Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 06, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Văn học
TẢN-ĐÀ VÀ VĂN TẾ CHIÊU QUÂN.
PHƯƠNG-ĐÌNH
Hương sắc đầu Xuân:
TẢN-ĐÀ VÀ VĂN TẾ CHIÊU QUÂN.
Phương-Đình

Thân-Thế và Hành-Trạng:

Văn-chương thời nôm-na,
Thú chơi có sơn-hà.
Ba-Vì ở trước mặt,
Hắc-giang cạnh bên nhà

Tản-Đà (Tự thuật)

Trời sinh ra bác Tản-Đà,
Quê-hương thời có, cửa nhà thời không.
Nửa đời Nam, Bắc, Tây, Đông,
Bạn-bè sum-họp, vợ chồng biệt-ly.
Túi thơ đeo khắp ba kỳ,
Lạ chi rừng biển, thiếu gì gió trăng

. . .Trăm năm hai chữ Tản-Đà,
Còn là sông núi, còn là ăn chơi.
Dở hay muôn sự ở đời,
Mây bay nước chảy mặc người thế-gian

(Thú ăn chơi)

ĐÀ chưa cạn, TẢN chưa mòn,
Ai còn thi-sĩ, lại còn tri-âm.
Nực cười cho bác Mai-Lâm,
Yêu nhau chi sớm, mà lầm khóc nhau. . .

(Cười bác Mai-Lâm)

. . .Dạ bẩm lạy Trời con xin thưa:
“Con tên Khắc-Hiếu, họ là Nguyễn,
Quê ở Á-châu, về địa-cầu,
Sông Đà núi Tản, nước Nam-Việt”.

(Hầu Trời)

Sông Đà núi Tản đúc nên ai,
Trần-thế xưa nay được mấy người.
Trung-hiếu vẹn toàn hai khối ngọc,
Thanh-cao phô trắng một cành mai.


Trên đây là một số những câu thơ trích trong các thi-phẩm của Tản-Đà để minh-thị sự hiện-diện đầy tự tín, đỉnh-đạc xen một ít ngang-tàng về một bản-ngã, một cái tôi trong-sáng, điểm-xuyết niềm tự-hào về quê-hương, dân-tộc của một thi-sĩ, một nhà báo, một nhà văn tiên-phong với cuộc sống phóng-khoáng, đa-dạng mà các nhà thơ, nhà văn trước đó hay đồng-thời như Nguyễn-Khuyến, Trần-Tế-Xương hay Á-Nam Trần-Tuấn-Khải chưa hề có được.

Tản-Đà Nguyễn-Khắc-Hiếu sinh ngày 20-4 năm Kỷ-Sửu (25-5-1889, Thành-Thái nguyên niên) tại làng Khê-Thượng, huyện Bất-Bạt, Sơn-Tây bên cạnh sông Đà, cách núi Tản-Viên độ 10 km.

Thân-phụ Tản-Đà là cụ Nguyễn Danh Kế, trước giử lời thề của các cụ làng Khê-Thượng không ra làm quan với triều nhà Nguyễn nên dòng họ ngày càng sa-sút. Vì nhà quá túng thiếu nên cụ Kế phải đi thi, đỗ Cử-nhân triều Tự-Đức, được bổ làm Tri-huyện Nam-sang, Tri-phủ Lý-nhân, Xuân-trường, thăng Án-sát Ninh-Bình rồi mất năm 1891. Từ hồi làm Tri-phủ Xuân-Trường, cụ Nguyễn Danh Kế vẫn giử phong-cách một nhà Nho tài-tử, thường ra vào chốn bình-khang và kết duyên với một đào nương tài sắc ở phố hàng Thao, Nam-Định là Nhữ thị Nghiêm làm lẻ. Ấm Hiếu là con thứ tư của bà Nhữ thị Nghiêm và là con trai út của cụ Nguyễn Danh Kế.

Nguyễn Khắc Hiếu mồ-côi cha lúc lên ba tuổi. Năm lên bốn mẹ lại trở về quê cũ, lưu-lạc theo tiếng hát cung đàn. Từ đó, ấm Hiếu được anh cùng cha khác mẹ là Nguyễn-Tài-Tích nuôi dưỡng và đào-tạo theo đường cử nghiệp.

Năm Nhâm-Tý 1912, ấm Hiếu lều chõng đến trường thi Nam-Định mong thi đậu Cử-nhân, làm lễ đón giai-nhân là cô gái họ Đỗ ở hàng Bồ nhưng bị đánh hỏng vì làm sai một bài văn sách. Vừa thi trượt ở trường Nam, về phố hàng Bồ, lại phải chứng-kiến cảnh người đẹp của mối tình đầu vừa lên xe hoa theo người chồng mới. Từ đó, ông bắt đầu viết quốc văn. Năm 1924, ông làm chủ bút Hữu-Thanh tạp-chí trong ít lâu. Năm 1926, ông đứng chủ-trương tờ An-nam tạp-chí, lấy bản-đồ Việt-Nam làm dấu hiệu ở bìa, với ngọn cờ vàng làm cờ của ông chủ báo “ngông”. Tờ An-Nam tạp-chí được gần 7 năm, chết đi sống lại đến 6 lần, đến năm 1933 tờ báo bị đình-bản hẳn.

. . . Ngày 20-4 năm Kỷ-Mão (7-6-1939), Tản-Đà mất tại Ngã tư Sỡ, nội thành Hà-Nội, hưởng thọ 51 tuổi. Tản-Đà sinh và mất đều nhằm ngày 20-4 Âm-lịch.

Tả-Đà và “Văn tế Vương Chiêu-Quân”

Vương Chiêu-Quân, nàng là ai?

Cách đây trên 50 năm, khi tôi còn theo chương-trình Trung-học về phần các tác-giả đời Trần trong văn-học-sử, có bài thơ “Vua dụ Vương Tường để gả cho chúa Thuyền-Vu”. Nguyên-tác như sau:

Hán Hồ vẫn muốn vẹn trăm đường,
Há Trẫm riêng tây có phụ nường.
Bắc quốc tuy rằng ngoài dị tục,
Vương đình song cũng một biên phương.
Ở đây hạnh thắm nên mai nhạt,
Về đấy sen tàn lỗi cỏ hương.
Hơn thiệt thôi đừng ai-oán nữa,
Bỏ ngày áo gấm lại hoàn-lương.

Giữa lúc cuộc thế-chiến lần thứ hai chưa chấm dứt, giữa lúc phong-trào thơ mới đã chiếm một chỗ ngồi “ngất-ngưỡng” trên thi-đăn Việt-Nam mà ở bậc Trung-học vẫn còn nghe giảng những bài cổ thi như trên để còn nhớ tơ-lơ-mơ có mỗi một việc “Chiêu-Quân cống Hồ” thì thật là điều tội-nghiệp!

Sau nầy, trong những năm chiến-chinh khói lửa tràn ngập quê-hương (1945-1954), tình cờ được đọc bản dịch bài ”Văn tế Chiêu-Quân”, nguyên tác Hán văn của Tản-Đà, tôi mới có dịp tìm hiểu sơ-lược về thân-thế Chiêu-Quân từ đời Tiền Hán bên Trung-quốc.

Vương Chiêu-Quân họ Vương tên Tường, người đất Tỷ-Quy, Nam Quận (nay thuộc huyện Hương-sơn tỉnh Hồ-bắc) là người đẹp nổi tiếng trong lịch-sử Trung-quốc, nên được tuyển làm cung nhân của Hán Nguyên-đế (48- 32 trước Công-nguyên). Vua Hán sai họa-sư Mao Diên Thọ vẽ hình các cung nữ trình lên Vua xem. Mao Diên Thọ cấu-kết với bọn hoạn quan làm tiền các cung nữ. Vương-Tường không muốn dựa vào hối-lộ để tiến thân, không chịu đút lót nên bị vẽ xấu đi, không được Vua để ý. Kịp khi có chúa Thiền-Vu Hồ Hàn Tà từ Thiểm-Tây đến Trường-an chầu Hán Nguyên-đế bàn về an-ninh biên-giới và cầu hôn. Trước lời thỉnh-cầu của Thiền-Vu, Nguyên-đế thuận đem gả Chiêu-Quân; lúc đó mới biết Chiêu-Quân đẹp nhất trong các cung-tần, liền hạ lệnh chém Mao-Diên Thọ.

Chiêu-Quân cỡi ngựa theo chúa Thiền-Vu Hồ Hàn Tà ra biên-giới sang Hồ mang theo cây đờn tỳ-bà rồi sau tự-tử chết ở đất Hồ. Sự-tích “Chiêu-Quân cống Hồ” đã trở thành đề-tài cho các văn nhân thi-sĩ đời sau tả lại nỗi-lòng đau xót cùng cuộc hành-trình thê-thảm của nàng qua những miền hoang-vu giá lạnh, ngôi mộ của nàng “cỏ lúc nào cũng xanh” như tấm lòng của nàng lúc nào cũng hướng về Hán quốc.

Tản-Đà tế Chiêu-Quân ở đâu? trong thời-gian nào? trường-hợp nào?

Xin trích dẫn một đoạn trong tự truyện “Giấc mộng lớn” xuất-bản năm 1929 của Tản-Đà:

-“...Sau đó rồi mới có lúc ở chùa Non Tiên tế nàng Chiêu-Quân, sự thuộc năm Duy-Tân thứ 7 (1923). Chùa Non Tiên ở núi Non Tiên về phần đất làng Tiên-mai, phủ Mỹ-Đức, tỉnh Hà-Đông; chùa ở trên núi, núi trông xuống sông, sông có bãi. Trên núi có miếu riêng thờ chư vị tiên-nữ. Sông vào khoảng mùa Xuân thời có nhiều tàu thuyền đi lại đưa khách từ Hà-nam đi Chùa Hương.

Đứng trên núi trông về mặt nước thời ngư, tiều, canh, mục đủ hết. Trèo lên những cành cây to ở mõm núi mà trông xuống khúc sông đó, thời Chùa hương, Phủ-Lý biết bao trần khách vãng-lai. Khi ở Non Tiên, là nhân có một người bạn thân ở vùng đó cũng lại là một ông bạn đồng canh thấy mình trong lúc vô liêu lại về chơi cho nên vì nhau tìm cảnh thú giải phiền, mà chùa núi Non Tiên mới thành chỗ dung người yếm-thế.

-“Khi mới đến đó, đem vài bốn người học-trò nhỏ theo học để lấy kẻ sai khiến, ngày cùng các thân-hữu đem rượu lên núi chơi, có khi đêm sáng trăng cùng nhau đi dạo cảnh quanh chùa để đi tìm hồ quỷ. Trong khi đó, tự lấy làm phóng-dật thanh-cao, nhưng thực đã gần ra tâm tật vậy.

-“Đêm Rằm tháng Ba, tế nàng Chiêu-Quân ở sân chùa, giết hai con gà làm cơm cúng. Việc tế rất thành-kính. Bài văn tế nguyên văn bằng chữ Nho rằng...”

Năm Nhâm-Tý 1912, vừa thi trượt ở trường Nam, về tới hàng Bồ, lại mục-kích cảnh-tượng giai-nhân họ Đỗ vừa lên xe hoa theo người khác đã khiến Tản-Đà trở nên thất-tình, điên-loạn. Để tìm lối giải-tỏa ẩn-ức tâm-lý tình-cảm đó, Tản-Đà vào dãy Hương-Sơn, lên chùa Non Tiên tìm hồ quỷ, tế Chiêu-quân rồi về ấp Cổ-Đằng thuộc địa-hạt Tùng-Thiện. Sau khi quan huyện Nễ-Xuyên Nguyễn Thiện Kế, anh rễ Tản-Đà thôi làm quan, đã rủ một số bạn hữu cùng bỏ tiền ra lập ấp nầy. Tại đây, Tản-Đà vô cùng chán-nản, tiêu-cực, quyết-tâm tịch-cốc. Việc đó không thành song tâm-trạng buồn chán dần vơi, lại lợi-dụng cảnh-trí yên-tĩnh, ngày thanh đêm vắng, bèn làm nhiều thơ văn quốc văn. . .

-“Các thơ văn trong buổi ấy, sau đem in ở hai quyển “Khối tình” và “Khối tình con” thứ nhất về phần nhiều, mà trong khi đang ở Cổ-đằng, thực chưa có bụng nào viết văn để in vậy” (Trích: “Giấc mộng lớn”.).

Xin trở lại việc tế Vương Chiêu-Quân trên chùa Non Tiên vào đêm rằm tháng Ba, tiết Quý-Xuân, năm Quý-Sửu 1913, lúc đó Tản-Đà mới 23 tuổi. Nguyên-tác như sau:

Ô hô! Chiêu-Quân!
Sắc diễm tuyệt-thế,
Mệnh bạc vô thiên.
Hán cung nhất biệt,
Hồ địa thiên niên.
Thanh trủng lưu hận,
Hoàng tuyền cô miên.
Thương tai hồng-nhan
Y hồ nãi nhiên?
Ô hô! Chiêu-Quân!
Phương cốt hữu tận
U hám vô kỳ.
Minh nguyệt độc cử,
Ám vân không thùy,
Tinh chiên phỉ loại
Điếu tế y thùy.
Thương tai hồng nhan
Linh hồn hà y?
Hiếu,
Thiên nam cùng sĩ
Sơn-Tây tiên sinh,
Cách đại dị quốc,
Cộng bi đồng tình
Viêm trân phỉ lễ,
Vọng bái trung đình.
Hồn lễ quy tại
Giá dủ dữ hành.

Bản dịch thơ của Nễ-Xuyên Nguyễn Thiện Kế:

Cô ơi, cô đẹp nhất đời,
Mà cô mệnh bạc, thợ trời cũng thua.
Một đi từ-biệt cung vua
Có về đâu nữa, đất Hồ nghìn năm!
Mả xanh còn dấu còn căm,
Suối vàng lạnh-lẽo cô nằm với ai?
Má hồng để tiếc cho ai,
Đời người như thế có hoài mất không?
Khóc than nước mắt ròng ròng,
Xương không còn vết, hận không có kỳ.
Mây mờ trăng bạc chi chi,
Hôi tanh thôi có mong gì khói nhang.
Ới hồng-nhan, hỡi hồng-nhan!
Khôn thiêng cũng chẳng ai van ai mời
Trời Nam thằng kiết là tôi
Chùa Tiên đất khách khóc người bên Ngô.
Cô với tôi, tôi với cô,
Trước sân lễ bạc có mồ nào đây.
Hồn cô ví có ở đây,
Đem nhau đi với, lên mây cũng đành!

Thử phân-tách:

Bản Hán văn gồm 27 câu tứ ngôn kể cả 2 câu “Ô hô! Chiêu-Quân” ở đoạn 1, 2 và câu/ chữ “Hiếu” ở đoạn 3 thì nguyên-tác Hán văn, dựa trên 3 nhóm vận (thiên, kỳ, sinh) có thể chia làm 3 đoạn. Riêng bản dịch của Nễ Xuyên gồm 20 câu theo thể thơ lục-bát, lời thơ thật nhẹ-nhàng, thanh-thoát, không kém vẻ tài-hoa.

Trong đoạn 1 và 2, tác-giả thương-tiếc cho thân-phận hồng-nhan đa-truân, bạc-mệnh của Chiêu-Quân đã một lần từ-biệt Hán cung để cam chịu thân-phận “lưu-đày” nơi đất Hồ muôn trùng vời-vợi. Màu cỏ xanh rờn trên nấm mộ dù có phơi bày hận cũ, song thương thay thân-phận của nàng phải ôm chịu một giấc cô-miên ở chốn suối vàng. Thật đáng tiếc thay cho kiếp má hồng mệnh bạc! Càng nghĩ càng giận càng thương cho số mệnh nàng đành gởi nắm xương tàn nơi đất Hồ không chút khói hương, vô cùng lạnh-lẽo.

Đoạn cuối, từ chữ “Hiếu...giá dư dữ hành” hơi thơ đã chuyển sang giọng điệu vừa ngang-tàng vừa biểu tỏ mối liên-tình giữa “Thiên-nam cùng sĩ” với “Bắc quốc giai-nhân”. Dù thời-gian có là khoảng cách -- những trên dưới 2000 năm -- song niềm tâm-sự u-trầm, bi-lụy của khách tài-hoa hẵn có phần nào tương-đồng vậy. Vì thế, nhân tiết Quý Xuân, vào đêm trăng tròn tháng Ba Âm-lịch nầy, tôi có chút lễ bạc nhưng với lòng chí thành bái vọng hương linh-cô, nguyện rằng “Hồn lễ quy tại, giá dư dữ hành” (hồn cô ví có ở đây, đem nhau đi với, lên mây cũng đành).

Chỉ riêng đọc bài “Văn tế Chiêu-Quân” trên đây tại chùa Non Tiên của Hương-Sơn phong cảnh, ta cũng hình-dung được phần nào cái phong-cách lãng-mạn, đa-tình, ngông của một nghệ-sĩ, thi-nhân, với tuổi tròn 24, vừa bước vào mùa Xuân của cuộc đời.

Song với 51 tuổi đời, tuy phải về “hầu Trời” còn rất trẻ và hơn 30 năm ngang dọc tung-hoành trên trường văn, trận bút, Tản-Đà dường không có lúc nào ngưng nghỉ, đã lưu lại cho nhân hậu một tài-sản văn-hóa, văn-nghệ đáng nễ phục vào đầu thế-kỷ nầy. Chỉ riêng địa-hạt vận văn, tản văn, Tản-Đà đã để lại cho chúng ta một kho-tàng quí-giá, rất đáng nâng-niu.

Theo luận-điểm của một số nhà phê-bình văn-học Việt-Nam, khi nhận-định về thi-văn-nghiệp Tản-Đà đã nêu lên các điểm:

Tản-Đà= Lãng-mạn+ Ngông+ Say+ Đa tình+ Xê dịch+ Yêu nước

Chỉ riêng trong phạm-trù văn vần, Tản-Đà quả thật xứng-đáng giử vai-trò làm nhịp cầu, gạch-nối sang phong-trào thơ mới thế-hệ 1932-1945, như Hoài-Thanh đã viết trong bài “Cung chiêu anh hồn Tản-Đà (Thi-nhân Việt-Nam):

-“... Anh em ở đây, tuy kẻ sau người trước, ai nấy đều là con đầu lòng của thế-kỷ 20. Trên hội tao-đàn chỉ tiên-sinh là người của hai thế-kỷ. Tiên-sinh sẽ đại-diện cho một lớp người để chứng-giám cho công việc của lớp người kế tiếp. Ở địa-vị ấy, còn có ai xứng-đáng hơn tiên-sinh?”

-“... Tiên-sinh đã đi qua giữa cái hỗn-độn của xã-hội Việt-Nam đầu thế-kỷ 20 với tấm lòng bình-thản của một người thời trước. Những nỗi chật-vật của cuộc sống hàng ngày, những cảnh đời thường éo-le thường phô-bày ra trước mắt không từng làm bợn được linh-hồn cao-khiết của tiên-sinh.

Cái dáng-điệu ngang-tàng chúng tôi thường thấy ở các nhà thơ xưa, ở tiên-sinh không bao giờ có vẻ vay mượn. Cái buồn chán của tiên-sinh cũng là cái buồn chán của một người trượng-phu. Thở than có nhưng không bao giờ rên-rỉ.

Bởi vậy cho nên cần phải có tiên-sinh trong cuộc hội-họp hôm nay. Có tiên-sinh, người ta sẽ thấy rõ chúng tôi không phải là những quái thai của thời-đại, những đứa thất-cước không có liên-lạc gì với quá-khứ giống-nòi...”

Thật là thậm chí lý, chí tình!

Nói về Tản-Đà, dù ngàn vạn lời cũng chưa đủ. Nay, nhân dịp đón Xuân sang nơi viễn-xứ, sực nhớ lại bài “Văn tế Chiêu-Quân” của Tản-Đà vào dịp Xuân năm Quý Sửu, cách nay hơn 80 năm, Phương-Đình tôi xin có bài biên-khảo (?) nhỏ nầy gọi là góp thêm chút phong-vị buổi tân Xuân gởi đến quý bạn-bè, thi văn hữu xa gần để “nhâm-nhi” trong lúc trà dư tửu hậu vậy.

Manchester, New Hampshire
Phương-Đình

Tham-khảo:

- Giấc mộng lớn (Tự truyện của Tản-Đà)
- Tuyển truyện Tản-Đà.
- Thi-nhân Việt-Nam (Hoài-Thanh, Hoài-Châu)
- Thi-nhân Việt-Nam hiện đại (Phạm Thanh)
- Việt-Nam Văn-học sử yếu (Dương Quảng Hàm)
- Việt-nam Văn học sử giản-ước tân biên (Phạm Thế Ngũ)
- Sử Trung Quốc (Nguyễn Hiến Lê)
- Các bà Hoàng phi Trung-Quốc (bản dịch của Khổng-Đức và Long Cương).

* * *


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh