Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 07, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Tạp văn, tùy bút
TẢN MẠN VỀ MỘT SỐ CA KHÚC VỀ "NỖI BUỒN HOA PHƯỢNG".
CHU THIÊN TỬ
NỖI BUỒN HOA PHƯỢNG, Thanh Sơn, Giao Linh ca


“Nỗi buồn hoa phượng” là tên một nhạc phẩm nổi tiếng của nhạc sĩ Thanh Sơn. “Nỗi buồn hoa phượng” dần dần có ý nghĩa biểu trưng cho nỗi buồn chia ly của tuổi học trò khi mùa hè đến: xa trường, xa thầy, xa bạn, xa người yêu; giống như khi ta dùng: "anh chàng đó Sở Khanh lắm đấy" hoặc "cô nàng kia có máu Hoạn Thư". Sở Khanh và Hoạn Thư ở đây có ý nghĩa biểu trưng cho tính chất của hai hạng người mà không còn thuần tuý là tên hai nhân vật trong truyện Kiều của cụ Nguyễn Du nữa.

Thực tình mà nói thì tôi chẳng hiểu biết gì về âm nhạc cả ngoài vài nét cơ bản học được ở thời Trung học Đệ I cấp (cấp II ngày nay) ở trường Trần Quốc Tuấn Quảng Ngãi như khuông âm gồm 5 dòng, 4 khe, các dấu thăng giảm hay các nốt: Do, Re, Mi, Fa, Sol, La, Si. Tuy vậy tôi lại rất thích nghe nhạc và "tập tò" ca không đúng tông, nhịp một vài nhạc phẩm mà mình ưa thích. Vì vậy trong bài này tôi xin "tán dóc" về ý tưởng và lời ca của một vài nhạc phẩm về “Nỗi buồn hoa phượng” mà không dám lạm bàn về phần âm nhạc, lĩnh vực mà tôi không biết.

Vì sao những nhạc phẩm về “Nỗi buồn hoa phượng” trước đây lại say đắm lòng người đến vậy?

Trước hết ta hãy xem thời đại ra đời của chúng:

Những nhạc phẩm về “Nỗi buồn hoa phượng” đã ra đời trong khoảng thập niên 60 đến thập niên 70 của thế kỉ trước (thế kỉ XX). Trong khoảng thời gian này việc học chưa được phổ biến rộng rãi như ngày nay. Trong 9 năm chiến tranh chống Pháp, việc học hành của đa số thiếu nhi, thanh thiếu niên rất khó khăn. Sau hiệp định Genève (1954) đất nước tạm thanh bình, chính quyền mở mang trường lớp và trẻ em có cơ hội học hành. Tuy vậy đa số đã lớn tuổi nên chỉ học "lấy lệ", thường thì đến lớp nhất (lớp 5) là nghỉ học vì tuổi thực của họ có thể đã từ 14 trở lên; thêm nữa ở các xã, huyện chưa có trường cấp II, III. Muốn học lên cao phải cơm áo, gạo tiền lên tỉnh trọ học điều nầy đã gây không ít trở ngại, vì vậy số lượng học sinh học lên cấp II, III rất hạn chế.

Khi Hè về học sinh thường ra đồng phụ giúp công việc đồng áng hay đá bóng, thả diều thoả thích. Nhà thơ Xuân Tâm trong bài thơ NGHỈ HÈ của ông có những câu:
 

"Sung sướng quá giờ cuối cùng đã hết.
Đoàn trai non hớn hở rủ nhau về
Chín mươi ngày nhảy nhót ở miền quê
Ôi tất cả mùa Xuân trong mùa Hạ”.

Mùa Thu về cũng là mùa Tựu trường, học sinh nô nức đến trường, hồn nhiên, vui vẻ như một bầy chim xa đàn, lâu ngày họp lại. Nhà thơ nào đó đã tả cảnh nầy như sau:

HỌP ĐÀN

Ba tháng Hè oi đã hết rồi
Nay tôi lại được thấy trường tôi
Thấy bao bạn học cùng đua bước
Hớn hở trên đường lộ nét vui
Áo mới đi trong ánh nắng vàng
Tiếng cười trong quá, guốc khua vang
Trông đàn em bé xinh tươi ấy
Vui tựa đàn chim mới họp đàn.
(Không nhớ tác giả)

Sau khi vào lớp, ổn định chỗ ngồi, tay họ run run hoặc cứng nhắc viết bài học đầu tiên.

Một mùa Hè chia xa để lại bao nỗi nhớ nhung trong lòng mọi người. Nếu là năm cuối cấp thì sự chia ly của kì nghỉ Hè là mãi mãi. Thời bấy giờ các phương tiện thông tin liên lạc rất khó khăn, địa bàn quá rộng nên việc gặp lại nhau hay liên lạc cùng nhau sau khi rời trường dường nhu không thực hiện được.

Thời nay thì hoàn toàn khác. Học sinh cùng trường lớp chỉ cư ngụ trên một địa bàn nhỏ hẹp. Nghỉ Hè lại phải học Hè, học bồi dưỡng, học nâng cao... nên họ không phải xa trường, xa thầy, xa bạn, xa người yêu đầu đời... Khi ra trường họ có nhiều phương tiện để liên lạc cùng nhau như điện thoại, Facebook, Email... nên họ chẳng có cảm giác gì sâu sắc về “Nỗi buồn hoa phượng”.

Nguyên do nữa là tuổi đời của học sinh thời bấy giờ tương đối lớn: học cấp II đã mười bốn, mười lăm và cấp III đã mười bảy, mười tám trở lên nên tình cảm lứa đôi nảy sinh mạnh mẽ mà tình yêu đầu đời thì lúc nào chẳng khắc ghi đậm nét trong lòng đôi bên:

"Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy
Ngàn năm hồ dễ mấy ai quên... "

Những mối tình đầu đời thắm thiết ấy lại bị “Nỗi buồn hoa phượng” làm cho phân ly nên họ càng xót xa, thương tiếc, mộng tưởng, sầu bi... Trong hoàn cảnh ấy, những nhạc phẩm về “Nỗi buồn hoa phượng” ra đời. Đa số những nhạc phẩm nầy đều diễn tả tình yêu hoặc đậm nét hoặc thoảng qua của tuổi học trò nhưng rồi phải ly tan mà tác nhân là “Nỗi buồn hoa phượng”. Có thể nói những nhạc phẩm nầy đã giúp họ thở than, bày tỏ nỗi lòng hay theo cách nói bình dân là đã " gãi đúng chỗ ngứa " của họ nên được họ đón nhận một cách say mê đắm đuối.

Ngoài ra một nguyên do nữa cũng không kém phần quan trọng đó là tài năng và cảm xúc của tác giả. Với tài năng về nhạc lý, ca từ và cảm xúc sâu sắc, chân thành, các nhạc sĩ đã nói lên bằng lời ca bóng bẫy, bằng âm điệu du dương làm rung cảm con tim mọi tầng lớp đặc biệt là giới học sinh, sinh viên thời bấy giờ.

Trong số những tác giả sáng tác thể loại nầy, nhạc sĩ Thanh Sơn là cánh chim đầu đàn và có địa vị "hoành tráng" nhất. Thanh Sơn tên thật là Lê Văn Thiện, sinh năm 1938 tại Sóc Trăng nhưng sinh sống và qua đời ở Thành phố xxx (tháng 4-2012). Theo thổ lộ của chính ông thì nhạc sĩ có một mối tình thơ mộng ở tuổi học trò nhưng dòng đời ngang trái đã ngăn chia hai người. Buổi chia ly mùa Hè có hoa phượng đỏ ngày nào ấy , có lẽ là nguồn cảm xúc dạt dào cho nhạc sĩ để ông cho ra đời bao nhạc phẩm lừng danh.
 

Ta sẽ lần lượt lướt qua đôi tác phẩm tiêu biểu của ông về thể loại nầy.

1. Tình học sinh: đây là nhạc phẩm đầu tay của tác giả.

"Tình học sinh ghi bằng nét đan thanh xinh đẹp như bức tranh". Nghe qua thì êm đềm du dương nhưng ngẫm nghĩ thì không hợp lắm. "Tình" sao lại vẽ nên tranh bằng màu đỏ, xanh (đan, thanh) được? Cụ Nguyễn Công Trứ trước đây đã thừa nhận không dùng hội hoạ để diển tả tình cảm được:

"Tương tư chẳng biết cái gì làm sao.
Muốn vẽ mà chơi vẽ được nào!

Ở phần cuối có đoạn: "tôi vì suối đời đành lìa xa mái trường...". "Dòng" đời chứ sao lại "suối" đời? "Suối" cụ thể và nhỏ hẹp quá! Nhìn chung thì nhạc phẩm nầy diễn tả tình cảm học trò và cảm nghĩ của tác giả mà không phảng phất tình yêu lứa đôi.

2. Ba tháng tạ từ: Ở nhạc phẩm nầy và các bài về sau đã xuất hiện tình cảm lứa đôi tuổi học trò:

"Người ơi! Thấm thoát niên học hết rồi"

"Đời không bao giờ hợp nhau mãi mãi, thương yêu rồi nỡ đành biệt nhau để nhung nhớ muôn vạn ngày sau..."

Câu cuối thật lâm ly: "Ngoài kia hoa phượng rụng rơi tơi tả dư âm làm sống lại đờt ta dù ngăn cách nhớ hoài ngày qua".

Nhạc hay thơ? Vần điệu chuẩn xác, dồn dập, âm điệu du dương. Thật tuyệt vời!

3. Lưu bút ngày xanh:

"Lòng xao xuyến mỗi khi hoa phượng rơi... Trường còn kia ôi mái đổ tường rêu nơi kỷ niệm êm ái".

Sao lại "mái đổ", "tường rêu"? Trường không hoạt động nữa sao? Hay tác giả đã bi thảm hoá hình ảnh ngôi trường cho hợp với tâm trạng của mình?

"Tình đẹp như trang giấy kết vần thơ như một nụ hoa trắng".

Vâng mối tình học trò thơ ngây trắng trong tươi đẹp như nụ hoa màu trắng. Và hiện tại thì: "Người em gái mến thương nơi chốn nào bao giờ mình gặp nhau?".

Hoàng hôn xuống, nhặt hoa rơi hồi tưởng về người yêu cũ, xót xa mà không nói nên lời. Nhớ nhau chỉ đọc lại những trang nhật kí kín đầy chữ mà thôi.

Ở "Lưu bút ngày xanh" ta thấy buồn buồn, thương thương, có ngoại cảnh điểm tô thêm (Hoàng hôn xuống, hoa rụng rơi) để nỗi buồn sâu lắng hơn.

4. Tuyệt tác “Nỗi buồn hoa phượng”

"Mỗi năm đến Hè lòng man mác buồn. Chín mươi ngày qua chứa chan tình thương".

Vâng Hè đến sắp chia tay lòng buồn man mác, xa nhau chín mươi ngày mà nhớ nhung tràn ngập cõi lòng (chứa chan). "Tiếng ve thì không "nức nở" mà râm ran hoặc du dương. Có lẽ tác giả đã "bi thảm hoá" tiếng ve cho hợp với tâm trạng mình.

..."Những chiều hẹn nhau lúc đầu, giờ như nước trôi qua cầu".

Nước trôi qua cầu thì không bao giờ trở lại, hai người chia tay thì xác suất gặp lại nhau vẫn còn, sao bi quan lắm vậy!

Và cuối cùng là: "Màu hoa phượng thắm như máu con tim... Người xưa biết đâu mà tìm".

"Người xưa biết đâu mà tìm" thì bình thường nhưng "màu hoa phượng thắm như máu con tim" sao nghe đau đớn quá, sắc nhọn quá! Có lẽ sự xót xa da diết của ca từ trong nhạc phẩm nầy đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người nghe và khiến nó được tồn tại dài lâu.

Bên cạnh nhạc sĩ Thanh Sơn, nhạc sĩ Hoài An có bài “Kỷ Niệm Nào Buồn” bình dị hơn, buồn thương nhớ tiếc chừng mực hơn nhưng vẫn ghi được dấu ấn sâu đậm trong lòng người nghe. Tác giả tuần tự kể lại từ lúc đôi bạn thơ ngây, đi học cùng đường, cùng trường, cùng lớp, nhặt hoa đuổi bướm, lớn lên thầm yêu, trộm nhớ về nhau rồi xa trường, chia tay nhau. Tình yêu học trò chôn kín trong lòng rồi "gửi vào mây gió trôi".

"Ngày đôi ta quen nhau tuổi còn thơ, đi học chung cùng giờ"… "Rồi khi yêu thương đi vào tuổi xanh, đất trời vui chuyện mình"…

Cũng có hoa phượng và tiếng ve: "...Mỗi mùa hoa phượng đầu, tiếng ve kêu gợi sầu, phút chia tay rầu rầu, tiếc thương riêng mình biết hoặc tìm trong mắt nhau..."

Và câu kết cũng là một sự bất như ý và ghi khắc mãi trong lòng: "Giấu trong tim chuyện cũ gởi vào mây gió trôi".

Trong thể loại nhạc nầy, nhạc sĩ kiêm ca sĩ Duy Khánh có bài “Trường Cũ Tình Xưa” cũng “vang bóng một thời". Trong bài nầy không phải chia ly vào mùa Hè có hoa phượng nở, có tiếng ve ngân mà tác giả về lại trường vào mùa Hè sau những năm tháng xa trường: chung quanh vắng vẻ đìu hiu, chỉ nghe tiếng ve buồn: "Ve ơi hát điệu gì điệu nhạc lâm ly...". Đến lần sau thấy xa lạ, trường còn đó, thầy còn đây nhưng bạn bè đã mỗi người một ngả. Nhạc phẩm nầy còn mang hơi hướng của thời đại, đó là thời kỳ đất nước chiến tranh, bao chàng trai lên đường có người đã mãi mãi đi vào lòng đất.

"Hôm nay tôi trở về thăm trường cũ, nhiều nét thay đổi thay tường mái rêu mờ”..."Ve ơi hát gì điệu nhạc lâm ly, khóc người biền biệt sơn khê cố nhân đi bao giờ mới về..."

Và đoạn sau:

"Bao nhiêu kỉ niệm hoa bướm ngày xưa, vang trong nỗi niềm nhung nhớ có ai đi thương về trường xưa".

Gần đây hơn nhac sĩ Phạm Đăng Khương có bài “Con Đường Đến Trường”. Nội dung là trở lại trường xưa, chân giẫm lên xác phượng tả tơi nhưng hoa phượng ở đây không "thắm như máu con tim" mà có màu vàng.

"Một chiều đi trên con đường nầy, hoa điệp vàng rải dưới chân tôi..".

Rồi kí ức hiện về: nhớ thầy xưa, bạn cũ, ghế đá, hàng cây và đặc biệt nhớ ngày chia tay không bi thương sầu thảm mà có nụ cười khi vẫy tay chào nhau:

"Nhớ mãi ngày chia tay, nụ cười làm xao xuyến lòng ai..."

Và cuối cùng là nhạc sĩ Trần Ngọc với bài “Tình Em Xứ Quảng”. Tác giả về thăm lại đất Quảng Nam, nơi có người em đã xa nhau vào mùa Hè cuối cùng, chỉ vài câu về “Nỗi buồn hoa phượng” mà tác giả đã lột tả được nỗi bâng khuâng, xao xuyến khi xa người yêu ở tuổi học trò vào mùa hoa phượng cuối cùng:

"Anh về nơi xứ Quảng thăm người em phố Hội, sông Thu Bồn con nước lững lờ trôi"..."Bao kỷ niệm ngày mình bên nhau, ước mơ chung đôi nhịp cầu. Nào ngờ đâu tuổi thơ ép vào trang giấy. Cuộc đời mộng mơ, nhớ thương mùa phượng nở, ngăn chia đôi bờ anh đứng chờ ngẩn ngơ!"

Vần điệu như thơ khiến ta nhớ câu ca dao:

"Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ,
Nhớ ai, ai nhớ bây giờ nhớ ai!"

Lời Kết.

Hè về, hoa phượng nở, tiếng ve ngân, xa trường, xa thầy, xa bạn, xa người yêu; xa tạm thời (ba tháng Hè) hay xa mãi mãi (ra trường). Hoặc trở lại trường xưa; hoa phượng rụng rơi tơi tả, tiếng ve ngân buồn, cảnh cũ còn đây, người xưa đã ra đi biền biệt; chừng ấy sự kiện các nhạc sĩ đã cho ra đời bao nhạc phẩm lừng danh. Những ca khúc nầy đã gieo vào lòng người đương thời niềm thích thú say mê cao độ và chắc rằng chúng vẫn còn âm hưởng dài lâu. Thực vậy, tuy ra đời đã ngoài 50 năm nhưng ngày nay mỗi khi nghe lại các ca khúc: “Lưu Bút Ngày Xanh”, “Ba Tháng Tạ Từ”, “Nỗi Buồn Hoa Phượng”, “Kỷ Niệm Nào Buồn” hay “Trường Cũ Tình Xưa”... lòng ta vẫn thấy xao động ngẩn ngơ, thương thương, nhớ nhớ về một thời êm đềm mộng mơ của tuổi học trò mà ta đã từng trải qua trong kiếp con người!

Và cuối cùng có mấy vần thơ không đề như sau:

Hoa phượng nở rồi hoa phượng rơi.
Vô tư đem sắc hương dâng đời.
Hoa tươi hoa đẹp hoa hồng thắm.
Có hiểu gì đâu chuyện đổi dời.

Ve sầu Hè đến ve sầu ca
Râm ran trong ánh nắng chan hoà
Vô tư ve hát quên ngày tháng
Vướng bận gì đâu chuyện cách xa.

Xa cách sum vầy chuyện thoáng qua
Khắc ghi chuyện cũ mãi chi mà
Để thương để nhớ vương sầu thảm
Ngày thấy dài hơn, tuổi chóng già.

Tân Phú, Đồng Nai 31/10/2013
Chu Thiên Tử

* * *

Xem bài cùng tác giả, click vào đây
Xem trang Tạp văn, tùy bút, click tại đây
Trở về trang chính: www.nuiansongtra.com  


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh