Đối với những ai đã từng đi học thì quãng đời của tuổi niên thiếu là hầu hết dành cho học đường. Bởi vậy tuổi niên thiếu đầy ắp những kỷ niệm của học đường. Trong cái thị xã Quảng Ngãi nhỏ nhoi thế mà lại lắm trường học. Đời một người học sinh trước khi lên đại học cũng trải qua nhiều trường học. Một thằng học trò con nhà mô phạm như tôi, cha là hiệu trưởng một trường trung học, mẹ là hiệu trưởng trường tiểu học thì bổn phận phải đến trường là cái lẽ tất nhiên nếu không thì búa rìu dư luận băm chém. Khi nền giáo dục ở tỉnh nhà chưa được hoàn hảo, trường lớp còn thiếu thốn, phương tiện di chuyển còn giới hạn thì học trò trong thị xã cứ đến trường nào gần nhà nhất hoặc thuận tiện nhất hoặc thi đậu vào các trường công lập thì được học miễn phí.
Tuổi thơ của tôi thật hồn nhiên, lớn lên trong cảnh thanh bình của ruộng vườn. Lúc lên năm, bắt đầu vào mẫu giáo. Lúc ấy mẹ tôi làm hiệu trưởng trường Nữ Tiểu Học, là một trường tiểu học công lập, tôi theo mẹ tôi đi học, thay vì đến trường Nam Tiểu Học, thì lại đến trường Nữ Tiểu Học để thuận tiện việc đưa đón. Có lẽ trong lịch sử của trường Nữ Tiểu Học, tôi là thằng con trai duy nhất trong danh sách của trường. Thế là tôi ấm êm trong lớp với gần hai mươi nàng nhóc tì. Không những diễm phúc được quây quần với đám con gái cùng tuổi mà còn được các chị lớn tới giờ chơi, đến bẹo má, xoa lưng, cưng chiều, cho kẹo, bởi vì...tôi là con trai cô hiệu trưởng. Thật là một diễm phúc có một không hai trên đời, và bộ đồ áo trắng quần xanh nổi bật trong đám học trò con gái đồng phục trắng. Nhìn vào sân trường chắc cũng nhiều người tự hỏi tại sao có thằng con trai học trường Nữ nhỉ? Lại thêm cô phụ giáo là người chị nuôi. Chị là người lớn nhất trong mấy anh chị em, khi đất nước chia đôi năm 1954, di tản vào miền nam, cha mẹ lạc mất, mẹ tôi nhận chị làm con nuôi. Thế là tôi được các nàng nhóc tì chung quanh “nâng khăn sửa túi” theo lịnh của bà chị. Áo tôi mà không ngay là có nàng đến nhét vào thùng, kéo cho ngay ngắn. Rồi có hôm đi tiểu xong, quên béng gài nút quần, cứ thế mà ngang nhiên vác kiếm vào lớp. Bà chị tôi tinh nghịch, ra lịnh cho một nàng nhóc tì đến gài nút quần cho tôi. Ôi cái tuổi thơ hồn nhiên dễ thương chi lạ. Cuộc đời mẫu giáo của tôi trôi qua thật êm đềm với các kiều nữ nhí mà sau nầy các nàng đã trở thành bà nội bà ngoại, gặp nhau vẫn còn kể những kỷ niệm ngày xưa, những bài học vỡ lòng, chuyện chú khỉ tinh nghịch bắt chước chủ, cạo râu đứt luôn cả mũi. Những ngày đi học mưa bão, hai cây xoài cổ thụ sau sân trường rụng trái, cả đám thi nhau lượm, chia nhau ăn ngon lành...
Xong lớp mẫu giáo, tôi vào trường Nam Tiểu Học, ngôi trường mà có lẽ thằng con trai nào trong thị xã cũng biết. Ngôi trường hiền hòa, khiêm tốn với hai dãy lớp song song và một dãy ngang với một hội trường rộng và văn phòng cho các thầy cô. Hội trường tuy khiêm tốn nhưng cũng là nơi của bao sinh họat văn nghệ, hội họp cho thị xã, những lần trình diễn văn nghệ là chật cứng. Lần đầu tôi được xem văn nghệ, chẳng nhớ là dịp gì, nghe các anh hát bản "Ngựa Phi Đường Xa" trong tiếng nhạc đệm bằng accordion, lẫn trong tiếng hí của ngựa, thật hào hùng, tôi cứ ngỡ có đoàn ngựa sau sân khấu đang phi rầm rập và hí vang lừng. Rồi các màn vũ dân tộc với các chị trong trang phục của người miền núi, để lại trong tôi một ấn tượng đậm nét. Rồi lại có những lần chiếu phim buổi tối ở ngoài sân trường, người ngồi xem đầy sân. Với tôi thích nhất là xem các nhân viên gắn phim và quay. Trí tò mò của tôi cũng chẳng hiểu làm sao mà từ cuộn phim lại cho ra hình ảnh linh hoạt. Trong tâm trí ngây thơ, tôi vẫn chưa nhận thức được cuộc chiến dù xem các cuốn phim như "Anh Phải Sống", "Chờ Sáng", "Câu Chuyện Năm Dần"...
Đến mùa Trung Thu, chúng tôi tụ tập trong sân trường, rước đèn ra phố, những giờ phút háo hức được rảo trên đường phố với lồng đèn trên tay, ánh nến lung linh dưới ánh trăng rằm. Những chiếc đèn trung thu mang đầy kỷ niệm của tuổi thơ hồn nhiên, lung linh với những tưởng tượng thần tiên với bóng cây đa, chú Cuội, chị Hằng.
Năm năm ở trường Nam Tiểu Học đã để lại biết bao kỷ niệm thời thơ ấu. Mỗi năm qua, đánh dấu bằng một mùa Phượng nở. Dọc theo hàng rào, có một hàng cây Phượng không biết được trồng từ thuở nào, có lẽ do các thế hệ đàn anh trồng. Những cây Phượng cũng lớn dần theo năm tháng với chúng tôi. Đến mùa Hè, trường đóng cửa, nhưng lũ chúng tôi vẫn thường xuyên ra vào sân trường, cái cổng trường nhỏ bé ấy chẳng ngăn được lũ trẻ. Không có học sinh, sân trường bỗng rộng rãi hẳn ra, chúng tôi mặc sức leo trèo, chạy nhảy vui chơi, bắn bi, đánh trổng...
Trong sân trường cũng có các cây Phượng và các cây Bàng rợp bóng. Chúng tôi thường nhặt quả Bàng khô, đập vỡ lớp vỏ cứng, bên trong nhân hạt Bàng trắng như cơm Dừa, ăn bùi bùi. Mỗi mùa Thu đến, lá Bàng rụng đỏ sân trường. Sân trường là kho tàng chất chứa kỷ niệm của tuổi thơ. Bạn bè thân thương trong thị xã, lớn lên cùng nhau, hồn nhiên vô tư. Những buổi chào cờ nghiêm trang, những trò chơi đuổi bắt, những bài hát của lớp mãi đến giờ vẫn còn nhớ. Những cây kem, cây kẹo kéo... được chuyền qua kẽ hở của hàng rào trong giờ ra chơi. Và oai nhất là khi lên lớp năm, được làm trật tự, cầm cờ trật tự, có nhiệm vụ khép cửa cổng trường sau khi trống tựu trường và trống tan trường, bắt các học sinh lớp dưới lượm rác, nhờ vậy mà sân trường sạch sẽ. Khi trống vào lớp thì rảo quanh sân, cho các lớp nhỏ sắp hàng thẳng thớm, đợi cô, thầy đến cho vào lớp. Đội trật tự là toán vào lớp sau cùng. Học đường trui rèn chúng tôi từ thủa nhỏ bắt đầu có trách nhiệm và bổn phận bảo vệ giữ gìn những gì chúng ta thừa hưởng được và phát triển tính lãnh đạo.
Khi chiến tranh lan tràn, học trò phải mang cuốc xẻng đào hầm chống pháo kích, may mà trong thời gian tôi còn đi học, chưa phải chui hầm lần nào. Nhưng khi tôi lên trung học, cuộc chiến trở nên tàn khốc, thị xã bị pháo kích thường xuyên. Ngôi trường có lần trở thành nạn nhân của thời chiến, một trái hỏa tiễn rót vào lớp trong giờ học, xác trẻ thơ tan tành, bàn ghế gãy vụn, thịt xương tung tóe trên tường, trên bảng đen, dòng chữ phấn trắng nhạt nhòa máu trẻ thơ...Những kỷ niệm buồn lại càng làm tôi yêu ngôi trường hơn, dù có đau thương đến đâu, cũng vẫn là kho tàng vô giá của tôi.
Ngoài các ngôi trường chính trong thị xã, còn có các trường làng như trường ông Đạm, trường ông Thống ... Những ngôi trường nầy chỉ là một gian phòng đơn sơ với dãy bàn ghế cũ kỹ, dạy bởi các vị giáo làng. Vào mùa Hè, ba mẹ tôi cho đi học các trường làng nầy, mục đích để bớt lêu lổng, bớt làm phiền hàng xóm. Ngoài ra còn có các lớp luyện thi Đệ Thất như trường anh Châu, trường ông Kia, trường ông Mậu...cũng chỉ là một hai phòng học, dạy tại gia. Thời gian học lớp năm, tôi cũng phải dùi mài kinh sử ở trường anh Châu, chuẩn bị cho cuộc thi tuyển vào đệ thất trường Trần Quốc Tuấn.
Hết lớp 5, tôi thi đậu vào lớp đệ thất, sau nầy được gọi lớp 6, trường trung học công lập Trần Quốc Tuấn. Cũng phải có công đèn sách, học luyện thi, mới vào nổi trường Trần Quốc Tuấn vì học sinh cả tỉnh ai cũng muốn vào trường công lập, học miễn phí, thi rớt thì học trường tư thục, phải đóng học phí.
Từ giã ngôi trường tiểu học thân yêu và một số bạn bè thân thương, tôi háo hức vào ngôi trường mới, với những môn học mới, bài vở mới mà suốt quãng đời tiểu học tôi chỉ nghe các anh chị kể lại. Những thí nghiệm hóa học như trò ảo thuật, những khảo sát thực vật thấy được các vật li ti dưới kính hiển vi, lớp Anh văn với ngôn ngữ xí xa xí xô đọc muốn trẹo lưỡi, lớp nhạc với những bài hát vui tươi, lớp vẽ khơi lên trong trí tưởng tượng những chân trời mới...
Trong cuộc đời đi học, ngôi trường Trần Quốc Tuấn là nơi tôi trải qua thời niên thiếu cũng như bao bạn bè học với nhau từ lớp 6 cho đến ngày ra trường. Bảy năm trên ghế nhà trường chuyển đổi tôi từ một cậu bé con ngây thơ thành một thanh niên với một kiến thức và kinh nghiệm sống vững chãi để chuẩn bị vào đời. Ngôi trường đã trang bị cho tôi một hành trang quí báu để chuẩn bị cho một cuộc hành trình mới, xa quê nhà, bước chân vào đại học. Vì nhà tôi đối điện với ngôi trường, ngôi nhà trở thành nơi tụ tập của bạn bè trước khi tựu trường và sau khi tan trường. Lên trung học, tôi có dịp sinh hoạt chung với các anh lớn, chiều chiều qua sân trường xem các anh tập thể dục cho các môn thi, nào là nhảy cao, nhảy dài, leo dây, chạy bộ...lớp võ thuật Taekwondo do các sĩ quan Đại Hàn dạy. Tôi còn bé quá, không được tham gia lớp võ, nhưng cùng mấy đứa bạn đứng bên ngoài cũng tập tành múa máy theo. Và như thế mà tôi lớn lên cùng năm tháng. Từ các lớp nhỏ còn chạy nhảy lung tung cho đến khi lên đệ nhị cấp trở nên chững chạc hơn, lại càng cố gắng làm ra vẻ chững chạc để thành người lớn, coi mấy lớp dưới là con nít. Trong thời gian nầy, cuộc chiến leo thang, tuổi trẻ chúng tôi bắt đầu bị ảnh hưởng. Những bạn lớn tuổi phải nhập ngũ. Có bạn đã hy sinh trên các chiến trường khốc liệt. Ngôi trường cũng chia sẻ nỗi đau của đất nước. Phòng thí nghiệm bị đặt bom giật sập, có hôm đạn pháo rơi vào sân trường, lớp học, may trong những lúc đó học sinh chưa tựu trường. Có hôm đang học, đạn pháo rơi nổ tung trên đám ruộng sau trường, thầy trò chui xuống gầm bàn, sau cơn pháo, ngoi dậy học tiếp như chẳng có chuyện gì. Có đêm trận chiến xảy ra trong khuôn viên trường, ngày hôm sau lớp học lỗ chỗ vết đạn, bàn ghế ngã gãy, tường rào đổ vỡ.
Ngoài ra, mùa Hè tôi đi học Hè ở trường Hùng Vương do các thầy ở trường Hùng Vương dạy. Có năm lại học trường ông Mậu do các thầy ở Trần Quốc Tuấn dạy. Đến năm lớp 12 lại học thêm luyện thi Tú Tài ở trường Kim Thông.
Ngoài thời gian học Trung học, tôi còn học Anh văn ở trường ông Đê. Ngôi trường nầy được thành lập bởi một người Mỹ trẻ tên Dave, qua Việt Nam làm thiện nguyện trong tổ chức International Voluntary Services, gọi tắt là IVS, rồi người dân trong thị xã gọi là trường ông Đê. Trường ông Dave nằm đối diện với trường Trần Quốc Tuấn và cũng sát nhà tôi. Cuộc đời tôi có duyên với trường học nên nhà gần trường, đi học rất thuận tiện. Tôi học trường ông Dave trong suốt thời gian trung học. Đến những năm Đệ Nhị cấp thì bắt đầu dạy các lớp Sơ cấp trong khi học các lớp Cao cấp do các thầy người Mỹ dạy. Trường ông Dave trải qua nhiều đổi thay vì các thiện nguyện viên chỉ phục vụ một vài năm rồi về Mỹ và người khác đến thay thế. Khi tôi lên Đệ Nhị cấp thì trường chuyển lại cho người Việt quản trị. Thầy Đặng Quỳ làm hiệu trưởng. Hết hợp đồng thuê mướn, trường phải di chuyển đến địa điểm mới trong vườn nhà thầy Mậu một thời gian rồi lại di chuyển đến chỗ mới gần nhà ông Chừ. Trong thời gian Đệ Nhị cấp, không còn người Mỹ đến dạy, không còn các lớp cao cấp, tôi chỉ đi dạy đến khi rời thị xã, vào học đại học ở Sài Gòn.
Tuổi trẻ của tôi được trui luyện trong chiến tranh, tàn phá chết chóc trở thành chuyện bình thường trong cuộc sống, và ngôi trường trở thành nơi nương tựa, nơi đó tôi tìm được niềm vui với bạn bè, với những sinh hoạt sau giờ học, những chiều chơi bóng chuyền, bóng rổ... Nơi đó sự hồn nhiên vẫn tồn tại mặc dù chung quanh bao nhiêu nghịch cảnh đang xảy ra. Nơi đó tình bạn, tình thầy trò nở hoa. Nơi đó trái tim mới lớn bắt đầu biết rung động khi thấy các tà áo dài thướt tha của các nữ sinh lướt qua trước cửa lớp. Màu áo thư sinh, áo tiểu thư nhuộm trắng sân trường cho đời tươi vui giữa cuộc chiến lao đao của cả đất nước. Và mỗi năm Hè đến, hoa Phượng vẫn nở thắm sân trường, hàng Long Não nở hoa thơm nức, hàng thông vẫn vi vu trong gió, tuổi học trò lấy ngôi trường làm nhà cho tâm tư có chỗ trú ngụ và khôn lớn.
Đến năm cuối cùng của bậc trung học, trường Trần Quốc Tuấn trở thành một trường lớn nhất miền Trung, không phải vì cơ sở vật chất, mà vì có nhiều lớp nhất, hơn cả số lớp học của trường Quốc Học là trường lớn nhất miền Trung. Một cái thị xã chút xíu ấy mà ngôi trường có 12 lớp 12. Sau nầy tôi đi nhiều nơi và hỏi thăm học bạn bè ở các tỉnh khác, chẳng có trường nào có 12 lớp 12 cả.
Đến cuối năm 1974, sau kỳ thi Tú Tài cuối cùng của thời Cọng Hòa, tôi rời trường, vào Sài Gòn học đại học. Kỳ thi Tú Tài năm 1974 đánh dấu một năm chuyển đổi lớn lao trong nền giáo dục, kỳ thi được chấm điểm bằng máy điện toán IBM và tất cả bài thi đều theo mẫu trắc nghiệm. Từ đấy mà khóa Tú Tài cuối cùng ấy được gọi là Tú Tài IBM và khóa tốt nghiệp năm 1974 chúng tôi gọi nhau là khóa IBM. Đến năm 75, đất nước chìm trong cơn hồng thủy từ phương Bắc tràn vào. Tôi xa trường, xa quê nhà từ đó, bươn chải trong cuộc sống tả tơi trong thời bao cấp, gia đình tan tác, ai cũng lo chạy cơm chạy áo, tuổi học trò trôi vào quên lãng, nhường lại cho những đau thương tất bật của cuộc sống.
Sau bao năm xa lìa mái trường, giờ đây bao nhiêu đổi thay. Có những ngôi trường đã thay tên. Có những ngôi trường đã xóa dấu. Nhưng trong tâm khảm vẫn còn rõ nét các ngôi trường, sân chơi, bàn ghế bảng đen, bóng hình các thầy cô, bạn bè. Giờ đây, đa số các thầy cô đã lớn tuổi, một số đã qua đời, bạn bè đứa mất đứa còn. Trở lại quê nhà, giờ còn lại trường Trần Quốc Tuấn và Nam Tiểu Học, ghé vào thăm trường, lòng thấy nao nao. Về lại thăm trường Trần Quốc Tuấn, hàng Long Não lớn hơn xưa nhiều. Tượng đức Trần giữa sân trường nay phong sương. Trường lớp nhiều hơn xưa. Các lớp học cũ giờ được thay thế bằng các dãy lầu khang trang. Tôi dán mặt vào khung cửa, nhìn vào các lớp, bàn ghế im lìm, nghe lòng chùng xuống, nhớ đến bạn bè, thầy cô. Các khuôn mặt ngày xưa quay lại trong ký ức như một đoạn phim. Hôm nay nắng ấm, mùa Hạ sân trường vắng bóng học sinh, nhưng dường như có dáng thằng Dũng, thằng Ánh, thằng Toàn...đang nô đùa. Hoa Phượng rơi lác đác trong nắng hạ, hàng Long Não lao xao trong gió, ký ức nhạt nhòa với thực tại.
Dạo bước qua trường Nam Tiểu Học, các cây Bàng trong sân cao lớn cổ thụ. Trường lớp bây giờ khang trang hơn xưa. Dãy lớp bên trái được thay thế bằng dãy lầu. Văn phòng và hội trường được xây lại lớn hơn xưa và lên lầu. Tôi lần theo các dãy hành lang, nhìn vào các lớp học, ngỡ như thấy bóng hình thầy Tài đang dạy hát, kể chuyện pháo đài bay B52, cả lớp ngẩn ngơ, nghe như chuyện thần thoại, còn trong lớp nầy, cô Bích đang vẽ con ếch trong môn Vạn vật. Và đây là lớp Nhất B, lớp cuối cùng trước khi lên trung học. Cái lớp oai nhất, được làm trật tự, đàn anh số một của đám học sinh lóc nhóc. Và đây là lớp Nhì, cạnh bót cảnh sát, căn phòng nầy đã lãnh trọn quả pháo. Ngày hôm ấy, chúng tôi đang học bên trường Trần Quốc Tuấn, bỏ học chạy sang, chứng kiến cảnh tang thương, máu xương tan tác của những trẻ thơ vô tội. Đây là lớp 3, có thằng Long đen làm trưởng lớp và nấu cơm rất nghề, lớp đoạt giải nấu cơm giữ cóc. Và đây là lớp Tư, rồi lớp Năm, cạnh văn phòng, ngày đầu tiên mẹ tôi dẫn vào lớp học, tôi được ngồi bàn đầu, bài học đầu tiên là viết chữ a, b, c, d và đồ mỗi chữ một trang, bài học bắt đầu một chuỗi năm tháng đầy ắp kỷ niệm của đời học trò.
VÕ THÀNH CHƯƠNG
* * *
Xem bài cùng tác giả, click vào đây
Xem trang QN: Đất nước, con người, click tại đây
Trở về trang chính: http://www.nuiansongtra.com