Bàn về truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du mà không đề cập đến điển tích tác giả sử dụng trong đó là một thiếu sót lớn. Vì chắc chắn người thưởng thức sẽ không hiểu sâu sắc câu truyện, không cảm hết được cái hay từng chữ, từng câu của tác phẩm, và ghi nhận sự uyên bác của tác giả.
Có người còn cho rằng cái khối điển tích được sử dụng trong truyện, nếu đem in thành sách, nó còn đồ sộ gấp nhiều lần so với chính truyên. Và, cái khối điển tích ấy cũng góp một phần không nhỏ cho giá trị tác phẩm. Xóa đi cái nhận định chỉ là một tác phẩm phóng tác từ truyện của người khác (Đoạn trường tân thanh – Thanh Tâm tài nhân), như lâu nay người ta đã ngộ nhận, dẫn đến hậu quả là việc UNESCO chậm trễ trong việc thừa nhận một tác phẩm văn học của nhân loại. Cũng như phải đến đầu năm 2013 thi hào Nguyễn Du mới được vinh danh là nhà văn bóa thế giới duy nhất của dân tộc Việt Nam.
Có lẽ, do số lương điển tích quá phong phú đó, khiến từ trước đến nay, có một số điển tích các nhà chú giải cũng không thật thấu đáo đẻ người đọc có thêm kiến thức, nhất là từ khi truyện được chuyển ngữ từ chữ Nôm ra Quốc ngữ với mẫu tự La Tinh hiện nay, và đưa vào sách giáo khoa để dạy và học trong các học đường. Hơn thế nữa, cái hay của truyện, từ lâu đã được bao quát bằng nhận định “vừa bác học, vừa bình dân”.
Từ xa xưa, từ một bà già nhà quê, không hề biết chữ, không biết nhiều những truyện khác, miệng nhai trầu bỏm bẻm, vẫn thuộc nằm lòng để có khi khoan khoái ngâm nga thỏa thích, hay còn gọi là “nói Kiều”, hoặc ầu ơ ru dỗ giấc ngủ cho trẻ thơ đến những người tài hoa, trí thức cũng cảm nhận từng câu, từng chữ để tôn vinh là đại tác phẩm văn học dân tộc.
Hơn thế nữa, “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn”, như học giả Phạm Quỳnh nhận định.
Trong đề tài nầy, một trong những điển tích muốn tìm hiểu ở đây, được cụ Nguyễn đưa vào truyện ở hai câu 155 & 156, đó là:
“Trộm nghe thơm ngát hương lân
Một nền Đồng Tước khóa xuân hai Kiều”
Phần chú giải, hai vị học giả uyên thâm cả Nho học lẫn Tây học Trần Trọng Kim và Bùi Kỷ dẫn hai câu thơ của thi sĩ Đỗ Mục thời nhà Đường Trung Hoa để minh chứng:
“Đông phong bất dữ Chu lang tiện,
Đồng Tước Xuân thâm tỏa nhị Kiều
(Nếu gió Đông không giúp cho Chu Du,
thì hai Kiều phải khóa xuân trong đền Đồng Tước). (1)
Hai Kiều là Đại Kiều và tiểu Kiều đời Tam Quốc, một người lấy Tôn Sách, một người lấy Chu Du.
Dùng điển tích nầy, cụ Nguyễn muốn nhắc lại cái cách sống trong phong tục và luân lý cổ xưa. Thời đó, số phận người con gái hoàn toàn phụ thuộc vào sự định đoạt của cha mẹ, kể cả giao thiệp hằng ngày cũng bị hạn chế. Dù cho khi người con gái đó đã khôn lớn, trường thành, vẫn phải an phận. Ở đây, cụ ví ngôi nhà của Viên ngoại là nơi “kín cổng cao tường” thời con gái của hai chị em Thúy Kiều và Thúy Vân:
“Phong lưu rất mực hồng quần
Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê
Êm đềm trướng phủ màn che
Tường đông ong bướm đi về mặc ai”.
Nhưng. Cũng như Khổng Minh và Đỗ Mục. Nói vậy thôi, chứ Viên Ngoại nào đâu có “khóa xuân” đựơc nàng Kiều. Chuyện chiếc trâm rơi ai biết chắc đó là vô tình hay cố ý. Đến chàng Kim, khi nhặt được mà cũng:
“Giơ tay vội lấy về nhà
Này trong khuê cát đâu mà đến đây”.
Để rồi từ đó, bắt đầu cho những chuyện:
“Nhà lan thanh vắng một mình
Ngẫm cơn hội ngộ đã đành hôm nay
Thì trân thức thức sẵn bày
Gót sen thoăn thoắt dạo ngay mái tường”
Rồi lại:
“Đến nhà vừa thấy tin nhà
Hai thân còn giở tiệc hoa chưa về
Cửa ngoài vội rủ rèm the
Xăm xăm băng lối vừơn khuya một mình”.
Phóng túng không kém gái thời nay:
“Nàng rằng “khoảng vắng đêm trường
Vì hoa nên phải đánh đường tìm hoa”.
Đến sau nầy Chu Mạnh Trinh và Đoàn Tư Thuật cũng cho rằng: “Chỉ vì một tội: mối manh chưa có, thề thốt đã nhiều, trăng gió mắc vào phồn hoa dính mãi”.
Điển tích nầy xuất phát từ hai câu trong bài phú của Tào Thực, con trai Thừa tướng Tào Tháo vịnh đền Đồng Tước do cha mình xây dựng bên sông Chương Giang, tỉnh Hà Nam, nhân ngày khánh thành. Bài phú diễn tả cái tráng lệ của quần thể khu đền gồm ba tòa lâu đài, riêng biệt. Tầng trên cũng được thông nhau bằng hai cây cầu, khiến người thơ ví như hai cái cầu vồng của thiên nhiên. Ngoài ra, không hề có dụng ý nào khác:
“Liên nhị kiều ư Đông Tây hề
Nhược trường không nhi nhuế đống
(Bắt liền hai cầu ở Đông Tây như các cầu vồng nổi lên giữa lưng trời). (2)
Nhân hai câu thơ đó, chiến thuật gia Khổng Minh dùng mẹo “chơi chữ”, sửa câu viết, để chữ Kiều (nghĩa là cây cầu) ở đây mang ý nghĩa Tào Tháo xây đền xong sẽ bắt hai nàng Kiều về nhốt, chọc tức Đô Đốc Chu Du nước Ngô để ông hợp tác trong trận Xích Bích đánh Tào Tháo rửa hận. Huyền thoại ấy, sách Tam Quốc Chí, tác giả La Quán Trung có nêu rõ.
Sau cùng là nhà thơ Đỗ Mục đời Đường, tuy là hậu sanh, cách xa thời kỳ Tam Quốc Chí đến năm, sáu thế kỷ, là người có kiến thức, ông biết rõ huyền thoại ấy, nhưng có lẽ, do mang tâm hồn thi sĩ thường nặng tình với giai nhân nên trong một chuyến đò qua sông Trường Giang - đoạn Xích Bích - nhớ lại chuyện xưa, ông không ngần ngại xem như không phải là huyền thoại, mà là chuyện có thật. Thương thân phận hai nàng Kiều và cảm thông nỗi hận của vua tôi nước Ngô, không ngần ngại hạ bút hai câu thơ để đời. Khiến cụ Nguyễn cũng “nòi tình đồng điệu” lấy làm thành một điển tích.
Vì vậy, điển tích nầy, có đến ba sự thật:
* Trước tiên, hai câu phú của Tào Thực là có thật nhưng chữ Kiều trong đó không phải ám chỉ hai nàng Đại Kiều và Tiểu Kiều, mà chữ kiều ở đây là tả hai cây cầu thông nhau giữa ba lâu đài, đẹp như hai cái cầu vồng trên trời cao.
* Sự thật thứ hai, là Khổng Minh Gia Cát Lượng có dùng mẹo chơi chữ biến chữ kiều là cầu thành kiều là tên hai phu nhân của hai nhà lãnh đạo nước Đông Ngô để khích tướng đối với Chu Du.
* Sự thật cuối cùng là thi sĩ Đỗ Mục tức cảnh sinh tình, xót xa hoàn cảnh của Chu Đô đốc, nếu không được trời cao đất rộng, quyền năng ban cho ngọn gió nghịch mùa, đoan chắc Tào Thừa tướng xây dựng tòa đền để đến sang Xuân, khi công thành, danh toại sẽ bắt hai người đẹp về giữ làm của riêng.
Yêu cầu đặt ra ở đây, là muốn nhận định ý nghĩa đích thực điển tích tác giả dùng, nghĩa là phải hiểu với phạm trù nào, vì cả ba sự thật kể trên đều ghi nhận đền Đồng Tước là có thật, nhưng lại mang ba ý nghĩa và mục đích khác nhau. Rồi đối chiếu thực tế cũng không có gì phù hợp. Bốn, giai nhân không có ai bị “khóa xuân” cả.
Đặt vấn đề như thế, vì chỉ kể từ đầu truyện đến đây thôi, thi hào đã dùng điển tích một cách chuẩn xác chứ không phải vòng vo, rắc rối như trường hợp nầy.
Mong rằng các nhà thức giả đưa ra một kết luận thích hợp cho tác phẩm văn học lớn, đến nay thế giới đã biết đến và quý trọng.
Xuân Thới
21/12/13
Phụ chú:
(1) Hai câu thơ trong bài “Xích Bích hoài cổ” của Đỗ Mục.
Nguyên tác Hán văn:
Xích Bích hoài cổ
Chiết kích trầm sa thiết vị tiêu
Tự tương ma tẩy nhận tiền triều
Đông phong bất dữ Chu Lang tiện
Đồng Tước xuân thâm tỏa nhị Kiều
Dịch Nghĩa
Mũi kích gãy nằm trong cát, sắt chưa mòn hết
Tự tay mình mài rũa, đã nhận thấy dấu vết triều đại vừa qua
Gió Đông ví không thuận tiện cho chàng Chu Du
Thì cảnh xuân thâm nghiêm của đài Đồng Tước đã khóa chặt hai nàng Kiều
* Bản dịch của Tương Như:
Cát vùi lưỡi kích còn trơ,
Rũa mài nhận dấu triều xưa rõ ràng
Gió đông ví phụ Chu Lang
Một nền Đồng Tước khóa xuân hai Kiều
* Bản dịch của Trần Trọng San:
Giáo chìm, sắt vẫn còn trơ,
Rửa xem nhận biết triều xưa rõ ràng.
Gió Đông không giúp Chu Lang,
Khóa xuân Đồng Tước đã giam hai Kiều.
(2)
2a. Nhị Kiều:
Theo “Tam quốc chí diễn nghĩa” (TQC) của La Quán Trung, thì Kiều Huyền hay Kiều Công, chủ nhân của Kiều gia trang tại huyện Hoàn, quận Lư Giang, nay là huyện Tiềm Sơn, tỉnh An Huy, gần quận Cối Kê xứ Giang Đông, bờ nam sông Dương Tử, có hai người con gái được xem là tuyệt thế giai nhân thời Tam Quốc. Danh tính thật của hai chị em chưa được biết đến mà gọi người chị là Đại Kiều và người em là Tiểu Kiều. Đại Kiều là cô gái nhu mì, đẹp trầm lặng, đa sầu, hiền hậu, nhút nhát, Tiểu Kiều dung mạo xinh đẹp, thông minh, thích đọc sách, đánh đàn, ngắm hoa và làm thơ. Sau khi chiếm được Uyển Thành (hay Hoãn Thành), Lư Giang, Tiểu bá vương Tôn Sách cùng bạn là Chu Du đến thăm Kiều gia trang và trước vẻ đẹp danh bất hư truyền, hai chàng tướng trẻ tuổi đã cầu hôn hai nàng họ Kiều. Đại Kiều lấy Tôn Sách, viên tướng - chỉ huy của nhà Đông Ngô làm chồng, Tiểu Kiểu kết hôn với Chu Du, danh tướng và là nhà quân sự tài ba của Tôn Sách và Tôn Quyền. Tuy nhiên, hồng nhan bạc phận: số phận hai phu quân của họ đều yểu mệnh, Tôn Sách bị ám sát chết khi chưa đầy 25 tuổi, Chu Du bị trọng thương và mất tại Nam Quận.
Theo TQC, hai chị em được xem là một trong những nguyên nhân gây ra đại chiến Xích Bích, bởi Tào Tháo ngưỡng mộ nhan sắc hai nàng Kiều, tấn công xứ Giang Đông để bắt hai nàng Kiều mà hai nhà lãnh đạo Giang Đông không muốn mất về tay nhà Ngụy. Trong chương 44, Khổng Minh đã khích tướng Chu Du khi lấy bài thơ của Tào Thực theo lệnh cha đã làm bài “Đồng tước đài phú” có nói đến việc muốn bắt hai nàng Kiều ở Giang Đông về làm của riêng để Đông Ngô chống Ngụy cùng với nhà Thục. Và Chu Du đã mắc mưu quân sư Gia Cát. Trong trận Xích Bích, nguyên soái Chu Du nhờ gió Đông dùng hỏa công đốt cháy các chiến thuyền của Tào Tháo. Xích Bích là một khúc sông trên Trường Giang trong tỉnh Hồ Bắc.
Tuy nhiên, có vài mâu thuẫn về lịch sử. Kiều Huyền mất vào năm 183 trong khi hai chị em họ Kiều lấy Tôn Sách và Chu Du vào năm 200 nên Kiều Huyền không thể có mặt khi họ kết hôn, không có tài liệu nào để lại xác định hai chị em họ Kiều là con gái của Kiều Huyền. Một điểm quan trọng khác là việc đài Đồng Tước được xây dựng vào mùa Đông năm 210 (3 năm sau khi kết thúc Trận Xích Bích), bài “Đồng Tước đài phú” của Tào Thực được viết vào năm 212, 2 năm sau khi đài xây xong, còn bài thơ trong TQC có thêm 7 dòng không có trong bản gốc của Tào Thực được ghi lại trong Tam quốc chí. Qua đó, chuyện Gia Cát Lượng sử dụng bài phú để kích động Chu Du chống Tào Tháo trong TQC hoàn toàn là hư cấu và hai chị em họ Kiều không phải là nguyên nhân dẫn đến trận thủy chiến Xích Bích.
Hai câu trong bài phú của Tào Thực:
Liên Nhị Kiều vu đông tây hề,
Nhược trường không chi đế đống.
(Bắc hai cầu tây đông nối lại
Như cầu vồng sáng chói không gian)
Gia Cát Lượng sửa lại thành:
"Lãm nhị Kiều ư đông nam hề,
Lạc triêu tịch chi dữ cộng"
(Tìm hai Kiều nam phương về sống,
Vui cùng nhau giấc mộng hồi xuân).
3b. Sơ lược về tác giả bài “Đồng Tước đài phú”:
Đồng Tước đài phú là sáng tác của Tào Thực, là con trai thứ ba của Tào Tháo, em của Tào Phi, người đất Bái, huyện Tiêu (nay thuộc tỉnh An Huy). Lúc Tào Tháo xây xong Đồng Tước đài thì Tào Thực chỉ khoảng 10 tuổi. Vậy mà, khi nghe cha ra lệnh các con làm thi phú để tán tụng, ông làm xong bài phú Đồng tước đài, khiến cha vừa mừng vừa kinh ngạc, và Tào Phi bắt đầu ganh tị với ông từ đó. Tào Thực mất, có để lai “Trần Tư Vương tập”, gồm khoảng 80 bài thơ và hơn 40 bài từ, phú, tản văn.
Sau khi Tào Phi lên ngôi, muốn loại trừ Tào Thực, một lần giữa triều, Phi lấy đầu đề “Anh em” (nhưng trong bài không được nói đến hai tiếng “anh, em”) bắt Tào Thực bước bảy bước, phải làm xong bài thơ, nếu không sẽ bị tội. Tào Thực, vừa rơi nước mắt vừa đọc:
Chử đậu nhiên đậu cơ,
Đậu tại phù trung khấp.
Bổn thị đồng căn sinh,
Tương tiễn hà thái cấp.
Dịch:
Nấu đậu bằng dây đậu,
Đậu ở trong nồi khóc.
Rằng cùng một gốc sinh,
Đốt nhau sao mà gấp!
Dịch Quân Tả có lời phê bình về chuyện nầy: "Tào Phi là một người tàn ác, thế mà khi Tào Thực đọc xong bài thơ trên cũng không khỏi không cảm động. Nhờ thế mà Tào Thực thoát chết". Danh sĩ Tạ Linh Vận (385 - 433) thời Đông Tấn cũng đã hết sức khen ngợi Tào Thực: “Văn chương trong thiên hạ có cả thảy một thạch (tức 10 đấu), riêng Tử Kiến (Tào Thực) đã chiếm hết 8 rồi.
Nền cũ của đài Đồng Tước nay vẫn còn, ở huyện Lâm Chương, tỉnh Hà Nam.
Đề tài liên hệ:
- "Đồng Tước đài phú: click vào đây.
- "Xích Bích hoài cổ: click vào đây.
* * *
Xem bài cùng tác giả: click vào đây
Xem trang Tạp văn, tùy bút: click tại đây
Về trang chính: www.nuiansongtra.com