Dù là hát trống quân hay hát quan họ, dù là hát ví hay hát hố, dù là hò chèo đò hay hò giã gạo... thì phần lớn nội dung của các đám hát đám hò vẫn là hát hò giao duyên, trao đổi tình cảm giữa con người với con người: tình yêu thương đối với cha mẹ, anh em, với bà con xóm giềng; nhưng nhiều hơn ca vẫn là những câu hát, câu hò về tình nghĩa vợ chồng, và đặc biệt hơn cảû vẫn là những lời trao tình yêu nồng thắm giữa những cặp tai gái đồng quê:
Bấy lâu vắng tiếng khát khao
Bây giờ gặp mặt hát trao lời vàng
Heo may lúa tốt đồng làng
Nhân duyên là chuyện của nàng với anh
Có lòng têm miếng trầu xanh
Chờ chi hương bưởi, hương chanh đầu mùa
Chờ chi cơn nắng, cơn mưa
Năng đi năng lại chẳng thưa câu chào!
Trong khoảng thời gian người Pháp xâm lăng Việt Nam, nhất là sau khi người Pháp bức bách các vị vua của ta một cách quá quắt, tinh thần yêu nước của dân ta lên cao, thì trong những câu hát câu hò đã thấy xuất hiện nhiều bài mang nặng tình tự quê hương dân tộc:
Gái trai cất giọng đêm hè
Tình ta trăng gió nghiêng về nước non
Sông sâu nước chảy đá mòn
Lòng ta sau trước sắt son không rời
* Trước bến Văn Lâu
Chiều chiều trước bến Văn Lâu
Ai ngồi ai câu
Ai sầu ai thảm
Ai thương ai cảm
Ai nhớ ai trông
Thuyền ai thấp thoáng trên sông
Đưa câu mài đẩy chạnh lòng nước non!
Ngoài những câu hát, câu hò trữ tình, người bình dân Việt Nam còn dùng những câu hát câu hò làm phương tiện để chuyển tải các bài học giáo dục về luân thường đạo lý của dân tộc:
* Người xưa để lại câu hát ví
Dâu giỏi do các mẹ bảo ban
Rể khôn do công ơn bố dạy
* Con cò lấp ló bụi tre
Sao cò lại muốn lăm le vợ người?
Vào đây nghe hát đôi lời
Để cho cò hiểu sự đời ở ăn
Sự đời cò lấy làm răn
Để cho cò khỏi băn khoăn sự đời!
Trong cuộc hát hò, họ có thể hát lên những câu trao đổi tình cảm, họ có thể hát lên những câu đối đáp thử tài. Ta thấy hầu như trong phần lớn các cuộc hát hò đối đáp từ hát xoan, hát quan họ, hát trống quân, hát ghẹo, hát đúm Thủy Nguyên đến hát ví Nghệ Tĩnh đến các diệu hát điệu hò ở miền Trung và miền Nam đều có những câu hát đố hay hát đối để thử tài đối phương và cũng chính từ những câu hát đố hay hát đối nầy mà các cuộc thi tài hò hát hay xảy ra tình trang căng thẳng.
Một cô bên gái đưa ra câu đố:
Nghe tin anh hay hát hay hò,
Đố anh đếm được cổ con có mấy lông?
Một anh bên trai đáp ngay:
Em về đếm cát duới sông
Anh đây sẽ đếm được lông cổ cò!
Bên trai thách thức:
Ba đồng một quả hồng dài
Cô kia có tài thì cất tiếng lên
Bên gái đốp chát ngay:
Ba đồng một quả hồng ngâm
Bên ấy không hát thì câm mất mồm!
Trong lúc đối đáp, một bên suy nghĩ hơi chậm chưa kịp trả lời, đã bị bên kia cà khịa ngay:
* Ba đồng một mớ rau ngò
Báu gì câu hát bạn mò không ra!
* Đang khi cuộc rượu say nồng
Đàn kia đang gảy sao chùng mất giây?
Hết điệu thì em cho vay
Can gì phải nghĩ nửa ngày, anh ơi!
Họ nói “đàn kia đang gãy” là nói bóng nói gió chứ thực ra là họ muốn nói đến hát đến hò đấy!
Bị bên nam tấn công tới tấp, các cô làm bộ kênh kiệu:
Có hát thì hát cho bổng, cho cao
Cho gió lọt vào cho chúng em nghe
Chúng em ngồi võng ngọn tre
Gió đưa cút kít chẳng nghe thấy gì!
Bị bên nữ tấn công bằng những lời lẽ ỡm ờ, bên nam hát chọc tức ngay:
* Tiếng đồn em bậu hò lanh
Ngày nay mới biết mặt xanh như chàm !
* Cô kia mà hát ghẹo ai
Cái mồm méo xệch như quai chèo đò
Lại đây anh nắn lại cho
Ngày mai chèo đò ăn bát cơm thiu!
Nếu lại bị các cô chẳng chịu buông tha, các chàng ra cái điều hăm dọa:
Cô kia mà hát đa đoan
Anh cầm con dao lá trúc anh rạch gan cô mày!
Ruột non anh quấn lên cây
Ruột già anh vấn làm dây kéo thuyền!
Thông thường, mỗi hội hát hò đều có quy luật riêng của nó, tuy nhiên, có lắm khi, quy luật tạm thờ lại được đặt ra ngay trong lúc vào cuộc đối đáp, còn được chấp thuận hay không lại do bên đối phương. Chẳng hạn, có người chỉ muốn kết bạn với người lạ để thử tài cao thấp:
Áo đen tra nút cũng đen
Tôi hò với người lạ chớ người quen không hò!
Hoặc giả, có người sợ không khí buổi hát mất vui vì lấn cấn những chuyện gia đình chồng con, có người vào cuộc hát đã đưa ra điều kiện:
Tháng Tám anh đi chơi xuân
Đến đây có hội trống quân anh vào
Trước khi hát anh có lời giao:
Không chồng thời vào, có chồng thời ra
Có chồng thì tránh cho xa
Không chồng thì sẽ lân la tới gần.
Như ở trên chúng ta đã thấy, có nhiều hội hát hò dẫn đến chỗ gay cấn, đôi khi tạo nên không khí bất hòa chỉ vì một bên đưa ra những câu hỏi hóc búa mà phía bên kia không thể nào trả lời được. Hơn nữa, thường mỗi bạn hát lại có một người đứng ngoài mớm câu và chính người mớm câu đôi khi tạo cho không khí cuộc hát không được suôn sẻ, vì vậy, có người, trước khi vào cuộc hát đã nêu lên điều kiện:
Đã hát thì cấm hát chua
Cấm đố, cấm họa được thua mới tài
Cấm từ truyện Nhị Độ Mai
Huê tình kiếm lấy, cấm ai xui mình
Hát thì hát rặt huê tình
Có hát chỉ hát một mình với ta!
Họ đòi hỏi đối phương chọn lựa những câu hò câu hát cho thật hiền lành:
Thiên cao đằng đẵng
Nguyệt chiếu phi hằng
Một ngày gặp mặt cũng bằng ba thu
Trên xuân thu, dưới cũng xuân thu
Có hò thì lựa câu nhu bớ mình!...
Có thể nói dân tộc Việt Nam là một dân tộc mê thơ và mê hát. Cái tính mê thơ và mê hát đó đã bắt nguồn từ ngay trong tính chất giàu nhạc điệu của ngôn ngữ Việt Nam. Thêm vào đó, ngay từ thuở mới chào đời, đứa trẻ Việt đã hấp thụ ngay nguồn thơ và nguồn nhạc từ trong lời ru của mẹ ru con, bà ru cháu, chị ru em. Bởi vì ca dao tục ngữ chính là thi ca bình dân vậy. Tính chất mê thơ và mê hát đó đã sản sinh ra không biết bao nhiêu điệu hát, điệu hò, điệu lý... ngân vang trong những cánh đồng quê hương bát ngát:
Nhờ trời mưa thuận, gió hòa
Lúa vàng đầy ruộng, lời ca vang đồng.
Du dương trên những con sông quê hương tình tứ:
Đêm khuya nghe tiếng ai hò
Tưởng thuyền Lã Vọng, hóa ra đò bán than!
Và ngân vang ngay cả trên mặt biển đông vào nhữn g ngày trời êm bể lặng đám dân chài rủ nhau ra khơi cất tiếng hò khoan để quên đi những phút giây mệt nhọc:
Ghe bầu dọn dẹp kéo neo
Mấy chú bạn chèo bắt cái “hò khoan”
Thế nên, trong các đám hát, họăc là hát hội như trong các hội hát quan họ, hội hát trông quân...đến các đám hát trong lao động như các đám hát ví ở Nghệ Tĩnh, các đám hát cấy, các đám hát giã gạo...khắp trên các cánh đồng bao la của nước Việt, các nghệ sĩ dân gian của ta đã đem hết tâm hồn của mình phả vào tiếng hát lời ca tạo nên bao nhiêu say mê cho đám bình dân thưởng ngoạn:
Hỡi người đầu đội nón mê
Mà sao tiếng hát làm tê tái lòng
Hỡi người mặc áo nâu sồng
Sao lời hát ngọt như dòng sông sâu
Câu vui chen với câu sầu
Khi sa nước mắt, khi đầu non cao
Dai dẳng khúc ruột làm sao
Mới nghe mà đã xôn xao lòng người!
Họ muốn tiếng hát của họ tỏa rộng, lan xa ra khắp mọi miền có thề làm lay động cả một khoảng không gian đầy ắp những giọng hò, điệu hát của họ:
Hát cho lở đất long trời
Cho đời biết mặt, cho người biết tên
Hát từ chợ Phủ hát lên
Hát suốt tỉnh Bắc, qua miền tỉnh Đông
Hát sao cho cạn dòng sông
Cho non phải lở, cho lòng phải xiêu!
Họ muốn tiếng hát đầy ắp tình yêu của họ chẳng những làm lay động lòng người, làm say mê lòng người mà còn lay động cả đến muông thú xung quanh:
* Hát cho chó cắn, bò lồng
Hát cho con gái bỏ chồng mà theo!
Hát cho chó cắn, bò kêu
Hát cho ông lão trong lều bò ra!
* Cất lên một tiếng la đà
Cho chim nhớ tổ, cho gà nhớ con.
Cất lên một tiếng linh đình
Cho loan nhớ phượng, cho mình nhớ ta.
Thế nên hễ cứ nghe ở đâu có người nổi tiếng về hát hò là người ta lại thi nhau tìm đến để tạo nên một không khí sôi động về giọng hò câu hát quê hương:
Đồn đây có gái tốt tươi
Ví hay tăm tiếng đến tai anh rày
Anh nói cho cô mình hay
Cô mình hay ví anh ra tay ví cùng
Ví cho con gái bỏ chồng
Con trai bỏ vợ, mẹ dòng bỏ con
Ví cho nát đám cỏ non
Điếu kia long nỏ kêu tròn như vo
Ví cho nước Hán sang Hồ
Nước Tần sang Sở, nước Ngô sang Lào
Ví cho sóng nổi ba đào
Một trăm cuộn chỉ lọt vào trôn kim!
* Hát cho sấm động mưa sa
Hát cho gương vỡ làm ba lại liền.
* Hát cho bể lọt vào ao
Một trăm trái núi lọt vào trôn kim
Hát cho bong bóng thì chìm
Đá xanh thì nổi, gỗ lim lập lờ.
Họ say mê hát hò đến quên cả thời gian, như thách đố cả mọi nguy hiểm đối với bản thân:
* Mải mê hò, mê hát
Chiều về nhà phụ mẫu đánh thịt nát, xương tan
Đau bao nhiêu tôi cũng chịu, bấm gan chờ chàng!
* Hát đàn cho rạng đông ra
Mai về quan bỏ nhà pha cũng đành!
Nói thế chứ có quan nào nỡ bắt tội những nhà nghệ sĩ dân gian say mê giọng hò câu hát của dân tộc!
Hò hát có thể là phương tiện để trai chưa vợ, gái chưa chồng tìm hiểu nhau, trao tình cho nhau và có thể tiến đến hôn nhân:
Hò chơi cho trọn buổi chiều
Keo sơn quấn chặt, sợi chỉ điều xe săn.
Tới đây cối gạo đã đầy
Trước thì giã gạo, sau gầy lương duyên.
Trong những cuộc hát đối đáp, những buổi hát giao duyên như thế, những người trong cuộc hát thực khó lòng mà bỏ ra về khi buổi hát chưa tàn cuộc. Buổi hát chỉ thực sự tàn cuộc khi đã có những lời hò hẹn ân tình:
Ra về răng đứt mà về
Câu ca bỏ giở, lời thề chưa trao!
Vả lại, khi đã gặp người tri kỷ thì dù trời đã về khuya họ củng cố nài ở lại để nối thêm cuộc hát:
Canh hãy còn khuya
Đường về thăm thẳm
Đôi ta xứng lắm
Như kép với đào
Hát chơi giải muộn lẽ nào làm ngơ!
Dù đã khuya họ cũng còn mời mọc nhau thay điệu hát để tiếp tục cuộc chơi vì họ biết rằng sức hát, sức hò của họ vẫn còn dồi dào lắm:
Bây giờ sang trống canh ba
Mình ơi trở giọng cho ta trở làn
Giọng mình mình để lá lan
Giọng ta ta để năm gian nhà đầy!
Thế nhưng, dù mê hò mê hát tới đâu đi nữa thì những nhà nghệ sĩ dân gian của chúng ta cũng không thể nào quên được cuộc sống thực tế vẫn đang chờ trước mặt, và vì thế, dù biết chia ly là “đau thương” thì họ cũng phải gạt nước mắt mà chia tay để lo cho công việc ngày mai:
Đêm lụn canh tàn
Giã chàng ở lại
Ra về hoằn hoại
Luống những đau thương
Chào nhau cách mặt đôi đường
Dứt câu hò hát, lo lường bán buôn!
Như ta đã thấy đó, bắt cặp để hát, trong lúc hò hát, họ vẫn muốn nói “Đôi ta xứng lắm, như kép với đào”, họ xưng hô với nhau nghe thân mật lắm như đôi bạn tình đã từng keo sơn gắn bó: “Mình - Ta” (Giọng mình, giọng ta).
Đành rằng, trong những cuộc hát đối đáp, hát giao duyên như thế quả là những dịp thật tốt cho những đôi trai gái yêu nhau có dịp tỏ tình một cách công khai mà không hề bị miệng đời chê trách.
Thế nên đã có nhiều chàng trai chưa vợ (và dĩ niên cả những cô gái chưa chồng) thường tìm đến các đám hát giao duyên để trao đổi tình cảm, để tìm ý trung nhân:
Trống quân có đĩa thịt bò
Những anh không vợ đi mò cả đêm
Trống quân có dĩa thịt chim
Những anh không vợ cả đêm đi mò
Hay:
Một đàn cò trắng kia ơi
Có nghe ta hát những lời nầy không?
Hát cho đẹp cốm tươi hồng
Hát câu nên vợ, nên chồng cò ơi!
Có nhiều cô gái tin vào những lời trao tình đường mật trong các cuộc hát và ngỡ rằng mình đã gặp được ý trung nhân, nhưng nàng đâu có ngờ đâu những lời chàng hát chỉ là những lời “giả sử” và khi cô gái thực lòng hỏi chàng thì chàng lại tìm cách “đánh trống lảng”:
Biết nhau ba bốn năm nay
Câu nào anh hát cũng ngọt ngay như đường
Hát thì nhớ nhớ, thương thương
Khi đến gặng hỏi lại thường lảng ra
Biết người sao chẳng biết ta
Nói năng lấp lửng như là gió giăng!
Thế nhưng cũng có lắm khi xưng hô “anh anh - em em”, “mình mình - ta ta”, “chàng chàng - thiếp thiếp” chỉ là một cách “sắm vai” cho cuộc hát, cuộc hò được quyến rũ mà thôi. Thế nên, trong nhiều cuộc hát, hoặc là ngay từ lúc khởi đầu, hoặc trong lúc kết thúc cuộc hát, người ta luôn luôn đưa ra những câu hát dè chừng nhằm “thanh minh” cho những lời lẽ của mình trong cuộc hát:
* Hò chơi bên gái, bên trai
Xin cùng cô bác đừng ai nghi ngờ
* Xin rằng cô bác đừng ngờ
Dăm câu hát góp cùng hò làm vui!
Như ta cũng đã biết, tham gia vào những buổi ca hát dân gian như vậy không chỉ gồm toàn những trai chưa vợ, gái chưa chồng, mà còn có cả những người đã có chồng có vợ, con cái đùm đề! Họ là những nghệ sĩ dân gian không chuyên nghiệp, rất say mê tiếng hò, giọng hát ngay từ thuở còn thanh tân.
Có thể họ đã gặp người phối ngẫu trong những cuộc hát và những khúc hát huê tình, những khúc hát giao duyên đã nối kết họ nên duyên chồng vợ. Và bây giờ, dù đã có gia đình họ cũng còn say mê tiếng hát và tiếp tục tham gia vào các hội hát trong những ngãy lễ hội hay tham gia vào các đám hát hò lao động trong làng, trong tổng.
Trong khi hát họ đã hát những khúc hát huê tình, họ cũng sáng tác kịp thời những khúc hát huê tình để đáp lại người bên kia, nhưng đó chỉ là “sắm vai”, tâm hồn họ vẫn trong trắng, không vẩn đục một chút ý nghĩ ngoại tình nào.
Nhị nhơn đối khẩu giao hòa
Hò chơi chồng vợ, tối về nhà người dưng!
Đây là lời của một nghệ sĩ dân gian “hát ví” của phường vải Nghệ Tĩnh:
Ai có chồng nói chồng đừng sợ
Ai có vợ nói vợ đừng ghen
Tới đây hò hát cho quen
Rạng ngày ai về nhà nấy, không há dễ ngọn đèn hai tim!
Và đây là lời của một nghệ sĩ dân gian đất Thừa Thiên:
Chợ Tết năm ni
Ai có chồng dặn chồng
Ai có vợ dặn vợ
Tới đây hò hát
Gá nghĩa làm quen
Ngày mai ai về nhà nấy, chớ thả lòng ghen bạn cười!
Đối với dân gian, hò hát chỉ là một phương tiện giải trí làm giảm đi nỗi mệt nhọc trong lao động:
Hò chơi vui ruộng, vui đồng
Nào ai bắt kết vợ chồng vấn vương?
Hò chơi phỉ dạ hai đàng
. . . . .
Ngay cả những khúc hát huê tình trên sông nước đôi khi chỉ xảy ra giữa một người nam với một người nữ thì những câu hát ân tình đó cũng chỉ là một điều không có gì đáng nhớ, đáng để tâm:
Hò ít câu có chi đâu mà sợ
Chiều lên bờ, trả duyên nợ lại em!
Bởi vì những cuộc gặp gỡ trên sông nước nhiều khi cũng chỉ là những cuộc gặp gỡ “bèo nước” nhất thời, rồi thuyền mỗi người sẽ rẽ về mỗi ngã:
Thuyền về Đại Lược
Duyên ngược Kim Long
Đến đây là chỗ rẽ của lòng
Gặp nhau còn biết trên sông bến nào!
Thế chiến thứ Hai vừa chấm dứt, Việt Nam tiếp tục lâm vào hai cuộc chiến tranh kéo dài gần 30 năm. Nông thôn trở thành những địa bàn chính yếu của cuộc chiến. Người dân luôn sống trong tình trạng thấp thỏm lo sợ. Mạng sống thường trực bị đe dọa. Vậy là mọi sinh hoạt văn nghệ dân gian xem như không còn đất dụng võ. Không còn thấy những tụ họp vào những đêm trăng giã gạo, tát nước để hò hát. Không còn mấy hội hè đình đám được tổ chức linh đình như trong những thời kỳ thái bình nữa. Có còn chăng, thỉnh thoảng vẳng lên những điệu hò sông nước có tính cách cá nhân.
Các chính phủ đối nghịch nhau cũng cố gắng bằng cách này hay cách khác duy trì những sinh hoạt dân ca. Nhưng đây lại là những sinh hoạt của các nghệ sĩ chuyên nghiệp trong các đoàn văn nghệ hay các đoàn văn công. Nghệ sĩ chuyên nghiệp chỉ chuyên về trình diễn. Họ không biết sáng tác. Sáng tác do một lớp người khác.
Thế nên, hát dân ca không còn mang tính cách sinh hoạt quần chúng nữa. Nghệ sĩ dân ca dân gian phải là nhà nghệ sĩ vừa sáng tác, vừa trình diễn, và phải sáng tác ngay trong khi trình diễn. Do đó, các thể loại hát hò dân gian dần dần bị quên lãng và cũng từ đó ta không còn thấy xuất hiện nhiều những câu dao mới nữa. Và đó là một thiệt thòi rất lớn cho nền văn chương bình dân của ta!
ĐÀO ĐỨC NHUẬN
Tài liệu tham khảo chính:
- Văn Học Bình Dân - Nguyễn Trúc Phượng - Sống Mới (Hoa Kỳ).
- Văn Chương Bình Dân - Thanh Lãng - Phong Trào Văn Hóa - 1954.
- Đặc Khảo Về Dân Nhạc Ở Việt Nam - Phạm Duy - Hiện Đại - 1972.
- Các tuyển tập ca dao.