Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 06, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Đất nước, con người
TRƯỜNG TIỂU HỌC QUẢNG NGÃI (Phần II)
Hình ảnh
Hiệu trưởng Nguyễn Huy Phái và lớp Nhất trường Nam TH niên khóa 1955-1956.
#1
H. 4.1 Trường Nữ TH trong nội thành (hình chụp năm 1956).
#2
H.32 Giáo chức trường Nữ TH niên khóa 1957-1958  (Xem danh tánh trong phần "Chú thích hình").
#3
H.31 Giáo chức trường Nam TH niên khóa 1955-1956 (Xem danh tánh trong phần "Chú thích hình").
#4
H.1 Sơ đồ Thị Xã Quảng Ngãi khoảng thập niên 1930. (Vẽ theo trí nhớ của cựu học sinh Phan Quang Đại).
#5
Bấm vào hình
để phóng to
PHẠM ĐÔNG VĂN
Các bài liên quan:
    MỘT THỜI TRÊN QUÊ HƯƠNG: TRƯỜNG XƯA THẦY CŨ
    TRƯỜNG TIỂU HỌC QUẢNG NGÃI (Phần I)

 


TRƯỜNG TIỂU HỌC QUẢNG NGÃI (Phần II)

(Tiếp theo và hết).

* TRƯỜNG CHÍNH TÁI HOẠT ĐỘNG VÀ TRỞ THÀNH:

@TRƯỜNG NAM TIỂU HỌC QUẢNG NGÃI (1935* - 1946)


Sau những năm bất ổn, học sinh thị xã và có cả học sinh lớp Nhì trở lên từ các phủ huyện phụ cận (Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Sơn Tịnh) lại trở về trường chính để học hành thi cử. Do số lượng học sinh tăng lên, nên ngôi trường THQN trước vẫn có nam nữ học chung trong các lớp Nhì và Nhất, từ đó chỉ dành riêng cho nam và trở thành trường Nam THQN với bảng hiệu mới: École Primaire Complémentaire des Garcons de Quang Ngai.

Cùng thời điểm nầy, nữ sinh các lớp Nhì và Nhất được chuyển qua học tại trường nữ sơ đẳng tiểu học trong nội thành vừa được chính thức nâng cấp, và bắt đầu có đủ sáu lớp của bậc tiểu học.

@TRƯỜNG NỮ TIỂU HỌC QUẢNG NGÃI (1935* -1946).

Tọa lạc trong nội thành, tại chính địa điểm đầu tiên của trường THQN (École Officielle de Quảng Ngãi) từ 1912-1925, và trở thành trường Nữ Sơ đẳng Tiểu học từ năm 1925-1935). Trường có bảng hiệu mới là École Primaire Complémentaire des Jeune Filles de Quang Ngai.

Cách đặt tên trường Nữ Tiểu học nầy và tên trường Nam Tiểu học như đã nói trên cho thấy dù đã ở 2 địa điểm riêng, vẫn có thể xem như cùng thuộc hệ thống chung là học đường THQN.
 

Trường Trung học Trần Quốc Tuấn (xây trên nền cũ của trường Nam Tiểu Học QN).

 

Việc phân ra cốt để đáp ứng số lượng học sinh thị xã và vùng phụ cận theo học các lớp Nhì và Nhất đã tăng đáng kể, đặc biệt là nữ sinh. Thật vậy, dựa theo thống kê của Nguyễn Bá Trác 2 năm trước đó số nữ sinh toàn tỉnh theo học cả 3 bậc tiểu học, sơ đẳng tiểu học và dự bị có tất cả 383 người (tỉ lệ 9% của tổng số 4.038 học sinh).

Vậy có thể suy luận riêng tại trường Nữ THQN, khi vừa thành hình đã có ít nhất khoảng 180 học sinh, chiếm gần phân nửa số nữ sinh toàn tỉnh.

- Giáo chức trường Nam THQN:

Nguyễn Đạt Nhơn, Phạm Văn Trâm, Trương Quang Hoài, Lê Cảnh Đạm, Lê Thị Bồng, Trương Thị Nhung, Công Huyền Tôn Nữ Thị Xuân, Nguyễn Văn Hoán (người Quảng Nam), cô Tỉnh, thầy Liêu, thầy Huân, Trần Đức Thanh...

Vị hiệu trưởng là đốc học Nguyễn Kỷ sau năm 1940 bàn giao chức vụ cho trợ giáo Nguyễn Tấn Đức - từng dạy lớp Nhất tại trường THQN hơn 20 năm; và thay thế cho các vị đã chuyển đi trường khác, có thêm các thầy cô mới như: Nguyễn Văn Hoán (người Quảng Ngãi), Nguyễn Văn Thông, Lê Thị Song, Phan Quyền, bà Đào Thị Kim Chữ (vợ quan huyện Nguyễn Mậu), thầy An, Nguyễn Thị Tung, Tạ Thị Phương, Thái Đức Nhàn - nguyên là một cựu học sinh trường THQN...

- Giáo chức trường Nữ THQN:

Hiệu trưởng bà Đốc Bính, bà Trợ Quế, cô Tạ Thị Xuân (chị của cô Tạ Thị Phương), cô Huyền Xuân, cô Diệu... Khoảng năm 1944 có thêm cô Lê Thị Song và Nguyễn Thị Tường Vy (con bà Trợ Toản) nguyên cũng là cựu học sinh trường THQN. Riêng bà Trợ Toản - nhà giáo thâm niên nhất của trường Nữ, và cả cô Nguyễn Thị Chánh, cô Hòa cũng có năm dạy cả bên trường Nam THQN.

- Học sinh trường Nam THQN từ 1935-1945:

Trong thời gian 10 năm này, trường đã có hàng ngàn học sinh, nếu chỉ tính số đã học qua lớp Nhất (có 2 lớp A và B) trước khi cuộc chiến Việt - Pháp xảy ra cũng có ít nhất 600 người, trong đó có các học sinh tiêu biểu như: Nguyễn Đức Đệ, Lê Bá, Nguyễn An Mỹ, Nguyễn Viết Lãm, Võ Hữu Chi, Bùi Huy, Nguyễn Văn Nhàn, Vũ văn Chính, Trần Cừ, Bùi Châu, Đinh Tấn Dung, Võ Tá Bá, Nguyễn Trọng Phu, Phạm Ngọc Anh, Bùi Tòng, Phạm Viết Phước, Lương Thế Lịch, Bùi Bốn, Phạm Châu Cung, Phạm Viết Tùng, Lê Trọng Hồ, Hồ Dương, Trương Quang Lục, Lê Phương Lục, Phạm Văn Nông, Từ Đình Huân, Nguyễn Thế Nhơn, Nguyễn Toản, Bùi Phúng, Tạ Công Soại, Lê Châu, Nguyễn Kia, Lê Đại, Trương Quang Tứ, Tạ Ngọc Nhơn, Tạ Ngọc Đường, Lê Hỷ, Lê Trọng Bút, Trương Đăng Liêm, Nguyễn Tấn Đắc, Lương Hữu Thương, Nguyễn Hữu Hòa, Phạm Cẩm Chương, Phạm Ngọc Em, Nguyễn Tấn Luật, Tùng Minh, Trương Ngọc Phú, Thái Minh Liên, Võ Hữu Bá, Trần Cầu, Phạm Viết Tích, Lê Trọng Thích, Đặng Minh Lai, Nguyễn Hùng...
 

 


- Học sinh trường Nữ THQN từ 1935-1945:

Thuộc nhiều lớp tuổi khác nhau, một số nữ sinh tiêu biểu đã học qua lớp Nhất trong thời gian nầy: Võ Thị Khanh, Trịnh Phương Nga, Nguyễn Thị Mỹ, Nguyễn Bích Thu, Trần Cúc Hoa, Nguyễn Thị Cẩm, Phạm Phi Phi, Nguyễn Quỳnh Anh, Võ Thị Thảo, Nguyễn Thoại Dung - sau năm 1940 mở trường Mẫu giáo Tơ Vàng tại thị xã và về sau kết hôn với nhà văn Nguyễn Ngu Í lúc ấy cũng đang dạy học tại Bình Sơn, Võ Hoài Trinh - con tuần vũ Võ Chuẩn thời 1939-1941, tức nhà văn Minh Đức Hoài Trinh, Trần Hồng Thư, Võ Thị Tùng, Nguyễn Thị Thoa, Trần Minh Nguyệt, Trương Thị Hồng, Trần Hông Nhạn, Trần Việt Nghĩa, Nguyễn Hoài Du, Phan Thị Đệ, Nguyễn Tường Ba, Thái Thị Bưởi...

Trong số những nam nữ sinh kể trên, riêng trong các lớp Nhì và Nhất thời trước năm 1940, có người quê quán ở các phủ huyện phụ cận. Tình trạng bất tiện do phải về thị xã ở trọ đi học dần dần được giải quyết, khi các trường tiểu học tại các địa phương ấy lần lượt hình thành: trường sơ đẳng tiểu học Tư Nghĩa - trước do trợ giáo Trần Đức Thanh làm hiệu trưởng - được nâng cấp thành trường tiểu học và mở đến lớp Nhất từ niên khóa 1939-1940 do trợ giáo Phan Tiên làm hiệu trưởng, trường sở đẳng tiểu học Nghĩa Hành (Chợ Chùa) cũng thành trường tiểu học mở đến lớp Nhất (do thầy Nguyễn Diễn phụ trách) từ niên khóa 1941-1942 do đốc học Tôn Thất Cự làm hiệu trưởng.

Học sinh 2 trường nầy vẫn về dự thi tại trường thi THQN. Hai trường tiểu học Sơn Tịnh (Phước Lộc) và Đức Phổ cũng đã thành hình khoảng đầu thập niên 40, thí sinh của 2 trường nầy và cả 2 trường Mộ Đức và Bình Sơn được lập từ trước, cùng được dự khóa thi tiểu học bắt đầu tổ chức ngay tại từng trường. Giám đốc Học chánh thời kỳ này là đốc học Nguyễn Định, nguyên là hiệu trưởng trường tiểu học Mộ Đức đã giao lại cho người kế nhiệm là đốc học Nguyễn Cự.

Mặc dù trên toàn tỉnh đã có tất cả 7 trường tiểu học cùng hoạt động, các trường kia chỉ được coi là trường phủ hoặc trường huyện, riêng trường tiểu học tại thị xã vẫn luôn luôn được gọi là trường tỉnh như là một học đường trung tâm quy mô và lý tưởng nhất.

Và cứ thế học đường THQN, gồm cả trường nam và trường nữ, vẫn tiếp tục công cuộc truyền bá giáo dục tân học căn bản cho lớp thiếu niên. Đặc biệt, những học sinh đậu tiểu học sau năm 1940 có thể theo học các trường trung học tư thục như Cẩm Bàng, Victor Hugo, Trần Du...lần lượt được thành lập tại thị xã do các nhà giáo nguyên cũng đã xuất thân từ trường THQN.

* Nhưng, trường THQN và các trường trong tỉnh, kể cả các học đường trên toàn quốc từ năm 1945, bắt đầu trải qua một thời kỳ biến động lớn lao vì chịu ảnh hưởng các biến cố thời cuộc trọng đại trong nước liên quan đến tình hình thế giới, nhất là khi cuộc chiến Việt-Pháp bùng nổ. Những sự kiện đột ngột nối nhau xảy ra trong thời gian rất ngắn:

- Sinh hoạt học đường - còn thuộc thời “bảo hộ” của Pháp - chưa qua hết niên khóa 1944-1945, bất ngờ đến ngày 9-3-1945 Pháp bị Nhật cướp quyền.

- Các kỳ thi mùa hè 1945 vẫn được tổ chức, vào thời gian ngắn ngủi VN bị Nhật cai trị, thời chính phủ Trần Trọng Kim.

- Niên khóa 1945-1946 tiếp tục khai giảng, các bằng cấp được phát cho thí sinh đã đậu trước đó, nhưng do chính quyền Việt Minh quản lý.

Trường THQN, cũng như các học đường trong hệ thống giáo dục thời Việt Minh, đã có những cải tổ và cải cách về học trình lẫn giáo trình: bậc tiểu học chỉ còn 4 lớp, tạm gọi dễ hiểu là các lớp Một, Hai, Ba, Bốn (tương đương với lớp Nhì nhất niên thời Pháp). Ba lớp cao hơn là lớp Năm (tương đương lớp Nhì nhị niên thời Pháp), lớp Sáu (tương đương lớp Nhất thời Pháp) và lớp Bảy được coi thuộc cấp 2 bậc trung học.

Phần nhiều các môn học cùng nội dung, nói chung cũng tương tự như giáo trình thời Pháp và ngay cả thời nay, nhưng Việt ngữ bắt đầu được sử dụng chính thức và duy nhất trong giảng huấn thay thế tiếng Pháp (quyết định nầy đã có từ thời chính phủ Trần Trọng Kim với bộ trưởng giáo dục Hoàng Xuân Hãn) và Pháp văn, Hán văn, kể cả Anh văn, chỉ còn được coi là môn học ngoại ngữ dành riêng cho các lớp bậc trung học mà thôi.

Như vậy, ngôi trường THQN trong niên khóa 1945-1946 tuy vẫn có 6 lớp, nhưng 2 lớp Năm và Sáu (đổi thành lớp đệ nhất niên và đệ nhị niên) được coi là các lớp bậc trung học. Do đó, niên khóa 1945-1946 có thể coi là thời điểm giáo dục trung học công lập tại Quảng Ngãi thành hình, Và cũng trong khuôn viên trường THQN, trường trung học được đặt tên là Lê Khiết chính thức thành lập và hoạt động do đốc học Nguyễn Vỹ làm hiệu trưởng, được bộ trưởng giáo dục Hoàng Xuân Hãn đích thân giao cho đốc học Nguyễn Vỹ thực hiện (theo hồi ức của cụ Nguyễn Vỹ viết năm 1993: “Trường Lê Khiết thân yêu của chúng ta”). Các trường trung học công lập tại các huyện khác lần lượt cũng được hình thành theo cách tương tự, thường ở những địa điểm thời trước đã có sẵn trường tiểu học.

Tại ngôi trường THQN, có thêm các lớp cấp 2, học sinh bắt đầu làm quen với giáo trình, học trình và nhiều sinh hoạt khác trước. Và học sinh lớp Bốn năm đầu tiên thời Việt Minh dự khóa thi tiểu học tổ chức vào mùa hè 1946, với bài thi ngang trình độ lớp Nhì nhất niên cũ, nên bằng tiểu học được cấp có giá trị kém hẳn thời trước. Trong khóa thi này đặc biệt có cả thí sinh từ trường tiểu học tư thục Tân Dân ở Nghĩa Kỳ (huyện Tư Nghĩa) do vợ chồng nhà giáo văn sĩ Tùng Long - Hồng Tiêu Nguyễn Đức Huy vừa lập trong năm.

Sang niên khóa 1946-1947 trường tiếp tục khai giảng, nhưng chỉ được vài tháng thì cuộc chiến Việt - Pháp bùng nổ. Ngôi trường THQN sau 22 năm tồn tại ở địa điểm thứ hai này, cùng với trường nữ trong nội thành đến tháng 12-1946 đã bị phá hủy do chủ trương tiêu thổ kháng chiến của chính quyền Việt Minh, chịu chung số phận với tất cả công thự và nhà phố kiên cố trong và cả ngoài thành.

Biến cố nầy là một trong những lý do khiến học sinh thị xã trải qua 9 năm phải học tại các trường tạm dựng sơ sài hoặc các lớp học sơ tán rải rác quanh tỉnh thành. Riêng các lớp Năm, Sáu thuộc trung học Lê Khiết sau hơn một năm cùng học ở trường THQN sang đầu năm 1947 lên học tạm ở Chợ Chùa (Nghĩa Hành) rồi chuyển vào trường mới lập ở Sông Vệ.

Trong những tháng đầu năm 1947 học đường thị xã không hoạt động, không chỉ vì ngôi trường THQN không còn nữa mà do cuộc chiến ngày càng quyết liệt. Học sinh phải theo gia đình tản cư đến các xóm làng xa thành phố để tránh bom đạn từ máy bay và tàu Pháp. Vào mùa hè năm 1947, khóa thi tiểu học đã không được tổ chức, như lệ thường và liên tục suốt 29 năm kể từ năm 1918.

* TRƯỜNG TẠM NGHĨA LỘ và CHỢ CŨ (thời chiến tranh Việt-Pháp 1947-1954).

Tình hình tạm lắng dịu, thầy trò từ các nơi tản cư lại trở về thị xã và niên học 1947-1948 lại bắt đầu nhưng học tạm tại nhà riêng trợ giáo Nguyễn Tấn Đức, rồi dời đến ngôi trường tranh Nghĩa Lộ vừa dựng, hiệu trưởng là thầy Thái Đức Nhàn dạy lớp nhất và cô Võ Thị Thảo dạy lớp nhì (tại vị trí sau năm 1955 là trường Tư Chánh A) thuộc Phú Mỹ Trung.

Trường tạm Nghĩa Lộ cũng là nơi tổ chức kỳ thi tiểu học mùa hè 1948, đó là khoa thi cuối cùng thời Việt Minh (đến năm 1955 thời VNCH lại được tổ chức). Sau đó học sinh lớp Bốn không phải dự thi tiểu học cuối năm, nhưng muốn học tiếp lớp đệ nhất niên thuộc cấp 2 bậc trung học phải qua kỳ thi tuyển khó khăn. Ngoài trường tạm Nghĩa Lộ, còn có trường tạm Chợ Cũ ở khu Bắc Lộ, cùng có học sinh nam nữ học chung.

Cả 2 trường chỉ có ít lớp học nhưng lớn hơn nhà dân cư, nên dễ trở thành mục tiêu oanh tạc (như thực tế trường Lê Khiết ở Sông Vệ đã bị trúng bom ngày 21-3-1949, cô Trần Cúc Hoa và 18 học sinh thiệt mạng), vì thế còn có nhiều lớp học sơ tán, thường phải di chuyển qua các nhà dân rải rác ở xóm Thạch Bích, Cửa Bức và vài lớp học lợp tranh gần Hành cung trong nội thành.

Học đường bất ổn do thời thế biến chuyển, nên thành phần giáo chức trường THQN cũng có nhiều thay đổi. Hiệu trưởng Nguyễn Tấn Đức được thầy Thái Đức Nhàn thay thế, rồi nhà giáo nầy chuyển sang trường Lê Khiết và giao quyền hiệu trưởng cho thầy Hồ Dương. Một số giáo viên khác cũng lần lượt sang dạy các trường trung học Lê Khiết, Bình Dân, Rừng Xanh... hoặc các trường trung học tư thục Chấn Hưng, Lê Trung Đình và các trường tiểu học khác.

Cũng có một số thầy người ngoại tỉnh đã chuyển về nguyên quán, lại có người không được lưu dụng... Trường THQN thời kỳ nầy có các giáo viên mới và trẻ, tiêu biểu như: Lê Trọng Thích, Võ Thị Thảo, giáo Bút, giáo Khoát, cô Huê... Khoảng sau năm 1951, vị trưởng ty Giáo dục Quảng Ngãi là Nguyễn Định.

Một số học sinh vùng thị xã tiêu biểu trước năm 1950, trong đó có những người đã từng học trường THQN tại địa điểm chính lúc 2 ngôi trường chưa bị phá hủy, có thể kể đến: Trương Ngọc Phú, Trần Hoạch, Lê Trọng Trác, Trương Văn Thuận, Lê Xuân Địch, Nguyễn Anh Triết, Nguyễn Minh Anh, Hồ Phi, Bùi Ngoạn, Nguyễn Hữu Danh, Nguyễn Hữu Dinh, Nguyễn Ba, Nguyễn Hữu Khóa, Tạ Hào, Nguyễn Trí, Trần Tế Á, Thái Đức Lai, Thái Đức Xuân, Bùi Nhung, Võ thị Thúy, Phan Thị Hường, Trương Thị Hòa, Phan Thị Minh, Thái Thị Lộc, Tạ Thị Chiểu...

Tuy cùng là học sinh của trường THQN, nhưng do học tại các lớp phân tán nên không có dịp để biết mặt bạn học ở các lớp khác. Tuổi tác trong cùng lớp học vào thời này rất chênh lệch, vì việc học hành bị trở ngại do chiến tranh, và nhiều học sinh phải mất hơn năm sáu năm mới học xong 4 lớp bậc tiểu học.

* Sinh hoạt không ổn định của học đường tại tỉnh thành vẫn tiếp diễn suốt những năm đầu thập niên 1950. Đây là những năm thật ra đã thuộc vào phần nửa sau của thế kỷ XX, nhưng phần trình bày về hoạt động của trường THQN sẽ được nối tiếp thêm đến sau năm 1955, khi ngôi trường tiểu học này được tái lập tại vị trí mới nơi có thể được coi là địa điểm chính thứ ba, vào thời kỳ Quảng Ngãi và các tỉnh miền Nam thuộc chính quyền VNCH vừa được thành lập sau hiệp định Genève 1954.

Niên khóa 1954-1955, khi ngôi trường chính thức đang được xúc tiến xây dựng, nam nữ học sinh thị xã vẫn đi học tại các trường lớp tạm ở Chợ Cũ, lớp ở xưởng dệt trong Cống Kiểu, lớp ở phía trong ngã tư chính, lớp ở nhà riêng của thầy Lê Trọng Thích do các thầy Trần Châu, cô Tạ Thị Phương, cô Phan Thị Minh...phụ trách, sau giao lại cho các thầy Huỳnh Văn Hòa, Lê Trọng Thích, Hồ Phi, Phạm Viết Phước và thầy Phạm Viết Tuệ kiêm hiệu trưởng.

Trong năm đầu tiên thời VNCH nầy (tỉnh trưởng Phạm Đình Nghị), trưởng ty THQN là đốc học Nguyễn Vỹ (sau Cụ chuyển vào sinh sống suốt 50 năm ở Nha Trang, vẫn tiếp tục hoạt động trong ngành giáo dục cho đến khi về hưu, và đã qua đời năm 2004 hưởng thọ 104 tuổi), trưởng phòng nhân viên của ty là trợ giáo Võ Đình Dương.

Đặc biệt học đường bậc tiểu học ở miền Nam Việt Nam cũng từ năm 1954 được chính thức quy định có 5 lớp, là các lớp tính từ thấp lên cao: Năm, Tư, Ba, Nhì, Nhất.

Các vị trưởng ty THQN kế nhiệm đốc học Nguyễn Vỹ từ năm 1956 về sau lần lượt là:

- Trương Cảnh Ngôn (Huế),
- Lê Hữu Dục (Bắc),
- Ngô Văn Phi (Bắc),
- Lê Xuân Địch (Quảng Ngãi).

Sau năm 1970, ty Tiểu học được cải danh là sở Học chánh phụ trách cả trường trung học và vị chánh sở là Phạm Văn Chất (Quảng Ngãi)

III. ĐỊA ĐIỂM THỨ BA (từ năm 1955 thời VNCH).

Được xây dựng trong khu vực cũ của nhà công quán Bungalow, ở vị trí giữa Cống Kiểu và khuôn viên cũ - địa điểm thứ 2 - của trường THQN (đã bị phá hủy năm 1946, trong năm 1955 đang được xây dựng lại nhưng trở thành trường trung học Trần Quốc Tuấn). Tại địa điểm thứ ba nầy, trường thu nhận học sinh khắp vùng thị xã và cả các thôn Phú Mỹ, Cửa Bức, Cửa Đông, Tàu Tượng, Thạch Bích.

Trong trường có 10 phòng học xây gạch lợp ngói đã được dựng xong dành cho nam sinh, do nhà giáo Nguyễn Huy Phái làm hiệu trưởng, lại có 5 phòng học lợp tranh cho 5 lớp nữ sinh do nhà giáo Tạ Thị Phương phụ trách. Các lớp nữ sinh vẫn học tại đây 2 năm rồi dời về ngôi trường xây dựng trong nội thành từ niên khóa 1957-1958.

Những năm kể từ 1955 về sau, hòa bình đã vãn hồi trong cả nước, công cuộc giáo dục tại tỉnh nhà đã nhanh chóng ổn định và phát triển. Hàng trăm trường bậc tiểu học (cùng hàng chục trường trung học) được thành lập khắp nơi để thiếu niên trong tỉnh được học hành ngay tại địa phương, và được dự thi tại trường khi khóa thi tốt nghiệp bậc tiểu học được tái lập.

Như vậy, từ đó trường THQN thực sự không còn giữ vai trò quan trọng trung tâm của tỉnh như thời trước nữa, và chỉ dành riêng cho học sinh vùng thị xã với số lượng đang tăng cao. Do đó, khi trường THQN, lại một lần nữa được phân ra 2 trường nam và nữ riêng, đã được đặt tên thích hợp với hoàn cảnh mới:

* TRƯỜNG NAM TIỂU HỌC THỊ XÃ QUẢNG NGÃI:

Tại trường mới, một thế hệ học sinh mới ở thị xã được theo học với các thầy cô mới: cô Bích Đào, Hà Thị Như Ý, cô Xuân, Nguyễn Công Chánh, Tôn Thất Đào, Phùng Văn Lộc, cô Hường, Hoàng Thị Sinh, và vị hiệu trưởng là Nguyễn Huy Phái, đặc biệt lại có thầy Nguyễn Văn Hoán đã từng dạy học tại trường nam THQN thời giữa thập niên 1940 - lúc ấy là nhà giáo thâm niên hơn 30 năm và nguyên cũng là học sinh trường THQN thời mới lập trong nội thành.

Chú thích hình: Các thầy cô trường nam THQN niên khóa 1955-1956.
Hàng trước, từ trái sang: Thầy Nguyễn Văn Hoán, Nguyễn Huy Phái, cô Bích Đào, cô Hà Thị Như Ý, cô Xuân.
Hàng sau, từ trái sang: Thầy Nguyễn Công Chánh, Tôn Thất Đào, Phùng Văn Lộc, cô Hường, Hoàng Thị Sinh.

Các vị hiệu trưởng trường Nam THTX lần lượt kế nhiệm cho đến tháng 4-1975 là:

- Cao Văn Minh (Quảng Ngãi)
- Nguyễn Văn Thanh (Huế)
- Lê Văn Nha (Quảng Ngãi)
- Nguyễn Hữu Tương (Quảng Nam).

* TRƯỜNG NỮ TIỂU HỌC THỊ XÃ QUẢNG NGÃI:

Địa điểm trong nội thành được chọn để xây dựng, đúng ra là tái lập trường Nữ Tiểu Học Thị Xã, rất hợp lý và đầy ý nghĩa. Chính là trong khuôn viên của trường THQN thời 1913-1925, trường nữ sơ đẳng tiểu học thời 1925-1935, và đã là trường Nữ THQN thời 1935-1946.

Sau khi được xây dựng lại, trường Nữ Tiểu Học Thị Xã Quảng Ngãi chính thức khai giảng từ niên khóa 1957-1958, với 10 phòng học có thể thu nhận 500 học sinh thuộc mọi thành phần gia đình ở thị xã và vùng lân cận, khác với trước kia nữ sinh hầu hết là con nhà khá giả. Các vị giáo chức của trường những năm đầu tiên: Cô Tố Loan, cô Thanh Quang, cô Hồng, cô Nga, cô Quỳnh Hoa, cô Thủy, cô Tâm, cô Thoa.

Vị hiệu trưởng của trường là bà Tạ Thị Phương, nguyên đã là nhà giáo tại trường Nam THQN thời 1944-1946.


Chú thích hình:
Giáo chức trường Nữ Tiểu Học Thị Xã trong khu nội thành niên khóa 1957-1958
Từ trái sang, hàng trước: Cô Tố Loan, cô Thanh Quang, cô Hồng, bà hiệu trưởng Tạ Thị Phương, cô Nga.
Hàng sau từ trái sang: Cô Quỳnh Hoa, cô Thủy, cô Hòa, cô Tâm, cô Thoa.

C. PHẦN KẾT.

Nay sang đầu thế kỷ XXI, ngôi trường có thể coi là hậu thân của trường THQN tại địa điểm thứ ba - từ năm 1955 với bảng hiệu Tiểu Học Thị Xã và sau năm 1975 đổi thành tiểu học Nguyễn Nghiêm - vẫn còn tồn tại, và ngôi trường THQN tại địa điểm thứ hai nay không dành cho bậc tiểu học nữa nhưng may mắn vẫn là một học đường (trung học Trần Quốc Tuấn).

Tuy nhiên, ngôi trường THQN tại vị trí khởi thủy lập năm 1913 trong khu nội thành, qua bao vật đổi sao dời đã bị phá hủy năm 1946, được dựng lại năm 1957 dành cho nữ sinh thị xã, bị giao cho cơ quan quân sự năm 1967, và đã bị đập bỏ hẳn sau năm 1975 - hiện nơi nầy có các căn nhà dân cư đã được xây dựng.

Ngôi trường đầu tiên ấy đã là nơi xuất thân của các bậc thầy của các vị thầy tân học bản tỉnh, đã dày công vun bồi tri thức căn bản cho hàng vạn thiếu niên Quảng Ngãi qua nhiều thế hệ, để rồi về sau không ít người đã thành công và thành danh như là những nhân tài cho quê hương đất nước.

Thực sự, ngôi trường THQN khởi thủy chính là chiếc nôi của giáo dục tân học và chữ quốc ngữ, nên cũng là công trình độc nhất có giá trị hàng đầu trong lịch sử hình thành và phát triển văn hóa giáo dục của tỉnh nhà trong thế kỷ XX và tương lai lâu dài về sau.

Ngôi trường tân học xưa nhất Quảng Ngãi nay không còn dấu tích gì nữa để có thể được tôn tạo hoặc trùng tu. Nhưng trên khuôn viên cũ rất nên tái lập một học đường bậc tiểu học, như là một công trình có giá trị bảo tồn vĩnh viễn một địa điểm lịch sử của nền quốc học tại tỉnh nhà, một công trình đáng được quan tâm thực hiện, trước bất cứ dự án xây cất trường học nào khác sẽ luôn được đề ra để đáp ứng nhu cầu giáo dục không ngừng phát triển.

Một nhà bảo tàng giáo dục cũng rất có ý nghĩa để được xây kèm theo, là nơi thu thập và bảo lưu di tích, hình ảnh, tài liệu cũ liên quan đến ngôi trường và tất cả những trường tiểu học khác trong tỉnh. Và đặc biệt một tấm bia kỷ niệm cũng cần được dựng để vinh danh những nhà giáo tân học tiên phong - những bậc thầy của các vị thầy của tất cả học trò Quảng Ngãi.

PHẠM ĐÔNG VĂN

LỜI CẢM TẠ:

Để hoàn thành bài biên khảo nầy, người viết cũng đã được cung cấp tư liệu cùng hình ảnh từ quý đồng hương và thân hữu Quảng Ngãi:

* Gia đình cố nhà giáo Nguyễn Huy Phái - nguyên hiệu trưởng trường Nam THTXQN và thanh tra THQN thời 1955-1963

* Nhà giáo Tạ Thị Phương (bà Võ Bảo) giáo chức trường THQN thời 1944-1946, nguyên hiệu trưởng trường Nữ THTXQN và thanh tra THQN thời 1955-1975.

* Ông Lương Thế Lịch và bà Trần Việt Nghĩa, cựu học sinh trường THQN thời 1938-1945

* Cùng quý vị cựu học sinh trường THQN lần lượt từ năm 1925 đến 1948:

Phạm Am, Hồ Văn Đồng, Nguyễn Trọng Phu, Trần Dũ Khiêm tức nhà báo Thinh Quang, Nguyễn Hữu Hy, Đặng Thế Vinh, Từ Đình Huân, Trần Hồng Nhạn (bà Nguyễn Diễn), Tạ Công Soại, Tạ Hào, Hồ Phi, Lê Xuân Địch - nguyên thanh tra, trưởng ty Tiểu học và Phó sở Học chánh Quảng Ngãi thời 1965-1975.

Xin chân thành biết ơn quý vị và tất cả quý đồng hương đã có lòng khuyến khích và tận tình giúp đỡ. Nội dung bài viết nầy như đã trình bày, hẳn không tránh khỏi ít nhiều sai sót về chi tiết của một số danh xưng, sự kiện, thời điểm...

Kính mong được sự góp ý thêm của quý vị để sửa đổi và bổ túc.

Trân trọng,
Phạm Đông Văn.



 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh