Giải bày
Hán Việt Từ Điển của Đào Duy Anh giải nghĩa danh từ “Chính danh” như sau: “Một nguyên tắc về chính trị, gốc ở Khổng tử, ví như gọi là vua thì phải đúng đạo vua, gọi là quan, thì phải đúng đạo quan, trái lại như hàn-lâm mà không biết chữ, làm thừa phái mà không biết việc quan, là bất chính danh”. Ghi chú thêm của tác giả: “Quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử”
Mới đây, trên Việt Thức, ông luật sư tiến sĩ Lưu Nguyễn Đạt có bài viết “Chính danh”, bàn về ý nghĩa đích thực của ngày 30 tháng 4. Và trên SBTN, ông luật sư Đinh Thạch Bích cũng tỏ ý than phiền về việc các ông trí thức, nhà báo ở hải ngoại, cũng giống như người Việt ở trong nước, cứ gọi nước Tàu là “Trung Quốc”. Người trong nước vì bị chính quyền bắt buộc, hay theo thói quen, gọi như thế cũng không có gì đáng than phiền lắm. Còn như ở hải ngoại nầy, cứ rang rảng mà gọi Tàu là Trung Quốc thì điều ấy là không nên, là không “Chính danh”.
Đó là lý do khiến tôi phải viết bài nầy, mặc dù, đây là điều tôi suy nghĩ từ lâu nhưng chưa có dịp viết ra. Nay, nhờ động cơ của hai vị nói trên, tôi không thể chần chừ được nữa.
Trân trọng.
(Tác giả)
* * *
Bài 1: “Chung Cuốc” Tên gọi: Tàu hay Trung Quốc?
Người Tàu, tức người Hán, là một bộ tộc sinh sống ở thượng lưu sông Hoàng Hà, bắt đầu hình thành “nhà nước” kể từ nhà Hạ, tiếp nối là các nhà Thương, Chu và trở thành một đế quốc sau khi Tần Thủy Hoàng “tóm thâu lục quốc” (chữ thường dùng trong các sách cũ khi nói về nhà Tần). Đế quốc Tầu, khi thịnh khi suy, kéo dài cho tới ngày nay. Bản chất đế quốc Tàu là bành trướng, bản chất ấy không bao giờ thay đổi.
Đầu tiên, đế quốc Tàu, sau khi Tần Thủy Hoàng lên ngôi, cũng chỉ ở vùng phía bắc sông Trường Giang. Năm 221 trước Tây lịch, cướp nước Nam Việt của con cháu Triệu Đà, bành trướng về phương nam, đồng hóa các dân tộc ở đó, đông nhất là 99 giống dân Việt, ngoại trừ dân Lạc Việt đã di cư về phương nam, định cư ở lưu vực sông Nhị Hà. (1).
Trong ngôn ngữ, danh từ Hán được phổ biến từ thời nhà Hán, phiên âm là Cin, người Tây phương gọi là Chine, từ đó mà thành ra Chinoise, Chinese, China, và cả Chinato (2)
Theo cách gọi đó, người Việt Nam, đôi khi, trang trọng một chút, gọi người Tàu là người Hoa, tức là người của nước Trung Hoa, dịch từ tiếng Chine. Tòa đại sứ Tàu (Đài Loan) ở Saigon trước 1975 theo nghi lễ, gọi là tòa đại sứ Trung Hoa, dân chúng thì gọi là đại sứ Tàu, không ai gọi đại sứ Trung Quốc.
Theo luật sư Đinh Thạch Bích, thì tiếng Trung Quốc là “gọi tắt từ danh xưng Trung Hoa Dân Quốc”, là tên nước Tàu do ông Tưởng Giới Thạch đặt ra sau cách mạng Tân Hợi. Tàu Cộng, thường tự gọi nước họ là Trung Quốc, (Chung Cuốc). Đó là cách gọi rất xách mé, tự tôn. Trung là ở giữa, Quốc là nước, có nghĩa rằng nước Tàu ở giữa, to lớn hơn hết, văn minh hơn hết, giỏi giang, tài bộ hơn hết. Các nước chung quanh, một là lãnh thổ của Tàu, hai là nước phụ, là rào dậu, phiên ly của Tàu, kém văn minh, lạc hậu, có khi bị Tàu cho là ngu dốt, phải tùy thuộc, triều cống, tuân lệnh “thiên tử”. Thiên tử là “con Trời”, là ông vua Tàu tự gọi mình như thế.
Người Tàu
Trong suốt cuốn “Việt Nam Sử Lược” của cụ Trần Trọng Kim, khi nói về người Tàu hay nước Tàu, cụ thường dùng chữ “Tàu”, không gọi nó là Trung Hoa chứ đừng nói là Trung Quốc. Chữ Tàu hay tiếng Tàu là cách nói thông thường của người Việt Nam từ hồi nào tới giờ, cũng có khi theo triều đại bên Tàu mà gọi, như có khi gọi là “quân Nam Hán”, là nói về việc thái tử Hoàng Tháo bị quân Ngô Quyền giết trên sông Bạch Đằng, hoặc gọi là “quân Mông Cổ, quân Nguyên”, khi nói về công cuộc chống quân Mông sang xâm lăng nước ta, hoặc gọi là “quân Minh” khi nhà Minh xâm lược, hoặc “người nhà Minh” như bọn Trần Thắng Tài, Dương Ngạn Địch, Mặc Cửu trốn “nhà Thanh” sang xin lánh nạn ở nước ta. Những người nầy được cho vào Nam để mở mang đất Sai-Côn (Saigon) Đồng Nai bây giờ, hoặc cho xuống định cư ở Hà Tiên Rạch Giá như Mặc Cửu. Những người Tàu đến miền Trung và được ở lại, thời kỳ ấy cũng gọi là “người Minh Hương”. Họ lập làng gọi là “làng Minh Hương”, lo buôn bán làm ăn, học hành, làm quan lần hồi bị “Việt hóa” như dòng dõi các ông Trần Tiễn Thành, Lý Văn Phức, Ngụy Khắc Đản, Phạm Phú Thứ, Phan Thanh Giản (3). Chiến công của vua Quang Trung thì gọi là “đại phá quân Thanh”.
Tại sao gọi là người Tàu?
Quân Tàu, khi đến xâm lăng nước ta, phần nhiều bằng đường bộ, qua ngã biên giới giữa ta với Tàu, như Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh… Còn người Tàu đến nước ta để buôn bán hay định cư, thường đi bằng tàu, ghe nên người nước ta gọi họ là người Tàu (đến bằng tàu). Ban đầu, khi mới đến, họ ở các vùng gần bờ biển, cửa biển, sau mới di cư sâu vào phía trong. Chẳng hạn, theo tôi nghe vài người Tàu già ở xứ tôi kể lại, ban đầu, họ “đổ bộ” lên vùng phá Tam Giang, lần hồi di cư lên các quận lỵ, tỉnh lỵ, lên Huế. Người Tàu giỏi về buôn bán, mở sòng bài, sinh sống ở các nơi đô hội, dễ làm ăn hơn.
Người Việt gọi bọn cướp biển người Tàu là “Tàu ô”, “giặc Tàu ô”. Ô là con quạ đen. Gọi Tàu ô vì thuyền cướp biển của bọn Tàu thường giương cờ đen. Cũng gọi theo màu cờ nên bọn Tàu Lưu Vĩnh Phúc, ở bên Tàu qua giúp người Việt chống lại Tây đánh chiếm đất Bắc Hà, sử cũng gọi là “giặc Cờ Đen” hay “giặc Cờ Vàng”.
Tàu là tiếng rất thường gọi. Trong bài hát “Gia tài của Mẹ”, ông Trịnh Công Sơn viết môt cách tự nhiên, theo cách nói thông thường của dân chúng: “Một ngàn năm đô hộ giặc Tàu”. “Một ngàn nàm đô hộ”. Người Việt ai cũng nói như thế. Sau 1975, bài hát nầy bị dấu biệt, có lẽ Việt Cộng sợ bị Tàu Cộng “la rầy”.
Năm 1945, sau khi Nhật đầu hàng, “quân Tàu Tưởng” (quân của Tưởng Giới Thạch) sang “tước khí giới quân đội Nhựt”, thấy họ lôi thôi, rách rưới, đói ăn, ghẻ lở, nên trong dân chúng Việt Nam có câu hát đùa: “Đoàn quân Tàu ô qua, sao mà gớm thế, đem ghẻ hờm qua lây cho người Việt Nam.” Mà người Việt Nam ta bị lây thiệt. Hồi ấy có trận “ghẻ ruồi”, như tên gọi hồi trước, thì nhiều người không gọi là ghẻ ruồi, mà gọi là “ghẻ Tàu”. Ghẻ hờm cũng gọi là ghẻ Tàu.
Có khi người Việt gọi người Tàu là “Ngô”. Quân Tàu là “quân Ngô”. Trần Tế Xương có bài thơ:
Ba mươi tết, tết lại ba mươi,
Vợ thằng Ngô đốt vàng cho chú khách,
Một tay cầm cái dù rách
Một tay xách cái chăn bông
Em đứng bờ sông
Em trông sang nước người:
“Hỡi chú chiệc ơi là chú chiệc ơi”
Một tay em cầm quan tiền,
Một tay em xách thằng bù nhìn
Quan tiền nặng thì quan tiền chìm
Bù nhìn nhẹ thì bù nhìn nổi,
Ới ai ơi, của nặng hơn người …
Chỉ có mấy câu mà Trần Tế Xương gọi người Tàu theo nhiều tên khác nhau: Khi thì Thằng Ngô, khi thì Chú Khách, khi thì Chú Chiệc, - xứ tôi gọi là chú “Chệt”. Người miền Nam, thường gọi người Tàu là “chú Ba”, “chú Ba Tầu”, “Ba Tàu Chợ-Lớn”. “Chú Ba” khác với “chú Bảy”, là người Ấn Độ, cũng có khi gọi là “Ma-ní”, có phải để gọi người Ấn Độ từ Manille qua?
Ngô là tên nước “Đông Ngô” bên Tàu. Người Việt cũng dùng chữ Ngô để gọi người Tàu, như “Bình Ngô Đại cáo” của Nguyễn Trãi chẳng hạn. Theo tự điển của Khai Trí Tiến Đức thì “Chệt” là tiếng người Nam Kỳ dung để gọi người Tàu. Tôi không rõ gốc chữ “Chệt”, có khi là “Chiệc”. Ai biết, chỉ giùm.
Người Việt Nam là chủ (của đất nước nầy), người Tàu đến buôn bán nên gọi là “Khách” hay “Khách trú”.
Người Tàu đến nước ta buôn bán, thường thì đã có vợ bên Tàu, khi giàu có lên thì cưới thêm một người đàn bà Việt Nam làm vợ. Những cuộc hôn nhân nầy, theo Trần Tế Xương, mà cũng là nhận xét chung của số đông người Việt là: “Của nặng hơn người”
Kỵ húy
Ông Hồ Chí Minh, và dĩ nhiên, cả đảng Cộng Sản Việt Nam nữa, rất kỵ húy đối với Tàu. Có nghĩa rằng họ không dám gọi người Tàu là Tàu, mà theo luật sư Đinh Thạch Bích giải thích, năm 1945, sau khi cầm quyền, Hồ Chí Minh cấm không cho gọi “Người Tàu” mà phải gọi là Trung Quốc (nước), người Trung Quốc. Bọn Tàu, bọn Ngô xâm lăng nước ta thì gọi là “Phong kiến phương Bắc” mà không gọi là “quân Tàu xâm lược” như sử sách đã viết trước kia. Ông Hồ Chí Minh có rất nhiều cái sợ: Sợ mất lòng Tăng Tuyết Minh, là người vợ Tàu của ông, do Đặng Dĩnh Siêu, vợ Chu Ân Lai đứng ra cưới cho. Dĩ nhiên cũng sợ Chu Ân Lai, sợ hơn hết là sợ Mao Xếnh Xáng, sợ đảng Cộng Sản Tàu, sợ người Tàu, nói chung, sợ đủ thứ bên Tàu, và dĩ nhiên cũng sợ luôn cả “ghẻ Tàu”.
Tuy nhiên, người Tàu nói chung, cũng khá chung thủy và biết ơn. Họ “đến đây, rồi lại ở đây”, “xin nhận nơi nầy làm quê hương”, và phục vụ cho đất nước nầy. Thời còn chúa Nguyễn, trong Nam có ông Nguyễn Huỳnh Đức, có lăng ở Long An. (tên Đức, họ Huỳnh, vì có công nên được đổi sang Quốc tính: họ Nguyễn, giữ lại họ cũ thành ra là Nguyễn Huỳnh). Các ông Minh Hương như tôi nói ở trên, làm quan ở triều đình nhà Nguyễn, phục vụ nhà nước Việt Nam, như một người Việt Nam chính cống, “tận trung báo quốc”, như ông Phan Thanh Giản (chánh sứ), Phạm Phú Thứ và Ngụy Khắc Đản (cả hai đều là phó sứ), trong sứ bộ Phan Thanh Giản qua Pháp để xin chuộc lại ba tỉnh miền đông Nam Phần. Ông Mạc Cửu, sau khi ổn định vùng Hà Tiên, không đem đất ấy mà dâng cho vua Tàu, mà lại dâng cho chúa Nguyễn nên được phong là “khai quốc công thần”.
Người Tàu, khi đã định cư lâu đời ở xứ ta, gốc tích, quê uqán cũng mờ nhạt, có muốn về thăm quê cũ, chỉ về thăm thôi cũng đã khó, huống chi muốn được như cô Kiều “Dàn dà rồi sẽ liệu về cố hương” là chuyện không tưởng. Trong “Hơn nửa Đời Hư”, ông Vương Hồng Sển, nói về tình cảnh ấy như sau:
“Bây giờ thử hỏi: Một người như tôi, máu Hoa pha máu Việt đã bốn đời, không nói được tiếng Phước Kiến, giá thử có dịp qua bên ấy, vậy chớ có nhìn đồng tông đồng tánh với người bên ấy được chăng? Giấy tờ chứng minh không có, nói miệng tài ai tin vả lại nhìn bà con ở xa mút bên Tàu để làm gì? Khi đã xa cách nhau suốt nhiều đời, dẫu tình đậm cũng hoá lợt; thêm vấn đề ngôn ngữ bất đồng, phong tục cách ăn thói ở không giống, “y ăn xì-dầu, tôi húp nước mắm”, lại nữa tỉnh Phước Kiến là đất tiêm nhiễm lâu năm chủ nghĩa khác với tôi. Vương nầy Vương kia, tôi tưởng gặp nhau e không dám ngó ngay mặt chớ đừng nói chi chuyện bất tay nhau nhìn một họ một dòng. Gặp nhau, câu thi Học Lạc ngâm suông: “Hoá An-nam, lữ khách trú”... rồi huề. Không nói thêm được nửa lời.
Họ tự mình“Việt Nam hóa”. Đó cũng là ý trong câu thơ: “Hóa An Nam, lữ khách trú” của Học Lạc. (4)
Chú thích:
(1) Năm 1904, khi cụ Phan Bội Châu quan Nhật Bổn để cầu viện, sau khi nói chuyện với cụ Phan xong rồi, thủ tướng Nhật là Khuyển Dưỡng Nghị, gặp Tôn Văn, hỏi ý có nên giúp đỡ Việt Nam hay không. Tôn Văn nói dân tộc Việt nhỏ bé, kém cỏi, không có tinh thần chi, không nên giúp đỡ. Nghe thế, ông Khuyển bèn nói: “Nhưng người Việt Nam thuộc giống Lạc Việt còn giữa được dòng giống của họ, trong khi 99 giống Việt kia đã bị người Hán đồng hóa”. Trong 99 tộc Việt kia, có tổ tiên của ông Tôn Văn. Nghe ông Khuyển nói vậy, ông Tôn Văn chỉ còn có “ngậm bồ hòn”.
(2) Chinato có nghĩa là “Chú Tàu nhỏ”. Danh từ nầy xuất hiện vào thời kỳ “Westward” của dân Mỹ. Hồi ấy cũng đã có một số ít người Tàu di cư sang Mỹ, làm công nhân trong việc xây dựng đường xe lửa đi về phía Tây cùng với người Xì (Tây Ban Nha).
(3) Phan Thanh Giản được cử làm Chánh sứ (Phó sứ là Phạm Phú Thứ và Ngụy Khắc Đản) sang nước Pháp để điều đình một lần nữa về việc chuộc lại ba tỉnh miền Đông (1863), nhưng cũng không đạt được kết quả. (theo Wikipedia)
(4) Nguyễn Văn Lạc, thường gọi là Học Lạc.
Cùng nhau bị bắt
Nhân khi coi đánh bông vụ, bị bắt cùng người Tàu chủ sòng.
Hóa An Nam lứ khách trú
Trăng trói lằng nhằng chung một lũ
Ngoài mặt ngỡ ngàng lạ Bắc Nam
Trong tay cắc cớ xui đoàn tụ
Bợm làng chẳng vị sĩ năm kinh
Ông bổn không thương người bảy phủ
Phạt vạ xong rồi trở lộn về
Hóa thì hốt thuốc lứ bông vụ.
(trích lại trong “Văn Đàn Bảo Giám”)
2: “Chính phủ Việt Nam”?
Mới đây, tranh chấp Hoàng Sa với Tàu Cộng, ông thủ tướng Việt Cộng Nguyễn Tấn Dũng phải nại tới chính phủ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), vì chính Hải Quân VNCH đã đánh nhau với Tàu Cộng để giữ quần đảo đó.
Hành động tấn công của Tàu Cộng chứng tỏ mấy chú Ba Đỏ là kẻ xâm lăng.
Nói tới việc tranh giành quần đảo nầy, không thể không nói tới hành động quân sự nói trên của mấy chú Ba ở Bắc Kinh. Việc đó là “Xâm Lăng”. Thành thử, nại tới hoạt động quân sự của Hải Quân VNCH trong cuộc chiến đó là điều bắt buộc, ông Dũng không thể bỏ qua được, như trước kia, ông đã từng làm, mỗi khi nói tới những hành động có chính nghĩa của chính quyền Việt Nam CH trước 1975.
Vậy mà, khi nghe ông Dũng nại tới Hải Quân VNCH, chính quyền VNCH, ở hải ngoại, cũng có người “hí hửng”. Có gì đâu! Việc gì tới thì nó sẽ tới, phải tới. “Cư dị dĩ sĩ mệnh” Khổng Tử đã nói vậy mà. Chống xâm lăng, bảo vệ tổ quốc, đất nước là “cái mệnh” chính quyền VNCH đã tạo ra cho mình. Làm nên cái “nhân” ấy, tất phải có cái “quả” ấy. Có gì mà phải “hí hửng”.
Cũng lại mới đây, một “anh sinh viên chế độ cũ”, dĩ nhiên là trước 1975, và cũng hồi đó, anh ta hoạt động cho Việt Cộng, trốn vô bưng. Sau 1975, cũng chẳng được danh phận gì cao sang lắm, phát biểu trong một cuộc phỏng vấn của đài BBC hay RFI gì đó, anh ta gọi chính phủ Việt Nam CH trước đây là “chính phủ Saigon”, có khi gọi là “chính phủ Thiệu”. Gọi như thế, có “nghe được” hay không?
Được đấy, nếu anh ta cho rằng chính quyền ấy, chính phủ ấy, không phải do dân bầu một cách tự do, dân chủ, nên không thể “đại diện cho dân chúng, đất nước ấy. Có nghĩa rằng đó là một chính phủ nắm chính quyền một cách “bất hợp pháp”.
Cũng có thể nói gọi như thế là không được.
Tại sao? Đối với Quốc Tế, VNCH được nhiều nước công nhận là đại diện cho dân chúng miền Nam VN. Trong ý nghĩa đó, VNCH được tham dự nhiều hội nghị quốc tế, khu vực, nhiều khối liên minh, tổ chức thế giới hay Đông Nam Á, Châu Á về chính trị, quân sự, kinh tế, nông nghiệp, giáo dục, thể thao, v.v… Vì tình trạng đất nước bị chia cắt, vì chiến tranh lạnh giữa hai khối Tự Do và Cộng Sản nên Liên Xô và Tàu Cộng phủ quyết, không cho VNCH được làm hội viên Liên Hiệp Quốc.
Nói chung, đối với Công Pháp Quốc Tế, chính phủ VNCH được công nhận là đại diện cho dân tộc miền Nam Việt Nam, v.v…
Trong nước, chính quyền miền Nam VN - với những điều căn bản về dân chủ, tự do như tất cả các nước có dân chủ, tự do trên thế giới - có đủ ba ngành độc lập: Lập pháp, Hành pháp, Tư pháp, v.v…Chính quyền nầy được dân chúng bầu nên: Lập pháp, Hành pháp. Ngành Tư pháp được tổ chức, chọn lựa theo đúng hiến pháp. Thành phần chính phủ, dĩ nhiên, cũng giống như các chính phủ dân chủ, tự do trên thế giới, là do người đứng đầu chính phủ chọn lựa, cũng có nhiều màu sắc khác nhau: đảng phái (có đối lập hay không); địa phương: Trung - Nam - Bắc; tôn giáo: có thầy chùa, có cha, có chú… Về Lập Pháp: Có thân chính, có gia nô, có trung lập, đối lập, “thiên hữu”, “thiên tả” và có cả “thân Cộng”, “Việt Cộng” chui vô nằm vùng, có cả dân biểu, nghị sĩ “thời cơ”. Sau 1975, lòi ra cả một đống “thời cơ”, “thân Cộng”, Việt Cộng… thì khó có thể gọi chính phủ của Tổng Thống Thiệu là “độc tài”, “đảng trị”. Trong ý nghĩa nào đó, những người lãnh đạo miền Nam hồi đó, đã “chơi một trò chơi dân chủ” có đủ bài bản.
Đa số dân chúng tham gia bầu cử. Có người đi bầu mà chẳng có quan điểm đảng phái, chính trị gì hết. Có người thì, nhất là ở thôn quê, nghe Việt Cộng, sợ Việt Cộng nên chúng nó biểu sao thì bầu vậy. Ngoài ra thì ai theo đạo Phật, (thuần thành hay truyền thống) thì bỏ cho “Liên danh Hoa Sen”; ai theo đạo Thiên Chúa thì bỏ cho “Liên danh Bông Huệ”; ai theo đảng nào thì bỏ phiếu cho đảng đó; cũng có người ứng cử độc lập, cũng được đắc cử. So với các nước dân chủ, tự do trên thế giới, thành phần Quốc Hội của họ thường chỉ có đảng phái (chính trị). Quốc Hội VNCH đa dạng hơn, ngoài đảng phái, còn có thêm áo đen, áo nâu, áo vàng, áo trắng của các tôn giáo…
Dĩ nhiên có gian lận, đe dọa hay mua chuộc phiếu bầu, nhưng không đến mức độ dân chúng phản đối, biểu tình, ta thán, hay “bạo động”. Báo chí Quốc Tế đến tận nơi quan sát bầu cử, cũng không tìm ra vi phạm nào nghiêm trọng.
Dân chúng cũng có thể biểu tình, hoan hô, đáo đảo, bị đàn áp hoặc không bị đàn áp, có các phong trào đối lập, chống chính phủ: “Phong trào Phụ Nữ đòi quyền sống”, “Ký giả đi ăn mày”, “Đòi tổng thống Thiệu từ chức” của Linh Mục Trần Hữu Thanh, có “Ni sư Huỳnh Liên ra giữa đường nằm vạ” mà chính quyền không dám đụng tới, v.v…
Nếu so với chính quyền tại nước ta bây giờ, bầu bán như thế nào, tác giả cũng không cần phải nói chi dông dài, vì ai ai cũng “biết rồi! Khổ lắm, nói mãi!” như câu nói của ông già trong “Số Đỏ” của Vũ Trọng Phụng vậy. Nhưng chính quyền tại Việt Nam hiện giờ có được quốc tế công nhận không, so với Công pháp Quốc tế có hợp lệ, hợp pháp không?
Tôi nói KHÔNG!
Tại sao? Trước hết, phải nói tới “tính cách đại diện”
Chính quyền tại Việt Nam hiện nay nắm lấy quyền hành một cách phi pháp. Trước hết, chính quyền đó, về căn bản là do cuộc xâm lăng miền Nam VN của Cộng Sản Bắc Việt mà có. Nói chung, một chính quyền hình thành bằng bạo lực (vũ lực, vũ khí, quân đội, cảnh sát…) là một chính quyền không có căn bản pháp lý. Người xưa thì cho rằng “Được làm vua, thua làm giặc”.
Chính phủ Việt Minh thành lập năm 1945 là một chính phủ không chính thống. Chính quyền đó, dù được vua Bảo Đại “hợp thức hóa”, bằng cách nhà vua thoái vị, trao lại quyền hành (tượng trưng bằng thanh kiếm và cái ấn vàng), dù vậy, thực dân Pháp vẫn cho nó là một chính phủ bất hợp pháp, do bạo lực mà thành. Ông Hồ Chí Minh phải dùng nhiều thủ đoạn, như việc ông “tuyên bố” ngày 19 tháng 5 là ngày sinh nhật ông, để khi đó, năm 1946, nhằm lúc Sainteny đến Hà Nội, phải đến chúc mừng sinh nhật ông Hồ, theo phong tục của người Tây. Ông Hồ, “duồng gió bẻ măng”, tuyên bố việc Sainteny đến thăm như là một hành động Sainteny “công nhận” chính phủ của ông ta. Về Công pháp Quốc tế, vấn đề không đơn giản chút nào!
Vì vậy, để hợp háp hóa chính phủ của mình, người lãnh đạo phải tiến hành bầu cử quốc hội, chính phủ, v.v…
Đó cũng là ý nghĩa việc ông Ngô Đình Diệm tổ chức “trưng cầu dân ý”, cũng như ý nghĩa việc bầu cử tổng thống, quốc hội năm 1967 là để “hợp pháp hóa” việc mấy ông tướng ra nắm quyền lãnh đạo đất nước, trước những cuộc đấu tranh của dân chúng và Phật giáo đồ năm 1966, v.v…
Về căn bản, một chính phủ được coi là hợp pháp, là đại diện cho dân chúng và đất nước của một xứ sở nào đó, thì chính phủ đó phải do dân chúng bầu ra và việc bầu cử đó, phải được tự do, dân chủ, đúng thủ tục bầu cử và không gian lận.
Chính phủ Cộng Sản Việt Nam bây giờ do bầu cử mà ra. Điều đó, chỉ mới là điều 1. Còn lại: thứ 2 thủ tục bầu cử có đúng không; thứ 3: bầu cử có Tự do, Dân chủ hay không, có gian lận hay không. Không có Tự do, Dân chủ, và gian lận “đại trà” thì cuộc bầu cử đó không có giá trị gì cả. Đã bầu cử không có giá trị thì chính quyền ấy có giá trị thế nào được, đại diện cho dân chúng, đất nước ấy thế nào được?!
Tôi nói không được là theo ý nghĩa vừa nói.
Theo luật giang hồ, “ăn miếng trả miếng” thỉ nếu họ gọi chính phủ VNCH là “Chính quyền Saigon” thì tiếc chi, sợ chi mà không gọi họ là “Chính quyền Hà Nội”. Nếu “chính phủ Saigon” là không đại diện cho dân chúng miền Nam VN thì không lý “chính quyền Cộng Sản Hà Nội” lại là chính quyền đại diện cho toàn dân Việt Nam?
Tuy nhiên, vì sự sinh hoạt quốc tế, dù “mặt mũi” như thế nào, các quốc gia trên trường quốc tế cũng phải giao thiệp, quan hệ về chính trị, văn hóa, giáo dục, thương mãi, “gây phe cánh”, “gây áp lực”, v.v… với cái chính quyền bất hợp pháp, bất hợp lệ ấy. Nó vẫn được “công nhận” trong tình hình thực tế bắt buộc, cũng như trường hợp của Bắc Hàn, Cuba, Cộng Sản Việt Nam hiện nay, hoặc Gadhafi trước kia vậy.
Trong cuộc chạy Marathon ở Boston vừa qua, cờ đỏ sao vàng được treo lên, tại “điểm khởi hành” và “điểm đến” của cuộc chạy đua, cũng như tại chỗ tưởng niệm người chết bị đánh bom vì có “lực sĩ từ Việt Nam qua” tham dự cuộc thi nầy. Đó là “thủ tục”, ban tổ chức không thể làm khác được, nên ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Cộng đồng Việt Nam tại Massachusetts, “hốt hoảng” kêu gọi đồng bào mau mau đem “cờ Quốc gia” (mà một số đông người thường gọi là “cờ vàng ba sọc đỏ” mà không gọi là “cờ Quốc gia”) ra cắm tại chỗ tưởng niệm tạm thời. Cờ Quốc Gia được đồng bào Boston đem ra cắm nhiều quá, làm che mất lá cờ đỏ sao vàng vủa Việt Cộng.
Ở Mỹ, tại một số trường học, thường có phòng trưng bày tên nước và cờ tất cả các quốc gia trên thế giới. Dĩ nhiên, với nước Việt Nam, nhà trường phải treo cờ đỏ sao vàng. Việc nầy khiến cộng đồng người Việt ở địa phương đó phản đối dữ dội. Người Việt tỵ nạn có lý do chính đáng của họ nên nhà trường phải hạ lá cờ đỏ sao vàng xuống. Họ thay vào đó “cờ Quốc gia”. Nhưng vì cờ Quốc gia là cờ nước VNCH, nước đó đã bị Cộng Sản Bắc Việt xâm lược bức tử rồi, nên cũng có khi nhà trường bỏ trống, không treo cờ đỏ, cũng không treo cờ vàng tại chỗ.
Xin kể một kỷ niệm. Sau khi chiếm miền Nam, để hợp pháp hóa chính quyền thống nhất hai miền Nam - Bắc Việt Nam, Việt Cộng cho tổ chức bầu cử cái gọi là quốc hội, và xin gia nhập vào Liên Hợp Quốc. Mỹ không phủ quyết, khiến nhiều ông bạn tù của tôi, bực tức, “chưởi thằng Mỹ” không phải là không thậm tệ. Tôi giải thích: Khi tôi còn dạy học, như mọi giáo sư khác, tôi phụ trách làm giáo sư hướng dẫn cho một lớp, coi như “lớp của tui”. Các thầy giáo phụ trách một lớp như tôi, cho bầu trưởng lớp, cho ra vẻ dân chủ. Tôi thì không.
Tôi hỏi ông giáo sư niên khóa trước phụ trách lớp ấy, “thằng nào quậy nhứt”. Vậy rồi tôi chỉ định ngay “quái kiệt” ấy làm trưởng lớp. Có chức phận, có trách nhiệm, tự ái được xoa dịu, “ông quái kiệt”của tôi trở thành một trưởng lớp giỏi, mà lớp cũng được yên. “Lãnh tụ quậy phá” nay không còn môi trường để quậy phá nữa. Vậy thì, trường hợp Mỹ cho Việt Cộng vô Liên Hợp Quốc có khác không? Để nó ở ngoài, nó sẽ quậy, la lối, chê bai, phản đối lung tung… rất phiền hà, có khi bất lợi. Cho Việt Cộng vô Liên Hiệp Quốc, là tròng lên đầu nó một cái vòng kim cô, dễ niệm thần chú.
Về mặt tình cảm, đối với đồng bào ở trong nước đang bị chính phủ Việt Cộng đè đầu bóp cổ, tước đoạt mọi quyền căn bản về tự do, nhân phẩm, quyền làm người, người dân bị bóc lột tới cái khố rách, thế thì chúng ta gọi chính phủ Việt Cộng là Chính phủ Việt Nam thế nào được. Nói cho đúng thì nên gọi đó là chính quyền Hà Nội, nghĩa là một chính quyền đang đóng ở Hà Nội, nhẹ hơn thì gọi đó là chính phủ Cộng Sản Việt Nam, (không phải chính quyền Việt Nam, phải thêm vào hai chữ Cộng Sản), nói gọn hơn là chính quyền Việt Cộng.
Người ta không gọi “chính quyền Mỹ” là “chính quyền Hoa Thịnh Đốn” vì chính quyền nầy do toàn thể dân chúng Mỹ bầu ra bằng bầu cử dân chủ, tự do, hợp pháp, hợp hiến. Đó là chính quyền của Nước Mỹ nên phải gọi là chính phủ Mỹ, chính quyền Mỹ hay Hoa Kỳ. Người ta cũng gọi chính phủ các nước dân chủ tự do trên thế giới như chính phủ Pháp, chính phủ Anh, chính phủ Úc như thế cả. Người ta không mấy khi gọi đó “chính phủ Paris”, “chính quyền London”, “chính phủ Canberra” vì nó cũng có tính cách pháp lý và thực tế như chính phủ Hoa Kỳ vậy.
Chỉ có nước nào trên thế giới, vì quyền lợi của họ, nên họ phải gọi chính quyền Hà Nội là “chính phủ Việt Nam”. Người Việt hải ngoại, vì quyền lợi gì mà phải gọi cái chính quyền ấy là “chính quyền Việt Nam”, “chính phủ Việt Nam”. Chúng ta không thể “theo đuôi” các nước khác vì quyền lợi mà gọi “chính phủ Việt Nam”. Vì quyền lợi của đồng bào trong nước, vì tình cảm đối với đồng bào trong nước, cũng vì tình cảm với đồng bào Việt Nam hải ngoại, chúng ta cứ gọi quách cái chính phủ - mà các đài truyền thanh, truyền hình Việt Nam hải ngoại, cứ ra rả gọi “chính phủ việt Nam” thì ta gọi là “chính quyền Hà Nội”, “chính phủ Việt Cộng” cho đồng bào khỏi phải buồn lòng.
Giả tỉ như chúng ta đang ngồi tù Việt Cọng, vì tội chống lại Việt Cộng tước đoạt Dân chủ, Tự do và Nhân phẩm, mà nghe người khác gọi chúng nó là “Chính phủ Việt Nam”, là chính phủ đại diện cho Dân Tộc Việt Nam, vậy cũng có nghĩa rằng chúng ta đang chống lại dân tộc mình, thì chúng ta có đau khổ hay không?!
Cũng trong cách suy nghĩ nầy, những “người tù lương tâm” đang ở trong trại tù Việt Cộng, họ sẽ nghĩ gì khi chúng ta gọi “chính quyền Hà Nội” là “chính phủ Việt Nam”. Gọi như thế, có nghĩa rằng họ chống lại “chính quyền Cộng Sản Việt Nam” là chống lại “chính phủ Việt Nam”, một chính phủ đại diện cho dân tộc Việt Nam?
Như thế, cũng có nghĩa là họ chống lại dân tộc Việt Nam? Cộng Sản Việt Nam chà đạp lên lương tâm họ một lần, chúng ta cũng chà đạp lên lương tâm họ một lần nữa hay sao?
Mỗi khi nghe đài VNCR, Saigon Little Radio, SBTN, VHN, Hồn Việt… gọi chính phủ Việt Cộng là “Chính phủ Việt Nam”, tôi thường nghĩ tới đồng bào đang bị đọa đày ở trong nước, những người đi biểu tình chống Tàu Cộng xâm lăng bị Công An Cộng Sản đánh lỗ đầu chảy máu, bị đạp vào mặt, bị ngồi tù như Linh mục Nguyễn Văn Lý, bị giam lỏng như Hòa Thượng Thích Quảng Độ, đang ở tù như ông Lê Công Định, các cô Lê Thị Công Nhân, Tạ Phong Tần, ông Điếu Cầy, nhạc sĩ Việt Khang, v.v… Không lý các vị nầy chống lại một chính phủ đang là “đại diện cho dân tộc Việt Nam”.
Không! Họ không chống lại “chính phủ Việt Nam”. Họ chống lại một chính phủ mạo nhận là đại diện cho dân tộc Việt Nam. Họ chỉ chống lại “Chính phủ Cộng Sản Việt Nam”, “chính quyền Hà Nội”. Họ không chống lại chính phủ Việt Nam bao giờ!
Nên gọi sao cho Chính Danh? Chính Danh thì nên gọi đó là “Chính phủ Hà Nội”, “Chính quyền CS Việt Nam”, để cho mọi người được vui, rằng họ đã không chống lại chính phủ đại diện cho dân tộc mình. Đem lại cho đồng bào đang bị đánh đập, bóc lột, đàn áp, chà đạp, tù tội một niềm vui là không được hay sao?!
3: “Cờ Vàng ba sọc đỏ” hay “Cờ Quốc gia”, “Cờ Việt Nam Cộng Hòa”?
Trong bài tổng hợp về lịch sử Bà Triệu, ông Vương Trùng Dương viết như sau: “Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca” có những dòng thơ đề cập đến hình ảnh của bà:
“Đầu voi phất ngọn cờ vàng
Sơn thôn mấy cõi, chiến trường xông pha
Chông gai một cuộc quan hà
Dù khi chiến tử còn là hiển linh.
Nay ở Phú Điền còn có đền thờ bà”.
Vậy cờ của Bà Triệu là cờ vàng.
Không rõ trong lịch sử nước ta, có phải cờ vàng là lá cờ xuất hiện đầu tiên. Trước Bà Triệu, trong cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, không rõ cờ gì đã được dùng. Sách “Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca” chi nói chung chung.
“Chị em nặng một lời nguyền,
Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân”.
“Cờ nương tử” là cờ của hai Bà (nương), tượng trưng cho hai Bà hay binh tướng của hai Bà, không rõ màu gì.
Cờ đó không chính thức là “cờ quốc gia” theo cách hiểu thông thường ngay nay. Tình trạng đó, ngày xưa, thường lắm. Khi Lý Phật Tử đánh Triệu Quang Phục, cũng sách nói trên cũng viết như sau:
“Rừng xanh gió phất cờ hồng,
Đề binh kéo xuống bên sông tung hoành”.
Cờ hồng, có thể hiểu là cờ đỏ, là cờ của Lý Phật Tử
Cũng sách nói trên, nói về cờ của Mai Hắc Đế (Mai Thúc Loan) như sau:
“Hiệu cờ Hắc đế mở ra,
Cũng toan quét sạch sơn hà một phương”.
Hắc Đế là Mai Hắc Đế, tức là Mai Thúc Loan. Tên là Loan nhưng mặt đen lắm, nên dân chúng gọi một cách gần gũi là Hắc Đế, ông vua đen. Tôi không nghĩ vì mặt ông đen nên cờ của ông cũng màu đen. Có thể “cờ Hắc Đế” là cờ của ông vua đen, nó màu vàng hay màu đỏ.
“Khác thường từ thuở còn thơ,
Rủ đoàn mục thụ mở cờ bông lau”.
Dĩ nhiên, người Việt thuộc lịch sử, (không rõ trong nước bây giờ như thế nào), chứ thời VNCH, từ lớp Nhì, học trò đã học bài “Cờ lau tập trận” tức là bài lịch sử nói về ông Đinh Bộ Lĩnh. Khi còn trẻ, ông đi chăn trâu, chia phe bọn trẻ để đánh nhau chơi. Bài “Bóng cờ Lau” của Hoàng Quí có câu “dấy binh làm cờ” là nói tới sự kiện lịch sừ nầy.
Khi vua Tống chuẩn bị xâm lăng nước ta, Lý Thường Kiệt đem quân đánh Quảng Đông, Quảng Tây trước. Ấy là “Tiên hạ thủ vi cường”. Công việc ấy của Danh tướng Lý Thường Kiệt, sử gọi là “dựng cờ Bắc chinh”.
Không rõ cờ nầy màu gì.
“Tống binh xâm nhiễu biên thùy,
Tướng quân Thường Kiệt dựng cờ Bắc chinh”.
Trong hội nghị Bình Than, bàn việc chống quân Nguyên xâm lăng nước ta lần thứ 2, Trần Quốc Toản, lúc ấy mới 16 tuổi, tuy được theo xa giá, nhưng không được vua Trần cho dự hội nghị vì tuổi còn trẻ. Tức giận, Trần Quốc Toản đang cầm trái cam trong tay, bóp nát mà không hay. Sau đó, ông thành lập một toán quân gồm gia nhân và bạn bè, giương lá cờ thêu 4 chữ vàng “Phá cường địch, báo hoàng ân” (Phá giặc mạnh, báo ơn vua), và tham gia chiến đấu rất hăng hái, khiến giặc phải sợ. Chữ màu vàng, vậy thì nền cờ bằng gì? Có thể nền màu đỏ như chúng ta thường thấy trong các lá cờ ngày xưa. Cũng vì chiến đấu hăng hái, quyết liệt, nên ông bị giặc giết. Vua rất thương tiếc. Hiệu của ông là Hoài Văn, tước là hầu, sau khi chết được phong tước Vương. Cờ của ông không rõ màu gì, sử chỉ nói ghi 6 chữ vàng. Đó là cờ đạo quân của ông.
“Hoài Văn tuổi trẻ trí cao,
Cờ đề sáu chữ quyết vào lập công”.
Nguyễn Hoàng khi vào trấn thủ đất Thuận Hóa cũng có mang theo cờ. Sử viết là “Gióng cờ ra trấn cõi ngoài”, cũng không rõ cờ màu gì!
“Bản triều Thái tổ hùng tài,
Gióng cờ ra trấn cõi ngoài từ đây”.
Khi “Xứ Đằng Trong” loạn lạc, Tây Sơn nổi lên, họ Trịnh ở phương Bắc thừa cơ đem quân vào Nam. Đó là “Lá cờ theo ngọn gió bay”:
“Lá cờ theo ngọn gió bay,
Thừa hư trực để vào ngay nhà Hồ.
Phúc Loan đem lại hiến phù,
Trịnh binh nhân thế tràng khu dưới thành”.
Khi Tây Sơn nổi lên, cũng giương cờ gióng trống:
“Tây sơn biết tỏ một hai,
Chia quân thủy bộ quyết bài kéo ra.
Ngọn cờ trổ lối sơn pha,
Hải vân đồn trấn, đâu là chẳng tan?”.
Cờ của Nguyễn Huệ màu đỏ.
Nguồn gốc ba anh em nầy là nông dân. Vì vậy, trong bài “Ai Tư Vãn” của Ngọc Hân công chúa, khóc vua Quang Trung, có câu:
“Mà nay áo vải cờ đào
Giúp dân dựng nước, biết bao công trình”.
Việt Cộng thường hay “thấy sang bắt quàng làm họ”, lấy màu cờ đào - đào cũng có nghĩa là đỏ - của Nguyễn Huệ mà sánh với cờ đỏ của Cộng Sản, nhập nhằng “hai là một”. Cũng xin nhắc lại, cờ nầy là cờ của Nguyễn Huệ, không phải lá cờ của nước ta hồi đó. Rồi lại “nhập nhằng” giữa “áo vải”, gốc nông dân với cái gốc “bần cố nông”, “Tam đại bần nông, tứ đại khố rách” của Chí Phèo, tức “bản gốc” của Việt Cộng.
Cái sai thứ nhất không phải ai có cờ đỏ đều là ưa, là có khuynh hướng Cộng Sản. Thứ hai, anh em nhà Tây Sơn, tuy là gốc nông dân, nhưng không phải hạng nông dân như Việt Cộng. Cứ về Phú Lạc mà coi nhà cửa, vườn tược còn lại của anh em nhà Tây Sơn thì thấy rõ họ có nghèo hồi nào đâu! Không phú nông cũng là trung nông. Cả ba anh em đều được học hành. Nhà khá giả nên ông thân sinh mời thầy về nhà dạy học cho các con. Nguyễn Nhạc, anh cả, sau ra làm việc quan, chức “biện lại”, nên dân chúng thường gọi ông là “Biện Nhạc”. Ông nầy có máu đỏ đen, tiêu hết tiền thuế nên sợ tội mà nổi loạn. (Sự kiện nầy chưa rõ, có thể xem lại). Vậy thì Việt Cộng không nên “nhìn lạm” áo vải cờ đào của Nguyễn Huệ là thuộc phe Chí Phèo, vô sản như họ. Hơn thế nữa, Nguyễn Huệ Quang Trung là người chống Tàu, còn Việt Cộng là tay sai của Tàu, họ có chống Tàu hồi nào đâu?
Ngày xưa, các nước châu Á phần đông không có “cờ quốc gia”, nghĩa là có là cờ tượng trưng cho đất nước họ. Sử chép, khi sứ bộ Phan Thanh Giản sang Pháp xin chuộc ba tỉnh miền Đông Nam Phần (Biên Hòa, Gia Định, Định Tường), phải vào triều yết vua Napoléon Đệ Tam. Theo nghi lễ Tây phương, khi phái đoàn một nước đến triều yết nhà vua, phải có lá cờ của nước đó. Nước ta hồi đó làm gì có cờ. Cụ Phan bèn có “sáng kiến” lấy cái tay nãi, là tấm vải người xưa thường dùng bọc áo quần mang ở nách. Tay nãi màu vàng - cũng có nghĩa là màu của người Việt, ông viết lên đó ba chữ “Đại Nam Quốc”, có thể chữ màu đen vì viết bằng mực Tàu?! Tên nước ta hồi đó là Đại Nam. Đó là lá cờ đầu tiên của nước ta “trên trường quốc tế”
Sau đó nước ta có cờ gì? Cột cờ Ngọ Môn ở kinh thành Huế được xây từ đời Gia Long. Hồi đó treo cờ gì? Có thể là cờ của nhà Nguyễn, chưa có cái quan điểm “cờ Quốc gia” (cờ của một đất nước) như người Tây phương. Có người còn cho rằng, mãi tới khi vua Bảo Đại thoái vị, nước ta vẫn chưa có lá cờ “chính thức” của đất nước. Hồi đó, nhìn chung, nước ta chỉ có cờ của nhà Nguyễn. Mỗi vua có cờ riêng của vua. Cờ nhà Nguyễn hay cờ của vua, thường dựa trên “tử vi, phong thủy” để làm cờ.
Nhà Nguyễn có cờ “Long Tinh”, theo ý nghĩa lịch sử nguồn gốc dân tộc là “con rồng (long) cháu tiên”. Tinh là sao, màu đỏ, nền vàng, tượng trưng cho phương Nam. Viền xanh chung quanh cờ là tượng trưng cho Tiên.
Cờ của vua được chọn theo “mạng” của vua so với “ngũ hành”. Vua mạng kim thì cờ màu trắng, mạng mộc thì màu xanh, mạng thủy màu đen, mạng hỏa màu đỏ, mạng thổ màu vàng.
Khi vua Khải Định đi Pháp dự “đấu xảo”, vì nghi lễ, nhà vua cải tiến cờ “Long tinh”, thành là cờ Việt Nam. Cờ có ba phần đều nhau, theo chiều dọc: phần giữa màu đỏ, hai bên màu vàng. Trước khi Nhật đảo chánh Pháp tháng 3 năm 1945, cờ nầy được treo nhiều nơi, được xem như lá cờ của “nước Việt Nam”. Sau đó “Cờ quẻ Ly” của chính phủ Trần Trọng Kim ra đời. Nền cờ màu vàng, tượng trưng cho dân tộc Việt Nam, quẻ Ly thuộc phương Nam.
Thời Việt Minh thì có cờ đỏ sao vàng.
Năm 1947, vua Bảo Đại trở lại cầm quyền, cờ quẻ Ly được dùng làm “cờ Quốc gia”. Vì Ly cũng có nghĩa là “lìa”, để tránh sự chia cắt đất nước, dân tộc, gạch giữa của chữ Ly bị đứt đoạn được nối liền thành ba sọc đỏ song song với nhau. Ba sọc tượng trưng cho ba kỳ Bắc Trung Nam.
“Nam Kỳ Quốc”, có cờ vàng ba sọc xanh, bị loại ra.
Từ 1947, “cờ vàng ba sọc đỏ” là cờ tượng trưng cho dân tộc và chính quyền, đất nước Việt Nam. Khi các chế độ Cộng Hòa được thành lập, lá cờ đó tượng trưng cho “Quốc gia Việt Nam” hay còn gọi là “Nước” Việt Nam Cộng Hòa.
Tính ra, từ ngày xưa cho đến khi Việt Cộng trương ngọn cờ đỏ lên, cờ nước ta, hay nói cho đúng hơn là cờ của các triều đại, khi khởi nghĩa chống Tàu thất bại hay thành công mà lên làm vua, đều là cờ màu vàng.
Tại sao? Bởi vì theo quan điểm đã có từ xưa, dân Việt thuộc màu vàng, “máu đỏ da vàng”. Nói như thế, có nghĩa rằng màu Vàng là màu Dân tộc.
Còn màu đỏ? Màu đỏ thường có ý nghĩa là màu tranh đấu! Việt Cộng thì gọi đó là “màu máu”. Bài gọi là “quốc ca” Việt Cộng có câu: “Cờ pha máu chiến thắng…”. Ông Trần Dần thấy màu cờ mà đau lòng hơn:
Những ngày ấy bao nhiêu thương xót
“Tôi bước đi
Không thấy phố
không thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa
trên màu cờ đỏ”.
Sau ngày 30 tháng Tư 1975, dĩ nhiên, theo công pháp quốc tế, “quốc gia Việt Nam” không còn, “nước” Việt Nam Cộng Hòa cũng không còn, thì lá cờ đó cũng không còn trên trường quốc tế.
Lá cờ đó đã phủ lên quan tài của bao nhiêu người hy sinh cho đất nước, hy sinh cho nền Tự Do của Miền Nam, của đồng bào Miền Nam Việt Nam. Bài Quốc ca đó đã réo gọi thúc đẩy bao nhiêu ngưới lên đường chiến đấu cho Dân tộc. Biết bài Quốc ca đó đã réo gọi hồn Tổ Quốc, kêu gọi Công dân đứng lên bảo vệ Tổ quốc.
Chúng ta đành bỏ đi được sao???!!!
Vì vậy, lá cờ đó, bài Quốc ca đó vẫn còn trong lòng người Việt chống Cộng, ở trong cũng như ngoài nước. Lá cờ đó vẫn xuất hiện ở ngoại quốc, nơi nào có người Việt cư ngụ. Lá cờ được chính quyền một số địa phương, thành phố hay tiểu bang, công nhận đó là “Lá cờ của Tự Do và Di Sản” (Heritage and Freedom Flag) biểu tượng cho cộng đồng người Việt tại địa phương đó. Tuy nhiên, đối với “người Việt quốc gia”, “những người yêu nước” thì họ không muốn gọi nó là “cờ vàng ba sọc đỏ”, tượng trưng cho một cộng đồng người Việt hải ngoại nào đó. Gọi như thế thì lá cờ ấy “chỉ là tượng trưng cho một cộng đồng người Việt nào đó, ở một địa phương nào đó, không phải là “tổng thể” cho toàn bộ Đất nước, Tổ Quốc và Dân tộc.”
Chúng ta phải xem đó, gọi đó là lá “cờ Việt Nam Cộng Hòa” hay nói chung hơn là lá “cờ Quốc gia”. Cờ Quốc gia là cờ “đối nghịch” với cờ Cộng sản. Nó xác định thêm vững chắc “tinh thần chống Cộng” của chúng ta.
4: “Nhân Dân” hay “Dân tộc”?
“Nhân Dân” là một danh từ Việt Cộng thường dùng. Hãn hữu họ mới xử dụng hai chữ “Dân Tộc”. Ví dụ: họ nói “Nhân dân Việt Nam”, “Nhân dân Trung Quốc”, “Nhân dân Liên Xô”, “Nhân Dân Triều Tiên”. (1)
Tuy nhiên, khi thành lập “mặt trận ma”, “chính phủ ma” để xâm lăng Việt Nam Cọng hòa thì họ gọi là “Mặt trận Dân Tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam”.
“Mặt trận Dân tộc”? Tại sao không gọi là “Mặt trận Nhân dân” ?
Cộng Sản không làm cái gì mà không có dụng mưu! Mưu đó là mưu phỉnh phờ, lừa gạt, giả dạng, mang danh, v.v… “Nhân dân” là một danh từ ý nghĩa rất phổ quát, rất chung: Nhân dân Miền Nam, nhân dân Việt Nam, nhân dân Trung quốc (tức là Tàu), nhân dân Liên xô và chung nhất, tổng thể là “Nhân Dân Thế Giới”. Tất cả mọi dân tộc trên địa cầu nầy, dù ở nước nào, quốc gia nào, đều là “Nhân Dân Thế giới”. “Nhân dân Thế giới”, với Cộng Sản, cũng có nghĩa là “Nhân dân Thế giới Đại đồng”, tức là chủ nghĩa Cộng Sản, chủ nghĩa của “Thế giới Đại đồng”.
Tuy “hai mà một”. Khi nói “nhân dân” là người ta nghĩ tới ý niệm tổng thể của “nhân dân thế giới”, là “thế giới đại đồng”, là “Thế giới Cộng sản”, là “Chủ nghĩa Cộng sản”. Trong ý nghĩa đó, Việt cộng thường dùng danh từ “Nhân dân”. Khi nói như thế, người Cộng sản Việt Nam “vững lập trường” hơn. Lập trường đứng trên quan điểm của “chủ nghĩa quốc tế vô sản”. Có nghĩa rằng họ là người Cộng sản, là người của thế giới vô sản, là người của “nhân dân Việt Nam” ở trong, nằm trong “Nhân dân thế giới”, không có sự riêng biệt nào!
Người ta nói “Dân tộc Việt Nam”, “Dân tộc Khmer”, Dân tộc Hán” (hay Hán tộc), thì cái ý niệm “dân tộc” của một đất nước, một quốc gia, dân tộc, đất nước, mạnh hơn cái ý niệm “thế giới, quốc tế…” là cái ý niệm cốt lõi, căn bản của chủ nghĩa Cọng Sản. Vì vậy, khi nói “Dân tộc Việt Nam” thì người ta nghĩ đến người Việt Nam, dân tộc Việt Nam, đất nước Việt Nam… Trong viễn tượng đó, khi Việt Cộng nói “Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam” mà không gọi “Mặt trận Nhân dân giải phóng Miền Nam Việt Nam” là Việt Cộng đã có cái thâm ý “mượn chủ nghĩa Dân tộc” để che đậy cái ý nghĩa, ý đồ đích thực của chúng là xây dựng “chủ nghĩa Quốc tế Cộng Sản”
Cộng Sản không bao giờ là “dân tộc”. “Dân tộc, Quốc gia” bị xóa mờ đi trong “Chủ nghĩa thế giới đại đồng”.
Khi nói “Mặt trận Dân tộc” thì Việt Cộng chỉ mượn cái áo dân tộc, núp dưới cái áo dân tộc, dưới “Chủ nghĩa Dân tộc” để thực hiện mưu đồ “Chủ nghĩa Quốc tế”. Trong suốt gần 20 năm, đồng bào Miền Nam không ít người đã bị mắc lừa thủ đoạn của Việt Cộng núp dưới cái áo dân tộc. Đau đớn hơn nữa, khi ta nghe câu nói của tổng thống Nixon của Mỹ: “Người Tàu đem chủ nghĩa Cộng Sản để xây dựng đất nước; người Việt Nam (đúng ra là Việt Cộng) đem đất nước để xây dựng chủ nghĩa Cộng Sản”.
Ai ngu hơn ai?
Trong cái đám ngu ở Bắc bộ phủ, ai ngu nhất?
Không lý không phải là Hồ Chính Minh?
“Bát cháo lú”, cái “bùa mê Cộng Sản” công hiệu ghê gớm thật!!!!
5: “Tội Tổ tông!”
Mấy năm trước, bác sĩ (trẻ) Lê Trọng Lộc ở tiểu bang Maryland, gọi điện thoại cho tôi, nêu thắc mắc, rằng trong sử Tàu, viết bằng tiếng Anh, nói rằng Mã Viện bắt Hai Bà Trưng đem về Tàu để trị tội. Tôi có giải thích rằng, theo như đời xưa, khi một viên tướng, giết được địch thủ thì cắt đầu gởi về cho vua để lập công. Vậy thì khi Hai Bà Trưng cùng nhảy xuống song Háy mà tự tử, thì Mã Viện cho cắt đầu Hai Bà cho đem về Tầu, dâng lên vua Hán, chớ không phải Hai Bà bị bắt sống rồi bị đưa về Tầu, như trường hợp cha con Hồ Quí Ly.
Đó là cái “Dũng” của Hai Bà, hơn hẳn cha con họ Hồ.
Sau khi bị Tôn Quyền giết chết, quan công không siêu thoát được, truyện Tam Quốc viết như sau:
“Khi ấy linh hồn Quan Công chưa tan. Ðến một nơi tên Kinh Môn Châu, Hướng Dương huyện có hòn núi tên Ngọc Tuyền. Ở trên có nhà sư Phổ Tịnh. Ðêm ấy bỗng có liếng la lớn:
- Trả đầu cho ta.
Phổ Tịch nhìn lên thấy có người cỡi con Xích Thố, tay cầm thanh long đao, ta hữu hai tướng. Ba người ở trên không sa xuống núi Ngọc Tuyền. Phổ Tịnh hỏi ở đâu, hồn Vân Trường bèn thưa:
- Bạch sư cụ đây là đâu? Xin cho biết pháp danh?
Phổ Tịnh nói:
- Lão tăng tên Phổ Tịnh, khi trước tại ải Dịch Thủy đã gặp Quan Hầu nay quên rồi sao?
Quan Công nói:
- Trước kia nhờ ngài cứu, tôi vẫn ghi ơn, nay tôi đã chết. Xin ngài chỉ dẫn đường mê muội cho tôi.
Phổ Tịnh nói:
- Xưa trái nay phải, nhất thiết không bàn, nhân trước quả sau. Nay tướng công bị Lữ Mông làm hại đòi trả đầu ra đây, thế thì trước kia Nhan Lương, Văn Xú và sáu tướng trong 5 ải và biết bao đầu quân lính, thì đòi vào đâu?.
Quan Công tỉnh ra, biến mất!”.
Tôi không bàn về triết lý đạo Phật trong đoạn văn trên, xin để cho các triết gia hay các nhà kinh điển Phật giáo. Nhưng, rõ rang ở đây, những người đánh trận, nhất là những người làm tướng, ngày xưa, hễ bị chết là bị cắt đầu, theo như phong tục xưa, mà tôi đã nói ở trên.
Lại một điều đáng nói hơn nữa, là câu chú thích dưới tầm hình: “Hai Bà Trưng sang quảng Tây chuộc tội.” Người Việt Nam yêu nước (tôi nói yêu nước chớ không nói người Việt Nam “yêu chủ nghĩa xã hội”. Trong chủ nghĩa xã hội, “quốc tế đại đồng” thì làm gì còn nước để mà yêu!?), sẽ thắc mắc “Tội của Hai Bà Trưng là tội gì?”
Chính quyền Cộng Sản Hà Nội tất biết rõ cái “tội” ấy, bởi vì cái đoàn Văn Công trong tấm hình ở bên trái, là đoàn văn công của chính quyền Cộng Sản Việt Nam. Đoàn nầy được lệnh hay được chính quyền Cộng Sản cho phép sang Quảng Tây để biểu diễn cái trò “lên đồng gọi hồn Mã Viện”. Giả tỉ như đó là văn công tư nhân đi nữa, thì khi “đem chuông sang đánh xứ người” thì chính quyền Việt Cộng phải biết đoàn ấy đánh chuông gì chứ, không lẽ cứ để cho đoàn ấy “ra nước ngoài” rồi chúng nó muốn đánh cái gì thì đánh. Nhất là trong chế độ Cộng Sản, việc kiểm soát tin tức, báo chí, văn nghệ, văn hóa, v.v… không bao giờ “lỏng lẻo” cả. Nói như thế, nếu chính quyền Cộng Sản Hà Nội cho đoàn văn công của họ sang Quảng Tây để “Gọi hồn Mã Viện chứng dám Hai Bà Trưng sang… chuộc tội” thì rõ ràng Hai Bà Trưng chuộc tội, thì Hai Bà Trưng có tội thật. Tội đó là “Tội chống Tàu”.
Đâu có phải chỉ có Hai Bà Trưng mới có “Tội chống Tầu”. Người Việt Nam mang tội chống Tầu thì nhiều lắm. Ai cũng chống Tàu cả. Người nào không chống Tầu thì không phải là người Việt.
Tại sao vậy? Tại vì chống Tàu là “truyền thống” của người Việt. Nó giống như người Ba Lan chống người Nga, người Tây Tạng, người Duy Ngô Nhĩ, người Triều Tiên chống Tàu vậy. Bây giờ, nếu ai có xem phim lịch sử Đại Hàn, sẽ thấy không ít những phim có tư tường, có hành động chống Tàu.
Chúng ta cũng nên tìm hiểu xem người Việt Nam đầu tiên chống Tàu là ai?
Theo dã sử thì đời Hùng Vương thứ 6 có giặc Ân (bên Tàu?) sang xâm lăng nước ta. May nhờ có cậu bé ở làng Phù Đổng (tỉnh Bắc Ninh cũ) giúp vua đánh tan giặc. Nay ở làng Phù Đổng còn đền thờ.
Truyền thuyết thì nói là “Giặc Ân bên Tàu”, nhưng có nhiều sử gia, như cụ Trần Trọng Kim chẳng hạn, không cho rằng “giặc Ân” nầy là “Nhà Ân” của nước Tàu hồi ấy, cũng không rõ giặc Ân nầy từ đâu mà ra.
Nếu cứ cổ tích mà cho rằng “giặc Ân bên Tàu” là đúng, thì người đầu tiên mang “tội chống Tàu” chính là câu bé làng Gióng (Phù Đổng). Ông nầy “đánh tan giặc Ân” là có tội lớn lắm, là kẻ đứng đầu, trực tiếp. Tòng phạm thì có vua Hùng Vương thú 6 và quan lại thời bấy giờ. Vì là người đầu tiên nên “tội” cũng giống như “tội” bà Evà xúi ông A-Dam ăn trái cấm. Vậy thì tôi đó là “tội tổ tông”.
Đám “tội phạm” nầy đông lắm. Đứng đầu là ông Phù Đổng. Ai vinh danh ông Phù Đổng là Thiên Vương cũng là kẻ tán trợ đồng mưu. Cứ như trong “Việt Nam Sử Lược” của Trần Trọng Kim mà trích ra thì có: Hai Bà Trưng và các nữ tướng, và Triệu và ông Anh Triệu Quốc Đạt, ông Lý Bôn của nhà Tiền Lý, Triệu Quang Phục, Mai Thúc Loan, Khúc Hạo, Khúc Thừa Mỹ, Dương Diên Nghệ, và “trọng án” là Ngô Quyền, người giết thái tử Hoàng Tháo trên sông Bạch Đằng.
Danh sách còn dài. Chính quyền Hà Nội nhớ ghi thêm cho đủ, để trao cho một “Đoàn Văn Công” nào đó, qua Trung Nam Hải và “hát” cho mấy chú Ba chóp bu bên Tàu nghe mà lập công. Riêng đám cầm đầu ở Bắc Bộ Phủ thì khỏi tội, mà lại còn có công. Trong danh sách nầy, phần cuối phải có tên Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha… Và sẽ còn nhiều nhiều nữa, kể sao cho hết. Trong 80 triệu dân Việt Nam chỉ có 3 triệu đảng viên đảng Cộng Sản Việt Nam là “vô tội” mà thôi.
Nếu, theo như những gì các “nhà lãnh đạo” Cộng Sản Việt Nam cam kết với mấy chú Ba ở “Hội nghị Thành Đô” năm 1990, Việt Nam sẽ trở thành “một tỉnh” của Tàu, người Tàu vĩnh viễn cai trị nước ta thì Nguyễn Phương Uyên, Đinh Nguyên Kha ở tù tới mọt gông, cũng chưa thấy ngày về.
Tuệ Chương Hoàng Long Hải
* * *
Xem trang Tạp văn, tùy bút: click tại đây
Trở về trang chính: www.nuiansongtra.com