Twitter là một dịch vụ mạng xã hội và một blog nhỏ miễn phí cho phép người sử dụng gửi, đọc và cập nhật các mẩu tin ngắn (gọi là tweets). Thành lập vào tháng 3 năm 2006 do Jack Dorsey, Twitter được tung ra vào tháng 7 cùng năm và đã nhanh chóng phổ biến khắp thế giới. Cho đến nay, Twitter có hơn 140 triệu người tích cực sử dụng, mỗi ngày tạo ra 340 triệu tweets và hơn 1.6 tỷ các tìm kiếm (search queries) và trở thành một trong 10 trang mạng được truy cập nhiều nhất.
Twitter đặt trụ sở chính tại San Francisco, tiểu bang California, và có nhiều văn phòng cũng như server phụ tại thành phố New York. Có một số người cho rằng Twitter đã đóng góp những yếu tố quan trọng vào một số những cuộc biểu tình có tính cách chính trị, đặc biệt là cuộc biến động Mùa Xuân Ả rập (Arab Spring). Đây là làn sóng cách mạng bắt đầu từ ngày 18 tháng chạp năm 2010, với những cuộc nổi dậy, diễn hành và biểu tình phản đối từ trước tới nay chưa từng có tại các quốc gia trong thế giới Ả rập: Tunisia, Algeria, Ai Cập, Yemen. Jordan, Mauritania, Saudi Arabia, Oman, Sudan, Syria, Iraq, Libya và Marocco.
Chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu về Twitter để có những khái niệm cơ bản về mạng lưới này.
Mở đầu là ít dòng về logo của Twitter, vì mới có sự thay đổi chỉ cách nay không lâu, vào đầu tháng 6 này.
Logo của Twitter đã thay đổi nhiều lần, từ “twitter” sang một chữ “t” viết thường đến hình một con chim đang bay.
Ngày 6 tháng 6 vừa qua, lại một lần nữa logo của Twitter thay đổi từ hình dạng một con chim mập mạp thân mình giống hình con cá voi nay thành thon thả hơn, tuy có hao hao giống trước nên sự khác biệt ít được chú ý.
Lần đầu
Lần thứ 2
Lần thứ 3
Lần thứ 4
Logo của Twitter thay đổi theo các thời kỳ
Phát biểu của Twitter trong lần thay đổi này: Con chim mới của chúng ta lớn mạnh từ lòng yêu thích ngành cầm điểu học, được họa kiểu trong phạm vi giới hạn về sáng tạo và hình học giản đơn. Chim được thành hình từ 3 bộ vòng tròn đặt gối lên nhau – tương tự như cách thức mà mạng lưới, những điều quan tâm và những ý nghĩ của các bạn nối kết và giao lưu với bạn bè và người cùng thời đại. Dù bay vút cao bên trên mặt đất để nhìn xa trông rộng, hay sát cánh với những chim khác để hoàn thành một mục tiêu chung, thì con chim đang bay là biểu tượng chủ yếu của tự do, hy vọng và khả năng vô tận.
Từ nay trở đi, con chim này sẽ được công nhận khắp nơi là biểu tượng của Twitter. Sẽ không cần một văn bản, một chữ “t” viết thường để tượng trưng cho Twitter nữa.
Về căn bản, Twitter giống như một blog nhỏ (micro-blog) để bạn post lên các ý kiến, các quan điểm của mình dưới hình thức các twits. Twits là những message dài 140 ký tự. Người sử dụng Twitter gọi là “tweeps” hoặc “tweeple”. Trước hết bạn cần ghi danh vào trang mạng này mới sử dụng được. Thể thức ghi danh rất giản dị, bạn chẳng cần phải đưa ra một “tiểu sử” (profile) dài dặc như các trang mạng xã hội khác. Ngay cả mục “About Me” trong trương mục Twitter của bạn cũng chỉ hạn chế có 160 ký tự, nghĩa là bạn chỉ có thể viết được 1 hoặc 2 dòng về mình mà thôi.
Một account Twitter
Tweeting và Retweeting (Gửi tweet và Lặp lại)
Sau khi thực hiện xong việc ghi danh giản dị nói trên, bạn có thể bắt đầu tweeting. Trong lúc đánh máy tweet của mình, bạn phải ghi nhớ giới hạn 140 ký tự trong đầu. Bạn có thể dùng bản ngữ vựng Twitter với những từ viết tắt như FYI (for your information, để cho bạn biết), ROFL (Rolling On Floor Laughing, cười lăn lộn), ROFC (Rolling On Floor Crying, khóc lăn ra nền nhà)... Nếu bạn viết quá 140 ký tự, các chữ dư thừa sẽ bị hệ thống tự động cắt đi. Trong khi bạn viết, hệ thống cũng báo cho bạn số chữ còn lại trong giới hạn. Những tweet nào bạn thích bạn có thể “retweet” bằng cách nhấn vào cái tab RT bên dưới.
Following và Inviting (Theo và Mời theo)
Bạn cũng có thể “đi theo” (following) các bè bạn của mình hoặc những người nổi tiếng mình ưa chuộng (như một danh ca, một diễn viên màn bạc...), và mời gọi những người khác “theo” bạn. Nếu bạn có ý muốn “theo” ai thì chỉ việc “search” (tìm kiếm) account của người đó bằng “tên dùng” (user name) hoặc “căn cước điện thư” (email id) của họ. Kết quả tìm kiếm được là profile (hồ sơ) của người đó, bên cạnh có một ô mang từ ngữ “Follow”, bạn nhấn chuột vào đó để đi “theo” họ.
Nếu người bạn muốn “theo” đặt ra những giới hạn để bảo vệ nhằm không cho ai xâm phạm sự riêng tư (privacy) của mình, lời yêu cầu “đi theo” của bạn sẽ được chuyển tới người đó để được chấp thuận trước. Còn sau khi “theo” ai một thời gian và không muốn “theo” nữa, bạn chỉ cần nhấn chuột vào tab có từ “Unfollow” bên cạnh tên người đó trong danh sách những người bạn đi “theo”.
Thường xuyên gửi tweet, lại kèm theo lối viết dí dỏm hài hước là cách lôi kéo được nhiều người đi “theo” trên Twitter. Tương tự như thế, viết tweet về những đề tài đang thịnh hành hoặc sự kiện đang xảy ra (có tag #topic) cũng giúp bạn được nhiều người biết tới và tìm được những người đi “theo” mới.
Gửi message trên Twitter
Bạn có thể gửi message cho một người hoặc trả lời tweet của ai đó bằng cách sử dụng ‘at sign’ (@reply). Tuy nhiên, nên chú ý là nếu bạn gửi message bằng cách này, những người “theo” cá nhân đó cũng sẽ thấy được tweet của bạn. Nếu không muốn chia sẻ message của mình ra công cộng cho nhiều người biết như thế, bạn có thể gửi cho người đó một Direct Message (DM) mà chỉ mình người đó đọc được.
Gửi tweets bằng cell phone
Như đã nói trên, sự giới hạn mỗi tweet chỉ có 140 ký tự cho thấy Twitter được phát triển theo chiều hướng dùng để texting. Nếu bạn muốn tweet trong khi di chuyển, như nhiều tweeps hoặc tweeple hiện đang thực hiện, bạn có thể dùng cell phone để làm như họ. Về căn bản, có thể dùng các Twitter apps (ứng dụng của Twitter) như Twitter for Android, Twitter for iPhone, Twitter for Blackberry để tweet trong lúc di động.
Dùng smartphone apps (ứng dụng dành cho điện thoại đa năng) để tweet là việc rất dễ làm, do đó hiện nay khá phổ biến.
Twitter trong thương trường
Từ năm ngoái đến nay, Twitter tiến triển từ vị trí chỉ là một mạng xã hội để trở thành một dụng cụ quan trọng trong công việc tiếp thị (marketing). Nó không chỉ giúp thương gia quảng bá các sản phẩm và dịch vụ, mà còn giúp thâu thập những dữ kiện, tin tức và các phản hồi từ người tiêu thụ để cải tiến đường lối làm ăn.
Không thiếu những người phàn nàn về giới hạn của 140 ký tự. Tuy nhiên, các fans nồng nhiệt hâm mộ Twitter đã trở thành những tay cừ khôi trong việc cô đọng các ý tưởng của mình trong phạm vi giới hạn này, và đó cũng là tính cách đăc biệt của Twitter.
Saturday, 30 June 2012
Phượng Nghi
* * *
Xem bài cùng tác giả, click vào đây
Xem trang Kiến thức tài liệu, click tại đây
Trở về trang chính: www.nuiansongtra.com