Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 08, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Văn (Kim văn)
CÁI CÒ MÀ MỔ CÁI TRAI...
ĐÀO ĐỨC NHUẬN


Cái cò mà mổ cái trai,
Cái trai quặp lại mà nhai cái cò
. (Ca dao)

Phú đắc là một thể thơ có hình thức của một bài thơ Đường với nội dung nhằm giải thích và khai triển ý tưởng của một câu ca dao hay một câu thơ được dùng làm đầu đề nhằm trào phúng một sự việc chướng tai gai mắt xảy ra đương thời.

Thỉnh thoảng nhà thơ Nguyễn Khuyến (1835-1909) cũng làm thơ phú đắc để châm biếm một vài sự việc có thật xảy ra trong vùng làng quê của Cụ.

Có câu chuyện kể rằng, ở vùng quê Bình Lục, tỉnh Hà Nam, quê hương của Nguyễn Khuyến có một người đàn bà cùng thời với Cụ tên Lã Thị Thoan. Bà Thoan người làng Phú Đa cùng huyện Bình Lục đã có một đời chồng tên Sinh, người làng Vị Hạ tục gọi là làng Và, thuộc xã Yên Đổ là quê nội của Nguyễn Khuyến. Nhà tương đối khá giả, ông Sinh nộp tiền cho làng mua nhiêu để khỏi phải làm công việc tạp dịch của một suất đinh ở làng; từ đấy dân làng gọi ông là Nhiêu Sinh. Lấy vợ chưa được bao lâu, Nhiêu Sinh từ trần bỏ lại người vợ hơ hớ xuân thì mà lại được tiếng là thiếu phụ đẹp nhất làng. Có lẽ, sau khi Nhiêu Sinh chết, bà Thoan đã có một nếp sống không mấy đẹp nên đã bị cụ Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến làm thơ châm biếm:

Nghĩ xem đẹp nhất ở làng Và,
Tiếng gọi rằng già cũng chửa già.
Làn sóng liếc ngang đôi mắt phượng,
Tóc mây rủ xuống một đuôi gà.
Nói năng duyên dáng coi như thể...
Đi đứng khoan thai thế cũng là...
Nghe nói muốn thôi, thôi chửa được!
Đương làm dơ dở đã thôi a?

Không muốn sống trong hoàn cảnh góa bụa khi tuổi còn xuân, bà Thoan bước đi bước nữa với một viên sĩ quan cảnh sát người Pháp thuộc địa làm việc ở Nam Định, dân chúng thường gọi là ông Cẩm (1). Khi về già sống đời góa bụa, dù đã trải qua hai đời chồng mà chẳng có con trai thừa tự, bà bèn bỏ tiền mua hậu làng (2) để một mai khi nằm xuống, làng sẽ lo việc cúng tế. Do đó người ta gọi bà là bà Hậu Cẩm.

Có một năm, làng Vị Hạ khuyết người thu thuế gọi là phần thu, bà Hậu Cẩm xin được làm công việc này. Chánh tổng Vũ Mai người làng Hà Ngoại ngỡ là bà Hậu Cẩm kiếm chác được nhiều bổng lộc trong công việc này, nên đến mùa thu thuế, viên chánh tổng đòi bà Hậu Cẩm phải đút lót tiền cho hắn ta, bằng không hắn sẽ tìm cách gây sự. Chẳng may, hắn gặp phải người đàn bà sừng sỏ, đã không sợ viên chánh tổng quyền uy, bà lại còn phát đơn kiện hắn ta về tội đòi ăn hối lộ trước phủ đường. Với những chứng cớ rành rành, chánh tổng Vũ Mai bị bãi chức. Buồn cho thế thái nhân tình, chẳng bao lâu sau đó, bà Hậu Cẩm cũng xin thôi việc phần thu.

Chứng kiến cái cảnh chánh tổng Vũ Mai bị mụ Hậu Cẩm Lã Thị Thoan làm cho thân bại danh liệt, Nguyễn Khuyến bèn làm một bài thơ theo lối phú đắc lấy câu ca dao: “Cái cò mà mổ cái trai - Cái trai quặp lại mà nhai cái cò” làm đề tài để chế diễu một sự việc có thật xảy ra ở vùng quê ông. Cái cò “Vũ Mai” mổ cái trai “Hậu Cẩm” (tức đòi ăn của lót) đã bị cái trai “Hậu Cẩm” kiện cho mất chức. Bài thơ đó như thế này:

Trai sao chẳng biết tính con cò?
Mày hở hang chi nó mổ cho!
Đã cậy dày mu không khép kín,
Cho nên dài mỏ chực ăn to.
Thôi về bãi bể cho êm ái,
Để mặc bên sông nó gật gù.
Cò trắng dẫu khôn đành gác mỏ,
Trai già chờ lúc lại phơi mu.

Tội nghiệp viên chánh tổng Vũ Mai! Giá có ăn được của đút lót cũng chẳng là bao! Đằng này, đã ăn không được mà tiếng nhơ còn để lại đến tận bây giờ và hẳn là sẽ còn truyền mãi mãi về sau! Quả là:

Trăm năm bia đá thì mòn,
Ngàn năm bia miệng hãy còn trơ trơ!

ĐÀO ĐỨC NHUẬN

Chú thích:

(1) “Sở cẩm, tên tiếng Pháp là Commissariat de Police được thiết lập dưới thời Pháp thuộc. Cơ quan này bao gồm những cảnh sát của chính quyền Pháp tại các thành phố Việt Nam.

Sở cẩm có trách nhiệm là bảo vệ một xã hội xứ An Nam yên ổn và lề lối. Về an ninh, tổ chức này cũng có những hoạt động như dập tắt các cuộc nổi dậy, bắt bớ những người bất đồng chính kiến, áp giải những tù nhân chính trị.

Trong một sở cẩm, người Pháp thường giữ chức chánh cẩm, phó cẩm, còn người Việt Nam thì giữ các chức ký lục cũng như cảnh binh. Trong lúc thi hành nhiệm vụ, ngoài các ký lục ra mỗi viên cảnh binh luôn phải mặc đồng phục.” (theo Wikipedia tiếng Việt)

(2) “Trong làng, người nào không có con giai, ngoài sự lập kế tự để giữ hương hỏa, lại còn có lệ mua hậu nữa. Người mua hậu trước hết phải nộp tiền lệ cho làng, hoặc năm bảy chục, hoặc một vài trăm bạc. Làng nhận tiền ấy để tu bổ đình miếu, chi vào việc công nhu. Người mua hậu lại phải nộp cho dân xã mấy sào, mấy mẫu ruộng hoặc đất để dân xã lấy hoa lợi ở ruộng đất ấy mà chi vào việc tế tự người có hậu về sau.” (Việt Nam Phong Tục của Phan Kế Bính, xuất bản tại Sài Gòn năm 1999, trang 91).

* * *

Xem bài cùng tác giả, click vào đây
Xem bài trên trang Văn, click vào đây
Về trang chính: www.nuiansongtra.com  


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh