Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 08, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Biên khảo
ĐOÀN THỊ ĐIỂM (1705-1748), NỮ SĨ TÀI HOA MỆNH BẠC
ĐÀO ĐỨC NHUẬN
Các bài liên quan:
    CHINH PHỤ NGÂM KHÚC.


Thế kỷ thứ 18 là thế kỷ lên ngôi của nữ giới trong văn chương Việt, Hán cũng như Nôm. Nữ giới đã là những nhân vật chính trong nhiều tác phẩm như Liễu Hạnh công chúa, cung nữ Nguyễn Thị Bích Châu hay tiểu thiếp của Đinh Nho Hoàn trong Truyền Kỳ Tân Phả (còn gọi là Tục Truyền Kỳ) của Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm, hay người vợ lính trong Ching Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn mà bà Đoàn Thị Điểm đã dịch ra thơ Nôm, hay người cung nữ trong Cung Oán Ngâm Khúc của Ôn Như hầu Nguyễn Gia Thiều (1741-1798).

Chính Đoàn Thị Điểm là người đã đề cao vai trò nữ giới trong Truyền Kỳ Tân Phả và bà cũng là người đã phả tâm hồn mình, tâm trạng của mình trong dịch phẩm Chinh Phụ Ngâm.

Đoàn Thị Điểm, hiệu Hồng Hà, biệt hiệu Ban Tang, người làng Giai Phạm, huyện Văn Giang, trấn Kinh Bắc nay thuộc tỉnh Hưng Yên. Nguyên tổ họ Lê, đến đời thân phụ của bà là Lê Doãn Nghi mới đổi ra họ Đoàn.

Đoàn Doãn Nghi (1678-1729) đậu hương cống có ra làm quan, nhận chức Điển bạ, hàm Bát phẩm nhưng chỉ một thời gian ngắn từ quan về nhà làm nghề bốc thuốc và dạy học. Thân mẫu là một thiếu phụ xinh đẹp và thông minh, con gái của một viên quan võ cao cấp, tước Thái Lĩnh bá họ Vũ, nguyên quán làng Vũ Điện, huyện Nam Xương hay Nam Sang (nay thuộc tỉnh Hà Nam), định cư tại phường Hà Khẩu, Thăng Long. Bà về làm kế thất ông Đoàn Doãn Nghi, sinh 2 con là Đoàn Doãn Luân (1703-1735) và Đoàn Thị Điểm, sinh năm 1705. Chính Vũ thị là người đã có những đóng góp rất lớn cho hai con trên bước đường học vấn ban đầu, nhất là về phương diện nữ công gia chánh đối với Đoàn Thị Điểm.

Trước khi kết hôn với Vũ thị, Đoàn Doãn Nghi đã có người vợ cả họ Nguyễn sinh được 2 con là Đoàn Thị Quỳnh và Đoàn Doãn Sĩ.

Ngay từ thuở nhỏ, Đoàn Thị Điểm đã tỏ ra có tài ứng đối mẫn tiệp. Giai thoại kể rằng, một hôm Đoàn Doãn Luân ra câu đối lấy từ Bắc sử (tức sử của Tàu) để thử tài học của em:

Bạch xà đương đạo, Quý bạt kiếm nhi trảm chi”.
(Rắn trắng cản đường, ông Quý tuốt gươm mà chém - Quý tức Lưu Quý, tên của vua Hán Cao Tổ).

Cô Điểm lấy ngay tích vua Hạ Vũ cũng trong Bắc sử để đối lại:

Hoàng long phụ chu, Vũ ngưỡng thiên nhi thán viết”.
(Rồng vàng đội thuyền, vua Vũ ngửa mặt mà than)

Lại một lần khác, thấy cô Điểm đang ngồi soi gương, ông Luân bèn đọc trêu:

Đối kính họa mi, nhất điểm phiên thành lưỡng điểm
(Soi gương kẻ lông mày, một nét hóa ra hai nét)

Không một chút bối rối, Đoàn Thị Điểm ứng khẩu đối lại ngay:

Lâm trì ngoạn nguyệt, chích luân chuyển tác song luân
(Ra ao ngắm trăng, một vầng hóa hai vầng)

ĐiểmLuân cũng là tên của hai anh em.

Tiếng đồn Đoàn Thị Điểm xinh đẹp và tài hoa lọt đến tai Thượng thư Lê Anh Tuấn (1676-1741). Thế nên, năm Đoàn Thị Điểm vừa tròn 16 tuổi đã được quan Thượng thư xin nhận làm con nuôi đưa về sống trong dinh thự tại phường Bích Câu, một trung tâm văn hóa của giới thượng lưu đất Thăng Long bấy giờ và cũng là nơi trú ngụ của nhiều vị đại thần, nhiều tài tử văn nhân triều Lê Trịnh.

Trong Đoàn Thị Thực Lục có kể rằng: "Khi bà mới đến nhà Lê Anh Tuấn, quan Thượng thư bắt làm một bài thơ Nôm để thử tài, đầu đề là "Nhất nhật bất kiến như tam thu" (một ngày không gặp nhau, thấy dài bằng ba thu). Bà liền ngâm ngay hai câu sau đây để đối lại:

"Những mong mấy khắc giang cầm hạc
Ngỡ đã vài phen đổi lá ngô"

Tại tư dinh của nghĩa phụ, bà đã có dịp nghe các bậc trưởng thượng luận bàn chuyện văn chương chữ nghĩa. Cũng tại đây, bà cũng đã được phép đọc một số kinh truyện trong thư viện của nghĩa phụ, nhờ vậy kiến thức của bà càng ngày càng quảng bác và danh tiếng tài nữ của bà cũng được nhiều người biết đến.

Lê Anh Tuấn đem ý định tiến cử Đoàn Thị Điểm vào phủ chúa Trịnh để dạy cho các cung phi, bà từ chối và sau đó xin về lại với cha mẹ.

Năm 1729 cha mất, bà sống với mẹ và anh chị tại làng Vô Ngại, huyện Đường Hào (Hải Dương) nay thuộc tỉnh Hưng Yên. Tại đây, Đoàn Doãn Luân mở trường dạy học, bà tham gia dạy học với anh đồng thời viết tập truyện Truyền Kỳ Tân Phả (còn gọi là Tục Truyền Kỳ)

Tác phẩm này được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1811 do nhà Lạc Thiện Đường ấn hành gồm 6 truyện: Hải Khẩu linh từ (Đền thiêng Hải Khẩu), Vân Cát thần nữ (Nữ thần Vân Cát), An Ấp liệt nữ (Liệt nữ ở An Ấp), Bích Câu kỳ ngộ (Cuộc gặp gỡ kỳ lạ ở Bích Câu), Khuyển miêu đối thoại (Cuộc nói chuyện giữa chó và mèo) và Long hổ đấu kỳ (Rồng và hổ tranh nhau về tài lạ).

Theo Phạm Đình Hổ (1768-1840) trong Tang Thương Ngẫu Lục, truyện Bích Câu kỳ ngộ là của Đặng Trần Côn. Và Hoàng Xuân Hãn (1908-1996) ngờ rằng các truyện Long hổ đấu kỳ và Khuyển miêu đối thoại cũng của Đặng Trần Côn.

Trong Đoàn Thị Thực Lục (tức gia phả của nhà họ Đoàn), người viết là con rể của Đoàn Doãn Y (Doãn Y gọi Đoàn Thị Điểm bằng cô) đã xác nhận "Ba truyện Vân Cát thần nữ, Hải khẩu linh từ và An Ấp liệt nữ còn lưu hành ở đời. Duy hai truyện Yến anh đối thoại và Mai huyễn thì đã thất truyền, không thấy người xưa nhắc đến...".

- Hải Khẩu linh từ (Đền thiêng ở Hải Khẩu), là câu chuyện của Nguyễn Thị Bích Châu, cung phi của vua Trần Duệ Tông (1372-1377) một người đàn bà tài sắc vẹn toàn đã từng dâng sớ "Kê minh thập sách" xin nhà vua cải tổ việc triều chính. Trong lần vua Duệ Tông thân chinh cầm quân đi đánh Chiêm Thành (1377) bà đã tự nguyện hi sinh thân mình làm vật hiến tế cho giao thần tại cửa bể Kỳ Hoa (Hà Tĩnh) để nhà vua được an toàn đưa chiến thuyền vào đánh Chiêm Thành với lời cầu xin: "...Sau khi thiếp chết, xin bệ hạ sửa văn, nghi võ, dung người hiền làm điều nhân nghĩa như đế vương, dựng chước lâu dài cho nhà nước, được như thế thi u hồn thiếp có thể ngậm cười nơi chín suối vậy”.

Sự hy sinh của bà có nhiều linh hiển, dân chúng đã lập đền thờ bà ở thôn Hải Khẩu, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Non trăm năm sau, trong lần chinh phạt Chiêm Thành, vua Lê Thánh Tông (1460-1497) nghe kể câu chuyện của nàng Bích Châu, ngay đêm đó nhà vua thấy Bích Châu hiện về xin nhà vua giải cứu. Theo lời Bích Châu, nhà vua kiện đến thủy vương, giao thần bị trừng trị và xác nàng Bích Châu hiện lên mặt biển. Nhà vua sai an táng Bích Châu, và sau khi hồi kinh đã cho lập đền thờ và phong thần cho nàng là "Chế Thắng phu nhân"

- Vân Cát thần nữ (nữ thần Vân Cát), là câu chuyện của bà chúa Liễu Hạnh, một nhân vật huyền thoại được xem là con gái của Ngọc Hoàng thác sinh vào nhà một thường dân Việt Nam thời Lê Anh Tông (1556-1573). Bà có một quan niệm sống thật tự do và phóng khoáng, không chịu câu thúc trong vòng lễ giáo của Nho gia. Bà có nhiều quyền năng siêu phàm, được triều đình "phong thánh" và trở thành một trong bốn vị "tứ bất tử" (Tản Viên, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử và Liễu Hạnh) của tín ngưỡng Việt Nam và đền thờ bà được lập ở nhiều nơi.

- An Ấp liệt nữ (Liệt nữ ở làng An Ấp) là câu chuyện của tiểu thiếp ông Đinh Nho Hoàn (1671-1715) đời vua Lê Dụ Tông (1706-1729) đã dùng ngay chiếc áo Đinh Nho Hoàn trao cho bà trước khi ông lên đường đi sứ sang Trung Hoa để treo cổ tuẫn tiết theo chồng (ông Hoàn chết trên đường đi sứ) năm bà mới ngoài 20 tuổi. Bà đã được vua Lê Dụ Tông phong tước hiệu "Trinh nhất Á thận Phu nhân" và ban biển 2 chữ vàng "Tiết phụ", đồng thời sai lập đền để thờ cúng. Đó là đền Gôi Mỹ, nay thuộc xã Sơn Hoà, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.

Chúng ta có thể nhìn thấy Truyền Kỳ Tân Phả có mấy điểm nổi bật:

- Nhận vật trong truyện là những con người thật, việc xảy ra cũng là việc thật, như tiểu thiếp của Đinh Nho Hoàn là bà Phan Thị Viên là con gái của quan Thủ bạ họ Phan, người làng Thủ Lễ, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An (An Ấp liệt nữ), Nguyễn Thị Bích Châu là cung nữ của vua Trần Duệ Tông (Hải Khẩu linh từ), hay nhân vật mang tính huyền thoại như công chúa Liễu Hạnh (Vân Cát thần nữ) nhưng dân chúng vẫn tin Liễu Hạnh là con của ông bà Lê Thái Công người làng Vân Cát, huyện Thiên Bản (nay là huyện Vụ Bản, Nam Định) sinh vào năm Thiên Hựu nguyên niên đời vua Lê Anh Tông (1556-1573).

Nhà biên khảo Nguyễn Đăng Na đã làm một bản đối chiếu giữa truyện Đền thiêng Hải Khẩu với Đại Việt sử ký toàn thư, ông ta đã nhận thấy các chi tiết chính trong truyện của Đoàn Thị Điểm trùng khớp với lịch sử "chính xác đến từng năm, tháng, thời tiết..."

- Các truyện trong Truyền Kỳ Tân Phả đều đã nêu cao vai trò của phụ nữ: vua Trần Duệ Tông và cả đoàn quân đông đảo của ông đã phải nhờ vào sự hy sinh của một người phụ nữ (Bích Châu) để yên ổn kéo nhau vào chiến trường (Hải Khẩu Linh Từ); Liễu hạnh công chúa là một người hoàn toàn tự do và phóng khoáng trong cuộc sống, ngay cả trong hôn nhân cũng tự bà quyết định (Vân Cát thần nữ); tiểu thiếp của Đinh Nho Hoàn là cô gái sống chết mãnh liệt với tình yêu và cái chết của bà cũng đã làm vinh dự cho những người đàn ông bên nhà chồng, bằng chứng là sau khi bà được lập đền thờ tại Gôi Mỹ thì sau đó chồng (Đinh Nho Hoàn), cha chồng (Đinh Nho Công), và em chồng (Đinh Nho Côn) cũng được phối hưởng đưa vào thờ ở đền này.

- Các truyện trong Truyền kỳ tân phả có nhiều hiện tượng tương đồng với lễ hội dân gian: Truyện Hải Khẩu linh từ tương ứng với lễ hội Loan nương Thánh mẫu ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh; Truyện An Ấp liệt nữ tương ứng với lễ hội đền bà Tiết tức đền Gôi Mỹ thuộc huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh; Truyện Vân Cát thần nữ tương ứng với Lễ hội Thánh mẫu Liễu Hạnh ở Phủ Giày tỉnh Hà Nam, đền Sòng tỉnh Thanh Hóa, Phủ Tây Hồ ở Hà Nội...

Những truyện bà viết đều được người anh đọc và phẩm bình. Dưới 2 truyện Hải Khẩu linh từ và An Ấp liệt nữ đều có ghi hàng chữ: "Văn Giang Đoàn Hồng Hà nữ tử trứ, gia huynh Tuyết Trai Đạm Như Phủ bình".

Năm 1735, Đoàn Doãn Luân từ trần, bà mất đi một người đồng điệu trong cõi văn chương. Không còn ai cùng xướng họa thi ca, giá như bà có viết thêm truyện cũng không còn ai thưởng thức để phẩm bình. Vậy là từ nay với trách nhiệm nặng nề hơn, bà dốc toàn lực để phụng dưỡng mẹ già, lo cho bà chị dâu gần như tàn tật và 2 đứa cháu là Đoàn Lệnh Khương và Đoàn Doãn Y chưa đầy 10 tuổi. Bà đưa mẹ, chị dâu và 2 cháu về Sài Trang hành nghề bốc thuốc làm kế sinh nhai, được nhiều thân chủ tin tưởng mến mộ.

Để tránh bớt những cuộc nài ép hôn nhân bà không ưng ý, không như lần trước ở nhà quan Thượng thư Lê Anh Tuấn, lần này bà bà chịu nhận dạy cho một bà phi của chúa Trịnh Giang (1729-1740). Tại đây bà đã biết được nhiều chuyện thâm cung bí sử, chứng kiến nhiều cuộc thanh trừng khốc liệt, trong đó có cả nghĩa phụ của bà là Thượng thư Lê Anh Tuấn bị Trịnh Giang buộc phải tự vẫn bằng thuốc độc.

Năm 1739, nhân trong nước xảy ra nhiều loạn lạc, bà xin về quê để lo công việc gia đình. Bà đưa cả gia đình về Chương Dương vùng ngoại ô Thăng Long mở trường dạy học và được xem là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên đứng ra mở trường dưới thời Nho giáo còn ngự trị học đường. Bà đã đào tạo được nhiều nhân tài như Đào Duy Doãn (1726-?), người Chương Dương về sau thi đỗ Tiến sĩ, cháu gái là Đoàn Lệnh Khương (1726-1800) nối nghiệp cô làm nghề dạy học rất nổi tiếng, được dân chúng Thăng Long xưng tụng là Nữ học sư.

Năm 1743, ở tuổi 39, bà nhận lời cầu hôn về làm kế thất cho Tả thị lang Nguyễn Kiều. Nguyễn Kiều (1695-1792), hiệu Hạo Hiên người làng Phú Xá, gần Hồ Tây thuộc kinh thành Thăng Long, năm 21 tuổi đỗ Tiến sĩ, nổi tiếng là một danh sĩ tài hoa.

Nguyễn Kiều đã hai lần cưới vợ. Người vợ đầu là con gái con quan thượng thư Lê Anh Tuấn tên là Lê Thị Hằng. Bà thứ hai là con gái con quan Tham tụng Nguyễn Quý Đức (1648-1720) tên Nguyễn Thị Đoan. Cả hai bà đều chết trước tuổi ba mươi.

Như ta đã biết, đã có nhiều người cầu hôn nhưng Đoàn Thị Điểm vẫn một mực từ chối. Đến khi Tiến sĩ Tả thị lang Nguyễn Kiều của đất đế đô xin cầu hôn đã làm bà suy nghĩ. Nguyễn Kiều quả là một danh sĩ tài hoa nức tiếng đương thời. Tuy nhiên, lần cầu hôn thứ nhất bà đã từ chối. Nguyễn Kiều vẫn không bỏ cuộc. Một lần nữa trong thư cầu hôn ông đã nêu lên hoàn cảnh gia đình neo đơn, trong lúc ông phải phụng mạng triều đình làm chánh sứ sang nhà Thanh...thêm vào đó mẹ già của bà và người chị dâu cũng khẩn khoản mong bà được yên bề gia thất, bà mới chịu kết hôn với Nguyễn Kiều.

Kết hôn hơn một tháng, Nguyễn Kiều phải cầm đầu sứ bộ lên đường sang nhà Thanh. Trong thời gian ở nhà một mình, bà nhận được tác phẩm Chinh Phụ Ngâm của hương cống Đặng Trần Côn, người đồng thời với bà. Đây là một tác phẩm viết bằng chữ Hán theo thể cổ nhạc phủ nói lên tâm tình của người thiếu phụ có chồng đi chinh chiến ngoài biên ải. Tình cảnh của nàng chinh phụ trong tác phẩm của Đặng Trần Côn có nhiều điểm tương đồng với tình cảnh của bà lúc này. Nỗi buồn rầu và nhớ nhung của người chinh phụ cũng là nỗi buồn rầu nhớ nhung của Đoàn Thị Điểm. Vì vậy mà bà đã dồn hết tâm huyết để hoàn thành bản dịch Chinh Phụ Ngâm: 

Thiên địa phong trần
Hồng nha đa truân”.


Hai câu thơ mở đầu của Đặng Trần Côn trong Chinh Phụ Ngâm đã đánh thức con tim đa cảm của Hồng Hà nữ sĩ. Bà đã sống qua một thời gian dài của xứ Đàng Ngoài nhiều biến động và bản thân bà cũng đã phải hứng chịu bao nhiêu là gian truân trong cuộc sống. Hai câu thơ định mệnh đó đã thôi thúc bà dịch khúc ngâm Chinh Phụ để giải tỏa bao nhiêu ẩn ức tình cảm đang dồn nén trong tâm hồn vô cùng nhạy cảm của một nữ sĩ tài danh.

Cũng giống như người chinh phu, phu quân Nguyễn Kiều của bà đã phải gác tình riêng sang một bên để lo việc triều đình:

“Sứ trời sơm giục đường mây
Phép công là trọng, niềm tây sá nào”.

Cũng giống như người chinh phụ, bà cũng đã trải qua một lần chia ly đứt ruột với người chồng mới cưới:

“Đưa chàng lòng dặc dặc buồn
Bộ khôn bằng ngựa, thủy khôn bằng thuyền”.

Cũng giống như người chinh phụ, bà cũng đã trải qua những đêm dài dằng dặc sầu muộn nhớ nhung mà chẳng biết tâm sự cùng ai:

Nỗi lòng biết tỏ cùng ai
Thiếp trong cánh cửa, chàng ngoài chân mây”.

Cũng giống như người chinh phụ, bà cũng đã hết lòng phụng dưỡng mẹ già đang sống với người chị dâu tàn tật. Bà cũng đã lo lắng chăm sóc dạy dỗ cho mấy đừa con riêng của chồng, săn sóc dạy dỗ cho mấy đứa cháu gọi bằng cô con của Đoàn Doãn Luân:

“Ngọt bùi thiếp đã hiếu nam
Dạy con đèn sách thiếp làm phụ thân”.

Thời gian đợi chờ của bà có khác nào nỗi đợi chờ của người chinh phụ:

“Khắc chờ đằng đẵng như niên
Mối sầu dằng dặc tựa miền bể xa”.

Nỗi nhớ nhung của của người chinh phụ nào có khác gì nỗi nhớ nhung của bà đối với đức phu quân Nguyễn Kiều:

“Trời thăm thẳm xa vời khôn thấu
Nỗi nhớ chàng đau đáu nào xong”.

Có thể giống như nàng chinh phụ, bà cũng đã có những đêm dài sống trong cô đơn để cho những giọt lệ nhớ nhung tuôn chảy:

“Vì chàng lệ thiếp nhỏ đôi
Vì chàng thân thiếp lẻ loi một bề”.

Và cũng có thể giống như nàng chinh phụ, bà cũng đã tưởng như mình được gặp lại người chồng khả kính qua những giấc mơ êm ái:

“Sum vầy mấy lúc tình cờ
Chẳng qua trên gối một giờ mộng xuân”.

Trong những năm tháng mòn mỏi đợi chờ, cũng giống như nàng chinh phụ trong Chinh Phụ Ngâm, bà đã có nhiều đêm than khóc một mình, bà đã từng làm những bài thơ nhớ nhung nói lên nỗi lòng thương nhớ của mình đối với đức phu quân, và bà ước mong đến cháy bỏng về ngày sum họp để cùng người chồng yêu quý chung sống bên nhau cho đến lúc đầu bạc răng long:

“Mở khăn lệ chàng trông từng tấm
Đọc thơ sầu, chàng thấm từng câu
Câu vui đổi với câu sầu
Rượu khà cùng kể trước sau mọi lời
Sẽ rót vơi lần lần từng chén
Sẽ ca dần ren rén từng thiên
Liên ngâm đối ẩm đòi phen
Cùng chàng lại kết mối duyên đến già”.

Nhưng than ôi! Cái ước mơ cháy bỏng của bà đã không thành hiện thực!

Năm 1746, Nguyễn Kiều cùng sứ bộ về nước sau 3 năm hành trình vất vả. Sau 3 năm đợi chờ đằng đẵng, có lẽ 3 năm tiếp theo này là thời kỳ hạnh phúc nhất trong cuộc đời của người đàn bà tài hoa này. Tuy lấy chồng muộn và chỉ là kế thất, nhưng với Nguyễn Kiều bà đã sống những tháng ngày đầy hạnh phúc hợp với tâm tình và sở thích của bà. Ngoài việc viết lách và những công việc nội trợ mà tài nữ công gia chánh của bà đã được thiên hạ khen lao từ thuở bà còn trẻ:

“Nàng về nhà tôi, vẹn tròn đạo vợ,
Việc bút nghiên tài lạ hằng chuyên,
Nghề kim chỉ tay sành chẳng bỏ”.
(Văn tế vợ - Nguyễn Kiều)

Họ đã có những giây phút bên nhau để đàm đạo về chuyện văn chương chữ nghĩa, những giây phút hứng khởi cùng nhau xướng họa thi ca như trong Đoàn Thị Thự Lục đã mô tả "lại cùng nhau ngâm thơ vịnh phú, phẩm liễu bình hoa, càng yêu nhau về tài, kính nhau vì nết":

“Thường thường đàm luận cổ thi,
Ngày ngày xướng thơ họa phú.
...Lúc rảnh việc, cùng vui thú văn hàn”,
(Văn tế vợ - Nguyễn Kiều)

Năm 1748, Nguyễn Kiều được bổ làm Tham thị trấn Nghệ An. Trên đường đi, bà bệnh nặng và đến Nghệ An chưa được mấy ngày bà từ trần vào ngày 11-9 năm Mậu Thìn (10-1748) đã để lại trong lòng người chồng yêu quý của bà bao nhiêu nỗi xót thương cay đắng:

“Đào chưa quả đã vội khô,
Quế đang thơm mà đã rũ!
Rừng sâu bể rộng, nàng hỡi đi đâu?
Ngọc nát châu chìm, lòng tôi quặn nhớ”.
(Văn tế vợ - Nguyễn Kiều)

Nỗi đau quặn thắt của Nguyễn Kiều chính là sự ra đi vội vã của người vợ thương yêu ngay vào lúc ông vừa chân ướt chân ráo nơi lỵ sở mới. Ông vội vã thiết lập bàn thờ, đọc bài văn tế vĩnh quyết rồi sai người đưa di hài vợ về lại cố hương Phú Xá an táng bên cạnh hai đời vợ trước của ông, còn ông thì phải ở lại trấn sở để lo công việc triều đình:

“Nửa bước khó dời trấn sở.
Một thân khó vẹn công tư.
Lối về trên bến, tạm dựng bàn thờ,
Lệ tiễn hai hàng chan chứa,
Tình thương một lễ đơn sơ,
Sóng gió xin đừng kinh sợ,
Đường đi chớ ngại rũ rờ.
Hương hồn nàng yên nghỉ,
Cố ấp tôi hằng mơ”.
(Văn tế vợ - Nguyễn Kiều)

* * *

Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm đã vĩnh viễn ra đi ở tuổi 43. Bà đã trải qua một quãng đời nhiều gian nan hơn hạnh phúc nhưng đã nói lên nếp sống tự lập, can đảm và đầy trách nhiệm của bà đối với gia đình.

Tuy chỉ sống một thời gian ngắn ngủi ở trần gian nhưng bà đã để lại một sự nghiệp văn chương đáng ca ngợi.

Bà đã thu thập những mẩu chuyện trong dân gian, trong văn chương, trong lịch sử để viết nên Truyền Kỳ Tân Phả, và theo ghi nhận của một số nhà biên khảo văn học ngày nay, những truyện trong Truyền Kỳ Tân Phả đã trở thành thần phả của các điện thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh ở đền Sòng Thanh Hóa, Phủ Giầy ở Hà Nam, Phủ Tây Hồ ở Hà Nội...(truyện Vân Cát thần nữ), truyện Hải Khẩu linh từ đã trở thành thần phả của cung phi Nguyễn Thị Bích Châu ở thôn Hải Khẩu (Hà Tĩnh) và truyện An Ấp liệt nữ đã trở thành thần phả của bà Phan Thị Viên ở đền thờ Bà Tiết tức đền Gôi Mỹ cũng ở Hà Tĩnh. Và đây chính là điểm son mà bà đã đạt được bằng cách đưa văn chương bác học vào đời sống tâm linh của dân chúng.

Tác phẩm Chinh Phụ Ngâm được chuyển dịch từ tác phẩm Hán văn cùng tên của Đặng Trần Côn đã đưa tên tuổi bà sáng chói trong Văn chương Việt Nam. Có nhiều tranh luận về ai là dịch giả thực thụ của bản Chinh Phụ Ngâm hiện hành, nhưng, theo người viết, cho đến khi nào người ta chưa chứng minh được bằng những bằng chứng xác thực cho một dịch giả nào đó thì Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm vẫn là tác giả đích thực của bản diễn ca Chinh Phụ Ngâm bằng chữ Nôm hiện hành.

ĐÀO ĐỨC NHUẬN

 

Xem Chinh phụ ngâm khúc, click vào đây.

* * *

Xem thêm bài cùng tác giả, click vào đây
Xem bài trên trang Biên khảo,click tại đây
Trở về trang chính: www.nuiansongtra.com  

 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh