Lời giới thiệu:
Dưới đây là một tài liệu liên quan đến "Thở & Thiền", được soạn thảo công phu với nhiều trích dẫn và hướng dẫn phương thức thực hành "Thiền". Nếu độc giả nào cần tài liệu nầy để lưu hay để theo đó thực hành, xin đừng ngại, hãy email đến webmaster qua địa chỉ: nuiansongtra@rocketmail.com để chúng tôi gởi đến quý vị.
Webmaster.
- - - - - -
THỞ & THIỀN - CHỮA LÀNH THÂN TÂM.
Lê Quang Chưởng.
Cư trần lạc đạo thả tùy duyên
Cơ tắc xan hề khốn tấc miên
Gia trung hữu bảo hưu tầm mích
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.
(Trần Nhân Tông)
Ở đời vui đạo hãy tùy duyên
Đói đến thì ăn, mệt ngủ liền
Trong nhà có báu, thôi tìm kiếm
Đối cảnh không tâm chớ hỏi thiền.
Vua Trần Nhân Tông là Sơ Tổ của phái Thiền Trúc Lâm Yên Tử cũng như các bậc Thánh, các Thiền sư thật sự, khi đối diện với cảnh vẫn vô tâm, thì đâu cần phải hỏi Thiền chi nữa. Người phàm chúng ta thì tâm viên, ý mã nên phải học và tu tập Thiền dài dài mới mong thân tâm thường an lạc.
Theo Brahmarshi Patriji: “Mọi khổ đau thể xác đều phát xuất từ phiền muộn trong tâm trí. Mọi phiền muộn trong tâm trí đều phát xuất từ sự non nớt của trí tuệ. Sự non nớt của trí tuệ phát xuất từ sự thiếu hụt năng lượng tâm linh và trí tuệ tâm linh.
Thông qua thiền, khi chúng ta tiếp nhận dồi dào năng lượng vũ trụ và trí tuệ tâm linh, trí tuệ trở nên thuần thục. Dần dà mọi phiền muộn trong tâm trí dừng lại. Kết qủa là mọi khổ đau thể xác tan biến. Thiền là cách duy nhất để chữa lành mọi tật bệnh“.
Vậy ta hãy tìm hiểu sơ lược về Thiền và Thiền là gì? cũng như lợi ích của Thiền.
Thiền được truyền đến Trung Hoa bởi nhà sư Ấn Độ Bồ Đề Đạt Ma (470-543) và được thiết lập bởi Lục Tổ Huệ Năng (638 - 713). Sau đó những đệ tử xuất chúng của Ngài Lục Tổ đã sáng lập năm phái Thiền chính thời đó là: Lâm Tế, Tào Động, Qui Ngưỡng, Vân Môn và Pháp Nhãn. Theo thời gian năm phái Thiền chính này được củng cố thành hai phái Thiền Tào Động và Thiền Lâm Tế còn tồn tại đến ngày nay. Sau thời Huệ Năng Thiền được chấp nhận và tu tập rộng rãi bởi các tu sĩ cũng như cư sĩ thuộc mọi tầng lớp.
Suốt hai trăm năm từ đời sơ tổ Bồ Đề Đạt Ma đến đời thứ sáu Huệ Năng, Thiền vẫn giữ cái phong thái Ấn Độ uyên nguyên và giản dị, không có những yếu tố triệt để và kỳ quặc như ta thấy trong các thờ kỳ sau này trong lịch sử Thiền. Có thể nói một cách quả quyết trong thời kỳ sơ khởi không có tu tập công án, không có việc la hét, hù dọa, đánh đạp…như ta thấy ở những thời sau đó. Có lẽ hiện nay phái Tào Động là phái Thiền độc nhất vẫn còn duy trì được một số yếu tố Ấn Độ uyên nguyên trong giáo lý của họ.
Trải qua nhiều thế hệ Tào Động và Lâm Tế là hai phái Thiền “đối địch” nhau, mỗi phái có một pháp môn tu tập Thiền khác nhau. Phái Tào Động theo pháp môn Thiền giản dị, cụ thể và minh bạch kiểu Ấn Độ vượt trội và được ưa chuộng hơn pháp môn của phái Lâm Tế rắc rối, khó hiểu và bí truyền qua các công án.
Nếu ta muốn tránh các yếu tố khó hiểu và bí ẩn của Thiền và cố ghi lại trực tiếp một lời dạy giản dị và cụ thể thực tiễn thực sự thì pháp môn của phái Thiền Tào Động thích hợp hơn cho người hiện nay.
Pháp môn của phái Thiền Lâm Tế không thích hợp ở thế kỷ này phần lớn vì sự tu tập công án là cột trụ chính, quá khó khăn không thích hợp với tâm thức hiện đại. Ngoài ra trong sự tu tập Thiền bằng cách tham công án ta phải trông cậy vào một thiền sư có thẩm quyền từ đầu đến cuối. Lại thêm một khó khăn nữa là khi tham thiền công án nó có xu hướng làm tâm trí luôn căng thẳng, nguy hiểm.
Sự khác biệt chính xác giáo lý giữa hai phái Thiền Tào Động và Lâm Tế là: Pháp môn của phái Tào Động dạy môn đồ cách quán tâm mình trong tĩnh lặng. Pháp môn phái Lâm Tế bắt tâm của môn đồ phải tìm cách giải quyết một vấn đề không thể giải quyết được mà ta gọi là tham công án hay thoại đầu.
Ở Việt Nam đời nhà Trần, vua Trần Nhân Tông (1258-1308) là một ông Vua vừa có học, giỏi văn thơ, lại vừa có tài điều binh khiển tướng hai lần đánh bại quân Nguyên hung bạo. Khi họa xâm lăng đã dẹp yên, đất nước thái bình, ông nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông, chỉ ở ngôi vua trong 14 năm. Vua Trần Nhân Tông đã chịu ảnh hưởng của cha ông, mộ đạo Phật từ khi còn là Thái tử. Sau khi nhường ngôi cho con, ông lên núi Yên Tử hòa hội với các phái thiền đã có trước đó ở Yên Tử như Tỳ Ni Đà La Lưu Chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường lập ra dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử. Đây là phái Thiền đầu tiên hoàn toàn Việt Nam.
Theo Thiền sư Thích Thanh Từ trong cuốn “Thiền Tông Việt Nam cuối thế kỷ 20“ có nói:
“Chúng tôi dung hợp pháp tu của ba vị Tổ: Tổ Huệ Khả (494-601), Tổ Huệ Năng (638-713), Sơ Tổ Trúc Lâm (1258-1308) thành một lối tu cụ thể như sau:
1. Biết vọng không theo, vì vọng tưởng là những tâm niệm hư ảo.
2. Đối cảnh không tâm, vì nó là tướng duyên hợp, giả dối tạm bợ.
3. Không kẹt hai bên, vì đối đải là không thật.
4. Hằng sống với cái thật, vì giả là luân hồi, thật là giải thoát.
Đây là bốn phương tiện chúng tôi tạm lập để hướng dẫn người tu. Tùy theo căn cơ, trình độ nhanh chậm cao thấp của hành giả mà lối ứng dụng có thể khác nhau.
Thiền là sự sống. Thiền là một sinh hoạt mà không thể nào đem ra giảng dạy như một môn học chỉ có tính chất hàn lâm. Thiền không phải để lý giải hay lý luận mà là phải trải nghiệm. Thiền là làm cho tâm tĩnh lặng, có ý thức, không trụ vào đâu như “Ưng vô sở trụ như sinh kỳ tâm” trong kinh Kim Cang.
Thiền có nhiều phái như: Thiền Tây Tạng, Thiền Nam Tông, Thiền Bắc Tông, Vi Diệu Pháp Hành Thiền, Thiền Thiên Chúa Giáo, Thiền Ngoại Đạo.
Trong Phật giáo có hai loại thiền là Thiền quán và Thiền định. Hai loại Thiền này khác nhau về phương pháp thực hành, về cách hoạt động và về trạng thái tâm thức.
Thiền quán còn gọi là Thiền Minh Sát (Vipassana, thuộc phái Nam Tông) có nghĩa là một ý thức, một cái thấy rõ ràng và chính xác về những gì đang xảy ra. Mục đích mang lại cho hành giả một tuệ giác, hiểu được tự tánh cuả mọi vật và nhìn thấy sâu sắc sự vận hành cuả tất cả mọi hiện tượng trong cuộc sống.
Thiền định còn gọi là Thiền tĩnh lặng hay thiền chỉ có nghĩa là dừng lại (thuộc phái Bắc Tông). Khi trạng thái tâm ta tập trung vào một đối tượng duy nhất nào đó, dừng lại và không đi ra ngoài đối tượng ấy. Đa số phương pháp thiền đều dựa vào yếu tố định này.
Hành giả thực tập thiền quán chỉ dùng yếu tố định như là một phương tiện giúp cho chánh niệm có thể lần hồi phá vỡ bức tường vô minh.
Ngày nay Thiền được đưa vào lãnh vực Y khoa phục vụ sức khỏe cho con người.
Bậc thầy tâm linh ở Ấn Độ, Osho đã nói:
-“Thiền là một loại dược phẩm công dụng của nó là cho hiện tại. Một khi đã hiểu được phẩm chất này, bạn không cần phải hành bất kỳ loại thiền đặc biệt nào, khi ấy thiền trải rộng trong khắp cuộc đời bạn.”
“Hãy nhớ một điều, thiền có nghĩa là sự ý thức. Bất cứ cái gì bạn làm bằng ý thức cũng đều là thiền. Hành động không phải là vấn đề mà là phẩm chất mang bạn đến với hành động. Việc đi bộ có thể trở thành thiền nếu bạn bước đi có ý thức. Ngồi có thể là thiền nếu bạn ngồi một cách có ý thức. Nghe tiếng chim kêu có thể là thiền nếu bạn lắng nghe có ý thức. Việc chỉ cần lắng nghe tiếng ồn bên trong tâm thức có thể trở thành thiền được nếu bạn giữ được sự tỉnh táo và chú ý.”
Cũng như Thiền sư Munindra đã nói:
“Bất cứ việc gì chúng ta làm thì nên làm trong chánh niệm, sinh động, trọn vẹn và hoàn tất. Đó là Thiền”.
Chánh niệm là sự không quên những gì đang thật sự xảy ra ngay trong giây phút hiện tại trong tư tưởng, trong ý nghĩ, trong lời nói và ngay cả trong hành động. Có nghĩa là luôn luôn có tĩnh thức trong từng giây phút một.
Tỉnh táo và chú ý là bước thứ nhất trong việc tu thiền. Thiền luôn luôn có tính chất thư giản và thoải mái.
Hãy luôn luôn cố gắng đặt sự chú ý vào tất cả những gì bạn đang làm trong từng hành động đều là hình thái mạnh mẽ nhất của thiền.
Nhưng Thiền không dễ. Thiền đòi hỏi sự chịu đựng bền bỉ, kỷ luật cũng như thời gian và công sức. Thiền đòi hỏi ở ta những phẩm chất mà thường thường chúng ta chẳng thấy gì thú vị và luôn muốn tránh né nếu có thể được. Thí dụ khi ta ngồi thoải mái trên ghế bành với chai bia hay ly rượu mạnh xem ti-vi, ca nhạc thì thú vị và sảng khoái hơn là phải ngồi thiền gò bó, giới hạn phải thế này thế kia. Tại sao? Giản dị lắm! Vì chúng ta là con người ở cõi ta-bà này nên tự nhiên chúng ta thừa hưởng cái tính chất bất tọai nguyện của cuộc sống.
Bản chất cuả sự sống là khổ, Đức Phật đã dạy thế. Khổ là một danh từ rất to tát trong đạo Phật. Chữ khổ không chỉ có nghĩa là sự đau đớn, dày vò của thể xác mà còn mang một ý nghĩa thâm sâu, tinh tế hơn về một cảm giác bất toại nguyện của mỗi ý tưởng, mà chúng là kết quả trực tiếp của những phản ứng máy móc của ta.
Dẫu sao thì cuộc sống này có thiếu gì những giây phút mà mình cảm thấy vui thích. Sự thật không phải vậy, nó chỉ có vẻ thôi.
Bây giờ bạn hãy thử chọn ra một giây phút nào đó mà bạn nghĩ là mình thật sự cảm thấy hài lòng nhất. Nếu bạn nhìn kỹ lại thì bên dưới niềm vui ấy sẽ thấy có sự căng thẳng, buồn phiền. Cho dù giây phút này có trọn vẹn đến đâu rồi nó cũng sẽ chấm dứt. Cho dù bạn có thu đạt được kết quả nhiều đến đâu chăng nữa, chắc chắn rồi bạn cũng sẽ mất đi, hoặc lo bảo vệ những gì mình đã có và toan tính để được nhiều hơn nữa. Nhưng cuối cùng đời bạn còn lại cái gì? Cái chết! Cuối cùng bạn cũng phải buông bỏ tất cả, tất cả chỉ là tạm bợ mà thôi.
Nghe có vẻ bi đát lắm! Phải không bạn? Nhưng may mắn là phương pháp thiền tập sẽ giúp ta làm thanh tịnh được tâm ý mình. Thiền cũng giúp ta thanh lọc được tiến trình tư tưởng cũng như gạn bỏ được những chất kích động tâm ý như là tham lam, sân hận, si mê,… những thứ là đầu mối gây biết bao phiền não, khổ đau tai hại trong cuộc đời. Thiền sẽ mang lại cho tâm ta một trạng thái tĩnh lặng và tĩnh thức, một trạng thái cuả định và tuệ.
Thiền tập cũng giống như làm ruộng vậy. Muốn có thửa đất để trồng trọt ta phải đốn cây, bứng gốc rễ cũng như dẫy sạch cây cỏ dại. Sau đó ta cày, xới đất, gieo hạt, bón phân, tưới nước rồi mới gặt hái được hoa lợi. Với tâm của chúng ta cũng thế, chúng ta phải dọn dẹp miếng đất tâm (tâm địa) sạch sẽ hết những yếu tố nào làm trở ngại. Ta phải bứng nhổ tận gốc rễ để chúng không còn mọc trở lại nữa. Rồi chúng ta bón phân cho mãnh đất tâm bằng sự tinh tấn và nỗ lực. Sau đó chúng ta gieo những hạt giống lành, tốt và gặt hái những hoa trái cuả niềm tin, giới luật, chánh niệm và tuệ giác.
Mục đích cuả thiền tập là một sự chuyển hoá tự thân. Cái “tôi” đi vào bên này cuả kinh nghiệm thiền tập sẽ không phải là cái “tôi” đi ra phiá bên kia. Thiền tập sẽ thay đổi con người của ta qua một tiến trình nhận thức sâu sắc về những cảm giác của mình. Nó bắt ta ý thức rõ rệt về những ý nghĩ, lời nói và hành động của mình. Thiền tập có khả năng giúp ta đối diện với những thăng trầm của cuộc đời một cách dễ dàng hơn, làm giảm đi những sự căng thẳng, lo sợ. Rồi những bất an trong cuộc đời cũng sẽ vơi đi và những đam mê sẽ dần dần bớt đi chỉ còn lại những nhu cầu cần thiết. Cuộc đời của chúng ta sẽ giống như con thuyền nhẹ nhàng lướt trên dòng nước mà không gặp những thác ghềnh trôi qua.
Thiền tập sẽ giúp cho định lực và tuệ giác của ta ngày càng sâu sắc thêm, sự suy nghĩ sẽ chính xác hơn và dần dần ta có thể trực tiếp tiếp xúc với sự vật chung quanh ta như bản chất hiện hữu thật sự của chúng không bị vọng tưởng làm sai lệch.
Đó là một vài lý do (tất nhiên còn nhiều nữa) để hiểu vì sao chúng ta phải quan tâm đến thiền. Nhưng dẫu sao đó chỉ là lý thuyết suông mà thôi. Chỉ có một cách duy nhất để ta có thể biết được thiền có ích lợi gì cho mình thì bạn hãy thực hành, bạn nên nhớ thực hành cho đúng. Bạn hãy tự mình kiểm chứng lấy.
Trong giới hạn bài này tôi muốn bàn về Thiền quán vì nó phổ thông và dễ dàng thực hành đối với phần đông mọi người trong mọi trường hợp của cuộc sống. Vì vậy chúng ta sẽ giới hạn đề mục của thiền quán vào một đối tượng chủ yếu và cơ bản nhất là hơi thở.
Hơn 2500 năm trước Đức Phật đã đưa một trong những phương pháp hiệu quả nhất để tạo ra sự nhận thức từ bên trong là “Quán niệm hơi thở” nhận thức hơi thở vào và thở ra.
Chúng ta đang hít thở, nhưng đó là sự thở vô thức. Chúng ta hãy thở một cách có ý thức. Đức Phật đã dùng hơi thở như một phương tiện để đạt cùng lúc hai mục đích; một là tạo nên sự nhận thức và kế đến là cho phép sự nhận thức ấy đi vào từng tế bào của cơ thể. Ngài nói: “Hãy thở một cách có nhận thức“. Điều này có nghĩa là biến hơi thở nên đối tượng của nhận thức, thay vì thay đổi nó.
Hãy để nó như hiện hữu, tự nhiên chớ thay đổi. Nhưng khi hít vào ta hãy hít một cách có ý thức, hãy để cho nhận thức hoà cùng với hơi thở đi vào. Và cũng như thế với hơi thở đi ra, hãy để cho nhận thức hoà cùng với hơi thở đi ra.
Ý thức về hơi thở có nghĩa là không cho phép hiện diện một tư tưởng nào, vì tư tưởng sẽ gây phân tâm.
Hơi thở là cầu nối (Thầy Tâm Linh Oshio)
“Chính trong hơi thở có ẩn chứa một sự hiện hữu. Nếu ta cứ tiếp tục hít thở và nghĩ rằng đó chỉ là không khí vào ra, ta sẽ không bao giờ thâm nhập được sự huyền bí của nó. Ta sẽ mãi mãi hoàn toàn quên lãng chính mình. Ta sẽ vẫn mãi trụ trong thể xác. Ta sẽ không bao giờ biết được những gì xảy ra vượt ngoài thể xác.
Ta không thể thâm nhập vào thiền nếu không có cố gắng tìm hiểu và sử dụng hệ thống hô hấp. Hơi thở của ta là cầu nối giữa ý thức và vô thức của ta.
Hãy tĩnh thức với hơi thở. Hãy dõi theo hơi thở, hơi thở đi vào, hơi thở đi ra!”.
Bác sĩ Andrew Weil nói: “Nếu phải giới hạn lời góp ý của tôi tới những ai – muốn sống một cách khỏe mạnh với một mẹo duy nhất thì lời nói đó chỉ giản dị là – học thở cho đúng cách”.
Thế nào là thở cho đúng cách tôi xin lần lượt trình bày sau đây.
Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc có những ý kiến nhận xét về cách thở trong Thiền:
“Có thể nói Thiền là Thở. Không cần bày vẽ nhiều kiểu gây hoang mang khó thưc hiện. Chỉ cần nhớ cái chủ yếu là “thở bụng“ và luôn “nghĩ về hơi thở“ của mình trong lúc thở là được.
Thở trong Thiền phải là thở cơ hoành, còn gọi là thở bụng. Đây là cách thở của trẻ sơ sinh, một cách thở êm nhẹ, nhưng rất có hiệu quả. Cơ hoành là cơ quan trọng nhất, quyết định 80% chất lượng hô hấp, vắt ngang giữa bụng và ngực, di chuyển lên xuống như một pít - tông đẩy và hút khí vào ra. Thở chậm và sâu thì lợi gấp đôi thở nhanh mà cạn. Tế bào thần kinh hô hấp có ảnh hưởng toàn bộ hệ thần kinh thực vật, tác động lên các tạng phủ khác nên thở đúng cách có lợi cho toàn thân, cho cả tim mạch, tiêu hóa, bài tiết.
Thở bụng, chú ý thở vào thở ra, bỏ mặc cảm xúc thì cảm xúc sẽ biến mất. Khi giận, khi sợ, khi cảm xúc mạnh thì lập tức tập trung vào hơi thở thì sẽ có lợi. Thở đúng bằng cơ hoành - thở bụng – đều, chậm, sâu, êm có tác dụng tốt cho cả thân và tâm. Những nghiên cứu về sinh lý học trong Thiền còn nhiều thứ như đo các sóng phát ra từ não bộ, đo biến dưỡng căn bản, năng lượng tiêu hao…cung cấp nhiều phát hiện lý thú. Nhiều nghiên cứu khẳng định Thiền giúp làm giảm huyết áp, giải quyết được một số vấn đề bệnh tim mạch, tăng sức đề kháng của cơ thể, hoạt động ít mệt mỏi, giải quyết công việc hiệu quả và sáng suốt hơn kể cả trong học tập và nghiên cứu.
Nhiều trung tâm Y khoa, Đại học Y khoa trên thế giới hiện nay đang tiếp tục nghiên cứu về Thiền để mong đóng góp một cách chữa bệnh hiệu quả, toàn diện, ít tốn kém và đặc biệt chữa một số bệnh không cần dùng thuốc, bệnh do căng thẳng, do dinh dưỡng, do nếp sống gây ra. Rõ ràng Thiền còn rất nhiều bí ẩn cần được thể nghiệm, thực hành, nghiên cứu dài lâu”.
“Cái may mắn là động tác thở vừa tự động lại vừa kiểm soát được. Khi thở ra hết thì tự động thở vào, khi thở vào đầy thì tự động thở ra. Nhưng ta có thể kiểm soát làm cho hơi thở sâu, cạn, dài, ngắn.
Cái may mắn thứ hai là khi đầu óc ta bận suy nghĩ về điều này thì không thể cùng lúc nghĩ về điều khác. Vì vậy mà ta kết hợp vừa thở vừa quan sát sự thở, chú ý đến hơi thở vào ra, ngắn dài ra sao, ta sẽ quên đi những chuyện khác, nhờ đó mà đầu óc ta được tĩnh lặng lại và thư giản ra. Khi giận hơi thở trở nên dồn dập không kiểm soát được, đầu óc mất khôn. Nếu ta nhớ lại theo dõi hơi thở ta sẽ quên giận vì đầu óc bận tập trung vào nhịp thở, cách thở, chỉ trong chốc lát thì giận sẽ nguôi. Đây là hiện tượng sinh lý, Người nào kiểm soát được hơi thở sẽ kiểm soát được tâm mình.” (Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc – sách “Nghĩ Từ Trái Tim“)
Trường hợp Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện (sinh năm 1913 tại Hà Tĩnh, tốt nghiệp bác sĩ ở Paris năm 1940 về nước năm 1960), là người đưa ra phương pháp dưỡng sinh độc đáo, phương pháp “y võ dưỡng sinh“ và một “bí kíp“ khí công với 48 chữ mà mọi người có thể thực hành.
“Thót bụng thở ra – Phình bụng thở vào – Hai vai bất động – Chân tay thả lỏng – Êm, nhẹ, sâu, đều - Bình thường qua mũi – Khi gấp qua mồm – Tập trung theo dõi – Luồng ra luồng vào – Đứng ngồi hay nằm – Ở đâu cũng được – lúc nào cũng được”.
Và ông dặn: “Nhớ là phải theo thật đúng, không được bỏ sót câu nào”.
Ông là một nhà trí thức lỗi lạc, một nhà văn hóa lớn của Việt Nam. Ông là một tấm gương kiên nhẫn, gương tranh đấu với một nghị lực phi thường đáng cho thế hệ trẻ học tập. Từ năm 1942 - 1951 ông đã chịu mổ 7 lần, cắt 8 xương sườn, cắt bỏ phổi bên phải và một phần ba phổi bên trái vì bệnh lao, trong thời kỳ chưa có thuốc chữa, các giáo sư Pháp lúc đó đã nói với ông chỉ có thể sống nhiều lắm là hai năm nữa, thế mà ông đã sống và làm việc tích cực đến 45 năm sau. (Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc - Sách “Nhưng Người Trẻ Lạ Lùng“).
Osho bảo Thiền là một “cái mẹo“, khi nắm bắt được nó rồi có thể định tâm tùy ý. Nhưng đã là cái mẹo thì phải có kỹ thuật. Ông nói chỉ cần làm người quan sát, không truy cúu, không phê phán, không định kiến là đủ để tâm nhảy nhót phải dừng lại. Nói thì dễ nhưng thực hành thì không dễ chút nào. Nên chúng ta phải thực tập dài dài.
Những lợi ich của thiền theo Brahmarshi Patriji:
“Thiền chánh niệm mang lại sức khỏe tâm linh cho con người. Sức khỏe tâm linh là cội rễ, sức khỏe thể chất là hoa trái. Thiền là món quà lớn lao nhất mà chúng ta tự nổ lực mang lại cho cuộc sống của chúng ta.
Trong thiền:
- Bệnh tật được chữa lành hoàn toàn
- Năng lực của trí nhớ được tăng cường
- Những thói quen xấu tự lụi tàn
- Trí não luôn ở trong trạng thái an lạc
- Công việc được hoàn thành với hiệu suất cao hơn
- Thời gian ngủ rút ngắn lại
- Các mối quan hệ trở nên có chất lượng hơn
- Ý chí được tăng cường mạnh mẽ
- Khả năng phân biệt đúng sai trở nên nhạy bén hơn
- Thấu hiểu triệt để mục đích của cuộc sống.
Đây là câu chuyện của Dalia Isicoff, trong nhiều thập niên bà phải khổ sở vì đau nhức bởi chứng viêm đa khớp, thoái hóa cột sống và đã phải giải phẩu nhiều lần. Sau khi theo học một khoá tại Trung tâm Y khoa Bổ sung thuộc Đại học Maryland thì Isicoff mới phát hiện ra một vũ khí hiệu nghiệm trong chính cơ thể mình đó là Tâm trí.
Dùng phương pháp Thiền Tĩnh thức, giải trừ căng thẳng cố hữu, Isicoff đã học được cách chấp nhận cơn đau thay vì phản kháng nó. Lối suy nghĩ tiêu cực và nản lòng như “Mình sắp ngồi xe lăn rồi“, “Bệnh tình ngày càng tệ hại“ đã bắt đầu tan biến và bà đã giảm liều thuốc đang dùng.
Tại “Trung tâm Tĩnh thức trong Y khoa“, “Y tế và Xã hội“ thuộc Đại học Y khoa Massachusetts nơi MBSR được triển khai bởi Jon Kabat-Zinn, người đi đầu trong lãnh vực này, 15,000 người tham dự khóa học tám tuần theo phương pháp này, và hàng trăm người khác đã ghi danh tại các dưỡng đường Y khoa trên khắp nơi trong nước.
Nguyên tắc cốt yếu của sự tĩnh thức là Thiền hằng ngày, phương pháp này được dự liệu để trở thành một phong cách sống.
Tại Đại học Stanford, Philippe Goldin đã khích lệ những bệnh nhân đang phải chống chọi với chứng rối loạn âu lo hãy dành ra những khoảng nghỉ có ý nghĩa trong ngày để theo dõi và giải quyết những nỗi sợ hãi và ngờ vực bản thân. Một bệnh nhân cho biết “Giờ tôi đã kiểm soát được nỗi âu lo của mình. Vấn đề còn lại chỉ là học được cách buông xã nó đi“.
Địa hạt nghiên cứu sắp tới của khoa học là tác động sinh học của sự tĩnh thức đối với não bộ, máu huyết và hệ miễn dịch.
Trong một nghiên cứu được nhiều người quan tâm được đăng tải cách đây nhiều năm, Kabat-Zinn phát hiện ra rẳng khi các bệnh nhân lắng nghe băng ghi âm thiền trong lúc điều trị bằng ánh sáng tử ngoại, họ lành bệnh nhanh gấp bốn lần so với nhóm đối kháng. (Theo nguồn Newsweek 27/9/2004 bởi Claudia Kalb)
Đây là trường hợp của Cassandra Metzger do Paturel Amy viết. Cô tốt nghiệp Cao học về Dinh dưỡng và Cao học về Sức khỏe Cộng đồng tại Đại học Tufts Boston.
Metzger 34 tuổi làm việc với vai trò luật sư tại Tổng hành dinh của đài PBS. Cô vẫn làm việc bình thường, luyện tập chạy đua 10 ngàn miles. Một buổi sáng nọ cô không thể xuống giường vì cơn đau và mệt mỏi. Sau đó bác sĩ chẩn đoán cô bị đau các bắp thịt và tế bào chung quanh khớp xương, rối loạn hệ thần kinh trung khu. Cô đã dùng đủ các loại thuốc giảm đau, thư giản bắp thịt, an thần dễ ngủ, ổn đinh tinh thần… nhưng vẫn không thuyên giảm. Sau đó, một duyên may cô khám phá ra Thiền, một thực hành cổ xưa để tập trung tư tưởng hầu làm lắng dịu những tạp niệm của não bộ và gia tăng sự tĩnh thức với khoảnh khắc hiện tại. Cô nói:
“Thiền cứu tôi từ tuyệt vọng hơn một lần. Trong giai đoạn bệnh hoạn trầm trọng nhất tôi đã được cứu bằng nhận thức rằng: kinh nghiệm đau đớn chỉ là nhất thời – có thể khoảnh khắc đau đớn tận cùng, có thể khoảnh khắc kéo dài, nhưng vẫn chỉ là khoảnh khắc. Tôi học hỏi điều này qua việc thực hành Thiền”.
Quan niệm về Vô thường, mọi thứ rồi cũng qua đi, có thể làm sợ hãi, nhưng đối với một người nào đó từng thoát ra từ cơn đau thì Thiền là nơi giữ lấy niềm hy vọng cuối cùng. Vô thường là ngọn hải đăng.
Kinh nghiệm của Metzger không phải là duy nhất. Hàng triệu người trên khắp thế giới đều cho rằng Thiền đã chuyển hoá cuộc đời cuả họ. (Theo Paturel Amy “Thiền Như Thuốc Chữa Bệnh” Huỳnh Kim Quang dịch).
Trong đoạn kết của bài “Thiền và Sắc Đẹp“ của Hồng Quang có nói:
Sắc đẹp ảnh hưởng rất sâu rộng trong tất cả các ngành nghề và cuộc sống của chúng ta. Kỷ nghệ sắc đẹp của Mỹ mỗi năm đạt đến 60 tỉ Mỹ Kim. Điều đó cho thấy sắc đẹp cần thiết đến dường nào. Nhưng sắc đẹp không đến từ bên ngoài qua một lớp mỹ phẩm phủ lên những làn da nám và nhiều mụn nằm bên dưới lớp phấn son.
Làn da không đẹp tự nhiên và lâu dài vì phần lớn do tâm bất an, buồn phiền, giận hờn, lo âu, sợ hãi… Tình trạng này làm cho chất cortisol tiết ra, làm cho da sần sùi, nổi mụn và nám.
Thiền có khả năng giúp con người thư thái hết căng thẳng để có thể được khoẻ mạnh, tái lập quân bình tâm và thân, các dưỡng chất được phục hồi làm cho con người có một làn da hấp dẫn, mái tóc óng mượt. Đó chẳng phải là một trong những trợ duyên cho cuộc hành trình trong thế giới ta bà này?
Chúng ta đừng quên câu ca dao: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn, Xấu người đẹp nết còn hơn đẹp người“. Thiền có thể giúp chúng ta đạt được hai loại sắc đẹp ấy. Đẹp nết, đẹp người và có nụ cười an lạc tươi trẻ. Đó là hành trang có thể giúp chúng ta để thành tựu ước muốn trong đời.
Theo Brian Weiss:
“Càng ngày các bác sĩ càng thừa nhận nhiều hơn rằng chúng ta có thể chống chọi với bệnh tật, thậm chí với các căn bệnh trầm trọng bằng một phương thuốc vừa được khám phá: Năng lực chữa trị bên trong bản chất tâm linh của chúng ta (điều mà Tây phương mới phát hiện cách đây không lâu trong khi các bác sĩ phương Đông đã biết đến từ nhiều thế kỷ qua). Có lẽ đây chính là liều thuốc toàn diện mà chúng ta vận dụng được toàn bộ con người mình – trí não và tinh thần cũng như cơ thể.
Tôi dạy các bệnh nhân của tôi các kỹ thuật thiền để giảm mất ngủ, giảm cân, cai thuốc lá, giảm căng thẳng, kháng nhiễm trùng và chữa các chứng bệnh mãn tính, cũng như hạ áp huyết. Thiền đều đặn là công cụ vô giá để khôi phục và duy trì sức khỏe”.
Eckhart Tolle cũng nói:
“Hãy thường xuyên ý thức hơi thở của mình khi được, mỗi khi mình nhớ ra. Hãy thực tập như thế trong một năm và sẽ có sự chuyển hóa mạnh hơn nhiều so với việc tham dự những khóa học thiền, và điều này thì miễn phí chẳng tốn kém gì. Theo dõi hơi thở sẽ đẩy bạn vào thực tại hiện tiền, chìa khóa của mọi sự chuyển hóa nội tại”.
Vừa rồi ở Boston, Massachusetts có khóa thiền hai ngày 11 và 12 tháng 9 nâm 2013 của Thiền sư Nhất Hạnh, số người tham dự khoảng trên 1.100 người, Bác sĩ Y khoa mỗi người mua vé $475 đô la Mỹ, số còn lại được ưu đãi mỗi người chỉ có 400 đô la Mỹ và không còn chỗ. Có lẽ hầu hết là người Mỹ tham dự, cả những bậc khoa bảng thượng thặng, cũng có lẽ là một phong trào, không đi không được. Hình như khoá học này dành cho những người thuộc giới thượng lưu, trí thức. Tôi không theo học khóa học này, tất nhiên vì:
- thứ nhất, tôi đâu phải thuộc giai cấp như đã nói trên,
- thứ hai, với bản tính tôi không muốn có mặt ở những nơi đông đúc như vậy,
- thứ ba, vấn đề tài chánh đối với những người về hưu như tôi thì làm sao có thể bỏ ra hơn nửa tháng lương để mua vé tham dự. Số tiền $ 400 đô la Mỹ tôi có thể mua thuốc cho ít nhất là hai năm.
Đã nhiều năm tôi cũng đã thường xuyên thực tập cách ý thức được hơi thở bắt đầu những năm trong tù sau năm 1975 qua sự chỉ dạy của những người bạn tù, tôi cũng gọi họ là Thiền sư vì họ là người dạy thiền cho tôi. Sau đó mò mẫm đọc thêm kinh sách. Cũng như Eckhart Tolle đã nói ở trên thực tập ý thức hơi thở thường xuyên như thế trong nhiều năm sẽ có sự chuyển hóa mạnh mà chẳng tốn kém gì.
Tôi có đọc bài tường trình về khóa học đó được biết cách thực hành: Thở vào nhủ thầm là: “Con đã về“ và Thở ra nhủ thầm là: “Con đã đi“. Dẫu sao đối với người Mỹ cũng là điều mới lạ nên mới có hiện tượng như vậy. Thiền sư Nhất Hạnh được Đại học Harvard trao tặng tấm biển đồng danh dự công nhận Thiền sư là “người đi tiên phong và hổ trợ không mệt mỏi cho sự nghiệp phát triển trí tuệ từ bi và hòa bình“. Thiền sư cũng được cấp chứng thư công nhận là “nhà lãnh đạo toàn cầu cho phong trào vì hoà bình, nhân quyền và sức khỏe cộng đồng“ trong dịp này. Là một vinh dự lớn cho Thiền sư nói riêng và người Việt Nam có quan tâm đến Thiền nói chung.
Giờ chúng ta bàn về cách tu tập
Trước hết chúng ta chọn: “nơi yên tĩnh”, “chỗ ngồi thoải mái”, “bồ đoàn” để ngồi, nếu không có bồ đoàn thì bạn có thể dùng mền gấp lại để làm bồ đoàn. Ánh sáng trong phòng chỉ cần mờ mờ không nên sáng lắm.
* Tư thế:
Có nhiều tư thế ngồi thiền:
1/ ngồi kiết già: Bàn chân phải đặt trên đùi chân phải, bàn chân trái đặt trên đùi chân phải. Khi ngồi như thế mặc dù bạn có hai chân phải và trái nhưng lúc này chúng trở thành một. Tư thế này biểu hiện sự đồng nhất của một nhị nguyên: không hai mà cũng không một. Đây là giáo lý tối quan trọng. Thân và tâm của chúng ta không hai mà cũng không một. Nếu được thì cách ngồi kiết già tốt nhất.
2/ Ngồi bán già: chân phải đặt trên chân trái hay ngược lại
3/ Ngồi xếp bằng: bàn chân phải đặt dưới chân trái và bàn chân trái đặt dưới chân phải.
4/ Ngồi kiểu Miến Điện: hai chân để trên sàn nhà chân trước chân sau không chồng lên nhau.
5/ Cũng có thể ngồi trên ghế. Chúng ta có thể chọn bất cứ thế ngồi nào miễn là cho thoải mái, thích hợp với cơ thể của chúng ta. Chúng ta chọn chiều cao vừa phải để hai bàn chân đặt thoải mái trên sàn nhà.
Điều quan trọng là khi ngồi thiền phải giữ cho xương sống thẳng đứng, hai tai và vai cùng nằm trên mặt phẳng thẳng đứng. Giữ cho hai vai buông thả thoải mái. Cằm nên đưa vào bên trong một chút.
Giữ cho tư thế ngồi thiền được vững vàng bằng cách hơi đè hoành cách mô (lớp bắp thịt mỏng nằm giữa buồng ngực và bụng) xuống phía dười bụng. Tư thế này giúp bạn giữ được sự quân bình cho Thân và Tâm.
6/ Bắt Vũ trụ ấn: bàn tay mặt đặt lên trên bàn tay trái (hay ngược lại), hai đầu ngón tay cái chạm nhẹ vào nhau, lòng bàn tay hướng lên trên. Hai bàn tay nên để dựa vào người và đặt ở ngay rốn. Hai cánh tay buông thả tự nhiên. Bạn hãy bắt Vũ trụ ấn một cách trân trọng, như bạn đang giữ một cái gì thật qúy báu trong hai bàn tay.
Chú ý, trong tư thế ngồi thiền, thân bạn luôn luôn giữ thẳng đứng, không được nghiêng ngả bên này, bên kia, trước sau. Ngồi trong tư thế đó tự nó đã là cứu cánh cuả sự tu tập rồi. Khi bạn ngồi có được tư thế vững chắc, tự nhiên bạn sẽ có được một tâm tĩnh lặng.
Bạn nên cố giữ thân mình lúc nào cũng được ngay thẳng. Không phải chỉ trong lúc ngồi thiền mà còn trong mọi hành động cuả cuộc sống hằng ngày. Trong khi lái xe, lúc đọc sách cũng đều vậy. Bạn thử đi, nếu bạn ngồi đọc sách mà thân thể ngả nghiêng thì dễ buồn ngủ lắm. Giữ cho thân thể được ngay thẳng là một giáo lý quan trọng trong nhà Thiền.
* Thở:
Trong khi ngồi thiền, chỉ có một hiện hữu duy nhất là sự chuyển động ra vào của hơi thở và ý thức cuả ta về sự chuyển động ấy. Chúng ta đừng bao giờ để xao lãng. Chúng ta dùng hơi thở làm điểm tập trung tâm ý. Nó là điểm chủ yếu, mỗi khi tâm ta đi lang thang sẽ được mang trở về điểm ấy. Có người hỏi tại sao lại chọn hơi thở làm đề mục chính của thiền tập? Sao không chọn đề mục nào khác thú vị hơn? Xin thưa một đề mục thiền quán tốt phải có tác dụng làm phát huy chánh niệm, có thể mang đến đâu cũng được, có thể dễ dàng tìm thấy và không tốn kém. Và nó cũng không làm ta rối loạn, trói buộc ta vào nhưng trạng thái khổ đau như là tham, sân, si. Hơi thở đáp ứng tất cả những điều kiện ấy và còn nhiều hơn thế nữa! Hơi thở thì ai cũng có. Chúng ta mang nó theo bất kỳ nơi nào mình đến, liên tục chẳng bao giờ gián đoạn từ khi ta sinh ra cho đến lúc chết đi. Và ta sử dụng nó mà không tốn kém gì.
Trước khi vào thiền bạn thở ra hơi dài bằng miệng như để thải ra ngoài tất cả những khí ô trược, thở vào bằng mũi. Thở ba lần. Sau đó bạn vào thiền thở ra vào bằng mũi. Khi bạn thở vào bạn theo dõi hơi thở và biết rằng mình đang thở vào, cũng như thế với khi bạn thở ra. Khi thở vào đem hơi thở xuống đan điền phía dưới rốn, ngưng hơi thở ở đó và thở ra, bạn tưởng tượng hơi thở đi lên theo đường xương sống lên đỉnh đầu rồi ra lỗ mũi. Bạn giữ hơi thở nhẹ nhàng và tự nhiên đừng gắng sức qúa.
* Thái độ:
- Đừng mong đợi bất kỳ những gì. Hãy xem nhìn những gì xảy ra toàn bộ như một thử nghiệm.
- Đừng căng thẳng. Đừng cưỡng bách bất cứ thứ gì. Hãy nổ lực thư giản và đều đặn.
- Đừng vội vã, hấp tấp. Bất cứ những gì thực sự có gía trị đều cần thời gian để phát triển. Nhẫn!
- Đừng dính mắc vào bất kỳ gì. Hãy để mặc cho những gì tới cứ tới. Đừng chống trả mà hãy quan sát tất cả một cách tĩnh thức. Bạn không cần phải cố gắng ngăn chặn tư tưởng của mình. Hãy để nó tự dừng lại.
- Khảo sát chính bạn, không tin mọi thứ, hãy tự mình thấy có nghĩa là bạn phải thực chứng.
- Hãy nhìn tất cả trở ngại như thử thách.
- Đừng đè nặng trong lòng, bạn không cần phải giải quyết hết mọi thứ. Trong thiền tập tâm được thanh tịnh hóa một cách tự nhiên bởi sự tĩnh thức, bởi sự quán tâm lặng lẽ.
- Đừng để tâm phân biệt vì nó sẽ dẫn đến cảm thọ xấu về cách này hay cách khác như tham, sân, si, kiêu căng, ganh tị, thù ghét.
* Những khó khăn trong lúc ngồi thiền:
Trong khi ngồi thiền bạn sẽ gặp những khó khăn dưới mọi hình thức, đủ mọi mức độ. Cách khôn ngoan nhất để đối trị với những chướng ngại này là xem nó là một phần không thể tách rời khỏi sự thực tập. Chúng không phải là những gì mà ta cần phải tránh né mà là những điều hữu ích, có thể mang lại cho ta những bài học vô giá. Chúng là những nguyên liệu mà ta cần phải chế biến.
Có những khó khăn về thể xác, về tinh thần và cũng như về thái độ. Nhưng tất cả đều có thể đối trị được.
- Đau, tê chân: Khi ngồi thiền bạn có thể cảm thấy đau tê chân, bạn ráng chịu đựng, nếu đau qúa bạn có thể xê dịch chân một chút, nếu không chịu nổi thì bạn xả thiền đứng lên đi dạo vài vòng trong phòng cho thoải mái rồi trở lại ngồi thiền tiếp.
- Cảm giác lạ: Người ta kinh nghiệm có đủ mọi hiện tượng xảy ra trong lúc ngồi thiền. Có người bị ngứa, có người cảm thấy như có kiến bò. Cũng có người cảm thấy thư giản rất sâu hoặc nhẹ nhàng như bay bỗng. Tất cả là những cảm giác, bạn hãy quan sát chúng khởi lên, rồi diệt đi, đừng để lôi cuốn vào!
- Buồn ngủ: Cảm giác buồn ngủ và hôn trầm trong lúc ngồi thiền là chuyện thường xảy ra. Có thể khi ngồi thiền bạn trở nên tĩnh lặng và thư giản, cảm giác dễ chịu này có thể làm cho bạn dễ buồn ngủ. Cũng có thể do một nguyên nhân vật lý nào đó như bạn mới ăn no, đêm trước đó mất ngủ, hay làm việc qúa sức trong ngày trước đó. Nếu bạn cảm thấy buồn ngủ qúa thì hãy thở vào một hơi thật sâu và nín hơi lại càng lâu càng tốt, rồi thở ra thật chậm. Lặp lại như thế nhiều lần đế khi cơ thể bạn nóng lên và cơn buồn ngủ cũng biến mất, rồi bạn trở lại hơi thở bình thường.
- Không tập trung được: Khi ngồi thiền có những ý nghĩ lăng xăng không đứng yên được, phóng nhảy khắp nơi, tâm vîên, ý mã mà. Bạn hãy dùng thiền tập để buông bỏ tất cả, đem tâm trụ vào hơi thở, quán chiếu bằng chánh niệm về những gì đang xảy ra trong tâm ta. Hay bạn có thể dùng cách đếm hơi thở, sau khi bạn thở vào, thở ra đếm số 1, tiếp tục thở vào, thở ra đếm 2, cho đến số 10. Rồi trở lại đếm từ 1 đến 10 độ vài lần thì những ý nghĩ lăng xăng sẽ mất đi thì bạn có thể trở lại thở bình thường.
* Nản lòng – Không muốn thực tập:
Nếu bạn cảm thấy chán nản vì nghĩ rằng mình thất bại trong việc thiền tập. Cũng dễ đối trị thôi, bạn thất bại vì đã quên giữ chánh niệm. Bạn hãy chánh niệm về cảm giác thất bại đó. Thật ra không có chuyện thất bại trong việc thiền tập. Chỉ có những khó khăn và vấp ngã. Sẽ có những lúc bạn cảm thấy không muốn ngồi thiền chút nào. Bạn cứ đi ngồi thiền. Quan sát cảm giác “không muốn“ trong tâm. Đây chỉ là cảm giác tạm thời, đến rồi đi và biến mất ngay trước mắt ta. Thiền tập là chánh niệm. Nó là một cách nhìn mới và cũng là một hình thức vui chơi. Thiền tập là người bạn. Hãy xem nó đúng như vậy rồi mọi cảm giác phản kháng đối với việc ngồi thiền sẽ tan biến như sương khói dưới ánh mặt trời.
* Thời gian:
Thời gian mỗi lần tọa thiền có thể 20 phút, hay nửa giờ hay hơn nữa tùy theo sức khỏe và điều kiện thích hợp của mỗi người. Tọa thiền vào lúc sáng sớm sau khi ngủ dậy hay ban đêm trước khi đi ngủ. Mỗi ngày bạn có thể tọa thiền một hay hai, ba lần cũng tùy điều kiện thích hợp với bạn. Đó là những giờ tọa thiền còn ngoài ra thì bạn lúc nào cũng thiền được như khi đi bộ, khi rửa chén, khi lái xe, khi sắp hàng ở siêu thị, ở bưu điện, ở phi trường…miễn là bạn luôn có ý thức chánh niệm trong việc làm hiện tại của bạn.
* Xả thiền:
Thở ra bằng miệng, thở vào bằng mũi ba lần như khi mới vào thiền. Cử động hai bả vai lên xuống năm lần. Cử động cái đầu: cúi xuống và ngước lên năm lần, nghiêng qua bên phải rồi bên trái năm lần. Hai bàn tay nắm lại rồi mở ra năm lần. Xoa bóp toàn thân ba lần. Xoa hai bàn tay với nhau cho nóng lên rồi áp vào hai mắt ba lần. Ngồi yên tĩnh trong vài phút rồi đứng lên đi.
Giờ thì bạn thảnh thơi đi dạo (thiền hành) năm, mười phút trong nhà cho thư giản.
Khi bạn đã hiểu rõ tiến trình cuả thiền quán và đạt chánh niệm rồi thì thiền trở nên đơn giản và tự động không đòi hỏi sự cố gắng nào cũng như không có sự tranh chấp với cơ thể. Khi đó bạn tha hồ thiền bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu chứ không phải bạn ngồi trên bồ đoàn mới là thiền.
Thiền là sống trong giây phút hiện tại. Dù bạn giàu-có và quyền-lực bao nhiêu đi nữa, nhưng nếu bạn không sống cho hôm nay, thì bạn không cảm nhận được giá trị cuả cuộc đời. Nếu bạn không sống cho giây phút hiện tại thì cuộc đời bạn vẫn như những chuỗi ngày kiếm tìm, rượt bắt cái bóng “an toàn, hạnh phúc“ một cách vô vọng.
Thật hữu ý và hợp tình khi danh từ tiếng Anh “present“ mang nghĩa “qùa tặng“ và cũng có nghĩa là “hiện tại“. Như vậy hiện tại là qùa tặng. Ai không sống trong hiện tại thì tự mình khước từ qùa tặng của cuộc sống. Đó chính là niềm vui, hạnh phúc, sự bình an và tự chủ trong mọi giây phút của cuộc đời mỗi người. (Mint – dịch từ Ellentrousdale).
Bài tuy hơi dài nhưng vẫn còn nhiều thiếu sót mong quý vị thông cảm và lượng thử cho. Thật cảm ơn vô cùng!
Chúc quý vị luôn luôn nhận được “quà tặng của cuộc sống“ và Thân Tâm thường An Lạc.
Lê Quang Chưởng
Massachusetts, ngày 14 tháng 11 năm 2013
Tài liệu tham khảo:
- Thiền Tông Việt Nam Cuối Thế Kỷ 20 - Tác giả: Thiền sư Thích Thanh Từ
- Thiền Học Đời Trần – Ban Phật Giáo Việt Nam
- Nghĩ Từ Trái Tim – Tác giả Bác sĩ Đõ Hồng Ngọc
- Những Người Trẻ Lạ Lùng – Tác giả Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc
- Thở Và Thiền – Nhiều tác giả
- Chính Niệm Thực Tập Thiền Quán – Nguyễn Duy Nhiên biên dịch
- Thiền Tâm Sơ Tâm – Nguyễn Duy Nhiên dịch
- Thiền Đạo Tu Tập – Như Hạnh dịch
- Thiền Tập – Cư sĩ Nguyên Giác
- Thiền Như Thuốc Chữa Bệnh – Huỳnh Kim Quang dịch
- Bình Thản trong Tĩnh Thức - Tác giả Mirka Knaster- Nguyễn Thượng Chánh chuyển ngữ
* * *
Xem các bài cùng tác giả, click vào đây
Xem trang “Kiến thức Tài liệu”, click tại đây
Trở về trang chính: www.nuiansongtra.com