Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 03, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Hải Quân - VNCH
MẬT KHU VŨNG-RÔ
ĐIỆP MỸ LINH


Lời trần tình:

Đầu thập niên 80, khi thực hiện cuốn Tài Liệu Lịch Sử “Hải-Quân V.N.C.H. Ra Khơi, 1975” Điệp-Mỹ-Linh hân hạnh được phỏng vấn Cựu Hải-Quân Đại Tá Lê Quang Mỹ, Tư Lệnh đầu tiên của Hải-Quân Việt-Nam Cộng-Hòa (V.N.C.H.).

Cựu Tư Lệnh Hải-Quân Lê Quang Mỹ trả lời câu cuối cùng trong bài phỏng vấn rằng: “Tôi chỉ tiếc một điều là từ lâu “họ” đã không khai thác tiềm năng của Hải-Quân, không xử dụng đúng mức một lực lượng tinh nhuệ và hùng hậu nhất nhì trong vùng Biển Thái Bình Dương”.

Dù tiềm năng không được khai thác và dù không được xử dụng đúng mức, lịch sử non trẻ của Quân Lực V.N.C.H. đã chứng minh rằng Hải-Quân V.N.C.H. cũng đã tạo nên những chiến công lẫy lừng.

Với 5 Vùng Duyên Hải, 2 Vùng Sông Ngòi, Hạm Đội, Lực Lượng Duyên Phòng, Lực Lượng Thủy Bộ, Lực Lượng Tuần Thám, Lực Lượng Trung Ương, Lực Lượng 99, Lực Lượng Hải Thuyền, Liên Đoàn Người Nhái, Giang Đoàn Xung Phong, Lực Lượng Hải Tuần, v.v… thì không biết bao nhiêu cuộc đụng độ đã xảy ra giữa Hải-Quân V.N.C.H. và Cộng Sản Bắc Việt.

Tuy nhiên, vì vấn đề bảo mật, những chuyến vượt sóng của Lực Lượng Hải Tuần xuyên vỹ tuyến 17 đều chưa được tiết lộ hoặc ghi lại. Điệp-Mỹ-Linh nghĩ rằng, trong tương lai, thế nào cũng có người sẽ viết về Lực Lượng ưu tú này của Hải-Quân VNCH. Lúc đó Điệp-Mỹ-Linh sẽ nghiên cứu và bổ túc sau.

Riêng về những cuộc hành quân của các đại đơn vị tác chiến khác của Hải-Quân thì lại được viết như là “Tự Truyện” hoặc “Ký Sự” – thiếu những chi tiết chính xác như ngày, tháng, năm, tên họ của những nhân vật trực tiếp tham chiến, v.v... – cho nên Điệp-Mỹ-Linh không thể trích dẫn những bài “Tự Truyện” hoặc “Ký Sự” đó. Và cũng vì thời gian quá lâu, những nhân chứng trong các cuộc đụng độ giữa Hải-Quân V.N.C.H. và Cộng Sản Bắc Việt cũng không thể giúp Điệp-Mỹ-Linh những chi tiết cần và đủ để viết lại như là “Những Chi Tiết Lịch Sử”.

Có thể nhiều người không biết “Những Chi Tiết Lịch Sử”, nhưng dân tộc Việt-Nam và cả thế giới đều biết – cũng như đặc biệt quan tâm – 3 sự kiện vô cùng quan trọng đã xảy ra trong lãnh hải của V.N.C.H.. Đó là:

- Mật Khu Vũng Rô
- Hải Chiến Hoàng Sa
- Chuyến Ra Khơi Bi Hùng.

Chuyến Ra Khơi Bi Hùng, quý độc giả có thể đọc vào chương cuối của Quân Sử Hải-Quân V.N.C.H.

Trận Hải Chiến Hoàng Sa đã được Ủy Ban Nghiên Cứu Trận Hải Chiến Hoàng Sa biên khảo rất công phu; do Tổng Hội Hải-Quân và Hàng Hải V.N.C.H. phát hành. Quý độc giả muốn thấu triệt một cách tường tận về Trận Chiến Hoàng Sa, xin liên lạc về: Ủy Ban Hoàng Sa – P.O. BOX 6005 – Torrance, CA. 90504 – USA.

Theo thứ tự thời gian, kính mời độc giả đọc bài “Mật Khu Vũng Rô”.
(Điệp Mỹ Linh).

* * *

MẬT KHU VŨNG-RÔ

Trận chiến phá hủy mật khu Vũng Rô được đặt dưới sự chỉ huy của Hải-Quân Thiếu Tá Hồ Văn Kỳ Thoại, Chỉ Huy Trưởng Hải-Quân Vùng II Duyên Hải.

Các đơn vị tham chiến gồm có:

- HQ 405 Hải Vận Hạm Tiền Giang – Hạm Trưởng: Hải-Quân Thiếu Tá Nhan Chấn Toàn
- HQ 08 Hộ Tống Hạm Chi Lăng II – Hạm Trưởng: Hải-Quân Thiếu Tá Trịnh Quang Xuân
- HQ 502 Dương Vận Hạm Thi Nại – Hạm Trưởng: Hải-Quân Thiếu Tá Ngô Khắc Luân. (Chiến hạm này về sau mới được Bộ Tư Lệnh Hải-Quân tăng phái)
- HQ 04 Hộ Tống Hạm Tụy Động – Hạm Trưởng: Hải-Quân Đại Úy Trần Văn Triết
- Duyên Đoàn 24
- Một Đại Đội Biệt Kích Dù
- Không Quân
- Hai Tiểu Đoàn của Trung Đoàn 49 thuộc Sư Đoàn 23 Bộ-Binh (1)
- Người Nhái Lê Đình An, Người Nhái Đạt (Gồ). Khi chiến trận bùng nổ, Bộ Tư Lệnh Hải-Quân tăng cường thêm 15 Người Nhái và cố vấn Người Nhái, Đai Úy Franlin W. Anderson từ Saigon ra, với đầy đủ trang bị. (2)

Ngày 1 tháng 2 năm 1965, Đảng Ủy, Bộ Tư Lệnh Hải-Quân Cộng Sản Hà Nội, trực tiếp là Đoàn 125 triễn khai giao nhiệm vụ cho tàu 143 gồm 18 nhân viên, dưới sự điều động của:

- Ông Lê Văn Thêm – thuyền trưởng
- Ông Nguyễn Văn Thu – thuyền phó
- Ông Hồ Sảnh – thuyền phó
- Ông Phan Văn Bảng – chính trị viên

Tàu 143 được lệnh chở 63 tấn vũ khí, rời Hải Phòng tiến vào Bình Định để “xuống hàng” tại bến Lộ Diêu. Nhưng vì tình hình bến Lộ Diêu không thuận lợi, Sở Chỉ Huy Cộng Sản Hà Nội quyết định tàu 143 không cập bến Lộ Diêu mà phải chuyển hàng vào Phú Yên để “xuống hàng” tại Vũng Rô.

Tối 15 tháng 2 năm 1965, khoảng 23 giờ, tại Vũng Rô, lực lương du kích xã Hòa Hiệp và Tiểu Đoàn 83 thuộc bộ đội chủ lực Quân Khu 5 Cộng Sản tập trung, sẵn sàng bốc dỡ hàng để di chuyển vào núi. (3)

Khuya 16 tháng 2 năm 1965, lúc 2 giờ, tàu 143 kéo neo để trở về Bắc; nhưng vì tời neo bị hỏng, nhân viên phải sửa chữa đến 5 giờ sáng mới xong. Không đủ thời gian rời bến, quân Việt Cộng địa phương phải chặt cây phủ lên tàu, ngụy trang như một mõm núi.

6 giờ sáng cùng ngày, thuyền trưởng cho 6 nhân viên lên bờ ẩn nấp để tránh thương vong, nếu giao tranh xảy ra. (4)

10 giờ 30 sáng cùng ngày, Trung Úy James S. Bowers, thuộc một đơn vị Bộ Binh Hoa Kỳ, lái trực thăng tản thương, loại UH-1B, từ Qui Nhơn về Nha Trang. Khi trực thăng đến Đại Lãnh trong vịnh Vũng Rô – thuộc tỉnh Phú Yên – Trung Úy Bowers thấy lùm cây lớn di động. Trung Úy bay trở lại và nhận ra “lùm cây lớn di động” là một tàu nhỏ đánh cá được ngụy trang.

Trung Úy Bowers báo về Bộ Chỉ Huy của Ông. Bộ Chỉ Huy của Trung Úy Bowers thông báo ngay cho Thiếu Tá Harvey P. Rodgers, cố vấn của Bộ Chỉ Huy Vùng II Duyên Hải. Thiếu Tá Rodgers báo cho Hải-Quân Thiếu Tá Hồ Văn Kỳ Thoại, chỉ Huy Trưởng Vùng II Duyên Hải.

Thiếu Tá Thoại liên lạc với Thiếu Tá Nguyễn Huy Ánh, Chỉ Huy Trưởng Không Đoàn tại Nha Trang. Một phi tuần được gửi đi. (5)

Khoảng 12 giờ trưa, phi cơ trinh sát đến khu vực và thả khỏi màu chỉ điểm.

Khoảng 12 giờ 05, hai phi cơ AD6 đến, ném bom xăng vào mục tiêu. Lớp cây ngụy trang bị cháy. Tàu 143 lộ nguyên hình. Thủy thủ đoàn và cả thuyền trưởng của tàu 143 nhảy xuống biển, bơi vào bờ. Không Quân V.N.C.H. gửi tiếp hai B57 đến ném bom và bắn rockets khiến tàu 143 bị chìm về phía trái.

5 giờ chiều, 17 nhân viên của tàu 143 bơi được vào bờ, ẩn núp trong một hang đá. Sau đó, tình cờ, nhóm người này mới tìm ra được thuyền trưởng Lê Văn Thêm bị thương nặng. (6)

Trong khi Bắc quân đưa thuyền trưởng Lê Văn Thêm đi cấp cứu thì, tại Nha Trang – sau khi xin Chuẩn Tướng Lữ Mộng Lan tăng phái một Trung Đoàn thuộc Sư Đoàn 23 Bộ Binh, từ Tuy Hòa đến Vũng Rô; và sau khi chỉ thị Duyên Đoàn 24 tại Tuy Hòa đến Vũng Rô, chờ lệnh – Hải-Quân Thiếu Tá Hồ Văn Kỳ Thoại lên Hải Vận Hạm Tiền Giang, HQ 405, trực chỉ Vũng-Rô.

Tối 16 tháng 2 năm 1965, từ HQ 405, Thiếu Tá Thoại xin Không Quân cho phi cơ thả trái sáng tại chỗ tàu 143 bị chìm. Phi cơ báo cáo: Thấy ánh đèn từ nơi tàu chìm và có sự hoạt động giữa tàu 143 và bờ.

Ngày 17 tháng 2 năm 1965, Hải Vận Hạm Tiền Giang, HQ 405, đến Vũng Rô. Khi chiến hạm tiến vào vịnh Vũng Rô, từ bãi biển phía Bắc, Việt Cộng tác xạ dữ dội vào HQ 405. (7)

Tối 17 tháng 2, Quân Khu Việt Cộng phái một tiểu đội Công Binh dùng một tấn bộc phá, quyết phá tan tàu 143 để phi tang. Nhưng, sau khi giật nổ bộc phá, tàu 143 chỉ vỡ đôi.

Thời điểm này lực lượng Việt Cộng trong vùng Vũng Rô gồm có:

- Một Trung Đội Du Kích Hòa Hiệp
- Hai Tiểu Đội Bộ Đội Địa Phương Huyện
- 18 nhân sự của tàu 143 – kể cả thuyền trưởng Thêm bị thương. (8)

Ngày 18 tháng 2 năm 1965, lúc 6 giờ sáng, HQ 08, HQ 04 và HQ 405 đồng loạt tiến vào bờ và tác xạ.

8 giờ sáng cùng ngày, khu trục cơ của Không Quân VNCH đến oanh tạc những mục tiêu nghi ngờ.

Hai Người Nhái Lê Đình An và Đạt (Gồ) xử dụng chiếc Yabuta của Duyên Đoàn 24 với mục đích vào thám sát tình hình trong vịnh. Khi ghe Yabuta còn cách bờ khoảng 300 thước, Việt-Cộng dùng thượng liên và súng tự động cá nhân bắn xối xả vào ghe. Người Nhái phản công và báo cáo về HQ 08. Hai Người Nhái được lệnh rút lui. (9)

Trong thời gian này, tại Nha Trang, một phiên họp quan trọng gồm có:

- Tướng William E. DePuy, thuộc phái bộ viện trợ quân sự Hoa Kỳ (MACV)
- Sư Đoàn 23 Bộ Binh
- Lực Lượng Đặc Biệt Việt-Nam
- Không Quân
- Hải-Quân Vùng II Duyên Hải, do HQ Đại Úy Phạm Gia Luật đại diện HQ Thiếu Tá Hồ Văn Kỳ Thoại.

Kết quả cuộc họp được phân định:

- Sư Đoàn 23 Bộ Binh chỉ thị Trung Đoàn 49 cho hai Tiểu Đoàn ngăn chận từ Đèo Cả dọc theo Quốc Lộ I xuống phía Nam
- Một Đại Đội Biệt Kích Dù sẽ được trực thăng vận đến
- Thiếu Tá Thoại chỉ thị Hộ Tống Hạm Chi Lăng II, HQ 08, nhập vùng hành quân

Thiếu Tá Thoại chuyển sang Hộ Tống Hạm Chi Lăng II, HQ 08. HQ 08 trở thành Soái Hạm.

Thiếu Tá Thoại ra lệnh HQ 405 đến Đại Lãnh rước Đai Đội Biệt Kích Dù. Thiếu Tá Thoại cũng điều động Hộ Tống Hạm Tụy Động, HQ 04, đến vùng hành quân.

Bộ Tư Lệnh Hải-Quân tăng phái Dương Vận Hạm Thị Nại, HQ 505. (10)

Khoảng 11 giờ cùng ngày, 15 Người Nhái và cố vấn Người Nhái, Đại Úy Franlin W. Anderson nhập trận.

Chiếc xuồng cao su Zodiac chở toán Người Nhái nương theo sau các chiến hạm rồi vượt nhanh lên, tiến thẳng vào bờ, dưới làn mưa đạn của địch và của hải pháo từ các chiến hạm bắn yểm trợ. Toán Người Nhái, với vũ khí cá nhân, nằm rạp trên chiếc Zodiac. Khi chiếc Zodiac vừa chạm bờ, ngay tức khắc, toán Người Nhái dàn đội hình, vừa bắn vừa tiến nhanh vào sườn núi, mở rộng vòng đai an toàn trên bãi đáp, lập đầu cầu cho chiến hạm đổ quân.

Hải Vận Hạm Tiền Giang, HQ 405, ủi vào bờ. Cửa đổ bộ (Ramp) hạ xuống. Đại Đội Biệt Kích Dù tràn lên bờ, tiến sâu vào sườn núi để chiếm mục tiêu.

Toán Người Nhái trở lại xuồng Zodiac, trực chỉ tàu 143 của Việt Cộng.

Tàu 143 của Việt Cộng chìm cách bờ khoảng 50 thước, nghiêng theo vách núi. Sau khi đổ bộ, toán Người Nhái lập vòng đai, lục soát khu vực và tìm thấy: Hai khẩu cao xạ phòng không; nhiều vũ khí cá nhân đủ loại; một số tài liệu và giấy bạc $500.00 tiền của V.N.C.H.; nhiều xác chết – có mấy xác bị xiềng chân vào 2 khẩu cao xạ.

Ba tổ Người Nhái mang bình hơi, lặn xuống thám sát tàu 143. Từ chiếc tàu cho đến những dụng cụ trên tàu đều được khắc hoặc in chữ Tàu. Ba tổ Người Nhái vớt lên được một số súng, đạn và thuốc men. (11)

Chiều 19 tháng 2 năm 1965, Đại Đội Biệt Kích Dù bị Việt Cộng tấn công. Việt Cộng quyết ngăn chận, không để quân V.N.C.H. đến gần tàu 143 và những hang đá cất giấu vũ khí đã được vận chuyển vào Vũng Rô trước biến cố tàu 143.

Từ ngày 20 đến 24 năm 1965, quân V.N.C.H. vẫn tiến hành những cuộc lục soát tìm vũ khí của Việt Cộng, dưới sự yểm trợ hải pháo của chiến hạm Hải-Quân.

Ngày 21 tháng 2 năm 1965, Đại Tướng Westmoreland yêu cầu Bộ Tư Lệnh Liên Quân Thái Bình Dương và Bộ Tư Lệnh Hạm Đội Thái Bình Dương gửi đại diện đến Saigon họp khẩn cấp vào ngày 3 tháng 3 năm 1965 để tìm giải pháp ngăn chận sự tiếp tế của Việt Cộng bằng đường biển (12)

Ngày 24 tháng 2 năm 1965, một trái đạn hải pháo của Hải-Quân bắn trúng một hầm đạn trên núi. Hầm đạn nổ tung, vang dội cả một vùng. (13)

Tối 24-2-1965, Việt Cộng dùng mìn phá nổ các hang đá có chứa vũ khí rồi tổ chức vượt thoát. (14)

Đại Tướng Nguyễn Khánh, Tổng-Tư-Lệnh Quân Đội, đến Vũng-Rô thị sát mặt trận và nghỉ đêm trên Hộ Tống Hạm Chi Lăng II, HQ 08. (15)

Kết quả cuộc hành quân Vũng Rô:

 

Tìm thấy hai hang động giấu vũ khí, thuốc men và thung lũng Đá Bí. Tổng cộng khoảng 100 tấn vũ khí như AK47, AK50, B40, B41, v.v… Tất cả vũ khí đều còn mới, được quấn vải, tẩm dầu và bó lại từng bó. (16)

Sau trận Vũng Rô, trong khi Đại Tướng Westmoreland triệu tập một buổi họp để tìm biện pháp hữu hiệu chống Việt Cộng xâm nhập bằng đường biển thì Đại Tướng Việt Cộng Võ Nguyên Giáp chỉ thị Hải-Quân Cộng Sản Việt-Nam ngưng ngay việc vận chuyển vũ khí vào miền Nam để tổ chức rút kinh nghiệm từ các cơ quan chỉ huy đến đơn vị tàu và “khẩn trương” nghiên cứu phương thức vận chuyển mới. (17)

Điệp Mỹ Linh

Chú thích.

1- 5- 7- 10- 12- 13- 15: Theo “Can Trường Trong Chiến Bại”, của Cựu Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại.
2- 9- 11- 16: “Hành Quân Phá Hủy Mật Khu Vũng Rô” của Người Nhái Lê Đình An
3- 17: “Vẫn Chạy Về Phương Nam” và “Tàu Không Số” của Ngô Minh
4- 6- 14: “Nhân Chứng Sống Sự Kiện Vũng Rô” của Hoài Trần – Phúc Thắng
8: Bài viết phía C.S.V.N. trên Vietbao.vn

Bài liên hệ:

- Trận Ba Rài: click vào đây
- Hải Quân VNCH Ra Khơi 1975: click vào đây
- Trận chiến vùng Cà Ná, Mũi Dinh ngày 18-4-1975: click vào đây
- Hải Quân phối hợp với quân bạn trong những chiến dịch bình định miền Tây: click vào đây.

* * *

Xem bài cùng tác giả, click vào đây
Xem trang Hải Quân VNCH, click tại đây
Trở về trang chính: www.nuiansongtra.com
 

 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh