Kính gởi:
- Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân
- Báo An ninh thế giới.
Thật may mắn khi ở cái nơi “đèo heo hút gió” nầy mà tôi lại hân hạnh đọc được những lá thư hùng hồn của ông. Trước, trên Nguyệt san Hồn Việt, trích đoạn thư gởi họa sĩ Trịnh Cung nói về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Nay, một người bạn ở thành phố chụp gởi bài báo “Nhạc Phạm Duy và những vấn đề cần phải nói” (trang 7 An ninh thế giới tháng 4/2009), và toàn văn lá thư 12 trang đề ngày 22 tháng 5 năm 2009, ông đề gởi nhạc sĩ Phạm Tuyên, trong đó có lời nhắn hai nhạc sĩ Trọng Đài và Hồng Đăng. Để thỏa mãn những thắc mắc của mình cùng bạn bè sau khi Đọc xong bài báo và lá thư, tôi kính giởi đến ông những suy nghĩ nông cạn sau đây mong rằng sẽ được giải tỏa phần nào.
Trước tiên, tôi xin nói sơ qua cảm nghĩ của chúng tôi về nhạc sĩ Phạn Duy (NS-PD) và nhạc sĩ Văn Cao (NS-VC).
Với NS-PD, tôi rất đồng tình với ông quan điểm “viễn chi”. Tôi đã từng mê nhạc ông từ hồi còn nhỏ, và cũng đã biết ông qua tác giả Tạ Tỵ với tác phẩm “Phạm Duy còn đó nỗi buồn”. Và gần đây là “Hồi ức Phạm Duy nhớ” do chính PD viết.
Hồi đọc Tạ Tỵ, tôi đã thấy trong mình như có cái gì đó phân vân với người nhạc sĩ tài hoa, xuất thân từ một gia đình mẫu mực nầy. Tuy trong tiềm thức vẫn văng vẳng ca khúc “Bàn tay” là nhạc phẩm mà tôi yêu quý nhất của ông. Rồi gần đây, khi đọc hết các tập hồi ức, tôi không biết phải nghĩ thế nào. Mà chẳng riêng gì tôi, bạn bè tôi cũng như nhiều người thích âm nhạc của ông, trong lúc trà dư tửu hậu nhắc đến, cũng lắc đầu hoang mang. Cuối cùng, vì kính trọng và yêu mến cái tài của ông, đành gượng gạo kết luận đó là “ngệ sĩ tính, có tài thường có tật (?!)”. Và, thôi thì “Kính nhi viễn chi” như ông vậy.
Nói về ca khúc, theo tôi (và chúng tôi) ở bất cứ lãnh vực nào PD cũng thành công. Từ tình ca, đạo ca, đến hùng ca v.v... Nhạc ông sống mãi với thời gian vì ông đưa được vào ca từ của mình những triết lý tình cảm sâu sắc của mỗi đề tài và cái chất dân ca ngọt ngào đặc biệt của dân tộc Việt Nam, cái mà các nhạc sĩ khác không làm được.
NS-PD còn được người thưởng thức khen ngợi sáng tác ca khúc vừa bình dân vừa bác học, vì người nghe ở trình độ nào cũng thấy cái hay qua trình độ của mình.
NS-VC được nhiều người yêu quý nhờ vào tư cách nhiều hơn là âm nhạc. Ngoài việc là một trong những người xây dựng nền tân nhạc nước nhà buổi ban đầu, hùng ca của ông còn có cái vinh dự được chọn làm Quốc ca, mà cho đến nay, nghe đâu đã nhiều lần muốn thay thế nhưng vẫn chưa thực hiện được. Ông còn có những ca khúc lãng mạn du dương đầu tiên, mở màn cho một phong trào. Vài yếu tố ngoài âm nhạc sau đây của VC cũng đủ góp phần tạo tiếng tăm cho ông đó là: từ cái phóng khoáng của một nghệ sĩ trí thức dẫn đến ông mắc vào cái họa “Nhân văn, Giai phẩm” khiến bị “Cấm không được dùng ngòi viết”. Phải “ngồi in bóng mình trên vách” bao nhiêu năm vì “Người đi cày không có cái cày”. Đến việc để tránh bị chỉ trích vô ơn với công ông làm Quốc ca bằng khỏi đi Tây Bắc như Phan Khôi, Trần Dần và một số người khác.
So sánh PD với VC, theo chúng tôi, hai tài năng nầy không có chuyện hơn thua nhau “Mỗi người mỗi vẻ mười phân vẹn mười”. PD tôn vinh VC, VC tôn vinh PD chẳng qua đó chỉ là đạo xử thế của người trí thức và tình nghệ sĩ thâm hậu với nhau mà thôi. Đó là nói về những cái đã có của hai người. Ngoài ra không biết nếu VC không phải dừng sáng tác sớm thì thế nào.
Có một điểm chung trong cuộc đời hai người là lịch sử đất nước đưa đẫy họ qua nhiều cung bậc nhưng lại không cùng âm sắc.
Về bài báo của Khánh Thy, chúng tôi thấy cũng có nhiều “điều cần phải nói” như sau:
1/ Bài báo trưng thành ngữ “Đánh người chạy đi chứ không đánh người chạy lại”, liệu có ổn không? Vì, tôi nghe có vị giảng ý nghĩa thành ngữ nầy mục đích để đề cao tinh thần thượng võ của dân tộc Việt Nam nói riêng và người Đông phương nói chung, nên chỉ “đánh người chạy lại chứ không đánh người chạy đi”. Nghĩa là chỉ đánh người chạy lại kình chống với mình chứ không đánh người chạy đi (không truy sát), vì họ đã sợ mình, chạy đi tránh mình rồi. Mà, đánh người chạy đi thì họ chạy đi mất lấy ai nữa để đánh?
Ở đây, PD không là người chạy đi, cũng không phải người chạy lại. Mà là người trở về, về nơi chon nhau cắt rốn của ông. Vì trong lẽ thường tình mỗi người đều có một quê hương, không ai có quyền tước bỏ hay buộc họ phải từ bỏ. Cấm không cho PD về là một việc làm ngược với lời nói “Một thành phần không thể tách rời”.
2/ Không hiểu ban biên tập báo có xéo xiêng gì ai không mà đoạn tiếp theo viết: “Báo ANTG đã mở ra một diễn đàn nhỏ để mời các nhạc sĩ lớn, những người có tên tuổi, có trọng lượng trong nền âm nhạc Việt Nam nói về sự kiện nầy”. Nói thế có mâu thuẩn không khi mà chỉ một diễn đàn nhỏ lại phải mời các nhạc sĩ lớn, những người có tên tuổi, có trọng lượng đóng góp?!
Theo tôi, đây không phải là diễn đàn nhỏ, mà là một sự kiện lớn có liên quan đến hàng triệu người Việt Nam, hàng triệu “Khúc ruột của dân tộc nối dài”. Vì dân ta kể từ sau năm 1975 gần như có mặt trên hầu hết năm châu, họ đang dõi mắt về nơi họ đã được sinh ra, hay có tổ tiên của họ. Sau cái nghịch lý “Đất nước thống nhất dân tôc chiia ly”. Nỗi nhứt nhối thế kỷ!
3/ Sau khi được nhà nghiên cứu Nguyến Đắc Xuân (NĐX) phân tích những quan điểm và phổ biến một số hành động của ba vị nhạc sĩ cùng ký tên trong bài báo, báo ANTG liệu có còn tôn vinh các vị ấy là những nhạc sĩ lớn và ... như trên không? Có tính rút lại các tôn danh ấy chưa? Nếu không và chưa là xem thường đội ngũ nghệ sĩ nhạc sĩ nước nhà quá vậy.
Bây giờ xin được thưa với ông Nguyễn Đắc Xuân về lá thư:
Trước khi bàn về lá thư, tôi ghi nhận và trân trọng công sức của ông trong việc tìm hiểu NS-PD. Và, tính thẳng thắn, khi phổ biến đầy đủ quan điểm cũng như việc làm của ba vị nhạc sĩ, Phạm Tuyên, Trọng Đài và Hồng Đăng, mà lâu nay cả nước chỉ biết là những người khả kính mà thôi.
Với lá thư thì:
Sau khi xem xong, bạn bè tôi kết luận chắc ba vị “nhạc sĩ lớn” kia sẽ “tâm phục khẩu phục”. Tôi thì xin chưa biểu quyết vì thư quá dài (gần bằng một nửa thư gởi Phạm Cung -12/27 trang) cần phải đọc kỹ.
Và:
Ở ngay trang 1 ông viết “Phạm Duy là một nhạc sĩ, một người bình thường chứ không phải là một kẻ sĩ”. Không, PD là một nhạc sĩ, một người bình thường, MỘT KẺ SĨ chứ. PD chỉ không hoàn toàn là một CHÍ SĨ thôi vì, ông chỉ làm ca khúc, văn nghệ phục vụ xã hội chứ không làm Cách mạng, chính trị phục vụ xã hội. Chính cái không là chí sĩ đó nên cuộc đời ông mới có những giai đoạn khác thường, còn bị lên án nữa: nào là đi kháng chiến, về tề, di cư, di tản và cuối cùng về lại để bị hàm hồ là người “chạy đi, chạy lại”. Chỉ không là chí sĩ nên không am tường quy luật khắc nghiệt của chính trị mới ra nông nỗi!
Tiếp theo khi nhận định hồi ức của PD ông viết “Nhưng viết những chuyện dỡ áy để hiểu mặt phải, mặt trái của một nhạc sĩ lớn chứ không phải viết vì đố kỵ vì trâu cột ghét trâu ăn giống như Họa Sĩ Trịnh Cung viết vê chuyện ‘Tham vọng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn...’”. Về bài viết của HS-TC và thư phản biện của ông, tôi cũng đã có bài góp ý gởi tạp chí Hồn Việt rồi. Ở đây tôi chỉ nói thêm rằng, theo tôi, TC viết không phải vì đố kỵ, vì trâu cột ghét trâu ăn với TCS, mà TC viết vì một lý do nào đó, chỉ một mình ông ta biết mà thôi. Vì nếu nói đố kỵ thì hai người hai lãnh vực nghệ thuật khác nhau: họa không có gì để đố kỵ với nhạc. Còn trâu cột ghét trâu ăn thì chẳng những TC một sĩ quan của chế độ cũ bị cột đã đành, TCS, theo ông cũng bị cột vì trong một đoạn thư ông cho biết TCS có tên trong Banderole lên án ngay trên quê hương mình (Huế). Mà (cũng theo ông) “Khẩu hiệu tranh đấu treo lên rất dễ, nhưng lấy xuống thì cả một vấn đề”.
Mặt khác, tôi nghĩ TC là một họa sĩ có học hành đàng hoàng, có trí thức hẵn hoi, lý nào không ảnh hưởng đàn anh Tạ Tỵ của mình, một Đại tá trong quân đội VNCH, một nhà văn có tác phẩm nhiều người đọc, một họa sĩ có nhiều tranh giá trị. Nhất là được đồng nghiêp thừa nhận Tạ Tỵ đã tạo cho mình một “trường phái nghệ thuật riêng”.Tạ Tỵ đa tài như thế nhưng không hơn thua với ai, không đố kỵ ghanh ghét với ai. Và không định kiến một vấn đề gì.
Ở trang 2 ông viết về PD “...nếu không chết trong tù thì anh ấy (PD) sẽ âm thầm viết hồi ký, bút ký, truyện ký gì đó để tố cáo bôi bác chế độ ta tàn mạt gấp nhiều lần so với hồi ký của Tô Hải...”. Yếu tố nào khiên ông biết chắc điều nầy? Tôi không rõ Tô Hải đã viết những gì, có giống như các kịch bản của Lưu Quang Vũ, “Thiên đường mù, Vĩ nhân tỉnh lẻ” của Dương Thu Hương, và gần đây là tác phẩm “Ba người khác” của Tô Hoài không? Nếu giống như thế thì sao gọi là bôi bác được. Họ nói lên tất cả sự thật của xã hội lúc bấy giờ mà. Là nhà nghiêng cứu ông không bằng lòng với sự thật sao!
Từ những sự thật đau lòng ấy, khi công luận cùng người dân can đảm nói lên, tiêu biểu là báo Tiền Phong Hà Nội và nhà giáo Phùng Gia Lộc Thanh Hóa với bài “ Cái đêm hôm ấy đêm gì ” mới có “ đổi mới ” để hôm nay ông tôn vinh là một sáng suốt của Đảng quang vinh đó thôi.
Từ cái “đổi mới” đó ông mới thấy ra “Phạm Duy về thành, phải chịu tiếng phản bội kháng chiến nhưng bớt được cho chế độ ta một sai lầm là đã đày đọa một nhân tài đất nước”. Đó, giờ thì ông mới nghĩ đến cái sai, còn trước kia là đúng cả trong bất hợp lý!
Rồi đây lịch sử cũng sẽ phán xét.
Đoạn dưới ông viết “Phạm Duy ra đi để trở về, chắc chắn tốt hơn những người ở lại tại chỗ rồi phải sống giả dối, chờ hưởng hết bổng lộc vinh quang của chế độ rồi quay đầu chửi lại chế độ, chửi đồng chí, đồng đội và chửi luôn mình như đã xảy ra trong giới nhạc sĩ Việt Nam...”. Ông kết luận như vậy không thấy ngượng và không sợ mang tiếng là mọt nhà nghiên cứu mà cũng “cuốn theo chiều gió” sao? Khi nếu không có “đổi mới” PD có được về hay không, hoặc chí ít nhà báo Nguyễn Đắc Xuân có đủ tư cách và thiện chí để can thiệp cho PD về mà không bị trừng trị như đã từng xảy ra cho một số người trước đây không?
Thuở đó (chắc ông chưa quên!), người ta đã xây dựng xong chủ trương người dân chỉ là một sinh vật thụ động mọi mặt, từ việc làm đến ăn mặc theo khẩu hiệu treo khắp đó đây trong cả nước “Làm tùy sức...”. Hơn nữa, ông cũng cho rằng họ “phải sống” chứ được sống đâu. Nghĩa là họ phải vâng lời để được sống nếu không sẽ chết (vì không có công điểm. Công điểm là thực phẩm là áo quần). Là bất đắc dĩ sống bởi họ không có gì cả, không thể không vâng lời mà sống được. Ngồi mát ăn bát vàng có, nhưng có thành phần chứ không phải tát cả.
Một việc nữa. Phải chi ở đoạn trên ông đừng đưa tên Tô Hải vào thì hay biết mấy, không tự mình mâu thuẩn với mình vì: trên, Tô Hải “nhẫn nhục chịu đựng”, dưới, “giả dối...”! Kết luận hai đức tính hoàn toàn trái ngược nhau trong một bài viết.
Trong xã hội tiến bộ, dân chủ, quan niệm “ăn cây nào rào cây nấy” và “Trung thần bất sự nhị quân” không còn đất sống nữa. Ai còn giữ lập trường đó, mới là người “có nhận thức chính trị lac hậu” phải không? Huống hồ ta nay là một nước của “loài người tiến bộ”, với khẩu hiệu “không có gì quý hơn độc lập tự do”, và đang xây dựng nhà nước pháp quyền theo học thuyết tam dân của Tôn Trung Sơn (Dân tộc độc lập, Dân quyền tự do, Dân sinh hạnh phúc).
Xưa còn có quan niệm “phóng lao theo lao” tâm lý nầy nay cũng không còn hoàn toàn phù hợp trong thời đại văn minh tiến bộ nữa, nhất là đối với người trí thức, vì sự phát triển của tự do không ngừng.
Tiến bộ do trí thức nên trí thức phải thích nghi với tiến bộ.
Cái lao mà trước đây chúng ta theo đuổi là “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” đó, chúng ta phải quyết tâm theo mà thôi. Nếu không, có ai lợi dụng để vụ lợi. Hậu quả chúng ta vẫn là người chịu trách nhiệm, là tòng phạm nữa!
Tốc độ tiến bộ của khoa học thời gian qua thường được gọi nom na là “đến chóng mặt”, mà mục đích cũng không ngoài việc để phục vụ đời sống con người. Vì vậy, trong chúng ta cái mục đích theo đuổi trong quá khứ nếu hiện tại đã lạc hậu, không còn phù hợp nữa. Cũng không nên vì sỉ diện, vì lỡ phóng lao mà không từ bỏ, hoặc bằng mọi cách bám cho đến cùng.
Không vì lợi ích cá nhân mà đánh mất lòng thành.
Tiếp theo ông viết “Và có ai dám bảo đảm với Đảng trong ngăn kéo, trong ổ nhớ máy vi tính của anh em ta không còn những bút ký, hồi ký tự bạch như của Nguyễn Đăng Mạnh, Nguyễn Khải, Tô Hải không? Các anh đã có những điều cần phải nói với những người đã tự thú và cả những người đang chờ cơ hội để bộc lộ mình chưa?”. Ông nói của anh em ta là có thể có của ông trong đó rồi. Mà, nếu trong ngăn kéo, trong ổ nhớ máy vi tính của ông cũng có những tài liệu như kể trên, thì ông không là nhạc sĩ ăn lương cũng là quan chức báo chí Nhà nước. Răng nói chi lạ kỳ rứa!
Còn “những điều cần phải nói” của ba vị nhạc sĩ quan chức kể trên là những điều gì? Sao ông không bộc bạch ra luôn!
Cuối trang số 4 ông có ý quy kết nhạc sĩ Trọng Bằng và hội nhạc sĩ Việt Nam trước đây “...đã mặc cho Văn Cao ngồi in hình mình trên vách như thực tế đã diễn ra, nên sau năm 1975, Văn Cao sáng tác ca khúc mùa xuân đầu tiên vào dịp tết Bính Thìn (1976) êm đềm, đậm đà tình người, nhưng mới phát hành đã bị tịch thu các anh không có một lời bảo vệ...”. Đành rằng nhạc sĩ Trọng Bằng có những cái sai khó có thể tha thứ nhưng riêng việc “bảo vệ” Văn Cao ông có thấy ông cường điệu quá không? Ông có thể trách móc những người trước kia cũng “để mặc cho. Không một lời bảo vệ” các ông Phan Khôi, Trần Dần, Phùng Quán và (khai quốc công thần) Nguyễn Hữu Đang v.v... không? Mà tất cả phải đợi đến sau ngày “đổi mới”, Nhà nước mới phục hồi danh dự cho họ một cách chậm chạp như bất đắc dĩ vậy.
Rồi gần đây, đã gọi là “đổi mới” rồi, Trần Dần in tập thơ không được suông sẻ gì. Cũng không thấy nhà báo, nhà nghiên cứu Ngyễn Đắc Xuân lên tiếng!
Lúc vụ án “Nhân văn, giai phẩm” đưa ra xét xử công khai, xã hội ta cũng có đủ các hội: hội nhà báo, hội nhà văn, hội nhạc sĩ v.v... đấy chứ. Lúc đó, ông đang được chế độ miền Nam nuôi ăn học chứ nếu đã thoát ly ở trong hội nhà báo như hiện nay, liệu có thể có tiếng nói của nhà báo Nguyễn Đắc Xuân là người được mang danh có thiên chức hay không? Nói chi đến mấy vị nhạc sĩ ăn lương, và chỉ sáng tác theo đơn đặt hàng.
Cho đến sau nầy, chắc ông chưa quên, trước cái “Đêm trước đổi mới”, báo Tiền phong ở Hà Nôi vừa phát hành bài “Cái đêm hôm ấy đêm gì”, lập tức ở Thanh Hóa, tác giả, nhà giáo nghèo Phùng Gia Lộc bị truy bắt khẩn cấp. Đến nối những người còn chút lương tâm phải ra tay cứu mạng bằng cách giữa đêm khuya cho ông (PGL) vào toa xe lửa niêm chì kéo ra Hà Nội để sáng sớm hôm sau ông vội vã đến tòa soạn báo tỵ nạn. Bỏ lại nơi quê nhà bà mẹ già đau ốm chờ ngày chết, và vợ con đói khổ.
Cũng vậy, cô sinh viên trường Đại học tổng hợp Hà Nội, gốc người Quy Nhơn (lâu ngày tôi quên tên), trước là thanh niên xung phong lăn lộn chiến trương khu V, với bao lần suýt được Tổ Quốc ghi công, sau khi chiến tranh chấm dứt cô về đi học trở lại. Bức xúc trước thực trạng xã hội, cô làm một bài thơ phản ảnh, cũng đăng trên báo Tiền Phong, bị chính quyền tỉnh Nghĩa Bình cũ lên án. Nhân một chuyến về thăm quê, cô liền bị truy bắt để trừng trị tội phản động, nói xấu Cách mạng. Cô phải lập tức quay trở lại trường trốn tránh. Sau đó, được mật tin cho biết lệnh truy bắt của địa phương ra đến tận Hà Nội, cô phải đến xin phu nhân Đại tướng Võ Nguyên Giáp là cô dạy cũ cho trốn trong nhà mới yên thân.
Thưa ông Nguyễn Đắc Xuân.
Cũng còn vài ý nho nhỏ nữa định viết đên ông. Nhưng tình cờ, khi trở lại bàn viết (sau khi đi giải lao) gió lật đến trang thư cuối cùng, đoạn ông tâm sự với nhạc sĩ Phạm Tuyên. Tôi quyết định dừng, nhưng chỉ dừng việc bàn bạc tào lao như ở trên để, cũng tâm sự với ông một đôi điều từng trải.
Ông cho biết ông “...vốn xuất thân trong phong trào tranh đấu ở các đô thị miền Nam trước đây” nhưng lại không nói rõ đã xuất thân từ phong trào nào. Vì lúc bấy giờ cuộc chiến Việt Nam quá ác liệt (đến nỗi hôm nay nay sau gần 40 năm hòa bình, vẫn còn tiếp tục tìm kiếm hài cốt người ngã xuống). Và vô cùng dã man (khiến nhà nghiên cứu Nghiêm Xuân Hồng viết sách “Việt Nam: Chiến trường thí điểm”, liền bị CIA và cả KGB bắn tin phản ứng, tác giả phải rời quê hương qua sống trên đất Pháp). Nên cùng với sự phản kháng của thế giới, phong trào tranh đấu ở miền Nam lúc bấy giờ cũng có nhiều sắc thái: đòi hỏi hòa bình, chống độc tài, thực thi tự do dân chủ v.v...Chứ không riêng gì đấu tranh để đảng Cộng sản lãnh đạo cả nước, núp dưới danh xưng Mặt trận giải phóng dân tộc miền Nam Việt Nam, chủ trương của đảng và Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.
Riêng ông, qua thể hiện, chúng tôi được biết ông đấu tranh cho Mặt trận giải phóng miền Nam, cho đảng Cộng sản, nên sau ngày chấm dứt chiến tranh ông được hưởng tất cả ưu đãi. Nhưng rồi đến lúc nầy, mượn việc về thành của NS-PD ông kết tội cái chế độ đang ưu đãi bổng lộc cho ông đó: “... bớt được...một sai lầm là đã đày đọa một nhân tài đất nước...”. Như vậy là một chế độ sai lầm mà ông vẫn luôn luôn vun quén, và “bớt” là đã có nhiều nhưng trước đây cũng không thấy ông có ý kiến gì.
Một điều nữa, xem như ông đã được xã hội miền Nam nuôi ông ăn học thành tài, rồi ông cũng không khác gì hơn, vẫn “quay lại” phản bội, chứ nói chi đên chửi!
Nhưng thôi. Đã có khi nào lý trí ông vô tình “nhớ lại” rằng trong cái phong trào mà ông tham gia đó, từ bến Hải đến mũi Cà Mau cũng không ít thành viên, và sau khi chiến tranh chấm dứt họ như thế nào, trong cái xã hội mà đã một thời họ dũng cảm tranh đấu cho đến thành công? So với ông họ được những gì, chưa được những gì! Bởi, hình như ông hoàn toàn mãn nguyện với cuộc sống hôm nay, và rất bằng lòng với thực tại.
Sở dĩ tôi đặt câu hỏi nầy vì: “...Nhiều đêm không ngủ được, không dám tính thêm chuyện gì nữa trong tương lai mà cứ nhớ và ngẫm lại chyện cũ”. Ưu tư tôi đề cập cũng cần và đáng nhớ, đáng ngẫm trong lúc tuổi về già lắm chứ! Chứ đâu chỉ nhớ và ngẫm đến “nhân quả – vô thường, bạn – thù, công - tội” thôi sao! Hay lại có gì đó trong quá khứ khiến nay tâm trí ông trở về với bóng râm Đức Phật. Tôi thì nghĩ rằng trong số đồng bạn của mình còn không ít người vẫn “...chưa được hưởng cái hạnh phúc tự do mà cuộc chiến mang lại” chứ nói chi đến “Đền đáp trọn vẹn” như ông bạn NP nào đó phát biểu năm 2005. Mặc dù họ cũng là những người có ít nhiều đóng góp “Làm nên chiến thắng mùa Xuân 1975”.
Những người may mắn được hưởng hơn người khác “cái hạnh phúc độc lập, tự do mà cuộc chiến mang lại” cũng không phải đơn giản mà được!
Không hiểu ông thì sao?
Nếu phải nhớ, phải ngẫm thì việc ngày xưa mình mang banderole đi tranh đấu để đòi hòa binh, độc lập, tự do, công bằng và dân chủ, cái mục tiêu thiêng liêng và chính đáng đó, theo tôi nay vẫn còn nguyên giá trị!
Qua phân tích bài báo và phản biện trong thư. Thành thật cảm ơn ông đã cho chúng tôi biết được khá đầy đủ về con người của những người.
Xin dừng bút và thật lòng trao đổi.
Xuân Thới
6/2009
- Chữ trong ngoặc kép (“….”) là lời ông NĐX
* * *
Xem bài cùng tác giả: click vào đây
Xem trang Tạp văn, tùy bút: click vào đây
Trở về trang chính: www.nuiansongtra.com