Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 09, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Văn học
MỖI NĂM MỖI THẮP ĐÈN TRỜI
NGUYỄN ĐỨC LẬP


Ơi người lữ khách,

Có một bữa nào đó, đi qua một xóm nghèo, mái lá thô sơ, con đường đất đỏ bụi mờ, lùm tre khóm trúc phất phơ, lữ khách tình cờ nghe được một câu hát ru em nhừa nhựa, ngái ngủ giữa bữa trưa hè:

Mỗi năm mỗi thắp đèn trời
Cầu cho cha mẹ sống đời với con.

Lữ khách sẽ hỏi rằng câu nầy mang ý nghĩa gì đây, và đèn trời là cái đèn ra làm sao?

Trước hết, câu hát đơn sơ ấy đã nói lên tấm lòng hiếu thảo của một người con Việt Nam đối với hai đấng sanh thành.

Theo tục lệ của người Việt Nam xưa, mỗi năm, vào Rằm tháng Giêng, những người còn có cha, có mẹ, thường bày một mâm lễ vật ra ngoài sân. Họ đứng giữa trời đất, giữa hương khói mông lung, cầu nguyện cho sức khoẻ, cho tuổi thọ của cha mẹ. Trong dịp nầy, họ sẽ đốt một cặp đèn cầy lớn, thường thì chánh tay họ làm lấy bằng sáp ong. Họ đã thận trọng trong việc mua sáp, đã tỉ mỉ trong kỹ thuật se tim đèn, đã cẩn thận trong lúc nấu sáp làm đèn để sao cho cây đèn khi thắp lên sẽ cháy sáng, không bị tắt nửa chừng, không bị lụn tim, không bị sáp nhão…

Và cái ngọn đèn tỏ thâu đêm suốt sáng giữa trời ấy tượng trưng cho sức khoẻ của cha mẹ, cho tuổi thọ của cha mẹ mà người hiếu tử thường mong ước.

Lữ khách ơi, người đã đi khắp năm non bảy núi, khắp năm châu bốn bể, người có thấy một dân tộc nào hiếu thuận như dân tộc Việt Nam không?

Lữ khách có vẻ còn hoài nghi ư? Thì đây, tôi mời lữ khách nghe vài câu ca dao, những câu ca dao mà hầu hết các trẻ em Việt Nam đều thuộc lòng từ hồi còn nhỏ xíu, để nhắc nhở cho các em công lao bằng trời, bằng biển của hai đấng sanh thành.

Công cha nặng lắm, cha ơi
Nghĩa mẹ bằng trời, chín tháng cưu mang.

Hoặc là:

Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.

Một đứa trẻ lớn lên, luôn luôn được nhắc nhở đến công ơn của cha mẹ. Hồi nào đứa trẻ được sanh ra, còn đỏ hon hỏn, bằng cườm chưn, bắp cẳng, nằm gọn lỏn trong đống chăn, tả, rồi nhờ ai mà nên vóc nên hình, nhờ ai mà cơm no áo ấm, nhờ ai mà được học được hành, nên người hữu dụng. Luân thường từ ngàn xưa dạy dỗ cho đứa con phải ăn ở làm sao cho tròn hiếu đạo:

Cha sinh mẹ dưỡng
Đức cù lao lấy lượng nào đong
Thờ cha mẹ ở hết lòng
Ấy là chữ hiếu dạy trong luân thường.

Người con nào cũng biết rằng:

Có cha sanh, mới có ta
Làm nên thì bởi mẹ cha vun trồng.

Con người đâu có ai ở đất nẻ chun lên. Người nào cũng do tinh huyết của cha mẹ, chín tháng cưu mang, ba năm nhũ bộ mới ra được nên hình. “Cha nào con nấy”, “dòng nào giống nấy”, như người xưa đã nói:

Trứng rồng lại nở ra rồng
Hạt thông lại nở cây thông rườm rà.


Làm con phải giữa tròn hiếu đạo, mà “tròn hiếu đạo” là phải làm sao đây?

Ở Trung Hoa, ông Khổng Tử đã nói rằng: “Nói rằng nuôi được cha mẹ là hiếu, thì giống chó, giống lừa, người ta cũng nuôi vậy, nuôi mà không có kính trọng lấy gì phân biệt?”

Trong khi đó, ca dao Việt Nam đã có biết bao nhiêu bài học để dạy dỗ cho con người giữ tròn hiếu đạo,

Trước hết, đạo hiếu dạy rằng làm con phải biết vâng lời dạy dỗ của cha mẹ:

Mẹ cha là biển là trời
Làm sao con dám cãi lời mẹ cha.

Khi cha mẹ già yếu, đạo làm con phải sớm hôm chăm sóc, dù cho cha mẹ có nghèo nàn, bịnh hoạn:

Mẹ già ở túp liều tranh
Sớm thăm, tối viếng mới đành dạ con.

Là bởi vì, cha mẹ đã đầu bạc răng long, ví như ngọn đèn leo lắt trước gió, ví như trái chín trên cây, một ngày còn ở thế gian là một ngày của trời.

Đạo làm con phải luôn luôn tìm kiếm những món ngon vật lạ để dưng lên cho cha mẹ, mong cho cha mẹ hưởng được hạnh phúc ấm êm trong những khoảng ngày còn sót lại của cuộc đời:

Tôm càng lột vỏ bỏ đuôi
Giã gạo cho trắng mà nuôi mẹ già.

Hay là:

Năm tiền một khứa cá bôi
Cũng mua cho đặng mà nuôi mẹ già.

Người hiếu tử Việt Nam là vậy đó, dù nghèo dù khó, dù phải ăn cơm gạo hẩm, cũng phải ráng chạy vay, tìm miếng ngon vật lạ để dưng cho mẹ cho cha.

Đôi lúc, người con còn phải nhịn ăn nhịn uống, để thức ăn nuôi cha già mẹ yếu, còn bản thân mình thì rau cỏ qua ngày, cũng lấy làm vui thích trong dạ vì đã phụng dưỡng được cha mẹ già.

Đói lòng ăn đọt chà là
Để cơm nuôi mẹ, mẹ già yếu răng.

Cũng có những thằng con bất hiếu, nuôi được cha mẹ một, hai, ba bữa đã kể lể, tính công, tính của, đã lên mặt mà khinh rẻ cha mẹ. Đối với những thằng con trật búa nầy, ca dao Việt Nam cũng có nhắc nhở:

Cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng
Con nuôi cha mẹ, con tính tháng tính ngày.

Những thằng con trật bàn đạp tính tháng, tính ngày với cha mẹ vì nó coi đồng tiền là trọng, nó quên công ơn cha mẹ, nó không nhớ nhờ vào đâu mà nó nên vóc nên hình. Nó quên rằng nó đâu phải là con bọ hung “nứt đất mà chun lên”. Nó quên mất:

Thương thay chín chữ cù lao
Ba năm nhũ bộ biết bao nhiêu tình.

Nó đâu có hiểu rằng, con người bất hiếu, bất đạo, dẫu cho có vàng kho, bạc đống, cũng không ai coi ra gì.

Những cô gái khôn ngoan, kén chồng, cũng phải nhìn coi người mình định trao thân gởi phận có phải là kẻ biết tròn đạo nghĩa, tròn hiếu, tròn trung hay không:

Quân vi thần cang
Phụ vi tử cang
Phu vi thê cang
Giã tam cang tối thiện
Anh giữ trọn ba giềng
Em nguyện gởi thân.

Trong đời của một người con, không gì buồn bằng phải xa cha xa mẹ. Ngày nào còn ở bên cạnh mẹ cha, được cha mẹ săn sóc, nâng dắt, lo cho từng tấm áo manh quần, lưng cơm, miếng nước, mà giờ cha mẹ già yếu, thân con lại ở xa, không còn trong tay, bên gối, lòng người con nào không xót xa:

Chiều chiều lại nhớ chiều chiều
Bâng khuâng nhớ mẹ chín chiều ruột đau.

Cho dù ở nơi ký ngụ có muôn hồng ngàn tía, có đủ mọi trò vui, vẫn không làm người con quên được xóm cũ, nơi đó có cha yếu, mẹ già:

Ngó lên ngó xuống thì vui
Ngó về xóm cũ, bùi ngùi nhớ thương.

Vì hoàn cảnh, vì công ăn việc làm, vì đủ mọi lý do, mà khiến cho người con phải đi xa, cho dù ở đâu chăng nữa, người con vẫn không thấy đầy đủ bằng ở nhà với cha, với mẹ. Bởi vì:

Gió đưa cây cải lý hương
Từ xa cha mẹ thất thường bữa ăn.

Mỗi khi xong việc, trở về nhà riêng, không có bóng mẹ hiền, lòng người con nào lại không ngậm ngùi, xót xa:

Ngó lên nhang tắt, đèn mờ
Mẫu thân đâu vắng, bàn thờ lạnh tanh.

Rồi khi trên bước đường lưu lạc, người con gặp mối lương duyên kỳ ngộ, lập gia đình ở nơi xa, mặc dù ấm êm hạnh phúc bên cạnh người bạn đường, trong mái nhà đầm ấm, vẫn không khỏi cảm thấy đau đớn, xót xa:

Ngó lên hòn kẽm đá dừng
Thương cha nhớ mẹ quá chừng bạn ơi.

Đối với tình cảm nầy của chồng, người vợ cũng phải thông cảm, tuy nhiên vẫn còn căn dặn:

Thương cha nhớ mẹ thì về
Nhược bằng nhớ kiểng nhớ quê thì đừng.

Có nhiều người con, mặc dù ở bên cạnh cha mẹ, nhưng khi gặp người yêu, gặp tiếng sét ái tình, quên cả lời răn dạy của cha mẹ, để nói chắc với người yêu:

Cha mẹ anh có đánh quằn, đánh quại
Bắt anh treo tại nhành dương
Biểu từ ai thì anh từ đặng
Chớ biểu từ người thương, anh không từ.

Đã trót yêu rồi, mả tổ để đâu còn không nhớ, nói chi tới lời răn dè của cha mẹ, nhiều chàng trai còn bợm trợn, liều mạng:

Anh thương em, trầu hết lá lươn
Cau hết nửa vườn, cha với mẹ nào hay
Dù mà cha mẹ có hay
Nhất đánh, nhì đày hai lẽ mà thôi
Gươm vàng để đó em ơi
Chết thì chịu chết, lìa đôi, anh không lìa.

Có nhiều cô gái, khi lập gia đình, biết tuân theo lời mẹ cha:

Mẹ mong gả thiếp về vườn
Ăn bông bí luộc, dưa hường nấu canh.

Có nhiều cô, “gái bén hơi trai, thài lài gặp cức chó”, bàn thờ ông bà, ông vải còn đội đi theo, hà huống là cha, là mẹ:

Vai mang khăn gói sang sông
Mẹ kêu mặc mẹ, có chồng con phải theo.

Đối với những người con, trai hay gái, vì chuyện tình duyên, vì chuyện vợ chồng, quên cả mẹ cha, ông bà mình nhắc nhở:

Mất mẹ mất cha
Thiệt là khó kiếm
Chớ đạo vợ chồng, chẳng hiềm gì nơi.

Những người con gái vì tình yêu, mà phải lấy chồng xa xứ, đã được nhắc nhở:

Con chim đa đa đậu nhánh đa đa
Chồng gần không lấy, bậu lấy chồng xa
Mai sau cha yếu mẹ già
Chén cơm, đôi đũa, bộ kỷ trà ai dâng?

Rồi có những cô gái, tình duyên ngang trái, kiếm đường cạo đầu đi tu, một là làm nư, hai là tu thật, dầu cho thiệt hay giả, cũng điều nghe được lời khuyên:

Tu đâu cho bằng tu nhà
Thờ cha kính mẹ hơn là đi tu.

Hoặc là:

Chuối chát, măng chua
Bốn mùa em chịu khổ
Em tu hành, anh chỉ chỗ cho em tu
Kìa kìa hai đấng Phật sanh
Cha già mẹ yếu, sao em đành đi tu.

Ơi người lữ khách,

Lữ khách đã nghe những câu hò điệu hát nói lên hiếu đạo luân thường của người con Việt Nam đối với cha mẹ.

Đạo hiếu nầy không phải chỉ có khi cha mẹ còn sống, mà vẫn đeo đuổi người con cho đến suốt đời, cho dù cha mẹ đã chết. Người con không dám làm điều gì trái đạo để phải tủi hổ vong linh của ông bà, cha mẹ. Người con lúc nào cũng thương mẹ nhớ cha:

Thương mẹ nhớ cha
Như kim châm vào dạ
Nhớ đến chừng nào là hạ tuôn rơi

Trong đời, không có gì hạnh phúc cho bằng còn mẹ còn cha, bởi vì khi cha mất thì:

Còn cha gót đỏ như son
Một mai cha thác, gót con như bùn.

Một khi đã mất cha, gia đình như con thuyền không lái, tương lai của con cái không biết về đâu, giống như trái bòn bon trôi nổi theo cơn lụt nguồn:

Lụt nguồn trôi trái bòn bon
Cha thác, mẹ còn, chịu chữ mồ côi
Mồ côi khổ lắm ai ơi!
Vui chẳng dám cười, buồn chẳng dám than.

Tuy rằng, “mất cha còn chú, mất mẹ níu vú dì”, nhưng, thói thường:

Giàu cha giàu mẹ thì ham
Giàu cô, giàu bác, ai làm nấy ăn

Ơi người lữ khách,

Luân lý ngàn xưa của người Việt là như vậy đó. Bời vậy “trung thần xuất ư hiếu tử”, các người con hiếu Việt Nam đã góp công xây dựng đất nước, xây dựng xã hội.

Ngày nay, cộng sản chủ trương tam vô, dạy con cái rình cha, tố mẹ. Còn ở hải ngoại, nhiều đứa con trời đánh thánh đâm, tưởng rằng học được ít nhiều trong xã hội mới, rồi lên mặt hỗn hào với cha với mẹ. Những đứa nầy, có bao giờ tự hỏi nhờ đâu nó nên vóc nên hình?

Lữ khách ơi,

Chiều chiều chim vịt kêu chiều
Bâng khuâng nhớ mẹ chín chiều ruột đau

NGUYỄN ĐỨC LẬP

* * *

Xem bài cùng tác giả, click vào đây
Xem bài trên trang Văn học, click vào đây
Trở về trang chính: www.nuiansongtra.com  


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh