LỜI GIỚI THIỆU:
Chúng tôi nhận được sự chấp thuận của tác giả - môt cây viết có văn phong rất đặc biệt mà quý độc giả sẽ gặp trong bài viết nầy và các bài sau - để được đăng các bài viết của ông.
Bài viết sau đây được trích từ tuyển tập "Rong Chơi Ngày Tháng", do tác giả xuất bản, chi tiết được nêu ở dưới bài viết.
Xin giới-thiệu cùng độc-giả.
Ban Điều Hành
www.nuiansongtra.net
- - - - - - - - - - - - - - -
MÀI DAO DẠY VỢ, LUYỆN VÕ TRỊ CHỒNG
Lời kể của chị Thanh Mai:
Khoan, xin anh đừng tưởng tôi là bà chằn lửa, múa dao lia lịa, bắn súng ào ào như cao bồi. Nói cho bạo mà nghe chơi, đừng rởn da gà.
Chắc ít ai quên câu chuyện của anh chàng, có mẹ ở chung nhà. Mẹ và vợ thường không thuận nhau, gây bất hòa, mất hạnh phúc gia đình. Một hôm bà mẹ thấy anh mài dao mãi, hỏi mài làm chi kỹ thế, anh trả lời rằng, mài dao bén để giết vợ, cho mẹ con sống với nhau yên ổn hơn. Khi vợ về cũng hỏi, anh nói là mài dao sắc, giết mẹ để vợ chồng sống không sóng gió.
Mẹ và vợ đều sợ, nên hết dám xích mích nhau. Đó là câu chuyện xưa. Bây giờ tôi cũng luyện võ trị chồng. Xin các ông đừng sôi gan lên khi nghe đến chữ "trị chồng". Cứ từ từ, đâu còn đó.
Mẹ tôi thường nói, tướng tôi cao bồi, sau này e ế chồng, không ai dám mó vào. Mẹ còn bảo chú tôi đừng dạy võ nghệ cho tôi. Không chừng về sau, gia đình di họa, tai tiếng. Tôi được chú thương, đem tôi đến võ đường tập luyện đều đặn. Từ quyền cước, múa kiếm, đánh côn, đủ loại. Tôi ưa thích Nhu Đạo nhất, vì môn võ nầy, theo chú nói:
-“Lấy yếu chống mạnh, lấy sức người làm sức mình. Như cây trúc, mềm dẻo thì không gãy, mà cứng như cây thông thì trốc gốc trước gió”.
Sau này vào đời, tôi quên hết tất cả quyền cước võ nghệ, chỉ còn nhớ một câu trên, để áp dụng cho tất cả mọi hoàn cảnh trong cuộc sống nhiều gay go phức tạp. Có lần tôi tâm sự điều đó với chú, thì chú bảo đùa một câu rất chi kiếm hiệp rằng:
-"Con đã đạt đến tuyệt đỉnh võ học rồi đó. Người võ học tột đỉnh, chỉ còn võ ý, chứ không còn võ thế, võ công nữa".
Không đúng như mẹ tôi ngại rằng sau nầy tôi ế chồng. Tôi lại có số đào hoa. Trong võ đường, có rất nhiều võ sinh ngấm nghé, không phải vì tôi là cháu cưng của võ sư, mà vì tôi biết sử dụng cái thế yếu của mình. Trong trường học, cũng có nhiều anh kín đáo dành cảm tình cho tôi, muốn làm quen. Anh trai của các cô bạn, cũng dịu dàng bày tỏ cảm tình. Tôi chưa muốn phiêu lưu tình cảm sớm, nhưng cũng không cự tuyệt ai. Cho đến khi tôi biết nhà tôi, một sinh viên vừa tốt nghiệp đại học, có nghề nghiệp vững vàng, thì tôi mở mặt trận, kín đáo tấn công.
Nhà tôi, như các ông chăm học khác, khi mới ra trường, nhát gái, ít kinh nghiệm về tình, chỉ biết sách đèn. Tôi biết, có ít nhất là hai cô cùng tấn công anh một lúc. Một cô thì nhan sắc mặn mà duyên dáng. Cô khác, vừa đẹp, vừa giàu, mà gia đình cô và anh là nơi thân tình quen biết. Còn tôi thì hơi thô, vai to vì học võ, nhào lộn nhiều, dáng đi thiếu uyển chuyển, phải nói là cứng.
Cả ba đứa con gái kình địch đều quen biết nhau, và biết tình cảm của anh chưa hẳn nghiêng về phía nào. Anh có quyền tìm hiểu nhiều người một lúc để chọn người bạn đường tương lai. Trong cuộc chạy đua, tôi như ở thế hạ phong.
Vào thời đó, kiếm được một ông chồng có bằng cấp kỹ sư, bác sĩ, luật sư, không phải dễ dàng, mà là một vinh hạnh cho chính mình và cả gia đình nữa. Cái bằng cấp của anh ấy không phải là lý do chính mà tôi nhắm vào, mà vì tôi thấy anh hiền lành, có lòng và thuộc gia đình gia giáo. Ít nhất, cũng có thể bảo đảm đời sống tinh thần, đời sống vật chất cho tôi sau này.
Theo đúng tinh thần võ học, tôi tìm hiểu những điểm mạnh và điểm yếu của đối tượng lẫn đối thủ. Đối tượng thì có cái lý luận và xét đoán chính xác, vì dân kỹ thuật. Các đối thủ thì có nhiều nhược điểm chung của đàn bà, tự ái, kiêu, hay giận hờn, ưa cái hào nhoáng bên ngoài. Hai cô gái nói xấu nhau và nói xấu tôi, nói trực tiếp, nói gián tiếp với anh.
Phần tôi thì chỉ nói tốt cho các cô, nói về những điểm tốt mà các cô có, tránh chê bai. Thực tình mà nói, khi khen các cô, thì trong lòng tôi cũng áy náy và thương cảm cho mình. Nhưng tinh thần nhà võ, không cho tôi làm khác. Không ngờ, như thế mà tôi được điểm tốt, vì anh đã so sánh giữa ba người, thấy ai tầm thường, ai cao thượng hơn. Tôi đã được đánh giá cao hơn về phương diện tinh thần. Cũng là một võ ý, bất chiến tự nhiên thành.
Về phần các đối thủ, thì cô có nhan sắc ưa chuộng bằng cấp, xem bằng cấp là trên hết, tôi giới thiệu cho một anh du học từ ngoại quốc về. Cô kia con nhà giàu, ưa vẻ hào nhoáng bên ngoài, tôi giới thiệu cho một anh, nguyên là võ sinh đàn anh cũ, tướng người cao to oai vệ, học trường sĩ quan, ăn mặc lễ phục sang trọng, tua xanh tua vàng lóng lánh quanh cầu vai.
Như thế là tôi có thể tranh thắng dễ dàng không cần phải tốn công sức nhiều. Đúng theo võ ý, dùng một chút sức nhỏ đánh vào yếu điểm còn hiệu quả hơn dùng toàn lực đánh nhiều lần vào nơi khác. Kết quả rõ ràng, chiến thắng về tôi mà không phải cực nhọc, ra những chiêu thức thấp kém như nói xấu, mua chuộc, làm những điều thiên hạ chê cười.
Trong thời gian quen biết tìm hiểu nhau, tôi chưa bao giờ tỏ ra giận lẫy, trách móc, đòi hỏi anh điều gì. Cũng có những lúc, trong lòng tôi buồn giận lắm, nhưng tôi không tỏ lộ ra, vì đâu có lợi gì cho ai mà chỉ thiệt hại cho mình thôi. Vì người ta đến với mình, để tìm an ủi, tìm ấm áp cho tâm hồn, chứ không phải đến để nhìn cái mặt nặng nề, nghe lời trách móc chói tai. Cứ giận lẫy và làm mất vui vài ba lần thì ai cũng chán, lo cao chạy xa bay, bởi mình để lộ cái xấu ra quá sớm.
Không có người đàn ông nào ưa nghe trách móc, chịu đựng những vô lý, những quá đáng của người bạn gái. Cái đó cũng nằm trong tinh thần võ học, không ra đòn bừa bãi, tốn công tốn sức mà không hiệu quả gì, làm đối phương thấy cái sơ hở của mình.
Tôi quan niệm rằng, không đòi hỏi ai phải có bổn phận với mình cả, vì mình đã làm được chi cho ai chưa, mà đòi hỏi người ta phải có bổn phận này nọ với mình. Quan niệm được như vậy, làm cho người chung quanh thấy mình là kẻ biết điều, dễ gần gũi, dễ giao thiệp lâu dài.
Trước khi về nhà chồng, cô Út tôi đến ngủ lại hai đêm, dạy cho làm cách nào để nắm cổ ông chồng, để điều khiển, sai khiến, chỉ huy chồng. Làm sao để phong tỏa kinh tế tài chánh, và quản lý giờ giấc chồng, làm sao để triệt mầm vợ bé, bồ bịch lăng nhăng.
Những điều cô nói, tôi cũng đã nghe nhiều bà lớn tuổi bàn tán nhiều lần, khoe nhau trong những khi ngồi lê đôi mách. Có thể hiểu đại khái là bắt nhốt chồng trong căn nhà tù vô hình, trói chồng trong cái ràng buộc chặt cứng của vợ con.
Tôi không đồng ý quan điểm đó, nhưng không dám cãi. Những điều cô dạy, có vẻ ích kỷ, và theo tôi thì có thể làm cho người chồng thấy đời sống gia đình là tù ngục, không vui và không hạnh phúc bằng cuộc sống độc thân. Tôi nghĩ, mình có bổn phận làm sao cho chồng cảm thấy đời sống gia đình ít ra cũng hạnh phúc hơn cái thời độc thân chút xíu, dù ít cũng được. Ràng buộc quá, và làm mất tự do cá nhân cũng là cách làm suy mòn hạnh phúc lứa đôi.
Khi thành vợ chồng, tôi cố gắng tôn trọng tự do của chồng, tôn trọng những sở thích cá nhân, và cố gắng tìm hiểu những thứ anh yêu thích, và tôi tập thưởng thức những thứ đó. Có những môn triết lý, văn chương, mà trước đây tôi không bao giờ ghé mắt đến, thấy chồng thích, tôi tìm hiểu, cuối cùng tôi cũng cảm thấy thích thú khi thưởng thức.
Tôi đã tìm cách hòa đồng, để có những suy tư, những rung cảm đồng điệu, và do đó đời sống hạnh phúc hơn, phong phú hơn. Không như nhiều bà khác, chồng thích gì thì mặc chồng, mình giữ lấy cái sở thích riêng, không cần lý đến những cái chung, gây mâu thuẫn gia đình, và người chồng phải đi tìm bạn bè để chia sẻ. Sao vợ chồng không chia sẻ cùng nhau, có hơn không?
Dạo đó, tôi thuộc tên tất cả những cầu thủ bóng tròn, anh nào chạy trung phong, anh nào hữu vệ, tả vệ. Chiến pháp 11/11 hay chiến pháp W. Biết tài năng của từng đội cầu. Trong những buổi họp bạn của chồng, khi nói chuyện về đá banh quốc tế, tôi cũng có thể hiểu, và bàn góp vào vài ý kiến ngộ nghĩnh, cho cuộc vui thêm đậm đà.
Có những lúc, tôi để chồng đi chơi một mình, cho anh được tự nhiên. Những khi anh về hơi khuya, tôi không tra hỏi, càu nhàu, mà còn tiếp đón vui vẻ, săn sóc và gắng tỏ ra tin tưởng chồng. Mẹ tôi biết được, la rầy tôi, bảo đừng để cho chồng lờn mặt, không kiêng kỵ gì vợ con. Tôi thì hiểu chồng hơn, đàn ông thường không muốn bạn bè thấy họ yếu kém. Không lẽ trong lúc chưa xong cuộc họp, cuộc vui, đã bỏ ra về vì sợ vợ chờ. Yếu quá.
Một số bạn bè tôi, càng khó khăn khắc nghiệt với chồng, thì bị các ông cố làm cho hoang đàng hơn, để phản kháng lại. Từ đó, chiến tranh nóng, chiến tranh lạnh, làm mất hạnh phúc gia đình. Khi người chồng không tìm được êm ấm dịu dàng của gia đình, thì họ dễ sa ngã, ăn chơi để bù lại.
Một điều quan trọng bậc nhất là tôi không bao giờ tranh hơn thua với chồng. Nếu có tỏ ra hơn được chồng thì cũng chẳng ích lợi gì. Với người ngoài, thì họ cười chê mình dại. Với chồng, thì anh ta cảm thấy khó chịu. Có lẻ không người đàn ông nào muốn lấy một người tài giỏi hơn họ. Nếu có lỡ lấy rồi, thì họ cũng mặc cảm thua sút, làm hạnh phúc gia đình cũng kém đi. Huống chi mình không hơn chồng, mà luôn luôn gắng chứng tỏ là tài hơn, giỏi hơn, tranh thắng thua từng chút một. Được cái gì? Có lẽ, chỉ có mất mát chứ không được chi cả.
Đàn ông, ít ai muốn vợ hơn họ. Nếu có chứng minh được rằng, ông chồng thua mình, thì cũng chỉ vô tình chạm đến cái tự ái, chạm đến cái nam tính của họ mà thôi. Ngoại trừ những hạng đàn ông quá bạc nhược, nhát cáy.
Tôi biết chồng tôi hơn tôi nhiều thứ, mà cũng biết có nhiều thứ chồng không bằng mình, nhưng khi nào tôi cũng chịu nhịn, chấp nhận tôi thua chồng tất cả, để cho tự ái anh được vuốt ve, được thỏa mãn, và tôi biết mình sẽ chiến thắng. Chiến thắng là mưu cầu cho hạnh phúc gia đình được êm ấm hơn, được bền vững hơn.
Khi mình đã chịu thua, thì không ai tranh hơn thua với mình, không cần cãi vã, ồn ào, mất lòng nhau. Vì dù tôi có chứng minh được chồng nói một câu không đúng, tôi cũng chẳng lợi được gì. Chẳng được ai khen, mà e nếu có người biết được, họ lại chê mình thiếu tế nhị, thiếu khôn ngoan.
Nhiều bà, không cần biết mình đúng hay sai, khi nào cũng tỏ ra hơn chồng, điều khiển chồng, sai khiến chồng, không sai khiến được thì khóc lóc, vật vã, làm hành làm tỏi. Đó là những dấu hiệu khơi nguồn cho đổ vỡ, khơi dậy cái chán chường trong lòng người chồng. Để khi không còn chịu được nữa, thì như cái bong bóng nổ tung. Biết nhường nhịn để mưu cầu hạnh phúc, là mình đã chiến thắng rồi, chiến thắng lớn.
Thành tâm mà nói, tôi cũng điều khiển chồng rất nhiều nhưng điều khiển khéo léo, nên chồng tôi không hề hay biết. Anh tưởng chính anh làm, tự anh lấy quyết định. Có gì khó, tôi cứ đặt vấn đề, đặt những thắc mắc, những câu hỏi, và hướng anh về cái kết luận mà mình muốn, anh tưởng chính anh đã nghĩ ra và lấy kết luận. Khi đó, thì tôi đề nghị theo cái kết luận để thi hành. Thế là vui vợ, vui chồng, không mất công bàn cãi.
Cũng có khi, không hướng chồng về được những kết luận mà mình mong muốn, tôi không nóng lòng, cứ tạm thời chấp nhận cái khác, rồi chờ dịp thuận tiện, nêu lại vấn đề, gợi ý. Đồng thời, cũng sẵn sàng chấp nhận thất bại, thì không bực mình, không khổ sở. Đó cũng là một võ ý, lấy sức người làm sức mình.
Trong đời sống vợ chồng, không biết tương kính, thì rất dễ đi đến coi thường nhau. Khi vợ chồng mất sự tương kính, thì hạnh phúc cũng bắt đầu lung lay. Đừng bao giờ chê bai, xỉ vả ông chồng. Khi bị vợ chê, bất cứ chê gì, người chồng sẽ bị tổn thương nặng nề.
Đừng tưởng sau khi xỉ vả người khác, và làm lành nhau rồi, thì họ quên đi những xúc phạm. Bên ngoài thì như đã quên, nhưng như một vết thương khó lành, họ sẵn sàng nhớ lại khi có điều kiện. Kiêng nhất là chê bai về khả năng tình dục, khi đã bị chê, thì không sớm thì muộn, người đàn ông cũng tìm cách xa lánh, vì mặc cảm, vì tự ái. Thêm vào đó, câu hỏi khó trả lời rành mạch:
-"Làm sao biết hay, hay dở mà chê, dựa vào đâu mà so sánh?".
Chê chồng khi chỉ có hai người thôi, đã là sai lầm lớn, chê trước mặt người khác còn tệ hại hơn, gây thương tổn lớn hơn. Có những ông nóng tính, không kềm chế được, làm liều, tát tai trước công chúng, và mặc cho kết quả tai hại vô lường sau đó. Đừng bao giờ xúc phạm đến người khác trước công chúng, chồng cũng như vợ. Tại sao mình biết lịch sự, không dám xúc phạm người khác mà lại không biết lịch sự với chồng.
Các cụ xưa còn nói, xấu chàng hổ thiếp. Làm chồng xấu hổ, thì mình không xấu hổ theo chăng? Phần tôi, thì tôi khen chồng, khen trước mặt, và khen cả sau lưng. Khi chồng làm điều gì sai trái, thì tôi chờ dịp, dịu dàng phân giải trong tinh thần tôn trọng vui vẻ. Đôi khi phải qui tội cho sự thiếu may mắn, hoàn cảnh bất lợi, chứ không phải vì chồng thiếu khôn ngoan, vụng về.
Nhiều bà chê chồng lia lịa, việc gì cũng chê, sai cũng chê, mà đúng cũng chê. Hút bụi nhà cũng chê còn rác, rửa chén cũng chê không sạch, tỉa cây chê không đẹp, đi chợ chê mua thịt không ngon, áo quần chê giặt không sạch, chê làm biếng, chê tham lam, chê thiếu trách nhiệm... Đủ thứ tội vạ.
Trong lúc đó, bà tự cho mình hay, giỏi, thông thái lắm, không lầm lỗi nào cả, hoàn toàn. Ai chê bai bà tí ti thôi, thì cũng đã lăn đùng ra khóc lóc, vật vã, mất ăn, mất ngủ. Mình chê người ta thì dễ lắm, ai đụng đến mình thì như trời đất sập đến nơi. Tôi khen chồng với mọi người, khi khen, tôi thêm niềm tin tưởng, và thấy chồng mình tốt hơn, mình được sung sướng hơn.
Cũng có thể chồng biết vợ khâm phục, nên cố gắng sửa mình cho tốt hơn, cho hoàn hảo hơn, không nỡ phụ lòng tin của vợ. Khen chồng không có hại, mà chỉ có lợi, chê chồng không có lợi, chỉ có hại, hại trực tiếp và gián tiếp, hại trong hiện tại và cả lâu dài về sau.
Nhiều bà chướng kỳ, chướng khủng khiếp, đòi hỏi những điều thậm vô lý, đòi cho được, không được thì dẫy dụa như trời đất sắp tận thế. Không có lợi gì cho ai cả, chỉ làm cho người chung quanh chán ngấy, ngán ngẩm. Đó là những trường hợp của những cô con cưng trong gia đình.
Sau khi lấy chồng, thì phát huy tối đa cái chướng ách, cái độc tài, cái đòi hỏi mọi người phải theo ý cô. Không cần biết sai đúng, miễn sao thỏa mãn cái chướng ách của mình, đôi khi biết mình sai, nhưng vẫn khư khư giữ lấy cái sai trái đó. Các cô này là những người tự hủy hoại nội công, hủy hoại cái hạnh phúc gia đình, hủy hoại mối cảm tình tốt đẹp của người khác.
Nhiều bà cho rằng phong tỏa kinh tế là phương sách hữu hiệu nhất để cầm chân chồng trong gia đình. Không có tiền thì cứ cơm nhà quà vợ, không xoay sở đâu được cả. Ai nắm được kinh tế, thành kẻ mạnh. Nói thế là biết một, mà không biết hai. Vô sản hóa ông chồng không có lợi gì cả, vì kinh dịch có nói: "cùng tắc biến, biến tắc thông".
Các ông đâu có dại khờ chi để trở thành vô sản thứ thiệt. Có cả ngàn cách để các ông thủ một khoản tiền riêng, mà các bà không biết, và chi tiêu của các ông trở thành bí mật, không kiểm soát nổi. Nếu có khi mất tiền, các ông cũng không khai báo, không tỏ ra tiếc, vì sợ lộ tẩy.
Phần tôi, thì thả nổi công quỹ, những việc lặt vặt, chồng cứ tiêu, như tôi tiêu mà không cần hỏi ý kiến nhau. Những chi tiêu lớn, thì cả hai bàn luận, cùng thỏa thuận rồi mới thi hành. Khi có một trong hai không đồng ý, thì tạm hoãn vấn đề trong một thời gian để cho cái thích chín muồi, suy nghĩ chín chắn hơn mới thảo luận lại.
Tôi thường áp dụng chiến thuật hoãn binh. Khi tôi không thích đề nghị của chồng, thì không từ chối ngay, cứ tạm thời nói bằng lòng, nhưng yêu cầu hoãn thời gian thi hành cho đến một ngày nào đó. Ngày ấy, biết đâu chồng tôi nghĩ kỹ lại, rút lui đề nghị, hoặc chính tôi đã suy nghĩ chín chắn hơn và sẽ vui vẻ chấp nhận. Như vậy, khỏi cãi vã, tranh luận nhiều sinh to tiếng, mất lòng nhau, giận nhau. Khi giận thì mất khôn, và làm liều, phạm sai lầm.
Vui vẻ trong gia đình là căn bản của hạnh phúc. Gia đình thiếu vui, thì thành nhàm chán. Có nhiều bà khi nào cũng nhăn nhó, than vãn hết chuyện này qua chuyện khác. Than đau yếu, than thiếu thốn, than trời nắng, than trời mưa. Khi nào cũng triền miên bất mãn. Dù nghèo khó, dù trời nóng, dù trời mưa, thì những lời than vãn trên chẳng thay đổi gì được tình hình cả. Chỉ tạo thêm mây mù bao phủ cuộc sống gia đình thôi. Cứ vui vẻ mà chấp nhận cái mình không thay đổi được, không cải thiện được, rồi bực dọc tự nhiên tan biến, khó khăn như hóa giải, muộn phiền như tiêu tan. Biến những cái bất hạnh, khó khăn thành tiếu lâm. Như cụ Nguyễn Công Trứ nói về cái nghèo của ông: "Cơm ba bữa vô bụng rau bình bịch, tấm chăn thì lạnh làm mền, nực làm gối, đi ra thì quấn làm quần, bốn mùa vui quá thú”. Những lúc gia đình hoạn nạn, khó khăn nhất, là lúc cần có tinh thần hài hước, để bớt căng thẳng, bớt lo âu, làm cho câu chuyện khó khăn, đau buồn bớt quan trọng.
Mình thương yêu gia đình, cha mẹ thế nào, thì ông chồng mình thương yêu cha mẹ gia đình ông ấy như thế đó. Ngăn cản tình thương của chồng đối với gia đình họ là điều thiếu khôn ngoan, thiếu hiểu biết, cái ích kỷ đó khó tha thứ. Không nên ganh tị tình thương.
Nếu chồng vì mình mà bỏ bê gia đình, cha mẹ, thì cũng là một kẻ bất nghĩa bất nghì, chẳng ra gì, chẳng đáng cho mình kính trọng. Cứ nghĩ con trai mình sau này, vì vợ nó, mà lạnh nhạt với cha mẹ, thì cũng đau lòng. Tốt nhất là tranh thủ tình thương cả hai gia đình, xem cha mẹ chồng như cha mẹ mình, anh em chồng như anh em mình. Đem tình thương chân thật ra đãi gia đình chồng, rồi chính mình sẽ được chồng yêu thương hơn, kính trọng hơn. Đồng thời, gia đình chồng cũng sẽ trả lại cho mình tình thương yêu chân thật đằm thắm. Mình sẽ có thêm hai bố mẹ và nhiều anh em.
Tôi biết có bà đối xử tệ với gia đình chồng, bây giờ gặp con dâu ngoại quốc, chúng nó ở cách nhà chừng nửa giờ lái xe, mà có khi cả năm không thăm viếng, muốn thăm cháu nội, cũng xin phép, năn nỉ lắm, chúng mới cho thăm với giới hạn vài ba giờ thôi.
Từ ngày lập gia đình, tôi không còn tập luyện võ nghệ, nhưng vẫn trau dồi võ ý, cái tinh túy của ngành võ thuật. Tạo cho con người một quan niệm sống tích cực để thủ thắng cuộc đời, tìm cho mỗi cá nhân lòng tự tin, công bằng, nhân ái. Thắng cuộc đời chứ không phải thắng ai, và thắng thua là lẽ thường. Thắng không kiêu, bại không nản. Biết chuyển cái yếu thành mạnh, chuyển sức người làm sức mình, biết lấy tám lạng thắng nghìn cân.
Và quan trọng nhất là tinh thần thượng võ, như trước khi ra chiêu thì phải lạy tổ, với ý nghĩa:
-"Thấy bất bình không tha, giúp người hoạn nạn, cô quả cô đơn, lấy công bằng chỉ đạo cho hành động".
TRÀM CÀ MAU.
Trích từ tập truyện “RONG CHƠI NGÀY THÁNG” của Tràm Cà Mau.
Độc giả nào muốn mua tập truyện nầy thì email cho tác giả, tại địa chỉ: tramcamau2003@yahoo.com, giá $10 Đô la, gồm cả bưu phí.
Xem các Bài cùng tác giả tại đây
Trở về website www.nuiansongtra.com