Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 06, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Đất nước, con người
QUẢNG NGÃI TỈNH CHÍ
PHẠM ĐÔNG VĂN


'QUẢNG NGÃI TỈNH CHÍ" CỦA NGUYỄN BÁ TRÁC:
ĐỊA PHƯƠNG CHÍ QUỐC NGỮ ĐẦU TIÊN TẠI VIỆT NAM.

Phạm Đông Văn.


Tên tuổi Nguyễn Bá Trác đến nay hầu như chỉ được biết qua bài thơ Hồ Trường do ông sáng tác gần 100 năm trước nhưng vẫn được truyền tụng rộng khắp, nhất là tại miền Nam từ thời nửa sau thế kỷ XX. Có một áng thơ để đời như thế, thật đã đủ cho bất cứ nhà thơ kim cổ nào.

Tuy nhiên, sự nghiệp văn học chính của Nguyễn Bá Trác lại là các công trình biên khảo. Ông là một trong số rất hiếm học giả thời ấy vừa thông Hán học, Tây học và cả quốc ngữ đang còn mới mẻ, đã từng biên soạn nhiều tác phẩm thuộc các thể loại khác nhau, nhưng nay không còn lưu truyền vì qua quá nhiều cuộc biển dâu thời thế, hoặc không được phổ biến vì định kiến chính trị chi phối văn học.

Trong số những tác phẩm của Nguyễn Bá Trác đã bị quên lãng, có công trình biên khảo mang tựa đề QUẢNG NGÃI TỈNH CHÍ, đặc biệt có giá trị như là một địa phương chí mẫu mực được biên soạn công phu và rất khoa học, chính là tỉnh chí viết bằng quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam - đã được đăng tải nhiều kỳ trên Nam Phong Tạp Chí (NPTC) vào năm 1933.
 


I. ĐỊA PHƯƠNG CHÍ QUỐC NGỮ ĐẦU TIÊN

Giá trị đi trước và làm gương của Quảng Ngãi Tỉnh Chí được chủ bút Phạm Quỳnh xác định trong lời giới thiệu (NPTC số 181, tr.168) qua trích đoạn:

-“Vậy bản chí vui lòng đăng tập Quảng Ngãi Tỉnh Chí và ước ao rằng các tỉnh khác ở Trung Kỳ Bắc Kỳ đều mỗi tỉnh làm một tập “tỉnh chí” như vậy, thì giúp cho việc học địa dư trong nước không phải là ít vậy”.

Công trình địa phương chí kể từ thời bắt đầu tân học và chữ quốc ngữ, đã rõ là do Nguyễn Bá Trác khởi xướng với Quảng Ngãi Tỉnh Chí. Trong lời mở đầu của tác phẩm nầy, ông cũng cho biết:

-“Tỉnh Quảng Ngãi cũng đã có biên chép vào lịch sử và địa dư của các bậc tiền bối, nhưng chưa có chí thặng riêng. Huống chi cuộc đời mỗi ngày mỗi khác, cách trong một hạn mười năm đã thấy hình thế, chinh trị và kinh tế của một hạt thay đổi nhiều...”.

Như vậy, ngoài việc noi theo người xưa, nhưng như ông nói thời trước chỉ có những tác phẩm bao quát cả nước, có thể hiểu chính ông đã đi thêm một bước khi thực hiện công trình tỉnh chí, đồng thời cũng nhắc đến nhu cầu cập nhật thường xuyên thể loại tác phẩm nầy. Nhưng cả ao ước chí tình của Phạm Quỳnh cũng như nhận thức và đề nghị xác đáng của Nguyễn Bá Trác, lẽ ra phải có nhiều chục công trình “mỗi tỉnh một tỉnh chí” rồi được soạn lại trong “hạn mười năm”, rốt cuộc cũng chỉ là một trong những kỳ vọng tô bồi và phát triển dân trí nước nhà đã không thành sự thật trong đời của hai ông.

Quả đúng như lời Nguyễn Bá Trác, hơn mười năm sau khi Quảng Ngãi Tỉnh Chí được đăng tải, tình thế đã thay đổi rất nhiều. Nhiều đến độ cả Nguyễn Bá Trác và Phạm Quỳnh là hai nhà đồng sáng lập Nam Phong Tạp Chí vốn nhìn xa trông rộng, cũng đã không thể tiên liệu được; đến độ mà cả hai cùng phải trả giá đắt nhất bằng mạng sống - vì thành tích đắc lực phục vụ triều Nguyễn do đế quốc Pháp bảo hộ - ngay khi Việt Minh lên nắm chính quyền vào tháng 8 năm 1945.

Sau Quảng Ngãi Tỉnh Chí được coi là công trình tiên phong thực hiện năm 1933, (không rõ ở miền Bắc có tác phẩm nào cùng thể loại trong thời gian 1955-1975?) mãi đến năm 1962 ở miền Nam mới có một địa phương chí kế tiếp xuất bản và được đông đảo độc giả đón nhận cùng những lời khen tặng tích cực của dư luận, vì đáp ứng được nhu cầu nghiên cứu và giáo dục về một lãnh vực văn học đang còn thiếu vắng.

Như vậy, trong suốt ba mươi năm Quảng Ngãi Tỉnh Chí vẫn là công trình địa phương chí một mình một cõi. Tiếc thay, do văn học cũng chịu số phận nghiệt ngã cùng vận nước, Quảng Ngãi Tỉnh Chí một trong những tác phẩm giá trị của Nguyễn Bá Trác (đã in thành sách hoặc từng đăng tải trên 200 kỳ báo Nam Phong Tạp Chí) cũng như của học giả Phạm Quỳnh và nhiều văn gia tên tuổi khác đã bị hủy hoại hoặc quên lãng.

Một trong những người chắc chắn đã không quên Quảng Ngãi Tỉnh Chí là nhà văn Phạm Trung Việt, tác giả tập Non Nước Xứ Quảng đã xuất bản lần đầu tại Sài Gòn vào năm 1962. Từ tỉnh chí quốc ngữ đầu tiên đến tỉnh chí thứ nhì là thời gian 30 năm. Cả hai đặc biệt lại cùng có chủ đề về Quảng Ngãi, quả là một trùng hợp thú vị nhưng không phải tình cờ, vì chính Phạm Trung Việt đã noi theo vị học giả tiền bối người ngoại tỉnh (Quảng Nam) để viết tiếp công trình địa phương chí (luôn được bổ sung và điều chỉnh qua sáu lần tái bản, lần mới nhất tại Hoa Kỳ tại Hoa Kỳ năm 1998) về sinh quán của mình.

Như thế, dù có muộn vẫn còn hơn không và dù Quảng Ngãi Tỉnh Chí có bị lãng quên, đã đến lúc ao ước của Phạm Quỳnh mỗi tỉnh một tỉnh chí và gợi ý cập nhật hóa địa phương chí của Nguyễn Bá Trác đã dần dần được thực hiện. Sau khi Non Nước Xứ Quảng xuất bản, tiếp theo có Non Nước Bình Định của nhà văn Quách Tấn, rồi một loạt địa phương chí như Định Tường Xưa Và Nay (1969), Gia Định Xưa Và Nay (1969), Tây Ninh, Vũng Tàu, Bạc Liêu, Gò Công, Cần Thơ, Kiến Hòa...của nhà sưu khảo Huỳnh Minh, đã lần lượt đến tay độc giả.

Giá trị của các tác phẩm địa phương chí nói chung rốt cuộc đã được công nhận, thể hiện qua những lời khen tặng Non Nước Xứ Quảng do nhiều nhà văn, nhà giáo và giới phê bình văn học trên các báo thời thập niên 60: Tạp chí Thời Nay số 70 (01/8/1962), Nguyễn Ngu Í - tạp chí Văn Đàn số 42 (12/8/1962), Thư Trung - Tin Sách số 12-1963, Việt Tấn Xã-Điểm sách (03/01/1966), Tập san Văn Xuân Bính Ngọ (15/01/1966), Tập san Sử Địa số 2-1966, Nguyễn Vỹ-Phổ Thông số 87-1962 và số Tân niên 1966... Công trình của Phạm Trung Việt xứng đáng được dư luận tích cực đón nhận, nhưng qua đó, đáng tiếc đã có sự hiểu lầm rằng Non Nước Xứ Quảng là tác phẩm địa phương chí đầu tiên.

Cả Nguyễn Ngu Í, người từng sống hàng chục năm ở xứ Quảng trước và sau năm 1950 và cả Nguyễn Vỹ người bản tỉnh khi giới thiệu Non Nước Xứ Quảng cũng không (biết) nhắc đến Quảng Ngãi Tỉnh Chí! Kể cả học giả Nguyễn Hiến Lê hẳn cũng nghĩ rằng trước Non Nước Xứ Quảng chưa có tỉnh chí nào khác, như được hiểu qua ý kiến của ông trong bài viết “Một Hiện Tượng Mới-Loại Địa Phương Chí: Lạ lùng nhất là chỉ trong vài năm đã xuất hiện sáu, bảy cuốn địa phương chí!... Trước hết là cuốn Non Nước Xứ Quảng của ông Phạm Trung Việt. Tôi phải ngạc nhiên và coi đó là hiện tượngmới...” (Nguyễn Hiến Lê - Mấy Vấn Đề Văn Hóa - NXB Tao Đàn, 1967).

Như vậy, chỉ qua 30 năm từ 1933 đến 1962 là thời gian không dài lắm nhưng đã lắm phen vật đổi sao dời, Quảng Ngãi Tỉnh Chí đành chịu số phận như nhiều công trình học thuật đông tây kim cổ, mà tác giả đã cùng Phạm Quỳnh dày công tích lũy vào kho tàng Nam Phong từ năm 1917 đến năm 1934, hầu hết đã thất tán. Cho đến ngày nay thời đầu thế kỷ XXI, may ra cũng còn một số tập Nam Phong Tạp Chí tản mác trong các tủ sách ở Việt Nam. Riêng bộ sưu tập Nam Phong Tạ Chí toàn vẹn - như giáo sư Thanh Lãng từng đánh giá là một Hàn Lâm Viện học thuật thời ấy - hy vọng chỉ có thể tìm thấy đâu đó trong các thư viện ở xứ người như Trung Hoa, Pháp, Nhật, Mỹ...và chắc vẫn được họ trân trọng gìn giữ chung với nhiều món quốc bảo khác của người Việt từ lâu đã thất lạc!

Sưu tầm, sao lục những công trình văn hóa học thuật của người xưa để truyền bá cho nhau và cho đời sau, là nghĩa vụ chung của người Vệt dù đang ở quê nhà hoặc nước ngoài.

II. SƠ LƯỢC QUẢNG NGÃI TỈNH CHÍ.

Quảng Ngãi Tỉnh Chí do Nguyễn Bá Trác chủ trương thực hiện khi đương nhiệm chức vụ Tuần vũ Quảng Ngãi (1930-1933) cùng với quan Án sát Nguyễn Đình Chi, tu soạn bởi Khiếu Hữu Kiều và biên tập do Nguyễn Trân và Phan Đình Thi cùng là viện sĩ hàn lâm ở triều đình Huế.

Quảng Ngãi Tỉnh Chí được đăng trên Nam Phong Tạp Chí nhiều kỳ trong năm 1933 từ số 181 đến 187 (rất tiếc chúng tôi không có tài liệu của đoạn cuối của mục Kinh Tế vì thiếu số báo 187), tổng cộng ước chừng 70 trang in chữ nhỏ trên khổ giấy 8.5” x 11”. Nội dung có 3 mục chính, gồm nhiều tiểu mục biên soạn rất công phu với nhiều chi tiết cụ thể liên quan, tạm tóm tắt như sau:

1. Hình Thế: sơ lược về lịch sử, giới hạn, hình thế đất, sông ngòi, bờ bể, đảo, thời tiết khí hậu, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh...

2. Chính Trị: lịch sử các sắc tộc, các thời trước và thời thuộc chủ quyền Việt Nam, thời nhà Nguyễn, tổ chức hành chánh quân sự, sơn phòng, lịch sử bảo hộ, nhân số, văn hóa xã hội, tôn giáo, phong tục tập quán, giáo dục và trường học từ cựu học đến tân học...

3. Kinh Tế: nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, các ngành nghề khác, thương mại, thuế khóa...

Quảng Ngãi Tỉnh Chí, dù được Phạm Quỳnh chủ nhiệm Nam Phong Tạp Chí trong phần giới thiệu đã cho rằng: theo như lối các tỉnh chí thời xưa; nhưng rõ ràng đây là một địa phương chí có đặc điểm hiện đại với nhiều dữ kiện thu thập được nhờ các phương tiện của khoa học phương Tây, trực tiếp qua người Pháp. Thực vậy, hầu hết các tiểu mục trong tác phẩm được minh họa với các bảng thống kê, biểu đồ, lược đồ, bản đồ rất cụ thể và khoa học. Nên quả rất may mắn Quảng Ngãi Tỉnh Chí nay vẫn còn lưu lại, rất quan trọng và có ích để tham khảo cho các công trình nghiên cứu về Quảng Ngãi vào thời kỳ đầu của thế kỷ XX; may mắn vì thông thường những tài liệu trong mọi lãnh vực có tính chuyên môn với đầy đủ chi tiết về từng địa phương như vậy chỉ được lưu trữ tại các cơ quan hoặc ty sở trách nhiệm, rất dễ bị tiêu hủy hoặc thất lạc, nhất là tại Việt Nam qua các cuộc chiến tàn phá liên tiếp xảy ra và qua các chế độ đối nghịch thay nhau cầm quyền.

Quảng Ngãi Tỉnh Chí được Nguyễn Bá Trác chủ trương biên soạn với tư cách một vị quan đầu tỉnh để trình vua Bảo Đại trước khi đăng báo, nhưng chắc chắn một công trình tỉnh chí tương tự không phải quan Tuần phủ hoặc Tổng đốc nào khác trong nước trước đó hoặc cùng thời cũng thực hiện được. Vì Nguyễn Bá Trác thực sự còn là một nhà văn hóa đa tài và nhiều sáng kiến. Các địa phương chí hiện tại và về sau vẫn cần được tiếp tục biên soạn. Chính Quảng Ngãi Tỉnh Chí là công trình mẫu mực đi tiên phong soạn bằng chữ quốc ngữ thời còn phôi thai và chính Nguyễn Bá Trác đã tạo nên hiện tượng mới “tỉnh chí” trong thời kỳ văn học Việt Nam cận đại.

III. ĐÔI GIÒNG VỀ TÁC GIẢ QUẢNG NGÃI TỈNH CHÍ.

Nguyễn Bá Trác bút hiệu Tiêu Đẩu, sinh năm 1881 (Tân Tị) tại làng Bảo An, huyện Điện Bàn, Quảng Nam. Ông đậu cử nhân khoa Bính Ngọ (1906) tại trường thi Thừa Thiên, sau đó ra Hà Nội học tiếng Pháp. Đến năm 1908, ông tìm đường sang Nhật hưởng ứng lời kêu gọi của các nhà ái quốc Phan Bội Châu (phong trào Đông Du) và Phan Chu Trinh (phong trào Duy Tân). Sau khi du học sinh Việt Nam bị Nhật trục xuất vì áp lực của Pháp, ông về nước năm 1914 và hai năm sau đó đã cộng tác với nhà cầm quyền Pháp được giao nhiệm vụ chủ bút phần Hán văn tờ Công Thị Báo.

Đến năm 1917 ông chuyển sang làm chủ bút phần Hán văn cho Nam Phong Tạp Chí do Phạm Quỳnh vừa sáng lập (chủ nhiệm kiêm chủ bút phần Pháp văn) do phủ Toàn quyền Pháp bảo trợ. Thời gian sau ông được bổ nhiệm chức Tham tri Bộ Học ở triều đình Huế, đến năm 1930 ông lãnh chức Tuần vũ Quảng Ngãi thay thế Ngô Đình Khôi. Từ năm 1934 thăng chức Tổng đốc trấn nhậm Thanh Hóa, rồi chuyển vào làm Tổng đốc Bình Định. Thời gian tham gia việc quan, ông vẫn cộng tác với Nam Phong Tạp Chí nhưng không thường xuyên. Tháng 8 năm 1945 khi Việt Minh nắm chính quyền, Nguyễn Bá Trác bị bắt và bị xử bắn ở Quảng Ngãi.

Ngoài vô số bài viết thuộc đủ thể loại đã đăng trên Nam Phong Tạp Chí, Nguyễn Bá Trác đã biên soạn nhiều tác phẩm như:

- Bàn Về Học Thuật Nước Tàu (1918)
- Hạn Mạn Du Ký (Hán văn, 1920 được ông dịch sang Việt ngữ đăng trên Nam Phong Tạp Chí từ số 38 đến số 43)
- Bàn Về Hán Học (1920)
- Hương Giang Mộng (1920)
- Ngã An Nam Dân Tộc Tiến Chi Lịch Sử (1921)
- Mấy Lời Chung Cáo Của Các Nhà Nho (1921)
- Nguyễn Bá Học* Tiên Sinh Chi Lược Sử Cập Kỳ Di Ngôn (1921)
- Du Thanh Hòa Ký (1921)
- Hán Học Văn Học Khảo (1917-1932)
- Hoàng Việt Giáp Tý Niên Biểu (1925, được Bộ Giáo Dục VNCH dịch và xuất bản năm 1963, gồm 2 cuốn 552 trang).
- Cổ Học Viện Thư Tịch Thư Sách (1921, gồm 11 cuốn cùng soạn với Nguyễn Tiến Khiêm).

* * *
 

Nếu thời thế nghiệt ngã của đất nước đã làm cho tác phẩm độc đáo Quảng Ngãi Tỉnh Chí và nhiều công trình văn học khác của Nguyễn Bá Trác bị lãng quên, thì ngược lại, chuyện vật đổi sao dời trên quê hương lại khiến cho Hồ Trường bài thơ có một không hai do cảm khái qua men rượu, vẫn được truyền tụng sống động qua nhiều thế hệ thanh niên trước sau từng nếm trải cay đắng của nghịch cảnh, vì hàm chứa hào khí lẫn uất khí và vừa bi phẫn lẫn cuồng ngạo.

Nguyễn Bá Trác đã sáng tác Hồ Trường khi lưu lạc ở Trung Hoa thời trai trẻ tam thập mà nhi chưa lập, có cảm hứng (được kể là) từ một bài ca Trung Hoa theo lối biền ngẫu của một tác giả không được biết tên. Bài thơ Hồ Trường không rõ đã được phổ biến từ bao giờ, từng được chép trong tác phẩm nào (Hạn Mạn Du Ký?) trong số các tác phẩm của ông, hoặc trên một kỳ báo Nam Phong Tạp Chí nào đó nay đã thất lạc! Vì thế qua thời gian lâu dài nguyên tác bài thơ vẫn chưa được xác định, nhưng như đã đăng trên các báo ít nhất cũng có bốn (4) bản có phần khác nhau vài câu và vài chữ. Riêng bản trích dưới đây đã được ghi lại qua băng thơ (với giọng ngâm Lệ Ba) do ái nữ của Nguyễn Bá Trác thực hiện (dựa theo tài liệu đăng trong mục Bạn Đọc Viết của tạp chí Thế Kỷ 21 số 115, tháng 11-1998)

HỒ TRƯỜNG

Đại trượng phu không hay xé gan bẻ cật phù cương thường
Hà tất tiêu dao bốn bể lưu lạc tha phương
Trời Nam nghìn dặm thẳng
Non nước một màu sương
Chí chưa thành, danh chưa đạt
Trai trẻ bao lăm mà đầu bạc
Trăm năm thân thế bóng tà dương
Vỗ gươm mà hát
Nghiêng bầu mà hỏi
Trời đất mang mang ai người tri kỷ
Lại đây cùng ta cạn một hồ trường
Hồ trường! Hồ trường!
Ta biết rót về đâu?
Rót về Đông phương, nước biển Đông chảy xiết sinh cuồng loạn
Rót về Tây phương, mưa phương Tây từng trận chứa chan
Rót về Bắc phương, ngọn Bắc phong vi vút cát chạy đá giương
Rót về Nam phương, trời Nam mù mịt có người quá chén như điên như cuồng.
Nào ai tỉnh, nào ai say
Lòng ta ta biết, chí ta ta hay
Nam nhi sự nghiệp ư hồ thủy
Hà tất cùng sầu đối cỏ cây.

Nguyễn Bá Trác

PHỤ LỤC:

TÀI LIỆU HÀNH CHÁNH CÔNG QUYỀN TỈNH QUẢNG NGÃI.

DANH SÁCH CÁC TUẦN VŨ QUẢNG NGÃI TRIỀU NGUYỄN

Chúng tôi xin trích đăng danh tánh của các vị lần lượt đã đảm nhận chức Tuần vũ Quảng Ngãi từ năm 1899 đến năm 1933 qua các đời vua triều Nguyễn: Thành Thái, Duy Tân, Khải Định, Bảo Đại (Quảng Ngãi Tỉnh Chí kỳ 2 đăng trên Nam Phong Tạp Chí số 182, trang 293). Đồng thời, cũng nêu tên các vị Tuần vũ kế nhiệm từ năm 193đến năm 1945, dựa heo tư liệu của cụ Phạm Am là cựu viên chức hành chánh thâm niên tại tỉnh Quảng Ngãi từ năm 1937 đến năm 1975.

01. Huỳnh Côn                                 Thành Thái (từ năm 1899)
02. Nguyễn Xuân Triêm                                -
03. Lê Từ                                           Duy Tân (1907)
04. Nguyễn Xuân Triêm                                 -
05. Đoàn Đình Duyệt                                      -
06. Từ Thiệp                                                    -
07. Trần Tiễn Hối                               Duy Tân-Khải Định I (1916)
08. Trần Đình Bá                                Khải Định
09. Đặng Ngọc Oanh                                     -
10. Nguyễn Đình Hiến                                   -
11. Tôn Thất Chử                                           -
12. Phạm Liệu                                   Bảo Đại (1927)
13. Ngô Đình Khôi                                         -
14. Nguyễn Bá Trác                                       -
15. Hồng (Cung) Quang Định                      -
16. Hồ Đắc Ứng                                              -
17. Võ Chuẩn                                                   -
18. Bửu Trưng                                                 -
19. Lê Văn Định                                 Bảo Đại (1945).

PHẠM ĐÔNG VĂN

Nguồn Tham Khảo:

- Nam Phong Tạp Chí số Tết năm Mậu Ngọ (1918)
- Nam Phong Tạp Chí từ số 181 đến 186 (1933)
- Non Nước Xứ Quảng - Phạm Trung Việt, bản đầu tiên 1962, bản in năm 1969 và bản in tại Hoa Kỳ năm 1996.
- Tư liệu của cụ Phạm Am (danh tánh các Tuần vũ Quảng Ngãi từ năm 1930 đến 1945)

(*) Nguyễn Bá Trác là con rể của cụ Nguyễn Bá Học (1857-1921)
 

*  *  *


Xem bài cùng tác giả tại đây

Xem bài liên hệ với đề tài tại đây

Homepage www.nuiansongtra.com

 

Uploaded lần đầu: June 21-2006

 

 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh