“Sóng lớp phế hưng coi đã rộn!”.
(Bà Huyện Thanh Quan)
Quê hương Quảng Ngãi thời năm Giáp Ngọ ấy đâu đâu cũng bày ra cảnh xơ xác tiêu điều sau những năm dài chiến tranh, nhưng thành phố Quảng Ngãi là nơi hoang tàn và đổ nát nhiều nhất. Trên thực tế, trước khi bom đạn của Pháp có thể tàn phá các cơ sở và các kiến trúc, một phần đã do chính họ xây dựng để vận hành bộ máy cai trị và phần kia thuộc chính phủ Nam triều; tất cả những công trình kiên cố và quy mô ở trong khu thành cổ Cẩm Thành ấy cũng như tất cả các căn phố chợ ở khu thị tứ đã bị người dân triệt hạ từ năm 1947 theo chủ trương “tiêu thổ kháng chiến” chống Pháp của Việt Minh. Quảng Ngãi chịu ách nước và cả tai trời! Rồi Rồng Nhâm Thìn 1952 phun lửa gây một trận bão nóng; gió không quá mạnh để làm xiêu đổ nốt những căn nhà tranh lụp xụp trong những khu xóm quanh thành phố nhưng lại dẫn theo một trận đói vì gió nóng đã làm héo khô hoa màu. Cơn bão này đã bồi thêm và chen giữa hai trận lụt định kỳ cuối năm 1951 và 1952: ”ông tha mà bà chẳng tha – trời cho cái lụt hăm ba tháng mười!”. Đói vì thiếu lúa thiếu khoai, nhiều người phải ăn các rau quả dại như trái keo non, lá cây xương rồng và ăn cả ốc sên (ốc ma)!
Cảnh điêu tàn đầu tiên trên đường quốc lộ Một từ hướng Bắc đi vào – phải qua đò ngang – là chiếc cầu Trà Khúc đã đổ sụp từng đoạn xuống lòng sông vì bị giật mìn, chỉ còn một nhịp trơ vơ giữa dòng, sau gần nửa thế kỷ đã giữ vai trò quan trọng trên tuyến lưu thông xuyên Việt. Bờ cát ở phía Nam cầu xưa có tên là bãi Ông Bành, tiếp giáp với xóm Tàu Tượng, hai địa danh này xác định thời trước là bãi tắm, khu chăn nuôi và tập luyện voi trận của quân nhà Nguyễn. Trên quãng đường trước khi vào thành phố, nhà cửa thưa dần, hầu hết lợp tranh và khuất trong vườn cây. Qua khỏi một bãi tha ma rất rộng phía bên trái đường là đến Bàu Cả, một vùng ruộng trũng nhưng lúa bắp khá cằn cỗi kéo dài về hướng Tây đến đầu xóm Thạch Bích. Quốc lộ Một đến đây trở thành đường phố chính theo hướng Bắc - Nam và có con đường băng qua tạo nên ngã tư đầu tiên của thành phố Quảng Ngãi, rẽ phải là đường chạy dọc theo xóm Chợ Cũ, sau năm 1955 là đường Phan Đình Phùng (đổi thành đường Trương Quang Trọng sau 1975). Đường rẽ trái chạy thẳng xuống bến Tam Thương thuộc xóm Cửa Bức. Đặc biệt vào thời 1954, có một mương nước đắp cao chừng một mét rưỡi rộng hai mét băng qua quốc lộ, dẫn nước từ một guồng xe nước lớn từ sông Trà Khúc qua xóm Phú Hòa, qua xóm Chợ Cũ và xóm Mới (gần tháp nước Quảng Ngãi) đến tận vùng ruộng lúa dưới xóm Gò Gai – sau năm 1955 mương này bị phá bỏ.
Ngã tư đầu tiên của thành phố, thường được gọi là ngã tư bến Sông Đào từng là một vị trí quan trọng trong sinh hoạt kinh tế của thành phố. Thực vậy, bến là chỗ cuối của con sông đào, do ông Hồ Chư thực hiện, tạo một thủy lộ từ sông Trà Khúc (cách cầu chừng 300 mét) để thuyền bè có thể chở nông sản từ các làng xã ven sông Trà Khúc về bán tại khu Liên đoàn Hợp tác xã Nông nghiệp Quảng Ngãi. Khu này ở ngay góc Đông-Nam của ngã tư bến Sông Đào và cách bến chỉ vài chục mét, cả hai cùng khánh thành và hoạt động hiệu quả từ năm 1936. Tuy nhiên 10 năm sau đó con sông đào trở thành vô dụng vì khu Liên đoàn đã bị phá hủy chỉ còn lại gạch đá vỡ vụn ngay khi Việt Minh phát động tiêu thổ kháng chiến. Cũng trong thời gian cuối năm 1947, trên quãng Quốc lộ Một non hai cây số sau được đặt tên là đường Quang Trung ấy, từ cơ sở Liên Đoàn vào đến Cống Kiểu qua hai ngã tư và bốn ngã ba, lần lượt có đến bốn kiến trúc quy mô rộng đến vài mẫu tây cũng bị đập phá thành bình địa. Đó là các công trình quan trọng phục vụ giáo dục và văn hóa của tỉnh được xây dựng từ thời các vua nhà Nguyễn. Tất cả các cơ sở này đều tọa lạc bên trái đường: trường hát Trương Quang Luyến, đình Chánh Lộ, trường Tiểu học Pháp - Việt, và tiếp theo là khu Quán trọ Bungalow cạnh Cống Kiểu.
Qua khỏi khu nền cao rất vững chắc còn dấu vết của những kho lúa gạo, khoai củ, đậu bắp, những nhà máy xay xát, xưởng chế biến nông phẩm, bộng ép các loại dầu phụng và dầu dừa…của Liên đoàn Hợp tác xã Nông nghiệp cũng chẳng có gì khác hơn là những đống gạch đá vụn đầy rêu phong chen lẫn với cây cỏ dại ở khu trường hát Trương Quang Luyến kế bên từng được con người dựng lên để bày trò cười khóc xem chơi rồi tự gò lưng đập phá tan tành mà không do tạo hóa gây chi cuộc hí trường! Tới đây là chỗ ngã ba, đường rẽ trái sau có tên là Trần Cao Vân, lúc ấy chưa mở thông lên hướng xóm Chợ Cũ, ở quanh ngã ba này và dọc đường rẽ trái, dài chừng 300 mét, có nhiều nhà cửa của những nhà giáo như Nguyễn Đức Thống, Trần Cơ, đốc học Nguyễn Kỷ, tú tài Nguyễn Biên, ông giáo Bùi Bích, Lê Trọng Quới, Trần Hòa, Trần Châu; các vị này đã từng dạy học nhiều năm nhưng sau năm 1945 hầu hết không được lưu dụng.
Góc Đông-Nam của ngã ba có khu dinh Bà và đền Mẫu được xây cất rất trang nghiêm với mặt tiền chừng 30 mét dọc quốc lộ. Đây là nơi thờ phượng khá lâu đời vì trong sân dinh và mái đền có những cây gáo cổ thụ và cây sanh rễ giăng chằng chịt. Đối diện với dinh Bà là một vạt đất rộng, lưa thưa cây cỏ dại cằn cỗi bao quanh một khu nền cao vuông vức, mười năm trước là một trạm bán xăng dầu và sau năm 1955 là trạm xăng của ông Lê Thiệp. Trên quãng đường từ dinh Bà vào hướng Nam, lần lượt có khu nhà vườn của nhà giáo Nguyễn Biên và của ông Tư Sơn ngày trước là chủ hãng xe đò và sau là chủ phòng ngủ Bình Lai. Từ chỗ này đi thêm vài trăm mét có một ngã tư, có đường băng ngang sau có tên là đường Lê Lợi. Nhà phố từng được xây cất san sát với nhau cho đến ngã tư chính của thành phố, nhưng đa số không còn mái và tường vách sụp đổ. Cũng có vài căn được chủ nhà che sửa tạm để có chỗ sinh sống.
Phía sau của dãy phố bên trái đường, vươn lên trời là một cây da cao ngất từng xanh. Dưới bóng của cây da cổ thụ tàn lá sum suê, giăng đầy những chiếc rễ phụ thòng xuống cả chục mét này là nền và sân cũ của đình Chánh Lộ. Đây là một công trình biệt lập được xây dựng giữa lòng phố thị, có tính cách văn hóa-giáo dục-xã hội; từ khi được hoàn thành năm 1832 như một học đường Nho học trung tâm của tỉnh nhà nơi từng có hàng ngàn thanh niên ưu tú tụ về để dồi mài kinh sử trong gần 100 năm, trong số đó về sau có nhiều nhà khoa bảng trở thành những lãnh tụ kháng Pháp nổi danh. Nhưng trường Nho học này đóng cửa năm 1918 vì đã lỗi thời và vì có học đường tân học thay thế nên được sửa sang để trở thành đình Chánh Lộ là nơi dân thành phố tập trung tổ chức các cuộc tế lễ và sinh hoạt văn hóa… Đoàn thể hướng đạo sinh (boyscout) đầu tiên của Quảng Ngãi cũng từng sinh hoạt hàng tuần nơi đây trong nhiều năm. Tại đình này, Việt Minh đã xử án và tha bổng Nguyễn Bá Trác vào năm 1945 (Nguyễn Bá Trác nguyên là tuần vũ Quảng Ngãi thời 1930-1933, đồng chủ bút Nam Phong Tạp Chí với Phạm Quỳnh, tác giả bài thơ Hồ Trường nổi tiếng), sau phiên tòa đã bị ám hại trên đường về quê Quảng Nam. Đặc biệt vào cuối tháng 4 năm 1947, đình Chánh Lộ chính là nơi cử hành tang lễ nhà ái quốc Huỳnh Thúc Kháng, đã qua đời ở Nghĩa Hành (21-4-1947) rồi được an táng trên núi Thiên Ấn. Sau đó, di tích này trở thành phế tích để rồi mất tích hẳn! Nhưng vào năm 1954 còn dấu tích của một hố sâu rộng do đạn đại bác của Pháp từ tàu biển bắn vào, có điều lạ là cách hố đạn không bao xa ngay phía ngoài nền sân đình Chánh Lộ có một ngôi nhà khá khang trang không bị hư hại; đó là nhà ông Bài, địa điểm tổ chức “trưng cầu dân ý” của xã Chánh Lộ ngày 23-10-1955 với kết quả chung toàn miền Nam Việt Nam là ông Ngô Đình Diệm đắc cử chức Quốc trưởng thay thế vua Bảo Đại.
Từ ngã tư chính đi vào, dấu vết của những căn phố còn lại chỉ kéo dài qua chỗ ngã ba – đường rẽ trái xuống chợ sau là đường Duy Tân có rạp hát Kiến Thành – đến chỗ có cái giếng cổ gần nhà in Phước Thạnh về sau, đối diện với khu vườn rộng lớn của ông Trình Quế, chủ hãng xe đò chạy bằng than. Dọc hai bên đường rải rác có các khu nhà vườn, qua khỏi ngã ba – sau là đường Võ Tánh được mở thẳng lên ngã năm gần khu Quán Ấm – chỉ có những căn nhà chen lẫn với những đám ruộng rau hoặc khoai. Trên quãng đường chừng 300 mét trước khi đến Cống Kiểu, phía bên trái đường có khu đất rộng chừng vài mẫu chỉ còn lại gạch đá ngổn ngang trên nền cũ hình chữ L của trường Tiểu học Pháp - Việt, là học đường tân học trung tâm của Quảng Ngãi từ năm 1924 đến 1947, và năm cuối cùng trước khi bị phá hủy là nơi khai sinh của trường Trung học Lê Khiết thời chính phủ Trần Trọng Kim – vị Hiệu trưởng của trường là đốc học Nguyễn Vỹ, cũng ở vị trí này sau năm 1955 là trường Trung học Trần Quốc Tuấn. Đối diện khu trường học có những căn nhà vườn của các nhà giáo Tạ Thị Phương - Võ Bảo, nhà giáo Trần Châu và Trần Hòa. Ngay kế bên tàn tích của ngôi trường là tàn tích của quán trọ Bungalow. Quán trọ này rộng lớn được xây dựng quy mô theo kiểu Pháp, từng là chỗ nghỉ chân trên đường xuôi ngược Nam - Bắc của nhiều nhân vật tên tuổi như Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, Tạ Thu Thâu, Ngô Đình Khôi, Ngô Đình Diệm…vào thời đầu thế kỷ XX. Trong khuôn viên quán trọ, năm 1954, còn dấu tích của nhà thủy tạ, nhưng phòng trọ, nhà ăn chỉ còn những bức tường bị đập nham nhở trên khu nền cao rạn nứt mọc đầy cỏ dại. Rải rác có những cây dừa già cỗi và ở tường rào phía nam quán trọ có một hàng cây dầu lai cổ thụ cao lớn dọc theo con kênh nhỏ chảy qua Cống Kiểu. Địa điểm quán trọ Bungalow đến năm 1955 là chỗ trường Nam Tiểu Học Thị Xã được xây dựng (bây giờ đổi thành trường Nguyễn Nghiêm).
Cống Kiểu là ranh giới của hai xã Chánh Lộ và Nghĩa Lộ. Trên quãng đường dài hơn cây số vào gần núi Bút là các thôn Phú Mỹ, lần lượt bên trái có ngôi chùa Hội Phước, bên phải có nhà thờ Tin Lành, rồi đến một khu xưởng dệt khá rộng lớn đã ngưng hoạt động nhưng vào năm 1954 này có một vài lớp học tạm do các cô giáo Tạ Thị Phương và Phan Thị Minh giảng dạy. Trong các lớp này có học trò thuộc Chánh Lộ và Nghĩa Lộ học chung. Cách xưởng dệt không xa lại có tàn tích của ngôi trường Nghĩa Lộ từ trước năm 1947 đã có đủ các lớp của bậc tiểu học, nơi sau năm 1955 có trường Tư Chánh A. Ở các thôn thuộc Phú Mỹ có các vị giáo chức đã góp nhiều công cho giáo dục tân học của Tỉnh nhà thời đầu thế kỷ 20 như Thái Đức Nhuận, Nguyễn Tấn Đức, Phan Tiên, Bùi Đồng, Trần Đức Thanh, Nguyễn Văn Hoán, Đỗ Hoán…
Trở lại chỗ ngã ba Bungalow là ngã ba rộng nhất của thành phố Quảng Ngãi; cho đến năm 1954 ở ngay giữa đường còn có một trụ đèn cao chừng 3 mét trên ngọn có chiếc lồng đèn gương thắp dầu. Đây là trụ đèn dầu duy nhất còn sót lại trong số hàng chục trụ đèn được dựng dọc theo con đường từ cửa Tây thành cổ lên đến khu Tháp Nước và tất cả các ngã tư trong thành phố nhưng đã dẹp bỏ ngay từ khi có đèn điện khoảng năm 1926. Từ ngã ba Bungalow đi lên, bên phải con đường – về sau là đường Trần Hưng Đạo – có ngôi nhà thờ Công giáo được xây dựng vào khoảng năm 1940. Nhà thờ này không bị đập phá nhưng cũng bị hư hại dột nát vì không được sửa sang. Đi một quãng nữa, có con mương dẫn nước chạy băng qua đường, đây là đoạn gần cuối của con mương tưới ruộng có nguồn từ tận sông Trà Khúc. Từ chỗ ngã ba này có thể trông thấy ngã tư gần xóm Quán Ấm, và ngã tư ấy sau trở thành ngã năm khi một con đường được mở thêm nối thành đường Võ Tánh. Không rẽ qua trái là đường lên Nghĩa Hành, theo lối đi thẳng là con đường dọc theo mặt sau của sân vận động dẫn lên ngã ba chùa Tỉnh Hội. Bên đường chỉ có các bụi tre, một khu vườn dừa, các đám đất bỏ hoang và vài đám ruộng. Qua khỏi chùa có đường lên nhà ga và phi trường Quảng Ngãi, nhưng từ sau năm 1945 phi trường không còn được sử dụng và nhà ga Quảng Ngãi còn tiếp tục hoạt động thêm mấy năm nữa.
Con đường từ chùa Tỉnh Hội xuống thành phố qua mặt trước sân vận động, sau năm 1955 có tên là đường Phan Bội Châu, rải rác có mươi căn nhà dân chen lẫn với các đám ruộng và khu mồ mả; về sau có nhiều công trình lần lượt được xây dựng như đài Phát Thanh, tòa Hành Chánh, Công viên, trường Nữ Trung Học và các ty sở của chính quyền Tỉnh. Đến ngã tư – sau có tên là ngã tư Phan Bội Châu - Phan Đình Phùng (có đường rẽ trái qua xóm Chợ Cũ và rẽ phải qua Xóm Mới) có thể coi là chỗ bắt đầu xuống trung tâm thành phố. Từ góc Đông - Bắc nơi có căn nhà hai tầng của nhà giáo Nguyễn Tiên, dọc đường nhà cửa san sát nhau nhưng hầu hết đã bị hư hại chưa được sửa chữa. Ở góc Đông - Nam ngã tư này là một mảnh đất hình tam giác đều có cạnh chừng 40 mét, nơi đã có một rạp chiếu phim khai trương từ năm 1942 – sau năm 1955 là khu phòng Đọc sách. Cạnh bên phải của khu tam giác là đường lên Xóm Mới – sau có tên là đường Phan Chu Trinh, bên trái đường ngày trước có trường tiểu học tư thục Mai Xưa do hai nhà giáo Trần Trọng Hải và Phạm Thị Tỵ thành lập từ năm 1929. Gần đó, ngay ở đầu khu Xóm Mới có một công trình rất đặc biệt được xây dựng thời cuối thập niên 20 thế kỷ XX là Tháp Nước Quảng Ngãi. Trên đoạn đường tiếp theo, từ chỗ khu đất hình tam giác xuống đến cửa Tây của thành cổ Cẩm Thành dài hơn nửa cây số, có thể coi là đường phố chính; nhưng từ ngã tư chính đi xuống mới là khu từng có nhiều nhà phố và tiệm buôn san sát nhau. Một ngã ba có đường rẽ phải, và hai ngã tư tiếp theo tạo nên các khu buôn bán có hình ô vuông như bàn cờ mà chợ Tỉnh là ô trung tâm. Nhưng chợ chỉ còn lại những cái nền, và dưới bóng của hàng cây dầu lai cành lá sum suê là những bãi bùn lầy cỏ dại đầy cóc nhái. Qua khỏi chợ, có một ngã tư cách cửa Tây của thành cổ chừng trăm mét mà con đường băng ngang – có lối rẽ phải qua cổng sau của chợ, và rẽ trái (sau 1955 là đường Nguyễn Thái Học, và đổi thành Nguyễn Bá Loan sau 1975) là đường dẫn ra xóm Gốc Gáo và đến tận thôn Phú Hòa. Ở góc Đông - Bắc ngã tư này còn tàn tích của Nhà Máy Đèn đã bị phá hủy thời “tiêu thổ kháng chiến” sau gần 20 năm cung cấp điện cho thành phố. Con đường mua bán nhộn nhịp nhất của thành phố trước năm 1945 – sau có tên là đường Lê Trung Đình – lại rất ngắn vì qua chiếc cầu vồng là thuộc phạm vi của thành cổ.
Chiếc cầu vồng và hào nước chảy quanh thành có thể coi thuộc số công trình đầu tiên được thực hiện để phòng thủ Cẩm Thành ngay từ khi thành được xây dựng vào năm 1807 thời vua Gia Long.
Hào dẫn nước từ sông Trà Khúc chỗ gần bến Tam Thương, bao quanh ba phần tư chu vi, ở phía Nam chỉ có thành giáp với khu đất trống rộng lớn là Trường Tập nơi huấn luyện binh sĩ. Cửa Tây là cửa chính và rộng nhất nhưng chỉ còn hai trụ, hai cánh cửa gỗ kiên cố rộng và cao đã bị gỡ mất. Trong khu nội thành hình đa giác rộng chừng một cây số vuông này từng có đủ các cơ quan, ty sở, dinh thự, doanh trại của bộ máy cầm quyền thuộc Pháp và cả Nam triều nhưng đã đổ nát hoang tàn từ gần mười năm trước. Cùng chịu chung số phận có hai cơ sở giáo dục hàng đầu của Quảng Ngãi: thứ nhất là ngôi trường tiểu học dạy quốc ngữ đầu tiên toàn tỉnh lập năm 1913 trên đường ra hướng Cửa Bức, thứ hai là ngôi trường Đốc, tọa lạc bên phải đường thẳng xuống Cửa Đông được thành lập thời những năm 1830 để sát hạch các sĩ tử Nho học trước khi đi Huế dự thi. Kế bên trường Đốc là một phế tích khác: Hành cung, nơi các quan tỉnh bái mạng Vua vào những dịp lễ tết, hoặc lúc vua ngự du về tỉnh nhà. Năm 1954 chỉ còn lại “lối xưa xe ngựa hồn thu thảo – nền cũ lâu đài bóng tịch dương!”.
Ra khỏi Cửa Đông, bên phải có đường mòn vòng phía Nam thành cổ lên hướng chợ và quốc lộ, bên trái có đường dọc theo hào nước dẫn ra bến Tam Thương. Xóm Cửa Đông xuống ngã tư Ba La có khá nhiều nhà cửa, ở bên trái đường và không mấy xa Cửa Đông của Cẩm Thành có một khu vườn khá rộng gần như bỏ hoang, chỉ còn trơ lại cái nền nhà và mảnh sân trống; rường cột, mái ngói, tường gạch đã bị tháo dỡ đi ngay khi chính sách cải cách ruộng đất của Việt Minh vừa phát động năm 1953 và chủ nhà ấy là ông Trợ giáo Võ Đình Dương đã bị liệt vào thành phần địa chủ. May cho Quảng Ngãi là cuộc đấu tố chỉ xảy ra vài tháng rồi ngưng, không kéo dài nhiều năm như ở miền Bắc sau khi đất nước bị chia đôi. Năm Giáp Ngọ ấy, nhà giáo Võ Đình Dương vừa đến tuổi 54, từng dạy học tại trường tân học đầu tiên và duy nhất cuả tỉnh nhà trong nội thành sát cạnh Cửa Đông từ năm 1921, cũng chính là ngôi trường ông đã theo học khi vừa mở lớp đầu tiên năm 1913. Vị thầy này đã hưởng thọ đến 107 tuổi, chắc chắn là công dân duy nhất thấy tận mắt và đầy đủ những vật đổi sao dời trên thành phố quê hương qua hơn một thế kỷ.
* * *
Niên học 1953-1954, học trò bậc tiểu học trong thành phố và các khu chung quanh phải đến những lớp sơ tán trong những thôn xóm lân cận, tại nhà các cô bác có phòng khách hoặc hàng hiên rộng đủ chỗ cho vài chục đứa trẻ ngồi học. Riêng tôi cũng đã từng đến lớp trong xưởng dệt Phú Mỹ, trong xưởng cưa ông Hai Học ở Cửa Bức, ở nhà ông Đặng Minh Lai, ở nhà ông giáo Lê Trọng Quới, lớp ở Thạch Bích và ở trường Chợ Cũ. Học trò dùng tập vở giấy thô vàng cán bằng bột nứa, viết lá tre mực tím hoặc xanh, bảng gỗ đen sơn bằng lọ nghẹ chà lá rau lang. Đa số đi chân trần hoặc mang dép cao-su, mặc quần đùi áo cánh bằng vải thô thường có miếng vá, mùa mưa lạnh học trò khoác áo tơi lá đủ cỡ và khá kềnh càng nhưng rất ấm áp. Vì còn chiến tranh, nên bên ngoài lớp lúc nào cũng có một trò lanh lợi trực báo động máy bay Pháp oanh tạc. Mỗi lần nghe mõ gõ dồn dập, bọn trẻ chạy nhanh ra hầm trú ẩn. Cứ thế, dần dần việc chen nhau chạy ra hầm núp trở thành trò vui. Học trò vào giờ ra chơi hoặc sau buổi học thường vẫn rủ nhau đánh giặc giả, dùng súng liên thanh chế bằng ống tre chia phe bắn nhau, núp trong các bụi bờ dọc mương nước trước trường Chợ Cũ.
Thực sự, cho đến mấy tháng đầu năm 1954, trên bầu trời thành phố thỉnh thoảng vẫn có máy bay Pháp sà sát ngọn cây cao để xạ kích, nghe nói cũng có người bị thương hoặc chết. Dọc theo các con đường ngoài phố cách quãng lại thấy các hố cá nhân có ngách, mỗi nhà đều có hầm trú ẩn nổi hoặc chìm, ngoài sân mỗi vườn nhà luôn có hố cắm chông tre sẽ được đậy nắp ngụy trang trường hợp phải đi tản cư. Ngoài đường vào ban ngày cũng vắng người qua lại; nhưng ban tối có những điểm mua bán rải rác trong thành phố tụ tập chừng vài chục người, như ở góc Đông - Bắc ngã tư chính, như ở chỗ gần Cửa Tây, lề đường chỗ ngã ba Bungalow…Tất cả những nơi ấy đều ẩn dưới tàn lá sum suê của những cây dầu lai, người ta mua bán lẻ những thức cần dùng hàng ngày và cả những thứ rau củ bầu bí, trả bằng tiền tín phiếu. Việc mua bán chỉ kéo dài vài giờ, dưới ánh đèn dầu phụng hoặc dầu dừa sáng leo lét; không có dầu hỏa và dĩ nhiên cũng không có điện, đêm tối thành phố vẫn luôn luôn âm u từ khi nhà đèn bị phá hủy năm 1947.
Không khí càng thêm âm u và lạnh lẽo vào mùa Đông. Hầu hết người ta mặc quần áo vải thô có ít nhiều miếng vá; len dạ là những thứ đã cũ rách từ lâu, không mấy người có mền, hầu hết chỉ có chiếu đắp. Rồi Tết Giáp Ngọ đến, thành phố và có lẽ cả tỉnh vắng dần tiếng nổ của đạn bom Pháp. Chiến tranh đã dồn ra miền Bắc đến vùng Điện Biên Phủ. Bọn trẻ chúng tôi đa số ra đời sau năm 1945 nên lúc ấy chưa có dịp thấy người Pháp hoặc “thằng Tây” nào, hoặc gọi theo một số người lớn là Tây mũi lõ hay lê-dương rạch mặt. Có người nói Tây cũng râu ria xồm xoàm giống như mấy ông Các-mác, Ăng-ghen… có hình treo trên vách lớp học trường Chợ Cũ. Sau rồi cũng có dịp thấy lính Tây bằng xương bằng thịt nhưng gầy ốm thảm hại. Lúc ấy khoảng cuối Hè 1954, ba tháng sau khi Pháp thua trận Điện Biên Phủ. Một đám tù binh Pháp có cả da trắng và da đen, nghe nói đã bị bắt ở đồn Mang Đen trên Kontum, đang trên đường đưa ra Tourane (Đà Nẵng) để trao trả theo Hiệp định Genève đã ký ngày 21-7-1954. Cả bộ đội áp giải và tù binh dừng lại để ăn trưa ở bên đường phía trước trường hát Trương Quang Luyến cũ. Có nhiều người xúm lại để xem mà không bị làm khó dễ gì. Bên thắng trận và bên bại trận lúc ấy chắc đang có tâm trạng hoàn toàn khác nhau vì bộ đội sắp xa nhà tập kết ra Bắc còn tù binh chuẩn bị hồi hương về trời Tây. Cũng trong khoảng thời gian ấy, dân trong thành phố lượm được nhiều truyền đơn thông báo những việc sẽ được thực hiện dựa theo những điều khoản của hiệp định đình chiến, do máy bay của Ủy hội Quốc tế rải xuống.
Sau mùa Hè, khi học trò vừa bắt đầu năm học mới cũng là dịp tết Trung Thu. Có lẽ để mừng hòa bình, dân thành phố đã đãi tiệc có thịt heo, thịt bò ở sân vận động cho tất cả trẻ em đã từ lâu ăn uống thiếu thốn. Dù không được ăn no bụng, nhưng ngon hơn hẳn bữa tiệc lớ bắp tết Trung Thu năm trước đó, vào buổi chiều tối dưới bóng những cây mít trong sân vườn nhà bà Quản Sáu ở gần khu trường Tàu Khải Đức. Bữa tiệc lớ bắp ấy thật là đáng nhớ, chỉ được ăn sau cả tiếng đồng hồ văn nghệ múa xôn-đố-mì và hát vui Trung Thu thiếu nhi đoàn kết… Lý do là vì nếu ăn lớ bắp trộn đường trước sẽ bị khản cổ hoặc bị sặc không thể ca hát! Liên hoan Trung Thu 1954 còn kéo dài đến buổi tối dưới ánh sáng của những ngọn đuốc và các lồng đèn bánh ú hoặc ngôi sao, lại có cả văn nghệ múa hát trên sân khấu ở hai nơi là sân vận động và khu Liên đoàn gần bến Sông Đào.
Trong những tháng cuối năm 1954, nhiều sự kiện quan trọng của hiệp định Genève được hai bên Việt Minh và chính phủ Quốc Gia lần lượt thực hiện. Nhiều đoàn ngũ và bộ đội Việt Minh di hành theo đường quốc lộ Một ra hướng Bắc, có lẽ đi Đà Nẵng để đáp tàu thủy tập kết ra Bắc. Vào tháng 10-1954, có chính quyền tỉnh và quân đội Quốc Gia vào tiếp thu Quảng Ngãi. Ông Phạm Đình Nghị được máy bay trực thăng đưa từ Đà Nẵng về đáp xuống sân vận động Tỉnh để nhận chức Tỉnh trưởng. Sau lần đầu tiên tận mắt thấy máy bay trực thăng ít lâu, tôi cũng thấy các máy bay vận tải quân đội thả dù tiếp tế gạo và đồ hộp cho binh sĩ Quốc gia ở bãi cát rộng phía Tây - Nam cầu Trà Khúc. Rồi chiếc cầu phà được Công Binh bắc qua sông để xe cộ có thể qua lại nhanh chóng dễ dàng, và quan trọng hơn là khai thông tuyến đường xuyên Việt. Không lâu sau đó, phi trường Quảng Ngãi được tu sửa rất nhanh để đón những máy bay vận tải nhỏ. Riêng đường xe lửa phải mất thời gian cả năm sau mới tái thiết xong để nối lại lưu thông.
Tháng cuối 1954 đã có nhiều xe của quân đội chạy trong thành phố và các địa phương khác trong tỉnh, trước tiên là trên đường quốc lộ. Trong nhiều năm trước đó, không kể trước năm 1945 đã có xe các loại chạy bằng xăng dầu, thời chiến tranh chỉ có xe cộ do người đẩy hoặc kéo thay trâu bò, và cả ghe thuyền chỉ di chuyển chở người hoặc hàng hóa vào ban đêm, khắp thành phố Quảng Ngãi chỉ có chừng chục cái xe đạp cũ của những người một thời khá giả. Rồi có những chiếc xe đò chở khách xuất hiện, đó là xe của ông Tư Sơn và của ông Trình Quế chạy bằng hơi nước đun sôi bằng than vốn đã nằm ụ cả chục năm. Có điều lạ là chẳng bao lâu sau, xe đò chạy bằng hơi nước đã bị xe chạy bằng xăng dầu thay thế. (Nhưng sau năm 1975 xe đò chạy bằng hơi nước lại xuất hiện thêm rất nhiều năm nữa!)
Âm thanh của xe, đa số là xe nhà binh khiến thành phố ngày càng nhộn nhịp. Có một số đơn vị đóng quân rải rác trong thành phố. Số người Bắc di cư đến thuê nhà đất để làm ăn sinh sống tăng dần; họ có nhiều nghề tiểu thủ công gia truyền như tráng bánh phở, ép đậu khuôn, nấu rượu nếp và bán các món ăn như phở, bún riêu cua, thịt cầy…Việc mua bán trong thành phố ngày càng tấp nập, hàng hóa đủ loại sản xuất ở Đà Nẵng và Sài Gòn được bày bán trong khu chợ vừa bắt đầu được sửa sang. Các căn phố được chủ tản cư trở về xây cất để mở tiệm trên các nền đã từ lâu bỏ hoang.
Những người di cư từ Bắc vào dần dần quen thuộc với dân phố. Nhiều người là tín đồ Công giáo, siêng năng đọc kinh vào buổi tối và đi lễ nhà thờ ngày Chủ Nhật. Một số người thờ Mẫu cũng thường tụ tập cúng lễ và lên đồng như ở đền Mẫu gần căn phố của nhà giáo Nguyễn Biên. Giọng Bắc chẳng bao lâu trở nên dễ nghe nhất là qua tiếng hát của những anh lính trẻ thích đờn ca: “Ai qua bến Đà giang cho tôi nhắn vài câu, thương về mái tranh nghèo bên hàng cau…”, “Hà Nội ơi, hướng về thành phố xa xôi, ánh đèn giăng mắc muôn nơi, áo màu tung gió chơi vơi…”, “Làng tôi không xa kinh kỳ sáng chói, có những cánh đồng cát dài, có lũy tre còm tả tơi…”.
Quê nghèo Quảng Ngãi như được hồi sinh sau chiến tranh. Cuối năm Giáp Ngọ, để chuẩn bị đón một cái Tết và mùa Xuân thanh bình đầu tiên, nhiều địa điểm giải trí, hội chợ và tranh giải thể thao được tổ chức ở sân vận động. Một khu giải trí trong bãi đất rộng lớn trước chùa Long Tiên gần xóm Gốc Gáo chuẩn bị cho các cuộc thi leo cột mỡ lấy tiền thưởng, đập nồi đất lấy quà và thi đu đơn hoặc đôi…Cư dân thành phố cũng chuẩn bị mua bán và sắm Tết. Lần đầu tiên tôi được ba mẹ sắm cho một bộ quần áo tươm tất, chỉ giản dị là áo sơ-mi trắng và quần sọt xanh, nhưng sẽ được mặc như đồng phục ngày cắp sách đến trường.
Đêm giao thừa tiễn năm Giáp Ngọ đi và đón năm Ất Mùi đến, đang ngủ say trong chiếc mền ấm cúng mẹ tôi mới mua, tôi chợt vùng dậy hoảng hốt chui vội xuống gầm tấm ván gỗ. Hàng chục loạt đạn nổ chát chúa rền vang khắp xóm và ngay trong sân nhà tôi. Ba mẹ tôi đã xuýt xoa rằng quên nói trước cho tôi biết đó là súng nổ đón giao thừa. Các người lính trong đơn vị đóng quân ở xóm tôi đã bắn súng để mừng Xuân Hòa Bình!!!
Niên học 1954-1955 bắt đầu khi chiến tranh đã hoàn toàn chấm dứt. Hai ngôi trường tiểu học, một ở trong thành cổ và một ở cạnh quán trọ Bungalow, đã bị phá hủy gần mười năm trước, và những ngôi trường mới chỉ vừa bắt đầu khởi công xây dựng nên học trò vẫn tiếp tục đi học ở các lớp tạm như trước. Phụ trách các lớp tiểu học trong năm ấy là thầy hiệu trưởng Phạm Viết Tuệ và các thầy Phạm Viết Phước, Hồ Phi, Lê Trọng Thích, Huỳnh Văn Hòa. Học trò cùng lớp thường chênh lệch năm ba tuổi. Số lượng tăng nhiều so với năm trước. Nhiều người là con em của các gia đình trong thành phố và thôn xóm chung quanh vừa hồi cư trở về gầy dựng lại cuộc sống. Những người bạn năm ấy và còn học chung những năm tiểu học về sau, đã sinh ra và lớn lên đâu đó trong khói lửa chiến tranh, bỗng dưng xuất hiện và cùng tụ tập dưới mái trường.
Từ Tàu Tượng có Hoàng C. Chứng, Lê V. Chương, Nguyễn V. Tráng…Ở Thạch Bích có Nguyễn Giáp, Nguyễn Ất…Dọc quốc lộ từ chỗ bến Sông Đào, ở bên trái đường có Bùi N. Ẩn, Trần Xí, Hồng K. Nên, Nguyễn Mạnh, Trần N. Ấm, Phạm Đông, Trần Mậu, Phạm N. Hoàng, Tạ N. Xuân, Nguyễn Hòe, Trần Hiệu, Lê Hùng, Lê Dũng, Lê Q. Kiệt, Tạ T. Huy, Tạ Hùng, Nguyễn Luận…Xóm Gốc Gáo có Lê Ngọc Tuế, Nguyễn Tấn, Nguyễn Chạy…Bên phải đường đi vào ngã tư chính có Trần Chín, Lê Tài, Trần X. Thu, Trần Cung, Lưu V. Thái, Võ L. Hùng, Nguyễn Nga, Tạ N. Vân, Phạm Sâm, Nguyễn Lợi…Xóm Chợ Cũ có Nguyễn Võ, Nguyễn Cho, Trần Thanh, Đặng Lợi, Nguyễn Trưng, Nguyễn Tài, Nguyễn Cường, Nguyễn Thọ, Nguyễn Đường, Nguyễn Ban, Nguyễn Đệ…Khu phố vòng qua ngã tư chính và chợ Tỉnh có Trần D. Tín, Nguyễn C. Luân, Nguyễn Diên, Trương Q. Tùng, Nguyễn K. Nam, Khưu T. Dõng…Khu phố từ Tháp Nước vòng qua ngã tư chính vào hướng Nam có Nguyễn Giao, Trần Đ. Phong, Nguyễn Tân, Trần N. Thảo, Nguyễn Hội, Nguyễn An, Nguyễn V. Lập, Nguyễn Hiệp, Nguyễn Đ. Thắng, Võ T. Đỉnh…Xóm dọc đường nhà thờ có Phạm N. Hương, Nguyễn Mùi, Nguyễn Phương, Nguyễn T. Uyên, Đỗ N. Nga…Ở Phú Mỹ trong Cống Kiểu có Thái Đức Hồng, Phạm M. Thông, Nguyễn Việt, Nguyễn T. Trọng, Nguyễn T. Vinh…Xóm Mới và Quán Ấm có Nguyễn Đồng, Tạ Tân, Tạ Sương, Đinh X. Thành, Võ T. Đoàn…Xóm bến Tam Thương và cửa Đông có Nguyễn R. Bông, Nguyễn Bút, Nguyễn Cự, Nguyễn Đạt, Võ Lang, Lê Văn Đồng, Nguyễn Tấn, Nguyễn Tuất…
Tôi không thể nhớ hết tên của những “trò” cùng học sáu mươi năm trước, lại không nhớ được tên họ một “trò gái” nào vì từ năm 1956 đã có trường Nam và trường Nữ Tiểu học riêng…Lứa tuổi ấy nay đã xấp xỉ bảy mươi và không ít đã trở thành “người trăm năm cũ!”. Khi viết những dòng hoài niệm này tôi có thể hình dung khuôn mặt của mỗi người rạng rỡ trong lứa tuổi lên năm lên mười, dù có điểm những vết mực tím, lem luốc cả chiếc áo trắng và quần xanh ngắn đồng phục. Chúng tôi đã cùng hưởng tuổi thơ đẹp đẽ và bình yên dưới mái trường thân yêu nay vẫn còn đó dù đã đổi tên.
Nhắc lại chuyện xưa, chắc các bạn không quên một hình vẽ ngoài bìa trước của các tập vở không rời tay mỗi ngày hai buổi đến trường: một người học trò nhỏ ngồi làm bài vào ban đêm dưới ánh đèn bàn học. Bên dưới hình vẽ ấy có dòng chữ:
“Ngày Nay Học Tập – Ngày Mai Giúp Đời”.
PHẠM ĐÔNG VĂN
* * *
Xem bài cùng tác giả,click vào đây
Xem trang “QN. Đất nước, con người, click tại đây
Trở về trang chính: http://www.nuiansongtra.com