Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 04, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Hải Quân - Thế Giới
CUỘC PHỤC KÍCH ĐÔ ĐỐC ISOROKU YAMAMOTO.
LÊ CHÁNH THIÊM
Các bài liên quan:
    TRẬN HẢI CHIẾN MIDWAY
    BÀI HỌC TỪ TRẬN TRÂN CHÂU CẢNG CHO NƯỚC MỸ NGÀY NAY
    HÌNH ẢNH CỦA THIẾT GIÁP HẠM USS MISSOURI BB-63
    HÌNH ẢNH BUỔI LỄ KÝ VĂN KIỆN ĐẦU HÀNG ĐỒNG MINH CỦA NHẬT TRONG THẾ CHIẾN THỨ 2
    NHẬN DIỆN BANG ĐẢO HẠ-UY-DI & TRẬN KHÔNG TẬP TRÂN CHÂU CẢNG


1. Mở đầu.

Nếu kể các danh tướng chỉ huy trong Thế chiến Thứ hai nói chung hay chỉ riêng mặt trận Thái Bình Dương (TBD) và một phần Ấn Ðộ Dương (AĐD) nói riêng mà không nói đến Đô-Đốc Isoroku Yamamoto, một chiến lược gia Hải quân phi thường của Nhật thì quả là điều thiếu sót. Vào thuở đó, Đô Đốc Yamamoto là người thứ hai ảnh hưởng đến quân và dân nước Nhật sau Nhật Hoàng Hirohito. Ông là một trong những nhân vật chủ chốt trong hệ thống điều hành, chỉ huy guồng máy chiến tranh của quân đội Nhật, là người đã gây sóng gió trên các chiến địa mà ông tham chiến và có lúc làm chủ một chiến trường mênh mông từ TBD đến AÐD, từng gây cho Hải quân Mỹ, Anh và Hòa Lan - là các cường quốc về hải quân thời đó - nhiều trận liểng xiểng.

 

Tuy nhiên, cho dù với tài nghệ thiên phú, binh thư chiến lược làu thông, binh nghiệp oai hùng đến mấy đi nữa, khi mà chiến cuộc chung của Thế chiến thứ hai sắp đi vào kết thúc thì cái chết của ông là điềm báo trước cho ngày tàn của khối Trục, trong đó có đội quân mà ông chỉ huy. Trong phạm vi bài nầy, chúng ta chỉ nói qua cái chết không mấy vẻ vang, không xứng đáng với binh nghiệp oai hùng của Yamamoto, một danh tướng lẫy lừng sau khi điểm sơ qua tiểu sử của ông; còn rất nhiều vấn đề khác liên quan đến vị danh tướng nầy, trong phạm vị một bài không thể kể đủ.

2. Sơ lược tiểu sử & binh nghiệp của Đô-Đốc Yamamoto.

 


Đô Đốc Yamamoto trên chiến hạm Nhật.


Isoroku Sadayoshi (Cao Dã Ngũ Thập Lục) là tên chào đời của Đô Đốc Isoroku Yamamoto (Sơn Bản Ngũ Thập Lục). Isoroku sinh tại làng Kushigun Sonshomura (gần Nagaoka), thuộc quận (prefecture) Niigata trên đảo Hokaido, Nhật-Bản, là con của ông Takano Sadayoshi (Cao Dã Trinh Cát) {một samurai cấp thấp của Hội Samurai Nhật, đồng thời giữ chức giáo học cho phiên chủ phiên Nagaoka} và bà Mineko, con gái một trại chủ nuôi bò sữa. Ngày 4-4-1884, ông Takano Sadayoshi đang ngồi chơi cờ với một người bạn thì một đứa con của ông chạy đến báo tin vợ đang đau đẻ, cần một cô đỡ. Ông Sadayoshi sai đứa con đi tìm cô đỡ, vẫn tiếp tục chơi cờ bởi lúc đó ông đã già rồi và đứa con sắp sinh là đứa con thứ bảy nên ông không hào hứng về chuyện có thêm con nầy cho lắm. Khi bà vợ bảo ông đặt tên cho con thì ông nói: "Năm nay ta đã 56 tuổi rồi, hãy gọi nó là Năm-Mươi-Sáu". Trong tiếng Nhật, Isoroku có nghĩa là 56, và cái tên đầu tiên là Isoroku Sadayoshi, sau này mới đổi thành Isoroku Yamamoto.

Ngay lúc còn bé, cậu Isoroku đã yêu thích biển ngang như yêu thể thao nên năm 1901, lúc mới 16 tuổi, Isoroku Sadayoshi vội ghi danh dự thi vào Học viện Hải-quân Nhật tại Etajima, Hiroshima; đậu thứ 2 trong 300 người dự thi. Mãn khóa huấn luyện, Isoroku tốt nghiệp thứ 7 trong 200 sinh viên sĩ quan vào ngày 14-11-1904, ra trường với cấp-bậc Thiếu-úy dự-bị Hải-quân; đúng vào lúc Minh Trị Thiên hoàng đang bành trướng Hải quân Hoàng gia Nhật (Imperial Japanese Navy). Năm sau, được tham-dự cuộc hải chiến Nga - Nhật ở Mãn Châu, Liêu Đông, Isoroku Sadayoshi rất vui sướng vì được thuyên chuyển xuống chiếc hộ tống hạm Nisshin, có nhiệm vụ bảo vệ soái hạm Mikasa của Đô Đốc Tōgō Heihachirō, một danh tướng lẫy lừng nhất của Nhật thời đó. Ðây là cơ hội cho Thiếu úy Isoroku được quan sát chiến pháp của một đô đốc vĩ đại mà ông ngưỡng mộ nhất. Trong trận nầy ông bị mảnh đạn chặt mất 2 ngón tay trên bàn tay trái và nhiều vết thương trên người. Isoroku được thăng Trung Úy.

 

Điều thú vị là bàn tay mất hai ngón lại là một biểu tượng nổi tiếng của Isokoru sau nầy: các ca kỹ khi làm móng tay cho khách trong ca lâu thường lấy tiền công một đồng, nhưng họ lại ưu đãi chỉ lấy tám cắc của Isokoru {vì hai tay ông chỉ có tám ngón}; ông mang biệt danh "anh chàng tám cắc" từ đó. Trong trận Tsushima {từ 10-2-1904 đến 5-9-1905}, quân Nhật do Đô Đốc Tōgō Heihachirō chỉ huy đã đánh hạm đội Nga không còn manh giáp. Sau trận nầy, Tổng thống Mỹ Theodore Roosevelt đứng ra hòa giải giữa Nga và Nhật qua “Hòa hội Postmouth”, ký kết trên một chiến hạm Mỹ ngày 5-12-1905 đang neo tại Postmouth, New Hampshire, Hoa Kỳ để 2 bên bãi chiến. Danh tiếng của nước Nhật bắt đầu lẫy lừng từ chiến thắng nầy.

Từ đó, Isoroku Sadayoshi sống cuộc đời của một sĩ quan hải quân theo tàu chiến. Sau khi thân phụ từ trần, kế đó mẹ ông cũng qua đời, năm 1926, theo tục lệ Nhật, Isoroku được một gia đình danh-giá thế-phiệt dòng họ Yamamoto nhận làm con nuôi, khi đó đã là một Thiếu Tá, nên lấy họ Yamamoto. Yamamoto có nghĩa là “Sơn Bản” (chân núi), người Tàu gọi Isoroku Yamamoto là “Sơn-Bản Ngũ-Thập-Lục”. Isoroku Yamamoto lập gia đình rất trễ, đến năm 33 tuổi mới bắt đầu tìm vợ. Ông gặp bà Reiko, người cao tới 1 thước 6, bị ế chồng vì quá cao theo phong tục Nhật thời đó, tuy vậy Isoroku thích và lấy bà nầy làm vợ năm 1918. Từ năm 1919 đến năm 1921, ông theo học tại Harvard University, Hoa-Kỳ. Năm 1923 ông được thăng Đại Tá. Từ 1926 đến 1928, ông là Tùy viên Hải Quân tòa Đại sứ Nhật ở Washington DC. Trong thời gian ở Hoa-Kỳ, là con người đầy mưu lược nên ông bỏ nhiều thì giờ chu du khắp nước Mỹ với mục-đích tìm hiểu Hoa Kỳ nhiều hơn, để nếu cần, ông đã có một số kiến thức căn bản cần thiết. Về chức vụ, Yamamoto từng là Tư-lệnh hạm đội I rồi giữ chức Tổng chỉ-huy quân-đội Nhật tại Đông-Dương (1940), giữ chức vụ cao nhất trong Hải quân Hoàng-Gia Nhật là Tư-Lệnh Tập Hợp Hải-quân Hoàng-Gia Nhật. Ông còn đóng góp trong việc thiết-kế các kiểu mẫu để chế-tạo HKMH cho Hải quân Nhật. Ông được Nhật-Hoàng Hirohito tặng huân-chương “Húc nhật trùng quang” (ánh sáng mặt trời mọc), một huy-chương cao quý nhất của Hoàng-gia Nhật.

Văn chương Trung Hoa để lại giai thoại bà Triệu Diễm Tuyết đời nhà Thanh họa thơ, trong bài “Tiêu hồn Hải Ðường” có 2 câu “Mỹ nhân tự cổ như danh tướng, Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu” (người đẹp từ xưa như tướng giỏi, Không hứa với nhân gian thấy bạc đầu). Theo quan niệm của người phương Đông, khi nói đến “mỹ nhân” thường liên hệ (hay ví) với “danh tướng”, Yamamoto cũng không thoát khỏi thông lệ đó, cuộc đời của ông cũng có bóng mỹ nhân phía sau: ông đã bị tiếng sét ái tình đánh trúng, với một nàng kỹ nữ (geisha) Nhật tuyệt đẹp. Số là sau khi dự hội nghị Luân Ðôn về, Yamamoto có dự một bữa tiệc mừng tại một khu ăn chơi sang trọng, có mặt nhiều kỹ nữ trong đó có nàng Kikuji là một kỹ nữ trẻ đẹp, nổi tiếng nhất tại các khu ăn chơi của thủ đô Ðông Kinh. Kikuji đang hầu tiệc, khi thấy Yamamoto lúng túng không mở được nắp một chén cháo (vì bị cụt mất 2 ngón tay), nàng vội chạy lại, cúi chào và mở nắp chén cháo dùm ông. Yamamoto vốn rất nhạy cảm và thường tự ái vì 2 ngón tay cụt nên ông nổi giận, sẵng giong bảo nàng Kikuji tránh ra để mặc ông. Trước đó, chưa có ai dám “lớn tiếng” với Kikuji như thế vì nàng là kỹ nữ nổi tiếng nhất Ðông Kinh, ai cũng muốn lấy cảm tình của nàng. Kikuji cảm thấy bị xúc phạm nên bỏ bữa tiệc ra về còn Yamamoto đâu để ý chuyện nhỏ nhặt đó. Vài ngày sau, Yamamoto lại gặp Kikuji trong một bữa tiệc khác do Hải Quân tổ chức khi nàng được mời tới đàn hát giúp vui cho bữa tiệc. Lần này, một sĩ quan Hải Quân Nhật giới thiệu Yamamoto với nàng Kikuji:

-"Ðây là người sẽ trở thành một đô đốc vĩ đại nhất của Nhật Bản. Xin cô hãy chiều tiếp ông ta".

Gặp dịp để “trả đũa” lần bị xúc phạm trước đó, Kikuji lạnh lùng nhìn Yamamoto và trả lời:

-"Vậy hả? Nhưng đối với tôi thì ông ta không khác gì một tên nhà quê".

Yamamoto không những không giận vì lời lẽ khiếm nhã với mình đó mà còn thích thú nữa vì ông vẫn tự nhận là "một tên nhà quê" hoặc "một thủy thủ tầm thường". Ông lớn tiếng cười vui khiến cho Kikuji cũng phải cười theo. Ðó là khởi đầu của thiên tình sử giữa ông và nàng "geisha" Kikuji. Kể từ đó, mối tình bền lâu giữa một vị tướng tài nổi danh với một kỹ nữ đẹp, tài hoa nổi tiếng. Yamamoto rất đa tình, ông dâng tất cả tình yêu cho Kikuji và nàng cũng vậy. Họ có với nhau những giờ phút thần tiên khi bên nhau, giữ mãi đến ngày ông ta lìa dương thế.

Kikuji là người rất ghen, để ý thấy Yamamoto giữ trong túi áo một cuốn sổ nhỏ, nàng nghi ngờ Yamamoto giữ tên và địa chỉ của một số geisha khác. Một hôm, nhân lúc Yamamoto đang tắm, Kikuji lén lấy cuốn sổ ra xem. Trong cuốn sổ không có tên một người đàn bà nào mà chỉ toàn là tên đàn ông, đó là của những khóa sinh phi công đã tử nạn trong khi tập luyện thuộc Trường Huấn luyện Phi công Kasumigaura do Yamamoto chỉ huy khi trước. Ông coi cái chết của họ trong lúc huấn luyện giống như cái chết ngoài mặt trận, cái chết của họ giúp ông cải tiến được phương pháp huấn luyện được hoàn hảo hơn nên ông mang tên của họ trong người như một sự để tang cho những người đã vị quốc vong thân.

 


Chân dung Đô Đốc Isoroku Yamamoto


Yamamoto cũng còn có vài đam mê khác ngoài tình yêu vợ và 4 con cùng mối tình với Kikuji. Ông rất mê chơi cờ bạc và chơi rất giỏi, sành sỏi cách chơi tất cả các loại bài. Ông đánh bạc với bất cứ ai, từ các sinh viên tại đại học Harvard ở Mỹ, các tùy viên quân sự ngoại quốc đến các sĩ quan Nhật; dù chơi bạc ở đâu, ông ít khi thua và thường vơ hết tiền cả làng. Đánh bạc, ngoài việc là một thú tiêu khiển, đó cũng là nguồn cung cấp tiền tiêu vặt cho ông. Ông còn là người thích cá độ, chơi cờ vua và cờ tướng rất giỏi. Tài nghệ của ông về đánh bạc và chơi cờ nổi danh trong giới Hải quân Nhật. Người ta đồn rằng ông "chơi bài lão luyện tới mức chỉ cần nhìn sắc mặt đối thủ là ông biết ngay người kia cầm những con bài gì trong tay". Còn chuyện rượu chè, giới sĩ quan Nhật rất hay uống rượu, họ uống rượu sa-kê như uống nước lã nhưng ông lại không biết uống rượu, tửu lượng rất kém, chỉ cần uống vài hớp rượu là đã đỏ mặt tía tai rồi. Tại các tiệc rượu được mời, ông chỉ có mặt lúc đầu, nhấp vài ngụm nhỏ rồi rút lui, đi tìm chỗ đánh bạc hay thú vui khác. Tuy vậy, ông vẫn cho phép thuộc cấp tổ chức các bữa tiệc nhậu vui chơi trên chiến hạm, tại các câu lạc bộ Hải quân hoặc tại tư gia một sĩ quan nào đó.

Khi cuộc đời của ông bắt đầu gắn liền với binh nghiệp, ông đã hiến thân cho đất nước Nhật, cho Hải quân mà ông đã say mê khi còn thiếu thời. Khi đã được thượng cấp tin cẩn, ông được giao cho những nhiệm vụ quan trọng và nhiệm vụ nào ông cũng hoàn thành xuất sắc. Trong phạm vi giới hạn của bài nầy chúng ta chỉ đề cập sơ qua binh nghiệp của ông mà thôi. Năm 1937, ông điều động phi-cơ Nhật ném bom tàn-phá Nam-Kinh, Thượng-Hải (Trung-Hoa). Năm 1939, Yamamoto trở thành Tư-Lệnh Tập Hợp Hải-quân Hoàng-Gia Nhật. Trong nhiệm vụ nầy, ông chủ trương và nghiên cứu chiến-lược để ngày 7-12-1941, quân Nhật “tập kích” vào căn cứ Hải quân Mỹ ở Trân Châu Cảng (TCC). Trong thâm tâm, Yamamoto hiểu rất rõ rằng Hải quân Nhật không thể sánh với Hải quân Mỹ (về mọi mặt) được, việc gây chiến với Mỹ là việc chẳng đặng đừng, hải quân Nhật sẽ thua Hải quân Mỹ nếu công khai đối chiến và ông đã nhiều lần bày tỏ cho các giới chức từ trong chính phủ dân sự Nhật đến các giới chức trong bộ máy chiến tranh Nhật biết nhận định nầy. Vì không đồng quan điểm nên họ chống đối ông kịch liệt, có lúc họ còn gọi ông là “tay sai của Anh Mỹ”, đến độ Đảng Hắc Long công khai tuyên bố sẽ ám sát ông nhưng ông không màng. Khi những lời buộc tội ông gia tăng vì lời tuyên bố trên của ông, khi được hỏi, ông trả lời:

-"Tôi đang phục vụ tổ quốc tôi đúng như lúc lâm chiến. Tôi đang phải nỗ lực lôi các đồng bào của tôi trở lại với một lối suy nghĩ sáng suốt. Họ có thể giết được tôi, nhưng họ không thể giết được sự sai lầm của họ".

Biến cố Nhật tấn công TCC xảy ra cũng do từ quyết định của tổng thống Mỹ. “T.T. Roosevelt ra lệnh tập trung Hải quân Hoa Kỳ tại Trân Châu cảng, thay vì tại bờ biển phía Tây của Hoa Kỳ như trước” (tại các hải cảng thuộc Seattle, Monterey, Oakland, San Francisco, San Diego). Việc thay đổi vị trí đóng quân này khiến người Nhật tưởng rằng Hoa Kỳ đang sửa soạn gây hấn với Nhật. Họ coi việc Mỹ tập trung Hải quân tại quần đảo Hawaii sẽ như là “một mũi dao chĩa vào trái tim Nhật” nên việc tấn công TCC bỗng trở thành một nhiệm vụ cấp thiết.

 

Nhân đây, tưởng cũng nên xem lại việc dùng từ ngữ “trận” trong biến cố Trân Châu Cảng năm 1941. Cuộc tấn công TCC không thể gọi là một “trận” được vì chỉ có phía Nhật bất ngờ tấn công và phía Mỹ không biết trước sẽ bị tấn công, trước đó Mỹ Nhật cũng chưa khai chiến hay là kẻ thù của nhau. Việc tập kích TCC là chủ trương chính của Yamamoto xuất phát từ quyết định của vị tổng thống Mỹ khi Nhật cảm thấy mình đủ sức để "chơi" lại Mỹ. Yamamoto phái sĩ quan hành quân của mình là Phó Đề đốc Kuroshima đem một lá thơ đến Bộ Tham Mưu Hải quân tại Ðông Kinh trình bày lý do nên đánh TCC, có đoạn viết:

 

-"Sự hiện diện của hạm đội Mỹ tại Hawaii là một mũi dao găm cắm vào cổ họng chúng ta. Nếu Nhật chính thức tuyên chiến với Mỹ thì chiến dịch Ðông Nam Á sẽ rất dễ bị (Mỹ) tấn công vào cạnh sườn".

Từ nhận định về tương quan lực lượng giữa Mỹ và Nhật về hải quân nên sau khi tấn công và gây thiệt hại cho Mỹ, ông vẫn lo âu không ít và luôn suy nghĩ tìm mưu sách khác. Thứ nhất là cuộc tấn công không tiêu diệt được chiếc hàng không mẫu hạm nào của Mỹ, đó là mục đích chính của cuộc tấn công, cả 4 chiếc đều không có mặt tại quân cảng TC khi Nhật tấn công, như vậy, lực lượng chính của Mỹ chưa bị thiệt hại. Thứ hai, ông hiểu thực lực của Hải quân Mỹ, hành động “đánh lén” nầy sẽ làm Mỹ nổi giận và chắc chắn Nhật sẽ nhận được sự trả thù tương xứng, sẽ không có lợi cho Nhật. Sau khi tấn-công TCC, ông đã phát-biểu một cách lo-lắng:

-“Tôi e rằng những gì chúng ta đã làm đã đánh thức gã khổng lồ đang ngủ và làm cho hắn có những quyết định khủng khiếp” (I fear all we have done is to awaken a sleeping giant and fill him with a terrible resolved).

Quả là nhận xét của một nhà lãnh đạo quân sự sáng suốt khi “biết mình, biết người!”. Sau khi căn cứ Trân Châu bị Nhật tấn công, chính phủ Mỹ đã cử một vị tướng Hải quân tài ba làm Tư lệnh Hạm Đội Thái Bình Dương, vực dậy tinh thần binh sĩ Mỹ bị lung lay và sửa sang căn cứ hoang tàn với ngổn ngang xác tàu, dầu mỡ. Người đó là Đô-Đốc Chester William Nimitz, là “đối thủ” (raval) xứng mặt anh hào với Yamamoto. Hai người đối chiến với nhau trên chiến trường TBD những trận sống mái sau đó, mãi đến khi một trong hai “con hổ” bị hạ. Yamamoto nhận xét không sai, Mỹ quả là “gã khổng lồ bị đánh thức” thật, thực lực quân Mỹ thật hùng hậu, họ tham chiến hầu hết các mặt trận chống khối Trục trong thế chiến, quân viện của Mỹ đổ đến giúp cho các đạo quân đồng minh có phương tiện chiến đấu, phi công Mỹ giỏi và thiện chiến, được huấn luyện bài bản và bổ sung đầy đủ cho nhu cầu chiến trường, tàu chiến Mỹ tham chiến hầu hết các chiến trường và được đóng thêm nhiều tàu mới cung ứng đầy đủ theo nhu cầu chiến trường. Điều quan trọng, quả người Mỹ chính là kẻ đã có “quyết định khủng khiếp”: với 2 trái bom nguyên tử, Mỹ đã buộc Nhật phải ký văn bản “đầu hàng vô điều kiện” trên chiếc Thiết giáp hạm USS Missouri neo trong vịnh Tokyo vào ngày 2-9-1945.

 


Phái đoàn đại diện Nhật tại buổi ký văn kiện đầu hàng
trên Thiết giáp hạm USS Missouri ngày 2-9-1945.


Tuy nhiên, với tham vọng “bá chủ châu Á” trong chính sách “Đại Đông Á” cũng như tham gia vào khối Trục gây chiến với đồng-minh, Yamamoto cùng với các giới-chức quân-sự và chính-phủ Nhật đã bàn định kế-hoạch tiến chiếm các mục-tiêu quân-sự, đánh đuổi sự hiện-diện của Âu, Mỹ tại Á Châu để cùng với khối Trục làm bá chủ thế giới. Trong ý đồ nầy, đội quân của Nhật do Tướng Yamashita chỉ huy đã tấn công Tân Gia Ba của tướng Anh là Tomoyuki Yamashita Percival với chiến thuật là "tràn ngập, truy kích và củng cố", hàng ngàn binh sĩ Anh tử trận cùng với hai chiến hạm Prince of Wales và Repulse bị bắn chìm, sau đó buộc tướng Percival phải đầu hàng. Sau khi chiếm Tân Gia Ba, mặt trận Thái Lan cũng rơi vào tay quân Nhật. Theo đà chiến thắng đó, Yamamoto chủ xướng và chỉ huy trận hải chiến Midway năm 1942 quyết tiêu diệt hải quân Mỹ tại TBD nhưng họ đã nhận định sai lầm, chuốc lấy thảm bại ê chề với 4 hàng không mẫu hạm bị tiêu diệt cùng với quan quân trên nó, mang theo cái mộng “bá chủ hoàn cầu” xuống lòng biển sâu. Sau đó, Nhật thất bại và phải rút lui khỏi Guadacanal để rồi một năm sau, ông bị đối phương sát hại: vào ngày 18-4-1943, trong một cuộc thị-sát Guadalcanal, phía Bắc quần đảo Salomon, Đô-Đốc Yamamoto bị phi-cơ Mỹ “phục-kích” bắn hạ, ông bị tử thương, kéo theo sự thảm bại để rồi Nhật phải đầu hàng vô điều kiện sau đó.

Trở về trước đó, tưởng cũng cần biết thêm, Nhật gặp một trở ngại lớn cho việc phát triển hải quân. Số là sau thế chiến thứ nhất, Nhật phải chấp nhận “Quy ước 5-5-3” với Anh và Mỹ. Nhật phải theo tỷ lệ như sau: nếu Anh, Mỹ được đóng 5 chiến hạm thì Nhật chỉ được phép đóng 3 chiếc mà thôi. Khi thấy mình đã mạnh, Nhật muốn thay đổi thành “tỷ lệ 7-10”, nhưng Mỹ không đồng ý. Những chiến hạm Nhật vì mới đóng nên tối tân hơn, hỏa lực mạnh hơn, chạy nhanh hơn các chiến hạm Anh Mỹ. Năm 1934 Nhật muốn hủy bỏ “quy ước 5-5-3”, Yamamoto được chọn làm trưởng phái đoàn Nhật tại hội nghị Luân Ðôn. Yamamoto cứng rắn đòi chấm dứt quy ước bất bình đẳng 5-5-3. Hội nghị kéo dài hai tháng nhưng đi đến bế tắc, quy ước 5-5-3 không còn hiệu lực nữa. Trong một bữa tiệc do người Anh khoản đãi, một người hỏi Yamamoto “Tại sao ông không đồng ý với tỷ lệ hải quân 5-5-3?”, Yamamoto bỏ dao và nĩa xuống bàn và hỏi lại:

 

-"Tôi bé nhỏ hơn ông, nhưng ông có bắt tôi chỉ được ăn hai phần ba thịt trong đĩa của tôi không? Ông có cho phép tôi ăn đủ no không?"

Khi hội nghị Luân Ðôn tan vỡ, Yamamoto không đổ lỗi cho ai cả. Ông tuyên bố “Nhật chỉ cần một sự phòng vệ, đó là sự công bằng và tình thân hữu quốc tế”. Từ đó, Nhật đóng những chiếc tàu mới hơn, số lượng nhiều hơn trong những xưởng đóng tàu được che kín xung quanh để không lộ việc đóng tàu cho ngoại nhân biết. Tuy nhiên, quan niệm của Yamamoto là “hàng không mẫu hạm là loại tàu chiến hữu dụng nhất trong chiến tranh hiện đại” vì trên HKMH có sẵn phi cơ mà cuộc chiến cần phi cơ yểm trợ nhưng nhiều yếu nhân trong chính quyền và bộ máy chiến tranh Nhật lại thiên về ý hướng “đóng những chiếc thiết giáp hạm to lớn, thép dày, súng lớn; cùng những loại tàu chiến mới hơn, hiện đại hơn Anh Mỹ để chiếm thượng phong trong hải chiến hay đổ bộ”. Yamamoto phải nhượng bộ vì yếu thế nhưng ông vẫn tiến hành nhiều cải cách về hải quân trong phạm vi quyền hạn ông có.

Thời gian lưu trú trên đất Mỹ và sau bao nghiên cứu về quân đội Mỹ cùng chiến trường châu Á, Đô Đốc Yamamoto ý thức rằng muốn thắng Mỹ ở châu Á, quân Nhật phải dựa vào ưu-thế của Hải quân và Không quân với các phi-đội cảm-tử “Thần-Phong” đánh vào các hạm đội Mỹ. Theo dự định, Yamamoto cho rằng “Chỉ cần tấn-công vào Midway là Mỹ phải dốc toàn bộ lực lượng để bảo-vệ nơi nầy vì đây là cứ điểm quan trọng của Mỹ. Điều nầy cũng giống như suy tính của vị tân Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ. Đô Đốc Nimitz biết rằng trước sau gì Nhật cũng sẽ tấn-công Midway để làm tê-liệt Hải-quân Mỹ. Ông quan niệm rằng nếu để Nhật chiếm Midway thì hải trình phía Đông, tuyến giao-thông sinh tử của Mỹ sẽ bị cắt đứt; việc liên lạc, tiếp tế từ Mỹ đến Hawaii, Midway, Australia... sẽ chấm dứt, Mỹ không còn căn-cứ trú quân để kiểm-soát hải-trình huyết-mạch và quan-trọng, nhất là các hoạt-động của Mỹ sẽ bị Nhật biết được. Mỹ cần phải bảo vệ cứ điểm Midway bằng mọi giá. Phần Yamamoto, ông dự tính rằng “Nếu như Mỹ tăng viện để cứu ứng Midway, Nhật sẽ dốc toàn lực để tiêu diệt lực-lượng tăng viện của Mỹ”. Và nếu như vậy, “chỉ cần một trận Midway là Nhật có thể tiêu diệt hoàn toàn Hạm đội TBD của Mỹ”, mà hạm-đội TBD là linh-hồn của Hải-quân Mỹ.

 


Nhật Hoàng Hirohito


Thật ra, Yamamoto hiểu rất nhiều về Mỹ. Ông từng theo học Đại học Harvard, từng là Tùy-viên Hải-quân của sứ-quán Nhật tại Washington D.C., trong lòng ông không bao giờ quên câu nói của Thủ-Tướng Anh là Sir. Winston Churchill khi nhận định về Hoa Kỳ:

-“Nước Mỹ là một cái nồi súp-de (1) cỡ bự, chỉ cần đốt lửa ở dưới, nó sẽ sinh ra một năng-lượng khổng-lồ”.

Tuy vậy, sau thắng lợi ở Trân Châu cảng, chiến thắng quân Anh tại Mã Lai cũng như các chiến thắng của phe Trục tại các mặt trận Âu Châu, Bắc Phi..., Yamamoto tin rằng “chỉ cần một trận Midway nữa là Hải-quân Mỹ sẽ kiệt quệ, khó có thể phục-hồi, mà nếu có phục-hồi thì cũng rất lâu, khi đó, chiến trường châu Á mặc sức cho quân đội Nhật tung-hoành, làm mưa làm gió”.

Từ tham vọng điên rồ đó, Yamamoto quyết-định tung vào trận Midway một lực-lương hùng-hậu chưa từng có: 8 HKMH trong đó có 4 chiếc Hiryu (Phi Long), Kaga (Gia Hạ), Soryu (Thương Long) Akagi (Xích Thành) là những HKMH lớn nhất và nổi tiếng nhất của Nhật, 4 khu-trục-hạm hạng nặng, 700 phi-cơ các loại, chuẩn bị một số lớn quân để tấn-công lên các đảo. Ngoài ra, phần lớn quân chủ-lực của Nhật được ông ta trải dài trân các đảo dọc theo hải trình nơi hạm đội Mỹ có thể đi qua. Với chiến thuật như vậy, Yamamoto quyết tâm tiêu-diệt quân Mỹ với ý định “một mất một còn”. Tham vọng to lớn như vậy nhưng kết quả không như ý định của người Nhật. Tình báo của quân đội Mỹ đã nắm được mọi động tĩnh của quân Nhật, mọi sự chuyển quân, hoạt động của Nhật, phía Mỹ theo dõi sát, mọi mật điện của quân đội Nhật chuyển cho nhau bị Mỹ đọc được hầu hết đã giúp cho Đô Đốc Nimitz sắp đặt kế hoạch để bẻ gãy mọi kế hoạch của Yamamoto. Hải quân Mỹ đã “chơi” với Nhật một trận sòng phẳng và đã cho người Nhật thấy rằng: tiềm lực của Mỹ không như họ tưởng, quan quân Mỹ thiện chiến thế nào, tinh thần chiến đấu của họ ra sao trước tinh thần “Thần phong” cảm tử của quan quân Nhật và cho dù họ có tinh thần “võ sĩ đạo” cũng chỉ là những cái chết vô nghĩa khi không chịu đầu hàng nếu thất trận, cũng chẳng thay đổi được vận mạng cuộc chiến.

 

Hải chiến Midway đã kết thúc ngày 7-6-1942, thiệt hại nghiêng về phía Nhật hết sức nặng nề: 4 HKMH hạng nặng (trong 6 chiếc Nhật có), 12 tuần dương hạm, 272 máy bay, 3 Hạm trưởng HKMH đầy kinh nghiệm, một Đô Đốc giỏi, 3.500 sĩ quan và thủy thủ thiệt mạng cùng bí mật của loại máy bay Zero. Số phi công Nhật thiệt mạng tương đương với con số mà Nhật có thể đào tạo trong 1 năm. Sau trận nầy, Nhật chỉ còn 2 HKMH trong khi Mỹ còn 4 chiếc cùng loại. Về phía Mỹ, 1 khu trục hạm bị chìm, 150 máy bay bị rơi, 307 quân nhân thiệt mạng, HKMH Yorktown bị thủy lội của tàu ngầm I-168 Nhật đánh chìm (2). Điều quan trọng là cán cân lực lượng lại chuyển sang phía Mỹ, đã làm xoay chuyển cục diện chiến tranh, quyền chủ động tấn công giờ đây đã thuộc về người Mỹ, xóa bỏ huyền thoại của quân-đội Nhật là “đoàn quân bách chiến”, đã gióng lên “tiếng chuông báo tử” trên chiến-trường vùng TBD của quân-đội Nhật.

Sau những thất bại lớn về chiến lược ở Midway và Guadalcanal, Yamamoto thấy rõ kết cục chiến tranh sẽ bi thảm cho Nhật, điều mà ông từng tiên đoán trước đó. Tuy vậy, trên cương vị một vị Tướng, ông vẫn cố gắng cầm cự - còn nước còn tát - với quân Mỹ. Yamamoto dự đoán Mỹ có đủ thì giờ để mở các cuộc tấn công mới và sẽ chiếm dần từng đảo một để đầy lui quân Nhật. Ngày 3-4-1943 ông rời soái hạm Vũ Tàng, bay đến căn cứ Rabaul để thị sát và cổ vũ tinh thần binh sĩ. Có lẽ nhận biết mình đang sống những ngày cuối cùng của cuộc đời, đêm trước, Yamamoto viết một bức thư cho vợ, trong thư có kèm một bản “Hòa ca” và một nắm tóc của mình.

 

Sau khi đến Rabaul, Yamamoto bắt tay thực hiện "kế hoạch Y": ra lệnh “tấn công các mục tiêu của quân Mỹ ở Guadalcanal”: ngày 7-4-1943 Yamamoto huy động tất cả các phi cơ của hạm đội Nhật tiến hành 4 đợt không tập dữ dội vào các vị trí quân Mỹ tại Guadalcanal thuộc quần đảo Solomon. Dự trù thì to lớn nhưng chỉ thu được một kết quả ít oi; điều quan trọng là quân Mỹ vẫn không lùi nửa bước. Từ đó, Yamamoto muốn đi thị sát các đơn vị Nhật và để khuyến khích tinh thần binh sĩ nên hoạch định lịch trình thăm viếng. Quân Mỹ bắt được tin tức nầy và đã tổ chức cuộc phục kích, đã hạ sát ông ngay từ loạt đạn đầu tiên.




Đô Đốc Mỹ Chester William Nimitz, đối thủ của
ĐĐ Yamamoto tại chiến trường TBD. Hình chụp năm 1942.


3. Vụ phục-kích Đô Đốc Yamamoto:

Theo quy định từ thời xa xưa và công-ước Genève sau nầy là không được giả mạo quân phục đối phương, không được tổ chức ám sát, sát hại cấp chỉ huy của phe địch v.v… Tuy nhiên, trong Thế chiến thứ hai, do khối Trục đã vi phạm công ước nầy trước đó nên phe Đồng Minh cũng không tuân thủ. Các Tướng Eisenhower, Roosevelt của Mỹ, Thủ Tướng của Anh là Churchill đều bị khối Trục tổ chức ám sát nhưng thất bại. Phía Đồng minh cũng đặt kế hoạch hạ sát cấp chỉ huy của khối Trục. Phần chiến trường Á Châu, Mỹ đặt kế hoạch hạ sát cấp chỉ huy của Nhật nên khi tin tình báo cho biết cơ hội hiếm-có đã đến, họ đã tổ chức bắn hạ Yamamoto và họ đã thành công.
 


P 38, “hung thần” của Mỹ đã sát hại Yamamoto.


Nói về cái chết của Đô Đốc Yamamoto, đó là một cơ hội hiếm có đối với phía Mỹ và cũng là mạt vận của Đô Đốc Yamamoto, người có một binh nghiệp lẫy lừng nhưng đi đến hồi kết. Cái chết của Yamamoto xảy ra cũng bởi sự chủ quan khinh địch của phía Nhật. Chiều ngày 14-4-1943, tổ mật mã tình-báo quân đội Mỹ nằm trong một hang núi tại quần đảo Aleutians bắt được một bức điện mật mã cao-cấp của Nhật đánh đi cho các đơn vị quân Nhật theo “kiểu số”, được Nhật gọi là “mật mã màu tím”, có độ mật rất cao, có tên là “Japanese Navy-25 Code” (JN-25). Đây là kiểu mật-mã mà Nhật cho là kín-đáo nhất (most secret), JN-25 có khoảng 33.000 câu, chữ và số, được chia thành nhóm 5 số, có sẵn trong code book (bản mật mã) lưu hành trong các đơn vị quân đội Nhật. Các code book thường xuyên thay đổi để nếu bị lộ ra ngoài, phía địch cũng không xử dụng bản tin được. Ví dụ bản tin đánh đi như sau: 97850 (có nghĩa là SUBMARINE); 38659 (TOMORROW); 45261 (AUSTRALIA); 29640 (RECONNAISSANCE); 24713 (URGENT); đem ghép lại, thành câu: URGENT SUBMARINE RECONNAISSANCE AUSTRALIA TOMORROW; viết thành code số như sau: 24713 97850 29640 45261 38659. Nếu có chữ nào không có trong code book, dùng số cho các mẫu tự Nhật. Căn-cứ vào “sách ám-hiệu” (cipher book), người ta tra cứu theo trang, cột, dòng...rồi thay đổi theo code để viết thành nhóm 5 số, ghép lại thành văn bản. Sau 2 ngày 2 đêm nghiên-cứu, các chuyên-viên tình báo quân-sự Mỹ đã tìm ra mã khóa, biết được nội dung bức điện, nói về thời gian và địa-điểm thị-sát các đơn-vị Nhật của Đô-Đốc Yamamoto:

-“Tướng quân “GF” (tức Yamamoto), 8 giờ sáng ngày 18-4 sẽ dùng 2 phi-cơ công kích Lục quân với 6 phi-cơ chiến-đấu hộ-tống, từ Rabaul (là tổng hành dinh của Yamamoto) đi thị sát Ballali và quần đảo Bougainville. Phi-đội sẽ hạ cánh xuống Ballali lúc 9:45 phút sáng”.

Theo dự định của Yamamoto, tại đảo Rabaul, nơi ông sẽ chủ tọa một cuộc họp quân sự để thảo các kế hoạch tiếp tục cuộc chiến đấu với hải quân Mỹ. Cuộc họp này rất quan trọng, bởi vì sau khi thất trận Midway, 4 mẫu hạm bị Mỹ đánh chìm là tổn thất về vật chất to lớn nhưng tổn thất tinh thần cũng không kém vì hải quân Nhật nói riêng cùng toàn thể quân đội Nhật nói chung tiêu tan mộng chiến thắng, không còn huyền thoại là đoàn quân “bất khả chiến bại” nữa. Sau hải chiến Midway, quân đội Nhật phải rút lui khỏi Guadacanal, Yamamoto dự đoán Mỹ có đủ thì giờ để mở các cuộc tấn công mới, và sẽ chiếm dần từng đảo một để đẩy lui quân Nhật. Từ đây, quân Nhật phải đương đầu với quân Mỹ, bất cứ từ phía nào. Ông biết rằng các sĩ quan cao cấp Nhật chỉ trích, đổ lỗi cho nhau trong các thất bại vừa qua của Nhật, Yamamoto rất lo ngại trước thái độ nầy của họ, vì vậy ông quyết định phải đích thân đi thăm các căn cứ và binh sĩ Nhật, thăm viếng các tiền đồn hải quân xa nhất để gây lại niềm tin và tinh thần chiến đấu cho những binh sĩ chưa hết bàng hoàng về những thất bại quan trọng vừa qua và cũng để xoa dịu các sĩ quan Nhật đối chọi nhau mặc dù ông biết chuyến đi của ông rất nguy hiểm. Yamamoto cũng muốn gặp tướng Hyakutake, vị chỉ huy Quân đoàn 17 của Nhật trong trận đánh Guadacanal thuộc quần đảo Solomon. Yamamoto dự định ngày 18-4 tới Rabaul để gặp Hyakutake sau đó tới Buin để thanh tra các căn cứ hải quân tại đây. Ðêm 17-4, ông sẽ nghỉ tại Rabaul và hôm sau sẽ tới căn cứ hải quân tại Truk, nơi soái hạm Musashi của ông đang bỏ neo.

Mãi đến ngày nay, nhiều chuyên gia quân sự vẫn chưa hiểu tại sao người Nhật làm như vậy, một hành động vô cùng nguy hiểm trong lúc chiến trận đang hồi khốc-liệt. Trong thời chiến mà tiết lộ tỉ-mỉ lộ trình của thượng cấp như vậy là điều tuyệt đối không nên làm. Có người cho là “Nhật chủ-quan rằng mật mã JN-25 của họ khó bị giải mã được”, người thì cho là “Nhật cho rằng Mỹ bị họ giám-sát mọi hoạt-động nên chủ quan, khinh địch”. Sau khi chiến tranh chấm dứt, người ta mới biết rằng tình báo Mỹ đã đọc được hầu hết những tín hiệu của quân Nhật, do đó biết trước được kế hoạch và hoạt động của quân Nhật; bởi Mỹ biết trước mọi đường đi nước bước của quân Nhật nên sự thất bại của của Nhật là điều không thể tránh khỏi. Trong một lá thư gửi cho thống đốc Dewey của New York, tướng George Catlett Marshall, Jr., Tham Mưu trưởng Liên quân Mỹ, đã viết:

-"Trận đánh Biển San Hô đã được đặt căn bản trên sự giải thích mật mã của hải quân Nhật, do đó số chiến hạm ít ỏi của chúng ta đã được bố trí vào đúng chỗ và đúng lúc. Hơn nữa, chúng ta đã có thể tập trung lực lượng ít ỏi của chúng ta để chặn sự tiến quân của địch tại đảo Midway". Ông còn viết:

-"Các chiến dịch tại Thái Bình Dương phần lớn được hướng dẫn bởi tin tức mà chúng ta thâu thập được về các sự phối trí của hải quân Nhật. Chúng ta biết rõ được sức mạnh của họ tại mỗi căn cứ...chúng ta kiểm soát được được sự di chuyển hạm đội của họ...và chúng ta chỉ việc ra lệnh cho tiềm thủy đỉnh chờ sẵn tại địa điểm thuận lợi nhất để tấn công".

Nhờ biết được mật mã của quân Nhật mà Đô Đốc Nimitz đã chỉ thị cho Đô Đốc Frank Jack Fletcher (April 29-1885 – April 25-1973) mọi kế hoạch trong trận đánh Biển San Hô và Mỹ đã dành chiến thắng, các kế hoạch hành quân của Đô Đốc Yamamoto trở thành vô hiệu vì không bảo mật được.

Sáng sớm ngày 15-4-1942, bản mã được đệ trình lên Đô-Đốc Nimitz. Thiếu-Tá tình-báo Edwin Layton (3) mang mật điện đến văn-phòng của Nimitz. Sau khi trình lên mật điện, ông ta nói:

- Thưa Tư-Lệnh, có tin về “ông bạn của chúng ta” rồi!

Sau khi xem xong mật điện, Đô Đốc Nimitz hỏi:

-“Anh thấy nên làm thế nào? Có nên hạ sát không?”.

Edwin Layton thưa:

-“Ngài hiểu rõ tâm-lý người Nhật, ngoài Nhật Hoàng ra thì Yamamoto là thần tượng của họ. Nếu trừ khử được Yamamoto thì ít nhất cũng làm sa sút tinh thần của Hải quân Nhật và sẽ làm cho cả nước Nhật bối rối”.

Nimitz hỏi lại:

-“Tôi muốn biết là họ có thể đưa ra một Yamamoto khác không?”.

Thiếu Tá Edwin Layton cười:

-“Thưa Tư-Lệnh, điều đó cũng giống như thí dụ Ngài bị họ hạ sát thì làm sao có thể tìm được ngài Nimitz thứ nhì?”.

Nimitz cũng cười theo:

-“Chúng ta thử xem!”.

Quyết-định hạ sát Yamamoto được gởi về Tòa Bạch-Ốc lúc 11 giờ trưa ngày 17-4-1942 để xin lệnh cuối cùng. Tổng thống Roosevelt nhận được báo cáo, lúc đó có mặt của Bộ trưởng Bộ Hải Quân là William Franklin “Frank” Knox (January 1-1874 – April 28-1944), sau khi hai người bàn bạc và cân nhắc, đang tại bàn ăn, vị Tổng Tư Lệnh của quân đội Mỹ ra quyết-định:

-“Ra lệnh bắn hạ máy bay Yamamoto!”.

Quyết định được gởi ngay đến cho Đô-Đốc Nimitz. Nimitz vội triệu tập các sĩ quan tham mưu giỏi nhất đến để bàn bạc. Các sĩ quan tham mưu đề nghị nên mời đại diện hãng Lockheeds Martin (là hãng chế tạo phi cơ P.38) giúp đỡ, vì vậy có thêm ông Frank Meyer, chuyên gia của Lockheeds đến dự họp. Nghiên cứu theo bản đồ, họ đồng thuận địa điểm tốt nhất để chặn đánh phi cơ chở Yamamoto là ngay khi phi cơ của ông ta tới gần đảo Bougainville, nhưng đây sẽ là một cuộc tấn công khá xa cho phi cơ Mỹ khi cất cánh từ phi trường Henderson tại Guadacanal, cách Bougainville đến 500 dặm. Phi cơ P.38 không thể bay tới một nơi xa như thế mà có thể quay trở lại được căn cứ vì không đủ nhiên liệu. Tuy nhiên, đây là cơ hội không thể có đến hai lần, Nimitz yêu cầu các sĩ quan tham mưu của ông phải tìm cách để thực hiện kế hoạch nầy. Giải pháp cuối cùng là lắp thêm vào các chiếc P-38 các bình xăng phụ. P-38 là loại phi-cơ có 2 động cơ, thân đôi, trang-bị 4 súng đại liên 50 và 1 đại bác 20 ly, bay xa, bay nhanh, xoay trở dễ dàng, thích hợp cho không chiến, phục kích, tấn công. Thế là một công điện được gởi cho tướng George Churchill Kenney (August 6-1889 – August 9-1977), Tư lệnh Không lực Tây Nam Thái Bình Dương tại Úc Ðại Lợi của Mỹ, yêu cầu Tướng Kenney “khẩn cấp cung cấp các thùng xăng phụ để bay đường trường”. Thế là 4 phi cơ Liberators cất cánh từ một căn cứ ở vịnh Milne mang theo 18 thùng xăng, mỗi thùng chứa được 165 gallons và 18 thùng xăng khác mỗi thùng chứa được 310 gallons mang đến phi trường Henderson lúc 9 giờ tối ngày 17-4. Các thùng xăng nầy sẽ được liệng bỏ sau khi đã dùng hết xăng.




Phi cơ P-38 (Mỹ) đang tấn công phi cơ Zero (Nhật)
hộ tống chiếc phi cơ chở Đô Đốc Yamamoto


Ngày 18-4-1943, theo kế-hoạch, Đô Đốc Yamamoto sẽ đến Ballale và Buin thuộc quần-đảo Bougainville ở Nam Thái Bình Dương, gần Papua New Guinea để thị-sát quân đội Nhật đang đồn trú tại đó. Đô Đốc Yamamoto đi trên chiếc phi-cơ Mitsubishi G4M (người Mỹ gọi là Betty), trong đoàn có 2 chiếc Mitsubishi G4M, được 6 phi-cơ chiến-đấu Mitsubishi A6M3 Model 22 (người Mỹ gọi là Zero) {do hãng Mitsubishi Heavy Industries, Ltd. sản xuất} hộ-tống. Đây là loại chiến đấu cơ hữu hiệu nhất vào lúc đó. (4)

 


Phi cơ Mitsubishi A6M3 Zero Model 22


Theo kế hoạch đã bàn định, Đô-Đốc Chester William Nimitz, Tư Lệnh Hạm Đội Thái Bình Dương của Mỹ phái 18 chiếc P-38 cất cánh từ căn-cứ Henderson, thuộc Guadalcanal “phục-kích” (ambush) đoàn phi cơ chở Đô-Đốc Yamamoto trên không-trung với nghiêm lệnh:

-“Bằng mọi giá, phải triệt hạ phi cơ chở Yamamoto” (destroy Yamamoto's aircraft “at all costs”).

Trong cuộc họp phân chia trách nhiệm tại Guadalcanal do Đô-Đốc Mitscher chủ trì, Thiếu Tá John Mitchell thuộc Phi-đội 339 của Phi-đoàn 13 thuộc Lục-quân Mỹ được chỉ định đảm-trách công-tác nầy. John Mitchell chọn những phi công tài giỏi nhất trong Phi đội mà ông từng biết được khả năng của họ và tất cả các phi công rất hãnh diện khi được tham gia vào một công tác quan trọng như vậy. Mitchell được trao cho bức điện tín:

"Hoa Thịnh Ðốn. Tối Mật.
Bộ trưởng Bộ Hải quân gửi sĩ quan chỉ huy tại phi trường Henderson.
Ðô Đốc Yamamoto cùng với Ðô Đốc tham mưu và 7 tướng Nhật khác đã rời Truk sáng nay để thanh tra căn cứ Bougainville. Yamamoto và phái đoàn di chuyển trong 2 chiếc Betty và có 6 chiếc Zero hộ tống. Có thể có thêm phi cơ hộ tống theo nghi lễ danh dự từ Kahili. Yamamoto tới Rabaul vào lúc 16:00 và nghỉ đêm tại đó. Sáng sớm sẽ rời đi Kahili và tới nơi khoảng 9:45. Sau đó Yamamoto sẽ lên chiếc tiềm thủy đỉnh để thanh tra các đơn vị hải quân của đô đốc Tanaka."
"Sáng ngày 18-4, phi đội 339 có các phi cơ P.38 phải bay tới và tiêu diệt Yamamoto và đoàn tùy tùng bằng mọi giá. Các thùng xăng trừ bị sẽ từ Port Morseby tới nơi vào chiều ngày 17-4. Tin tình báo cho biết Yamamoto rất đúng giờ. Tổng thống coi cuộc hành quân này cực kỳ quan trọng. Thông báo kết quả ngay tức khắc về Hoa Thịnh Ðốn.
Frank Knox,
Bộ trưởng Bộ Hải quân”.

Tài liệu tối mật này không được sao chép lại và cũng không được lưu giữ; mà phải tiêu hủy ngay sau khi hoàn thành nhiệm vụ".


4. Trận không chiến ngắn ngủi.

Theo dự trù, toán chiến đấu cơ của Thiếu Tá John Mitchell phân chia thành 2 nhóm: nhóm 4 phi-cơ gọi là “phân đội sát thủ” (killer section) gồm có Đại-úy Thomas G. Lanphier Jr. là trưởng toán, Đại-úy Rex T. Barber, Đại-úy Besby F. Holmes và Đại-úy Raymond K. Hine có nhiệm-vụ triệt-hạ phi-cơ chở Yamamoto; nhóm 14 chiếc còn lại do Thiếu Tá John Mitchell chỉ huy, bay ở cao độ 6.000 mét để “dụ địch”, với nhiệm vụ hộ-tống, bảo-vệ cho 4 chiếc “săn mồi” của Đại Úy Lanphier. Phi đội phải giữ im-lặng vô-tuyến tuyệt đối, hạn chế đến mức tối đa trong việc liên lạc với nhau để khỏi lộ bí mật. Các phi công trong toán công tác nầy rất can-đảm vì họ biết rằng họ chỉ có 18 chiếc máy bay, có thể họ bị hơn 80 máy bay Nhật đang đậu tại phi trường Bougainville tấn công để bảo-vệ cho Yamamoto nếu cần. 18 chiếc phải đối mặt với 80 chiếc, một hành động không phải “dũng cảm” là gì?

Đến sáng sớm hôm 18-4-1943 thì việc gắn thêm các thùng xăng phụ vào 18 chiếc P.38 hoàn tất. Ðúng 7 giờ 20, chiếc P.38 đầu tiên cất cánh. Có 2 chiếc bị trục trặc kỹ thuật phải bỏ lại nên chỉ có 16 phi cơ P.38 bay về hướng đảo Bougainville. Cũng vào sáng hôm đó, đúng 6 giờ, Yamamoto khởi hành tiếp cuộc thanh tra từ đảo Rabaul trên chiếc oanh tạc cơ Mitsubishi G4M “Betty” sơn sọc mầu xanh lá cây để ngụy trang, có Thiếu tá Ishizaki là thư ký riêng của Yamamoto, Đô Đốc Quân y Takata và viên sĩ quan tham mưu Tobana cùng đi. Trên chiếc Mitsubishi G4M “Betty” thứ hai có Tham Mưu trưởng của Yamamoto là Đô Đốc Matome Ugaki, Đề Đốc Kitamura và sĩ quan viễn thông là thiếu tá Muroi. Đô Đốc Yamamoto và Đô Đốc Matome Ukagi đều ngồi vào chỗ của phi công chính, còn phi công phụ đảm trách việc lái máy bay. Hai phi cơ chở các Đô Đốc bay sát nhau, còn 6 chiếc Zero thì 2 chiếc bay hai bên trái, 2 chiếc bay bên phải và 2 chiếc còn lại bay bên trên và lùi lại phía sau, có nhiệm vụ hộ tống. Lúc 9 giờ 30 sáng, khi bay gần đến đảo Bougainville thì tất cả đoàn bay thấp xuống, vào khoảng 2.000 bộ. Lúc nầy cũng là lúc đoàn phi cơ của Thiếu Tá John Mitchell vừa bay tới nơi, thời gian đúng y như tính toán chi ly của người Mỹ.

Khi vừa thấy toán máy bay của Thiếu Tá John Mitchell ở trên cao, toán 6 phi-cơ Zero của Nhật vội lao đến để tấn công, trúng vào kế “dụ địch” của phi-công Mỹ, không còn chiếc nào ở lại bảo vệ 2 chiếc chở các nhân vật quan trọng nhất cần bảo vệ, quên đi nhiệm vụ chính của họ. Đến lúc đó, 4 phi-cơ trong toán của Đại-úy Thomas Lanphier Jr. vội tăng tốc-độ: đang bay dưới thấp bèn vọt lên cao, phóng nhanh như những con diều hâu lao đi bắt mồi, bất ngờ đón đánh 2 phi-cơ chở các vị Đô Đốc Nhật. Thấy phi cơ Mỹ xuất hiện, hai chiếc phi cơ nầy vội lao nhanh xuống sát rừng già để tìm sự an toàn, bay quanh co như để tránh đạn và hạ thấp hẳn xuống gần sát đầu các ngọn dừa, cách mặt đất khoảng 200 bộ. Đại-úy Rex T. Barber thấy 2 chiếc Betty sọc xanh lá cây đang hạ thấp xuống rừng già, ông lao xuống đuổi theo. Khi chiếc máy bay chở Yamamoto bay dưới tầm của chiếc P.38, ngang họng súng của mình, Rex T. Barber vội khai hỏa ngay, lửa liền bùng lên sau loạt đạn, khói đen bốc lên khi cánh phi cơ trúng đạn và bốc cháy. Chiếc phi cơ chở Yamamoto mất tốc độ và bay chập choạng, Barber bay trờ tới và nhả thêm một loạt đạn nữa, chiếc phi cơ chở Yamamoto rung lên, đụng phải một cành cây và gẫy gục, chúi xuống đất, rồi chồm lên một lần nữa trước khi nổ tung tại khu rừng gần Kahili ở Bougainville thuộc quần đảo Salomon ngay từ đợt tấn-công đầu tiên của quân Mỹ. Đô Đốc Yamamoto bị đạn bắn trúng đầu và vai, chết ngay khi trúng đạn, xác ông bị cháy đen, văng ra ngoài khi chiếc phi cơ nổ tung sau khi rơi xuống đất.

 


Đại-úy Barber tấn công máy bay chở Yamamoto.


Ðô đốc Ukagi ngồi trên chiếc phi cơ thứ hai, đã chứng kiến từ giây phút đầu đến giây cuối cùng của danh tướng Yamamoto, và đã viết lại trong nhật ký như sau:

-"Bỗng nhiên không thấy báo động mà máy phi cơ gầm lên rồi phi cơ lao xuống rừng già, ở độ cao khoảng 200 bộ. Không ai hiểu chuyện gì đã xảy ra cả. Rồi phi cơ của tôi bay là ngay bên trên cánh rừng già và chúng tôi trông thấy các chiến đấu cơ hộ tống bay vọt lên ngăn chặn các phi cơ tấn công của địch, mang dấu hiệu Lockheed Lightnings. Phi cơ địch đông hơn gấp ba lần phi cơ Nhật và phá vỡ được vòng phòng thủ của các phi cơ Zero và tiến lại phía phi cơ chở chúng tôi. Hai phi cơ của chúng tôi vội quay hướng bay khoảng 90 độ để tránh phi cơ địch, một chiếc rẽ sang hướng phải và một chiếc quay sang trái".

"Vài phút sau tôi không nhìn thấy phi cơ chở đô đốc Yamamoto nữa, nhưng cuối cùng tôi xác định được vị trí của nó cách xa về bên tay phải. Tôi kinh hoàng trông thấy phi cơ đó bay rất chậm ngay trên ngọn cây và những ngọn lửa màu cam mau lẹ tràn ra bao trùm hai cánh và thân máy bay. Rồi phi cơ tuôn ra những làn khói đen dầy đặc, và hạ thấp xuống mãi, chỉ cách chúng tôi khoảng bốn dậm. Khi phi cơ của tôi vượt bay lên, tôi có dịp quan sát toàn thể khu rừng. Chiếc Betty chở Yamamoto hoàn toàn mất dạng trong khi khói đen dầy đặc tuôn lên từ cánh rừng già. Tất cả chỉ xảy ra trong khoảng chừng hai mươi giây và tôi biết rằng thế là hết rồi!"

Sau đó, Đô Đốc Ukagi không còn dịp quan sát nữa. Đại úy Thomas Lanphier Jr. phóng tới tấn công phi cơ chở ông ta. Phi công chở Đô Đốc Ukagi vội đổi hướng bay nhưng Đại Úy Lanphier khai hỏa và một phần đuôi của chiếc Betty chở Ukagi bị vỡ tung, chiếc Betty rơi xuống biển. Hai Đô Đốc Matome Ukagi và Kitamura và các sĩ quan khác trên chiếc Betty thứ hai đều bị thương nặng nhưng được các tàu tuần của Nhật phóng lại cứu cấp và đem được ra ngoài chiếc phi cơ Betty bị phá hủy. Ngoài ra, còn có thêm 3 chiếc Zero của Nhật nữa bị bắn hạ.

Trận không chiến xảy ra chỉ trong 2 phút 47 giây ngắn-ngủi, toán quân Nhật bị quân Mỹ tiêu diệt một cách chóng vánh, trong đó có vị Tư lệnh cao nhất của Hải quân Nhật tại khu vực Thái Bình Dương. Hải quân Nhật tại Bougainville vẫn nuôi hy vọng Yamamoto thoát chết. Đại Tá Yasuji Watanabe lấy một phi cơ bay lượn qua lại nơi máy bay chở Yamamoto bị rơi, viết hàng chữ "Hãy vẫy khăn mặt nếu vẫn còn sống" vào mảnh giấy và quấn quanh những trái banh tennis và ném xuống đất nhưng chẳng có ai vẫy khăn trả lời cả. Tuy nhiên, xác của Yamamoto được tìm thấy một cách tình cờ: Một toán quân Nhật do Trung Úy Hamasuna chỉ huy đi tuần phòng thường lệ, được thổ dân cho biết họ thấy sự việc và dẫn đường vào nơi máy bay bị nạn. Hanasuna thấy xác của Yamamoto văng ra ngoài xác máy bay, bị cháy đen. Mọi xác chết đều bị cháy đen, trừ xác của Đô Đốc Takata còn nhận diện được. Các thi hài được chở về căn cứ Nhật ở Bougainville, sau đó được hỏa thiêu. Ðại tá Yasuji Watanabe đem hộp cốt tro của Yamamoto về Truk, sau đó cũng chính Wantanabe mang về Ðông Kinh trên một tàu chiến.

Sau khi xác của Đô Đốc Yamamoto đem về căn cứ Truk, nét đau đớn hiện hẳn lên mặt từng nhóm sĩ quan Nhật, họ đứng nghiêm trên những chiến hạm, đưa tay chào hiệu kỳ của Đô Đốc Yamamoto khi lá soái kỳ được từ từ hạ xuống trên soái hạm Musashi đang đậu trong vịnh. Lúc đó, phía Mỹ cũng chưa dám chắc là Yamamoto bị giết chết vì nghi có thể ông ta chỉ bị thương. Ba hôm sau, nhận được tin tro cốt của Yamamoto được chiếc Vũ-Tàng chở về Nhật, khi đó phía Mỹ mới chắc rằng Yamamoto đã bị hạ và họ vui với chiến công nầy, loại trừ được một đối thủ đáng gờm.

Người Mỹ căm thù Yamamoto vì trận tấn công Trân Châu Cảng nên khi tin ông bị bắn hạ được thông báo trong một buổi họp, các sĩ quan Mỹ reo hò vui mừng nhưng Đô Đốc William Frederick Halsey, Jr. thì chua chát nói:

-"Chuyện này có gì đáng vui đâu? Chúng ta đã hy vọng bắt sống được tên khốn kiếp này, xích hắn lại và dẫn đi diễn hành trên đại lộ Pennsylvania, trong khi các ngươi tha hồ đấm đá thì mới thực là thích thú".

Ðại lộ Pennsylvania ở thủ đô Hoa Thịnh Ðốn, có tòa Bạch Ốc, là nơi của tổng thống Mỹ cư ngụ và làm việc. Giấc mộng của Đô Đốc Halsey muốn bắt sống Yamamoto, trói lại rồi dẫn đi trên đại lộ nầy, quả là hơi ngông cuồng bởi quan quân Nhật thấm nhuần tinh thần võ sĩ đạo nên chắc chắn họ sẽ tự tử bằng mọi cách để tránh cái nhục phải đầu hàng huống hồ trói họ rồi dẫn đi bêu rếu ngoài phố như thế.

Sau đó, Ðô đốc William Frederick Halsey, Jr. gửi một công điện tới phi trường Henderson:

-"Ngợi khen Thiếu Tá Mitchell và các thiện xạ của ông ta. Một trong những con vịt bắn được của họ thực sự là một con công".

Khi tro cốt của Yamamoto được đưa về tới Đông Kinh và sau khi thống nhất ý kiến, cái chết của Yamamoto được loan báo. Vào một đêm, Đài Phát thanh Tokyo, bằng một giọng trầm buồn, xướng ngôn viên tuyên-bố trên làn sóng phát-thanh:

-“Đô Đốc Yamamoto khi đang làm nhiêm vụ chỉ huy chiến lược ở mặt trận thì gặp máy bay địch và đã anh dũng hy-sinh một cách vẻ-vang”.

Tại Nhật, cốt tro của Yamamoto được tách ra làm hai phần để được tổ chức hai tang lễ. Trong lịch sử, ngoài Đô Đốc Horatio Lord Nelson của Anh quốc tử trận ngày 21-10-1805 tại trận Cape Trafalgar thuộc Tây Ban Nha trước đó, đến tang lễ Yamamoto, chưa bao giờ có quang cảnh cả một nước nào để tang một người như vậy. Hầu như toàn thể dân chúng thủ đô Ðông Kinh đổ ra đường tham dự tang lễ của Yamamoto tại Công Viên Hibiya, trừ Nhật Hoàng không tham dự vì thân phận Ngài được đặt cao hơn sự sống chết của người đời, không tham dự tang lễ của bất cứ ai. Tất cả mọi nhân vật quan trọng trong chính phủ cùng dân chúng đau buồn dự tang lễ và rồi lặng lẽ đi đến nghĩa trang Tamabuchi - trong số đó có nàng ca kỹ Kikuji khóc âm thầm đi theo dòng người đó. Tại nơi đó, tro cốt của Yamamoto được đặt bên cạnh ngôi mộ của Đô Đốc Tōgō Heihachirō đã chôn trước đó. Yamamoto là người thứ 12 được làm lễ quốc táng trong suốt lịch sử của nước Nhật, là vị Đô Đốc thứ nhì sau Đô Đốc Tōgō Heihachirō, anh hùng trong trận chiến ở Mãn Châu & eo biển Đối Mã, người đã chôn vùi hạm đội Nga trong trận chiến năm 1905. Còn tại quê hương ông, người ta cũng tổ chức tang lễ rất long trọng với một phần tro cốt của ông, giống như nhiều nơi khác trên nước Nhật: mọi người ngậm ngùi tiếc thương trước cái chết của ông, cầu nguyện cho linh hồn ông đươc an nghỉ nơi cõi vĩnh hằng theo quan niệm lễ giáo của con cháu Thái Dương thần nữ.

 


Đại Tá Rex T. Barber (chụp năm 1959), người đã bắn hạ
Đô Đốc Yamamoto vào năm 1943, khi đó còn là Đại Úy.


Người bắn hạ chiếc phi cơ chở ĐĐ Yamamoto là Đại-Úy Rex T. Barber, cư dân của Terrebonne, Oregon, thuộc Phi-đội chiến-đấu 339 của Phi-đoàn 13 (Không quân của Lục-quân Mỹ). Có vài tài liệu ghi khác: “Đại-úy Thomas G. Lanphier Jr. là người bắn chiếc phi cơ chở Đô Đốc Yamamoto” nhưng thật sự ông ta là người bắn chiếc chở Đô Đốc Matome Ukagi. (5) Sau khi không ngừng bắn vào chiếc phi-cơ chở Yamamoto cho đến khi nó rơi hẳn xuống đất, Đại Úy Rex T. Barber quay trở lại phụ với đồng đội để hạ các phi-cơ Nhật còn lại trong đoàn của Nhật trong khi ông còn phải chống lại các phi-cơ Zero hộ-tống của Nhật tấn công. Trở về căn cứ, người ta thấy phi-cơ ông bị 104 vết đạn do phi-cơ Nhật bắn, còn chiếc phi cơ của Thomas G. Lanphier Jr. chỉ bị 2 vết đạn. Sau trận nầy, Barber được thưởng huy chương Navy Crox, một huy chương cao quý nhất của Hải quân Mỹ. Sau khi về hưu từ Không quân Mỹ năm 1961 với cấp bậc Đại Tá, ông là một chức sắc trong nhà thờ, rồi đắc-cử chức Thị trưởng của thành phố quê nhà, Culver, Oregon. Ông mất một cách bình yên ngày 26-7-2001, thọ 84 tuổi, tại Terrebonne, tiểu-bang Oregon.

Mãi đến ngày 13-6-1975, Kenji Yanagiya, viên phi-công Nhật cuối cùng, người sống sót trong trận phục kích Yamamoto kể lại toàn bộ sự việc một cách chi tiết mà ông chứng kiến trong một cuốn băng, trong đó có đoạn: “Các chiếc P-38 từ phía sau bên phải các chiếc Betty bay tới và bắn rơi chiếc phi-cơ chở Yamamoto”. Tài liệu này hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng viện Đô-Đốc Chester William Nimitz tại Fredericksburg, Texas.

Đô-Đốc Mineichi Koga, người kế nhiệm trong chức vụ của ông Yamamoto sau đó, đã phát biểu:

-“Chỉ có một Yamamoto và không có ai có thể thay thế ông ta”.

Sau trận Midway, sau cuộc rút lui Guadacanal và nhất là sau cái chết của Đô Đốc Yamamoto, quân đội Mỹ và Đồng Minh lấy lại tinh thần chiến đấu, chuẩn bị rồi tiến hành các trận đánh mới để giải tỏa áp-lực của Nhật và dần dần chiếm lại các vùng đất đã rơi vào tay quân Nhật trước đó. Những thời gian sau trận Midway, quân đội Nhật dần đi vào từ thất bại nầy đến thảm bại nọ để rồi cuối cùng phải đầu hàng vô điều kiện sau khi hai quả bom nguyên-tử Mỹ thả xuống Quảng Đảo (Hirosima) và Trường Kỳ (Nagasaki), chấm dứt thế chiến thứ hai, cuộc chiến gây bao nhiêu thương đau cho nhiều dân tộc.

 

 

Logo của Hải Quân Hoàng Gia Nhật Bản


5. Lời Kết.

Người Nhật thương tiếc cái chết của Đô Đốc Yamamoto nhưng biết đâu điều nầy có thể giúp Yamamoto tránh cái nhục phải trông thấy nước Nhật bại trận nếu ông còn sống. Có lẽ điều đó đối với ông còn đau đớn hơn cái chết nữa. Có vài bài viết về Yamamoto trong đó tác giả cho rằng “Nếu Yamamoto còn sống, chưa chắc Mỹ thắng được Nhật, cục diện TBD sẽ khác đi, tình hình thế giới sẽ khác đi" v.v… với nhiều chữ “nếu”. Thật tế, cho dù Yamamoto còn tại thế đi nữa, cục diện thế giới cũng sẽ xoay theo chiều thuận khi mà khối Trục đã dần đi đến đổ vỡ: mặt trận Bắc Phi, Châu Âu đã nghiêng về quân đồng minh; Thủ tướng phát xít Ý Benito Mussolini (tên đầy đủ: Benito Amilcare Andrea Mussolini, 29-7-1883 – 28-4-1945) đã bị bắt giam vào tháng 7-1943 sau khi quân Ý thất bại tại mặt trận Hy Lạp và châu Phi; quân Đức đã bị đánh bại trên chiến trường Nga băng giá… Cho dù tại châu Á quân Nhật chưa thua cũng không thể chống cự nỗi và trước đó cũng chính Yamamoto đã phải triệt thoái quân Nhật ra khỏi Guadacanal, nhìn quân Mỹ tiến chiếm dần từng đảo một và nhất là tinh thần chiến đấu của binh sĩ Nhật sa sút đến thảm hại.

 

Nếu lấy cuộc đột kích Trân Châu Cảng làm tiền đề để xác định “thế mạnh” của quân Nhật là không thực tế vì đó chỉ là một cuộc “đánh lén” trái với công pháp quốc tế (6) mà phải lấy trận hải chiến Midway để làm thước đo “tài nghệ” mới chính xác. Trong cuộc tập kích Trân Châu cảng, Yamamoto muốn tiêu diệt các mẫu hạm Mỹ là mục tiêu chính nhưng ông không tiêu diệt được HKMH nào của Mỹ. Ở trận Midway, hai phe chuẩn bị chu đáo một thời gian dài trước khi xung trận, hai bên đã tung vào trận những “con bài chiến lược” ưng ý nhất theo như dự tính chiến thuật của mình. Kết quả trận nầy là một mũi dao đâm vào tim Yamamoto: 4 HKMH tham chiến cùng rủ nhau đi vào lòng đại dương, mang theo tất cả quan quân Nhật trên đó mà chưa ai kịp hô “Tenno Heika Banzai!” (Thiên hoàng vạn tuế!) như họ vẫn làm.

Yamamoto vẫn thường tin rằng ông sẽ không sống sót trong trận chiến tranh tại Thái Bình Dương, một trận chiến mà ông bất đắc dĩ phải thi hành và “lúc nào ông cũng muốn làm bạn với người Mỹ” (sic). Yamamoto đã mở một trang sử mới về chiến tranh hải quân, nhưng là một trang sử rất ngắn, vừa mở ra đã khép lại ngay với cái chết của ông. Điều an ủi cho Yamamoto là được “tử trận tại chiến trường” thay vì chết trên giường bệnh, cho dù cái chết đó không vinh quang, không xứng đáng với một danh tướng đã từng có một thời oanh oanh liệt liệt như ông. Ðược chết trong lúc đang thi hành phận sự của một quân nhân là điều Yamamoto thường mong mỏi, nên ông đã từng viết trong một bài thơ đầy sĩ khí:

Ta vẫn là một thanh kiếm
Của Thiên Hoàng
Ta sẽ không cắm vào vỏ kiếm
Cho đến khi ta chết
”.

Ngày nay có lẽ người Nhật không quên hàng trăm ngàn binh sĩ của họ đang yên nghỉ trong lòng biển sâu, có thể họ nghe thấy tiếng thì-thầm phẫn-uất của vong hồn những thủy thủ này từ đáy đại dương, những chiến sĩ can trường của Hải Quân Hoàng Gia Nhật đã hy sinh đời mình nhưng không đem lại được vinh quang cho Nhật Hoàng và Tổ Quốc, trong đó có Đô Đốc Yamamoto. Cuộc đời của Yamamoto chỉ có một mục đích: phục vụ tổ quốc Nhật và Nhật Hoàng và ông đã đạt được như ý nguyện. Ông đã để lại trong lòng mọi người sự cảm phục, ngay cả các đối thủ. Ngày nay, hàng tuần vẫn còn một người trên đường đi làm về, ghé vào nghĩa trang và thận trọng rút khăn tay bằng lụa ra lau chùi bia mộ của ông, người đó chính là cựu Đại Tá Yasuji Watanabe, người đã thoát chết khi Yamamoto không để ông đi theo trên chuyến bay định mệnh ngày đó. Watanabe cũng là người đã đem tro cốt của Yamamoto về Nhật, là một trong số ít người còn lưu tâm tới cái chết của ông. Có lẽ vong hồn Yamamoto nơi chín suối cũng được an ủi phần nào trước tình chiến hữu bền lâu này vậy!

Chú thích:

 

(1) Khi chưa chế ra máy chạy bằng động cơ dầu cặn (diesel), con người dùng máy chạy bằng hơi nước. Người ta chế tạo một nồi kín thật lớn, nấu nước sôi lên trong nồi; khi nước sôi, tạo nên một áp-suất rất manh để tạo ra công năng, đẩy một piston rồi qua một then chuyền làm chuyển-động máy, nồi nước sôi gọi là "nồi súp de" (phiên âm từ tiếng Pháp là Chaudière à vapeur, tiếng Anh là boiler).


(2) Chiếc Yorktown không bị chìm trong trận Midway nhưng bị chìm vì tàu ngầm Nhật 2 giờ sau khi tan trận. Khi 3 chiếc HKMH Nhật bi chìm, chỉ còn chiếc thứ 4 là chiếc Hiryu. Hạm trưởng Hiryu phái 24 chiếc máy bay đi tìm tàu Mỹ để trả thù. Khi những máy bay này gần chiếc Yorktown, đã bị Yorktown phát giác bằng radar, một kỹ thuật mới mà Nhật chưa có vào lúc đó. Chiến đấu cơ từ Yorktown bay lên và chặn đánh, bắn rơi hầu hết máy bay Nhật nhưng vẫn có vài chiếc thoát qua được nên chiếc Yorktown bị trúng 3 quả bom, làm 5 lò hơi ngừng hoạt động, làm vận tốc giảm xuống 6 hải lý/ giờ. Nhân viên Yorktown sửa chữa ngay nên vận tốc tăng lên 20 hải lý/ giờ, phi cơ có thể cất hay hạ cánh từ Yorktown cùng với các phi cơ từ HKMH USS Enterprise tấn công HKMH Hiryu và những thiết giáp hạm hộ tống nó. Hiryu bị đánh 4 quả bom, boong tàu bị phá huỷ, khoang chứa máy bay chìm trong biển lửa, ngọn lửa cũng nhanh chóng lan xuống dưới, khiến động cơ ngừng hoạt động và sau đó chìm vào lòng đại dương. HKMH USS Yorktown bị tàu ngầm Nhật I-168 đánh chìm 2 giờ sau cuộc hỗn chiến nầy trong lúc được trục vớt, vào ngày 7-6-1942.

 

(3) Edwin Thomas Layton (sinh: April 7-1903 tại Nauvoo, Illinois; chết: April 12-1984), tốt nghiệp Học viện Hải quân Annapolis, Maryland năm 1924, người được ghi nhận nhiều nhất trong công vụ với tư cách là một sĩ quan tình báo trước, trong và sau Chiến tranh thế giới thứ II. Layton được chỉ định làm tùy viên Hải quân của Sứ quán Hoa Kỳ tại Tokyo trong ba năm. Trong khi ở Nhật, ông đã gặp Đô Đốc Isoroku Yamamoto nhiều lần, sau đó được chuyển đến Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Beiping (hay Peiping, tên trước kia của Beijing (Bắc Kinh) bây giờ), làm tùy viên hải quân. Layton về hưu năm 1959, cấp bậc sau cùng khi giải ngũ là Phó Đề Đốc (1 sao).


(4) Zero là chiến đấu cơ Nhật được xếp hạng nhất thời đó trong 2 năm đầu sử dụng. Khi quân Nhật tấn công hải cảng Dutch (Alaska) vào ngày 3-6-1942, 1 phi cơ Zero bị rơi, phi công chết nhưng phi cơ chỉ bị hư hại nhẹ, Mỹ thu được và khám phá bí mật của phi cơ nầy. Ngay sau đó Mỹ chế ra chiếc Grumman F6F-3 Hellcat, loại chiến đấu cơ hạng nhất, “truất ngôi” của Zero. Chỉ trong 2 năm sau, Mỹ chế ra đến 12,200 chiếc Hellcat cung cấp cho quân đội Anh và Mỹ trong thế chiến thứ 2, loại chiến đấu cơ nầy đã tiêu diệt được 5.223 chiếc phi cơ địch.


(5) Nghi vấn “Ai là người bắn chiếc phi cơ chở Đô Đốc Yamamoto?”: Sau phi-vụ nầy, đã có tranh cãi về việc “ai là người bắn rơi chiếc phi cơ chở Yamamoto: giữa Lanphier và Barber?”. Qua những tường thuật sau phi vụ nầy của 3 phi công đảm trách “săn mồi” trở về: Đại-úy Thomas G. Lanphier Jr., Đại-Úy Rex T. Barber và Đại-úy Besby F. Holmes (phi cơ của Đại-úy Raymond K. Hine, chiếc thứ tư trong “toán săn mồi” bị bắn rơi) cùng với Kenji Yanagiya, viên phi công Nhật duy nhất trong toán phi cơ hộ tống Yamamoto hôm đó còn sống sót sau cuộc “phục kích” nầy kể lại sau đó, “người bắn chiếc phi cơ chở Yamamoto chính là Đại Úy Barber”. Sau đây là đoạn văn ngắn tóm tắt về vấn đề nầy trên một bản báo cáo của US Navy: “All reports conclude that Rex Barber indeed was the pilot who shot down the plane carrying Yamamoto. In a later interview with Kenji Yanagiya, the only surviving pilot of the six Japanese escort fighters, his testimony clearly showed that Rex Barber's story was completely accurate”. Nếu cần xem thêm để có nhận định hay suy luận, chúng ta có thể tìm (search) trên internet qua Google, Yahoo hay Ask.com; type: “Who shot down Yamamoto?”, “Who killed Yamamoto?” hay “Which pilot who shot down the plane carrying Yamamoto?” sẽ có vô số tài liệu về việc nầy.


(6) Phi cơ Nhật khởi sự tấn công Trân Châu Cảng trước giờ Đại sứ Nhật tại Mỹ trao “tối hậu thư khai chiến” cho phía Mỹ, như vậy trái với công pháp quốc tế về chiến tranh. Sau nầy người ta suy ra lý do duy nhất người Nhật làm như vậy là vì họ sợ rằng nếu thông báo đúng giờ giấc theo công pháp quốc tế cho đại sứ Nhật để sứ quán Nhật trao cho Hoa Kỳ, họ sợ rằng người Mỹ có thể sớm đọc được tin đó qua các mật mã thám-không của quân đội Mỹ dò được từ người Nhật đánh đi, sẽ chuẩn bị để đối phó và cuộc tấn công sẽ mất yếu tố bất ngờ, không thu được kết quả như ý. Hai Ðại sứ Nhật tại Mỹ là Kichisaburō Nomura và Saburō Kurusu dự định thông báo quyết định của chính phủ Nhật cho Bộ Ngoại giao Mỹ vào lúc 1:00 PM, thế mà mãi tới 2.20 PM ngày Chủ Nhật 7-12-1941 họ mới tới Bộ Ngoại giao Mỹ. Như vậy Đại Tá Mitsuo Fuchida, người ban lệnh “phát động cuộc tấn công Trân Châu Cảng” đã ra lệnh tấn công sớm hơn kế hoạch 35 phút. Nếu tối hậu thư của Nhật tới Bộ Ngoại Giao Mỹ đúng giờ thì người Mỹ sẽ có 35 phút biết trước giờ Nhật trao “chiến thư”, theo như luật lệ.


Trước khi mở cuộc tấn công, Yamamoto bổ nhiệm Phó Đô Đốc Chuichi Nagumo chức Tư lệnh Lực lượng Xung kích trực tiếp tấn công TCC. Nagumo có trong tay 23 chiến hạm lớn, trong đó có 6 HKMH Akagi, Kaga, Soryu, Hiryu, Zuikaku và Shokaku; 2 tuần dương hạm lớn Hiei & Kirishima, 2 tuần dương hạm nhỏ Tone & Chikuma, 1 tuần dương hạm nhẹ (frigate) và 9 diệt ngư lôi hạm mới đóng, trên 6 HKMH có 423 phi cơ đủ loại, trong đó 353 phi cơ có nhiệm vụ tấn công TCC; các tuần dương hạm cũng có một số phi cơ để thám thính và trợ giúp các phi đội chiến đấu. Ngày 10-11-1941, PĐĐ Chuichi Nagumo đọc nhật lệnh đầu tiên trên soái hạm Akagi đang bỏ neo tại Biển Inland. Cùng ngày, tân Tham Mưu trưởng Liên Hợp Hạm đội là Đô Đốc Matome Ukagi cũng đọc một bài diễn văn kêu gọi lòng ái quốc của các phi công Nhật trong nhiệm vụ thiêng liêng cho tổ quốc, có đoạn ông nói: "Một hạm đội địch hùng hậu tập trung tại Trân Châu cảng. Chúng ta phải diệt tan hạm đội này ngay khi cuộc chiến xảy ra. Nếu kế hoạch này thất bại ở bất cứ giai đoạn nào của cuộc hành quân, thì hải quân của chúng ta sẽ chịu số phận thảm hại sẽ không bao giờ có thể đứng lên được nữa"… và "Sự thành công của cuộc tấn công này vào Trân Châu cảng sẽ chứng tỏ là một trận tương tự như trận Waterloo cho cuộc chiến sau đó. Vì lý do này, hải quân Hoàng gia sẽ tập hợp tất cả sức mạnh về chiến hạm và phi cơ để bảo đảm chiến thắng"… "Hiện nay các kỹ nghệ nặng của Hoa Kỳ đang chuyển sang chế tạo chiến hạm, phi cơ và các khí cụ chiến tranh khác. Phải mất nhiều tháng mới đủ cho sức mạnh nhân lực của Hoa Kỳ động viên được để đương đầu với chúng ta. Nếu chúng ta bảo đảm được sự siêu việt chiến lược ngay từ lúc khởi đầu, bằng cách tấn công và chiếm được những yếu điểm bằng một cú đánh bất ngờ trong lúc Hoa Kỳ chưa sẵn sàng, thì chúng ta làm cho các cuộc hành quân sau này thuận lợi cho chúng ta. Hoàng thiên sẽ chứng giám cho sự chính đáng của chúng ta trong cuộc chiến này."


Khi được tin cuộc tấn công TTC thu được kết quả, Đại Tá Mitsuo Fuchida lại ra lệnh cho sĩ quan truyền tin phát đi tín hiệu "Tora, Tora, Tora". Tiếng Nhật “Tora” nghĩa là “con hổ”, dựa vào một câu nói của người Nhật: "Một con hổ đi xa 2 ngàn dặm và trở về thành công"; tín hiệu này cho biết lực lượng tấn công của Nhật đã thành công trong sứ mạng giao phó. Tín hiệu này đã mở màn cho cuộc chiến khắp Thái Bình Dương và Ấn Ðộ Dương: ngay khi nhận được tín hiệu "Tora, Tora, Tora" các toán phi công Nhật khắp nơi liền tung ra các cuộc tấn công tại nhiều mặt trận trong vùng Châu Á. Quả đúng như e ngại của người Nhật, thật ra, hai đại sứ Nhật tại Hoa Thịnh Đốn nhận được bản tối hậu thư từ Đông Kinh đánh đi sau cả các chuyên viên mật mã của Mỹ, nhưng đến khi đó thì Nhật đã tấn công rồi, Mỹ không làm gì được nữa bởi khi nhận được tin, chuyên viên phải mã hóa, rồi trình lên thượng cấp (quân sự), rồi đến tay vị Tư Lệnh, rồi chuyển về Hoa Thịnh Đốn, đến Hội Đồng Liên quân… cũng khá lâu mà thời gian chỉ 35 phút thì nhằm gì.

 

Khi được thông báo, Bộ trưởng Bộ Hải Quân William Franklin "Frank" Knox tại Hoa Thịnh Ðốn bàng hoàng kêu lên: "Trời Ðất! Không phải như thế! Người Nhật định tấn công Phi Luật Tân cơ mà!". Bản tối hậu thư đó đại ý cho biết “Chính phủ Nhật rất tiếc phải báo cho chính phủ Hoa Kỳ biết Nhật Bản thấy rằng hai bên không thể đạt được tới một thỏa hiệp, dù có tiếp tục thương thuyết nữa”. Hai đại sứ Kichisaburō Nomura và Saburō Kurusu biết trước rằng chiến tranh thế nào cũng xảy ra giữa Mỹ và Nhật, nhưng không biết rõ bao giờ và ở đâu. Chính phủ Nhật e sợ rằng nếu thông báo trước cho hai đại sứ Nhật thì người Mỹ có thể đọc được tin và cuộc tấn công sẽ mất yếu tố bất ngờ. Như vậy, Đại Tá Mitsuo Fuchida đã đưa Nhật vào một cuộc chiến tranh “không được chính thức thông báo” theo thông thường, coi như hành động “đánh lén” không hơn không kém.


Tài liệu tham khảo:

- Google.com, Yahoo.com
- Ask.com, World war two.
- Wikipedia.org,
- The battle of Midway
- Yamamoto killed.
- Who shot down Yamamoto?
- Yamamoto, con rồng TBD, Nguyễn Vạn Lý
- Tài liệu tổng hợp. 

 

Lê Chánh Thiêm

Tháng 4-2002, có sửa đổi và thêm.

 

Đăng lần đầu: 27-5-2006, được sửa đổi và đăng lại trên trang nầy


* * *

Xem bài cùng tác giả: click vào đây
Xem trang “HQ. Thế giới": click vào đây
Trở về trang chính: www.nuiansongtra.com  


 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh