Trong kho tàng ca dao Việt Nam, diễn tả những cảnh đẹp của đất nước, có câu:
Đường vào Hương Tích lượn quanh
Nước non gấm dệt, màu xanh phủ màn
Người niệm Phật, khách tham quan
Suối thanh tịnh, rửa nhẹ nhàng trần duyên.
Câu ca dao nầy đã đề cập đến động Hương Tích, hay Hương Sơn, là một thắng cảnh được coi là đứng đầu của Việt Nam, đã từng được đặt tên là Nam Thiên Đệ Nhất Động, có nghĩa là động đẹp nhứt ở trời Nam.
Động Hương Tích ở vào địa phận huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Tây, tiếp giáp với tỉnh Hà Nam, miền Bắc Việt Nam.
Động nầy nằm trong dãi núi đá vôi, phía sườn bên đông, phát xuất từ La Châu, Sơn La, chạy xuống tới Ninh Bình, Thanh Hóa. Rặng núi đá vôi nầy, do nước ăn mòn, xoi thủng thiên niên, tạo thành nhiều hang động, nhiều mạch nước ngầm và nhiều khe suối, tạo ra nhiều cảnh trí đẹp. Hương Tích là một trong hệ thống hang động, mạch nước ngầm, khe suối nầy.
Theo sách vở, động Hương Tích được tìm ra, và được mở đường đi vào thời vua Lê Thánh Tông, giai đoạn ngài lấy niên hiệu là Hồng Đức, từ năm 1470 đến năm 1496. Nhưng theo truyền thuyết của nhơn gian thì vùng nầy đã có người Việt tụ tập khai phá từ lâu, tận từ thời Hùng Vương lập quốc.
Truyền thuyết kể rằng, đời Hùng Vương thứ 6, ở vùng Hương Tích có một thanh niên tên là Hùng Lang, đã từng tham gia trong đạo quân đánh giặc Ân của Phù Đổng Thiên Vương, tức là Thánh Gióng. Hùng Lang đã chém chết một tướng giặc tên là Thạch Linh, tại khe Yến trên đường đi vào động Hương Tích và đã được làng Yên Vĩ thờ làm Phúc Thần.
Một truyền thuyết khác đã kể rằng vào đời Hùng Vương thứ 16, đã có một vị tướng của vua Hùng đóng quân tại Hương Tích. Nơi vị tướng nầy xây những bếp lò, nấu cơm cho quân, được gọi Thiên Trù, bếp trời.
Thiên Trù cũng là một trong những cảnh đẹp của Hương Tích. Ngày trước, Tỉnh Đô Vương Trịnh Sâm ngự du, viếng cảnh Hương Tích, ngài đã sáng tác một bài thơ, tả cảnh Thiên Trù như sau:
Chợt đến Thiên Trù thoát rẽ bên
Cửa hang thăm thẳm một đường lên
Chở mây quanh quất lồng hương Phật
Gõ đá vang lừng chốn nhạc tiên
Bảo cái đùng đùng trên bảo tọa
Kim quang chểm chểm trước kim liên
Thanh xa dấu cũ còn ghi để
Quyến được xe loan biết mấy phen.
Với câu “Thanh xa dấu cũ”, Tỉnh Đô Vương đã nhắc đến chuyện vua Lê Thánh Tông cũng đã từng đến đây.
Ai là người đã đặt tên cho động Hương Tích là Nam Thiên Đệ Nhất Động?
Nhiều sách đã cho rằng người đặt tên đó là Tỉnh Đô Vương Trịnh Sâm, thời Trịnh Nguyễn Phân Tranh. Tỉnh Đô Vương làm chúa đất Bắc Hà từ năm 1767 đến năm 1782.
Trong thời gian làm chúa, Tỉnh Đô Vương đã có lần viếng thăm động Hương Tích và ngài đã cho dựng tại đây một bia đá có khắc năm chữ lớn “Nam Thiên Đệ Nhất Động”. Cũng như tại khe Yến, ngài cho dựng bia “Sơn Thủy Hữu Tình” và ở khe Tuyết, cho dựng bia “Kỳ Sơn Tú Thủy”.
Chúa Trịnh Sâm còn sáng tác một bài thơ để ca tụng cảnh Hương Tích:
Trời vừa hé sáng, bước lên thuyền
Khoan mái chèo lan, ghé bến tiên
Phong nguyệt thờ ơ, bầu ngọc đúc
Giang sơn bỡ ngỡ, bức tranh in
Kìa kìa qui phượng ngóng kinh bối
Nọ nọ long lân lắng gió thiền
Cảnh lạ thú mầu không xiết kể
Thanh kỳ đệ nhất chốn Nam thiên.
Có lẽ do sự kiện dựng bia và do câu kết của bài thơ nêu trên, mà người đời sau cho rằng Tỉnh Đô Vương Trịnh Sâm đã đặt tên “Nam Thiên Đệ Nhất Động” cho Hương Tích.
Thật ra, người đặt tên là vua Lê Thánh Tông, khi ngài ngự du đến đây. Trước cảnh thiên nhiên kỳ vĩ của đất nước như vậy, ngài đã cảm thấy một niềm hứng khởi vô biên của người làm chủ non sông hoa gấm nầy, nên ngài đặt tên cho vùng đất nầy là Nam Thiên Đệ Nhất Động và chánh ngài, ngài đã tự xưng là Nam Thiên Động Chủ…
Sau khi được khám phá và được mở đường vào, động Hương Tích có những người tìm vào để cư trú. Theo chuyện kể trong nhơn gian, đầu tiên có ba vị hòa thượng đã chọn động Hương Tích để làm chỗ tu hành, vào đời vua Lê Thánh Tông. Ba vị đã dựng một mái chùa tại khu vực Thiên Trù. Tên tuổi của ba vị hòa thượng nầy, ngày nay, không còn lưu lại, chỉ còn lại những ngôi mộ của các ngài, bằng đá thô sơ, tại Thiên Trù.
Từ đó, có nhiều tăng sĩ khác đã đến Hương Sơn và chùa chiền đã mọc ra khắp nơi, mà nổi tiếng nhất là chùa Hương. Chùa nầy đã làm đầu đề cho rất nhiều bài thơ, bài nhạc sau nầy.
Muốn biết đường đi vào động Hương Tích, hay muốn biết phong cảnh ở đây đẹp như thế nào, chỉ cần đọc qua bài “Hương Sơn Phong Cảnh” của ông nghè Chu Mạnh Trinh:
Bầu trời cảnh bụt
Thú Hương Sơn ao ước bấy lâu nay
Kìa non non, nước nước, mây mây
Đệ Nhất Động, hỏi rằng đây có phải
Thỏ thẻ rừng Mai, chim cúng trái
Lửng lơ khe Yến, cá nghe kinh
Thoảng bên tai một tiếng chày hình
Khách tang hải giật mình trong giấc mộng
Nầy suối Giải Oan, nầy chùa Cửa Võng
Nầy am Phật Tích, nầy động Tuyết Kinh
Nhác trông lên ai khéo vẽ nên hình
Đá ngũ sắc long lanh như gấm dệt
Thăm thẳm một hang lồng bóng nguyệt
Gập ghềnh mấy lối uốn thang mây
Chừng giang sơn còn đợi ai đây
Hay tạo hóa khéo ra tay xếp đặt
Lần tràng hạt niệm: Nam Mô Phật
Cửa từ bi công đức biết là bao
Nhìn xem phong cảnh càng yêu
Muốn vào động Hương Tích, viếng cảnh Hương Sơn, người ta phải tới bến đò Đục. Tại đây có những chiếc thuyền tam bản đón khách, theo khe Yến mà vào trong động. Trong khi thuyền lướt trên khe Yến, khách có thể ngắm phong cảnh đẹp ở hai bên bờ. Có khúc, khe Yến chảy giữa hai cánh đồng lúa xanh ngát, điểm vài cánh cò trắng. Có khúc giòng nước lại chảy giữa hai rặng núi, với những mỏn núi có tên là núi Đụn, nằm trong rặng Hàm Rồng, núi Soi, giống hình Kỳ Lân, nên còn gọi là núi Lân, rồi núi Ái, còn gọi là núi Phượng…
Người ta kể rằng rặng Hương Sơn có một trăm ngọn núi, 99 ngọn đều nghiêng đầu về động Hương Tích, như để tỏ lòng ngưỡng mộ, thành kính, chỉ riêng có mỏm núi Bưng, có hình con voi, lại quay mông về động.Truyền thuyết nói rằng, có ông Hộ Pháp giận quá, lấy gươm phạt đứt một mảng mông voi, nên bây giờ, núi Voi trông như bị vạt mất một mảng…
Hàng năm, cứ đến đầu mùa Xuân, thiên hạ nô nức đi thăm động Hương Tích, thăm viếng các cảnh chùa tại đây.
Trong những dịp có đông đảo du khách tụ tập, người địa phương cũng bày cảnh bán buôn, trên một vùng đất lộ thiên, gọi là chợ Trời Hương Tích. Chợ bán thức ăn cho du khách và nhang đèn, bông trái cho khách cúng chùa. Cụ Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến đã tả cảnh chợ Trời ấy như sau:
Ai đi Hương Tích chợ trời đi
Chợ họp quanh năm cả bốn thì
Đổi chác người Tiên cùng khách bụt
Họp hàng gió chị lại trăng dì
Yến anh chào khách nhà mây tỏa
Hoa trái bày hàng điếm cỏ che
Giá áo lợn tằm tiền gạo đủ
Bán mua mặc ý muốn chi chi
Cảnh nên thơ, cho nên chợ, là nơi mua bán cũng nên thơ.
Trong bài Hương Sơn Phong Cảnh, ông Thám Hoa Vũ Phạm Hàm, đã hết lòng ca ngợi những cảnh kỳ tú hùng vĩ tại đây, có đoạn:
… Kể từ lúc bước lên đò Đục
Liếc mắt trông đà mãn mục vân sơn
Lần theo một dãi thanh tuyền
Nào ngư phủ nhập đào nguyên đâu cũng thế
Mặt trời gác bóng cây xế xế
Tản vân in thủy để rành rành
Chim trời mấy chiếc lênh đênh
Cây mai rụng rập rềnh năm bảy lá…
Cũng với một đề tựa như trên, ông Nghè Dương Khuê, đã diễn tả, có đoạn:
Thú thiên nhiên đâu bằng Hương Tích
Đủ thanh tao cảnh lịch trăm chiều
Người thì vui sô lạp ngư tiều
Kẻ thì thích yên hà phong nguyệt…
Bởi vì là đệ nhứt thắng cảnh của đất nước, nên động Hương Tích đã được không biết bao nhiêu là danh nhơn, thi sĩ, từ vua chúa như Lê Thánh Tông, Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm, đến các vị đại khoa như Nguyễn Khuyến, Chu Mạnh Trinh, Vũ Phạm Hàm, Nguyễn Thượng Hiền, Dương Khuê, Dương Lâm, đã lấy làm đề tài để sáng tác.
Bài thơ “Đi Chùa Hương”, của nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp đã một thời nổi tiếng. Bài thơ nầy đã được phổ nhạc và cho tới ngày nay, vẫn còn có những ca sĩ trình bày một cách lôi cuốn, hấp dẫn…
Động Hương Tích, chùa Hương, ngày nay vẫn là một địa điểm hấp dẫn du khách. Người đến thì mê man với cảnh thiên nhiên kỳ tú. Người về thì nhung nhớ khôn nguôi như thi sĩ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu đã phát biểu:
Chùa Hương trời điểm lại trời tô
Một bức tranh tình trải mấy thu
Xuân lại, xuân đi, bao dấu vết
Ai về, ai nhớ, vẫn thơm tho.
NGUYỄN ĐỨC LẬP
* * *
Xem bài cùng tác giả, click vào đây
Xem bài trên trang Văn, click vào đây
Về trang chính: www.nuiansongtra.com