Hai ngày 22 và 23 tháng 3 năm 1975, Cộng sản mở đợt tấn công tiền pháo hậu xung vào các Chi khu và Thị xã Quảng Ngãi, cho nên cha của Hồng là Cảnh sát phải ở lại tại chỗ làm. Lệnh cắm trại 100%. Trong những ngày ấy, đường phố vắng vẻ, buồn thiu, không thấy bóng người qua lại khi màn đêm buông xuống. Bỗng dưng ông Hà trở về nhà lúc 9 giờ tối đêm 23 bằng xe Honda. Theo sau ông, là anh cảnh sát trẻ tên Hòa lái chiếc xe Jeep:
“Em Đi ơi! các con ơi! lên xe mau ra Chu Lai!’’.
Tiếng kêu hấp tấp cuả ông Hà làm cho mấy mẹ con run cầm cập, trèo lên xe không nỗi. Anh Hòa vội vã ôm mấy đứa nhỏ liệng lên ghế phía sau. Bà Đi đang mang thai đứa con 7 tháng, bà cố gắng trèo lên ngồi ghế trước. Bà nghe rõ tiếng chồng ân cần bên tai:
“Em cẩn thận cái bầu’’.
Thằng cu em chưa được ba tuổi sợ hãi, đòi lên với mẹ, Hồng đưa em lên ghế trước ngồi dưới chân mẹ. Chiếc xe Jeep vội vàng lăn bánh. Khi xe vừa mới đến ngã tư Quang Trung và Trần Thúc Nhẫn, thì đoàn người và xe cộ đông như kiến, kêu réo nhau chạy giặc. Xe Honda ông Hà bám sát theo sau, ông dặn dò anh Hòa lái xe:
“Chạy cẩn thận, chị em đang mang thai’’.
Xe chạy rất chậm qua cầu Trà Khúc, ra khỏi Quận Sơn Tịnh khoảng vài trăm mét thì bị pháo kích dữ dội, Việt Cộng bắn đạn thẳng vào đoàn người di tản. Xe thiết giáp M113 và những đơn vị bộ binh mở đường, giao tranh cận chiến với địch ở phía trước, để bảo vệ cho người dân di tản theo.
Trời mới mờ mờ sáng ngày 24/3/75. Chiếc xe Jeep chở mấy mẹ con bà Đi vừa đến cầu Ô Sông thuộc địa phận xã Bình Phương, Bình sơn (1). Xe bị trúng mảnh đạn xẹp hai bánh trước. Cộng sản phá sập cầu để chận đoàn người chạy ra...Ông Hà đi xe Honda đã bị thất lạc từ đoạn đường cây số 11, ranh giới giữa xã Sơn Hương, quận Sơn Tịnh (2) và Bình Sơn. Bà Đi lâm râm khấn vái Trời Phật phù hộ cho chồng bà tai qua nạn khỏi. Bầy con kêu khóc sụt sùi:
“Cha ơi! cha ơí! cha ở đâu rồi?’’
Tiếng súng đã dịu bớt, bộ đội miền Bắc đã xuất hiện trên đường Quốc lộ Một. Chúng phối hợp với quân du kích địa phương và bọn nội tuyến đeo khăn đỏ chận bắt Dân-Quân-Cán-Chính VNCH. Số bị bắt dẫn đi, số bị bắn chết tại chỗ vì bị trả thù cá nhân. Nhìn gương mặt mấy tên du kích hầm hầm sát khí, tay ghi súng chĩa thẳng vào đám đông quát nạt:
“Ai là ngụy quân, ngụy quyền đứng ra một bên? – Dân đứng qua một bên’’ (họ đuổi dân trở vô lại thị xã).
Thế là, không có một người nào đi ra được nữa, Cộng quân có đại pháo 122 ly và chiến xa T54 yểm trợ, lăn bánh dẫm nát trên xác người, kéo ra hướng Bắc, tiến về phi trường Chu Lai.
Anh Hòa vừa nhảy ra khỏi xe, chưa kịp dấu cây súng và cởi quần áo để che đậy thân phận thì bị du kích bắn tại chỗ. Họ kết tội anh ta: “Ác ôn, có nợ máu với nhân dân’’…Chúng hành quyết anh trước mặt mấy mẹ con bà Đi.
Đoàn người chạy loạn sửng sốt, bàng hoàng chứng kiến một cảnh hãi hùng, dã man của bọn du kích. Hồng ngậm ngùi, xúc động, run lập cập bước xuống xe, chạy đến bên xác anh Hòa nằm dưới bờ ruộng, chấp tay cầu nguyện và vuốt mắt anh Hà. Hồng kêu than thảm thiết:
“Trời đất ơi!...Trời đất ơi!....Anh Hoà tắt thở rồi mẹ ơi!’’
Bà Đi cùng mấy đứa trẻ vội vã bước xuống xe, chạy đến bên Hồng. Bà quá xúc động, ôm lấy con kề tai nói nhỏ:
“Con đừng nói tiếng lớn, họ nghe được giết hết mẹ con mình!’’
Hồng đau nhói trong tim, nước mắt tuôn trào lên hai gò má, trên gương mặt hốc hác, thương cho anh cảnh sát trẻ, vui hiền, đẹp trai. Hơn thế nữa lần đầu tiên trong đời Hồng, chàng thanh niên nầy đỡ Hồng lên xe trong vòng tay trìu mến, trong lúc Hồng bối rối mất tinh thần, không trèo lên xe được nữa.
Dân chạy giặc đành phải quanh trở vô lại Thị xã Quảng Ngãi để về nhà.
Trên đường, xe cộ đủ loại bị trúng đạn bốc cháy, nằm ngổn ngang, xác người chồng chất lên nhau, máu me dính đầy quần áo, loang trên đường, trên bờ ruộng thấm mùi hơi thịt lẫn hơi sương, thoảng trong gió sớm buổi sáng.
Mẹ con bà Đi dìu dắt nhau đi vào lại Thị xã. Trên đường về nhà, gần đến cầu Bồ Đề (3) thuộc xã Sơn Long (4) thì mặt trời đã ngả về hướng Tây, thằng cu em nôn mửa, có lẽ nó bị hít thở khói thuốc súng, còn thằng cu anh thì kêu đau chân và đói bụng…Hồng đi vào làng xin gạo, mượn cái soong nấu một nồi cháo, mang ra cho mọi người cùng ăn. Bà gìa cho gạo căn dặn:
- Cháu nhớ đừng cho du kích biết bà cho gạo, họ làm khó dễ gia đình bà khổ lắm nghen con.
- Dạ cháu nhớ, cháu xin cảm ơn bà.
Mẹ con bà Đi thoát khỏi bao hiểm nguy, may mắn mới được sống sót, và cũng nhờ nồi cháo nên mấy mẹ con bà Đi có đủ sức lội bộ về tới nhà, đúng vào lúc 10 giờ đêm 24/3/75. Bà cảm thấy: “có một phép lạ, nhiệm mầu che chở cho mấy mẹ con bà’’.
Sáng hôm sau, Hồng dậy thật sớm, ngủ không được vì bị ám ảnh bởi những xác chết trên đường, trong đó có anh Hòa, Hồng suy nghĩ miên man đến số phận của cha, không biết ông còn sống hay đã chết, giờ nầy lưu lạc nơi nào?
Đợi cho đến 5 giờ sáng, Hồng đánh thức mẹ dậy, để cùng đi vào Sông Vệ, tìm nhà anh cảnh sát báo tin buồn cho gia đình họ biết.
Buổi chiều, hai mẹ con bà Đi và cha anh Hòa thuê xe lam 3 bánh, chạy ra cầu Ô Sông, xã Bình Phương, Bình Sơn đem xác anh Hòa về mai táng. Hồng theo thi hài vào lại Sông Vệ, còn mẹ sẵn đường ra Chu Lai tìm chồng.
Vừa đến bến xe Châu Ổ, quê hương của bà Đi thì gặp người nhà bảo:
“Ông Hà chạy ra tới Chu Lai, xuống tàu ra Lý Sơn không được, bị du kích bắt, đưa về tới ngã ba Phú Lễ, dẫn lên hướng Tân Phước, xã Bình Tuy, Bình sơn (5).
Có người còn cho bà biết thêm:
“Ổng chỉ còn bận cái quần đùi và chiếc áo lót, chân tay, mặt mũi bị thương chảy máu đầy mình, và bị xiềng tay dẫn đi ba người một chùm’’.
Bà Đi té qụy, ngẩn ngơ như người mất hồn, phần thì lo sợ ông xã ngày xưa làm cảnh sát ở Bình Sơn, mà nay bị bắt nơi nầy, rủi nhiều may ít. Bà sợ bị du kích trả thù cá nhân, bà khóc nứt nở, rồi ngã sấp xuống đất bất tỉnh khi nào không hay biết!
Sáng hôm sau, bà thức dậy thật sớm, đi lên hướng núi Bình Tuy tìm chồng. Nghe tin ông Hà đã bị đưa lên núi cao “học tập cải tạo’’, bà tự nhủ lòng mình phải can đảm sống, để nuôi các con thơ khôn lớn, thành người. Bà quyết định trở về lại nhà trong thị xã.
Cái đêm hôm ấy, đồ đạc trong nhà bà, từ chiếc bàn, cái giường nằm, mùng mềnh, chén bát, son chảo, tủ lạnh, sách vở, radio…đều bị bọn nội tuyến và đám người hôi của dọn sạch. Cũng may là đồ nữ trang và “của quý’’ bà mang theo trong người còn nguyên vẹn.
Hai tháng sau, bà sinh đứa con gái đặt tên là “út Ráng’’. Sanh xong trong vòng hai tuần, bà giao cho đứa con gái lớn giữ em, để bà đi buôn “chợ trời’’ và tìm mua “đồ phế thải:’’ vỏ chai, bao bị, ni lông, giấy vụn… Nghề nầy rất vất vả, phải lội bộ hằng ngày trên vài chục cây số, đôi vai bà gồng gánh nặng nề đã bị chai cứng, sần sùi. Nhưng, làm nghề nầy lại có lời, nhất là mỗi lần “trúng mánh’’ mua được những lon: “bơ thừa, sữa cặn của Đế quốc Mỹ’’ đem bán cho mấy ông bà cán bộ ở trong xóm, họ rất thích ăn những món nầy. Do đó mà bà mới có đủ tiền chi tiêu hằng ngày, nuôi bầy con và 3 tháng đi thăm chồng một lần.
Một buổi sáng mùa Thu, năm 1975, trời mưa ngâu, gió lành lạnh. Các đứa con lớn của bà Đi đã trở lại trường. Có một người đàn ông bận bộ đồ kaki Nam Định cũ kỹ, bạc màu, trên vai mang một ba lô nặng trĩu, đầu đội mũ cối, chân đi dép râu, thân hình gầy như người nghiện xì ke ma túy, đến đứng trước cửa nhà bà Đi, gõ cửa. Bà Đi ra mở cửa, ông Mai nhìn thấy bà liền hỏi:
- Nhà nầy, có phải là nhà của bà P.T Đi, người quê quán thôn Mỹ Thiện, Châu Ổ, Bình Sơn không?
- Ông là ai?
Ông Mai còn nhớ rõ bà Đi vì dáng nét của bà không thay đổi mấy.
- Bà không còn nhớ tôi sao? – Tôi là P Đình Mai.
- Sao ông biết nhà tôi mà đến đây?
Bà Đi tiếp ông Mai một cách lạnh nhạt, vì bà đã quên hẳn ông ta, trong lòng bà chỉ còn hình ảnh ông Hà mà thôi. Bà có chút ngỡ ngàng vì đã hơn 20 năm xa cách, tưởng chừng không bao giờ gặp lại được nữa. Còn ông Mai thì khóc dở mếu dở vì tình cảnh eó le của đất nước, vì thân phận nghiệt ngã, oan khiên của biết bao nhiêu cặp trai gái mới lấy nhau một vài ngày, hay một vài tháng rồi phải phân ly, cách biệt. Ông Mai đi tập kết hẹn hai năm sẽ trở về, bỏ lại sau lưng người vợ trẻ.
Đây cũng là một tội ác của việt minh đã làm cho biết bao nhiêu gia đình ly tán, con xa cha, vợ xa chồng. Cộng sản còn cấy người nằm vùng ở lại miền Nam, tạo cơ sở để phá rối chính quyền Quốc Gia sau nầy, gây cảnh cốt nhục tương tàn, nồi da xáo thịt, tang thương chồng chất.
Ông Mai là bạn học cùng lớp với bà Đi tại trường Tiểu Học Bình Sơn (Trường Phủ) Thời đó thầy Phạm Phú Hưu làm hiệu trưởng.
Thời 9 năm kháng chiến chống Pháp (1945-1954), ông Mai và bà Đi cũng học chung lớp 6 trường Nguyễn Tự Tân, trường nầy do thầy Trần Hoàng sáng lập năm 1948, thuộc thôn Tân Phước, xã Bình Minh, Bình Sơn. Sau đó, chính quyền Việt Minh tịch thu trường của thầy Hoàng, đổi tên là Trường Trung Học Bình Sơn 1.
Mùa hè năm 1949, ông Mai nghỉ học, ở nhà giúp việc đồng áng cho gia đình. Bà Đi tiếp tục học thêm một năm lớp 7, rồi cũng thôi học, ở nhà làm nghề gốm. Không bao lâu sau đó, ông Mai vào đảng Cộng sản, làm cán bộ “điều hòa’’ còn gọi là cán bộ “mậu dịch’’ vơ vét hết lúa gạo, khoai sắn, đậu ngô…của dân.
Ông Mai xuất thân từ giai cấp nông dân, cha ông làm trưởng ban nông hội xã. Nhờ ông Thủ làm chi bộ xã Bình Thới (6) làm mai mối, cho nên việc hôn nhân của hai người, mọi sự đều suông sẻ. Tháng 6 năm 1954, họ làm lễ hỏi, một tháng sau làm đám cưới tổ chức ban đêm, vì thời buổi ấy máy bay Pháp liên tục oanh tạc, thả bom. Lính Tây có thể đổ bộ bất thình lình lên bờ biển miền Đông Bình Sơn.
Từ đấy, cô nữ sinh xinh đẹp, duyên dáng, hoa khôi đất Châu Ổ, có mái tóc dài bay trong gió chiều, thoảng hương thơm bồ kết, quyện mùi thơm da thịt làm ngây ngất hồn ông Mai. Nhưng cặp vợ chồng trẻ nầy sống chung với nhau chẳng được bao lâu, thì có lệnh đảng bắt buộc ông Mai phai đi tập kết ra Bắc, thời gian 2 năm, không được dẫn vợ theo.
Tháng 10 năm 1954, ông Tạ Đình Mỹ ở thôn Phú Lộc, Bình Thành (7) là người có tài đức về làm Quận Trưởng Quận Bình Sơn. Sau đó, một lớp học 3 ngày do quận tổ chức tại Trường Tiểu Học An Điềm, xã Bình Khánh (8) dành cho các thành phần cán bộ Việt Minh, cựu đảng viên đảng Cộng sản chưa ly khai, và các bà vợ của những ông đi ra Bắc, đều phải tham dự lớp học nầy, để am hiểu đường lối, chính sách của chính quyền Quốc Gia, loại bỏ tư tưởng Cộng sản. Bà Đi có tham dự lớp học nầy.
Thời điểm chính quyền Quốc Gia mới tiếp thu Quảng Ngãi, có một số ít công an ở thôn xã bị lôi cuốn bởi các cô con gái xinh đẹp có chồng đi ra Bắc, cho nên, mối tình của ông Hà với bà Đi cũng bắt đầu chớm nở từ đó.
Bà Đi cô đơn buồn bã, tinh thần mệt mỏi, ăn không ngon, ngủ không yên. Một tháng sau, kể từ ngày chồng bà ra đi, bà mới biết bà đã mang thai. Bà cảm thấy vui buồn lẫn lộn, bâng khuâng, lo nghĩ miên man…
Bà tìm gặp ông Hà, bằng lòng lấy ông làm chồng, nhưng ông phải hứa với bà một điều là không được tiết lộ với bất cứ một ai về đứa con trong bụng bà là của ông Mai. Ông Hà đồng ý giữ lời hứa và xem đứa con nầy là con ruột của mình. Lễ Thành Hôn & Vu Quy của họ được tổ chức rất linh đình tại Châu Ổ Bình Sơn.
Thời ấy, đất nước hết chiến tranh, hòa bình lập lại. Dòng sông Trà Bồng nên thơ, trữ tình, nơi hẹn hò của bao cặp trai thanh, gái lịch. Phong cảnh bến phà, bến củi và bến đò Châu Ổ ghe thuyền tấp nập từ các xã miền đông Bình sơn và hải đảo Lý Sơn tìm về bến đổ. Những chiếc cầu ván, cầu tre bắt ngang qua hai bờ sông có những bãi tắm và những nơi nghỉ mát lý tưởng cho những cặp tình nhân thả hồn trong những đêm trăng thanh, gió mát. Bà Đi cứ nhớ mãi sau lần đám cưới với ông Hà, lần đầu tiên hai vợ chồng bà đi hưởng “tuần trăng mật’’, trên dòng sông quê hương.
Tám tháng sau, kể từ khi hai người lấy nhau. Bà Đi sanh đứa con gái đầu lòng, mẹ tròn con vuông. Ông Bà đặt tên cho con mình là Nguyễn Thị Xuân Hồng. Gia đình êm ấm, hạnh phúc. Ông Hà vui mừng lấy được người vợ đẹp, duyên dáng mặn mà…Bà Đi càng ngày càng xinh đẹp thêm ra.
Đàn bà, sau khi sinh con đầu lòng thì thân thể nẩy nở cân đối, da dẽ lại hồng hào, trông hấp dẫn hơn thời còn con gái. Cho nên xưa có câu:
“Gái một con trông mòn con mắt’’.
Sau khi gặp lại bà Đi lần đầu tiên vào mùa thu, năm 1975, hằng đêm ông Mai tơ tưởng, suy tư chuyện tình cũ. Những kỷ niệm vui buồn, từ thời còn đi học lần lượt kéo nhau về trong tìềm thức, tâm hồn ông lâng lâng, mơ mộng, nuối tiếc tình nghĩa vợ chồng ngày xưa:
“Không ngờ lưu luyến thế sao!
Hơn năm mươi tuổi lẽ nào tương tư?’’ (Nguyễn Phú Long)
Kỷ niệm vui thì ít, mà buồn thì nhiều của một thời hò hẹn, của một thời khổ nạn quê hương, đất nước, xót xa một cõi lòng hoài niệm, mang một nỗi nhớ nhung trầm kha, biết bao giờ phai nhạt.
Có phải đã qua rồi thời chiến tranh, khói lửa nên con tim ông Mai rạo rực, muốn gặp lại người cũ để hàn huyên, tâm sự, chia sẻ? Nhưng trớ trêu thay! bà Đi cứ chạy trốn, lẫn tránh mà ông thì cứ đeo theo, đuổi bắt!
Nhiều lần ông ngồi trước đầu ngõ, chờ đợi đến chiều tối cũng không thấy bà Đi về. Nét mặt buồn thiu, rũ rượi…Ông nghe văng vẳng bên tai có tiếng bà con trong xóm chuyện trò với nhau:
“Tội nghiệp bà Đi lặn lội nắng mưa đi mua bán đồ phế thải, kiếm gạo nuôi đàn con dại’’…
Thế rồi, mấy lần sau ông vào thăm bà Đi mà cũng không gặp. Ông lang thang trên khắp các nẻo đường Thị xã tìm bà, nhưng chẳng thấy! Cuối cùng ông mạnh dạn vào ngồi trước cửa nhà chờ đợi bà về, Hồng thấy người đàn ông lạ bước ra hỏi:
- Ông là ai, đến nhà cháu có chuyện gì?
- Bác đến để chờ bà Đi về, bác cần gặp bà.
- Ngày mai ông trở lại gặp mẹ cháu, còn bây giờ trời đã tối rồi!
- Bác ngồi chờ miết đến khuya cũng được, không gặp được bà, bác không về.
Hồng nói tiếng lớn như muốn đuổi ông Mai ra khỏi nhà:
- Ông nầy kỳ cục quá đỗi! nếu ông không đi, cháu báo công an phường.
Bà Đi trốn trong buồng, nghe đứa con gái lớn đòi đi báo công an phường, đành bước ra gặp mặt ông Mai. Bà gọi các con lại giới thiệu:
“Đây là ông Mai, chồng trước của mẹ’’.
Bà kể từng chi tiết về chuyện tình của bà với ông Mai và cuộc tình tiếp nối với ông Hà. Bà kể hết nhưng vẫn giữ bí mật không cho ông Mai biết Hồng là con gái của ông. Lần gặp gỡ nầy ông Mai tâm sự với bà Đi:
- Cuối tháng 9 năm 1954, anh đi tập kết ra Bắc, mười mấy năm khổ cực ở ngoài đó, rồi vào lại miền Nam, bị bệnh nặng trở ra lại Bắc cho đến ngày hôm nay. Lúc nào anh cũng nhớ đến em, mong ước có ngày đoàn tụ.
Ông ngừng lại trong giây lát, rồi tiếp tục nói thao thao bất tuyệt:
- Em đã đi lấy người khác, chồng của em có tội, theo Mỹ ngụy chống phá cách mạng, có nợ máu với nhân dân. Cần phải tập trung, cải tạo học tập tốt để được hưởng lượng khoan hồng nhân đạo của đảng và nhà nước, sớm trở về đoàn tụ với gia đình và nhân dân. Bây giờ, mà anh lấy lại em (vợ ngụy), thì anh sẽ bị khai trừ ra khỏi đảng.
Bà Đi nói nhỏ nhẹ:
- Nầy ông, ông có thể trách móc tôi, nhưng tôi cấm ông không được xúc phạm đến ông Hà, tôi nói cho ông biết: chồng tôi là một người đạo đức, hiền lành, ông ta hết lòng yêu thương và lo lắng cho mẹ con tôi…
Hồng nghĩ đến cha mình đang bị tù đày trên núi cao nên có vẻ bực tức, đứng dậy nói lớn tiếng:
- Mẹ tôi đâu có thèm lấy lại ông mà ông đòi lấy lại mẹ tôi? – Cha tôi không phải là “ngụy quyền’’ – Không có “nợ máu với nhân dân’’ và chẳng có tội gì hết.
Bà Đi đến bên Hồng nói nhỏ:
- Con nói tiếng lớn với ổng không nên nghen con.
- Tại sao lại không nên? thưa mẹ
- Để sau nầy có cơ hội, mẹ sẽ nói cho con hiểu.
Ông Mai đứng dậy ra về, mấy đưa nhỏ chọc quê ổng:
- Ông đừng đến đây nữa nghen.
Từ đó, ông Mai về Bình Sơn, thu dọn đồ đạc ra lại miền Bắc. Ra đến nơi thì gặp ông Thành chồng cũ của bà Thoa đi B vào Nam, đã có giấy báo “liệt sĩ’’ trong thời gian “chiến tranh chống Mỹ’’. Sau năm 1975, ông Thành còn sống trở về, đảng buộc ông Mai phải trả vợ lại cho ông Thành. Họ đuổi ổng ra khỏi nhà.
Thế là hai ông chồng, một bà vợ, tình “đồng chí’’ tranh giành nhà cửa:
- Nhà của tao, mà sao mầy đuổi tao ra khỏi nhà?
- Tiên sư bố nhà mầy, nhà gì của mầy, nhà của nhà nước, của bác đảng phát cho mầy, bây giờ đảng lấy lại giao cho tao, cha con mầy cút vào Nam mà sống. Nhân dân miền Bắc chúng tao không cần tụi bây nữa, cút mau lên, nếu không ông đấm vào mặt.
Ông Mai chịu thua bỏ đi, suy nghĩ lời nói của ông Thành:
“Cha con mầy cút vào Nam mà sống, chúng tao không cần tụi bây nữa’’.
Nghĩ cho cùng thì nó nói cũng có lý. Tại sao mới “giải phóng miền Nam’’ đảng lại cho cán bộ tập kết ra Bắc về Nam nghỉ hưu hết? Trả lương hưu quá ít, không đủ sống, trừ ngành công an và bộ đội là hai lực lượng bảo vệ đảng, được ưu đãi tăng lương, trọng dụng…
Đầu năm 1976, ông Mai dẫn hai đứa con, một trai, một gái về ở luôn trong Nam. Mấy tháng sau, ông làm cán bộ “cửa hàng mua bán xã’’ (sau năm 1977 đổi thành “hợp tác xã mua bán’’ và đến năm 1986, ông Mai làm chủ nhiệm hợp tác xã mua bán thị trấn Châu Ổ). Thời gian đầu, nhiệm vụ của ông Mai là “thu mua’’ đồ phế thải. Ngồi nhớ lại bà Đi cũng mua bán nhôm nhựa, ve chai….Nên tháng 6/1976, ông quyết định quanh lại tìm bà Đi, ông mới bước vào ngõ, gặp bà Đi tiếp đón niềm nở:
- Ông đi đâu, mà bảy, tám tháng nay không ghé nhà thăm mẹ con tôi? Chúng tôi cần gặp ông để tỏ bày vài điều có liên quan đến ông.
- Việc gì mà có liên quan đến tôi? Tôi vào nhà bà lần nầy là để trao đổi về việc làm ăn, buôn bán. Vậy thì có điều gì mà bà muốn nói với tôi thì cứ nói đi:
- Tuần qua, tôi dẫn con Hồng đi thăm cha nó, ở tù trên nuí cao, rừng sâu nước độc
- Bà dẫn con nhỏ đó đi thăm cha nó, có liên quan gì đến tôi mà bà nói với tôi. Con nhỏ đó nói hỗn, khinh thường tôi và có tư tưởng phản động Bà còn nhớ chứ?
- Tôi không nhớ gì hết, nhưng…nhưng…con Hồng là con gái của ông với tôi, nó là máu mủ, cốt nhục của ông. Sau hiệp định đình chiến năm 1954, chia đôi đất nước làm hai miền Nam - Bắc, ông ra đi, đã để lại giọt máu cho tôi mang, khi tôi tái giá với anh Hà. Chúng tôi cam kết giữ bí mật chuyện nầy. Nay cần phải nói lên sự thật, nếu không nói ra sự thật, chúng tôi mang tội với nó và với Tổ Tiên dòng họ Phạm nhà ông. Tôi đã tâm sự với con, nhưng nó không tin lời tôi. Do đó, tuần qua hai mẹ con lên thăm cha nuôi nó để giải quyết việc nầy.
- Con Hồng, nó có chịu nhận tôi là cha ruột nó không?
- Nó nói với chúng tôi cho nó thời gian suy nghĩ lại.
- Bây giờ con nó đâu rồi bà?
- Nó đi làm ở hợp tác xã mành trúc. Ông cứ chờ đợi thời gian nữa để con mình ổn định tinh thần, vội vàng có thể làm cho nó lo nghĩ nhiều quá, làm suy nhược tinh thần dẫn đến bịnh hoạn, tôi nghiệp cho nó!
- Được rồi, tôi về và chờ tin tức của bà.
Một tháng sau, bà Đi nhắn ông Mai vào gặp mặt con.
Ông vào dẫn theo hai đứa con của ông với bà vợ ở ngoài Bắc. Cha con hạnh ngộ, mừng vui nước mắt tuôn trào. Ông Mai nói:
- Cảm ơn lòng tốt của ông bà Hà cho cha con tôi được đoàn tụ và nhìn nhận nhau, mong bà thông cảm và tha thứ cho sự sai trái của tôi, đã bỏ mẹ con bà ra đi…
Bà Đi nói với ông Mai:
- Tôi cảm thấy đau lòng cho nỗi bất hạnh của ông, do hoàn cảnh của đất nước và chế độ tạo ra.
Hồng quỳ xuống bên mẹ, khóc nức nở.
- Con tạ ơn Cha Mẹ sinh thành, dưỡng dục cho con khôn lớn nên người. Con cũng xin cha Mai tha thư những lỗi lầm của con.
- Cha đây mới có lỗi với con, cha vô trách nhiệm với mẹ con, bỏ đi biệt tăm trên hai mươi năm. Cùng trên mảnh đất VN quê hương, Tổ Quốc mà không có một lời thăm hỏi, thư từ. Cha cảm thấy bất nhẫn với mẹ con. Đời cha lắm gian truân, ôm một chuyện tình trái ngang, bi đát…
Hồng cảm động nước mắt lưng tròng, ôm cha:
- Từ nay về sau, con sẽ ở gần bên cha mãi mãi.
- Cha ước mong ba chị em con (cùng cha khác mẹ) thương yêu, đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau: “Một giọt máu đào hơn ao nước lã’’.
* * *
Một ngày đẹp trời mùa Xuân, năm 1991, gia đình ông bà Hà, từ miền Trung vào Sai Gòn để đi Hoa Kỳ định cư theo chương trình HO. Chiếc xe hơi 12 chỗ ngồi đậu trước cổng phi trường Tân Sơn Nhất. Ông Hà bước xuống xe, tay phải xách cái va li, tay trái cầm túi IOM (International Organization for Migration): Tổ Chức Di Cư Quốc Tế, đựng hồ sơ gia đình, hộ chiếu xuất cảnh đi trước, theo sau là các đứa con. Bà Đi bị đau chân nên chậm chạp đi sau chót.
Bà vừa mới bước chân tới cửa phòng chờ đợi làm thủ tục xuất cảnh, bỗng dưng, bà nghe văng vẳng tiếng con gái đầu lòng gọi sau lưng:
- Cha Mẹ ơi! đợi con, đợi con!.
Bà Đi quay lưng lại, thì con gái bà thở hổn hển, ôm chầm lấy bà:
- Mẹ ơi! mẹ ơi! con và cha con thuê xe vào đưa cha mẹ đi Mỹ. Nhưng xe bị hỏng máy, nằm đường nên tới trể - Cha Hà và các em con đâu rồi?
- Cha và các em con đã vào bên trong rồi - Cha Mai con đâu?
- Cha con chạy theo sau - Cha Mai kia kìa.
Bên trong, có tiếng ông Hà gọi bà. Bà Đi chào tạm biệt (good-bye) đứa con gái và vẫy tay chào ông Mai.
- Chúc cha mẹ và các em thượng lộ bình an.
- Nhớ hiếu thảo với ông Mai nghen con.
Trên đường về lại Quảng Ngãi, Hồng suy nghĩ hết chuyện nầy đến chuyện khác, thương cha mẹ Hà và các em trong những ngày tháng tới sống trên xứ người, chắc là nhớ về quê nhà lắm!
“Có những mùa xuân sống tha hương
Bỏ lại sau lưng nỗi đoạn trường
Nhìn bóng hình ta trong đáy cốc
Nâng ly cạn chén sầu ly hương". (Bình Sơn)
Hồng quay sang nhìn cha Mai đang lim dim ngủ, trên khóe mắt cha long lanh giọt lệ rơi, xót xa cho chuyện tình, thời 9 năm kháng chiến!
“Tiếc thay chút nghĩa cũ càng
Dẫu lìa ngỏ ý còn vương tơ lòng". (Kiều-Nguyễn Du)
Ngô Văn Giai.
Virginia, Mar. 2014
Ghi chú:
(1) xã Bình Long, huyện Bình Sơn sau năm 1975
(2) xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh sau năm 1975
(3) cầu Bảng Thuyền sau năm 1975
(4) xã Tịnh Ấn, huyện Sơn Tịnh sau năm 1975.
(5) xã Bình Minh, huyện Bình Sơn, thời 9 năm kháng chiến và sau năm 1975)
(6) xã Bình Thới, huyện Bình Sơn thời 9 năm kháng chiến và từ năm (1975 - 1986). Sau tháng 5 năm 1986 đến nay xã Bình Thới chỉ còn 2 thôn An Châu và Giao Thủy, còn thôn Mỹ Thiện và Tường Vân thuộc về Thị Trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn.
(7) xã Bình Trung, huyện Bình Sơn sau năm 1975.
(8) xã Bình Chương, huyện Bình Sơn sau năm 1975
* * *
Xem bài cùng tác giả, click vào đây
Xem trang Tạp văn, tùy bút, click vào đây
Trờ về trang chính: www.nuiansongtra.com