Năm 1765, Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát từ trần, quyền thần Trương Phúc Loan bỏ di chiếu, đưa ngay người con thứ 16 của Võ Vương là Nguyễn Phúc Thuần mới 12 tuổi lên ngôi chúa tức chúa Định Vương để ông ta dễ bề thao túng triều chính. Quả vậy, từ đó mọi quyền hành trong triều ngoài quận đều do một mình Phúc Loan định đoạt. Loan vốn người tham lam, gây sưu cao thuế nặng để bòn rút của cải của dân lành làm của riêng khiến dân chúng rất bất bình. Dân chúng nhiều nơi nổi lên chống triều đình, kiệt hiệt hơn cả là cuộc khởi nghĩa của anh em Nguyễn Nhạc nổi lên ở đất Tây Sơn, vùng núi non phía Tây tỉnh Bình Định, khởi đầu từ năm 1771.
Tại Quảng Ngãi đã có nhiều người ra cộng tác với anh em nhà Tây Sơn chống lại chúa Nguyễn, đáng kể nhất có Trần Quang Diệu, người Đức Phổ và vợ là Bùi Thị Xuân người Bình Định, về sau cả hai được xem như cánh tay mặt của Quang Trung Nguyễn Huệ. Ngoài ra còn phải kể đến Trương Đăng Đồ người Sơn Tịnh, Huỳnh Văn Thuận và Nguyễn Văn Xuân người Mộ Đức...và 2 người phụ nữ là Huỳnh Thị Cúc, em gái Huỳnh Văn Thuận và Nguyễn Thị Dung em gái của Nguyễn Văn Xuân và là vợ của Trương Đăng Đồ, 2 người phụ nữ này được đứng trong danh sách 5 nữ tướng tài ba của phong trào Tây Sơn và được xưng tụng là "Tây Sơn ngũ phụng thư"...
Khi phong trào Tây Sơn phát triển và gây được thanh thế lớn, thì Trần Công Hiến, một nhân vật khác của Quảng Ngãi, sau này sẽ trở thành một người cộng tác đắc lực với nhà Nguyễn hẳn vẫn còn nhỏ tuổi. Thế nên, dù đã có nhiều con dân Quảng Ngãi tham gia vào phong trào Tây Sơn, dường như những nhân vật này không hề để lại chút ảnh hưởng nào đến tinh thần của Trần Công Hiến. Kịp đến khi Trần Công Hiến trưởng thành, phong trào Tây Sơn đã bước vào con đường phân hóa, anh em mỗi người hùng cứ một phương. Năm 1787, Nguyễn Nhạc xưng đế hiệu Thái Đức, tự phong là Trung ương Hoàng đế đóng đô ở thành Đồ Bàn (Bình Định) gọi là Hoàng Đế thành, phong cho Nguyễn Lữ làm Đông Định vương trấn đóng Gia Định và Nguyễn Huệ làm Bắc Bình vương trấn đóng ở Phú Xuân. Cũng từ khoảng thời gian này, Nguyễn Ánh khôi phục dần thế lực, đánh đuổi Đông Định vương ra khỏi Gia Định chạy về Quy Nhơn. Tuy về sau, Nguyễn Huệ tức vua Quang Trung đã tạo được nhiều chiến công vang dội, nhất là công cuộc đánh tan mộng xâm lăng của nhà Thanh năm Kỷ dậu, 1789, nhưng vì tình trạng phân hóa nội bộ mỗi ngày thêm trầm trọng, nhất là từ sau ngày vua Quang Trung từ trần đột ngột (1792), con là Quang Toản kế vị tức vua Cảnh Thịnh, quyền hành lọt vào tay người cậu họ là Bùi Đắc Tuyên, các quan trong triều chia bè rẽ phái tìm cách tiêu diệt lẫn nhau khiến thế lực Tây Sơn mỗi ngày một yếu dần; trong lúc đó, Nguyễn Ánh đã thu phục được nhân tâm, dân chúng miền ngoài nhớ lại những tháng ngày thanh bình thuở trước, bắt đầu ước ao có sự hiện diện của chúa Nguyễn Ánh:
Lạy trời cho chóng gió Nồm
Cho thuyền chúa Nguyễn thẳng buồm chạy ra...
Hòa nhịp với ước ao chung của dân chúng miền ngoài, Trần Công Hiến trông chờ và đặt hết niềm tin vào sự quật khởi càng ngày càng vững vàng của dòng họ Nguyễn. Vì vậy, vào năm 1793, khi nghe tin lần đầu tiên Nguyễn Vương (tức Nguyễn Ánh) kéo quân thủy bộ từ Gia Định ra Qui Nhơn, tiến vào cửa Thị Nại, Trần Công Hiến cùng với một số người thân tín đã rời bỏ quê nhà Quảng Ngãi vào Thị Nại (Bình Định) để đầu quân dưới trướng Nguyễn Vương.
Quê nội Trần Công Hiến ở xã Vạn An, huyện Chương Nghĩa, phủ Quảng Nghĩa (nay thuộc huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi). Mẹ là Võ Thị Sen, người làng Mỹ Huệ, phủ Bình Sơn nay thuộc xã Bình Dương, huyện Bình Sơn. Ông sinh ra trong một gia đình nhà Nho nghèo, cha mất sớm, thờ mẹ chí hiếu. Tuy việc học hành dở dang nhưng nhờ tư chất thông minh lại ham học hỏi, ông đã có một số vốn kiến thức khá phong phú và một tham vọng lớn về văn chương chữ nghĩa mà sau này chúng ta sẽ thấy.
Sau lần yết kiến Nguyễn Vương ở Thị Nại vào năm 1793, "... ông được giao trọng trách qua lại các vùng Bình Hòa, Bình Thuận, Phú Yên và Qui Nhơn, chiêu mộ binh sĩ, chiêu dụ các sách người Man." (1) Qua nhiều lần lập quân công, ông được phong chức Tổng nhung Cai cơ.
Lực lượng Tây Sơn mỗi ngày một yếu dần. Khoảng cuối tháng 5 năm 1802, trước sức tấn công như vũ bão của quân Nguyễn Ánh, vua tôi Cảnh Thịnh phải bỏ Phú Xuân chạy ra đất Bắc. Quân Nguyễn Ánh chiếm kinh thành. Đến ngày 2-5 Nhâm Tuất (1-6-1802), Nguyễn Ánh lập đàn tế cáo trời đất, lên ngôi hoàng đế, xưng đế hiệu là Gia Long. Khi mọi việc ở kinh đô Phú Xuân tương đối tạm yên, Gia Long kéo quân ra Bắc. Ngày 21-6 Nhâm Tuất (20-7-1802), Gia Long kéo đại quân vào Thăng Long ca khúc khải hoàn và lập tức "bố cáo trong ngoài biết rằng Bắc Hà đã đại định rồi" và "bàn việc sai các quan văn võ làm quan các trấn ngoài Bắc; mỗi trấn đặt một quan Trấn thủ, một quan Hiệp trấn, một quan Tham tán" (2).
Nhiều tướng tá được Gia Long phong chức tước và chia nhau cai quản vùng đất Bắc Hà mới chiếm. Trần Công Hiến, một vị tướng đã lập nhiều chiến công, được cử làm Trung quân chính thống hậu đồn kiêm lý ngũ đồn Hành tham quân sự Khâm sai chưởng cơ, lãnh chức Trấn thủ Hải Dương.
Từ đây ông đã dốc toàn bộ tâm huyết của mình để cai quản vùng đất Hải Dương, một vùng đất mà, nguyên tổ tiên của ông trước đây ở huyện Gia Phúc, trấn Hải Dương (3) đã vào Nam theo chúa Nguyễn lập cư ở huyện Chương Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi và bây giờ ông lại trở về vùng đất nơi phát tích của dòng họ để xây dựng lại quê hương sau ba trăm năm nhiều loạn lạc hơn thái bình.
VIỆC XÂY THÀNH HẢI DƯƠNG TỨC THÀNH ĐÔNG:
Thành Hải Dương. Ảnh: Internet
Vào thế kỷ thứ 18, lỵ sở của Hải Dương đóng tại Lạc Thiên thuộc huyện Chí Linh, lúc ấy được gọi là thành Vạn hay doanh Vạn. Vào cuối đời Lê, lỵ sở Hải Dương lại đổi về xã Mao Điền thuộc huyện Cẩm Giàng lấy cớ gần kinh đô Thăng Long hơn sẽ dễ kêu cứu một khi có biến động, vả cũng thuận tiện cho việc di chuyển của các trạm dịch. Thế nhưng địa điểm này không thể là một địa điểm chiến lược tốt, bởi lẽ, như nhận xét của Phạm Đình Hổ (1768-1839) trong Vũ Trung Tùy Bút "Định đô đặt trấn mà chỉ lấy cho gần nơi thanh viện, tiện việc chạy trạm, không để ý đến việc công thủ sau này, thì sao có thể khống chế sơn hải, hộ vệ cho chốn kỳ bang được." (4).
Vua Gia Long cũng có một cái nhìn tương tự sau khi nhà vua đã cho phân chia lại địa giới hành chánh của đất Bắc gọi là Bắc Thành gồm 11 trấn và Hải Dương là 1 trong 5 nội trấn của Bắc Thành. Thế nên, năm 1804, nhân chuyến ra Bắc Thành để nhận sắc phong của vua nhà Thanh, Gia Long đã ra lệnh dời lỵ sở của Hải Dương một lần nữa từ Mao Điền về vùng ngã ba sông Thái Bình và sông Sặt thuộc địa phận tổng Hàn Giang; vì thế, trấn Hải Dương còn được gọi là trấn Hàn, và vì Hải Dương nằm về phía đông kinh thành Thăng Long nên còn gọi là tỉnh Đông và thành Hải Dương được gọi là thành Đông.
Quan Trấn thủ Trần Công Hiến thiết kế và đích thân đứng ra trong coi công việc xây dựng thành Đông cũng như công tác di chuyển lỵ sở từ Mao Điền về Thành Đông.
Ban đầu thành được đắp bằng đất theo hình lục giác có 4 cửa, có hào chung quanh thành. Chu vi thành là 551 trượng 6 thước (tức khoảng 2,206 m), cao 1 trượng, 1 thước, 2 tấc (tức khoảng 4 m 430). Trong thành xây dựng các cơ quan công quyền và trại lính. Chỉ có quan lại và binh lính sinh hoạt ở nội thành. Thời điểm xây dựng công trình Thành Đông của Trần Công Hiến được xem là thời điểm khởi đầu cho việc hình thành thành phố Hải Dương sau này.
CÔNG CUỘC TRÙNG TU VĂN MIẾU MAO ĐIỀN:
Văn miếu Mao-Điền, Hải Dương. Ảnh: Internet
Văn miếu Mao Điền, thuộc tổng Mao Điền, phủ Bình Giang, trấn Hải Dương (nay thuộc thôn Mao Điền, xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) nguyên chỉ là một khu đất rộng được lập ra để tổ chức các kỳ thi Hương của trấn Hải Dương ngay từ thời Lê Sơ (1428-1527). Đến năm Cảnh Hưng nguyên niên (1740) đời Lê Hiển Tông (1740-1786), triều đình mới cho chuyển Văn miếu thờ Khổng Tử từ xã Vĩnh Lại, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương (nay thuộc xã Vĩnh Tuy, huyện Bình Giang, Hải Dương) về sát nhập với trường thi Hương ở xã Mao Điền rồi giao cho Trấn thủ Đằng Ân hầu Hoàng Văn Đằng, Hiệp trấn Trinh Tùng hầu Nguyễn Đắc Trinh trông coi việc xây cất Văn Miếu trên một khu đất rộng 10 mẫu (khoảng 36,000 m2), vừa làm nơi thờ đức Khổng Tử và các bậc tiên nho Việt Nam, đó là: Chu Văn An (1292-1370) người Thăng Long, các vị còn lại đều là con dân trấn Hải Dương: Mạc Đỉnh Chi (1272-1346), Tuệ Tĩnh (1330-?), Nguyễn Trãi (1380-1442), Phạm Sư Mạnh (thế kỷ 14), Vũ Hữu (1437-1530), Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) và nữ trạng nguyên duy nhất của Việt Nam, Nguyễn Thị Duệ (1574?-1654?); vừa làm trường học, vừa làm nơi dựng trường thi Hương và thi Hội. Đến năm Bính Dần (1807), Gia Long năm thứ 6, Trấn thủ Ân Quang hầu Trần Công Hiến, Hiệp trấn Nguyễn Chí Hòa và Tham biện Nguyễn Văn Công cùng trông coi việc trùng tu và tôn tạo lại Văn Miếu. "Nhà đông vu, nhà tây vu được tu bổ lại làm thêm đỉnh (lư hương), xây đền Khải Thánh ở phía Tây...Hai hành lang phía Nam miếu là nơi thờ thầy dạy học ở bậc thánh sư. Bên trái có lầu Kim Thanh, bên phải có lầu Ngọc Chấn. Tiếng chuông (đồng), tiếng khánh (đá) leng keng, ngân nga âm vang cả tòa nhà. Khuê Văn Các riêng một lầu. Trước Khuê Văn là cổng hai tầng có lối đi ở giữa, đó là quy chế để lại cho đời sau" (5). Như vậy là, đến thời Trần Công Hiến, ngoài việc trùng tu hai dãy nhà ở phía Đông (đông vu) và phía Tây (tây vu), ông còn cho xây đỉnh trầm, xây đền Khải Thánh, Khuê Văn các, xây cổng tam quan hai tầng trông rất uy nghi.
Cổng Tam quan Văn miếu Mao Điền. Ảnh: Internet.
Việc làm này chứng tỏ rằng Trần Công Hiến muốn tạo niềm tin của nhân dân vào uy quyền của Nho giáo mà Văn miếu Mao Điền là một biểu tượng thiêng liêng. Văn miếu Mao Điền có một quy mô và lịch sử lâu đời đứng hàng thứ hai sau Văn miếu Quốc Tử Giám ở kinh thành Thăng Long và vẫn còn để lại một phần di tích đến ngày nay.
CÔNG CUỘC CAI TRỊ:
Trần Công Hiến tiếp thu Hải Dương là tiếp thu một vùng đất còn nóng hổi những tàn tích của chiến tranh. Đừng kể đâu xa, ngay từ những năm đầu tiên của thập kỷ 40 của thế kỷ thứ 19 kéo dài trên 30 năm, dân Hải Dương nói riêng, dân các trấn miền trung châu và miền biển của Bắc Thành nói chung đã phải hứng chịu bao nhiêu cuộc chiến đẫm máu giữa đám người cùng khổ nổi lên chống lại sự cai trị hà khắc của triều đình Lê, Trịnh từ cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Tuyển, Nguyễn Cừ (Chí Linh, Hải Dương), Vũ Trác Oánh (Đường An, Hải Dương), đến Nguyễn Danh Phương ở Sơn Tây, Hoàng Công Chất ở Sơn Nam, Lê Duy Mật ở Thanh Hóa...Sau đó là những trận chiến giữa quân Trịnh và quân Tây Sơn, rồi cuộc chiến tranh chống quân Mãn Thanh xâm lược, tiếp đến là chiến tranh giữa nhà Tây Sơn và quân chúa Nguyễn Ánh kéo dài cho đến năm 1802.
Những cuộc chiến tranh này đã phá đi bao nhiêu làng mạc? Đã khiến bao nhiêu ruộng đồng bị bỏ hoang vì không người cày cấy? Hải Dương lại là xứ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của chiến tranh, thế nên, ngay năm Nhâm Tuất (1802), sau khi vào Thăng Long ca khúc khải hoàn, Nguyễn Ánh lúc bấy giờ dù chưa lên ngôi cửu ngũ cũng đã hạ lệnh tha thuế cả 2 mùa cho dân Hải Dương "Tha thuế mùa Hạ cho Bắc thành, Nghệ An, Thanh Hóa ngoại trấn (...) Chỉ có dân Hải Dương bị tàn hại quá, thuế mùa Đông cũng tha luôn" (6)
Cuộc chiến đã chấm dứt từ năm 1802, vậy mà đến năm 1806, theo thống kê của triều đình nhà Nguyễn, "năm Bính Dần (1806) các trấn Sơn Tây, Hải Dương, Kinh Bắc, Sơn Nam Thượng, Sơn Nam Hạ, Hoài Đức, Thái Nguyên, Hưng Hóa đã có 370 xã thôn bị xiêu tán, triều đình phải tha tô thuế" (7).
Đó là chưa kể đất Bắc luôn phải hứng chịu nạn hạn hán, nạn bão lụt gây tình trạng vỡ đê tạo nên nhiều thảm họa cho dân chúng.
Thế nên, công việc quan trọng đầu tiên của quan trấn thủ là vỗ an dân chúng, vãn hồi an ninh trật tự xã hội, khuyến khích dân chúng khôi phục về nông tang, chiêu tập dân xiêu tán, cấp đất cho họ làm ăn. "Ông từng cấp đất công cho dân nghèo ở làng Đôn Thư (tên nôm là Cáy, Thảng) xã Hậu Bổng, huyện Gia Lộc, gần bến đò Tràng Thưa và còn cấp thêm một vạn quan tiền để mở mang sản xuất." (8). "Trần Công Hiến lập ra nhà chẩn tế ở cửa trấn để phát chẩn cho nạn nhân thiên tai, xuất thóc kho cho dân nghèo vay đến khi thu hoạch xong nộp trả." (9) "Gia Long lên ngôi cửu ngũ, đất Bắc tạm gọi là yên về mặt chiến tranh, nhưng lòng người vẫn còn ly tán, sinh hoạt xã hội vẫn còn nhiều xáo trộn (...) Ông luôn quan tâm đến tâm tư nguyện vọng của dân chúng cùng giải quyết thấu đáo ý nguyện chính đáng của dân. Chính ông đã trực tiếp xét xử nhiều vụ kiện ứ đọng đã lâu qua đó trừ được mối họa cho dân" (10) "Nhằm củng cố lại hệ thống quản lý, ông cho khảo sát đường sá, bến đò, hình thể núi sông, tiến hành vẽ địa đồ trong hạt". (11)
Khi Trần Công Hiến về giữ chức trấn thủ Hải Dương, trước đó không bao lâu, vùng đất này còn là vùng trũng thường xuyên bị nước mặn xâm thực. Phạm Đình Hổ trong tác phẩm Vũ Trung Tùy Bút đã mô tả vùng này như sau: "Cứ xem bản đồ trong nội phủ thì hai phủ Thượng Hồng, Hạ Hồng là nơi đồng bằng rộng rãi, chỉ có những huyện Thủy Đường, An Lão, An Dương, Nghi Dương thuộc về phủ Kinh Môn và huyện Tiên Minh (?) thuộc phủ Nam Sách là những nơi đất liền với bể Đông" (12). Kinh Môn và Nam Sách là 2 phủ thuộc trấn Hải Dương.
Vì thế, khi về trấn nhậm Hải Dương, sau khi đã cho tìm hiểu kỹ càng về địa hình, địa thế của vùng đất trách nhiệm này, ông nghĩ là phải tìm cách không cho nước mặn tràn vào các vùng đất canh tác của dân chúng. Do đó, Trần Công Hiến đã đặt kế hoạch đắp đê ngăn nước mặn. Nhờ công trình này, qua đó tạo thêm được diện tích đất canh tác lên đến hơn 8,000 mẫu ruộng. Nhờ con đê ngăn nước mặn này mà sản lượng lương thực của Hải Dương mỗi ngày mỗi tăng, đời sống dân chúng khá giả hơn. Để tưởng nhớ công ơn của ông, người dân Hải Dương đã gọi con đê trên là đê Trần Công.
HẢI HỌC ĐƯỜNG VÀ CÁC TÁC PHẨM QUAN TRỌNG:
14 năm trong vai trò trấn thủ Hải Dương, Trần Công Hiến đã lưu lại nhiều công tích quan trọng: xây thành Hải Dương (tức thành Đông) làm trú sở cho các cơ quan công quyền cũng là nơi đóng quân bảo vệ thành, nâng cao uy quyền của Nho giáo bằng cách trùng tu và tôn tạo văn miếu Mao Điền, đắp đập ngăn nước mặn tạo thêm 8,000 mẫu đất cho nông dân cày cấy, giải quyết nhiều vấn nạn về xã hội sau một thời gian dài chiến tranh loạn lạc...Tuy nhiên, sự nghiệp quan trọng nhất của ông vẫn là xây dựng và điều hành cơ sở in mộc bản Hải Học Đường và gom góp những thơ văn của các bậc danh nho của đất nước trong nhiều thế kỷ về trước rồi cho khắc in để lưu lại cho hậu thế.
Trong bài Tựa tác phẩm “Danh thi hợp tuyển”, ông đã nêu lên nhận xét về thực trạng ngành ấn loát ở nước ta trước đó và điều đó cũng đã ngầm nói lên ý nguyện tâm huyết của ông về công cuộc bảo tồn nền văn hóa dân tộc:
"...Nước ta vốn gọi là nước có văn hiến, thơ của nước ta có tiếng hay, lại thường được người Trung Quốc coi trọng. Hiềm vì những thơ để ngâm vịnh của người xưa có đem in cho mọi người xem, cũng chỉ được một hai phần. Đến như thơ văn gương mẫu của các đại gia, văn chương của các thi gia, cùng là các bài ứng chế hợp cách và các tập thơ biên soạn có tiếng, có quan hệ đến nghề thi cử, thật ra rất nhiều. Thế mà, những thơ văn được đem ra truyền lẫn cho nhau, thì thật cũng ít lắm." (13)
Để thực hiện công tác bảo lưu các tác phẩm hiếm quý của nền văn chương nước nhà một phần nào khỏi bị mai một, ông đã nhận được sự cộng tác chân thành và đắc lực của hai nhân vật trong ngành giáo dục đương thời, đó là đốc học Nguyễn Thể Trung, tước Trung Chính bá và trợ giáo Trần Huy Phác (1754-1834), hiệu Đạm Trai, tước Thời Đức nam (có sách ghi là Thời Bình nam), ngoài ra còn có giám sinh Bùi Danh Chấn tức Hải Thượng Đường Phong Bùi Dã Sĩ...
Ông đã cùng các người đồng chí hướng thành lập nhà in Hải Học Đường ngay tại lỵ sở. Tuy Hải Học Đường mới ra đời nhưng lại ra đời ngay cái nôi của ngành in mộc bản với 2 làng Hồng Lục và Liễu Tràng thuộc huyện Trường Tân, phủ Hạ Hồng nay thuộc xã Tân Hưng, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Hai làng này khởi nghiệp từ thế kỷ thứ 15 và đến thời Trần Công Hiến về làm trấn thủ Hải Dương, Hồng Lục và Liễu Tràng đã trở thành trung tâm ngành in mộc bản cho cả nước. Chắc hẳn quan trấn thủ Trần Công Hiến đã nhận được sự tiếp tay tận tình của dân làng nghề Hồng Lục, Liễu Tràng một khi ông giao cho họ những tác phẩm do chính ông biên soạn hay do ông chủ trương biên soạn và chịu trách nhiệm trông coi việc xuất bản.
Ông đã đặt kế hoạch làm việc thật chu đáo đầy thiện chí và chính tinh thần làm việc vì đại nghĩa đó của ông đã lôi kéo được nhiều người tiếp tay và cộng tác:
"Tôi vốn dòng dõi nhà Nho, lúc trẻ đi theo việc binh, ít được nghe thấy, nhưng vốn tính tôi ham học, thường nhiều lúc nói đến thơ. Mỗi khi rảnh việc công, hỏi khắp các quan phủ huyện trong hạt, và các vị hương cống mới hay cũ là người bản trấn, ai còn giữ được di cảo thơ văn thì đừng giữ riêng mà nên đưa công bố chung cho mọi người cùng xem. Ai nấy đều có ý mến tôi, đưa cho xem. Tuy đã lượm lặt được khá nhiều rồi, nhưng mà như lời người xưa đã nói "Nhiều rồi chăng? Chưa nhiều đâu". Tôi lại đem hỏi quan đốc học là Trung Chính bá và quan trợ giáo là Thời Đức nam, nhờ hai vị ấy hiệu đính sắp xếp lại, đưa cho thợ khắc in..." (14)
Theo các tác giả Trần Văn Giáp trong "Lược truyện các tác gia Việt Nam" (tập 1) và "Tìm hiểu kho sách Hán Nôm" (tập 2), Đỗ Minh Tâm trong "Từ điển Văn hóa Việt Nam" (phần Nhân vật chí), Nguyễn Thị Dương trong bài "Hải Học Đường-Một nhà in sách nổi tiếng đầu thời Nguyễn", Nguyễn Huy Khuyến trong bài "Tìm hiểu về nghề in sách xưa" và Nguyễn Duy Long trong bài "Trần Công Hiến với nhà in Hải Học Đường", những tác phẩm do Trần Công Hiến biên tập hay chủ trương biên tập và được Hải Học Đường ấn hành, gồm có:
- Danh thi hợp tuyển (Hải Học danh thi tuyển - Hải Học Đường danh thi hợp tuyển)
- Danh phú hợp tuyển
- Danh văn tinh tuyển
- Lịch đại sử toản yếu (Sử tập toản yếu?)
- Cố Lê tứ trường văn thể (Cố Lê tứ trường văn tuyển?)
- Bạch Vân am thi tập (Bạch Vân Am thi biên tập)
- Lịch đại sách lược (Lịch khoa sách lược)
- Hoàng Lê ứng chế thi
- Ứng chế tứ lục tuyển
- Hải Dương phong vật chí (Hải Dương phong vật ký)
- Hải Dương phong vật khúc (?)
- Hải Dương thủy trình lược ký (Đại Việt thủy lục trình ký?)
- Quần thư khảo biện (Lê Quý Đôn)
Các tác phẩm do Trần Công Hiến biên tập với sự cộng tác khảo đính của đốc học Trung Chính bá Nguyễn Thế Trung và trợ giáo Thời Đức nam Đạm Trai Trần Huy Phác:
* Danh thi hợp tuyển: (gồm 12 quyển) Đầu quyển 1 ghi: "Trung quân chính thống hậu đồn kiêm lý ngũ đồn, tham quân sự, Khâm sai Chưởng cơ, hành Hải Dương trấn trấn thủ, Ân Quang hầu biên tập - Đốc học Trung chính bá, Trợ giáo Thời Bình nam khảo đính".
- Từ quyển 1 đến quyển 5, tất cả thơ phú trong các quyển này đều không ghi tên tác giả và là thơ phú của các sĩ tử được tuyển chọn trong các kỳ thi.
- Quyển 6 và 7 có tên tác giả, "đại khái mỗi người đều có một bài đường luật, một bài ngũ ngôn, một bài văn sách, bắt đầu từ Dương Bật Trạc, tiến sĩ khoa Ất Mùi niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 11 (1715), rồi đến Đồng Doãn Giai, tiến sĩ khoa Bính Thìn niên hiệu Vĩnh Hựu thứ 2 (1756) v.v..." (15)
- Quyển 8 có nhan đề Lập Trai thi tuyển gồm những bài luật thi của Phạm Quý Thích, hiệu Lập Trai (1760-1825)
- Quyển 9 có nhan đề Tinh Sà kỷ hành là thi tập của Phan Huy Ích (1751-1822)
- Quyển 10 có nhan đề Độc sử si tưởng là thi tập của Phạm Nguyễn Du (1739-1786)
- Quyển 11 và 12 có nhan đề Bạch Vân am thi tập gồm các bài luật thi của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585)
Trang sách "Bạch Vân Am Thi tập" của Hải Học Đường.
Ảnh: Internet.
* Lịch đại sử toản yếu: Theo "Đại Nam chính biên Liệt truyện" (sơ tập, quyển 16) Trần Công Hiến đã soạn sách "Lịch đại sử toản yếu" và có ghi "...lệnh Đốc học Nguyễn Thể Trung cập Trợ giáo Hương cống hiệu chính, danh viết Lịch đại sử toản yếu" (...giao cho Đốc học Nguyễn Thể Trung cùng ông Trợ giáo đỗ hương cống hiệu đính, đặt tên sách là Lịch đại sử toản yếu).
* Danh phú hợp tuyển: Trong tác phẩm "Thư mục sách Hán Nôm ở Thư viện Quốc gia" do Ngô Đức Thọ chủ biên, trong phần mô tả tác phẩm có ghi: "Dòng đầu sách đề "Danh phú hợp tuyển quyển chi thập" cần được hiểu nghĩa Danh phú hợp tuyển tức là quyển 10 trong bộ Hải Học danh thi hợp tuyển."
Theo Trần Văn Giáp trong "Tìm hiểu kho sách Hán Nôm" (tập 2), quyển thứ 10 trong bộ sách "Danh thi hợp tuyển" là thi tập Độc sử si tưởng của Phạm Nguyễn Du cũng ghi "Độc sử si tưởng quyển chi thập". Vậy có sự nhầm lẫn nào khi ghi "quyển chi thập" sau tác phẩm Danh phú hợp tuyển chăng? Bởi đây là tuyển tập hoàn toàn về phú, theo thiển ý, nó không thể nằm chung trong bộ Danh thi hợp tuyển được!
Danh phú hợp tuyển là tác phẩm tuyển chọn các bài phú của các nhà khoa bảng có tên tuổi từ đời Trần đến đầu đời Nguyễn, tuy nhiên cũng chỉ có một ít bài có tên tác giả như Nguyễn Hiền, Mạc Đỉnh Chi, Lê Quý Đôn, Đặng Trần Côn, Phạm Nguyễn Du...còn phần lớn đều khuyết danh.
* Lịch đại sách lược: do Trần Công Hiến biên tập và đề tựa, Bùi Danh Chấn tức Bùi Dã Sĩ khảo đính gồm 106 bài văn sách sưu tập ở các trường và của các sĩ tử tại các kỳ thi Hương, thi Hội và thi Đình từ đời Lê Hồng Đức 23 (1493) đến thời Nguyễn Gia Long 12 (1813), trong đó có những bài xuất sắc của Lê Quý Đôn, Ngô Thì Sĩ, Ngô Thì Nhậm... Đề tài bàn về các vấn đề binh chính, tài chính, dân chính, phong tục, giáo dục...
* Danh văn tinh tuyển: Gồm các bài kinh nghĩa mẫu mực của các tác giả Trung Hoa như Vương Trí, Phương Thuần, Lý Mộng Hoa...gồm cả phần giảng giải cách thức làm một bài kinh nghĩa của tác giả nhằm hướng dẫn cho các sĩ tử tương lai (16).
* Ứng chế tứ lục tuyển: giới thiệu loại văn cử nghiệp, ít nhiều có tính cách hành chính như chế, chiếu, biểu viết theo thể tứ lục (17).
* Hải Dương phong vật chí * : Khi mới về trấn nhậm trấn Hải Dương, Trần Công Hiến đã ra lệnh cho thuộc hạ thu thập tài liệu về đất nước, văn hóa và con người trấn Hải Dương và giao cho trợ giáo Trần Huy Phác, hiệu Đạm Trai biên soạn và đề tựa, Hải Thượng Đường Phong Bùi Dã Sĩ đề bạt còn Trần Công Hiến chỉ là người tổ chức biên tập và trông coi việc khắc bản in.
Phần cuối của tác phẩm này có 2 bài thơ song thất lục bát:
- Hải Dương phong vật khúc dài 604 câu, tóm tắt nội dung của "Hải Dương phong vật chí".
- Hải Dương thủy trình lược ký dài 188 câu mô tả về các đường sông, đường biển thuộc xứ Hải Dương (18).
Ở đây, chúng ta cần bàn thêm về Hải Dương phong vật chí và 2 tác phẩm bằng thơ Nôm Hải Dương phong vật khúc và Hải Dương thủy trình lược ký có phải của Trần Công Hiến không? Căn cứ theo những tài liệu có trong tay, chúng tôi trích dẫn như sau:
* Trần Văn Giáp trong "Lược truyện các tác gia Việt Nam" (tập 1) xuất bản năm 1971 ghi về tác phẩm của Trần Công Hiến có:
- Đại Việt thủy lục trình ký (có diễn Nôm...)
- Hải Dương phong vật ký (có diễn ra Nôm)....
* Trần Văn Giáp trong "Tìm hiểu kho sách Hán Nôm" (tập 2) xuất bản năm 1990, trong phần "Tác phẩm" ghi:
- Đại Việt thủy lục trình ký
- Hải Dương phong vật chí (chủ trương biên tập và đề tựa)
* Đỗ Minh Tâm trong "Từ điển Văn hóa Việt Nam" (Nhân vật chí) ghi: "Trần Công Hiến cũng sở trường văn Nôm. Ông đã soạn 2 tập ký bằng văn lục bát thiên về địa lý và phong tục. Đó là cuốn Đại Việt thủy lục trình ký và cuốn Hải Dương phong vật ký."
* Nguyễn Huy Khuyến trong bài "Tìm hiểu về nghề in sách xưa" ghi: "Ông lại vốn thích thơ ca quốc âm, đã tự mình diễn ra quốc âm tác phẩm Đại Việt thủy lục trình ký..."
* Hoa Cúc Vàng trong bài "Trấn thủ hải Dương: Trần Công Hiến" ghi: "Ngoài ra, Trần Công Hiến còn cất công biên soạn Hải Dương phong vật ký có giá trị về lịch sử".
* Hồ Quang trong bài "Quảng Ngãi thương nhớ" ghi: "Vốn là người hiếu học, ngoài việc quan, ông còn soạn sách Đại Việt thủy lục trình ký bằng quốc âm".
Về tác phẩm "Hải Dương phong vật chí":
Năm 1971, trong tác phẩm "Lược sử các tác gia Việt Nam" (tập 1), Trần Văn Giáp ghi "Hải Dương phong vật ký (có diễn Nôm..).." là tác phẩm của Trần Công Hiến. Nhưng đến năm 1990, trong tác phẩm "Tìm hiểu kho sách Hán Nôm" (tập 2) ông đã điều chỉnh và xác nhận Trần Công Hiến là người "chủ trương biên tập và đề tựa" cho "Hải Dương Phong vật chí". Vậy chỉ còn tác giả Hoa Cúc Vàng ghi nhận Trần Công Hiến là tác giả của "Hải Dương phong vật ký" (chí?).
Trong bài "Về các văn bản của tác phẩm Hải Dương phong vật chí", trong 7 bản, chỉ có bản A.882 (chắc là số mục của Thư viện Hà Nội) mà Nguyễn Thị Lâm gọi là bản A là "sách in ván gỗ...Phía sát mép trái mỗi tờ có ghi HDPVC-Hải Học Đường". Sau khi khảo sát 7 dị bản của HDPVC, nhà biên khảo Nguyễn Thị Lâm đã đi đến kết luận: "Tóm lại, trong các bản HDPVC nêu trên thì bản A có niên đại sớm nhất và cũng là bản có nội dung đầy đủ hơn cả, thứ đến là bản B. (....) Đây là bản được công bố ngay khi tác giả còn sống, có thể coi là bản gốc, bản tiếp cận với nguyên tác nhất". Cũng theo Nguyễn Thị Lâm, "Cuối bài tựa ghi dòng chữ: "Ngày thượng cán, tháng trọng thu năm Tân Mùi, Hoàng triều năm Gia Long thứ 10 (1811). Trợ giáo Trần Đạm Trai thừa biên tập". Điều này chứng tỏ rằng, tác giả Đạm Trai Trần Huy Phác đã thừa lệnh (của quan trấn thủ Trần Công Hiến) để viết tác phẩm và bài tựa chính là bài tựa của Trần Huy Phác chứ không phải bài tựa của Trần Công Hiến như Trần Văn Giáp đã xác nhận.
Về tác phẩm "Hải Dương thủy trình lược ký":
Cũng trong bài viết dẫn thượng, trong phần đầu giới thiệu sơ lược về tác giả Trần Huy Phác và tác phẩm "Hải Dương phong vật chí", Nguyễn Thị Lâm đã ghi: "Phần cuối tác phẩm có hai bài thơ Nôm song thất lục bát: Hải Dương phong vật khúc dài 604 câu tóm lược các nội dung đã nêu và bài Hải Dương thủy trình lược ký dài 188 câu ghi chép về các đường biển, đường sông của xứ này". Theo văn mạch kể trên, 2 bài thơ Nôm kể trên cũng là tác phẩm của Trần Huy Phác.
Như ta đã thấy, các tác giả Trần Văn Giáp, Đỗ Minh Tâm, Nguyễn Huy Khuyến và Hồ Quang đều xác nhận Trần Công Hiến là tác giả của "Đại Việt thủy lục trình ký". Trong lúc đó, Nguyễn Thị Lâm xác nhận Trần Huy Phác là tác giả của "Hải Dương thủy trình lược ký".
Cứ theo như nhan đề thì đây phải là 2 tác phẩm khác nhau. Một bên chỉ "ghi chép về đường biển, đường sông của xứ Hải Dương". Còn "Đại Việt thủy lục trình ký" phải là cuốn sách "ghi chép về đường thủy và đường bộ của nước Đại Việt".
Có một điều lạ: Cả 4 tác giả đều chỉ nhắc đến tên "Đại Việt thủy lục trình ký", duy chỉ có tác giả Nguyễn Thị Lâm khi khảo sát "Hải Dương phong vật chí" mới ghi đến tên "Hải Dương thủy trình lược ký". Vậy, có chăng một tác phẩm bằng thơ Nôm với nhan đề "Đại Việt thủy lục trình ký" của tác giả Ân Quang hầu Trần Công Hiến?
Ngoài ra, theo Phan Huy Chú trong Văn tịch chí của bộ "Lịch triều Hiến chương loại chí", Ân Quang hầu Trần Công Hiến còn cho khắc in bộ Quần thư khảo biện của Lê Quý Đôn gồm 3 quyển là một tác phẩm viết bằng chữ Hán nhằm khảo cứu và biện luận về một số nhân vật và sự kiện tiêu biểu của Trung Hoa trong Bách gia chư tử từ thượng cổ đến thời nhà Tống (960-1279) (19)
Như chúng ta vừa mới duyệt qua một số tác phẩm còn lại của Hải Học Đường, phần lớn là những tác phẩm có nội dung giúp đỡ cho các sĩ tử trong kỳ thi Hương, Hội và Đình từ thơ, phú, văn sách, kinh nghĩa...đến các loại văn có tính cách hành chánh như sắc, dụ, chế, chiếu, biểu...và tất cả được quy vào loại "văn chương cử nghiệp ", cái công của Trần Công Hiến đối với ngành giáo dục đương thời và cả về sau nữa không phải là nhỏ. Hải Thượng Đường Phong Bùi Dã Sĩ, trong lời bạt viết cho tác phẩm Hải Dương phong vật chí của Đạm Trai Trần Huy Phác đã có nhận xét như sau về Trần Công Hiến: "Người đọc có không chỉ vì thấy được học vấn uyên nguyên của Đạm Trai, đặc biệt hơn nữa là vì thấy Trần Công Hiến có công lớn đối với Nho giáo vậy!" (ĐĐN nhấn mạnh) (20)
Quả là Trần Công Hiến đã "có công lớn đối với Nho giáo". Chính ông là người đã khởi xướng ra việc gom góp "thơ văn gương mẫu của các đại gia, văn chương của các thi gia, cùng là các bài ứng chế hợp cách và các tập thơ biên soạn có tiếng, có quan hệ đến nghề thi cử" với nội dung xiển dương Nho giáo và cho khắc in để làm tài liệu giảng dạy tại các trường học hoặc của triều đình, hoặc của tư nhân và cũng là tài liệu thiết yếu cho nhiều sĩ tử trong thời kỳ lo "sôi kinh nấu sử".
Những tác phẩm như Lịch đại sách lược, Ứng chế tứ lục tuyển...quả đã có một giá trị hết sức quan trọng đối với công cuộc bảo lưu văn hóa cổ truyền của dân tộc như nhận xét sau đây của nhà biên khảo Nguyễn Thị Dương: "...một số ấn phẩm của Hải Học Đường đã có những giá trị riêng mà bây giờ nhìn lại những ấn phẩm hiện còn của hết thảy các nhà in trước đây thì nếu không có Hải Học Đường ấn hành, mảng văn chương khoa cử - một phần sản phẩm của nền văn hiến dân tộc sẽ không còn để lại cho chúng ta đến ngày hôm nay" (21)
* * *
Sau 14 năm giữ vai trò trấn thủ Hải Dương, ngày 12-9 năm bính tý (1-11-1816) Ân Quang hầu Trần Công Hiến từ trần vì bệnh ngay tại nhiệm sở. Sau khi ông mất, dân làng Đôn Thư, huyện Gia Lộc, trấn Hải Dương đã lập đền thờ ông và tôn ông làm thành hoàng. Hằng năm, đến ngày 12-9 âm lịch, dân làng vẫn làm lễ thật linh đình.
Nhà thờ Trần Công Hiến tại xã Bình Dương,
huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi. Ảnh: M. Nguyệt.
Không biết từ bao giờ, di hài của ông tại Hải Dương đã được mang về cải táng tại thôn Mỹ Huệ, nay thuộc xã Bình Dương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi là quê ngoại của ông. Ngày nay, bên cạnh mộ ông còn có ngôi mộ của thân mẫu ông là Võ Thị Sen. Tại đây còn có ngôi mộ của một con ngựa. Theo truyền thuyết dân gian, con ngựa nầy đã chuyên chở hài cốt của ông từ Hải Dương về Quảng Ngãi. Khi con ngựa chết, người ta đã chôn nó bên cạnh ngôi mộ của ông.
10-2013
ĐÀO ĐỨC NHUẬN
* Ba nhân vật cộng tác với Trần Công Hiến và nhà in Hải Học Đường:
- Trung Chính bá Nguyễn Thể Trung: chưa tường tiểu sử.
- Trần Huy Phác (1754-1834), hiệu Đạm Trai, người làng Bình Vọng, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Đông (nay thuộc thành phố Hà Nội) đỗ hương cống (cử nhân) năm 1777. Năm 1804 được Gia Long triệu ra làm Trợ giáo Hải Dương-An Quảng được phong tước Thời Bình nam (có sách ghi Thời Đức nam), năm 1812 thăng Đốc học Thanh Hóa được phong tước Phác Ngọc bá.
- Hải Thượng Đường Phong Bùi Dã Sĩ tức Giám sinh Bùi Danh Chấn, người xã Phong Cốc, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương thời Gia Long.
GHI CHÚ:
(1) Nguyễn Huy Khuyến - Tìm hiểu về nghề in sách xưa (Daklak Online)
(2) Quốc triều chính biên toát yếu - trang 27
(3) Trang web Haiduong360.VN
(4) Vũ Trung Tùy Bút - tr. 136
(5) Đặng Văn Lộc - Trùng tu văn miếu bi ký - Thông báo Hán Nôm năm 2004
(6) Quốc triều chính biên toát yếu - tr. 27
(7) Biên niên lịch sử cổ trung đại Việt Nam - tr. 414
(8) Lưu Đức Ý - Lấy kinh sử "làm búa rìu" cai trị muôn dân (báo Hải Dương, trên internet)
(9) Nguyễn Duy Long - Trần Công Hiến với nhà in Hải Học Đường (nuiansongtra.net)
(10) Hoa Cúc Vàng - Trấn thủ Hải Dương: Trần Công Hiến (báo Bình Dương, trên internet)
(11) Nguyễn Duy Long - bài đã dẫn
(12) Vũ trung tùy bút - sách đã dẫn - tr. 132
(13) Tựa Danh thi hợp tuyển (bản dịch TVG trong Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, tập 2)
(14) -như trên-
(15) Trần Văn Giáp - sđd
(16) Nguyễn Duy Long - bđd
(17) Nguyễn Duy Long - bđd
(18) Nguyễn Thị Lâm - Về các văn bản của tác phẩm Hải Dương phong vật chí (Tạp chí Hán Nôm số 3 (64) năm 2004 - trích lại trên internet)
(19) Trang web Đinh Vũ Hưng viết về Lê Quý Đôn, ngày 22/3/2009
(20) Nguyễn Thị Dương - Hải Học Đường, một nhà in sách nổi tiếng đầu thời Nguyễn - Thông báo Hán Nôm năm 1997 (trích lại trên internet)
(21) Nguyễn Thị Dương – bđd.
* * *
Xem bài cùng tác giả, click vào đây
Xem bài trên trang Biên khảo, click vào đây
Trở về trang chính: www.nuiansongtra.com