Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 14, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Kiến thức, tài liệu
LẬT LẠI HỒ SƠ CỤC DỰ TRỮ LIÊN BANG MỸ (Chương 1)
Webmaster

QUÁI VẬT ĐẢO JEKYLL:

LẬT LẠI HỒ SƠ CỤC DỰ TRỮ LIÊN BANG MỸ
THE JOURNEY TO JEKYLL ISLAND
THE CREATURE FROM JEKYLL ISLAND:

A SECOND LOOK AT THE FEDERAL RESERVE
5th Edition, California: American Media, 2010
Ngô Thị Thu Hương dịch và hiệu đính.
 

 

CHƯƠNG 1: HÀNH TRÌNH TỚI ĐẢO JEKYLL

Nội dung chính: Cuộc họp bí mật trên đảo Jekyll, tiều bang Georgia, nơi Cục Dự trữ Liên bang hình thành; sự ra đời của một cartel ngân hàng nhằm bảo vệ các thành viên trước sự cạnh tranh; chiến lược thuyết phục Quốc hội và công chúng rằng cartel này là một cơ quan của chính phủ Hoa Kỳ.

Trời đêm đó lạnh buốt tại nhà ga xe lửa New Jersey. Cơn mưa tuyết bất chợt của đợt tuyết đầu tiên trong năm cuộn xoáy quanh các bóng đèn đường. Gió tháng Mười một làm cho mái che đường ray kêu lách cách và gây nên một âm thanh dài, thê lương giữa những thanh xà gác mái.

Lúc đó là gần 10 giờ tối, nhà ga gần như không còn ai ngoại trừ vài hành khách đang hối hả lao lên chuyến tàu cuối cùng trong ngày đi về hướng Nam. Trang thiết bị trên tàu là loại điển hình cho những năm 1910, chủ yếu là các toa xe có ghế ngồi được cải biến thành toa giường nằm với những chiếc ghế chật chội và giường nằm thấp. Những người ít tiền ngồi trên các toa xe chở khách được nối phía trên đầu. Họ phải chịu đựng tiếng ồn của động cơ và hít những làn khói mà bằng cách nào đó luôn xì qua những khe nứt không nhìn thấy được. Toa xe chở đồ ăn được đặt giữa hai khu vực như một ranh giới tế nhị phân biệt hai loại hành khách. Theo tiêu chuẩn ngày nay thì mọi thứ trên chuyến tàu đó thật xuềnh xoàng. Ghế và đệm đều cứng. Mặt sàn làm bằng kim loại hoặc gỗ đã cũ xước. Màu sắc chỉ có màu xanh thẫm và xám.

Trong khi vội vã lên tàu để tránh những cơn gió lạnh buốt, ít hành khách nhận thấy điều gì đang diễn ra ở phía đằng xa sân ga. Tại một cửa mà thông thường vào giờ này ít được sử dụng đang diễn ra một cảnh tượng ngoạn mục. Một toa xe dài đang dựa sát vào bệ chắn đường tàu. Nó khiến cho những người hiếm hoi nhìn thấy phải dừng lại và không rời mắt. Nước sơn đen bóng được tôn lên bởi những chiếc tay vịn, chốt cửa và khung bằng đồng sáng loáng với họa tiết cầu kỳ. Rèm được kéo kín nhưng qua cánh cửa mở, người ta có thể thấy thành khoang bằng gỗ gụ, màn nhung, những chiếc ghế tựa êm ái và một quầy bar đầy đồ uống. Các nhân viên khuân vác mặc đồ phục vụ màu trắng đang bận rộn với công việc của mình. Và phảng phất đâu đó là mùi thơm đặc trưng của những điếu xì gà thượng hạng. Những toa xe khác trong nhà ga đều được đánh số ở cả hai mặt để phân biệt chúng với những người anh em xấu xí khác. Riêng toa xe này thì không. Ở giữa mỗi mặt ngoài của nó chỉ có tấm biển nhỏ với một từ duy nhất: ALDRICH.

Cái tên Nelson Aldrich, thượng nghị sĩ bang Rhode Island, cũng nổi tiếng cả ở New Jersey. Vào năm 1910, ông là một trong những người quyền lực nhất tại Washington, D.C., và toa xe lửa cá nhân của ông thường xuất hiện ở các nhà ga New York và New Jersey trong những chuyến đi thường xuyên tới Phố Wall. Aldrich không chỉ là một Thượng nghị sĩ. Ông được coi là người phát ngôn chính trị của các doanh nghiệp lớn. Là một nhà đầu tư của J.P. Morgan, ông có cổ phần rộng rãi trong ngành ngân hàng, sản xuất và dịch vụ công ích. Con rể ông là John D. Rockefeller, Jr. Sáu mươi năm sau, cháu ngoại ông, Nelson Aldrich Rockefeller, sẽ trở thành Phó Tổng thống Hoa Kỳ.

Khi Aldrich tới nhà ga, không ai nghi ngờ gì việc ông là chủ toa xe đó. Mặc áo khoác dài cổ lông, đội mũ chóp cao bằng lụa và mang một cây gậy với tay nắm nạm bạc, ông sải bước rất nhanh trên sân ga cùng với thư ký riêng, Shelton, và một nhóm nhân viên khuân vác đang kéo một loạt các rương, hòm và vali đằng sau.

Ngài Thượng nghị sĩ vừa lên tàu thì vài hành khách khác cũng tới với hành lý tương tự. Người cuối cùng xuất hiện chỉ vài giây trước khi tiếng hô “Xin mờiiii lên tàuuuu” vang lên. Ông ta mang theo một chiếc vali đựng súng săn.

Nếu như phần lớn các hành khách nhìn thấy Aldrich trong nhà ga đều nhận ra ông thì những gương mặt khác lại không hề quen thuộc. Những người lạ mặt này được hướng dẫn không đến ga cùng nhau, tránh phóng viên và nếu gặp nhau ở nhà ga, họ sẽ tỏ ra không quen biết nhau. Sau khi lên tàu, họ được yêu cầu chỉ dùng tên riêng để tránh làm lộ danh tính của nhau. Nhờ sự cẩn trọng này mà ngay cả những nhân viên khuân vác và người phục vụ trên toa cũng không biết tên của các hành khách này.

Trở lại cửa chính, hai tiếng hú vang lên từ còi động cơ. Bất thình lình, con tàu lắc nhẹ và sự phấn khích của chuyến đi bắt đầu. Nhưng ngay khi vừa rời khỏi sân ga, con tàu đột ngột dừng lại. Rồi, trước sự ngạc nhiên của mọi người, nó đổi hướng và quay ngược trở lại phía nhà ga. Họ đã quên gì chăng? Hay có vấn đề với động cơ? Câu trả lời là một cú lắc đột ngột và tiếng khớp nối của các toa xe va sầm vào nhau. Họ cho nối thêm một toa xe ở phía cuối tàu. Là toa xe chở thư chăng? Ngay lập tức con tàu lại tiến về phía trước và mọi người trở lại với chuyến hành trình trước mắt với những tiện nghi tối thiểu.

Và như thế, khi hành khách bắt đầu chìm vào giấc ngủ trong tiếng lách cách nhịp nhàng của bánh xe thép trên đường ray, chắc hẳn trong giấc mơ họ không biết rằng trên toa xe phía cuối tàu có sáu người đàn ông đang nắm giữ khoảng ¼ tổng số tài sản trên toàn thế giới. Đây là danh sách những người có mặt trên toa xe mang tên Aldrich đêm đó:

1. Nelson W. Aldrich, lãnh đạo đảng Cộng hòa trong Thượng viện, Chủ tịch Ủy ban Tiền tệ Quốc gia, cộng sự kinh doanh của J.P. Morgan, cha vợ của John D. Rockefeller, Jr.;

2. Abraham Piatt Andrew, Trợ lý Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ;

3. Fran A. Vanderlip, chủ tịch National City Bank of New York, ngân hàng quyền lực nhất vào thời đó, đại diện cho William Rockefeller và ngân hàng đầu tư quốc tế Kuhn, Loeb & Company;

4. Henry P. Davison, đại cổ đông của J.P. Morgan Company;

5. Benjamin Strong, Giám đốc Công ty Ủy thác J.P. Morgan Bankers. (1)

6. Paul M. Warburg, một cổ đông trong Kuhn, Loeb & Company, đại diện cho đế chế ngân hàng Rothschild ở Anh và Pháp, và là em trai của Max Warburg, chủ tịch tập đoàn tài chính ngân hàng Warburg ở Đức và Hà Lan. (2)

Tập trung tài sản

Tới năm 1910, sự kiểm soát tập trung đối với nguồn lực tài chính đã rất phát triển. Tại Mỹ, có hai đầu mối kiểm soát tập trung là tập đoàn Morgan và tập đoàn Rockefeller. Mỗi nhóm tạo thành một quỹ đạo bao gồm mạng lưới chằng chịt các ngân hàng thương mại, ngân hàng nhận trả và công ty đầu tư. Ở châu Âu, quá trình tương tự cũng diễn ra và thậm chí còn đi xa hơn, dẫn tới sự hình thành của tập đoàn Rothschild và tập đoàn Warburg. Một bài báo đăng trên tờ New York Times ngày 3 tháng 5 năm 1931 bình luận về việc George Baker, một trong những cộng sự thân tín nhất của Morgan, qua đời. Bài báo viết: “Một phần sáu tổng tài sản của thế giới nằm trong tay các thành viên của Câu lạc bộ Đảo Jekyll.” Lời ám chỉ trên thực ra chỉ nhằm vào những người thuộc tập đoàn Morgan. Nó không bao gồm những người đại diện cho tập đoàn Rockefeller hay các nhà tài phiệt châu Âu. Nếu tính cả những người này thì có lẽ vẫn còn là quá thận trọng khi ước tính rằng khoảng một phần tư tổng tài sản của thế giới nằm trong tay họ.

Năm 1913, khi Đạo luật Dự trữ Liên bang được ban hành, một tiểu ban của Ủy ban Hạ viện về Tiền tệ và Ngân hàng, do Arsene Pujo, Hạ nghị sĩ bang Louisiana, làm Chủ tịch, đã hoàn tất quá trình điều tra về sự tập trung quyền lực tài chính ở Hoa Kỳ. Pujo được coi là người đại diện cho quyền lợi của các tập đoàn dầu mỏ, một trong những đối tượng của cuộc điều tra, và đã làm mọi thứ có thể để phá hoại các buổi điều trần. Mặc dù vậy, bản báo cáo cuối cùng của ủy ban vẫn gây sửng sốt:

Ủy ban của các ngài đã được cung cấp các bằng chứng... rằng đang tồn tại một sự đồng nhất và cộng đồng lợi ích vững chắc và được xác định rõ ràng giữa một nhóm người đứng đầu ngành tài chính... và điều này giúp họ tập trung quyền kiểm soát tiền và tín dụng với quy mô lớn và tốc độ nhanh.

Trong hệ thống phát hành và phân phối cổ phiếu doanh nghiệp của chúng ta, người đầu tư không mua trực tiếp từ doanh nghiệp. Cổ phiếu đi từ nơi phát hành, qua môi giới rồi mới đến nhà đầu tư. Chỉ có những ngân hàng và nhà tài phiệt lớn có khả năng tiếp cận phần lớn các nguồn tài chính tập trung được hình thành từ tiền của người khác, trong các ngân hàng, công ty ủy thác và công ty bảo hiểm nhân thọ, và với quyền kiểm soát bộ máy tạo ra các thị trường và phân phối cổ phiếu, mới có khả năng bao mua hoặc bảo đảm việc bán ra cổ phiếu phát hành với quy mô lớn. Những người mà thông qua quyền kiểm soát quỹ của các công ty đường sắt và công nghiệp có thể quyết định các quỹ này sẽ được giữ ở đâu, nhờ đó tạo ra những nguồn tài chính dự trữ lớn từ tiền của người khác, cũng chính là những người ở vị trí cho phép họ sử dụng những nguồn dự trữ này cho các dự án kinh doanh mà họ quan tâm hoặc ngăn cản chúng được sử dụng cho những mục đích mà họ không đồng.

Khi xem xét một khía cạnh liên quan khác là một phần lớn tiền dự trữ của các ngân hàng trong nước đang chảy vào nguồn tiền và tín dụng này, và rằng chúng cũng chính là những đại lý và chi nhánh của các ngân hàng chấp nhận séc (“Out-of-town banks”: ngân hàng chấp nhận thanh toán séc được phát hành bởi ngân hàng khác - ND) khi cho vay nguồn tiền thặng dư trong thị trường tiền công quỹ duy nhất của đất nước, và rằng một nhóm người nhỏ cùng với các đối tác và cộng sự của m.nh giờ đây đã củng cố vững chắc hơn nữa khả năng kiểm soát nguồn lực của những thể chế này thông qua việc nắm giữ khối lượng cổ phần lớn, thông qua đại diện trong hội đồng quản trị của các thể chế đó và thông qua sự bảo trợ quan trọng, chúng ta sẽ bắt đầu nhận thấy phần nào mức độ hiệu quả và thực tế tiến triển của sự thống trị và kiểm soát các tập đoàn tài chính, đường sắt và công nghiệp, chủ yếu trong vòng 5 năm qua, và rằng điều này đang đe dọa nghiêm trọng đến sự phát triển của đất nước ra sao.3

Đó là bản chất của sự giàu có và quyền lực nằm trong tay sáu người đàn ông bí mật gặp nhau và cùng đi trên toa xe sang trọng của Thượng nghị sĩ Aldrich đêm hôm đó.

Điểm đến: Đảo Jekyll

Chiều hôm sau, khi gần tới Raleigh, North Carolina, tàu đi chậm dần và dừng hẳn ở nơi tránh tàu ngay bên ngoài nhà ga. Rất nhanh, các nhân viên ném ghi tàu và động cơ đẩy toa xe cuối cùng sang đường tàu tránh, và cũng ngay lập tức, nó được tách rời khỏi đoàn tàu. Một lát sau, khi hành khách bước xuống sân ga, con tàu đã trở lại hình dạng y như lúc ban đầu. Họ không biết rằng những hành khách cùng đi với mình hôm đó, chính vào lúc đó, lại đang lên một chuyến tàu khác tiếp tục đi về hướng nam trong vòng một giờ sau.

Nhóm các nhà tài phiệt cao cấp tham gia chuyến hành trình dài tám trăm dặm tới Atlanta, sau đó tới Savannah và cuối cùng là thị trấn nhỏ Brunswick, bang Georgia. Brunswick có vẻ như là một điểm đến ít người nghĩ tới. Nằm bên bờ biển Atlanta, Brunswick về cơ bản là một làng chài với một cảng bông và gỗ nhỏ nhưng khá tấp nập. Dân số của thị trấn chỉ khoảng vài ngàn người. Tuy nhiên, khi đó, các đảo dọc bờ biển từ South Carolina tới Florida đã trở thành những khu nghỉ dưỡng mùa Đông được giới siêu giàu ưa chuộng. Một trong những hòn đảo đó, nằm ngay gần bờ biển Brunswick, vừa được J.P.Morgan và một số cộng sự mua lại. Họ thường đến đây vào mùa Thu và mùa Đông để săn vịt hoặc hươu và để tránh cái lạnh khắc nghiệt của mùa Đông miền Bắc. Nó được gọi là đảo Jekyll.

Khi toa xe lửa mang tên Aldrich được tách khỏi đoàn tàu và đưa sang đường tránh, thực ra nó rất dễ bị chú ý. Tin tức nhanh chóng lan đến văn phòng của tờ tuần báo của thị trấn. Trong khi nhóm các nhà tài phiệt đang đợi để lên bến tàu thì vài người từ tòa báo đã tới và bắt đầu đặt câu hỏi. Khách của ngài Aldrich là ai? Tại sao họ đến đây? Có điều gì đặc biệt đang diễn ra vậy? Ngài Davison, một trong những người chủ sở hữu đảo Jekyll và đã quen mặt với tờ báo địa phương, trả lời rằng đây chỉ là những người bạn và họ đến đây chỉ để thỏa mãn thú vui săn vịt. Tin rằng đây chẳng phải là một sự kiện mang tính thời sự, các phóng viên trở lại văn phòng của mình.

Ngay cả khi đã tới khu nhà nghỉ trên hòn đảo xa xôi, tính bí mật của cuộc gặp vẫn được duy trì. Quy tắc chỉ dùng tên riêng tiếp tục có hiệu lực trong vòng 9 ngày sau đó. Các nhân viên và người phục vụ làm việc tại đây được cho nghỉ phép và sau quá trình tuyển chọn kỹ càng, một đội ngũ nhân viên mới được đưa đến để phục vụ riêng cho sự kiện này. Khó có thể tưởng tượng một sự kiện nào khác trong lịch sử - kể cả quá trình chuẩn bị cho chiến tranh – lại được che chắn khỏi sự tò mò của công chúng với mức độ bí mật và bí hiểm hơn thế.

Mục đích của chuyến đi này không phải là để săn vịt. Nói một cách ngắn gọn thì nó nhằm đi tới một thỏa thuân về cơ cấu và phương thức hoạt động của một cartel ngân hàng. Mục tiêu, cũng giống như đối với mọi cartel khác, là nhằm tối đa hóa lợi ích bằng cách tối thiểu hóa cạnh tranh giữa các thành viên, làm cho việc gia nhập thị trường trở nên khó khăn đối với những đối thủ cạnh tranh mới, và tận dụng quyền quản lý của chính phủ để thực thi thỏa thuận cartel. Cụ thể hơn, mục đích của chuyến đi là nhằm thiết kế nên Hệ thống Dự trữ Liên bang.

Câu chuyện được khẳng định

Trong nhiều năm sau khi sự kiện diễn ra, các nhà giáo dục, nhà bình luận và nhà sử học đều bác bỏ sự tồn tại của cuộc họp trên đảo Jekyll. Cho tới tận ngày nay, quan điểm chung được chấp nhận vẫn là cuộc họp này không mấy quan trọng, và chỉ có những kẻ ngây thơ mắc chứng hoang tưởng mới tìm cách gán cho nó ý nghĩa nào đó. Ron Chernow đã viết như sau: “Cuộc họp trên đảo Jekyll có thể là chất liệu cho hàng ngàn lý thuyết âm mưu khác nhau.” (4) Tuy nhiên, dần dần, từng mảnh nhỏ của câu chuyện được ghép lại với nhau, một cách trực tiếp hoặc gián tiếp từ chính những người tham gia buổi họp đó. Hơn nữa, nếu những điều họ nói về chính mục đích và hành động của họ không tạo thành một âm mưu kinh điển thì hẳn là từ âm mưu bản thân nó chẳng có mấy ý nghĩa.

Thông tin rò rỉ đầu tiên về cuộc họp này được đưa lên báo vào năm 1916. Nó xuất hiện trên tờ Leslie’s Weekly và được viết bởi một phóng viên tài chính trẻ tên là B.C.Forbes, người sáng lập Tạp chí Forbes sau này. Bài báo chủ yếu ca ngợi Paul Warburg, và chắc hẳn Warburg đã tiết lộ câu chuyện trong khi trao đổi với người viết. Bất luận thế nào thì ngay đoạn mở đầu, bài báo đã đưa ra một bản tóm tắt khá kịch tính nhưng rất chính xác về cả bản chất và mục đích của cuộc họp:

Hãy hình dung một buổi tiệc của những chủ ngân hàng vĩ đại nhất đất nước. Họ lén rời New York trong đêm trên một toa xe lửa cá nhân, vội vã kín đáo đi hàng trăm dặm về phía Nam, lên một chiếc xuồng bí ẩn, trốn lên một hòn đảo đã được sơ tán hết người chỉ trừ vài nhân viên phục vụ, ở đó trên một tuần trong sự bí mật nghiêm cẩn đến mức không một cái tên nào được đề cập dù chỉ một lần, đề phòng những người phục vụ biết được danh tính của họ và tiết lộ cho thế giới biết về chuyến đi kỳ lạ nhất, bí mật nhất trong lịch sử ngành tài chính Mỹ.

Không phải tôi đang kể một câu chuyện lãng mạn đâu. Tôi đang lần đầu tiên cho thế giới biết câu chuyện thực sự về cách mà bản báo cáo nổi tiếng về tiền tệ mang tên Aldrich, nền tảng của hệ thống tiền tệ mới của chúng ta, đã được viết ra như thế nào. 5

Năm 1930, Paul Warburg viết một cuốn sách đồ sộ - tổng cộng 1.750 trang – với tựa đề “Hệ thống Dự trữ Liên bang, Nguồn gốc và sự Phát triển”. Trong cuốn sách này, ông giải thích: “kết quả của cuộc hội nghị là hoàn toàn bí mật. Ngay cả sự thật là một cuộc họp đã từng diễn ra cũng không được phép tiết lộ công khai.” Tiếp đó, trong một chú giải, ông nói thêm: “Mặc dù đã 18 năm trôi qua, tôi vẫn không được tự do kể lại cuộc họp vô cùng thú vị này bởi vì Thượng nghị sĩ Aldrich đã yêu cầu tất cả những người tham dự phải cam kết giữ bí mật” 6. 34 năm sau đó, con trai ông, James, trong một cuốn sách của mình, đã tiết lộ một chi tiết thú vị về sự tham gia của Warburg vào cuộc họp đó. James được Tổng thống F.D.R bổ nhiệm vào chức vụ Giám đốc Ngân sách, và trong Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, ông giữ chức Trưởng Phòng Thông tin Chiến tranh. Trong cuốn sách của mình, James kể lại việc cha mình, người không phân biệt được đâu là nòng súng với báng súng, đã mượn khẩu súng săn của một người bạn và mang nó lên chuyến tàu để ngụy trang thành người đi săn vịt. 7

Đoạn này của câu chuyện được chứng thực trong tiểu sử chính thức của Thượng nghị sĩ Aldrich do Nathaniel Wright Stephenson viết:

Mùa Thu năm 1910, sáu người đàn ông lên đường đi săn vịt. Đúng ra đó là lý do chuyến đi mà họ nói với mọi người. Một người trong số đó, ngài Warburg, đã hài hước kể lại cảm giác của mình khi đặt chân lên toa xe lửa cá nhân tại thành phố Jersey, mang theo toàn bộ trang bị dành cho một tay săn vịt. Hài hước ở chỗ ông chưa từng bắn một con vịt nào trong đời và cũng không hề có ý định đó. Chuyến đi săn vịt chỉ là cái cớ. 8

Theo Stephenson, ngay khi vừa tới Brunswick, giám đốc nhà ga bước lên toa xe và khiến những người có mặt trên đó bị sốc khi biết danh tính của tất cả bọn họ. Tệ hơn nữa, ông cho biết có nhiều phóng viên đang đợi bên ngoài. Davison đứng ra giải quyết vấn đề. Ông nói “Chúng ta hãy ra ngoài một chút đi ông bạn, và tôi sẽ kể cho ông nghe một câu chuyện.” Không ai biết câu chuyện gì đã được kể khi hai người đàn ông đứng trên những thanh tà vẹt đường ray buổi sáng hôm đó, nhưng chỉ một lát sau, Davison trở lại, nở một nụ cười lớn. “Ổn rồi,” ông trấn an mọi người. “Họ sẽ không tiết lộ về chúng ta đâu.”

Stephenson cho biết thêm: “Các phóng viên rời đi, và sự bí mật của chuyến đi kỳ lạ đó đã không bị tiết lộ. Không ai hỏi Davison đã làm điều đó như thế nào và ông cũng không nói gì thêm. 9

Trong số báo ra ngày 9 tháng 2 năm 1935 của tờ Saturday Evening Post xuất hiện một bài viết của Frank Vanderlip. Ông viết:

Trái ngược với quan điểm của tôi về giá trị đối với xã hội của việc công khai nhiều hơn công việc của các tập đoàn, có một sự kiện, vào thời điểm gần cuối năm 1910, mà tôi đã giữ bí mật – thực ra là vụng trộm – giống như bất kỳ kẻ âm mưu nào khác... Tôi không nghĩ rằng sẽ là quá lời khi nói về chuyến đi tới đảo Jekyll của chúng tôi như là sự kiện đánh dấu cho sự thai nghén cái mà cuối cùng sẽ trở thành Hệ thống Dự trữ Liên bang.

Chúng tôi được yêu cầu không nhắc tới họ của mình. Hơn thế nữa, chúng tôi còn được yêu cầu tránh ăn tối cùng nhau vào hôm khởi hành. Chúng tôi được hướng dẫn đến nhà ga nằm trên bờ sông Hudson phía New Jersey vào giờ khác nhau và càng kín đáo càng tốt, ở đó toa xe lửa cá nhân của Thượng nghị sĩ Aldrich đã chờ sẵn, được nối vào phía đằng sau của một đoàn tàu đi về hướng Nam.

Khi lên tàu rồi, chúng tôi bắt đầu thực hiện điều cấm kị liên quan đến họ của mình. Chúng tôi gọi nhau là “Ben”, “Paul”, “Nelson”, “Abe” – đó là Abraham Piatt Andrew. Davison và tôi còn ngụy trang kín hơn, chúng tôi bỏ luôn tên riêng của mình. Dựa trên lý thuyết rằng chúng tôi luôn luôn đúng, Davison trở thành Wilbur còn tôi là Orville, theo tên của hai nhà tiên phong trong ngành hàng không, anh em nhà Wright.

Những người phục vụ và nhân viên trên tàu có thể biết danh tính của một hoặc hai người trong số chúng tôi nhưng không biết hết, và nếu tên của tất cả chúng tôi lộ ra thì chuyến đi bí ẩn đó sẽ trở nên quan trọng ở Washington, Phố Wall, và London nữa.

Chúng tôi biết rằng không thể cho phép điều đó xảy ra, và khi đó toàn bộ thời gian và công sức của chúng tôi sẽ trở nên vô ích. Nếu việc nhóm sáu người chúng tôi ngồi lại với nhau và cùng dự thảo một dự luật về ngân hàng bị công khai thì dự luật đó sẽ không bao giờ có cơ hội được Quốc hội thông qua. 10

Cơ chế là một cartel thuần túy

Thỏa thuận đạt được tại cuộc họp trên đảo Jekyll là một ví dụ điển hình về cơ chế của một cartel. Cartel là một nhóm công ty tập hợp lại với nhau để phối hợp quá trình sản xuất, định giá và marketing của các thành viên. Mục đích của cartel là nhằm làm giảm cạnh tranh, nhờ đó tăng lợi nhuận. Điều này đạt được thông qua độc quyền chung đối với ngành, do vậy người dân phải trả giá cao hơn cho hàng hóa và dịch vụ so với khi có cạnh tranh tự do giữa các công ty.

Đây là đại diện của những tập đoàn tài chính ngân hàng hàng đầu thế giới: Morgan, Rockefeller, Rothschild, Warburg và Kuhn-Loeb. Các tập đoàn này thường là đối thủ cạnh tranh của nhau, và rõ ràng là giữa họ có sự ngờ vực lẫn nhau cũng như những mưu đồ được che giấu tài tình nhằm có được vị trí thuận lợi trong bất kỳ thỏa thuận nào. Nhưng trên hết họ bị thúc đẩy bởi mong muốn đấu tranh chống lại kẻ thù chung. Kẻ thù đó là cạnh tranh.

Năm 1910, số lượng ngân hàng ở Mỹ gia tăng với tốc độ rất lớn. Chỉ trong vòng 10 năm trước đó, số lượng ngân hàng đã tăng gấp đôi, lên tới con số 20.000. Hơn thế, phần lớn số ngân hàng mới được sinh ra nằm ở miền Nam và miền Tây, và điều này khiến cho các ngân hàng New York dần đánh mất thị phần. Hầu hết các ngân hàng trong những năm 1880 đều là ngân hàng quốc gia, tức là chính phủ liên bang nhượng quyền. Thông thường chúng được đặt ở các thành phố lớn và theo luật, được phép in tiền riêng dưới hình thức giấy bạc. Tuy nhiên, ngay từ năm 1896, số lượng các ngân hàng khác đã tăng lên 61%, và chúng nắm giữ 54% tổng lượng tiền gửi ngân hàng. Năm 1913, khi Đạo luật Dự trữ Liên bang được thông qua, tỷ lệ ngân hàng phi quốc gia là 71%, nắm giữ 57% tổng lượng tiền gửi. (11) Trong con mắt của những người săn vịt từ New York hôm đó, đây là một xu hướng nhất thiết phải đảo ngược.

Cạnh tranh cũng đến từ một xu hướng khác trong ngành công nghiệp, đó là đầu tư cho tăng trưởng trong tương lai từ lợi nhuận thay vì từ tín dụng. Đây là kết quả tự nhiên của tỷ lệ lãi suất thị trường tự do vốn giúp tạo ra tình trạng cân bằng thực tế giữa nợ và tiết kiệm. Lãi suất đủ thấp để thu hút những người đi vay nghiêm túc đủ tự tin vào thành công của dự án kinh doanh và khả năng trả nợ của mình, nhưng cũng đủ cao để làm nản lòng những người đi vay với các dự án phiêu lưu trong khi có nguồn tài chính khác cho những dự án này – đó là tiền của chính họ. Sự cân bằng giữa nợ và tiết kiệm đó là kết quả của cung tiền hạn chế. Các ngân hàng có thể cho vay nhiều hơn số tiền gửi vào tay họ, như chúng ta sẽ thấy, nhưng quá trình đó bị giới hạn. Và giới hạn đó được quyết định bởi số lượng vàng mà họ nắm giữ. Kết quả là từ năm 1900 đến 1910, 70% nguồn vốn cho tăng trưởng của các doanh nghiệp Mỹ là tự huy động, và điều này làm cho ngành công nghiệp ngày càng độc lập với các ngân hàng. 12

Ngay cả chính quyền trung ương cũng trở nên tiết kiệm hơn. Nó có dự trữ vàng ngày càng lớn, đang thu hồi lại đồng đô la (Greenbacks) – đồng tiền được phát hành trong thời kỳ Nội chiến – và đang nhanh chóng giảm nợ công.

Đây cũng là một xu hướng khác cần được ngăn chặn. Điều mà các chủ ngân hàng mong muốn – và cũng là điều nhiều doanh nhân muốn – là can thiệp vào thị trường tự do và làm cho lãi suất đi xuống, làm cho nợ có ưu thế hơn so với tiết kiệm. Để đạt được điều này, cung tiền cần phải được tách khỏi vàng và trở nên dồi dào hơn, hay theo cách nói của họ là linh hoạt hơn.

Bóng ma của sự sụp đổ ngân hàng

Tuy nhiên, mối đe dọa lớn nhất không phải là từ các đối thủ cạnh tranh hay sự hình thành vốn cá nhân, mà từ người dân nói chung, dưới hình thức mà các nhà tài phiệt gọi là sự tháo chạy khỏi ngân hàng (hay đột biến rút tiền gửi – NBT). Nghĩa là, khi ngân hàng nhận tiền gửi của một khách hàng, nó sẽ cho khách hàng một “số dư” trong tài khoản, điều này đồng nghĩa với lời hứa ngân hàng sẽ trả lại tiền gửi bất kỳ khi nào khách hàng muốn. Tương tự như vậy, khi một khách hàng khác vay tiền từ ngân hàng, anh ta cũng được cấp một số dư tài khoản mà thường được rút ngay lập tức để thỏa mãn mục đích của khoản vay. Quá trình này sinh ra một quả bom hẹn giờ bởi vì vào thời điểm đó, ngân hàng đã đưa ra nhiều lời hứa “trả tiền theo yêu cầu” hơn số tiền mà nó có trong quỹ. Mặc dù người gửi tiền nghĩ rằng anh ta có thể lấy lại tiền bất kỳ lúc nào mình muốn nhưng trên thực tế thì tiền đã được đưa cho người vay và không còn trong ngân hàng.

Vấn đề còn phức tạp hơn khi mà ngân hàng được phép cho vay nhiều hơn số tiền gửi mà nó nhận được. Cơ chế để các ngân hàng làm được điều kỳ lạ tưởng như không thể này sẽ được bàn ở một chương khác, nhưng có một thực tế trong ngành ngân hàng hiện đại là số lời hứa trả tiền thường vượt quá số tiền gửi với tỷ lệ 10/1. Và bởi vì chỉ khoảng 3% số tài khoản này được giữ tại quỹ dưới hình thức tiền mặt – số tiền còn lại đã biến thành nhiều khoản vay và đầu tư hơn nữa – do vậy, số lời hứa của ngân hàng đã vượt quá khả năng giữ lời hứa của nó với tỷ lệ hơn 300/1. (13)

Miễn là chỉ một tỷ lệ nhỏ người gửi tiền rút tiền tại một thời điểm thì cơ chế này quá khôn ngoan. Nhưng nếu niềm tin của người dân bị lung lay, và tỷ lệ người rút tiền nhiều hơn vài phần trăm thì hệ thống sẽ nổ tung. Ngân hàng không thể giữ mọi lời hứa và buộc phải đóng cửa. Liền sau đó thường là phá sản.

Khủng hoảng thanh khoản.

Kết quả tương tự có thể xảy ra – và trước khi Hệ thống Dự trữ Liên bang ra đời, nó xảy ra khá thường xuyên – ngay cả khi không có sự tháo chạy khỏi ngân hàng của người gửi tiền. Thay vì rút tiền tại quầy, họ đơn giản chỉ cần viết “séc” mua hàng hoặc dịch vụ. Người nhận séc mang séc tới ngân hàng để rút tiền. Nếu ngân hàng đó với ngân hàng phát hành tấm séc là một thì không có vấn đề gì bởi vì không cần phải chuyển tiền thật từ quỹ. Nhưng nếu người nhận séc mang nó đến một ngân hàng khác thì tấm séc sẽ nhanh chóng được đưa trở lại ngân hàng phát hành và các ngân hàng sẽ phải giải quyết với nhau.

Tuy nhiên, đây lại không phải là quá trình một chiều. Trong khi ngân hàng Downtown yêu cầu ngân hàng Uptown thanh toán thì ngân hàng Uptown cũng đang duyệt séc và yêu cầu ngân hàng Downtown thanh toán. Nếu số tiền từ mỗi chiều là bằng nhau thì mọi việc sẽ được giải quyết đơn giản bằng nghiệp vụ kế toán. Nhưng nếu số tiền không bằng nhau thì một trong hai ngân hàng sẽ phải chuyển khoản tiền chênh lệch cho ngân hàng kia. Nếu số tiền cần thanh toán vượt quá vài phần trăm tổng số tiền gửi của ngân hàng thì kết quả cũng giống như cuộc tháo chạy khỏi ngân hàng của người gửi tiền. Yêu cầu thanh toán quá lớn của các ngân hàng khác thay vì của người gửi tiền được gọi là khủng hoảng thanh khoản.

Năm 1910, nguyên nhân tuyên bố phá sản phổ biến nhất của một ngân hàng do khủng hoảng thanh khoản là do nó áp dụng chính sách cho vay thiếu thận trọng hơn các đối thủ cạnh tranh. Ngân hàng bị yêu cầu trả nhiều tiền hơn do cho vay nhiều hơn. Cho vay 90% số tiền tiết kiệm của khách hàng (tức là chỉ giữ lại 1 đô la trên mỗi 10 đô la tiền gửi) đi là nguy hiểm, nhưng trong phần lớn thời gian tỷ lệ như vậy là đủ. Tuy nhiên một số ngân hàng còn tiến sát bờ vực nguy hiểm hơn. Họ đẩy tỷ lệ cho vay lên 92%, 95%, 99%.

Nói cho cùng thì ngân hàng kiếm tiền bằng cách thu lãi suất, và cách duy nhất để làm điều đó là cho vay. Càng cho vay nhiều thì càng tốt. Và như thế một số ngân hàng liều lĩnh đã hình thành một tập quán mà họ gọi là “cho vay nhiều hơn” (loan up). Đó là cách nói khác của việc hạ thấp tỷ lệ dự trữ.

Thiên đường của một chủ ngân hàng

Nếu tất cả các ngân hàng buộc phải duy trì tỷ lệ cho vay trên dự trữ bằng với các ngân hàng khác, không cần biết tỷ lệ đó nhỏ đến mức nào, thì số séc được thanh toán giữa các ngân hàng sẽ cân bằng trong dài hạn. Sẽ không bao giờ xảy ra một vụ khủng hoảng thanh khoản lớn nào. Trong một hệ thống như vậy, toàn bộ ngành ngân hàng có thể sụp đổ nhưng không phải các ngân hàng riêng lẻ - ít nhất không phải các ngân hàng nằm trong cartel. Khoảng cách từ mọi ngân hàng đến bờ vực sụp đổ là như nhau, bất kể khoảng cách đó gần như thế nào. Với sự đồng đều như vậy, không một ngân hàng riêng lẻ nào bị đổ lỗi khi không thực hiện nghĩa vụ của mình. Đối tượng bị đổ lỗi lúc đó sẽ chuyển sang “nền kinh tế” hay “chính sách của chính phủ” “hay “tỷ lệ lãi suất” hay “thâm hụt thương mại” hay “giá trị giao dịch của đồng đô la” hay thâm chí là bản thân “hệ thống tư bản”.

Nhưng vào năm 1910, một thiên đường cho chủ ngân hàng như vậy chưa hình thành. Nếu tỷ lệ cho vay trên dự trữ của ngân hàng Dowtown bắt đầu cao hơn so với các đối thủ thì số lượng séc cần thanh toán của ngân hàng đó cũng lớn hơn. Do đó, ngân hàng theo đuổi chính sách cho vay liều lĩnh phải rút từ dự trữ của mình để thanh toán cho những ngân hàng thận trọng hơn và khi các quỹ dự trữ đó cạn kiệt thì ngân hàng đó buộc phải phá sản.

Nhà sử học John Klein nói rằng “Các vụ hoảng loạn tài chính năm 1873, 1884, 1893 và 1907 chủ yếu là do sự phát triển quá nhanh của quá trình tập trung dự trữ và tiền gửi quá lớn của các ngân hàng thành thị. Các vụ hoảng loạn này xuất phát từ các vụ khủng hoảng thanh khoản diễn ra trong những giai đoạn làm ăn tương đối phát đạt khi ngân hàng cho vay quá nhiều. 14 Nói cách khác, các vụ “hoảng loạn” và kéo theo đó là sự sụp đổ của ngân hàng xảy ra không phải là do các nhân tố tiêu cực trong nền kinh tế, mà do các vụ khủng hoảng thanh khoản của những ngân hàng cho vay quá nhiều đến mức độ gần như không c.n dự trữ. Các ngân hàng không sụp đổ vì hệ thống yếu kém. Hệ thống sụp đổ vì các ngân hàng yếu kém.

Đây là một vấn đề thường gặp khác đã đưa bảy người đàn ông đó đi hàng ngàn dặm tới một hòn đảo tí hon ngoài khơi Georgia. Mỗi người đều là một đối thủ cạnh tranh có máu mặt nhưng điều quan trọng nhất trong suy nghĩ của họ lúc đó là các vụ hoảng loạn và sự sụp đổ thực tế của 1.748 ngân hàng trong hai thập niên trước đó.

Bằng cách nào đó họ phải chung tay lại với nhau. Cần phải nghĩ ra một cách nào đó cho phép họ tiếp tục đưa ra nhiều lời hứa trả tiền theo yêu cầu hơn khả năng giữ lời hứa. Để làm điều này, họ cần tìm ra cách để mọi ngân hàng phải giữ khoảng cách như nhau so với bờ vực, và khi những thảm họa không tránh khỏi xảy ra, điều đó sẽ giúp họ tránh được cáo buộc của công chúng. Bằng cách làm cho điều đó trở thành vấn đề của nền kinh tế quốc gia thay vì là vấn đề nghiệp vụ ngân hàng, họ sẽ có cửa dùng tiền thuế của người dân thay vì tiền cá nhân để thanh toán cho các khoản thua lỗ.

Dưới đây là những thách thức đối với nhóm người nhỏ nhưng vô cùng quyền lực tập trung trên đảo Jekyll hôm đó:

1. Làm cách nào để ngăn chặn ảnh hưởng của các ngân hàng đối thủ nhỏ hơn và đảm bảo rằng quyền kiểm soát các nguồn lực tài chính quốc gia vẫn nằm trong tay những người có mặt;

2. Làm cách nào để cung tiền trở nên linh hoạt hơn nhằm đảo ngược xu hướng hình thành tư bản cá nhân và chiếm lại thị trường cho vay trong ngành công nghiệp;

3. Làm cách nào để tập trung quỹ dự trữ nghèo nàn của các ngân hàng trong nước lại thành một quỹ dự trữ lớn, nhờ đó, các ngân hàng sẽ có động cơ duy trì tỷ lệ cho vay trên tiền gửi giống nhau. Điều này sẽ giúp bảo vệ ít nhất một vài ngân hàng khỏi t.nh trạng khủng hoảng thanh khoản và người gửi rút tiền hàng loạt;

4. Nếu điều này dẫn tới sự sụp đổ của toàn bộ hệ thống ngân hàng, thì làm cách nào để chuyển thiệt hại từ chủ ngân hàng sang người đóng thuế.

Cartel được đặt tên

Ai cũng biết rằng giải pháp cho tất cả những vấn đề trên là một cơ chế cartel đã được xây dựng và vận hành ở châu Âu. Giống như mọi cartel khác, nó phải được tạo ra bằng một đạo luật và được duy trì bằng quyền lực của chính phủ dưới chiêu bài bảo vệ người dân.

Do vậy, nhiệm vụ quan trọng nhất đối với họ lúc đó có thể được tóm tắt thành mục tiêu số 5: Làm cách nào thuyết phục Quốc hội rằng kế hoạch này là biện pháp bảo vệ người dân.

Nhiệm vụ này khá tế nhị. Người Mỹ không thích khái niệm cartel. Ý tưởng các công ty tập hợp lại với nhau để quyết định giá cả và cản trở cạnh tranh là một ý tưởng xa lạ với hệ thống doanh nghiệp tự do. Nó sẽ không bao giờ được các cử tri chấp nhận. Nhưng nếu không dùng từ cartel, nếu có thể mô tả kế hoạch này bằng những từ ngữ trung tính – thậm chí có thể là hấp dẫn – thì coi như trận chiến đã thắng được một nửa.

Do đó, quyết định đầu tiên là áp dụng cách làm của châu Âu, tức là từ đó về sau, cartel sẽ vận hành như một ngân hàng trung ương. Và ngay cả cách gọi đó cũng chỉ là cách gọi chung chung. Nhằm mục đích thuyết phục công chúng và giới lập pháp, họ sẽ nghĩ ra một cái tên không động gì đến chữ ngân hàng và sẽ gợi lên hình ảnh của chính chính quyền liên bang. Hơn nữa, để tạo ấn tượng là sẽ không có sự tập trung quyền lực, họ sẽ lập ra các chi nhánh khu vực của cartel và nhấn mạnh vào điều đó để thuyết phục công chúng và các nhà làm luật. Stephenson cho chúng ta biết: “Khi tới cuộc họp trên đảo Jekyll, Aldrich đã trở thành người ủng hộ nhiệt thành ý tưởng ngân hàng trung ương. Mong muốn của ông là đưa mô hình một ngân hàng trung ương châu Âu, ví dụ như Bank of England, vào áp dụng tại Mỹ. 15 Nhưng về mặt chính trị, những kế hoạch này cần phải được che giấu không để người dân biết. John Kenneth Galbraith giải thích: “Ý tưởng của ông [Aldrich] là qua mặt những người phản đối không phải với một mà với nhiều ngân hàng trung ương. Và cần phải tránh dùng từ ngân hàng.” 16

Trừ Aldrich, tất cả những người tham dự cuộc họp đều là chủ ngân hàng nhưng chỉ có một người là chuyên gia về mô hình ngân hàng trung ương kiểu châu Âu. Nhờ kiến thức của mình, Paul Warburg trở thành người dẫn dắt và chi phối toàn bộ cuộc thảo luận. Chỉ cần nghiên cứu sơ bộ về sự hình thành Hệ thống Dự trữ Liên bang cũng đủ để biết rằng ông chính là đạo diễn của cartel. Theo Galbraith, “...Warburg được gọi là cha đẻ của hệ thống, và điều này phần nào cũng đúng”. (17) Giáo sư Edwin Seligman, một thành viên của gia đình sở hữu ngân hàng quốc tế J. & W. Seligman, và là Trưởng khoa Kinh tế, Đại học Columbia, viết: “...về bản chất, Đạo luật Dự trữ Liên bang là tác phẩm của Ngài Warburg hơn là của bất kỳ ai khác trong đất nước này.” 18

Bố Warbucks thật sự

Paul Moritz Warburg là người đứng đầu ngân hàng đầu tư M.M. Warburg & Company tại Hamburg, Đức và Amsterdam, Hà Lan. Ông mới đến Mỹ 9 năm trước khi cuộc họp trên đảo Jekyll diễn ra. Tuy nhiên, ngay sau khi đến Mỹ, với nguồn vốn chủ yếu từ tập đoàn Rothschild, ông và người em trai Felix đã mua được suất cổ đông trong ngân hàng đầu tư Kuhn, Loeb & Company, trong khi vẫn là cổ đông của Warburg tại Hamburg. 19

Trong vòng 20 năm, Paul sẽ trở thành người giàu nhất nước Mỹ với sự thống trị tuyệt đối ngành đường sắt.

Tại thời điểm đó thì vẫn khó nhận thấy hết tầm quan trọng của người đàn ông này. Nhưng có thể rút ra một điều từ thực tế là nhân vật huyền thoại Bố Warbucks trong bộ truyện tranh Cô bé mồ côi Annie là hình ảnh ẩn dụ về lòng nhân từ mà người ta thường nhắc đến ở Paul Warburg, và khả năng kỳ diệu của ông trong việc làm điều tốt nhờ sức mạnh của sự giàu có vô hạn.

Một người anh khác của Paul, Max Warburg, là cố vấn tài chính của Hoàng đế và sau này trở thành Giám đốc Reichsbank của Đức. Reichsbank chính là một ngân hàng trung ương và nó là một trong những mô hình được sử dụng trong quá trình xây dựng Hệ thống Dự trữ Liên bang. Nhân tiện xin nói thêm là vài năm sau, Reichsbank sẽ gây ra một đợt lạm phát phi mã tại Đức, quét sạch tầng lớp trung lưu và toàn bộ nền kinh tế Đức.

Paul Warburg nhanh chóng trở nên nổi tiếng ở Phố Wall với tư cách một nhà vận động đầy thuyết phục cho việc xây dựng ngân hàng trung ương ở Mỹ. Ba năm trước khi cuộc họp trên đảo Jekyll diễn ra, ông đã xuất bản một số tài liệu tuyên truyền.

Một tài liệu có tên là “Những Thiếu sót và Đòi hỏi của Hệ thống Ngân hàng của chúng ta”, và một tài liệu khác có tên “Kế hoạch cho một Ngân hàng Trung ương được điều chỉnh”. Những tài liệu này được chú ý rộng rãi cả trong giới học thuật và ngân hàng, và chúng đã tạo ra môi trường trí thức cho tất cả các cuộc thảo luận sau này liên quan đến luật ngân hàng. Trong các chuyên luận này, Warburg chỉ trích hệ thống tiền tệ Mỹ bị tê liệt bởi sự phụ thuộc vào vàng và trái phiếu chính phủ, cả hai đều bị hạn chế về nguồn cung. Ông lập luận rằng cái mà nước Mỹ cần là cung tiền linh hoạt có thể được mở rộng và thu hẹp để phù hợp với nhu cầu thương mại luôn thay đổi. Giải pháp là áp dụng mô hình của Đức trong đó các ngân hàng có thể tạo ra tiền tệ chỉ dựa trên cơ sở “giấy tờ thương mại”, hay là cách mà giới ngân hàng gọi giấy vay nợ (IOU, I own you) của các doanh nghiệp.

Warburg nỗ lực không mệt mỏi để thúc đẩy các mục tiêu này. Ông nhiều lần diễn thuyết trước những nhân vật đầy quyền lực và đều đặn xuất bản các nghiên cứu về chủ đề này. Chẳng hạn, vào tháng ba năm đó, tờ New York Times đăng loạt bài gồm 11 phần do Warburg viết, trong đó giải thích chi tiết về cái mà ông gọi là “Ngân hàng Dự trữ Hoa Kỳ”. 20

Với những người hiểu vấn đề thì phương pháp rất đơn giản

Phần lớn các bài viết và bài diễn thuyết của Warburg về chủ đề này hoàn toàn mới mẻ đối với công chúng. Để che giấu sự thật là ngân hàng trung ương chỉ là một cartel được hợp pháp hóa, những người ủng hộ nó phải giăng lên một bức màn dày đặc những thuật ngữ khó hiểu luôn tập trung chứng tỏ nó sẽ có lợi cho thương mại, người dân và đất nước ra sao; nó sẽ làm giảm tỷ lệ lãi suất, cung cấp vốn cho các dự án công nghiệp và ngăn chặn những cơn hoảng loạn trong nền kinh tế như thế nào. Không hề có một chút tia sáng lờ mờ nào để mọi người biết rằng đằng sau đó là cả một kế hoạch tổng thể được thiết kế từ trên xuống dưới nhằm hy sinh lợi ích của người dân để phục vụ lợi ích cá nhân.

Tuy nhiên, đây chính là thực tế lạnh lùng, và các nhà ngân hàng am hiểu hơn đều biết rõ về nó. Trong một bài phát biểu tại Hiệp hội các nhà ngân hàng Mỹ vào năm sau đó, Aldrich trình bày cho những người thực sự lắng nghe ý nghĩa của những gì ông nói: “Tổ chức mà chúng tôi đề xuất không phải là một ngân hàng mà là một liên minh bao gồm toàn bộ các ngân hàng trong nước và những mục đích xác định”. 21 Chính xác. Một liên minh ngân hàng.

Hai năm sau, trong một bài diễn thuyết trước chính nhóm các nhà ngân hàng đó, A. Barton Hepburn, chủ tịch Chase National Bank còn thẳng thắn hơn. Ông nói: “Biện pháp này thừa nhận và áp dụng các nguyên tắc của một ngân hàng trung ương. Trên thực tế, nếu nó có hiệu quả như những người đỡ đầu của đạo luật này hy vọng thì nó sẽ biến toàn bộ các ngân hàng được hợp nhất với nhau trở thành người đồng sở hữu một quyền lực chi phối cấp trung ương.” 22 Và đó là định nghĩa tốt nhất về một cartel mà chúng ta có thể tìm thấy.

Năm 1914, một năm sau khi Đạo luật Dự trữ Liên bang được thông qua, Thượng nghị sĩ Aldrich đã có thể thoải mái hơn trong các phát biểu của mình. Trong một bài viết được xuất bản tháng 7 năm đó trên tờ tạp chí có tên The Independent, ông khoe: “Trước khi đạo luật này được thông qua, các chủ ngân hàng New York chỉ có thể chi phối các quỹ dự trữ của New York. Giờ đây chúng ta đã có thể chi phối dự trữ ngân hàng của toàn bộ đất nước này.”

Lời đồn thổi được chấp nhận là lịch sử

Phiên bản mà lịch sử chấp nhận là Cục Dự trữ Liên bang được thành lập để ổn định nền kinh tế của chúng ta. Một trong số các cuốn sách giáo khoa được sử dụng rộng rãi nhất về chủ đề này nói rằng: “Nó xuất phát từ cuộc hoảng loạn diễn ra năm 1907, khi mà sự sụp đổ của ngân hàng trở thành đại dịch đáng báo động: đất nước đã quá chán ngán với sự hỗn loạn của hệ thống ngân hàng tư nhân bất ổn.” (23) Ngay cả một sinh viên ngây thơ nhất cũng phải nhận thấy có sự mâu thuẫn nghiêm trọng giữa quan điểm được tung hô này và hiệu quả hoạt động thực tế của Cục Dự trữ Liên bang. Từ khi ra đời, nó đã chịu trách nhiệm về các vụ sụp đổ năm 1921 và 1929; cuộc Đại suy thoái 1929-1933; các cuộc suy thoái năm 1953, 1957, 1969, 1975 và 1981; “Ngày thứ Hai đen tối” trên thị trường chứng khoán năm 1987; và tỷ lệ lạm phát 1.000% đã phá hủy tới 90% giá trị sức mua của đồng đô la. 24 Để tôi nói rõ hơn điểm cuối cùng. Năm 1990, cần phải có thu nhập hàng năm $10.000 đô la để mua được những thứ chỉ trị giá $1.000 đô la vào năm 1914. 25 Tổn thất khó tin này đã được lặng lẽ chuyển sang cho chính quyền liên bang dưới hình thức thuế ẩn, và Hệ thống Dự trữ Liên bang là cơ chế để làm điều này.

Gieo nhân nào sẽ gặt quả đó. Hậu quả của sự sung công tài sản do cơ chế Dự trữ Liên bang tiến hành đang đè lên vai chúng ta. Trong thập niên này, nợ của doanh nghiệp cao ngất ngưởng; nợ cá nhân cao chưa từng có; số vụ phá sản của doanh nghiệp và cá nhân đều cao nhất trong lịch sử; số lượng các ngân hàng và quỹ tín dụng thua lỗ cũng đạt mức kỷ lục; lại phải trả trên nợ công đang ngốn mất một nửa tiền thuế thu nhập cá nhân của chúng ta; ngành công nghiệp nặng gần như đã bị thay thế bởi các đối thủ cạnh tranh nước ngoài; chúng ta đang phải đối mặt với thâm hụt thương mại quốc tế lần đầu tiên trong lịch sử; 75% số ngân hàng ở trung tâm Los Angeles và các khu vực đô thị khác hiện do người nước ngoài làm chủ; và quá nửa đất nước đang ở trong tình trạng suy thoái kinh tế.

Lý do đầu tiên để từ bỏ hệ thống

Trên đây là thành tích hoạt động của Hệ thống Dự trữ Liên bang 80 năm sau khi được thành lập để ổn định nền kinh tế! Không bàn cãi gì nữa, Hệ thống đã thất bại ngay từ các mục tiêu của nó.

Hơn nữa, sau chừng ấy thời gian, sau bao thay đổi về nhân sự, sau khi được vận hành dưới sự nắm quyền của cả hai đảng chính trị, sau nhiều thử nghiệm về triết lý tiền tệ, sau gần một trăm lần sửa đổi hiến chương và sau khi vô số công thức và kỹ thuật mới được áp dụng, người ta vẫn có thể chỉ ra quá nhiều lỗi quy trình. Do đó, không phi lý chút nào khi kết luận rằng Hệ thống đã thất bại, không phải vì nó cần một bộ quy tắc mới hay những vị giám đốc thông thái hơn mà bởi vì nó không có khả năng đạt được những mục tiêu đã đề ra.

Nếu một thể chế không thể đạt được mục tiêu mà nó đề ra thì không có lý do gì để duy trì nó – trừ phi có thể điều chỉnh để làm thay đổi năng lực của nó. Điều này dẫn đến câu hỏi: tại sao Hệ thống không thể đạt được những mục tiêu đã đề ra? Câu trả lời cay đắng là: đó chưa bao giờ là mục tiêu thực sự của nó. Khi người ta nhận ra hoàn cảnh mà nó được tạo ra, khi nghĩ về danh tính của những người sinh ra nó, và khi nghiên cứu sự vận hành thực tế của nó, rõ ràng là Hệ thống chỉ là một cartel dưới hình thức một cơ quan chính phủ. Không nghi ngờ gì, những người điều hành nó có động cơ duy trì việc làm đầy đủ, năng suất lao động cao, lạm phát thấp và một nền kinh tế phát triển. Họ không muốn giết chết con ngỗng đẻ trứng vàng. Nhưng khi có mâu thuẫn giữa lợi ích của công chúng và lợi ích riêng của cartel – một mâu thuẫn gần như thường trực – thì công chúng sẽ bị hy sinh. Đó là bản chất của con quái vật. Thật ngớ ngẩn khi kỳ vọng rằng một cartel sẽ hành động theo bất kỳ cách nào khác.

Quan điểm này không được các cơ quan sáng lập và giới chủ báo khuyến khích. Sứ mệnh hiển nhiên của họ là thuyết phục người dân Mỹ rằng hệ thống không bị lỗi từ trong bản chất. Lỗi của nó là bị rơi vào tay những kẻ vụng về. Ví dụ, William Greider là cựu Trợ lý Tổng biên tập của tờ Washington Post đã viết cuốn sách có tên “Những bí mật của Ngôi đền”, được Simon and Schuster xuất bản năm 1987. Cuốn sách chỉ trích Cục Dự trữ Liên bang vì những thất bại của nó, nhưng theo Greider, những thất bại này không phải do bất kỳ lỗi nào trong bản thân hệ thống mà chỉ là hệ quả của các nhân tố kinh tế “cực kỳ phức tạp” đến mức những con người tử tế đã phải vất vả làm cho hệ thống hoạt động vẫn chưa thể hình dung ra được. Nhưng các bạn đừng lo, họ đang tìm cách giải quyết! Đó chính xác là kiểu chỉ trích vuốt ve được chấp nhận trong nền báo chí đại chúng của chúng ta. Tuy nhiên, chính các luận điểm nghiên cứu của Greider dẫn đến một cách giải thích hoàn toàn khác. Ông nói về nguồn gốc của Hệ thống như sau:

Khi các công ty mới có thể phát triển mà không cần Phố Wall thì các ngân hàng khu vực quản lý nguồn tài chính của chúng cũng làm được điều tương tự. New York vẫn là nơi tập trung lượng tiền gửi ngân hàng khổng lồ, khoảng một nửa của cả nước, nhưng tỷ lệ này đang giảm dần. Phố Wall vẫn là “đứa trẻ lớn nhất trong khu phố”, nhưng càng ngày càng khó bắt nạt những người khác.

Xu hướng này là một dữ kiện lịch sử quan trọng, một sự thật bị hiểu sai đã làm thay đổi hoàn toàn ý nghĩa chính trị của đạo luật cải cách sinh ra Cục Dự trữ Liên bang. Vào lúc đó, quan điểm phổ biến ở Quốc hội được những nhà cải cách chia sẻ và tán thành rộng r.i là cuối cùng sẽ có một cơ quan chính phủ kiểm soát “tổ hợp độc quyền tiền tệ”, vô hiệu hóa quyền lực của nó và thiết lập sự kiểm soát dân chủ đối với tiền và tín dụng…Kết quả gần như trái ngược hẳn. Trên thực tế, những cải cách tiền tệ được ban hành năm 1913 đã giúp bảo toàn nguyên trạng và ổn định trật tự cũ. Các chủ ngân hàng ở các trung tâm tiền tệ không chỉ chi phối được ngân hàng trung ương mới mà còn được cách ly với bất ổn và sự suy giảm của chính m.nh. Khi Fed đi vào hoạt động, sự khuếch tán quyền lực tài chính dừng lại. Phố Wall duy trì vị thế thống trị - và thậm chí còn củng cố vị thế ấy. 26

Antony Sutton, cựu chuyên gia nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Chiến tranh, Cách mạng và Hòa bình Hoover, và cũng là cựu Giáo sư Kinh tế tại Đại học California, Los Angeles, cung cấp cho chúng ta một bản phân tích tương đối sâu sắc hơn. Ông viết:

Kế hoạch mang tính cách mạng của Warburg để Xã hội Mỹ phục vụ cho Phố Wall lại đơn giản một cách kỳ lạ. Thậm chí cho tới ngày nay, các lý thuyết gia vẫn phủ kín những tấm bảng đen với các phương tr.nh và công chúng vẫn đau đầu bối rối với lạm phát và sự sụp đổ tín dụng đang đến gần, trong khi lời giải thích khá đơn giản cho vấn đề này lại không được thảo luận và gần như hoàn toàn không được hiểu đúng. Hệ thống Dự trữ Liên bang là độc quyền tư nhân hợp pháp đối với cung tiền được vận hành nhằm phục vụ lợi ích của thiểu số dưới vỏ bọc bảo vệ và thúc đẩy lợi ích công. 27 Tầm quan trọng thực sự của chuyến đi tới đảo Jekyll và sinh vật được ấp nở ở đó đã tình cờ được Harold Kellock, người viết tiểu sử rất ngưỡng mộ Paul Warburg tóm tắt lại như sau:

Paul Warburg có lẽ là con người “mềm mỏng” nhất từng tiến hành một cuộc cách mạng. Đây là một cuộc cách mạng không đổ máu: ông không nỗ lực kích động quần chúng vũ trang. Ông bước lên phía trước chỉ với một ý tưởng. Và ông đã chiến thắng. Đó là một điều kỳ diệu. Một người đàn ông nhạy cảm, nước da hơi tái, đã áp đặt ý tưởng của mình lên một đất nước với hàng trăm triệu con người. 28

Kết luận

Kế hoạch cơ bản cho Hệ thống Dự trữ Trung ương đ. được dự thảo tại một cuộc họp bí mật diễn ra vào tháng 11 năm 1910 tại khu nghỉ dưỡng cá nhân của J.P. Morgan trên đảo Jekyll ngoài khơi bờ biển Georgia. Những người tham dự đại diện cho các thể chế tài chính khổng lồ của Phố Wall, và gián tiếp đại diện cho cả châu Âu. Lý do cần phải giữ bí mật rất đơn giản. Nếu sự thật được tiết lộ rằng các phe nhóm đối lập trong cộng đồng ngân hàng đã ngồi lại với nhau, công chúng sẽ cảnh giác với khả năng các chủ ngân hàng đang âm mưu đi đến một thỏa thuận hạn chế thương mại – và đương nhiên, đó chính là điều mà họ đang làm. Kết quả là một thỏa thuận thành lập cartel với 5 mục tiêu: ngăn chặn sự cạnh tranh đang gia tăng từ phía các ngân hàng mới; đạt được một đặc quyền phát hành tiền phục vụ mục đích cho vay mà không cần dựa trên cơ sở nào; kiểm soát quỹ dự trữ của tất cả các ngân hàng sao cho những ngân hàng cho vay liều lĩnh không gặp vấn đề khủng hoảng thanh khoản và người gửi rút tiền hàng loạt; buộc người đóng thuế phải thanh toán cho những khoản thua lỗ không thể tránh khỏi của cartel; và thuyết phục Quốc hội rằng mục đích của cartel là bảo vệ công chúng. Người ta nhận ra rằng các chủ ngân hàng sẽ phải trở thành đối tác của các chính trị gia và cơ cấu của cartel sẽ phải là một ngân hàng trung ương. Lịch sử cho thấy Fed đã thất bại trong việc thực hiện các mục tiêu đề ra. Nguyên nhân là những mục tiêu đó chưa bao giờ là mục tiêu thực sự của nó. Với tư cách là một cartel ngân hàng, và xét trên năm mục tiêu nêu trên, nó là một thành công tuyệt đối.



Nelson.W.Aldrich
Nguồn: Bảo tang Đảo Jekyll



Henry P.Davidson



Charles D. Norton




Abraham Piatt Andrew
Nguồn: Bảo tàng Đảo Jekyll



Frank A.Vanderlip
Nguồn: Bảo tàng Đảo Jekyll



Benjamin Strong
Nguồn: UPI/Bettmann



Paul M.Warburg
Nguồn: Bảo tàng Đảo Jekyll

Sáu người tham dự cuộc họp bí mật trên đảo Jekyll, nơi Cục Dự trữ Liên bang được thai nghén. Họ đại diện nắm giữ khoảng ¼ tổng tài sản trên toàn thế giới. Họ bao gồm:

1. Nelson W.Aldrich, lãnh đạo phe Cộng hòa trong Thượng viện, Chủ tịch Ủy ban Tiền tệ Quốc gia, cha vợ của D. Rockefeller Jr.;

2. Henry P.Davison, cổ đông chính của J.P.Morgan Company;

3. A. Piatt Andrew, Trợ lý Bộ trưởng Tài chính;

4. Frank A. Vanderlip, Chủ tịch National City Bank of NewYork, đại diện cho William Rockefeller;

5. Benjamin Strong, Chủ tịch Công ty Ủy thác J.P.Morgan's Bankers, sau này trở thành người đứng đầu Hệ thống;

6. Paul M.Warburg, một cổ đông của Kuhn, Loeb & Company, đại diện cho tập đoàn Rothschild và Warburg ở châu Âu.

ENDNOTES:

1. Trong trao đổi cá nhân giữa tác giả và Andrew L. Gray, chắt ngoại của Abraham P. Andrew, Gray cho rằng Strong không tham dự cuộc họp này. Trong khi đó, Frank Vanderlip – người có mặt ở đó – kể lại trong hồi ký rằng Strong có tham dự. Sao Vanderlip lại nhầm được? Gray trả lời: “Khi viết cuốn hồi ký và tiểu luận đó ông ấy đã gần 80 tuổi... Có lẽ ông ấy muốn vậy và đã nghĩ vậy.” Nếu Vanderlip thực sự nhầm thì cũng không phải điều gì quá quan trọng bởi vì Gray thừa nhận rằng: “Strong là một trong số ít người xứng đáng tham gia vào phi vụ bí mật này.” Khi chưa có thông tin thêm để khẳng định điều ngược lại, chúng ta buộc phải chấp nhận ý kiến của Vanderlip.

2. Trong 27 bản in đầu tiên của cuốn sách này, Charles D. Norton, đến từ Ngân hàng Quốc gia New York đầu tiên của J.P. Morgan, có tên trong danh sách những người tham dự. Tuy nhiên, nhờ có bản nghiên cứu hoàn hảo của Michael Steenwyk ở Hudsonville, Michigan, chúng ta biết rằng điều này là không thể. Steenwyk phát hiện ra hai tài liệu lịch sử và giấy tờ riêng của gia đình Norton chứng tỏ rằng Ngài Norton (1) không làm việc tại Ngân hàng Morgan thời điểm tháng 11 năm 1910, (2) lúc này là thư ký riêng của Tổng thống Taft, và (3) trong những ngày diễn ra cuộc họp trên đảo Jekyll, ông có chuyến đi t.m hiểu thực tế cùng Tổng thống tại Panama. Hơn nữa, không một cuốn hồi ký nào của những người tham dự khác đề cập đến sự hiện diện của Norton. L. do ban đầu mà ông được đưa vào danh sách là tên của ông có trong nhiều nguồn tham khảo có uy tín về chủ để này, bao gồm cuốn The Federal Reserve Act; Its Origins and Problems (N.Y., Macmillan, 1933) của J. Laurence Laughlin và một cuốn sách của Tyler E. Bagwell, nhà nghiên cứu lịch sử tại Bảo tàng Đảo Jekyll, có tên Images of America; The Jekyll Island Club (Charlston, SC, Arcadia, 1998). Tuy nhiên, dựa trên những tài liệu lịch sử do Steenwyk phát hiện, tác giả kết luận rằng Norton không tham gia cuộc họp, cũng như không có lý do nào cho việc này. Vẫn chưa biết sự nhầm lẫn này là do đâu nhưng vấn đề lịch sử này quá quan trọng, không thể bị vẩn đục bởi những lời đồn đại.

3. Herman E. Krooss, ed., Documentary History of Currency and Banking in the United States (New York: Chelsea House, 1983), Vol. III, "Final Report from the Pujo Committee, Feb 28, 1913," pp. 222-24.

4. Ron Chernow, The House of Morgan: An American Banking Dynasty and the Rise of Modern Finance (New York: Atlantic Monthly Press, 1990), p. 129.

5. "Men Who Are Making America," by B.C. Forbes, Leslie's Weekly, October 19, 1916, p. 423.

6. Paul Warburg, The Federal Reserve System: Its Origin and Growth (New York: Macmillan, 1930), Vol. I, p. 58

7. James Warburg, The Long Road Home (New York: Doubleday, 1964), p. 29.

8. Nathaniel Wright Stephenson, Nelson W. Aldrich in American Politics (New York: Scribners, 1930; rpt. New York: Kennika Press, 1971), p. 373.

9. Stephenson, p. 376.

10. "From Farm Boy to Financier," by Frank A. Vanderlip, The Saturday Evening Post, Feb. 9, 1933, pp. 25, 70. Hai năm sau, câu chuyện y hệt được kể lại trong cuốn sách của Vanderlip có tên trùng với tên của bài báo. (New York: D. Appleton-Century Company, 1935), pp.

11. Xem Gabriel Kolko, The Triumph of Conservatism (New York: The Free Press of Glencoe, a division of the Macmillan Co., 1963), p. 140.

12. William Greider, Secrets of the Temple (New York: Simon and Schuster, 1987), p. 274, 275. Also Kolko, p. 145.

13. Nói cách khác, quỹ dự trữ của các ngân hàng bị thiếu hụt hơn 33,333% (tỷ lệ 10/1 chia cho .03 =333.333/1. Tỷ lệ này chia cho .01 = 33,333%.)

14. Xem Vera C. Smith, The Rationale of Central Banking (London: P.S. King & Son, 1936), p. 36.

15. Stephenson, p. 378.

16. John Kenneth Galbraith, Money: Whence It Came, Where It Went (Boston: Houghton Mifflin, 1975), p. 122.

17. Galbraith, p. 123.

18. The Academy of Political Science, Proceedings, 1914, Vol. 4, No. 4, p. 387.

19. Antony Sutton, Wall Street and FDR (New Rochelle, New York: Arlington House, 1975), p. 92.

20 Xem J. Lawrence Laughlin, The Federal Reserve Act: Its Origin and Problems (New York: Macmillan, 1933), p. 9.

21 Xem Barry Siegel, Money in Crisis: The Federal Reserve, The Economy, and Monetary Reform (Massachusetts, Cambridge, Ballinger, 1984), p. 102.

22. Dẫn trong Kolko, Triumph, p. 235.

23. Paul A. Samuelson, Economics, 8th ed. (New York: McGraw-Hill, 1970), p. 272.

24. Xem "Money, Banking, and Biblical Ethics," by Ronald H. Nash, Durell Journal of Money and Banking, February, 1990.

25. Khi lưu ý rằng thuế thu nhập chỉ mới được áp dụng từ năm 1913 và mức thu nhập thấp như vậy hoàn toàn được miễn trừ thuế thì mức thu nhập $1.000 đô la lúc đó thực ra tương đương với thu nhập $15.400 đô la vào thời điểm hiện tại, trước khi đóng thuế 35%. Khi tính cả những khoản tiền phải nộp cho chính quyền bang và liên bang thì con số lên tới gần $20.000 đô la.

26. Greider, p. 275.

27. Sutton, Wall Street and F.D.R., p. 94.

28. Harold Kellock, "Warburg, the Revolutionist," The Century Magazine, May 1915, p. 79.

* * *

THE JOURNEY TO JEKYLL ISLAND
THE CREATURE FROM JEKYLL ISLAND:

A SECOND LOOK AT THE FEDERAL RESERVE
G. Edward Griffin,
(5th Edition) California: American Media, 2010

* * *

Chapter One

THE JOURNEY TO JEKYLL ISLAND

The secret meeting on Jekyll Island in Georgia at which the Federal Reserve was conceived; the birth of a banking cartel to protect its members from competition; the strategy of how to convince Congress and the public that this cartel was an agency of the United States government.

The New Jersey railway station was bitterly cold that night. Flurries of the year's first snow swirled around street lights. November wind rattled roof panels above the track shed and gave a long, mournful sound among the rafters.

It was approaching ten P.M., and the station was nearly empty except for a few passengers scurrying to board the last Southbound of the day. The rail equipment was typical for that year of 1910, mostly chair cars that converted into sleepers with cramped upper and lower berths. For those with limited funds, coach cars were coupled to the front. They would take the brunt of the engine's noise and smoke that, somehow, always managed to seep through unseen cracks. A dining car was placed between the sections as a subtle barrier between the two classes of travelers. By today's standards, the environment was drab. Chairs and mattresses were hard. Surfaces were metal or scarred wood. Colors were dark green and gray.

In their hurry to board the train and escape the chill of the wind, few passengers noticed the activity at the far end of the platform. At a gate seldom used at this hour of the night was a spectacular sight. Nudged against the end-rail bumper was a long car that caused those few who saw it to stop and stare. Its gleaming black paint was accented with polished brass hand rails, knobs, frames, and filigrees. The shades were drawn, but through the open door, one could see mahogany paneling, velvet drapes, plush armchairs, and a well stocked bar. Porters with white serving coats were busying themselves with routine chores. And there was the distinct aroma of expensive cigars. Other cars in the station bore numbers on each end to distinguish them from their dull brothers. But numbers were not needed for this beauty. On the center of each side was a small plaque bearing but a single word: ALDRICH.

The name of Nelson Aldrich, senator from Rhode Island, was well known even in New Jersey. By 1910, he was one of the most powerful men in Washington, D.C., and his private railway car often was seen at the New York and New Jersey rail terminals during frequent trips to Wall Street. Aldrich was far more than a senator. He was considered to be the political spokesman for big business. As an investment associate of J.P. Morgan, he had extensive holdings in banking, manufacturing, and public utilities. His son-in-law was John D. Rockefeller, Jr. Sixty years later, his grandson, Nelson Aldrich Rockefeller, would become Vice-President of the United States.

When Aldrich arrived at the station, there was no doubt he was the commander of the private car. Wearing a long, fur-collared coat, a silk top hat, and carrying a silver-tipped walking stick, he strode briskly down the platform with his private secretary, Shelton, and a cluster of porters behind them hauling assorted trunks and cases.

No sooner had the Senator boarded his car when several more passengers arrived with similar collections of luggage. The last man appeared just moments before the final "aaall aboarrrd." He was carrying a shotgun case.

While Aldrich was easily recognized by most of the travelers who saw him stride through the station, the other faces were not familiar. These strangers had been instructed to arrive separately, to avoid reporters, and, should they meet inside the station, to pretend they did not know each other. After boarding the train, they had been told to use first names only so as not to reveal each other's identity. As a result of these precautions, not even the private-car porters and servants knew the names of these guests.

Back at the main gate, there was a double blast from the engine's whistle. Suddenly, the gentle sensation of motion; the excitement of a journey begun. But, no sooner had the train cleared the platform when it shuttered to a stop. Then, to everyone's surprise, it reversed direction and began moving toward the station again. Had they forgotten something? Was there a problem with
the engine?

A sudden lurch and the slam of couplers gave the answer. They had picked up another car at the end of the train. Possibly the mail car? In an instant the forward motion was resumed, and all thoughts returned to the trip ahead and to the minimal comforts of the accommodations.

And so, as the passengers drifted off to sleep that night to the rhythmic clicking of steel wheels against rail, little did they dream that, riding in the car at the end of their train, were seven men who represented an estimated one-fourth of the total wealth of the entire world.

This was the roster of the Aldrich car that night:

1. Nelson W. Aldrich, Republican "whip" in the Senate, Chairman of the National Monetary Commission, business associate of J.P. Morgan, father-in-law to John D. Rockefeller, Jr.;

2. Abraham Piatt Andrew, Assistant Secretary of the United States Treasury;

3. Frank A. Vanderlip, president of the National City Bank of New York, the most powerful of the banks at that time, representing William Rockefeller and the international investment banking house of Kuhn, Loeb & Company;

4. Henry P. Davison, senior partner of the J.P. Morgan Company;

5. Charles D. Norton, president of J.P. Morgan's First National Bank of New York;

6. Benjamin Strong, head of J.P. Morgan's Bankers Trust Company; and

7. Paul M. Warburg, a partner in Kuhn, Loeb & Company, a representative of the Rothschild banking dynasty in England and France, and brother to Max Warburg who was head of the Warburg banking consortium in Germany and the Netherlands.

CONCENTRATION OF WEALTH

Centralization of control over financial resources was far advanced by 1910. In the United States, there were two main focal points of this control: the Morgan group and the Rockefeller group. Within each orbit was a maze of commercial banks, acceptance banks, and investment firms. In Europe, the same process had proceeded even further and had coalesced into the Rothschild group and the Warburg group. An article appeared in the New York Times on May 3, 1931, commenting on the death of George Baker, one of Morgan's closest associates. It said: "One-sixth of the total wealth of the world was represented by members of the Jekyll Island Club." The reference was only to those in the Morgan group, (members of the Jekyll Island Club). It did not include the Rockefeller group or the European financiers. When all of these are combined, the previous estimate that one-fourth of the world's wealth was represented by these groups is probably conservative.

In 1913, the year that the Federal Reserve Act became law, a subcommittee of the House Committee on Currency and Banking, under the chairmanship of Arsene Pujo of Louisiana, completed its investigation into the concentration of financial power in the United States. Pujo was considered to be a spokesman for the oil interests, part of the very group under investigation, and did everything possible to sabotage the hearings. In spite of his efforts, however, the final report of the committee at large was devastating:

Your committee is satisfied from the proofs submitted ... that there is an established and well defined identity and community of interest between a few leaders of finance ... which has resulted in great and rapidly growing concentration of the control of money and credit in the hands of these few men...

Under our system of issuing and distributing corporate securities the investing public does not buy directly from the corporation. The securities travel from the issuing house through middlemen to the investor. It is only the great banks or bankers with access to the mainsprings of the concentrated resources made up of other people's money, in the banks, trust companies, and life insurance companies, and with control of the machinery for creating markets and distributing securities, who have had the power to underwrite or guarantee the sale of large-scale security issues. The men who through their control over the funds of our railroad and industrial companies are able to direct where such funds shall be kept, and thus to create these great reservoirs of the people's money are the ones who are in a position to tap those reservoirs for the ventures in which they are interested and to prevent their being tapped for purposes which they do not approve...

When we consider, also, in this connection that into these reservoirs of money and credit there flow a large part of the reserves of the banks of the country, that they are also the agents and correspondents of the out-of-town banks in the loaning of their surplus funds in the only public money market of the country, and that a small group of men and their partners and associates have now further strengthened their hold upon the resources of these institutions by acquiring large stock holdings therein, by representation on their boards and through valuable patronage, we begin to realize something of the extent to which this practical and effective domination and control over our greatest financial, railroad and industrial corporations has developed, largely within the past five years, and that it is fraught with peril to the welfare of the country. (1)

Such was the nature of the wealth and power represented by those seven men who gathered in secret that night and traveled in the luxury of Senator Aldrich's private car.

(1) Herman E. Kross, ed., Documentary History Of Currency and Baking in the United States (New York: Chelsea House, 1983), Vol. III, “Final Report from the Pujo Committee, Feb. 28-1913”, pp 222-24.

DESTINATION JEKYLL ISLAND

As the train neared its destination of Raleigh, North Carolina, the next afternoon, it slowed and then stopped in the switching yard just outside the station terminal. Quickly, the crew threw a switch, and the engine nudged the last car onto a siding where, just as quickly, it was uncoupled and left behind. When passengers stepped onto the platform at the terminal a few moments later, their train appeared exactly as it had been when they boarded. They could not know that their traveling companions for the night, at that very instant, were joining still another train which, within the hour, would depart Southbound once again.

The elite group of financiers was embarked on a thousand-mile journey that led them to Atlanta, then to Savannah and, finally, to the small town of Brunswick, Georgia. At first, it would seem that Brunswick was an unlikely destination. Located on the Atlantic seaboard, it was primarily a fishing village with a small but lively port for cotton and lumber. It had a population of only a few thousand people. But, by that time, the Sea Islands that sheltered the coast from South Carolina to Florida already had become popular as winter resorts for the very wealthy. One such island, just off the coast of Brunswick, had recently been purchased by J. P. Morgan and several of his business associates, and it was here that they came in the fall and winter to hunt ducks or deer and to escape the rigors of cold weather in the North. It was called Jekyll Island.

When the Aldrich car was uncoupled onto a siding at the small Brunswick station, it was, indeed, conspicuous. Word traveled quickly to the office of the town's weekly newspaper. While the group was waiting to be transferred to the dock, several people from the paper approached and began asking questions. Who were Mr. Aldrich' s guests? Why were they here? Was there anything special happening? Mr. Davison, who was one of the owners of Jekyll Island and who was well known to the local paper, told them that these were merely personal friends and that they had come for the simple amusement of duck hunting. Satisfied that there was no real news in the event, the reporters returned to their office.

Even after arrival at the remote island lodge, the secrecy continued. For nine days the rule for first-names-only remained in effect. Full-time caretakers and servants had been given vacation, and an entirely new, carefully screened staff was brought in for the occasion. This was done to make absolutely sure that none of the servants might recognize by sight the identities of these guests. It is difficult to imagine any event in history — including preparation for war - that was shielded from public view with greater mystery and secrecy.

The purpose of this meeting on Jekyll Island was not to hunt ducks. Simply stated, it was to come to an agreement on the structure and operation of a banking cartel. The goal of the cartel, as is true with all of them, was to maximize profits by minimizing competition between members, to make it difficult for new competitors to enter the field, and to utilize the police power of government to enforce the cartel agreement. In more specific terms, the purpose and, indeed, the actual outcome of this meeting was to create the blueprint for the Federal Reserve System.

THE STORY IS CONFIRMED

For many years after the event, educators, commentators, and historians denied that the Jekyll Island meeting ever took place. Even now, the accepted view is that the meeting was relatively unimportant, and only paranoid unsophisticates would try to make anything out of it. Ron Chernow writes: "The Jekyll Island meeting would be the fountain of a thousand conspiracy theories." Little by little, however, the story has been pieced together in amazing detail, and it has come directly or indirectly from those who actually were there. Furthermore, if what they say about their own purposes and actions does not constitute a classic conspiracy, then there is little meaning to that word.

The first leak regarding this meeting found its way into print in 1916. It appeared in Leslie's Weekly and was written by a young financial reporter by the name of B.C. Forbes, who later founded Forbes Magazine. The article was primarily in praise of Paul Warburg, and it is likely that Warburg let the story out during conversations with the writer. At any rate, the opening paragraph contained a dramatic but highly accurate summary of both the nature and purpose of the meeting:

Picture a party of the nation's greatest bankers stealing out of New York on a private railroad car under cover of darkness, stealthily hiring hundreds of miles South, embarking on a mysterious launch, sneaking on to an island deserted by all but a few servants, living there a full week under such rigid secrecy that the names of not one of them was once mentioned lest the servants learn the identity and disclose to the world this strangest, most secret expedition in the history of American finance.

I am not romancing. I am giving to the world, for the first time, the real story of how the famous Aldrich currency report, the foundation of our new currency system, was written.

1. Ron Chernow, The House of Morgan: An American Banking Dynasty and the Rise of Modem Finance (New York: Atlantic Monthly Press, 1990), p. 129.

2. "Men Who Are Making America” by B.C. Forbes, Leslie's Weekly, October 19, 1916, p. 423.

In 1930, Paul Warburg wrote a massive book — 1750 pages in all — entitled The Federal Reserve System, Its Origin and Growth. In this tome, he described the meeting and its purpose but did not mention either location or the names of those who attended. But he did say: "The results of the conference were entirely confidential. Even the fact there had been a meeting was not permitted to become public." Then, in a footnote he added: "Though eighteen years have since gone by, I do not feel free to give a description of this most interesting conference concerning which Senator Aldrich pledged all participants to secrecy." (1)

An interesting insight to Paul Warburg's attendance at the Jekyll Island meeting came thirty-four years later, in a book written by his son, James. James had been appointed by F.D.R. as Director of the Budget and, during World War II, as head of the Office of War Information. In his book he described how his father, who didn't know one end of a gun from the other, borrowed a shotgun from a friend and carried it with him to the train to disguise himself as a duck hunter. (2)

This part of the story was corroborated in the official biography of Senator Aldrich, written by Nathaniel Wright Stephenson:

In the autumn of 1910, six men [in addition to Aldrich] went out to shoot ducks. That is to say, they told the world that was their purpose. Mr. Warburg, who was of the number, gives an amusing account of his feelings when he boarded a private car in Jersey City, bringing with him all the accoutrements of a duck shooter. The joke was in the fact that he had never shot a duck in his life and had no intention of shooting any.... The duck shoot was a blind. (3)

Stephenson continues with a description of the encounter at Brunswick station. He tells us that, shortly after they arrived, the station master walked into the private car and shocked them by his apparent knowledge of the identities of everyone on board. To make matters even worse, he said that a group of reporters were waiting outside. Davison took charge. "Come outside, old man," he said, "and I will tell you a story." No one claims to know what story was told standing on the railroad ties that morning, but a few moments later Davison returned with a broad smile on his face. "It's all right," he said reassuringly. "They won't give us away."

Stephenson continues: "The rest is silence. The reporters dispersed, and the secret of the strange journey was not divulged. No one asked him how he managed it and he did not volunteer the information."

1. Paul Warburg, The Federal Reserve System: Its Origin and Growth (New York- Macmil an, 1930), Vol. I, p. 58. It is apparent that Warburg wrote this line two years before the book was published.

2. James Warburg, The Long Road Home (New York: Doubleday, 1964) p 29

3. Nathaniel Wright Stephenson, Nelson W. Aldrich in American PoliticsNew York- Scnbners, 1930; rpt. New York: Kennikat Press, 1971), p. 373.

4. Stephenson, p. 376.

In the February 9, 1935, issue of the Saturday Evening Post, an article appeared written by Frank Vanderlip. In it he said:

Despite my views about the value to society of greater publicity for the affairs of corporations, there was an occasion, near the close of 1910, when I was as secretive - indeed, as furtive - as any conspirator... I do not feel it is any exaggeration to speak of our secret expedition to Jekyll Island as the occasion of the actual conception of what eventually became the Federal Reserve System.

We were told to leave our last names behind us. We were told, further, that we should avoid dining together on the night of our departure. We were instructed to come one at a time and as unobtrusively as possible to the railroad terminal on the New Jersey littoral of the Hudson, where Senator Aldrich's private car would be in readiness, attached to the rear end of a train for the South.

Once aboard the private car we began to observe the taboo that had been fixed on last names. We addressed one another as "Ben," "Paul," "Nelson," "Abe" -it is Abraham Piatt Andrew. Davison and I adopted even deeper disguises, abandoning our first names. On the theory that we were always right, he became Wilbur and I became Orville, after those two aviation pioneers, the Wright brothers.

The servants and train crew may have known the identities of one or two of us, but they did not know all, and it was the names of all printed together that would have made our mysterious journey significant in Washington, in Wall Street, even in London. Discovery, we knew, simply must not happen, or else all our time and effort would be wasted. If it were to be exposed publicly that our particular group had got together and written a banking bill, that bill would have no chance whatever of passage by Congress.

THE STRUCTURE WAS PURE CARTEL

The composition of the Jekyll Island meeting was a classic example of cartel structure. A cartel is a group of independent businesses which join together to coordinate the production, pricing, or marketing of their members. The purpose of a cartel is to reduce competition and thereby increase profitability. This is accomplished through a shared monopoly over their industry which forces the public to pay higher prices for their goods or services than would be otherwise required under free-enterprise competition.

1. "From Farm Boy to Financier," by Frank A. Vanderlip, The Saturday Evening Post, Feb. 9, 1933, pp. 25, 70. The identical story was told two years later in Vanderlip's book bearing the same title as the article (New York: D. Appleton-Century Company, 1935), pp. 210-219.

Here were representatives of the world's leading banking consortia: Morgan, Rockefeller, Rothschild, Warburg, and Kuhn-Loeb. They were often competitors, and there is little doubt that there was considerable distrust between them and skillful maneuvering for favored position in any agreement. But they were driven together by one overriding desire to fight their common enemy. The enemy was competition.

In 1910, the number of banks in the United States was growing at a phenomenal rate. In fact, it had more than doubled to over twenty thousand in just the previous ten years. Furthermore, most of them were springing up in the South and West, causing the New York banks to suffer a steady decline of market share. Almost all banks in the 1880s were national banks, which means they were chartered by the federal government. Generally, they were located in the big cities, and were allowed by law to issue their own currency in the form of bank notes. Even as early as 1896, however, the number of non-national banks had grown to sixty-one per cent, and they already held fifty-four per cent of the country's total banking deposits. By 1913, when the Federal Reserve Act was passed, those numbers were seventy-one per cent non-national banks holding fifty-seven per cent of the deposits. (1) In the eyes of those duck hunters from New York, this was a trend that simply had to be reversed.

1. See Gabriel Kolko, The Triumph of Conservatism (New York: The Free Press of Glencoe, a division of the Macmillan Co., 1963), p. 140.

Competition also was coming from a new trend in industry to finance future growth out of profits rather than from borrowed capital. This was the outgrowth of free-market interest rates which set a realistic balance between debt and thrift. Rates were low enough to attract serious borrowers who were confident of the success of their business ventures and of their ability to repay, but they were high enough to discourage loans for frivolous ventures or those for which there were alternative sources of funding— for example, one's own capital. That balance between debt and thrift was the result of a limited money supply. Banks could create loans in excess of their actual deposits, as we shall see, but there was a limit to that process. And that limit was ultimately determined by the supply of gold they held. Consequently, between 1900 and 1910, seventy per cent of the funding for American corporate growth was generated internally, making industry increasingly independent of the banks. (1) Even the federal government was becoming thrifty. It had a growing stockpile of gold, was systematically redeeming the Greenbacks— which had been issued during the Civil War — and was rapidly reducing the national debt.

1. William Greider, Secrets of the Temple (New York: Simon and Schuster, 1987), p. 274, 275. Also Kolko, p. 145.

Here was another trend that had to be halted. What the bankers wanted — and what many businessmen wanted also — was to intervene in the free market and tip the balance of interest rates downward, to favor debt over thrift. To accomplish this, the money supply simply had to be disconnected from gold and made more plentiful or, as they described it, more elastic.

THE SPECTER OF BANK FAILURE

The greatest threat, however, came, not from rivals or private capital formation, but from the public at large in the form of what bankers call a run on the bank. This is because, when banks accept a customer's deposit, they give in return a "balance" in his account. This is the equivalent of a promise to pay back the deposit anytime he wants. Likewise, when another customer borrows money from the bank, he also is given an account balance which usually is withdrawn immediately to satisfy the purpose of the loan. This creates a ticking time bomb because, at that point, the bank has issued more promises to "pay-on-demand" than it has money in the vault. Even though the depositing customer thinks he can get his money any time he wants, in reality it has been given to the borrowing customer and no longer is available at the bank.

The problem is compounded further by the fact that banks are allowed to loan even more money than they have received in deposit. The mechanism for accomplishing this seemingly impossible feat will be described in a later chapter, but it is a fact of modern banking that promises-to-pay often exceed savings deposits by a factor of ten-to-one. And, because only about three per cent of these accounts are actually retained in the vault in the form of cash— the rest having been put into even more loans and investments — the bank's promises exceed its ability to keep those promises by a factor of over three hundred-to-one. (2) As long as only a small percentage of depositors request their money at one time, no one is the wiser. But if public confidence is shaken, and if more than a few per cent attempt to withdraw their funds, the scheme is finally exposed. The bank cannot keep all its promises and is forced to close its doors. Bankruptcy usually follows in due course.

2. Another way of putting it is that their reserves are under funded by over 33,333% (10-to-l divided by .03 = 333.333-tol. That divided by .01 = 33,333%.)

CURRENCY DRAINS

The same result could happen — and, prior to the Federal Reserve System, often did happen— even without depositors making a run on the bank. Instead of withdrawing their funds at the teller's window, they simply wrote checks to purchase goods or services. People receiving those checks took them to a bank for deposit. If that bank happened to be the same one from which the check was drawn, then all was well, because it was not necessary to remove any real money from the vault. But if the holder of the check took it to another bank, it was quickly passed back to the issuing bank and settlement was demanded between banks.

This is not a one-way street, however. While the Downtown Bank is demanding payment from the Uptown Bank, the Uptown Bank is also clearing checks and demanding payment from the Downtown bank. As long as the money flow in both directions is equal, then everything can be handled with simple bookkeeping. But if the flow is not equal, then one of the banks will have to actually send money to the other to make up the difference. If the amount of money required exceeds a few percentage points of the bank's total deposits, the result is the same as a run on the bank by depositors. This demand of money by other banks rather than by depositors is called a currency drain.

In 1910, the most common cause of a bank having to declare bankruptcy due to a currency drain was that it followed a loan policy that was more reckless than that of its competitors. More money was demanded from it because more money was loaned by it. It was dangerous enough to loan ninety per cent of their customers' savings (keeping only one dollar in reserve out of every ten), but that had proven to be adequate most of the time. Some banks, however, were tempted to walk even closer to the precipice. They pushed the ratio to ninety-too per cent, ninety-five per cent, ninety-nine per cent. After all, the way a bank makes money is to collect interest, and the only way to do that is to make loans. The more loans, the better. And, so, there was a practice among some of the more reckless banks to "loan up," as they call it. Which was another way of saying to push down their reserve ratios.

A BANKERS' UTOPIA

If all banks could be forced to issue loans in the same ratio to their reserves as other banks did, then, regardless of how small that ratio was, the amount of checks to be cleared between them would balance in the long run. No major currency drains would ever occur. The entire banking industry might collapse under such a system, but not individual banks - at least not those that were part of the cartel. All would walk the same distance from the edge, regardless of how close it was. Under such uniformity, no individual bank could be blamed for failure to meet its obligations. The blame could be shifted, instead, to the "economy" or "government policy" or "interest rates" or "trade deficits" or the "exchange- value of the dollar" or even to the "capitalist system" itself.

But, in 1910, such a bankers' Utopia had not yet been created. If the Downtown bank began to loan at a greater ratio to its reserves than its competitors, the amount of checks which would come back to it for payment also would be greater. Thus, the bank which pursued a more reckless lending policy had to draw against its reserves in order to make payments to the more conservative banks and, when those funds were exhausted, it usually was forced into bankruptcy.

Historian John Klein tells us that "The financial panics of 1873, 1884,1893, and 1907 were in large part an outgrowth of ... reserve pyramiding and excessive deposit creation by reserve city ... banks. These panics were triggered by the currency drains that took place in periods of relative prosperity when banks were loaned up." 1 In other words, the "panics" and resulting bank failures were caused, not by negative factors in the economy, but by currency drains on the banks which were loaned up to the point where they had practically no reserves at all. The banks did not fail because the system was weak. The system failed because the banks were weak.

1. See Vera C. Smith, The Rationale of Central Banking (London: P.S. King & Son, 1936), p. 36.

This was another common problem that brought these seven men over a thousand miles to a tiny island off the shore of Georgia. Each was a potentially fierce competitor, but uppermost in their minds were the so-called panics and the very real 1,748 bank failures of the preceding two decades. Somehow, they had to join forces. A method had to be devised to enable them to continue to make more promises to pay-on-demand than they could keep. To do this, they had to find a way to force all banks to walk the same distance from the edge, and, when the inevitable disasters happened, to shift public blame away from themselves. By making it appear to be a problem of the national economy rather than of private banking practice, the door then could be opened for the use of tax money rather than their own funds for paying off the losses.

Here, then, were the main challenges that faced that tiny but powerful group assembled on Jekyll Island:

1. How to stop the growing influence of small, rival banks and to insure that control over the nation's financial resources would remain in the hands of those present;

2. How to make the money supply more elastic in order to reverse the trend of private capital formation and to recapture the industrial loan market;

3. How to pool the meager reserves of the nation's banks into one large reserve so that all banks will be motivated to follow the same loan-to-deposit ratios. This would protect at least some of them from currency drains and bank runs;

4. Should this lead eventually to the collapse of the whole banking system, then how to shift the losses from the owners of the banks to the taxpayers.

THE CARTEL ADOPTS A NAME

Everyone knew that the solution to all these problems was a cartel mechanism that had been devised and already put into similar operation in Europe. As with all cartels, it had to be created by legislation and sustained by the power of government under the deception of protecting the consumer. The most important task before them, therefore, can be stated as objective number five:

5. How to convince Congress that the scheme was a measure to protect the public.

The task was a delicate one. The American people did not like the concept of a cartel. The idea of business enterprises joining together to fix prices and prevent competition was alien to the free-enterprise system. It could never be sold to the voters. But, if the word cartel was not used, if the venture could be described with words which are emotionally neutral-perhaps even alluring — then half the battle would be won.

The first decision, therefore, was to follow the practice adopted in Europe. Henceforth, the cartel would operate as a central bank. And even that was to be but a generic expression. For purposes of public relations and legislation, they would devise a name that would avoid the word bank altogether and which would conjure the image of the federal government itself. Furthermore, to create the impression that there would be no concentration of power, they would establish regional branches of the cartel and make that a main selling point. Stephenson tells us: "Aldrich entered this discussion at Jekyll Island an ardent convert to the idea of a central bank His desire was to transplant the system of one of the great European banks, say the Bank of England, bodily to America." But political expediency required that such plans be concealed from the public. As John Kenneth Galbraith explained it: "It was his [Aldrich's] thought to outflank the opposition by having not one central bank but many. And the word bank would itself be avoided." 2

With the exception of Aldrich, all of those present were bankers, but only one was an expert on the European model of a central bank. Because of this knowledge, Paul Warburg became the dominant and guiding mind throughout all of the discussions. Even a casual perusal of the literature on the creation of the Federal Reserve System is sufficient to find that he was, indeed, the cartel's mastermind. Galbraith says "... Warburg has, with some justice, been called the father of the system." 3 Professor Edwin Seligman, a member of the international banking family of J. & W. Seligman, and head of the Department of Economics at Columbia University, writes that "... in its fundamental features, the Federal Reserve Act is the work of Mr. Warburg more than any other man in the country." 4

1. Stephenson, p. 378

2. John Kenneth Galbrailth, Money: Where It Came, Where It Went (Boston: Houghton Mifflin, 1975), p. 122.

3. Galbraith, p. 123.

4. The Academy of Political Science, Proceedings, 1914, Vol. 4, No. 4, p. 387.

THE REAL DADDY WARBUCKS

Paul Moritz Warburg was a leading member of the investment banking firm of M.M. Warburg & Company of Hamburg, Germany, and Amsterdam, the Netherlands. He had come to the United States only nine years previously. Soon after arrival, however, and with funding provided mostly by the Rothschild group, he and his brother, Felix, had been able to buy partnerships in the New York investment banking firm of Kuhn, Loeb & Company, while continuing as partners in Warburg of Hamburg. 1 Within twenty years, Paul would become one of the wealthiest men in America with an unchallenged domination over the country's railroad system.

1. Anthony Sutton, Wall Street and FDR (New Rochelle, New York: Arlington House, 1975), p. 92.

At this distance in history, it is difficult to appreciate the importance of this man. But some understanding may be had from the fact that the legendary character, Daddy Warbucks, in the comic strip Little Orphan Annie, was a contemporary commentary on the presumed benevolence of Paul Warburg, and the almost magic ability to accomplish good through the power of his unlimited wealth.

A third brother, Max Warburg, was the financial adviser of the Kaiser and became Director of the Reichsbank in Germany. This was, of course, a central bank, and it was one of the cartel models used in the construction of the Federal Reserve System. The Reichsbank, incidentally, a few years later would create the massive hyperinflation that occurred in Germany, wiping out the middle class and the entire German economy as well.

Paul Warburg soon became well known on Wall Street as a persuasive advocate for a central bank in America. Three years before the Jekyll Island meeting, he had published several pamphlets. One was entitled Defects and Needs of Our Banking System, and the other was A Plan for A Modified Central Bank. These attracted wide attention in both financial and academic circles and set the intellectual climate for all future discussions regarding banking legislation. In these treatises, Warburg complained that the American monetary system was crippled by its dependency on gold and government bonds, both of which were in limited supply. What America needed, he argued, was an elastic money supply that could be expanded and contracted to accommodate the fluctuating needs of commerce. The solution, he said, was to follow the German example whereby banks could create currency solely on the basis of "commercial paper," which is banker language for I OU.s from corporations.

Warburg was tireless in his efforts. He was a featured speaker before scores of influential audiences and wrote a steady stream of published articles on the subject. In March of that year, for example, The Neiv York Times published an eleven-part series written by Warburg explaining and expounding what he called the Reserve Bank of the United States. 1

1. See J. Lawrence Laughlin, The Federal Reserve Act: Its Origin and Problems (New York: Macmillan, 1933), p. 1

THE MESSAGE WAS PLAIN FOR THOSE WHO UNDERSTOOD

Most of Warburg's writing and lecturing on this topic was eyewash for the public. To cover the fact that a central bank is merely a cartel which has been legalized, its proponents had to lay down a thick smoke screen of technical jargon focusing always on how it would supposedly benefit commerce, the public, and the nation; how it would lower interest rates, provide funding for needed industrial projects, and prevent panics in the economy. There was not the slightest glimmer that, underneath it all, was a master plan which was designed from top to bottom to serve private interests at the expense of the public.

This was, nevertheless, the cold reality, and the more perceptive bankers were well aware of it. In an address before the American Bankers Association the following year, Aldrich laid it out for anyone who was really listening to the meaning of his words. He said: "The organization proposed is not a bank, but a cooperative union of all the banks of the country for definite purposes." 2 Precisely. A union of banks.

2. The full text of the speech is reprinted by Herman E. Krooss and Paul A. Samuelson, Vol.3, p.1202

Two years later, in a speech before that same group of bankers, A. Barton Hepburn of Chase National Bank was even more candid. He said: "The measure recognizes and adopts the principles of a central bank. Indeed, if it works out as the sponsors of the law hope, it will make all incorporated banks together joint owners of a central dominating power." 1 And that is about as good a definition of a cartel as one is likely to find.

1. Quoted by Kolko, Triumph, p. 235.

In 1914, one year after the Federal Reserve Act was passed into law, Senator Aldrich could afford to be less guarded in his remarks. In an article published in July of that year in a magazine called The Independent, he boasted: "Before the passage of this Act, the New York bankers could only dominate the reserves of New York. Now we are able to dominate the bank reserves of the entire country."

MYTH ACCEPTED AS HISTORY

The accepted version of history is that the Federal Reserve was created to stabilize our economy. One of the most widely-used textbooks on this subject says: "It sprang from the panic of 1907, with its alarming epidemic of bank failures: the country was fed up once and for all with the anarchy of unstable private banking." 2 Even the most naive student must sense a grave contradiction between this cherished view and the System's actual performance. Since its inception, it has presided over the crashes of 1921 and 1929; the Great Depression of '29 to '39; recessions in '53, '57, '69, '75, and '81; a stock market "Black Monday" in '87; and a 1000% inflation which has destroyed 90% of the dollar's purchasing power. 3

Let us be more specific on that last point. By 1990, an annual income of $10,000 was required to buy what took only $1,000 in 1914. 4 That incredible loss in value was quietly transferred to the federal government in the form of hidden taxation, and the Federal Reserve System was the mechanism by which it was accomplished.

2. Paul A. Samuelson, Economics, 8th ed. (New York: McGraw-Hill, 1970) p.272.

3. See “Money, Banking and Biblical Ethics”, by Ronald H. Nash, Durell Journal of Money and Banking, Feb., 1990.

4. When one considers that the income tax had just been introduced in 1913 and that such low figures were completely exempt, an income at that time of $1,000 actually was the equivalent of earning $15,400 now, before paying 35 % taxes. When the amount now taken by state and local governments is added to the total bite, the figure is close to $20,000.

Actions have consequences. The consequences of wealth confiscation by the Federal-Reserve mechanism are now upon us. In the current decade, corporate debt is soaring; personal debt is greater than ever; both business and personal bankruptcies are at an all-time high; banks and savings and loan associations are failing in larger numbers than ever before; interest on the national debt is consuming half of our tax dollars; heavy industry has been largely replaced by overseas competitors; we are facing an international trade deficit for the first time in our history; 75% of downtown Los Angeles and other metropolitan areas is now owned by foreigners; and over half of our nation is in a state of economic recession.

FIRST REASON TO ABOLISH THE SYSTEM

That is the scorecard eighty years after the Federal Reserve was created supposedly to stabilize our economy! There can be no argument that the System has failed in its stated objectives. Furthermore, after all this time, after repeated changes in personnel, after operating under both political parties, after numerous experiments in monetary philosophy, after almost a hundred revisions to its charter, and after the development of countless new formulas and techniques, there has been more than ample opportunity to work out mere procedural flaws. It is not unreasonable to conclude, therefore, that the System has failed, not because it needs a new set of rules or more intelligent directors, but because it is incapable of achieving its stated objectives.

If an institution is incapable of achieving its objectives, there is no reason to preserve it— unless it can be altered in some way to change its capability. That leads to the question: why is the System incapable of achieving its stated objectives? The painful answer is: those were never its true objectives. When one realizes the circumstances under which it was created, when one contemplates the identities of those who authored it, and when one studies its actual performance over the years, it becomes obvious that the System is merely a cartel with a government facade. There is no doubt that those who run it are motivated to maintain full employment, high productivity, low inflation, and a generally sound economy. They are not interested in killing the goose that lays such beautiful golden eggs. But, when there is a conflict between the public interest and the private needs of the cartel - a conflict that arises almost daily - the public will be sacrificed. That is the nature of the beast. It is foolish to expect a cartel to act in any other way.

This view is not encouraged by Establishment institutions and publishers. It has become their apparent mission to convince the American people that the system is not intrinsically flawed. It merely has been in the hands of bumbling oafs. For example, William Greider was a former Assistant Managing Editor for The Washington Post. His book, Secrets of The Temple, was published in 1987 by Simon and Schuster. It was critical of the Federal Reserve because of its failures, but, according to Greider, these were not caused by any defect in the System itself, but merely because the economic factors are "sooo complicated" that the good men who have struggled to make the System work have just not yet been able to figure it all out. But, don't worry, folks, they're working on it! That is exactly the kind of powder-puff criticism which is accept- able in our mainstream media. Yet, Greider' s own research points to an entirely different interpretation. Speaking of the System's origin, he says:

As new companies prospered without Wall Street, so did the new regional banks that handled their funds. New York's concentrated share of bank deposits was still huge, about half the nation's total, but it was declining steadily. Wall Street was still "the biggest kid on the block," but less and less able to bully the others.

This trend was a crucial fact of history, a misunderstood reality that completely alters the political meaning of the reform legislation that created the Federal Reserve. At the time, the conventional wisdom in Congress, widely shared and sincerely espoused by Progressive reformers, was that a government institution would finally harness the "money trust," disarm its powers, and establish broad democratic control over money and credit.... The results were nearly the opposite. The money reforms enacted in 1913, in fact, helped to preserve the status quo, to stabilize the old order. Money-center bankers would not only gain dominance over the new central bank, but would also enjoy new insulation against instability and their own decline. Once the Fed was in operation, the steady diffusion of financial power halted. Wall Street maintained its dominant position — and even enhanced it. 1

1. Greider, p. 275.

Anthony Sutton, former Research Fellow at the Hoover Institution for War, Revolution and Peace, and also Professor of Economics at California State University, Los Angeles, provides a somewhat deeper analysis. He writes:

“Warburg's revolutionary plan to get American Society to go to work for Wall Street was astonishingly simple. Even today,... academic theoreticians cover their blackboards with meaningless equations, and the general public struggles in bewildered confusion with inflation and the coming credit collapse, while the quite simple explanation of the problem goes undiscussed and almost entirely uncomprehended. The Federal Reserve System is a legal private monopoly of the money supply operated for the benefit of the few under the guise of protecting and promoting the public interest. 1

The real significance of the journey to Jekyll Island and the creature that was hatched there was inadvertently summarized by the words of Paul Warburg's admiring biographer, Harold Kellock:

Paul M. Warburg is probably the mildest-mannered man that ever personally conducted a revolution. It was a bloodless revolution: he did not attempt to rouse the populace to arms. He stepped forth armed simply with an idea. And he conquered. That's the amazing thing. A shy, sensitive man, he imposed his idea on a nation of a hundred million people. 2

1. Sutton, Wall Street and F.D.R., p. 94.

2. Harold Kellock, "Warburg, the Revolutionist," The Century Magazine, May 1915, p. 79.

SUMMARY

The basic plan for the Federal Reserve System was drafted at a secret meeting held in November of 1910 at the private resort of J.P. Morgan on Jekyll Island off the coast of Georgia. Those who attended represented the great financial institutions of Wall Street and, indirectly, Europe as well. The reason for secrecy was simple. Had it been known that rival factions of the banking community had joined together, the public would have been alerted to the possibility that the bankers were plotting an agreement in restraint of trade— which, of course, is exactly what they were doing. What emerged was a cartel agreement with five objectives: stop the growing competition from the nation's newer banks; obtain a franchise to create money out of nothing for the purpose of lending; get control of the reserves of all banks so that the more reckless ones would not be exposed to currency drains and bank runs; get the taxpayer to pick up the cartel's inevitable losses; and convince Congress that the purpose was to protect the public. It was realized that the bankers would have to become partners with the politicians and that the structure of the cartel would have to be a central bank. The record shows that the Fed has failed to achieve its stated objectives. That is because those were never its true goals. As a banking cartel, and in terms of the five objectives stated above, it has been an unqualified success.



Nelson W. Aldrich



Henry P. Davison



Charles D. Norton



Abraham Piatt Andrew



Frank A. Vanderlip



Benjamin Strong



Paul M. Warburg

The seven men who attended the secret meetining on Jekyll Island, where the Federal Reserve System was conceived, represented an estimated one-fourth of the total wealth of the entire world. They were:

1. Nelson W. Aldrich, Republican "whip" in the Senate, Chairman of the National Monetary Commission, father-in-law to John D. Rockefeller, Jr.;

2. Henry P. Davison, Sr. Partner of J. P. Morgan Company

3. Charles D. Norton, Pres. of 1st National Bank of New York

4. A. Piatt Andrew, Assistant Secretary of the Treasury; Frank A. Vanderlip, President of the National City Bank of

5. New York, representing William Rockefeller.

6. Benjamin Strong, head of J. P. Morgan's Bankers Trust Company, later to become head of the System;

7. Paul M. Warburg, a partner in Kuhn, Loeb & Company, representing the Rothschilds and Warburgs in Europe.

* * *

About author:



G. Edward Griffin was born November 7, 1931, is an American film producer, author, and political lecturer. He is perhaps best known as the author of The Creature from Jekyll Island (1994), a critique of much modern economic theory and practice, specifically the Federal Reserve System.

Starting as a child actor, he became a radio station manager before age 20. He then began a career of producing documentaries and books on often-debated topics like cancer, Noah's ark, and the Federal Reserve System, as well as on libertarian views of the Supreme Court of the United States, terrorism, subversion, and foreign policy. Since the 1970s, Griffin has promoted laetrile as a cancer treatment, a view considered quackery by the medical community. He has also promoted the Durupınar site as hosting the original Noah's ark, against skeptics as well as near-Ararat Creationists. He has opposed the Federal Reserve since the 1960s, saying it constitutes a banking cartel and an instrument of war and totalitarianism. In 2002, Griffin founded the individualist network Freedom Force International.

Griffin was born in Detroit, Michigan, on November 7, 1931, and became a child actor on local radio in 1942. By 1947, he was emceeing at WJR (CBS), and continued as announcer at WUOM and station manager at WWJ-TV (NBC), 1950–1955. He earned his bachelor's degree from the University of Michigan in Ann Arbor in 1953, majoring in speech and communications.[6] Griffin served in the United States Army from 1954 to 1956, reaching the rank of sergeant.
 

The Creature from Jekyll Island



Griffin's 1994 book, The Creature from Jekyll Island,
draws parallels between the Federal Reserve and a bird of prey,
as suggested by the Great Seal of the United States on its cover.

Griffin enrolled in the College for Financial Planning in Denver, Colorado, and became a Certified Financial Planner in 1989. He described the U.S. money system in his 1993 movie and 1994 book on the Federal Reserve System, The Creature from Jekyll Island. This popular book has been a business bestseller; it has been reprinted in Japanese, 2005, and German, 2006. The book also influenced Ron Paul during the writing of a chapter on money and the Federal Reserve in Paul's New York Times number-one bestseller, The Revolution: A Manifesto, which recommended Griffin's book on its "Reading List for a Free and Prosperous America".

The title refers to the November 1910 meeting at Jekyll Island, Georgia, of six bankers and economic policymakers, who represented the financial elite of the Western world. The meeting was recounted by Forbes founder B. C. Forbes in 1916, and recalled by participant Frank Vanderlip as "the actual conception of what eventually became the Federal Reserve System". Griffin states that participant Paul Warburg describes the Jekyll Island meeting as "this most interesting conference concerning which Senator Aldrich pledged all participants to secrecy".

Griffin's work stresses the point which Federal Reserve chair Marriner Eccles made in Congressional testimony in 1941: "If there were no debts in our money system, there wouldn't be any money." Griffin advocates against the debt-based fiat money system on several grounds, stating that it devours individual prosperity through inflation and it is used to perpetuate war. He also described a framework of central bankers underwriting both sides of an ongoing war or revolution. Griffin says that the United Nations, the Council on Foreign Relations, and the World Bank are working to destroy American sovereignty through a system of world military and financial control, and he advocates for United States withdrawal from the United Nations.

Edward Flaherty, an academic economist, characterized Griffin's description of the secret meeting on Jekyll Island as "conspiratorial", "amateurish", and "suspect". Griffin's response was that Flaherty had miscategorized the book with other publications and had labeled all criticisms of the Federal Reserve as the results of conspiracy theory.
 

Griffin's advocation of a free-market, private-money system superior to the Fed caused Bernard von NotHaus to deploy such a system in 1998. Griffin states that von NotHaus's private silver certificates, known as Liberty Dollars, are "real money".
 

Xem Chương 2: click vào đây

* * *

Xem bài liên hệ cùng chủ đề, click vào đây
Xem trang Kiến thức, Tài liệu, click vào đây 
More on English topic, please click here
Về trang chính: www.nuiansongtra.net  



 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh