1. Dẫn nhập:
“Lực Lượng Mật vụ Mỹ” hay “Lực Lượng Cận vệ Mỹ” hoặc “Lực lượng Công tác Đặc biệt Mỹ” là các nhóm từ-ngữ dịch từ “United States Secret Service” (USSS), một cơ quan trực thuộc chính quyền Liên-bang Mỹ (U.S. Federal), được chính thức thành lập từ ngày 5-7-1865 đến nay, có hai nhiệm vụ chính ở hai bộ trong chính phủ Mỹ. Ở Bộ Ngân khố (U.S. Department of the Treasury), Lực Lượng Mật vụ có trách nhiệm ngăn chặn, điều tra, bắt giữ, truy tố các tội phạm liên quan đến việc làm giả tiền tệ, trái phiếu và các gian lận thương mại, các vụ án về tài chánh gây phương hại đến kinh tế Hoa Kỳ. Ở Bộ Nội An (U.S. Department of Homeland Security), tổ chức này có trách nhiệm bảo vệ tổng thống (đương kim và cựu) cùng gia đình họ, phó tổng thống, các yếu nhân chính phủ Mỹ khi được chỉ định, ứng viên tổng thống, đại sứ quán các nước cùng yếu nhân ngoại quốc khi công cán ở Mỹ, đi theo để bảo vệ các yếu nhân Mỹ khi thi hành các công vụ đặc biệt ở ngoại quốc.
Logo của Lực Lượng Mật vụ Mỹ
Lúc mới thành lập, cơ quan nầy chỉ có nhiệm vụ truy bắt bọn in tiền giả, in chi phiếu giả, tóm cổ bọn rửa tiền, chuyển ngân trái phép để gây rối loạn nền kinh tế quốc gia và điều tra các vụ án về kinh tế. Khi nhận được báo cáo rằng khoảng một phần ba lượng tiền đang lưu thông là tiền giả, T.T. Abraham Lincoln đã ký sắc lệnh thành lập Cơ quan Mật vụ vào ngày 14-4-1865 và ủy nhiệm cơ quan thành "Đơn vị Mật vụ" vào ngày 5-7-1865 để ngăn chặn việc làm tiền giả. Đến năm 1901, Tổng thống thứ 25 William McKinley bị sát hại tại Buffalo (New York), trở thành vị nguyên thủ nước Mỹ thứ ba bị ám sát. Điều nầy làm dân Mỹ phẫn nộ, lên tiếng kêu gọi mạnh mẽ cần phải bảo đảm an toàn cho các vị tổng thống tương lai nên từ năm 1906, Lực Lượng Mật vụ Mỹ có thêm nhiệm vụ bảo vệ tổng thống rồi sau nầy thêm các yếu nhân của chính phủ. Đến thời Tổng Thống Richard Nixon, có thêm đội nữ cận vệ được thành lập, góp phần cùng các nam đồng nghiệp thi hành các nhiệm vụ được giao phó mãi đến ngày nay. Những mật vụ (hay đặc vụ, dịch từ chữ agent) trong Lực Lượng Mật vụ đã tuyên thệ hy sinh đời mình để lo cho sinh mệnh tổng thống Mỹ trong bất kỳ trường hợp hiểm-nghèo nào xẩy ra. Họ khổ công tập dượt, ứng phó trước mọi tình huống, nhất là khi đi bên cạnh tổng thống, họ là những bình phong vô hình hoặc có lúc lấy thân mình làm những chiếc mộc sẵn sàng hứng đạn thay cho tổng thống. Trong bài nầy, ta chỉ dùng danh xưng “Lực Lượng Mật vụ Mỹ” để chỉ tổ chức nầy và chỉ nói sơ lược đến nhiệm vụ bảo vệ các tổng thống Mỹ mà thôi.
2. Lịch sử thành lập.
Sở dĩ nhân viên của USSS mang tên “mật vụ” bởi khi hành sự, họ không được tiết lộ thân phận mình là ai, không như kiểu nhân viên Cục Điều Tra Liên Bang (FBI) hay cảnh sát (police), khi tông cửa vào, tay chĩa súng, miệng quát: "Đứng yên! FBI (hay cảnh sát) đây!". Từ ngày mới thành lập, Lực Lượng Mật vụ Mỹ trực thuộc Bộ Tài Chánh, sau biến cố 11-9-2001, đến ngày 01-3-2003 chính phủ Mỹ thành lập thêm Bộ Nội An (U.S. Department of Homeland Security) thì tổ chức nầy được đặt trực thuộc Bộ Nội An.
Từ ngày lập quốc đến năm 1906, các tổng thống Mỹ không hề có lực lượng chuyên môn để bảo vệ an ninh. Lúc đó, người dân và chính quyền Mỹ cho rằng “lực lượng bảo vệ riêng là công cụ của chế độ quân chủ mà những nhà lãnh đạo Mỹ thì được dân bầu lên qua bầu cử dân chủ thì không cần đến đội bảo vệ riêng”. Trong nhiệm kỳ của tổng thống đầu tiên là George Washington, nước Mỹ thường xuyên ở trong tình trạng mất ổn định: những phần tử chống đối công khai tạo phản, gián điệp Anh hoạt động mạnh. Mặc dù T.T. George Washington có rất nhiều kẻ thù {trong đó có âm mưu bắt giữ và giao ông cho quân Anh khi ông còn là Tổng Tư lệnh Lực Lượng chống Anh, một tổ chức có tới 500 người tham gia âm mưu nầy} nhưng chưa bao giờ ông Washington yêu cầu Quốc hội cấp kinh phí để xây dựng lực lượng bảo vệ riêng cho mình. Những tổng thống tiếp theo đã kế-tục truyền-thống của ông, chỉ trong những tình-huống đặc biệt mới huy-động lực lượng bảo vệ. Vị tổng thống thứ 6 là John Quincy Adams từng nhận được nhiều thư đe dọa, thậm chí có một cựu Trung sĩ quân đội đã đột nhập được vào Bạch Cung tìm ông để “thanh toán nợ nần” nhưng không thành công. Đến đời tổng thống kế nhiệm là Andrew Jackson, “một biến cố đi vào lịch sử Mỹ” đầu tiên xảy ra. Nội vụ như sau:
T.T. Andrew Jackson từng là “anh hùng quân đội” của nước Mỹ trong các cuộc chiến tranh với Anh và Ấn trước đó nên ông không ngại phải xung đột với Quốc hội, không sợ mếch lòng chính quyền các tiểu bang địa phương và cũng không e sợ cả Tòa án tối cao Mỹ. Nhận được những bức thư đe dọa, ông cũng không sợ, ông bèn gửi tất cả những bức thư đó đến một tòa soạn báo nhờ đăng lên báo, để bày tỏ thái độ “coi thường những kẻ mà ông cho là hèn nhát”. Tháng 5/1833, cựu Trung úy Robert Lundoff vốn bị cách chức và bị đuổi khỏi quân đội do ăn cắp công quỹ, đã tìm cách trà trộn vào một buổi tiệc do T.T. Jackson tổ chức. Robert Lundoff đã lén tấn công T.T. Jackson vì cho rằng chính vì ông mà hắn bị sa thải khỏi quân đội. Tuy nhiên, T.T. Jackson đã không làm kinh động đến mọi người mà chỉ một mình chống cự và đuổi kẻ tấn công ông ra khỏi cửa và cũng không thông báo việc này với cơ quan an ninh. Nhưng ngày 10/1/1835, T.T. Jackson đã gặp phải một “thích khách thật sự”, cũng là “âm mưu sát hại một tổng thống Mỹ đầu tiên” trong lịch sử nước Mỹ. Trong buổi tang lễ của Nghị sĩ Davis, hung thủ Richard Lawrence đã nhắm bắn T.T. Jackson nhưng viên đạn bị kẹt trong nòng súng, T.T. Jackson cầm gậy batoong xông về phía hung thủ, hắn bóp cò súng lần nữa nhưng súng vẫn không nổ. Richard Lawrence đã bị bắt sống, còn vị tổng thống 67 tuổi nầy đã sống sót nhờ vào “may mắn hiếm hoi”, bởi theo lý thuyết thì sác xuất đạn bị nghẹt 2 lần liên tiếp chỉ là 1/125.000. Tuy thế, T.T. Jackson vẫn không tổ chức lực lượng bảo vệ riêng cho mình.
Đến năm 1842, một người đi đường say rượu đã ném đá vào T.T. John Tyler khi ông đang đi dạo trên bãi cỏ phía Nam của Bạch Cung. Sau sự kiện này, Quốc hội Mỹ đồng ý cung cấp kinh phí để thành lập một lực lượng gồm 15 nhân viên cảnh sát, không phải để “bảo vệ nguyên thủ quốc gia” của Mỹ mà là bảo vệ Bạch Cung với danh nghĩa “tài sản của liên bang”. Quả là Hoa Kỳ…cục!
Abraham Lincoln là vị tổng thống đầu tiên được nhóm nhân viên “chuyên nghiệp” bảo vệ, đó là thời gian nội chiến Nam Bắc đi đến dữ dội nhất. Người miền Nam chống lại việc “giải phóng nô lệ” nên ngay từ lúc đầu, khi biết quan điểm của ứng cử viên Abraham Lincoln, họ đã muốn phá hoại chủ trương nầy và tổ chức ám sát Abraham Lincoln. Tháng 2/1861, ứng cử viên Lincoln dự định đi tàu hỏa từ quê hương Illinois của ông đến Washington D.C. để vận động. Cơ quan điều hành hỏa xa biết được âm mưu phá hoại hành trình của ông Lincoln nên họ đã cầu cứu Công ty “Thám tử tư Pinkerton” ở Chicago, Illinois giúp sức. Ông chủ hãng Pinkerton là Allan Pinkerton đã phái nhiều nhân viên đến những ga lớn trên tuyến đường từ New York đến Washington D.C. để làm nhiệm vụ điều tra, khám phá và ngăn chận mọi hành động của bọn phá hoại. Phần ông, đích thân đến Baltimore (ở Maryland) để điều tra về âm mưu ám sát ông Lincoln. Webster là thuộc cấp của Allan Pinkerton đã “xâm nhập” vào được trong lực lượng quân đội miền Nam và thu thập được thông tin rằng “phe miền Nam sẽ tổ chức ám sát ông Lincoln ở ga Baltimore”. Vào thời đó, mọi liên lạc thông tin không như ngày nay nên khi nhận được tin này, Allan Pinkerton đã đi liên tục suốt ngày đêm để chặn đoàn tàu chở ứng cử viên Lincoln tại thành phố Philadelphia, Pennsylvania và chọn cho ứng cử viên Lincoln một lộ trình khác an toàn hơn. {Thành công vụ nầy, sau khi đắc cử, T.T. Lincoln muốn giao cho Công ty Pinkerton nhiệm vụ đối phó với những hoạt động gián điệp của phe miền Nam. Tuy nhiên, Tư lệnh quân đội McLean thuyết phục Allan Pinkerton phụ trách hoạt động tình báo của quân đội liên bang. Trong nhiệm vụ này, Allan Pinkerton đã rất thành công}. Sau khi Lincoln đắc cử, nhóm chống đối người miền Nam muốn phá hoại lễ nhậm chức của tân T.T. Lincoln nhưng bất thành.
Chân dung cố Tổng thống Abraham Lincoln
Cuộc đời T.T. Lincoln gắn liền với chiến tranh nên Quốc hội Mỹ giao nhiệm vụ bảo vệ an ninh T.T. Lincoln cho quân đội đảm nhiệm: Bộ binh và Kỵ binh túc trực tuần tiễu quanh Bạch Cung, bảo vệ đoàn tàu khi có T.T. Lincoln trên đó. Khi cuộc nội chiến Nam - Bắc kết thúc, T.T. Lincoln mới có 4 nhân viên cảnh sát bảo vệ. Vì những nhân viên bảo vệ luôn theo cạnh ông dù ở bất kỳ đâu nên T.T. Lincoln thấy bất tiện và yêu cầu họ giữ khoảng cách xa với ông. Một phần cũng vì lý do nầy nên sau đó ông bị mưu sát. Vào tối thứ Sáu ngày 14-4-1865, John Parker là người có nhiệm vụ bảo vệ tổng thống, tháp tùng tổng thống đến nhà hát Ford. Đáng lẽ John Parker phải đứng gác ngay cửa lô ngồi dành riêng cho T.T. Lincoln nhưng Paker đã rời vị trí, đi xem kịch rồi còn đi ra bên ngoài nhà hát. Thế là vào lúc 10:15 PM, John Wilkes Booth, một diễn viên người của phe miền Nam đã vào được lô riêng của TT Lincoln, dùng một khẩu súng cỡ lớn bắn vào đầu T.T. Lincoln, ngày hôm sau thì ông tử thương. Cùng ngày, đồng bọn của John Wilkes Booth cũng âm mưu ám sát Phó T.T. Andrew Johnson và tướng Grant, Tổng Tư lệnh quân đội miền Bắc. Sau nầy, Allan Pinkerton thường nói: “Nếu để cho những thám tử của ông bảo vệ thì T.T. Lincoln đã không bị giết”. Việc ám sát T.T. Lincoln có rất nhiều uẩn khúc, ngay cả việc nhân viên có nhiệm vụ bảo vệ tổng thống lại “tự ý rời bỏ vị trí” một cách “khó hiểu” để người được bảo vệ bị bắn chết. Xem thêm bí ẩn quanh cái chết nầy ở đoạn dưới. Điều trớ trêu là văn bản thành lập Mật vụ được đặt trên bàn làm việc của T.T. Abraham Lincoln trong ngày đó nhưng ông chưa ký rồi đến đêm ông bị ám sát.
Trong 12 năm sau vụ ám sát T.T. Abraham Lincoln, nhiều chính trị gia đã bị mưu sát, đã bị giết chết lên đến 24 người. Tuy vậy, tổng thống Mỹ vẫn chưa có lực lượng chuyên môn một cách bài-bản bảo vệ. Sau nội chiến Mỹ kết thúc, lực lượng chuyên tuần tiểu quanh Bạch Cung bị giải tán, đội cảnh sát bảo vệ tổng thống từ 12 người cũng chỉ còn 3 người, ngay cả sau khi T.T. thứ 20 là James Garfield bị Charles J. Guiteau bắn chết, đội bảo vệ tổng thống vẫn chỉ có 3 nhân viên cảnh sát bình thường, không được huấn luyện về chuyên môn để bảo vệ yếu nhân đúng nghĩa. Sau khi T.T. Lincohn chết, năm 1865 tổ chức chuyên bảo vệ tổng thống Mỹ mới được chính thức thành lập. Ban đầu chỉ 10 nhân viên, sau đó được tăng cuờng nhưng đến năm 1901, tổng số cũng không quá 30 người. Đến năm 1873, nhân viên đặc vụ mới được sử dụng huy hiệu có dòng chữ “Sở Đặc vụ Hoa Kỳ". Khi chiến tranh Mỹ và Tây Ban Nha xảy ra, Sở Đặc vụ vừa bảo vệ tổng thống vừa truy bắt gián điệp Tây Ban Nha trên lãnh thổ Mỹ và thu thập tin tình báo quân sự, hoạt động gián điệp, phản gián. Chiến tranh vừa kết thúc, Sở Đặc vụ trở về với nhiệm vụ ban đầu nhưng vẫn tiếp tục nhiệm vụ bảo vệ Tổng thống Mỹ. T.T. McKinley lại bị ám sát khiến Quốc hội nhìn nhận vấn đề giữ an ninh cho tổng thống là vấn đề cấp thiết. T.T. Theodore Roosevelt chính thức giao nhiệm vụ này cho Sở Đặc vụ và vào năm 1906, Quốc hội mới chính thức giao cho Sở Đặc vụ giữ an ninh cho tổng thống và sở nầy hoạt động đến nay.
3. Tổ chức & Huấn luyện:
“Sở Đặc Vụ” là tên gọi ban đầu khi Bộ Tài Chánh đề nghị T.T Lincoln phê chuẩn khi ông còn tại chức nhưng chưa hoàn thiện. Một thời gian dài sau cái chết của T.T. Lincoln, Sở Đặc Vụ mới thực sự hình thành, nhưng chỉ có 10 nhân viên và 1 vị chỉ huy. Các nhân viên đặc vụ được tuyển lựa từ các thám tử tư và quân nhân đã giải ngũ. Sau đó số lượng nhân viên được tăng cuờng nhưng đến cuối thế kỷ XIX, con số vẫn không quá 30. Ban đầu, mỗi nhân viên chỉ được hưởng mức lương từ $4 đến $7 USD/ ngày, không có huy hiệu (logo) như nhân viên của những lực lượng khác. Huy hiệu kim loại có dòng chữ “Sở Đặc vụ Hoa Kỳ" dành cho nhân viên chỉ được sử dụng từ năm 1873. Khi chiến tranh giữa Mỹ và Tây Ban Nha xảy ra, Quốc hội Mỹ chỉ định Sở Đặc vụ bảo vệ tổng thống 24/24 giờ. Khi đó, Sở Đặc vụ không chỉ phải làm nhiệm vụ như ban đầu thành lập mà còn phải truy bắt gián điệp Tây Ban Nha trên lãnh thổ Mỹ và còn phải thu thập thông tin tình báo quân sự vì khi đó Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) lẫn Cục Điều tra Liên bang (FBI) đều chưa ra đời. Như vậy, Sở Đặc vụ đảm nhiệm luôn hoạt động gián điệp và phản gián; vì vậy, phía quân đội lẫn Bộ Tư pháp đều cho rằng Sở Đặc vụ tập trung quá nhiều quyền hạn nên ngay sau khi chiến tranh vừa kết thúc, họ bị tước bỏ bớt quyền hạn, quay trở về với những nhiệm vụ ban đầu nhưng vẫn tiếp tục duy trì nhiệm vụ bảo vệ Tổng thống Mỹ, lúc đó là T.T. William McKinley.
Những năm đầu thế kỷ 20, trên thế giới, những phần tử theo chủ nghĩa vô chính phủ đã sát hại Antonio Canovas, Thủ tướng Tây Ban Nha; Sadi Carnot, Tổng Thống Pháp; Humbert Quốc vương Italia và Elizabeth Nữ hoàng Áo. Các cuộc ám sát này đã ảnh hưởng đến Leon F. Czolgosz, một phần tử theo chủ nghĩa vô chính phủ người Ba Lan tại Mỹ và hắn lên kế hoạch ám sát William McKinley. Khi biết T.T. William McKinley sẽ tham dự một cuộc triển lãm, lợi dụng lúc tổng thống gặp gỡ những người tham dự, hắn rút khẩu súng ngắn dấu trong tay áo và bắn liên tiếp 2 phát vào T.T. McKinley, 1 phát trúng vào dạ dày đã giết chết Tổng thống thứ 25 của nước Mỹ. Cái chết của ông khiến Quốc hội Mỹ nhìn nhận vấn đề bảo vệ tổng thống một cách thận trọng hơn, vì thế, Tổng thống kế nhiệm Theodore Roosevelt yêu cầu Quốc hội giao nhiệm vụ này cho Sở Đặc vụ.
Đặc vụ trong đội Đội Phản công (Counter Assault Team, CAT).
Tất cả các đặc vụ đều trải qua các khóa huấn luyện tại căn cứ “The James J. Rowley Training Center, J.J.R.T.C.” được thành lập năm 1969, nằm ở một khu ngoại ô của thành phố Beltsville, thuộc Maryland, chiếm diện tích 500 acres (hecta) với 6 dặm đường đặc biệt để huấn luyện, cùng với 31 tòa nhà, trên một vùng cỏ cây tươi tốt với hàng rào lưới điện cao bốn mặt bao quanh. Các nam nữ Đặc vụ phải trải qua một cuộc tuyển chọn kỹ càng trước khi được nhận để đến các trung tâm tham dự các khóa huấn luyện cho nghề nghiệp tương lai của họ. Về học vấn, họ phải có trình độ Cử nhân trở lên, phải có vài ngoại ngữ ở trình độ S-3, tức là có thể đàm thoại trong các tình huống giao tiếp xã hội và nghề nghiệp (được lãnh phụ cấp ngoại ngữ, cứ 5% lương cho một ngoại ngữ). Về thể lực, phải vượt qua giai đoạn huấn luyện cam go như một quân nhân trong các lực lượng tinh nhuệ của Mỹ. Trong 10 tuần đầu là thời kỳ rèn luyện về thể chất, kết hợp với kiểm soát các yếu tố tâm lý, thần kinh v.v...Những ai vượt qua giai đoạn đầu tiên gay go này (giống như giai đoạn “huấn nhục” trong quân đội) mới được nhận và sẽ được tuyển vào một trong số 140 phòng, ban thuộc tổ chức Mật Vụ của Hoa Kỳ, học các môn kế tiếp. Về lý lịch cá nhân, gia đình, huyết thống, lòng trung thành…được xem xét thật kỹ vì sinh mạng của các yếu nhân nằm trong tay họ hàng ngày. Thời gian huấn luyện có thể kéo dài tới một năm hay hơn. Ngoài ra, khi đã ra làm nhiệm vụ, cứ mỗi thời gian hạn định (thường thì 6 tháng), bắt buộc họ phải vượt qua bài sát hạch (test) về thể lực thường xuyên, như phải vượt qua đoạn đường dài bao nhiêu trong khoảng thời gian nào tương ứng, nếu chưa được, phải làm lại, đến khi nào vượt qua những ấn định mới thôi. Sau mỗi đợt sát hạch như vậy, họ phải điền vào các bản báo cáo rằng họ đã tham gia và vượt qua các đợt sát hạch để lưu trong hồ sơ cá nhân.
Trong huấn luyện, về vũ khí, họ học sử dụng các loại vũ khí họ sẽ dùng, thực tập tác xạ, tập bắn theo bản năng trên các bia hình người thoạt hiện thoạt ẩn trên các góc phố, bụi cây, đoạn đường trống… tại các sân bắn, học phản xạ tức thời và phải biết quyết định nên nổ súng hay không trong khoảng thời gian chỉ tính bằng giây trong mỗi trường hợp. Về xe cộ, học viên tập lái các loại xe bảo vệ trên mặt đường rải đá dăm, đâu đâu cũng có vết bánh xe trơn trượt, học lái xe với tốc độ cao, các loại xe thường cũng như loại xe chống đạn thân dài mà các tổng thống Mỹ thường dùng {các xe cũ bị loại ra sẽ được đưa tới cho các học viên thực tập}. Về chiến thuật, họ phải thực tập vượt chướng ngại vật; phản ứng chiến thuật; tác chiến trên mọi địa hình địa vật, tập năng-lực phản-ứng trên đường phố được xây dựng chuyên dùng cho việc huấn luyện. Về khả năng chuyên môn, học dò tìm chất độc; học cách liên lạc thông tin; học xử dụng thuần thục computer. Họ được huấn luyện cách nhận biết dấu hiệu tội phạm, học cách phát giác những đối tượng nguy hiểm trà trộn trong đám đông, học phương pháp tách riêng chúng ra và vô hiệu hóa chúng. Về chuyên môn liên quan đến tài chánh, họ học cách thẩm vấn nghi can, sử dụng máy phát hiện nói dối; học cách theo-dõi, điều tra, lập báo cáo, đúc kết hồ sơ tội phạm về tài chánh v.v..., nghĩa là họ học và thực tập như một chiến binh cùng các khả năng chuyên môn của một đặc vụ, cả trong nhiệm vụ liên quan đến tài chánh.
Ông Joe Petro, một cựu đặc vụ, hiện là Giám đốc An ninh cho tập đoàn ngân hàng Citigroup, tác giả cuốn “Standing Next to History: An Agent's Life Inside the Secret Service” viết rằng “Việc các điệp viên được huấn luyện gắt gao giúp chuẩn bị cho họ đối phó với các tình huống khẩn cấp. Cứ vài tháng một lần, các đặc vụ lại được huấn luyện trong khoảng hai tuần ở J.J.R.T.C. [tên đầy đủ: United States Secret Service James J. Rowley Training Center (viết tắt là USSSJJRTC); gọi tắt là The James J. Rowley Training Center (JJRTC); hay RTC; hoặc Secret Service Training Academy] tại Beltsville, Maryland. Họ được đào tạo để không bao giờ giả định rằng khu vực họ đang đứng 100% an toàn. Không có chỗ cho giả định đó trong nghề này", ông Joe Petro viết. Trên lý thuyết, không có tài liệu huấn luyện chính thức nào của Lực Lượng Mật vụ Mỹ nói rằng “đặc vụ phải lấy thân che cho tổng thống”. Tuy nhiên, đặc vụ được huấn luyện lãnh đạn thay cho tổng thống (All Secret Service agents are trained to take a bullet for the President). Mỗi đặc vụ đều hiểu rằng trong tình hình nguy cấp, khi không có một phương pháp phòng vệ nào khác thì họ cần phải hy sinh chính mình để bảo vệ tổng thống, đã có 4 đặc vụ lãnh đạn thay cho tổng thống trong lịch sử của Sở Mật vụ. Ngày 01-11-1950, tại Blair House, Washington D.C., khi hai hung thủ người Puerto Rico là Oscar Collazo và Griselio Torresola mưu sát T.T. Harry Truman, đặc vụ Leslie Coffelt đã lấy thân mình làm lá chắn cho tổng thống và bị tử thương 4 giờ sau khi trúng đạn. Mặc dù đã bị thương nhưng Coffelt cũng đã bắn chết Torresola bằng 1 phát đạn vào đầu. Hai đặc vụ Donald Birdzell và Joseph Downs cũng trúng đạn khi chống trả lại 2 tay súng muốn tiến sát vào nơi tổng thống để sát hại ông. Đặc vụ thứ tư là Timothy McCathy, lãnh đạn thay cho T.T. Reagan, sẽ nói trong đoạn sau.
Về điểm nầy, có đặc vụ lại nói khác. "Có một truyền thuyết rằng các điệp viên Mật vụ phải thề sẵn sàng hy sinh mạng sống để bảo vệ tổng thống", Joe Petro viết trong sách đã dẫn. "Thực tế không hề có lời thế nào như thế và không có yêu cầu như thế". Cũng điều vừa kể, cựu Đặc vụ Timothy McCarthy (sinh: 20-6-1949, hiện là Cảnh sát trưởng thành phố Orland Park, Illinois, US.) lại nói khác. Năm 1981, trong cuộc mưu sát T.T. Ronald Reagan, video chiếu lại cho thấy Timothy McCathy đã nhảy bổ ôm chầm lấy ông Reagan, lấy ngực mình hứng đạn và bị trọng thương. Cuộc mưu sát Ronald Reagan đó xảy ra khi ông mới nhậm chức được 69 ngày. Khi Reagan vừa đọc xong bài diễn văn tại khách sạn Hilton, sắp lên xe ra về thì John Warnock Hinckley Jr. rẽ đám đông xông tới nhắm bắn vào ông. Trong tình thế cấp bách đó, Tim McCathy nhảy tới, lấy thân mình che cho cho vị tổng thống mà ông ta có nhiệm vụ bảo vệ và ông lãnh viên đạn hung thủ bắn ra lần thứ 4, trúng vào bụng. Hinckley dùng khẩu Röhm RG-14 .22 (xem hình dưới) bắn 6 viên chỉ trong 1.7 giây: viên thứ nhất trúng đầu của Tùy viên báo chí Tòa Bạch Ốc James Brady, viên thứ hai trúng lưng cảnh sát viên của District of Columbia khi ông này quay lại bảo vệ Reagan, viên thứ 3 bắn trượt, viên đạn bay cao trúng vào cửa sổ của tòa nhà bên kia đường. Khi đó, đặc vụ Jerry Parr đang đẩy Reagan vào xe limousine thì viên đạn thứ 4 bắn trúng vào Timothy McCarthy khi người đặc vụ nầy trải thân mình che đạn cho Reagan, viên thứ 5 trúng vào kính che đạn của xe và viên đạn cuối bắn theo (ricochet) vào xe chống đạn, viên đạn chuyển hướng và trúng vào cánh tay trái, lướt qua xương sườn, xuyên vào phổi và dừng lại khi cách trái tim Reagan chỉ 1 inch (22mm). Hung thủ bị tóm cổ chỉ trong 2 giây sau.
Khẩu súng Röhm RG-14 mà Hinckley bắn T.T Ronald Reagan
Trong phiên tòa cuối cùng mở vào ngày 21-6-1982, với 13 tội danh, hung thủ bị kết án tù chung thân vì “mắc bệnh tâm thần” (not guilty by reason of insanity), bị giam trong một viện tâm thần, thỉnh thoảng được cho phép về thăm nhà dưới sự giám sát của nhân viên giám thị. Tim McCarthy được bệnh viện George Washington University giải phẩu và gắp viên đạn trong bụng ra. Năm 1982, Timothy McCarthy nhận được huy chương “National Collegiate Athletic Association (NCAA) Award of Valor” về hành động can đảm nầy. Sau này, khi được hỏi: "Phản ứng thông thường là nhào xuống đất, thu mình tránh đạn. Song ông thì lại nhảy xổ đến đứng chắn trước tổng thống. Đó có phải là kết quả đào tạo huấn luyện các ông hay không?". McCarthy trả lời: "Cảnh sát, quân đội khi thấy nổ súng thì đều ẩn náu. Họ được huấn luyện như thế và đã làm đúng bài bản huấn luyện. Còn chúng tôi được huấn luyện để che chắn và di tản tổng thống. Để che chắn tổng thống, chúng tôi phải trải (spread) dài ra hết sức bằng thân mình chứ không co rúm lại tìm chỗ tránh, và thiết lập vành đai an toàn. Tôi che xong, nội vụ chỉ diễn ra trong một giây rưỡi thì hai đồng nghiệp đã đưa tổng thống lên xe rồi, trong khi các nhân viên khác nhảy bổ đến trấn áp hung thủ. Thành ra, ai có hỏi gì tôi cũng chỉ trả lời là chẳng có gì to tát hay xả thân, mà là do phản xạ có được từ huấn luyện".
Đặc vụ Joe Petro, trong sách đã dẫn, viết: "Phần lớn chúng ta cúi người khi nghe tiếng súng, tuy nhiên các Đặc vụ phải làm điều ngược lại. Khi tiếng súng nổ ra, họ được huấn luyện rút vũ khí, đứng thẳng và bắn trả. Thay vì bảo vệ bản thân, chúng tôi biến thành một mục tiêu lớn hơn. Đó là một lý do tại sao tất cả các cuộc huấn luyện của chúng tôi đều tiến hành với việc đứng thẳng. Chúng tôi không nằm sấp mà bắn". Các Đặc vụ còn được huấn luyện tính kiên trì trong mọi tình huống, mọi hoàn cảnh, mọi vị trí họ được chỉ định. "Phần lớn công việc của họ diễn ra rất nhàm chán"…"Họ đứng trên cánh đồng trong 10 tiếng hay trên bậc thang 12 tiếng. Họ đứng trong cái lạnh, cái nóng và luôn phải giữ im lặng. Việc của họ là quan sát và lắng nghe", nhiếp ảnh gia Brooks Kraft nói như vậy khi viết về các Đặc Vụ Mỹ.
Lực Lượng Mật vụ Mỹ có khoảng 6.700 người (2013), gồm: khoảng 3.200 nhân viên đặc vụ, 1.3000 nhân viên cảnh vệ mặc sắc phục {trong Đội Phản công, Counter Assault Team, CAT} và 2.200 nhân viên hỗ trợ kỹ thuật, hành chính và các công vụ khác {các đội GS-13; GS-15…}. Trong tổng số đó, có khoảng 300 nữ đặc vụ, nhiệm vụ của họ không khác gì nam đặc vụ. Từ năm 2001 đến nay, con số đặc vụ gia tăng rất nhiều so với trước đó. Họ nhận được nhiều đãi ngộ của chính phủ như: tiền thưởng khi nhập ngũ lĩnh một lần bằng 3 tháng lương, thân nhân trực hệ được hỗ trợ mua bảo hiểm y tế vốn rất cao, được nhận phụ cấp khi hội đủ điều kiện. Lương của đặc vụ phụ-thuộc vào kinh nghiệm, trình độ, phụ cấp và nhiều yếu tố khác, trong khoảng từ $43.000 USD tới $73.000 USD mỗi năm, chưa kể tiền phụ cấp công tác đặc biệt và tiền thưởng.“Sau vụ ám sát Kennedy, chi phí cho các mật vụ tăng lên chóng mặt, từ 5,5 triệu USD cho 350 người vào năm 1963 lên thành 17 triệu USD cho 600 người trong 5 năm sau đó”, mật vụ Brian Leary nói. Ngân sách thường niên của Sở Mật vụ là 1,92 tỷ USD hàng năm (năm 2013), một con số khủng khiếp, đó là chưa kể ngân sách dành cho các chuyến công tác đặc biệt không nằm trong công vụ thường xuyên.
Các nữ Mật vụ Mỹ
Về Đội đặc nhiệm nữ, tuy chỉ ra đời sau nầy nhưng họ không chịu thua sút nam giới, chứng tỏ được vai trò quan trọng của mình, đảm đương được nhiệm vụ bảo vệ yếu nhân hay các công tác khác, được huấn luyện kỹ lưỡng y như các nam đặc vụ. Về thể lực không thua kém gì các trường huấn luyện nam vệ sĩ siêu hạng cũng như về nghiệp vụ. Các nữ vệ sĩ dường như là những phụ nữ có đời sống đặc biệt, họ đặt yếu tố gia đình là thứ yếu, sau công vụ, thời gian không thuộc về họ mà phụ thuộc vào sự phân công của cấp trên theo lịch trình đi lại của các yếu nhân mà họ có trách nhiệm bảo vệ. Họ được huấn luyện thành con người có bộ “thần kinh thép” mới có thể chịu đựng được sự căng thẳng thường xuyên cho công vụ: cảnh giác từng phút, từng giây, sẵn sàng 100% vì công vụ trong các chuyến công du triền miên từ nơi này tới nơi khác, từ nước này tới nước kia theo lịch trình của các yếu nhân. Do thần kinh căng thẳng thường xuyên, thời gian làm việc nghỉ ngơi không theo thời gian giống nhau nào cả nên rất hiếm nữ đặc vụ có thể theo đuổi công việc được lâu dài. Thường thì sau khi rời công tác bảo vệ yếu nhân, đa được chuyển sang các công tác liên quan đến tài chánh: điều tra các vụ án làm tiền giả, buôn lậu, rửa tiền, các vụ án tài chánh hay làm việc cho các hãng thám tử tư hoặc bảo vệ thương nhân. Họ cũng có thể được mời gọi lại khi công vụ cần: theo dõi các tên trong “sổ đen” của Sở Đặc vụ, được phái đi trà trộn trong đám đông xung quanh các yếu nhân để theo dõi những người có mang theo đồ vật khả nghi. Dù với vóc dáng giới hạn hơn nam giới nhưng đội nữ vệ sĩ cũng có lợi thế ở chỗ họ hoạt động kín đáo sau “hậu trường”, dễ dàng trà trộn vào đám đông vây quanh yếu nhân để kịp thời phát giác các đối tượng nguy hiểm để hành động kịp thời. Khi cần, họ cũng đủ tài thiện xạ để bắn hạ đối phương có mang theo vũ khí bên người hay cũng có thể tung “quyền cước” để quật ngả đối phương. Hiện nay, không riêng tại Hoa Kỳ mà ở nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng thành lập đội nữ vệ sĩ hầu đóng góp trong nhiệm vụ bảo vệ tính mạng và sự an toàn cho các nhân vật cao cấp trên chính trường.
Nữ Mật vụ Mỹ, phía xa là chiếc Air Force One
Nữ đặc vụ Si Taxi Berger cho biết: "Điều đầu tiên những người bình thường vào nhà hàng hay làm là xem thực đơn, nhưng điều đầu tiên chúng tôi phải làm là quan sát trần nhà, vị trí ánh sáng và nhanh chóng xác định 5 lối thoát hiểm. Với tư cách là vệ sĩ, bất kỳ lúc nào chúng tôi cũng phải đặt mình trong tình trạng khẩn cấp để chuẩn bị sẵn sàng". Nói về công vụ, nữ Đặc vụ Theresa Mobo cho biết: "Chúng tôi phải làm việc với vũ khí nhưng phải đi giày cao gót, đánh son môi khi đi làm để đánh lạc hướng hung thủ. Công việc của chúng tôi chỉ có một mục tiêu duy nhất là bảo vệ yếu nhân trong mỗi công vụ". Có những nữ đặc vụ từng làm nhiều nghề khác nhau: là cảnh sát, là luật sư, là binh sĩ, giáo viên. Cô Megan Moore Herring, từng là giáo viên dạy piano nói: "Trước đây tôi chưa bao giờ chạm tay vào súng và tham gia chiến đấu. Khi tôi bắt đầu thực hành, tôi cảm thấy khẩu súng nặng như một viên gạch, nhưng giờ tôi đã quen với trọng lượng của nó".
Nữ đặc vụ tập cận chiến
Bà Julia Pierson (sinh ngày 21-7-1959 ở Orlando, FL.) mới được T.T. Obama bổ nhiệm làm Giám đốc Lực Lượng Mật vụ Mỹ vào ngày 27-3-2013, là giám đốc thứ 23 và là nữ giám đốc đầu tiên, bà có 30 năm thâm niên công vụ trong tổ chức nầy. Trước khi làm Giám đốc, bà là Chánh văn phòng của Cơ quan Mật vụ, vào nghề năm 1984 từ một nhân viên cảnh sát có 3 năm công vụ ở Orlando, Florida, được tổng thống bổ nhiệm mà không cần phải được Thượng viện chấp thuận.
4. Nhiệm vụ:
Như đã nói ở trên, chúng ta không đề cập đến tất cả các nhiệm vụ của Sở Đặc vụ ở Bộ Tài Chánh mà chỉ đề cập đến việc bảo vệ tổng thống Mỹ do Bộ Nội An chỉ định. Sau khi ứng viên Robert F. Kennedy bị ám sát năm 1968, Quốc hội đã chỉ định Sở Mật vụ bảo vệ các ứng cử viên chức vụ tổng thống và phó tổng thống. Từ năm 1965 đến năm 1968, Quốc hội thông qua quyết định bảo vệ góa phụ (chưa tái hôn) của các cố tổng thống và con của họ đến năm 16 tuổi. Năm 1994 Quốc hội thông qua dự luật: “Các tổng thống tuyên thệ sau ngày 01-01-1997 sẽ chỉ được Mật vụ bảo vệ trong 10 năm sau khi miễn nhiệm. Các tổng thống trước đó vẫn được bảo vệ trọn đời” (Treasury Department Appropriations Act, 1995: Pub.L.103-329). Ngày nay, Cơ quan Mật vụ Hoa Kỳ được ủy nhiệm để bảo vệ:
- Đương kim Tổng thống, Phó Tổng thống, người phối ngẫu và con cái dưới 16 tuổi.
- Quyền bảo vệ trọn đời dành cho cựu tổng thống và người phối ngẫu (cựu tổng thống nhiệm chức trước ngày 01-01-1997). Người phối ngẫu của họ sẽ được bảo vệ cho đến khi li dị hoặc tái hôn với người khác.
- Hôn thê của cựu tổng thống chết trong nhiệm kỳ hoặc chết trong vòng 1 năm sau khi nhiệm chức (Bộ trưởng Bộ Nội An có quyền gia tăng thời gian này lên)
- Con của nguyên tổng thống cho đến 16 tuổi hoặc trong vòng 10 năm sau nhiệm sở (tùy vào cái nào tới trước).
- Nguyên phó tổng thống, người phối ngẫu và con cho đến tuổi 16 và không quá 6 tháng sau khi miễn nhiệm.
- Các nguyên thủ quốc gia, yếu nhân chính phủ và người phối ngẫu của họ đang công du hay làm việc tại Mỹ, các vị khách danh dự khác, các đặc sứ ngoại giao chính thức của Mỹ đang công tác ở nước ngoài có tầm quan trọng cần được bảo vệ (ngoài lực lượng của ‘’Cục An ninh Ngoại giao’’ đã có sẵn).
- Các ứng cử viên chức vụ tổng thống và phó tổng thống, người phối ngẫu của các ứng viên quan trọng cho hai chức vụ (tối đa 120 ngày kể từ ngày bắt đầu cuộc tổng tuyển cử, có ngoại lệ với ứng viên Obama)
- Những cá nhân khác được đích thân tổng thống Mỹ ra lệnh chỉ định.
- Bảo đảm an ninh cho các sự kiện đặc biệt của quốc gia do Bộ trưởng Bộ Nồi An ủy nhiệm.
Tất cả các cá nhân trên đều có quyền từ chối sự bảo vệ của Mật vụ, chỉ trừ Tổng thống, Phó Tổng thống, ứng viên đắc cử Tổng thống và Phó Tổng thống, bắt buộc phải nhận sự bảo vệ theo luật định. Khi bà Hillary Clinton trở thành Bộ trưởng Bộ Ngoại giao năm 2009, Mật vụ vẫn tiếp tục bảo vệ bà, tuy nhiên, Cục An ninh Ngoại giao đảm nhận hầu hết mọi công việc kể cả công tác ở nước ngoài (bà vẫn nhận được sự bảo vệ của Sở Mật vụ - vì là vợ của cựu tổng thống).
Air Force One đang bay ngang trên núi Rushmore, tháng 2-2003
Nhiệm vụ bảo vệ tổng thống Mỹ là nhiệm vụ quan trọng nhất. Trên bộ, mỗi lần tổng thống Mỹ lên đường, dù đi công cán hay thăm viếng, hầu như cả Sở Đặc vụ chuẩn bị cho chuyến đi nầy và đa số lên đường theo ông. Sở Mật vụ nầy sắp đặt mọi chuyện, lập “phóng đồ hành quân” như một trận chiến thật sự: từ đội xe mở đường, hộ tống,…đến tuyến đường dự bị, tuyến đường rút lui khẩn cấp… đều đã được xác định sẵn. Trước khi tổng thống tới nơi, khu vực xung quanh được chó nghiệp vụ sục sạo kỹ lưỡng, máy dò được sử dụng để kiểm soát, thăm dò, cả khu vực bị phong tỏa, các cao ốc chung quanh đều có nhân viên đặc vụ thuộc “Đội phản công” (Counter Assault Team, CAT) với vũ khí, máy nhắm… trên tay canh gác hay gờm sẵn, trên các cao ốc, các góc đường lân cận. Trước lúc tổng thống rời, bất cứ ai cũng không thể ra khỏi khu vực ấn định dành cho họ. Muốn có mặt tại chỗ nầy, phải có giấy thông hành đặc biệt do Sở Mật vụ Mỹ cấp. Mọi máy móc đều bị soát xét thật kỹ, ngay cả máy quay phim, máy ghi âm, túi mang chuyên nghiệp của các phóng viên. Sở Đặc vụ tổ chức bố trí phòng vệ nhiều tầng xung quanh tổng thống. Vòng thứ nhất là những nhân viên Đặc vụ ở sát bên cạnh tổng thống: trên chuyên cơ Air Force One (A.F.1), họ cùng ngồi với tổng thống và luôn giữ khoảng cách gần tổng thống; trên mặt đất, họ lái xe hơi theo sát trước và sau xe Cadillac One. Các vòng bảo vệ khác bao gồm nhân viên Đặc vụ của đội đột kích, nhân viên Đặc vụ mặc thường phục trà trộn trong đám người nơi tổng thống đến nói chuyện và các tay súng thiện xạ Đặc vụ phục trên nóc nhà các cao ốc và ở cửa sổ các toà nhà cao tầng gần đó.
Máy bay trinh sát an ninh AWACS
Không chỉ canh giữ an ninh trên bộ mà trên không và trên biển cũng được chú ý, canh phòng, kiểm soát nghiêm nhặt khi có những chuyến đi của tổng thống Mỹ. Trong những chuyến công du ngoài nước, để bảo vệ cho chiếc A.F.1 chở tổng thống là các phi đội chiến đấu cơ hộ tống trong vùng trách nhiệm khi A.F.1 bay qua; còn có các máy bay AWACS trang bị radar cảnh giới nguy cơ trên không như hỏa tiễn, máy bay địch; máy bay do thám U-2 của không quân Mỹ bay tới bay lui trên không phận trước khi A.F.1 bay đến. Trên danh-nghĩa, “A.F.1 là chiếc máy bay quân sự do Không lực Mỹ điều hành và bảo-trì, mỗi giờ nó được trả tiền thuê là $10,000 USD”. Mỗi lần A.F.1 cất cánh được xem như một phi vụ quân sự quan trọng nhất, nhiệm-vụ hàng đầu của Không lực Mỹ, do đó, mọi nỗ-lực đều dồn vào chiếc phi-cơ nầy khi nó cất cánh hay bay qua không phận vùng trách nhiệm. Khi A.F.1 đang bay, tất cả các hệ-thống trên phi-cơ đều bật nút “ON”, phi-hành đoàn đặt trong tình-trạng ứng-chiến 100%, tất cả các căn-cứ Không-Quân, Hải-Quân, Hàng-Không mẫu hạm, tàu ngầm, các căn-cứ nổi, các tàu chiến, các đài Không lưu, các điện đài, hệ-thống quan-sát, vệ-tinh viễn thông…của Mỹ đều đặt trong tình-trạng báo-động khi nó bay ngang qua hay gần khu vực trách-nhiệm. Ngoài ra, Không quân, Hải-Quân Mỹ còn phải liên-lạc với các quốc-gia liên-hệ khi A.F.1 đang trên (hay gần) không phận nước đó. Còn nữa, các vị trí khả-nghi, các vị trí nguy hiểm cũng được các lực-lượng trực-thuộc Hoa-Kỳ coi chừng vì A.F.1 có thể bị tấn-công từ các nơi nầy. Các hoạt-động tình-báo phải làm việc đắc-lực hơn, phải điều-nghiên, quan-sát nhiều hơn các hoạt động của phe địch, luôn cả các “đồng-minh chí-cốt” của Mỹ. Các Hàng-không mẫu-hạm, các chiến hạm không được về bến khi A.F.1 bay qua vùng trách-nhiệm để làm nhiệm-vụ cấp-cứu, nếu cần. Nói chung, bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu, bất cứ loại đơn vị nào của Mỹ, khi A.F.1 cất cánh là mọi lực-lượng của Mỹ gần đó phải có nhiệm-vụ canh chừng, bảo-vệ tối-đa và sẵn sáng tiếp cứu khi có lệnh.
Ngoài việc được một lực-lượng bảo-vệ hùng-hậu và hữu-hiệu nhất như vậy, A.F.1 còn có khả năng tự chống lại khi bị tấn-công nhờ được gắn các thiết bị chống hỏa tiễn trên phi-cơ cùng các thiết bị bảo vệ khác mà phi cơ thường không có. Nó có thể tự phát sóng để đánh lạc hướng radar, phi-cơ địch. Hệ-thống này phát các làn sóng điện-từ đến các máy radar gắn trên các căn-cứ hay trên máy bay địch, các làn sóng điện nầy sẽ làm nhiễu-xạ radar hay thấy thành năm ba chiếc hoặc không đúng hướng, đúng vị-trí. Các thiết bị tối tân này được trang bị trên vài loại máy bay của Không quân Mỹ như: E-2D Advanced Hawkeye: giá 232 triệu USD/1 chiếc; VH-71 Kestrel: giá 241 triệu; P-8A Poseidon: giá 290 triệu; C-17A Globemaster III: giá 328 triệu; F-22 Raptor: giá 350 triệu; B-2 Spirit: giá 2,4 tỷ USD.
Có vài tổng thống Mỹ sau khi nhậm chức đã ngồi xe mui trần để vẫy chào người dân hai bên đường. John F Kennedy là vị tổng thống cuối cùng thực hiện điều này và ông đã bị ám sát cũng chính trên một chiếc xe mui trần. Từ đó đến nay, Cadillac là “chiếc xe an toàn” nhất cho tổng thống Mỹ, xe mui trần không còn được dùng nữa. Riêng Barack Obama, vì màu da, những mối quan ngại về an toàn cho ông xuất hiện ngay từ khi mới ra tranh cử. Nhiều người lo lắng cho ông khiến Obama trở thành người đầu tiên đầu tiên được mật vụ bảo vệ 24/24 ngay từ khi mới tranh cử, sớm hơn luật định. Trong cuốn “In the President's Secret Service”, tác giả Ronald Kessler cho biết “Từ khi Obama lên nắm quyền, số lượng các mối đe dọa nhằm vào ông đã tăng gấp 4 lần so với con số 3.000 mỗi năm dưới thời Tổng thống George W. Bush. Trung bình, mỗi ngày Obama nhận được tới 30 lời đe dọa ám sát”. Lễ nhậm chức tổng thống của Barack Obama nhiệm kỳ đầu là buổi lễ được đặt trong tình trạng an ninh cao nhất trong lịch sử nước Mỹ, được coi là "sự kiện an ninh quốc gia đặc biệt", được lên kế hoạch và tập luyện để đối phó suốt 6 tháng trước tại căn cứ quân sự Fort McNair ở Washington D.C. Tại đây, những bản đồ vệ tinh khổng lồ về khu trung tâm thủ đô Washington DC đặt tại phòng chỉ huy, do Thiếu tướng Richard Rowe chỉ huy chiến dịch, có khoảng 4.000 cảnh sát của Washington D.C., 4.000 cảnh sát được tăng cường từ các nơi khác, hàng nghìn Vệ binh Quốc gia cùng 5.000 binh sĩ và thủy thủ được trưng dụng từ quân đội để bảo đảm an ninh cho sự kiện này. Có 57 cơ quan Mỹ khác nhau tham gia vào chiến dịch nầy, ông là tổng thống da màu đầu tiên cũng là vị tổng thống đã làm cho ngân sách quốc gia tiêu tốn số ngân khoản khổng lồ nhất lịch sử từ tiền đóng thuế của người dân Mỹ cho một buổi lễ nhậm chức.
5. Bài học từ những thất bại.
Kinh nghiệm đau thương sau cái chết của T.T. John F. Kennedy ngày 22-11-1963 đặt Sở Mật vụ Mỹ vào “thế thủ” nên họ có những chương trình huấn luyện đặc biệt, rất gian khổ, làm nên một “cuộc cách mạng” về việc bảo vệ người đứng đầu nước Mỹ, mở ra một “mô hình về vòng vây thép và hỏa lực mạnh” xung quanh tổng thống như hiện nay. Trong các cuộc nói chuyện với nhiều cựu nhân viên mật vụ, thông tín viên đài VOA Kane Farabaugh đã cho biết “Sau vụ mưu sát các T.T. John Kennedy, Gerald Ford và Ronald Reagan đã dẫn tới những thay đổi về cách thức bảo vệ tổng thống và gia đình người lãnh đạo nước Mỹ”. "Tôi không chỉ trích những gì xảy ra 50 năm trước (ý nói cuộc ám sát Kennedy) hay cách mà các mật vụ thời đó làm việc, nhưng tôi muốn nói là bây giờ việc huấn luyện đã toàn diện hơn", phát ngôn viên Sở Mật vụ là Brian Leary nói. "Trong và sau quá trình rèn luyện, có rất nhiều bài học được rút ra từ kinh nghiệm trong quá khứ", ông nói thêm. Lời thề của Sở Mật vụ Mỹ sau vụ ám sát T.T. Kennedy là "Không bao giờ quên. Phải ghi nhớ những bài học của thất bại". "Mỗi năm, Mật vụ Mỹ lại nhớ đến vụ ám sát năm 1963", Dan Emmett, nhân viên mật vụ làm việc từ năm 1983 đến 2004, nói như thế. "Nhiệm vụ của mật vụ là giữ cho tổng thống còn sống bằng mọi giá và ngày hôm đó họ không làm được như thế. Đó là một ngày đầy đau đớn", Emmett, tác giả cuốn hồi ký kể về quãng thời gian ông bảo vệ những yếu nhân của nước Mỹ cho biết thêm.
Một bài học khác nữa từ vụ ám sát Kennedy, đó là các mật vụ không bao giờ được phép mở cửa kính xe hơi, cho dù như vậy khiến cho tổng thống rất xa cách với công chúng. "Càng ít càng tốt, để giảm tối thiểu những nguy cơ. Họ thực sự phải loại bỏ từng giây từng phút nguy hiểm, được chút nào hay chút đó", ông Jeffrey Robinson nói. Khi những tiếng súng vang lên ở Dallas, mật vụ Clint Hill ở vị trí tốt nhất để phản ứng, đã phân tích sự kiện hôm đó: “Chắc chắn là chúng ta đã thất bại trong việc bảo vệ Tổng Thống Kennedy”. Clint Hill tiếp tục làm việc cho Sở Mật vụ - lên đến chức Phó giám đốc, và bảo vệ cho 3 vị Tổng Thống nữa sau Kennedy - đã chứng kiến nhiều thay đổi quan trọng trong Sở mà một trong số đó và quan trọng nhất: “không bao giờ du hành bằng xe bỏ mui như chiếc xe mà TT Kennedy đã đi hôm ở Dallas”. Đặc vụ Gerald Blaine thì cho rằng một phần trách nhiệm là do thiếu nhân lực và thiếu phương tiện trong vụ ám sát Kennedy: “Chúng tôi không có máy vô tuyến. Chúng tôi làm việc bằng cách ra hiệu. Chúng tôi có các hình ảnh của các đối tượng mà chúng tôi lo ngại, và chúng tôi ghi nhớ trong óc các đối tượng đó. Chúng tôi phải dựa vào nhau để cùng làm việc như một tập thể.” Bà Lisa McCubbin đã hợp tác với Gerald Blaine để viết cuốn “The Kennedy Detail” trong đó nói rằng “Từ những khuyết điểm trong vụ TT Kennedy bị ám sát buộc phải thay đổi cách thức cung cấp ngân khoản hoạt động cho Sở Mật vụ”. Bà viết: “Vậy là việc này khiến họ nhận ra rằng nhiệm vụ của họ còn quan trọng hơn biết dường nào, và khi đó họ có thể thuyết phục Quốc Hội để có thêm tiền. Họ đã yêu cầu được cấp thêm tiền từ nhiều năm để tuyển dụng thêm người. Họ biết họ không thể bảo vệ Tổng Thống với phương tiện mà họ đã có.”
Trong lịch sử Mỹ có 4 tổng thống bị ám sát chết khi đương chức, đó là: Abraham Lincoln, James A. Garfield, William McKinley, John F. Kennedy; 13 tổng thống bị mưu sát mà không chết hay bị mưu sát bất thành, gồm có: Andrew Jackson, Theodore Roosevelt, Herbert Hoover, Franklin Roosevelt, Harry Truman, Richard Nixon, Gerald Ford, Jimmy Carter, Ronald Reagan, George H.W. Bush, Bill Clinton, George W. Bush và Barack Obama.
6. Trang bị.
Những Đặc vụ không chỉ là những người luôn mặc vest, đeo cà vạt, kính đen và đeo ống nghe ở tai, mang súng ngắn dấu trong người… mà còn là những người được trang bị vũ khí tối tân thuộc “Đội phản công” (Counter Assault Team, CAT). Đây là lực lượng chiến đấu tinh nhuệ của Sở để đối phó với những tình huống đặc biệt, nhất là khi tổng thống Mỹ công du ở ngoại quốc. Họ không có mặt quanh tổng thống khi ông có mặt trong đám đông nhưng có mặt ở các góc phố, các con đường quanh co mà gian tế có thể hiện diện, ở các bậc thang, trên mái các tòa nhà, trên các lối đi, trên nóc các cao ốc, với vũ khí trên tay, 100% sẵn sàng chiến đấu. Các Đặc vụ sử dụng những loại vũ khí thuộc loại tân tiến, tinh xảo nhất, gồm những khẩu súng ngắn SIG Sauer P229 tốt nhất dùng trong các cuộc đọ súng, súng ngắn Remington 870, súng tiểu liên Uzi và súng tiểu liên FN90 tiện dụng nhất trong các cuộc đọ súng (xem hình). Riêng "Đội Tấn công", xử dụng các loại vũ khí tấn công, như M4, M4-A1, các loại vũ khí hữu dụng trong tác chiến, như những quân nhân trong Lực Lượng Đặc biệt, Người Nhái SEALS,Nhảy Dù, TQLC Mỹ thường dùng. Họ mặc những bộ áo giáp chống đạn tối tân, nhẹ nhàng, cản các loại đạn thường hay mảnh lựu đạn, chất nổ.
Súng SIG Sauer P229 các Đặc vụ sử dụng
Súng Remington 870
Súng tiểu liên Uzi
Súng tiểu liên FN90
Ngay sau chiếc limousine của tổng thống Mỹ là “đội biệt kích trong một chiếc SUV chống đạn với sức mạnh đủ để tấn công một quốc gia nhỏ", ông Robinson cho hay như vậy, bởi vì mỗi lúc chiếc Cadillac One {mang tên “The Beast” (quái vật), xe dành riêng cho T.T. Mỹ} di chuyển còn có nhiều xe của Sở Mật vụ chạy trước và sau nó, cùng với xe cảnh sát, mô-tô hộ tống, dẹp đường, đôi khi có cả phản lực cơ hay trực thăng vần vũ trên không.
7. “Mật danh” của một số yếu nhân Mỹ.
Cơ quan mật vụ Mỹ thường không gọi tên riêng mà đặt “mật danh” cho các yếu nhân và thành viên gia đình mà họ có nhiệm vụ bảo vệ. Các tên gọi này lại là những “bí mật mở”, không liên quan gì đến vấn đề an ninh, chỉ ể dễ nhớ, dễ phát âm khi các điệp viên thì thầm vào chiếc miro ở ống tay áo khi họ dùng thiết bị liên lạc bằng radio. “Tên của họ không phải là tối mật..., mật danh không liên quan gì đến vấn đề an ninh”, phát ngôn viên Eric Zahren của Cơ quan mật vụ cho biết như vậy. PTT Al Gore thường nói với mọi người là ông có mật danh “chỉ là Al Gore vì mật danh mà Cơ quan mật vụ gọi ông rất chán”. Theo tờ Washington Post, ông Gore mới đầu được gọi là “Sawhorse” nhưng không rõ vì lý do gì sau được đổi thành “Sundance”. Mật danh nhiều khi cũng khiến cho “khổ chủ” bối rối. Khi ông Al Gore trở thành PTT, cô con gái 19 tuổi Karenna Gore của ông phải tự chọn mật danh cho mình. Năm 1997, cô kể lại: “Kể từ 4 năm trước, khi đặt tôi vào tình huống khẩn, họ đã bảo tôi nói “một từ có hai âm tiết” và “phải bắt đầu bằng chữ “s”. Khi tôi đang cúi gập người ở ghế sau thì được nhận diện với cái tên “Smurfette””, Karenne Gore kể lại. Không có một nguyên tắc nào cho cách đặt tên kiểu nầy. Dưới đây là một số mật danh của vài yếu nhân Mỹ và thân nhân của họ, được Sở Mật vụ đặt, biết cho vui:
- Rawhide (da sống): là biệt danh của T.T. Ronald Reagan;
- Deacon (người trợ tế): Tổng thống Jimmy Carter
- Passkey (chìa khóa vạn năng): Tổng thống Gerald Ford
- Timberwolf: George H. W. Bush
- Snowbank or Tranquility: Barbara Bush
- Tuner: Marvin Bush
- Trapline: Neil Bush
- Tripper: Jeb Bush
- Tiller: Dorothy Bush
- Eagle (đại bàng): TT Bill Clinton;
- Evergreen (cây thường xanh): Hillary Clinton;
- Energy (năng lượng): Chelsea Clinton, con gái của Clinton.
- Headache: Roger Clinton.
- Sawhorse: PTT Al Gore (sau được đổi thành Sundance);
- Smurfette: Kareena Gore, con gái cựu P.T.T. Al Gore;
- Trailblazer (người tiên phong): TT George W Bush (sau có tên Trailblazer: )
- Tempo (tốc độ): Đệ nhất phu nhân Laura Bush;
- Turquoise (ngọc xanh lam): Barbara Pierce Bush (con gái lớn của T.T. Bush con)
- Twinkle (lấp lánh): Jenna Bush (con gái thứ hai [song sinh] của T.T. Bush con)
- Angler (người đi câu): PTT Dick Cheney;
- Renegade (người nổi loạn): TT Barack Obama;
- Renaissance (phục hưng): Đệ nhất phu nhân Michelle Obama;
- Radiance (chói sáng): Malia Obama; con gái lớn của Obama
- Rosebud (nụ hồng): Sasha Obama, con gái thứ 2 của Obama;
- Celtic: PTT Joe Biden;
- Phoenix (Chim phượng hoàng): Ứng cử viên John McCain;
- Parasol (chiếc dù): Cindy McCain (bà McCain).
- Denali (tên công viên quốc gia ở Alaska): Bà Sarah Palin (ứng cử viên PTT);
- Driller (máy khoan): Todd (chồng bà Palin, làm ở nhà máy lọc dầu);
- Denali: Liên danh tranh cử của ông, bà Sarah Palin (là tên công viên quốc gia ở tiểu bang Alaska quê nhà bà và dự án đường ống khí tự nhiên ở đó).
8. Những mẩu chuyện liên quan đến Lực Lượng Mật vụ Mỹ.
Người dân Mỹ biết có một cơ quan do chính phủ tổ chức để bảo vệ yếu nhân, nhất là tổng thống nhưng chưa biết những chi tiết, bí ẩn, công việc hàng ngày của cơ quan nầy như thế nào cho đến khi cuốn “Protecting the President: The Inside Story of a Secret Service Agent” do hai mật vụ Dennis V.N. McCarthy và Philip W. Smith kể lại, do nhà xuất bản William Morrow & Company phát hành vào ngày 1-11-1985 thì họ mới rõ hơn. Trong cuốn sách nầy, Dennis V.N. McCarthy, người đã có “28 năm trong nghề”, đã giữ an ninh cho 5 đời tổng thống Mỹ kể lại nhiều tình tiết ly kỳ, hấp dẫn. Dưới đây, các đoạn văn trong ngoặc kép (“…”) là lời của Dennis V.N. McCarthy trong cuốn sách đã dẫn.
Quang cảnh vụ ám sát Reagan: 2 đặc vụ bị bắn, vài đặc vụ
che cho T.T. Regan, còn các mật vụ khác rút súng cầm tay.
Nói về bí mật của Lực Lượng Mật vụ Mỹ, Dennis Mc Carthy viết: “Nếu có điều bí mật như dư luận muốn biết, chẳng qua chỉ bởi từ cái danh xưng của tổ chức ấy mà thôi. Khởi thủy, thật là một sự trớ trêu, vào năm 1865, cố T.T. Abraham Lincoln cho lệnh thành lập cơ quan Mật Vụ, và chỉ được ít ngày sau, lại chính TT bị ám sát! Đầu tiên, TT Lincoln muốn tạo ra nó để truy lùng và tiêu diệt bọn tứ chiếng giang hồ hoành hành ở miền Tây Hoa Kỳ. Thành tích bất hảo ở chúng là chuyên “làm bạc giả”. Chính phủ Liên Bang cần “cài” người của mình vào trong tổ chức của bọn vô chính phủ này. Nhưng phải đợi đến năm 1902, sau vụ ám sát thứ hai xẩy đến cho TT William McKinley, quốc hội mới bỏ phiếu chấp thuận đạo luật cho cơ quan Mật Vụ có sứ mạng bảo vệ trực tiếp TT Hoa Kỳ. Và, sở dĩ chọn như vậy cũng là vì ngẫu nhiên thôi, bởi vì cơ quan này ở kế cận Bạch Cung. Mỗi khi có chuyện cần, điều động nhân viên cũng thuận tiện hơn”.
Về trang phục của các Đặc vụ, Dennis cho biết: “Chúng tôi không chủ trương dấu mặt. Chúng tôi không muốn rằng những kẻ chủ mưu cứ phải nhận ra chúng tôi tại hiện trường. Yếu tố tâm lý ấy có một ảnh hưởng sâu sắc. Khi nghĩ rằng chúng tôi đang nhìn y, hung thủ phải bận tâm đối phó và dễ bị để lộ ra những cử chỉ sơ hở. Còn về cặp kính đen thì để bảo vệ đôi mắt của chúng tôi một khi thủ phạm hắt sơn hay định tạt acid. Ngoài ra, cũng còn để cho hung thủ không thể biết chúng tôi đang nhìn y hay nhìn ai khác khi trà trộn trong đám người ngay, kẻ gian sẽ mất đi phần nào sự bình tĩnh cần thiết”.
Về nhiệm vụ, McCarthy tâm sự: “Lúc ban mai, khi vừa mở mắt đón những tia sáng bình minh, câu hỏi hãi hùng chứa chất đầu tiên đã hiện đến trong tôi là làm thế nào ngăn chận cho kỳ được một kẻ sát nhân. Mối đe dọa ghê gớm kia đeo đuổi chúng tôi đến tận cùng buổi chiều tà nhường chỗ cho màn đêm bao phủ. Tóc xanh của bọn người chúng tôi sớm ngả mầu muối tiêu cũng là điều dễ hiểu. Hoa Kỳ há đã chẳng có một quá khứ lập quốc nặng nề sao? bắt nguồn từ cuộc “chinh phục miền Tây” với những năm tháng dài triền miên chìm đắm trong bạo lực, trong súng nổ máu rơi. Lịch sử này, cảnh tượng này làm gì có ở Âu Châu đâu? Chẳng những thế, vì nhiều nguyên nhân xã hội phức tạp, trên đất Mỹ có khá đông những con bệnh thần kinh (đâu chỉ có những âm mưu của phía địch bên ngoài). Họ trút tất cả trách nhiệm vào ông tổng thống. Không công ăn việc làm, gia đình gãy đổ, rồi ngay đến bệnh tật đau đầu nhức óc...cũng tại tổng thống hết. Có nhiều trường hợp, họ kéo nhau trước Tòa Bạch Cung đòi gặp tổng thống chỉ vì những lý do không đâu vào đâu. Thật tình, hiện tuợng này ít thấy có ở một quốc gia nào khác ngoài Hoa Kỳ”.
Về trách nhiệm và nỗi ưu tư của mỗi Đặc vụ, Dennis viết: “Thời TT Reagan, hàng ngày, mạng lưới an ninh bảo vệ tùy theo thời khóa biểu hoạt động của TT mà tăng giảm con số nhân viên đặc trách. Bình thường là 20. Cao hơn là 200 người. Khi TT đứng trước đám đông quần chúng, tầm mắt của chúng tôi luôn chú ý đến bọn người “tay đặt trong túi áo, túi quần”. Chỉ khi nào họ đưa hai tay ra ánh sáng như mọi người khác, chúng tôi mới thở phào nhẹ nhõm. Riêng về chúng tôi thì đôi tay của chúng tôi không bao giờ được vướng mắc vào vật gì cả. Nghiêm lệnh, là không được phụ giúp “Đệ Nhất Phu Nhân” ôm bó hoa hoặc giương cây dù che cho TT. Nếu trời đổ mưa, TT cứ phải chịu đội mưa, chịu ướt mà rời xe bước vào thềm nhà hay ngược lại. Mỗi lần xuất ngoại là cả một vấn đề âu lo đặt ra cho chúng tôi, dù trước đó chúng tôi đã liên hệ mật thiết với cơ quan an ninh của quốc gia đón tiếp, trao đổi kế hoạch. Nhưng có biết bao phức tạp kể không xiết. Xin đưa một hình ảnh cho dễ hiểu: Ngày TT Reagan sang thăm nước Áo, bộ máy bảo vệ tại địa phương có khoảng 2.000 đặc vụ. Đoàn chúng tôi đi theo 200 người. Các nhân viên chìm của họ không đeo một sắc hiệu nào. Khi máy bay TT Reagan vừa hạ cánh, cả rừng an ninh ùa ra làm nhiệm vụ của họ. Thật là may, chứ nếu có ai trong bọn họ, vì một lý do nào đấy, đưa tay vào bọc rút súng ra ngoài thì chắc chắn anh em chúng tôi phải hạ sát ngay. Làm sao còn có thời giờ để phân biệt nữa. Theo kinh nghiệm riêng, tôi thấy rằng dễ phối hợp với cơ quan Mật Vụ Nga và Trung Cộng trong việc bảo vệ TT Mỹ khi đặt chân lên vùng đất của họ, vì họ có nhiều biện pháp nghiêm ngặt đối với quần chúng nước họ. Nhưng nói thế thôi, chỉ trừ phi máy bay TT đáp xuống phi trường Hoa Thịnh Đốn, và xe đưa về tận khuôn viên Bạch Cung rồi, lúc đó chúng tôi mới trút được cơn ác mộng”.
Về những nghi can là “sát thủ”, tác giả cuốn sách chia xẻ: “Cái khối người hành động vì những động-cơ cá nhân này, có chừng 40.000 tản mác trên khắp các tiểu bang. Cơ quan an ninh Liên Bang đều nắm rõ lý lịch và địa chỉ của chúng. Trong số, phân loại, có rất nhiều kẻ “cuồng loạn”, “mê sảng”. Ngoài đường phố qua lại, chúng có vẻ bình thường, cho tới một giây phút bất chợt nào đấy, chúng nhìn thẳng vào...“mục tiêu” và nổ súng. Đến lúc đó thì không ai kịp đề phòng nữa. Giữa đám nguy hiểm này - bọn được nhận diện là “cực kỳ nguy hiểm” - tình nghi sát hại tổng thống, có khoảng 200 tên. Cứ mỗi dịp tổng thống rời Tòa Bạch Cung đến thăm một nơi nào thì bộ máy an ninh mất ăn mất ngủ. Nhiều phương pháp đối phó được đem áp dụng, bao vây chúng. Chỉ cần có một hai kẻ di chuyển ra khỏi thành phố chúng cư ngụ là đạo quân an ninh bám sát ngay, thông báo cho nhau sát nút. Nhưng đứng trên tất cả vẫn là thiểu số “công dân” không thuộc vào các thành phần trên. Những phần tử này, ngoại hạng. Họ “hiền hòa” như bao triệu người khác, chưa hề gây sự lưu ý nào cho guồng máy an ninh, như Lee Oswald, thủ phạm giết TT Kennedy hoặc như John Hinckley, kẻ bắn TT Reagan vào năm 1981. Với các chuyên viên thượng thặng bảo vệ tổng thống thì đây là một ám ảnh khủng khiếp nhất, người ta mệnh danh hung thủ không khác nào những “trái bom nổ chậm”.
Các mật vụ bảo vệ T.T. Obama khi ông rời A.F.1
Về cuộc mưu sát Reagan, ngoài phần kể lại của Timothy ở đoạn trên, sau đây là lời kể của Dennis: “Hôm ấy, ngày 30/3/81 vừa kết thúc bài diễn văn trước một cử tọa đông đảo tại sảnh đường Hilton Hoa Thịnh Đốn, TT Reagan cáo biệt ra về Tòa Bạch Ốc. Tôi bước ra trước, đảo mắt nhìn quanh khắp lượt. Hoàn toàn không có gì khả nghi. Chỉ là một quang cảnh khá quen thuộc. Dân chúng tập trung vẫy tay hoan hô, chào mừng tổng thống. Nét vui tươi hiện rõ trên khuôn mặt từng người. Khi tổng thống chỉ còn cách chiếc xe hơi lộng lẫy bọc thép chống đạn độ 5m, bỗng tai tôi nghe như có một tiếng pháo nổ, tiếng nổ từ trái bong bóng của trẻ em thường thả bay lơ lửng thì đúng hơn. Rồi một tiếng thứ hai kế theo liền. Đúng là tiếng súng rồi! Và cùng lúc tôi nhìn thấy nòng súng đưa lên, phản ứng bén nhậy lẹ như tia chớp, tôi lao mình tới phía hung thủ. Mọi sự chỉ diễn ra trong một giây rưỡi đồng hồ nhưng đủ để cho kẻ sát nhân bắn ra 6 viên đạn. Tôi quật ngã y trong khoảnh khắc. Thời gian ấy, TT Reagan còn có thêm cố vấn Bạch Cung James Brady và một nhân viên bảo vệ bị trúng đạn. Quả thật cái điều chúng tôi nơm nớp lo ngại đã đến. Cả đời tôi tập dượt, chuẩn bị ứng phó hàng trăm lần trước những tình huống gay cấn như trên, thường được anh em chúng tôi mệnh danh tắt là “A.O.P” (Attack on the President). Tuy nhiên, tập gì thì tập, khi “tổng thống bị hung thủ ra tay ám hại”, tất cả chúng tôi hoàn toàn hành động theo phản ứng mà phản ứng thích nghi duy nhất là đem thân mình ra đỡ đạn. Chúng tôi triệt để chấp nhận điều này không hề bao giờ thắc mắc”.
Đề cập đến cá nhận các tổng thống Mỹ, McCarthy cho độc giả biết: “Trong thực tế, không phải vị tổng thống nào cũng “muốn được bảo vệ”. Có vị khó chịu ra mặt. Nhưng luật là luật. Tỉ dụ, với TT Jimmy Carter, ông không có vấn đề gì gay go đặt ra trong suốt nhiệm kỳ. Ông không có “kẻ thù”. Vì thế, ông bực bội khi thấy đoàn an ninh bao quanh. Có lúc, trong bọn chúng tôi đã phải nhã nhặn thốt ra: “Thưa tổng thống, chính Quốc Hội đã gửi chúng tôi đến đây. Chúng tôi phải làm tròn bổn phận”. Vai trò của sở Mật Vụ chỉ thực sự bước vào giai đoạn chủ yếu sau ngày cố TT Kennedy bị ám sát ở Dallas. Tình thế ngày nay lại sôi bỏng hơn. Trong hai thập niên gần đây đã càng rõ ràng thêm, qua các vụ sát hại TNS Robert Kennedy, lãnh tụ da đen Martin Lurther King và những tiếng súng mưu sát nhằm vào thống đốc Wallace, TNS Edward Kennedy. Ngày nay các vị tổng thống kế tục nhau đều đã chịu sử dụng xe bọc thép chống khủng bố mỗi lần xê dịch, và mặc áo lót chống đạn. Chúng tôi vẫn nhớ như in cơn nóng giận của cố TT Lyndon Johnson: Ngày 6.6.1968 sau vụ ứng cử viên Đảng Dân Chủ Robert Kennedy (đã có tất cả hy vọng được đề cử ra tranh ghế tổng thống) bị bắn gục, thì vào nửa đêm, TT Johnson cho triệu giám đốc sở Mật Vụ Liên Bang đến Bạch Cung gay gắt hạ lệnh: “Các ông chỉ có từ giờ đến sáng mai để chuẩn bị. Tôi muốn các ứng cử viên phải được triệt để bảo vệ. Không thể có chuyện đáng tiếc nào xẩy đến nữa”.
Cuộc sống riêng tư của các tổng thống, Dennis kể lại không nhiều nhưng cũng giúp độc giả thấy được phần nào. Ông viết: “Tại Tòa Bạch Ốc, những phòng riêng của TT và gia đình đều ở từng lầu trên. Tôn trọng khung cảnh ấm cúng riêng tư, chúng tôi không bước lên lầu, chỉ canh phòng ngay chân cầu thang và các lối đi về phía thang máy. Ngoại trừ, dưới thời TT Johnson, ông luôn có cảm nghĩ sợ sệt là bị chết bất thình lình vào đêm khuya, do đó, đã yêu cầu chúng tôi đứng gác ngay trước cửa phòng ông ngủ. Thông thường, việc canh phòng như thế này chỉ xẩy đến vào lúc TT Hoa Kỳ công du ở ngoại quốc mà thôi. Tôi còn nhớ một trường hợp khá buồn cười mà cũng thật “lên ruột”. Dạo ấy, TT Nixon đi viếng thăm chính thức các nước Âu Châu trong 13 ngày. Đến thủ đô Hung-Gia-Lợi là chặng chót, ông cảm thấy mệt mỏi. TT nghỉ đêm tại Sứ Quán Mỹ. Lúc đó vào 1 giờ sáng, TT Nixon liên lạc điện đàm với cố vấn Bạch Cung ở Hoa Thịnh Đốn. Bỗng nhiên câu chuyện chấm dứt, thế nhưng, thật lâu sau phút ấy, điện thoại viên Bạch Cung cảm nhận được điều khác lạ, bất thường, vì tuy đường dây vẫn “bận” chưa cúp, mà tiếng nói thì hoàn toàn vắng bặt. Nhân viên phụ trách điện thoại bèn vội báo cho cơ quan Mật Vụ. Nhiều giả thuyết được đặt ra như lằn chớp: “TT bị ám sát chăng?” hay “bị chứng tim bất thình lình?”. Tôi có trách nhiệm bảo vệ kề cận TT, bèn “bay” lên lầu ngay. Sau phút quan sát hệ thống truyền hình kiểm soát toàn bộ quanh tòa nhà, không thấy gì khả nghi, tôi mở nhẹ cửa phòng. Đèn ngủ đầu giường vẫn bật sáng, TT Nixon đang an giấc ngon lành nhưng ống giây nói thì...gác nơi vai ông. Thì ra lý do là vậy! Không muốn phá giấc ngủ ở ông, tôi nhẹ nhàng cúi xuống nhấc ống nói ra, TT Nixon giật mình choàng dậy, hoảng hốt, có lẽ lầm nghĩ là đang đối diện với hung thủ định xiết cổ ông. Chỉ một giây thôi, ông nhận ra tôi, ngỏ lời cám ơn”.
Trong một đoạn khác, McCarthy kể: “Chúng tôi rất gần gũi với vị TT và gia quyến ông. Nhưng vẫn có một khoảng cách. Còn gì thân hơn, ngay vào giờ khắc mở quà Giáng Sinh, chúng tôi đâu có vắng mặt được? Chúng tôi biết rõ cá tính của từng vị. Chúng tôi duy nhất là những người chứng kiến TT Hoa Kỳ mặc “pyjama” kia mà. Vậy còn có gì xa lạ? Nhưng những điều chúng tôi nghe, thấy đều không dễ nhập vào chúng tôi! Chúng tôi trung thành với lời hứa là không bao giờ tiết lộ sự “riêng tư” thuộc về các vị ấy cả. Các vị ấy đã tin cậy, tín nhiệm nơi chúng tôi. Chúng tôi không thể “bội ước”, vi phạm”. “Thỉnh thoảng tôi cũng có dịp chứng kiến một đôi nét buồn bã lộ ra nơi vị tổng thống, tôi muốn nhắc đến trường hợp TT Nixon. Dạo ấy, vụ tai tiếng “Watergate” đang ầm lên. TT Nixon bước vào căn phòng bầu dục Tòa Bạch Ốc để ngỏ lời trước công luận, trên đài truyền hình. Lúc kết thúc, TT tiến đến bắt tay chào hỏi các chuyên viên kỹ thuật và ban phụ trách. Ông cũng lại trao đổi với họ đôi lời hài hước vui vẻ. Nhưng khi TT và tôi rời khỏi phòng ấy, bước vào dãy hành lang có nhiều cột đá lúc trời đã sẫm tối, bỗng nhiên ông dừng lại, dáng cách uể oải buồn chán. Không cần biết có tôi ở bên, TT Nixon tựa đầu vào cây cột, ủ rũ, mắt đẫm lệ. Đây là lần đầu, tôi được thấy tận mắt ông đau khổ đến thế. Tôi hết sức muốn lại gần ông, nói với ông rằng tôi cảm thông nỗi buồn của ông vô cùng, nhưng lý trí lại không cho phép tôi làm thế. Bổn phận của tôi là phải cảnh giác từng giây, bảo vệ sinh mạng của ông. Tuy nhiên tôi vẫn nhòm chừng, chờ ông lấy lại sự bình tĩnh. Và giữa hai chúng tôi, không một ai thốt ra lời nào. Trong tôi, cho đến mãi về sau này, tôi phải nhìn nhận là tôi rất cảm mến TT Nixon”.
Mỗi đặc vụ cũng có những huyền thoại của riêng họ. Năm 1975, đặc vụ Larry Buendorf phát giác một phụ nữ trong đám đông tại Sacramento khi Tổng thống Gerald Ford đang bắt tay dân chúng. Buendorf nhận thấy cử chỉ và ánh nhìn của cô ta có cái gì rất lạ. Khi cô ta với tay lấy cái gì đó, Buendorf đứng chắn trước mặt tổng thống, hét lớn "có súng" và tóm lấy khẩu súng của người phụ nữ kia. Cò súng vướng vào ngón tay cái của Buendorf và không nhả đạn. Phụ nữ này sau đó được xác định là thành viên của tổ chức Squeaky Fromme, định ám sát tổng thống Ford.
Đặc vụ Joe Petro nói rằng mỗi đặc vụ có những “mẹo” riêng để phát giác những mối nguy hiểm trong đám đông. Ông kể: "Mỗi đặc vụ tự tạo ra một cách để quan sát. Chúng tôi đều trải qua huấn luyện như nhau song có những phong cách riêng. Chúng tôi để mắt tới những kẻ trông lạc lõng trong đám đông, những kẻ không cười khi tất cả đều cười và vẫy tay. Đôi khi các đặc vụ thấy ai đó nhìn chằm chằm vào họ. Có thể, họ chỉ tò mò về công việc của đặc vụ cũng có thể họ liếc sang anh khi vừa quan sát mục tiêu chính. Đó là một dấu hiệu lạ và đầy tính báo động, dù rằng có thể ngay sau đó, nó chẳng mang ý nghĩa gì cả".
Thông thường, các toán đặc vụ không bao giờ để lộ diện với người ngoài, nhất là ở ngoại quốc nhưng cũng có những tình huống ngoài dự định, chẳng hạn trong chuyến công du của T.T. George W. Bush tại Panama vào tháng 6-1992. Hôm đó, T.T. George Bush cùng phu nhân tháp tùng Tổng thống Panama tới tham dự một buổi meeting ngoài trời. Đột nhiên cảnh sát địa phương nổ súng ì ầm rồi tung lựu đạn cay để giải tán người biểu tình chống chính phủ. Sau tiếng nổ đầu tiên của lựu đạn, các Đặc vụ Mỹ lập tức bao quanh vợ chồng T.T. Bush, giương ra các loại vũ khí họ mang theo, đồng thời một toán đặc vụ thuộc “Đội phản công” (Counter Assault Team, CAT) với đầy đủ vũ khí loại tấn công, máy nhắm, mang mặt nạ phòng hơi độc chạy ngay đến bảo vệ tổng thống. Họ khoác áo chống đạn và mang mặt nạ ngừa hơi độc cho ông bà Bush, áp sát và đưa hai người rời khỏi lễ đài, chạy đến nơi đã định trước, tại đó, đã có đoàn xe Cadillac One và xe của Sở Đặc vụ nổ máy chờ sẵn. Sau khi T.T. Bush lên xe, cả đoàn xe lao vội vã hụ còi vang trời chạy khỏi nơi nguy hiểm. Sau đó, các đặc vụ ở các “chốt” khác mới được lần lượt rút lui theo lệnh của vị chỉ huy như chiến thuật đã định.
9. Những lỗi lầm của Sở Mật vụ Mỹ.
Bất cứ cơ quan, tổ chức nào cũng không tránh khỏi những sai sót, lỗi lầm, thất bại trong công vụ hay trong nội bộ. Với Lực Lượng Mật vụ, sai sót trong vụ ám sát Kennedy được xem là lỗi lầm lớn nhất. Dĩ nhiên đó là những bài học đáng giá và có những biện pháp để sửa sai. Vấn đề phân biệt chủng tộc trong nội bộ cũng là vấn nạn đáng chú ý (cơ quan FBI cũng không tránh khỏi vấn nạn nầy). Xin nêu vài việc. Trong năm 2003 có 1 email được gửi tới một số đặc vụ, có tựa đề (subject) "Harlem Spelling Bee", có một danh sách những định nghĩa "đen" của các từ ngữ mang tính phân biệt chủng tộc. Một email khác ghi một chuyện cười về lối hành hình của những kẻ phân biệt chủng tộc Mỹ đối với người da đen. Nguy cơ không giảm, đến độ các “nạn nhân” phải đưa ra pháp lý. Một nguyên đơn trong một vụ kiện đưa ra ví dụ hiển nhiên về cái được cho là “sự không khoan dung về sắc tộc”, đó là trường hợp của Camilla Simms, một đặc vụ 41 tuổi, tùng sự tại một văn phòng ở Chicago, gia nhập cơ quan Mật vụ năm 2002. Bà Simms nói về sự kỳ thị chủng tộc thường diễn ra. Chẳng hạn vào năm 2003 khi Sở Mật vụ Mỹ phát những quyển lịch có in hình hai mật vụ, một nam da trắng và một nữ da đen, bà Simms thấy trong nhiều quyển lịch của nhân viên da trắng, mặt của người phụ nữ da đen bị dán giấy trắng. Bà đã phàn nàn, có người vứt bỏ nhưng một số đồng nghiệp da trắng "phớt lờ và tẩy chay". "Tôi là nữ mật vụ da đen duy nhất vào thời điểm đó. Là một thám tử cảnh sát, tôi đã được tạo cơ hội để tỏa sáng. Sau đó, tôi tới làm việc cho cơ quan Mật vụ và tôi cảm thấy như mình đã gặp tai họa", mật vụ Simms kể. Vấn nạn nầy thật khó chấm dứt, nó tiềm ẩn trong tâm tư của con người tuy ngoài mặt họ không biểu lộ công khai vì phải tuân thủ pháp luật Mỹ.
Tới thời Obama, Mật vụ Mỹ bị nhiều tai tiếng làm lu mờ uy-tín của họ sau khi một bản danh sách dày 229 trang đã được công khai hôm 16/6/2013, với các cáo buộc nghiêm trọng như: sử dụng vũ khí không thích hợp, phổ biến tranh ảnh khiêu dâm, tấn công tình dục, những hành vi say xỉn, làm rò rỉ thông tin nhạy cảm, ghi âm trái phép, dính líu đến gái điếm. Các vi phạm nầy bị phanh phui khi những chưng cớ được phổ biến hay bị các nhân viện FBI, cảnh sát “chìm” giả đóng vai “đối tượng” để tóm cổ tại trận các đặc vụ phạm lỗi. Theo “Đạo luật tự do thông tin”, việc theo dõi, báo cáo, bắt giữ và truy tố… các vi phạm ở bất cứ cơ quan công quyền nào của Mỹ là hợp pháp nên danh sách trên phổ biến sau khi “bê bối gái điếm” của các nhân viên mật vụ bị tiết lộ hồi tháng 4 ở Colombia, theo đó, vài nhân viên mật vụ bị cáo buộc dính líu với gái điếm khi đang bảo vệ Obama tham dự một cuộc họp tại Cartagena, Colombia vào tháng 4-2013. Truyền thông Mỹ gọi đây là vụ 'bê bối lớn nhất", là “một sự hổ thẹn” trong lịch sử mật vụ Mỹ.
Cặp vợ chồng Tareq & Michael Salahi không "được mời" mời nhưng
"được" ông Phó Joe Biden "ôm eo ếch" chụp hình chung. Ảnh: AP.
Một lỗi lầm khác “đáng xấu hổ” của USSS dưới triều Obama là 2 vụ 2 cặp vợ chồng người Mỹ dù không được mời nhưng đã lọt vào được Bạch Cung. Vụ đầu tiên, cặp vợ chồng Harvey & Paula Darden, cư dân của Georgia, không được mời nhưng vào được Bạch Cung dự bữa sáng chỉ dành cho khách trong ngày Cựu quân nhân (11/11/2009), qua mặt an ninh kiểm soát khách mời theo danh sách. Vụ thứ hai, trong buổi quốc tiệc đầu tiên của tông tông Obama đãi Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh vào ngày 24-11-2009, khi ông nầy viếng thăm Bạch Cung, cặp vợ chồng Tareq và Michaele Salahi, cư dân của Virginia đã qua mặt được lực lượng an ninh của Obama, vào dự bữa tiệc tại Bạch Cung dù không được mời. Đã thế, nhiều bức ảnh đăng trên Facebook cho thấy cặp nầy còn chụp hình với các vị “tai to mặt lớn” của đảng Dân chủ như PTT Joe Biden, thị trưởng Washington D.C. Adrian Fenty và chánh văn phòng Bạch Cung là Rahm Emanuel. Sở dĩ “qua mặt” được hệ thống an ninh, vì theo báo chí, hễ cứ xưng “là ân nhân của tân tổng thống” là mọi chuyện dễ dàng, cho dù là giả dối.
Được biết trong nhiệm kỳ đầu, sau khi ngồi vào ghế ở Bạch Cung, việc “đền ơn đáp nghĩa” được Obama làm "rất chu đáo, rất lộ liễu" cho dù điều nầy làm nhiều người khó chịu. Obama đã đề cử khoảng 90 tân đại sứ Mỹ với 56% là những người đã góp công sức, vận động, quyền tiền cho ông từ lúc còn đang vất vả vận động tranh cử đến khi trúng cử chứ không phải là những nhà ngoại giao chuyên nghiệp. Điển hình: Bà Beatrice Wilkinson Welters là đại sứ Mỹ ở Trinadad & Tobago khi thành tích chính trị là con số không, kinh nghiệm ngoại giao cũng chẳng có nhưng vợ chồng bà đã có công giúp quyên được nửa triệu Đô la khi tranh cử và hơn $100,000 Đô la cho lễ Nhậm chức; ông Charles Rivkin giúp $800,000 dollars để được chức đại sứ ở Pháp; ông Alan Solomont tặng $500.000 được làm đại sứ ở Tây Ban Nha; ông bạn thân Louis Susman từ ngày hai nhà còn hàn vi ở Chicago thì làm đại sứ ở Anh; ông Cựu Phó Thống Ðốc Don Beyer của Virginia trình ủy nhiệm thư tại Thụy Sĩ mà hồ sơ cá nhân ông này đệ nạp cho Ủy Ban Ngoại Thượng Viện ghi là ông đã quyên được $750,000 dollars cho liên danh Obama – Biden.
Ngoài những ân nhân hay bạn bè, Obama còn trả ơn cho những người đã có công với đảng Dân Chủ, như Philip Murphy, người đã bỏ ra $1.5 triệu dollars tặng cho đảng, đi làm đại sứ ở Ðức; bà Anne Andrew làm đại sứ ở Costa Rica khi đã đóng góp hàng triệu dollars cho đảng, chồng bà nầy từng giữ chức vụ cao trong Ủy Ban Ðiều Hành Dân Chủ Trung Ương, là một trong những người vận động các “siêu đại biểu” trong đảng bỏ phiếu cho Obama, đừng chọn bà Hillary Clinton. Chuyện tổng thống cử người đi làm đại sứ để “trả ơn” hay “nâng đỡ bạn bè” bắt đầu từ tổng thống John F. Kennedy và được các tổng thống Dân chủ duy trì, bất kể sự chống đối của những viên chức ngoại giao chuyên nghiệp. Bà Susan Johnson, Chủ Tịch Hội Các Nhà Ngoại Giao Chuyên Nghiệp Hoa Kỳ từng nhiều lần thay mặt các hội viên lên tiếng phản đối việc này và đã ví von với giọng mỉa mai: “Chức vụ đại sứ đâu phải là chức vụ đem cho thuê hay để phân phát cho người thân hoặc ân nhân!”. Bà còn thêm “Nếu nước Mỹ luôn luôn đòi hỏi những quân nhân chuyên nghiệp điều khiển chiến trường thì nước Mỹ cũng đòi hỏi những nhà ngoại giao chuyên nghiệp, đầy kinh nghiệm làm đại diện cho quốc gia ở các nước khác”. Bà châm biếm lời hứa “Thay đổi” (Change) mà Obama đưa ra khi vận động kiếm phiếu bằng câu: “Rồi cuối cùng có thấy thay đổi gì trong chuyện đổi chác chính trị này đâu!”.
Tòa Bạch Ốc nói là vẫn tin tưởng vào công tác của Sở Ðặc Vụ mặc dù đã xảy ra nhiều việc bê bối. Tông tông Obama trong cuộc phỏng vấn của truyền hình NBC, tuyên bố: “Nhân viên đặc vụ là những người phi thường. Họ bảo vệ tôi, bảo vệ Michelle, các con chúng tôi. Họ bảo vệ các viên chức của chúng ta trên khắp thế giới”. Ông nói thêm: “Do đó không phải vì một ít kẻ ngu đần mà có thể giảm giá trị tín nhiệm đối với những gì họ làm. Nhưng họ nghĩ thế nào, thật tình tôi không hiểu nổi. Vì thế những kẻ này không còn ở đây nữa”. Những đe dọa từ trong nước Mỹ cũng tăng lên, nhất là từ nhóm cực đoan da trắng Ku Klux Klan, một phần là do bầu Obama thành tổng thống. Trung tâm luật Southern Poverty Law Center cho biết những nhóm chiến binh chống chính phủ và tổ chức da trắng cực đoan ngày càng mạnh mẽ trong nhiều năm gần đây. Nghiên cứu của trung tâm này cho thấy số lượng các nhóm cực đoan sắc tộc tăng lên 35% kể từ năm 2000, từ 602 nhóm lên tới 926 nhóm. Nghiên cứu cho rằng chính việc bầu Obama làm tổng thống đã khiến xu hướng này càng phát triển. Những lời đe dọa đối với Obama cũng đã xuất hiện trên các chương trình phát thanh và mạng lưới xã hội, cho thấy những người bình thường dù không tính tới chuyện đe dọa tổng thống cũng có thể bị kích động bạo lực. Người ta cho rằng do bị hăm dọa nhiều quá nên Obama phải lấy lòng sở Mật vụ, không dám mạnh tay trước những sai lầm của họ, vì thế dẫn đến những hậu quả tai hại, làm giảm uy tín của cơ quan nầy, so với tất cả các công chủ Bạch Cung từ trước đến nay.
10. Cái chết của T.T. Lincoln và T.T. Kennedy:
Nhân đề tài nầy, tưởng chúng ta nên biết thêm chút ít bí mật hai vụ ám sát tổng thống Mỹ mà được nhiều nhà điều tra và báo chí cho là “Trong lịch sử thế giới hiện đại, chưa có một sự kiện nào chà đạp nền chính trị dân chủ một cách trắng trợn và lộ liễu như vụ ám sát T.T. Lincoln và T.T. Kennedy”.
a- Vụ mưu sát T.T. Abraham Lincoln:
Sau khi T.T. Lincoln bị mưu sát, người ta nêu ra rất nhiều giả thuyết về lý do “tại sao bị giết?” và “ai chủ mưu?”. Theo những tài liệu công bố chính thức, T.T. Lincoln bị giết là do lực lượng miền Nam chủ xướng (nội chiến Bắc Nam Mỹ). Tuy nhiên, theo nhiều nhận định “thông thạo”, âm mưu thủ tiêu ông Lincoln là do tập đoàn tài phiệt thế giới chủ xướng, giới cầm đầu “ngân hàng quốc tế” - trong đó có giới tài phiệt Mỹ - ra tay. Nhiều người phân vân trước câu hỏi “Tại sao họ chủ trương như vậy?”, thì đây là lý do:
Chúng ta biết phương Tây phát triển từng bước theo sự tiến hoá của đồng tiền. Lịch sử nước Mỹ cũng vậy, gắn liền với sự can thiệp và âm mưu của các “thế lực quốc tế”, trong đó, điều khiến người ta sợ nhất chính là sự thâm nhập và âm mưu lật đổ của các “thế lực tài chính quốc tế” đối với các chính quyền nước Mỹ nào đi ngược lại chủ trương của họ. Đây cũng là điều chẳng mấy ai biết đến nếu không quan tâm đến. Việc thành lập rồi củng-cố chế độ dân chủ được coi là hành động nhằm ngăn cản “sự đe doạ của các thế lực tiền tệ muốn điều hành mọi chính phủ”. Chính phủ dân chủ mới thành lập còn non nớt ở Mỹ làm sao thoát khỏi nanh vuốt của họ, “tập đoàn lợi nhuận đặc thù siêu tiền tệ”. Chính phủ của T.T. Lincoln và họ đã tiến hành những cuộc đấu tranh quyết liệt: họ muốn “nắm giữ quyền sinh sát về tài chính và mọi vấn đề liên quan” còn chính phủ của T.T. Lincoln thì “muốn xây dựng một định chế tài chính của hệ thống ngân hàng trung ương tư hữu Mỹ”. Chính phủ Lincoln yếu kém trong việc phán đoán và phòng ngự hướng tấn công từ các ngân hàng quốc tế đối với việc ông muốn “khống chế quyền phát hành tiền tệ” nhằm gạt bỏ “quyền chi phối toàn bộ quốc gia” của họ. Đây là mấu chốt của vấn đề. Chúng ta biết đã có nhiều tổng thống Mỹ, nhiều uỷ viên quốc hội khác đã bỏ mạng vì âm mưu của “thế lực đen” này, trước và sau cái chết của Lincoln. Các nhà sử học Mỹ chỉ ra rằng, tỉ lệ thương vong của các tổng thống Mỹ so với thời kỳ chiến tranh thế giới thứ hai còn cao hơn nhiều so với tỉ lệ thương vong bình quân của một đoàn thuỷ quân lục chiến! Trong thư ngày 21-11-1864 gởi cho William Lukens Elkins (May 2,1832 – Nov 7,1903) một thương gia, nhà phát minh, là bạn mình, Abraham Lincoln viết:
-“Tôi có hai kẻ thù chính: quân đội miền Nam trước mặt và cơ cấu tiền tệ sau lưng. Trong hai thế lực này, sự đe doạ của kẻ đứng sau lưng mới là nguy hiểm nhất. Tôi nhìn thấy một nguy cơ trong tương lai đang đến gần chúng ta, khiến chúng ta lo sợ cho sự an nguy của đất nước. Sức mạnh của đồng tiền sẽ tiếp tục thống trị và làm tổn thương đến người dân, và đến khi những đồng tiền cuối cùng tích tụ lại trong tay một số kẻ thì đất nước của chúng ta sẽ bị phá huỷ. Hiện giờ tôi lo lắng cho tương lai của đất nước hơn bất cứ lúc nào, thậm chí còn hơn cả trong tình huống chiến tranh”.
Hung thủ bỏ trốn sau khi ám sát xong, thì ngày 26-4, y bị bắn chết trên xe ngựa của y đang trên đường đi trốn. Người ta đã phát giác thấy rất nhiều thư viết bằng mật mã, một số vật dụng cá nhân của Benjamin (Bộ trưởng Bộ chiến tranh của chính phủ miền Nam và sau này là Bộ trưởng ngoại giao), một người có thực quyền về mặt tài chính ở miền Nam đồng thời có mối quan hệ mật thiết với các đại ngân hàng ở châu Âu (sau đó ông này đã đào tẩu sang Anh). Sự kiện Lincoln bị ám sát, nhiều người cho rằng đây là một âm mưu có quy mô lớn. Họ có thể là các thành viên trong nội các của Lincoln, các ngân hàng ở New York, Philadenphia, quan chức cao cấp của chính phủ miền Nam, giới quyền lực trong ngành xuất bản báo chí và các phần tử nổi loạn ở miền Bắc và “thế lực đen” ở Châu Âu (quan trọng nhất là ở Anh) nói trên. Thời đó, có giả thuyết lan truyền, rằng: Booth không hề bị giết chết, thi thể được mai táng sau này là người đồng mưu của y. Mới nghe thì đây có vẻ là một giả thuyết hoang đường nhưng sau khi một loạt “các văn kiện bí mật của Bộ trưởng chiến tranh” được giải mã vào những năm 30 của thế kỷ 20 thì các nhà sử học Mỹ mới phát hiện sự thật đầy kinh ngạc về cái chết của T.T. Lincoln. Trong bài viết “Tại sao Lincoln bị ám sát?”, nhà sử học đầu tiên chuyên nghiên cứu về đề tài này là Otto Eisenschiml đã gây chấn động cho mọi người với những phát hiện đầy bất ngờ. Sau đó, nhà nghiên cứu Theodore Roscoe đã công bố kết quả nghiên cứu của mình, với nhận xét: “Phần lớn các nghiên cứu lịch sử của thế kỷ 19 liên quan đến việc T.T. Lincoln bị ám sát đều miêu tả sự việc giống như một vở bi kịch điển hình của nhà hát Ford vậy…Chỉ có một số ít nhìn nhận sự việc như là một cuộc mưu sát: Lincoln chết trong tay một tên tội phạm thô bỉ… tội phạm phải bị trừng phạt theo pháp luật; thuyết âm mưu đã bị bóp chết; cuối cùng Đức và Mỹ đã giành được thắng lợi, Lincoln cũng đã thuộc về quá khứ”.
Thực tế, hung thủ ám sát Lincoln vẫn đang nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, ghi trong cuốn sách “Những kẻ đến từ đảo Jekyll” (The Creature from Jekyll Island). Ngoài ra, trong tiểu đề “Hành động ngu xuẩn“ (This One Mad Act), Izola Forrester, cháu gái của hung thủ đã viết rằng: “Tôi thấy ghi bí mật “Kỵ sĩ rạp xiếc” (Knights of the Golden Circle), đã bị chính phủ Mỹ cố ý cất vào trong kho văn kiện, (…) “Những bao tài liệu cũ kỹ thần bí này được cất giữ trong một két bảo hiểm nằm trong góc khuất giữa nơi đặt di tích của “âm mưu thẩm phán” và căn phòng trưng bày. (…) Những tài liệu ở đây có liên quan đến ông nội tôi. Tôi biết ông từng là thành viên của một tổ chức bí mật. Tổ chức này chính là “Kỵ sĩ rạp xiếc” do Bickley sáng lập nên. Tôi có giữ một tấm ảnh của ông, bức ảnh ông chụp chung với họ, tất cả họ dầu ăn mặc chỉnh tề. Bức ảnh này nằm trong quyển Kinh Thánh của bà nội tôi, tôi còn nhớ bà từng nói rằng chồng bà (Booth) là “công cụ của người khác””. Bao năm qua đi, nguyên nhân và những kẻ chủ mưu đầu sỏ đã gây nên cái chết cho Lincoln vẫn là “điều bí ẩn” cho dù tốn biết bao nhiêu công lao và giấy mực của bao nhà điều tra.
b- Vụ mưu sát T.T. John Kennedy:
Nửa thế kỷ sau ngày bị ám sát đến nay, người Mỹ vẫn chưa có câu trả lời chính thức với câu hỏi: “Ai chủ mưu sát hại T.T. Kennedy năm 1963?”. Biết bao nhiêu sách vở với bao nhiêu nghi vấn nhưng không có chứng cớ nào đủ sức thuyết phục hay được công nhận. Cái chết của T.T. Kennedy cũng giống với cái chết của T.T. Lincoln 100 năm trước đó, đều là những mưu sát rất quy mô. Hung thủ bị sát hại bởi 1 hung thủ khác, mọi điều tra đều bị đánh lạc hướng một cách có hệ thống, mọi chứng cớ đều bị bịt đầu mối, chân tướng của sự việc luôn được che đậy bởi một màn sương lịch sử dày đặc, muốn hiểu rõ nội vụ cũng không dễ dàng gì. Người ta đưa ra nhiều giả thuyết về cái chết nầy nhưng chỉ có “âm mưu của thế lực tài phiệt” là có sức thuyết phục nhất: Ngày 4-6-1963, T.T. Kennedy đã ký “Sắc lệnh số 11110”, cho phép Bộ tài chánh Mỹ “dùng bạc trắng dưới bất cứ hình thức nào, bao gồm: bạc thỏi, đồng tiền bạc và đô-la Mỹ bằng bạc để làm cơ sở phát hành “chứng chỉ bạc trắng” (Silver Certificate) và đưa vào hệ thống lưu thông tiền tệ trên thị trường”. Với sắc lệnh nầy, T.T. Kennedy cho thấy chính phủ ông lãnh đạo muốn “giành lại quyền phát hành tiền tệ từ tay Cục Dự trữ Liên bang Mỹ” (Federal Reserve, viết tắt là FED) do các ngân hàng trung ương tư hữu chi phối”. Tiếc thay, “Sắc lệnh Tổng Thống số 11110 mà Kennedy ký cũng là Giấy Chứng tử của T.T. Kennedy”. Nếu kế hoạch của Kennedy thành công thì chính phủ Mỹ sẽ “thoát khỏi cảnh vay tiền” của FED với lãi suất rất cao.
Khi đồng tiền được bảo đảm bằng “bạc trắng” (còn gọi là “ngân bản vị”) không phải là tiền nợ mà là “tiền thực”. “Chứng chỉ bạc trắng” sẽ dần dần làm giảm dòng tiền của đồng Đô-la do FED phát hành, khiến cho ngân hàng FED sẽ có nguy cơ đi đến phá sản. Chúng ta nên biết điều nầy: Ngay đến hiện nay, “quyền” in ra đồng Đô la Mỹ (US Dollar bill, tiền giấy) vẫn thuộc FED (Cục Dự trữ Liên Bang, thực chất là tập đoàn ngân hàng, là sở hữu của tư nhân) còn chính phủ Mỹ chỉ được “đúc tiền cắc” {coins - tiền đúc - nghĩa là đúc (mint) ra tiền coin} mà thôi. Nếu mất đi quyền khống chế phát hành tiền tệ, “tập đoàn ngân hàng quốc tế” (mà FED nằm trong hệ thống nầy) sẽ mất đi ảnh hưởng đối với của-cải từ nước Mỹ. Đây là vấn đề căn bản của việc tồn vong của FED.
Muốn biết rõ lý do và ý nghĩa về “Sắc lệnh Tổng thống số 11110”, ta nên hiểu về lịch sử sự thăng trầm của đồng đô-la Mỹ. Theo Đạo luật “Tiền đúc năm 1792” (Coinage Act of 1792), “bạc trắng” là loại “tiền tệ hợp pháp” tại Mỹ, song hành như “tiền vàng”. Một đô-la Mỹ bằng bạc chứa 24,1 gam bạc trắng nguyên chất, với tỉ giá là 1:15 {giữa bạc và vàng}. Như vậy, Đô-la Mỹ được xây dựng trên nền tảng của bạc (tức chế độ “ngân bản vị”). Suốt một thời gian dài từ đó, Mỹ đã duy trì chế độ song hành: giữa tiền vàng và tiền bạc. Đến năm 1873, gia tộc Rothschild ở châu Âu đã làm áp lực buộc tổng thống Mỹ thứ 18 là Ulysses S. Grant ban hành “Đạo luật tiền đúc năm 1873” (Coinage Act of 1873): “hủy bỏ chế độ dùng bạc trắng làm tiền tệ”, nên “kim bản vị” là chế độ tiền tệ duy nhất. Lý do: “Gia tộc Rothschild nắm giữ phần lớn các mỏ vàng cùng nguồn cung ứng vàng trên toàn thế giới nên họ có thể khống chế được nguồn cung ứng tiền tệ của cả châu Âu, mà thời đó, chỉ có Âu châu là mạnh nhất về mọi mặt, từ đó, họ dễ dàng khống chế chính phủ các nước”. Các mỏ bạc trắng nhiều hơn, nằm rải rác hơn, sản lượng cung ứng bạc nhiều hơn nên họ không thể kiểm soát (control) nỗi, bị thất thế hơn nếu muốn “nắm quyền” các chính quyền của nhiều nước. Đạo luật này đã gây ra sự chống đối quyết liệt ở các tiểu bang sản xuất bạc ở Mỹ, họ gọi đạo luật này là “Tội ác năm 1873” (Crime of 1873; thay chữ Coinage Act thành Crime), sau đó tổ chức cuộc vận động dân chúng ủng hộ bạc trắng rất quyết liệt và rầm rộ, kéo dài mãi từ đó đến khi T.T. Kennedy lên làm tổng thống rồi ban hành “Sắc lệnh T.T. số 11110”, và đem đến cái chết cho ông.
Vợ chồng T.T. Kennedy tươi cười trên chiếc xe mui trần trước khi bị bắn
Sau khi Kennedy bị ám sát, 18 nhân chứng quan trọng lần lượt “hui nhị tì”: 6 người bị bắn chết, 3 người tử vong vì “tai nạn giao thông”, 2 người tự sát, 1 người bị cắt cổ, 1 người bị vặn gãy cổ, 5 người đột tử. Trên tờ Sunday Times số tháng 2-1967, nhà toán học người Anh chỉ ra rằng, sác xuất trùng hợp ngẫu nhiên này là 1 phần 100 triệu tỉ. Chưa hết, từ năm 1963 đến 1993, 115 nhân chứng quan trọng hoặc tự sát hoặc bị mưu sát một cách ly kỳ, rõ ràng cho thấy Kennedy bị ám sát không còn là bí mật mà là cuộc “hành quyết” công khai để dằn mặt các tổng thống Mỹ, cho thấy “ai là người chủ thực sự của nước Mỹ”. Kết luận cuối cùng của Uỷ ban Warren (do chính phủ Mỹ cử ra) cho rằng, “đây là một vụ án đơn độc của một tên hung thủ có tên là Oswald” nhưng nghi vấn quả thực là rất nhiều: chỉ trong thời gian 5- 6 giây, “sát thủ đã bắn ba phát đạn: phát đầu trật mục tiêu, phát tiếp theo trúng cổ và phát cuối trúng đầu nạn nhân”. Chẳng ai tin được hung thủ lại có thể bắn chính xác trong trời gian ngắn như vậy; lại nữa, viên đạn bắn trúng cổ Kennedy lại xuyên vào lưng Thống đốc Texas là John Bowden Connally, Jr. (27.2.1917 – 15.6.1993), ngồi phía trước Kennedy mà sác xuất này thì hầu như là bằng không: đó là “phát đạn thần kỳ”. Như vậy, ai tin nỗi kết luận của Ủy ban Warren: “chỉ có 1 sát thủ”.
Cũng cần biết, gia tộc Kennedy cũng là dòng họ thân thuộc của các tập đoàn ngân hàng quốc tế. Joseph Kennedy, cha của Kennedy, cũng là một tài phiệt, “phát tài” trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 1929, còn là “Chủ tịch Uỷ ban Giao dịch chứng khoán (SEC) Mỹ”. Trong thập niên 40, Joseph Kennedy được xếp vào hàng ngũ những người giàu nhất nước Mỹ nên John Kennedy trở thành tổng thống đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ theo Thiên Chúa giáo. Tuy thế, đi ngược lại quyền lợi của tập đoàn tài chánh, John Kennedy vẫn phải bị giết hại không nương tay. Vụ sát hại Kennedy là vụ án được nhiều người quan tâm nhất: hơn 2.000 cuốn sách viết về vụ nầy, hàng chục ngàn nhà điều tra tội phạm chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp vẫn tiếp tục đào sâu vụ án này, đưa ra hàng ngàn giả thuyết khác nhau nhưng chẳng có giả thuyết nào được minh chứng một cách thuyết phục vì chứng cớ đầu mối đã bị bịt kín.
Một trong những cuốn sách nói về giòng họ Kennedy là cuốn “The Kennedy Curse” (Sự nguyền độc của giòng họ Kennedy) của Edward Klein. Tác giả đã phân tích vì sao những thảm kịch đã luôn xảy đến trong giòng họ Kennedy qua nhiều thế hệ, suốt 150 năm. Người anh cả của T.T. Kennedy là Joseph P. Kennedy Jr. đã tử nạn lúc mới 29 tuổi khi máy bay bị nổ tung trong một chuyến bay thám thính bí mật trong Đệ Nhị Thế Chiến vào năm 1944. Năm 1968, Robert Kennedy, em trai T.T. Kennedy, ngay sau khi gần như nắm chắc cơ hội thắng lợi vào vị trí ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ, trong buổi tiệc mừng thắng lợi tại Los Angeles, bất ngờ trúng đạn lạc và chết ngay giữa đại sảnh lúc mới 43 tuổi. Edward Kennedy, em trai út của T.T. Kennedy, sau khi bị thương nặng trong tai nạn máy bay năm 1964, đến năm 1969 ông lại bị một tai nạn xe hơi trầm trọng, gọi là “Chappaquiddick Incident”. Ông là Thượng Nghị sĩ Mỹ. Tham vọng ra ứng cử tổng thống Mỹ của ông vào năm 1972 đã không thực hiện được cũng vì tai nạn này: Sau khi dự tiệc vui ở Chappaquiddick Island, (thuộc Massachussets), trên đường về, xe của ông đã bị lật xuống hồ, người bạn gái của ông là Mary Kopechne thì bị chết đuối còn ông thì bơi được vào bờ. Người ta đặt nghi vấn tại sao mãi đến 10 giờ sau ông mới báo cho cảnh sát tai nạn nầy và nghi ngờ về cái chết của cô Kopechne. Và cuối cùng, đứa con trai của T.T. Kennedy cũng đã mất mạng trong tai nạn máy bay “một cách kỳ lạ” năm 1999, đặt dấu chấm hết cho dòng họ Kennedy trên chính trường Mỹ. Kennedy đã ra lệnh giết ba anh em của Tổng Thống Ngô Đình Diệm thì có kẻ khác giết lại 3 mạng của gia đình Kennedy: "Tỷ số 3 đều!", gia tộc Kennedy đâu có lỗ mà than vãn!
Tưởng cũng nên biết lời đồn đại người ta thường nói đến “Lời nguyền rủa độc của Tecumseh” (Curse of Tecumseh) trên báo chí Mỹ. Theo truyền thuyết, sau khi nhóm võ trang người Da Đỏ “Shawnee Indians” bị tướng Mỹ Anthony Wayne đánh bại trong trận “Battle of Fallen Timbers” vào năm 1794, vị thủ lãnh Da Đỏ là Tecumseh đã nguyền độc đối với các vị tổng thống Hoa Kỳ, theo đó “trong khoảng thời gian từ 1840 đến 1960, bất cứ vị tổng thống Mỹ nào đắc cử vào năm có con số 0 thì “sẽ bị tử vong”. Lạ lùng thay, những vị tổng thống Mỹ sau đây đã từ trần {vì trọng bệnh hay bị ám sát} lại ứng với điều đồn đại đó. Đầu tiên, T.T. William Henry Harrison, đắc cử năm 1840, lâm trọng bệnh và từ trần năm 1841; Abraham Lincoln, đắc cử năm 1860, bị ám sát năm 1865; James A. Garfield, đắc cử năm 1880, bị ám sát năm 1881; William McKinley, đắc cử năm 1900, bị ám sát năm 1901; Warren G. Harding, đắc cử năm 1920, lâm trọng bệnh và từ trần năm 1923; Franklin D. Roosevelt, đắc cử năm 1940, lâm trọng bệnh chết năm 1945; TT John F. Kennedy, đắc cử năm 1960, bị ám sát năm 1963; Ronald Reagan đắc cử năm 1980, tuy bị ám sát và bị trọng thương, nhưng thoát chết. “Lời nguyền Tecumseh” xem như chấm dứt từ đó. George W. Bush đắc cử năm 2000 nhưng ngoài “con số ấn định” nên không được nhắc tới. Những “tai họa” nêu trên giúp chúng ta tin vì sao nhiều người tin giòng họ Kennedy bị “lời nguyền”. Tuy nhiên chưa có tài liệu nào xác định rõ nguồn gốc của sự nguyền độc trong giòng họ Kennedy.
10. Những phim ảnh liên quan đến Sở Mật Vụ.
Dựa trên tổ chức nầy, Hollywood đã dựng nên các chuyện phim, đa số là phim thuộc loại actions {chiến đấu, “xã nghĩa” gọi là phim hành động}, gồm có: “Mister 880” (1950); “To Live and Die in L.A.” (1985); “The Bodyguard” (1992); “In the Line of Fire” (1993); “Guarding Tess” (1994); “Hackers” (1995); “First Kid” (1996); “Wild Wild West” (1999); “First Target” (1999); “First Daughter” (2004); “The Sentinel” (2006); “Vantage Point” (2008); “Olympus Has Fallen” (2013); “White House Down” (2013), trong đó các vai chính là các đặc vụ. Riêng phim “Olympus Has Fallen”, chuyện phim do Creighton Rothenberger và Katrin Benedikt viết, Antoine Fuqua là đạo diễn, do Gerard Butler thủ vai chính Mike Banning (là một mật vụ), chi phí sản xuất là $70 triệu USD, được trình chiếu tại Mỹ ngày 22-3-2013. Còn phim White House Down chuyện phim do James Vanderbilt viết, Roland Emmerich là đạo diễn, chi phí sản xuất là $150 triệu USD, một số tiền không nhỏ trong thời kinh tế suy trầm, được trình chiếu tại Mỹ ngày 28-6-2013. Hai phim vừa kể đáng xem bởi nhiều thứ vũ khí mới được sử dụng trong phim mà theo các chuyên gia quân sự cho rằng đây là “tiền đề” cho các nhà sản xuất vũ khí Mỹ theo đó mà chế tạo vũ khí trong tương lai, giống như các loại vũ khí trong phim “Battle: Los Angeles” lúc phim nầy được trình chiếu, được nhận xét cũng như vậy.
Phim Olympus Has Fallen
Lời kết:
Hiện tượng chống Mỹ xảy ra trên mọi nơi, mọi quốc gia, ngay cả các nước “đồng minh chí cốt” của Mỹ mà một trong các nguyên do là họ không có được những cái như Mỹ đã có, như: cuộc sống tự do sung túc, những thành công trên nhiều mặt, xã hội văn minh, quân đội mạnh, v.v...; do từ ganh tỵ rồi biến thành căm ghét, mà Lực Lượng Cận vệ Mỹ là một tổ chức điển hình. Trong Thế chiến thứ nhì, nếu nói đến công tác tình-báo đã mang lại kết-quả hữu-hiệu nhất, người ta không thể không kể đến “Phân đội Do-thám bí-mật 10-10” (Secret 10-10 Reconnaissance Detachment) của Mỹ, là các “Thiếu phụ đen” (Black Lady) tên người Nga gọi, hay “Điệp-vụ U-2” (vì xử dụng do-thám-cơ U-2), một phương-tiện quân-sự được kể là hiện-đại vào bậc nhất thời bấy giờ với các chuyến bay do thám vượt lãnh thổ Nga trong 4 năm mà người Nga không biết được, mang về hàng trăm tấn tài liệu, hình ảnh, băng từ… ghi nhận được nhiều bí mật và hoạt động của Nga thời đó. Trước khi bí-mật của vụ U-2 bị phơi bày, các tay tổ gián-điệp của Anh, Pháp đã tỏ ý “ghen-tỵ” qua các phát ngôn của họ về cái “phương-tiện do-thám đắt giá” này của Mỹ, (khi đó Anh, Pháp còn là đồng-minh của Mỹ để chống lại khối Đỏ Cộng sản). Lực Lượng Cận vệ Mỹ ngày nay cũng vậy: với một lực lượng hùng hậu, kinh phí to lớn, trang bị tối tân, quyền hạn rộng lớn,… quả là một tổ chức cận vệ số một trên thế giới cũng không ngoa. Có như vậy mới đáp ứng được nhu cầu “bảo vệ” các yếu nhân Mỹ khi mà thế giới ngày nay bất an hơn, lực lượng thù địch ngày nay hung hãn hơn, phương tiện dùng để giết người ngày nay tinh vi hơn, các nước ngày nay bất hòa với nhau nhiều hơn…và bởi nước Mỹ ngày nay có nhiều kẻ thù nhất và các kẻ thù của Mỹ ngày nay tàn bạo hơn nên các yếu nhân Mỹ càng được bảo vệ kỹ hơn.
Để bảo vệ các “ông, bà lớn”, quả là phiền phức, gay go và tốn kém thật, cho dù một đất nước giàu-có như Hoa-Kỳ!
Lê Chánh Thiêm
7-2010, có sửa đổi và thêm
Bài nầy được đăng lần đầu vào lúc 12:42:06 AM, March 22, 2010
Tài liệu tham khảo:
- Wikipedia
- Google.com
- Ask.com
- www.secretservice.gov
- Niên biểu USSS
- Hậu trường quyền lực (Hà Ngọc)
- Protecting the President: The Inside...
- Tài liệu tổng hợp
* * *
Xem các bài cùng tác giả: click vào đây
Xem trang “Kiến thức, tài liệu”: click vào đây
Trở về trang chính: www.nuiansongtra.com