Tuần dương hạm USS Bunker Hill (CG-52), thuộc lớp Ticonderoga,
Sau khi tốt nghiệp Cử nhân Kỹ Sư Ðiện, khóa 1980 Drexel University, tôi về “ăn nằm” với một công ty điện lực ở Thủ Đô. Bốn năm sau, đầu năm 1984, tôi lấy bằng Thạc Sĩ Kỹ Sư Điện Tử từ The George Washington University sau khi lập gia đình được một năm. Tức là từ đầu đến cuối tôi thuộc về thứ “điên nặng”, kể cả chuyện lập gia đình! Sau khi lấy bằng Thạc Sĩ, theo đúng “giao kèo” nếu tôi muốn “xù” công ty “nuôi” tôi ăn học chương trình Thạc Sĩ thì tôi phải “trả nợ” thêm một năm làm việc cho họ. Và đúng một năm sau, năm 1985 tôi “xù” công ty điện lực sau bốn năm “cật lực” làm việc! Ở thời điểm 1985 có hai sự việc liên quan đến bài viết này: một là chiếc tuần dương hạm USS Bunker Hill CG-52 được hạ thủy tại xưởng đóng tàu Litton-Ingalls Shipbuilding thành phố Pascagoula, Mississippi; và hai là tôi bắt đầu nhập cuộc vào công việc… bom - đạn!
Trong một ngày Hội Chợ Việc Làm (Job Fair) được tổ chức tại Trung Tâm Hội Nghị ở Thủ Đô, tôi “trướng” bộ đồ “côm-lê” màu càfê sữa và bước vào lều Martin Marietta Corporation (1). Sau khi xem xong đơn xin việc của tôi, hai chàng kỹ sư trẻ tên Dupree và Bennett muốn phỏng vấn tôi. Dupree là Kỹ Sư Ðiện Tử và Bennett là Kỹ Sư Cơ Khí. Sau hơn 45 phút quần nhau trong căn phòng nhỏ, Dupree hỏi:
-“Cậu muốn được trả bao nhiêu?”
Tôi nhìn Dupree cười “mỉm chi” cọp, xong đáp:
-“Nhiêu cũng được”.
-“Nhiêu là bao nhiêu, cậu không có tiêu chuẩn à?”
-“Không. Nhiêu cũng được.”
-“Tăng 20 phần trăm từ lương cũ, được không?” Bennett vừa cười vừa nói.
-“OK.”
Tôi vui vẻ nói chữ OK mà trong lòng mừng còn hơn được gái đẹp rủ đi chơi!
-“Vậy chừng nào cậu có thể trình diện?” Dupree hỏi.
-“Ba tuần sau, nhé.”
-“Được. Đây là gói thông tin về công ty của chúng ta, trong nầy có hướng dẫn địa chỉ, phòng nhân viên, giờ giấc và số điện thoại của người sẽ đưa cậu đi làm thủ tục trong ngày đầu. Gặp cậu ba tuần sau.”
-“Cám ơn và gặp lại sau.”
Tiếp theo là hai cái bắt tay thân thiện.
USS Bunker Hill (CG-52), chiếc tuần dương hạm đầu tiên
thuộc lớp Ticonderoga được trang bị hệ thống phóng hỏa tiễn
thẳng đứng MK-41 (Vertical Launching System, VLS)
Tôi được nhận việc làm ngay tại chỗ! Ngày hôm sau tôi đưa đơn từ chức công ty điện lực, những người bạn trong cơ quan cũ lấy làm ngạc nhiên vì tôi đổi việc làm quá lẹ! Tôi lấy một tuần nghỉ xả hơi, và tháng 4 năm 1985 tôi về làm việc cho Martin Marietta, một công ty lớn chuyên về vũ khí quốc phòng.
Tôi rất phấn khởi được gia nhập vào việc làm High Tech, hoàn toàn khác biệt với những công việc tại công ty điện lực. Nhưng điều làm tôi thích thú không phải chỉ ở sự thách thức của công việc mới mà luôn cả đội ngũ nhân viên mới, từ thư ký đến kỹ sư trưởng đều là những người rất trẻ, hầu hết không quá 30 tuổi. Riêng cô thư ký thì trẻ đẹp và “điệu” còn hơn mấy “Bà Già L19” (2) của công ty cũ nhiều. Những cô thư ký lúc nào cũng ăn mặc theo thời trang và duyên dáng, tôi cảm thấy mình như được thổi mát bởi một làn gió mới.
Martin Marietta Corporation có nhiều chi nhánh rải rác nhiều nơi trên đất Mỹ, và tổng số nhân viên thời ấy có trên 25 nghìn người. Nơi tôi nhận việc là một chi nhánh ở ngọai ô thành phố Baltimore. Ngoài những sản phẩm như xe tăng, mẫu tàu ngầm, tàu chiến, và những thí nghiệm dưới lòng đại dương, v.v… và v.v…, thì chi nhánh Baltimore là Kiến Trúc Sư cho hệ thống phóng hỏa tiễn, gọi là VLS (Vertical Launching System) Mk41.
VLS là hệ thống phóng thẳng hỏa tiễn được gắn trên tàu chiến, tàu ngầm và Hàng Không Mẫu Hạm. Tùy theo loại tàu chiến (CG, DDG, CV) có thể nhận một, một rưỡi, hoặc hai VLS magazines. Mỗi VLS magazine gồm có 7 standard modules và một Strikedown module. Mỗi module có 8 hầm, trừ Strikedown module chỉ có 5 hầm và một cần trục dùng để nạp và gỡ các hầm hỏa tiễn. Mỗi hầm có thể chứa từ một đến bốn hỏa tiễn, tùy theo loại hỏa tiễn. Tất cả các hầm chứa hỏa tiễn đều được nằm bên trong và dưới hầm tàu. Tóm lại, một chiến hạm thuộc lớp CG (3) có thể chứa được 122 hầm (hai magazines) và lớp DDG (4) chứa được 90 hầm (một magazine rưỡi). Sự hữu hiệu của VLS là do hai tính chất: một là số lượng hỏa tiễn tồn kho trên tàu; và hai là nhịp độ phóng cũng như tầm công phá của hỏa tiễn. Hệ điều hành của VLS là dàn máy vi tính (Digital computers) gắn liền với Trung Tâm Hành Quân trên tàu hoặc đất liền, nơi có khả năng kiểm tra tồn kho và ra lịnh phóng hỏa tiễn.
VLS Magazine
Trong giai đoạn thiết kế và điều chỉnh, mô hình kích thước nguyên của VLS được thiết lập tại chi nhánh Baltimore để ráp đặt, thử nghiệm và lấy dữ kiện. Mô hình gồm một phòng thí nghiệm vi tính, và một strikedowm module. Hằng ngày các kỹ sư điện, cơ khí và những người thảo chương trình điện toán đến để thử nghiệm. Dữ kiện và kết quả thử nghiệm toàn là những chuỗi tín hiệu mang số 1 và 0. Những chuỗi số li ti chạy lạch cạch trên mặt giấy là những tín hiệu phát đi tư Bộ Tư Lịnh Hành Quân trên phòng điều hành xuống VLS magazine và ngược về. Những tín hiệu dùng để kiểm tra hỏa tiễn tồn kho, khởi động hệ thống VLS để mở nắp hầm, kích động phòng nổ thứ nhất nâng hỏa tiễn từ từ ra khỏi hầm, kích động phòng nổ thứ nhì để phóng hỏa tiễn bay vào quỹ đạo với vận tốc cao, kích động hệ thống phun nước làm nguội hầm phóng, đóng nắp hầm và đưa tín hiệu phóng thành công về phòng chỉ huy.
Mỗi buổi sáng tôi chạy chiếc Spitfire nhỏ, hai chỗ ngồi, mui trần, sơn màu vàng… khè để đi làm. Chiếc Spitfire nhỏ và nhẹ đến nỗi có những hôm tôi chạy trong đường hầm xuyên qua vịnh Chesapeake Bay, gặp xe be chạy ngang thổi chiếc xe Spitfire muốn bay ra khỏi mặt đường! Thế nhưng có những hôm tôi chất một đống 4 tên trên chiếc Spritfire 2 chỗ ngồi đi ăn trưa. Những đứa bạn thượng lên, chiếc xe chìm xuống và thở xì khói trong tiếng cười ngặt nghẽo của lũ ham chơi… nổi.
Gã “con trai nhỏ xíu” Spitfire của tôi
Đội ngũ VLS gồm những kỹ sư trẻ và sắc bén. Họ thấu hiểu từ trong ra ngoài hệ thống VLS và cống hiến những kiến thức giá trị làm nên sự thay đổi lớn. Họ là những người lầm lì trong phòng thí nghiệm, bước đi trầm ngâm trên sân với những suy tư. Và khi xếp hàng vào phòng ăn những người bạn nhìn hắn với cặp mắt “tiếu lâm”, một tên nói: “Hê, thằng Les kìa, hắn là một thằng “xúc cát”. Les từ xa, nghe thằng bạn xỏ lá nói tục về mình, bước đến để gia nhập đám bạn đang xếp hàng vào nhà ăn và tên đó nhìn Les, cười đờ-mi và nói tiếp: “Không, hắn không chỉ là thằng “xúc cát” mà là một thằng “xúc cát thông minh”. Mọi người cười thích chí, Les cũng cười theo. Nhưng trong ánh mắt của họ chứa đầy sự nể nang và thán phục một người kỹ sư tài ba!
Nhiều ngày dài tôi thử nghiệm trên mô hình VLS với những tín hiệu: Điện sẵn sàng, mở nắp, châm phòng cháy thứ nhất, đầu đạn bò ra, tách rời dây rún, đầu đạn rời khỏi nắp, châm phòng cháy thứ nhì, đầu đạn bay đi, xịt nước cho nguội, đóng nắp, bắn thành công… và những tiếng nghiến răng “ken-két” của nắp hầm cứ lập đi lập lại! Những dữ kiện thâu thập dùng để tái điều chỉnh và sửa chữa “làm đẹp” hệ thống VLS cho đạt mức “chân-thiện-mỹ”. Ðể nó hoàn thành trách nhiệm được giao phó ngoài chiến trường là bắn cho ngon, bắn cho ngọt, và bắn sao cho khỏi bị chê là “đồ súng dỏm!” Với những gói dữ kiện thu thập được trước khi bay ra tàu chiến để sửa chữa, tôi vui tươi bước đến bàn làm việc của cô thư ký Cathy, và bảo:
-“Đặt cho anh một vé may bay, giấy tờ mướn xe và một khách sạn tại thành phố Pascagoula, nhe.”
Sau khi nói hết những gì tôi muốn nói, Cathy đứng dậy:
-“Cù loi nè, anh không biết mình đang có cái gì à, ngốc.”
Tôi ngạc nhiên:
-“Mắc chứng gì với em hôm nay. Em ngứa hả?”
Cathy giận lên đùng đùng và như muốn nuốt sống tôi. Tôi rời bàn Cathy đến gặp Myra, một cô thư ký khác:
-“Cathy hôm nay bị sao vậy, điên rồi à?”
-“Đừng quấy rầy nó, nó đang dính cái đó đó.”
-“Cái đó là cái gì? Và ăn nhằm gì đến việc đặt vé máy bay chứ?”
-“Anh không biết cái đó của con gái thật à?”
-“Con gái mấy em có nhiều cái lắm, biết em nói cái nào chứ.”
-“Tội ngốc quá, cái của đàn bà con gái mà không biết, cái mà lâu lâu bị một lần đỏ chót giống như mặt của thằng Tàu khựa đó. Nó làm cho con gái nóng tính vô lý như Cathy vậy đó, hiểu chưa. Nhưng Cathy đã sửa soạn vé máy bay và đặt trên bàn của anh rồi mà!”
Tôi trở lại bàn làm việc và thấy mấy cô thư ký này không còn hấp dẫn như làn gió mới nữa!
USS Bunker Hill CG-52 về bến nghỉ tại hải cảng
Những sửa chữa và tái điều chỉnh trên mô hình phải được mang đi thực hiện trên hệ thống VLS thật, gắn trên tàu chiến. Chiếc tàu chiến đầu tiên được nhận hệ thống VLS là chiếc tuần dương hạm USS Bunker Hill (CG-52). Bunker Hill CG-52 thuộc lớp Hỏa Tiễn Định Vị Tuần Dương Hạm (5), sau này được gia nhập vào lớp Hỏa Tiễn Định Vị Khu Trục Hạm (6). Chiếc tàu được mang tên từ trận chiến Bunker Hill ngày 17 tháng 6, 1775 trong Chiến Tranh Cách Mạng Mỹ. Bunker Hill là tên một ngọn đồi bên cạnh thành phố Boston.
Trong số tàu chiến của Hải Quân Mỹ ngày nay, có một chiếc mang tên một thành phố của Việt Nam, đó là chiếc tuần dương hạm USS Huế City (CG-66), lấy tên trận Tết Mậu Thân 1968 tại thành phố Huế. (Xem thêm tin nầy, click vào đây).
USS Bunker Hill (CG-52) được khởi sự đóng vào tháng 11-1984 tại xưởng đóng tàu Litton-Ingalls Shipbuilding thành phố Pascagula, tiểu bang Mississppi; Hạ thủy tháng 3-1985 và bắt đầu nhận nhiệm vụ của Hải quân Mỹ vào tháng 9-1986.
Cuối mùa Thu năm 1985 tôi thường bay xuống Pascagoula cùng với Les để điều chỉnh và sửa chữa (retrofit) hệ thống VLS trên chiếc Bunker Hill. Trong thời gian thiết kế này Bunker Hill ngày đêm có hàng trăm thợ thuyền chạy mũi hàn ráp đặt thân tàu. Ngoài việc ghi nhận những tín hiệu điều hành từ bộ não vi tính ở phòng hành quân, tôi phải chun trong không gian chật hẹp bên cạnh những hầm hỏa tiễn để điều chỉnh lại hệ thống điện cung cấp cho VLS.
Trong phiên bản thiết kế đầu tiên, khi khởi động, hệ thống VLS “rút” dòng điện khởi đầu (in-rush current) quá cao trong một thời gian quá ngắn. Ðiều này có thể làm nhảy cầu chì đưa đến tình trạng cúp điện toàn hệ thống trên tàu. Để khắc phục sự việc này, hàng trăm giờ đồng hồ được đầu tư vào việc ứng dụng phần mềm SPICE (7) để thiết lập mô hình điện mới cho hệ thống VLS. Qua SPICE, cường-độ dòng điện “in-rush” được giảm xuống và thời gian “charge” kéo dài ra để khỏi “giật sập” hệ thống điện trên tàu mỗi lần khởi động VLS.
Bù lại cho những giờ thử và retrofit nóng nực trong hầm tàu, nhóm sửa chữa VLS được ưu đãi trong một khách sạn nổi tiếng nhất ở thành phố Pascagoula, đó là khách sạn Longhorn nằm bên bờ vịnh Mễ Tây Cơ. Longhorn không có cao tầng mà được kiến trúc theo kiểu miệt vườn nằm trong một chu vi rộng. Phòng ốc được trang bị với những vật dụng quý, đẹp, tạo nên vẻ sang trọng. Vườn rộng có nhiều cây cổ thụ len lỏi giữa những bãi đậu xe tạo nên hình dáng của Longhorn như một cô gái “con nhà giàu”.
Tháng 9 năm 1985 tôi trở lại Pascagoula với gói sửa chữa mới cho VLS.
Căn cứ Hải quân San Diego, California, nhìn toàn cảnh,
là hậu cứ của TDH USS Bunker Hill CG-52
Vào mùa Thu mỗi năm, miền Nam nước Mỹ và nhất là vùng vịnh Mễ Tây Cơ thường có những trận bão. Pascagoula vừa trải qua cơn bão lớn, thành phố tiêu điều với những cành cây gãy còn nằm trơ bên vệ đường. Sân đóng tàu Ingalls Shipbuilding bị hư hại nặng, vài ba cần trục nặng cỡ 5 tấn cũng bị đẩy xuống vịnh Mễ Tây Cơ! Và khách sạn Longhorn cây cối ngã nằm ngổn ngang trong sân.
Nhưng Bunker Hill vẫn đứng trơ gan giữa trời đất!
Buổi chiều sau khi lắp ráp gói sửa chữa mới tôi rời Bunker Hill, nhìn cảnh điêu tàn của thành phố Pascagoula sau cơn bão làm lòng tôi cô đơn lại càng thêm cô đơn hơn, tôi lấy xe chạy thẳng về thành phố New Orleans. Đường miền Nam bằng phẳng và trống trải, chiếc xe phóng đi vù vù giữa những bãi cỏ xanh và làn gió biển mát rượi. Sau hai tiếng đồng hồ trên xa lộ liên bang US-10 tôi rẽ vào một khu phố nhỏ nằm ở ngoại ô thành phố New Orleans, nơi có nhiều người Việt sinh sống. Đây là một ngôi làng Việt Nam trong giữa đất Mỹ. Ngôi làng không quá 100 nóc gia, có nhà thờ Thiên Chúa Giáo, có cha sở người Việt, trồng trọt đầy đủ thức ăn rau quả Việt Nam, nhất là rau muống. Và bên cạnh ngôi làng là khu thương mại nhỏ, có tiệm vải, tiệm vàng và có đủ các loại tiệm tạp hóa, có chợ chờm hởm, và đương nhiên một vài tiệm ăn cũng mọc lên nơi đây. Nhưng đặt biệt hơn hết là người dân nơi đây không nói tiếng gì khác ngoài tiếng Việt. Bấy nhiêu đó đã tạo nên một tính chất thuần Việt và tôi có cảm giác như đang đứng trên quê hương Việt Nam. Ngôi làng gồm những người Việt tị nạn đến từ làng đánh cá Phước Tỉnh sau ngày 30-4-1975, hầu hết sống bằng nghề đánh cá.
Tôi bước vào một quán ăn nơi đây, gọi tô hủ tíu, ly “càfê chờ” và nhìn cảnh sinh hoạt rất thuần Việt để sống lại cảm giác quê hương. Cách tôi vài cái bàn là một nhóm người trẻ, trai có gái có, chừng 17, 18 tuổi đang ăn nhậu. Những tiếng nói ồn ào phát ra từ cái bàn đó, một chặp sau tai tôi nghe những lời chửi thề từ một cô gái xinh đẹp, những lời chửi thề táo bạo tưởng chừng như chưa bao giờ nghe từ miệng của một cô gái dậy thì. Những tiếng nói ồn ào càng lúc càng to lên, và một cố bé xắn quần lên, ngồi chồm hổm trên chiếc ghế đẩu, nói: “A… cái con đĩ ngựa đó, sức mấy mà bà mà sợ cái mặt L… nó”. Rồi từ đó cô bé “xài tiền 500” không thôi, nói tòan thứ tiếng “Đan Mạch”. Tôi không hình dung ra được khuôn mặt người kia ra sao mà cô bé cứ gọi là mặt L. Tôi muốn đi tìm cô nhỏ kia để xem mặt mà giang hồ muôn nẻo biết đâu mà tìm! Nhưng có điều mấy thằng con trai thì ngồi nghe, cười hít mắt. Tôi tưởng như mình đang ngồi trong một Quán Cơm Bình Dân trước cửa cảng Kho 5 ở quận Tư ngày xưa, nơi những người phu khuân vác thường đến ăn cơm và tụ tập ăn tục nói phét trước giờ xuống bến tàu. Tôi thấy mình thực sự tìm lại “hương vị và hơi hớm” quê hương. Tôi đứng dậy, trả tiền và ra xe trở lại thành phố Pascagoula!
Trên con đường thênh thang, một mình tôi thả hồn bay bỗng về cảng Kho 5 của ngày xưa. Hình ảnh một người thiếu nữ sồn sồn dân bến tàu, mặt mày “tiếu lâm” tay cầm ly ruợu đế, cười cười nói nói với người đàn ông ngồi đối diện. Vói cặp mắt lừ đừ, cô nói: “Đù… tía con anh!” Và tiếng cười vô tư của những người phu khuân vác ngồi bên cạnh lại nổi lên để nhận chìm và quên đi những nhọc nhằn trên vai.
Bước sang đầu năm 1986 tôi thường bay về thành phố Mobil. Từ đó lấy xe chạy về Pascagoula với những gói sửa chữa cho VLS. Lần cuối vào khoảng tháng 5-1986, cửa hầm VLS thường thất bại để mở góc từ 87,5 độ đến 91,5 độ trước khi phóng hỏa tiễn. Điều nầy sẽ triệt thoái quyết định phóng hỏa tiễn và đưa tín hiệu “NO GO” về phòng chỉ huy. Cửa hầm không mở đúng góc tiêu chuẩn đã xác định, gây ra do nhiệt độ nóng lạnh bất thường làm thay đổi tính chất kim loại và bộ phận cơ khí nắp hầm. Cuối cùng nắp hầm VLS được thiết kế với những sợi tungstenn bên trong để sưởi ấm và điều hòa nhiệt độ nắp để bảo đảm góc mở trong mọi trường hợp thời tiết trước khi kích động VLS.
Đến tháng 9 năm 1986 Bunker Hill rời sân tàu Litton-Ingalls Shipbuilding và bắt đầu nhiệm vụ hải hành. Chuyến “thử biển” đầu tiên USS Bunker Hill CG-52 thực hiện khả năng của hệ thống VLS là cuộc phóng hỏa tiễn Tomahawk ngoài khơi thành phố Boston, Massachusetts, nơi trận chiến Bunker Hill đã một lần xảy ra!
Hình ảnh và sự thành công của chuyến phóng Tomahawk đầu tiên trên VLS Bunker Hill được ghi nhận đầy đủ. Mỗi kỹ sư và nhân viên trực thuộc chương trình VLS tại Martin Marietta đều được tặng một bức hình phóng hỏa tiễn này để làm kỷ niệm.
Hình: Tomahawk đầu tiên được phóng bởi VLS trên USS Bunker Hill
Vào năm 1987 chương trình thiết kế VLS chấm dứt. Một cuộc đấu thầu để sản xuất hàng lọat VLS cho Hải Quân được diễn ra nhưng Martin Marietta đã thua. Gói thầu lọt vào công-ty FMC Corporation (8). Một vài tên như L. Basak, C. Secrets, D. Bennett của Martin Marietta chắc chắn sẽ được gắn liền với ba chữ VLS trong một thời gian dài. Cũng trong năm 1987 tôi rời Martin Marietta và rời VLS để về làm việc cho Trung Tâm Vũ Khí Hải Quân tại White Oak, Maryland. Một tuần trước ngày cuối cùng của tôi, xếp lớn đôi ba lần mời tôi vào văn phòng của ông để hỏi tại sao tôi rời VLS, hỏi có ai làm phiền gì tôi không và ông hứa sẽ lên lương nếu tôi đổi ý định. Tôi nói không ai làm phiền đến tôi cả, tôi phải đi vì VLS đã vào sản xuất, một việc làm tốt đã hoàn thành, và tôi phải về gần nhà vì chúng tôi vừa có một đứa con mới toanh. Trong một buổi tiệc tiễn đưa đầm ấm tôi được những người bạn trao cho một cái ly cối dùng để uống bia làm bằng đồng, có cán cầm, trên đó có khắc tên tôi, hàng chữ “Kỹ Sư Hệ Thống Đàn Anh”, và ba chữ “VLS”; ly cối không chứa bia nhưng chứa đầy những kỷ niệm đẹp cho cả một đời!
Từ đó USS Bunker Hill trở về homeport ở San Diego, và trong trận chiến Vùng Vịnh, trái hỏa tiễn Tomahawk đầu tiên bắn vào Iraq để sau này kết thúc triều đại độc tài Sadam Hussein cũng được phóng đì từ hệ thống VLS trên USS Bunker Hill CG-52! Ngày nay USS Bunker Hill và hệ thống VLS đi khắp nơi trên thế giới để gìn giữ hòa bình.
(Hình: Tomahawk đầu tiên bắn vào Iraq từ VLS USS Bunker Hill)
Vũ khí được chế ra để đảm bảo hòa bình. Điều này không có gì hoài nghi. Thử hỏi, nếu một Do Thái bé nhỏ không có sức mạnh quân sự và vũ khí hạt nhân thì liệu có giữ được toàn lãnh thổ, giữa một nhóm quốc gia Hồi Giáo lúc nào cũng muốn ăn tương nuốt sống, đến ngày nay không? Việt Nam trải dài từ Nam đến Bắc trên một bờ biển chiến lược để bảo vệ đất nước, phát triển và giao lưu với thế giới, nhưng cũng thử hỏi, Hải Quân Việt Nam ngày nay được trang bị với những gì? Rất buồn cười, những người lãnh đạo Việt Nam tự cho mình là “đỉnh cao trí tuệ” nhưng quá khiếp nhược trong vấn đề bảo tồn lãnh thổ do tiền nhân gầy dựng từ ngàn năm xưa! Tại sao?
Đồng Sa Băng
5/2013
(1) Martin Marietta Corporation: trở thành Lockheed Martin năm 1995
(2) Bà Già L19: Thính thám cơ được dùng ở chiến trường Việt Nam ngày xưa.
(3) CG: Class of Guided-missile Cruiser
(4) DDG: Class of Guided-missile Destroyer
(5) Hỏa Tiễn Định Vị Tuần Dương Hạm: Guided-missile Cruiser
(6) Hỏa Tiễn Định Vị Khu Trục Hạm: Guided-missile Destroyer
(7) SPICE: phần mềm dùng để thiết kế và khảo sát mạch điện
(8) FMC Corporation: trở thành United Defense năm 1994
* * *
Xem bài bằng Anh ngữ, click vào đây
Xem các bài cùng tác giả, click vào đây
Xem bài trang Kiến thức, tài liệu, click vào đây
Trở về trang chính: http://www.nuiansongtra.net