Tháng 12 năm Mậu Thân niên hiệu Tự Đức thứ 12 (1-1869), quan Biện lý bộ hình Nguyễn Thông được triều đình bổ dụng giữ chức Bố chánh tỉnh Quảng Ngãi.
Nguyễn Thông tự là Hy Phần, hiệu Kỳ Xuyên, biệt hiệu Độn Am, sinh năm 1827 tại thôn Bình Thạnh, Tổng Thanh Hội Hạ, huyện Tân Thạnh, phủ Tân An, tỉnh Gia Định (nay thuộc tỉnh Long An).
Sau khi thực dân Pháp chiếm trọn đất Nam Kỳ (1867), ông cùng một số đồng hương không chịu sống chung với Pháp đã bỏ đất Nam Kỳ ra lập cư ở tỉnh Bình Thuận. Sau thời gian làm quan ở nhiều nơi (Quảng Ngãi, Huế), năm 1877, ông về làm Bố chánh tỉnh Bình Thuận. Năm 1880, ông cho xây một ngôi nhà bên dòng sông Phan Thiết đặt tên là Ngọa Du Sào (cái ổ nằm chơi) và ông đã trút hơi thở cuối cùng tại đây vào năm 1884, thọ 58 tuổi.
Là một nhà hành chánh có tài, một lòng vì dân vì nước, ông đã đem hết tâm trí và nghị lực của mình để thực hiện nhiều công trình dân sinh hữu ích cho Quảng Ngãi: kênh Vĩnh Lợi, đập Đinh Gia.
Là một nhà thơ có tài, cảnh và người miền núi Ấn sông Trà đã để lại trong thơ văn của ông nhiều dấu ấn sâu đậm.
* * *
Nguyễn Thông là một nhà hành chánh có đầu óc thực tế, ham tìm hiểu, học hỏi. Chắc là trước khi bắt tay vào thực hiện các công trình thủy lợi cho Quảng Ngãi, ông đã đọc nhiều tài liệu ghi chép về vùng đất mà ông đang trị nhậm này, và ông đã có một nhận xét hết sức chí lý:
-“Gần đây, các nhà soạn sách địa chí tỉnh Quảng Ngãi phàm những ma quỷ trên đất, quái vật dưới nước, cho đến các bài thơ ngâm vịnh các cảnh giả dối, những tháp đá của bọn thầy chùa ăn rau ở ẩn, không bổ ích gì cho đời sống hằng ngày của nhân dân, cũng đều ghi chép dày đặc. Còn như việc đắp đập ven bờ, xoi ngòi xẻ rãnh, chỗ nào bế tắc hay khai thông, vững bền hay hư hỏng thì không nói đến chút nào...”.
(Trích dịch bài tựa quyển “Tiểu sách nói về thủy lợi ở Nghĩa Châu”, tức Quảng Ngãi - Nghĩa Châu thủy lợi tiểu sách tự) (1).
Và ông đã đưa ra tầm quan trọng của nông nghiệp, quan niệm đúng đắn về vấn đề thủy lợi:
“Nhà nước muốn cất trữ lương thực hàng trăm vạn đều lấy ở nghề nông. Dân cày muốn đủ ăn quanh năm đều nhờ ở nghề nông, gặp khi năm hạn rồng đất cầu đảo không thiêng, ruộng đồng tổn thất lấy gì nộp tô thuế, lấy gì cung cấp áo cơm. Vậy việc thủy lợi đối với quốc kế dân sinh thực là cấp thiết...”
(Nghĩa Châu thủy lợi tiểu sách tự) (2).
Trước khi bắt tay vào thực hiện các công trình thủy lợi đặc biệt cho Quảng Ngãi: kênh Vĩnh Lợi thuộc huyện Mộ Đức và đập Đinh Gia, trong dân gian vẫn gọi là đập Ông Cá, thuộc phía tây huyện Sơn Tịnh giáp ranh với Bình Sơn, ông đã thực hiện một cuộc khảo sát toàn bộ về vấn đề thủy lợi của toàn tỉnh bằng một lề lối làm việc rất khoa học.
“Năm Kỷ Tỵ, niên hiệu Tự Đức (1869) tôi vâng chiếu kinh lý việc thủy lợi, mỗi huyện đều làm thành sách, mỗi sở đều có bản đồ riêng, lại có bản đồ chung của các sở, xét trên bản đồ rồi lại đối chiếu với các sách, thì đồng điền lợi hại thế nào, biết được rõ ràng như trên bàn tay. Theo đó soạn ra một quyển, hằng năm đi xem xét...”
(Nghĩa Châu thủy lợi tiểu sách tự) (3).
Tại mỗi công trình sắp được thực hiện, ông đều có những khảo sát thực địa và nêu ra những nhận xét đúng đắn và thiết thực.
Về kênh Vĩnh Lợi ông có nhận xét:
“...Con sông lớn ở phía nam tỉnh Quảng Ngãi gọi là sông Vệ. Mạn bắc sông ấy có một chi nhánh gọi là Đồng Giang. Nước từ sông Vệ vào, chảy theo hướng bắc, qua các xã Đồng Giang, Hào Môn, Hải Châu, Vạn An, Tân Quan và Thái Bình rồi rẽ về phía đông lại chảy vào sông Vệ. Lòng sông quanh co bé hẹp, lâu ngày bị lấp, hóa thành đất bằng, nhà nông gặp nhiều khó khăn. Những gia đình ở gần, ăn dùng nước hồ ao ô uế tù hãm, thường bị bệnh thấp...”
(Bài kỳ về kênh Vĩnh Lợi - Vĩnh Lợi cừ ký) (4).
Về đập Đinh Gia ông có nhận xét:
“...Phía tây huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi là một vùng toàn núi. Dưới chân núi có trại Vĩnh Tuy, có khe quanh co khuất khúc như hình một con rắn dài. Khe ấy gọi là khe Tẩy Mã (tắm ngựa) chảy theo hướng đông, qua các thôn trại như Phú Lộc, Thạch Đông, Thạch Nội, Phú Thành, Trà Bình, Ngọc Trì. Từ đó chảy theo hướng bắc chảy vào sông Châu Ổ...Nguồn khe thì xa, giữa khe chỉ còn một lòng nước bé nhỏ, khi đứt, khi nối. Đất ruộng đôi bên bờ thường năm bị tổn thất...”
(Bài ký về đập Đinh Gia - Đinh Gia yển ký) (5).
Qua việc thực hiện các công trình thủy lợi này, ta thấy Nguyễn Thông đã thực hiện tư tưởng “thân dân” của nhà Nho chính thống một cách triệt để. Ngoài việc vận động sự đồng tình cộng tác của quần chúng, ông còn biết tôn trọng ý kiến của quần chúng:
“Cùng với các người sơn nông, lão phố, cai đập, trưởng ngòi, giảng giải lợi hại và bổ sung những thiếu sót trong sách soạn từ trước để giúp người sau tham khảo” (Nghĩa Châu thủy lợi tiểu sách tự) (6).
Ông đã vận dụng thi ca như một thứ vũ khí tư tưởng đánh động nhận thức của quần chúng để họ thấy được cái lợi vừa cấp thiết, vừa lâu dài của công cuộc thủy lợi:
Cao điền thủy vị hạc,
Đê điền thủy bất dinh.
Cận sơn hữu tuyền mạch,
Cừ yển nghi tảo doanh.
Cử tháp tự thành vũ,
Khởi tất từ sơn linh.
Nhất lao khả cửu dật,
Tạm phí khả vĩnh ninh.
Ký ngữ ngã nông nhân,
Hữu chí sự cánh thành
(Khuyến hưng cừ - Khuyên đào mương thủy lợi)
Dịch thơ:
Ruộng cao nước dễ cạn đi,
Ruộng thấp cũng chẳng mấy khi nước đầy.
Gần rừng khe chảy suốt ngày,
Đào mương đắp đập làm ngay đi nào.
Nhát mai xuống, thành mưa rào,
Thần linh chi phải cúng cầu xa xôi.
Mệt một lúc, nghỉ lâu dài,
Tạm thời hao tốn muôn đời thảnh thơi.
Bạn nông ta gửi mấy lời,
Mọi việc có chí ắt thời nên công.
(Lê Thước và Phạm Khắc Khoan dịch)
Hay như trong bài “Khuyến cần nông” (Khuyên siêng nghề nông):
Lập miêu yếu vân thảo,
Thảo trưởng miêu bất phì.
Nhiêu điền yếu hộ thủy,
Thủy hạc điền bất nghi.
Nông sự khởi bất cần,
Ngô sinh quý hữu nhi (nhai).
Phụ mẫu đãi ngã dưỡng,
Thê tử lại ngã y.
Phủ ngưỡng phỉ dị cấp,
Báo phú diệc tại ty (tư).
Kỹ ngữ ngã nông nhân
Vật đãn căn lực bì.
Dịch thơ:
Cấy lúa thì cỏ phải cào,
Cỏ mà lên mạnh lúa nào tốt tươi.
Ruộng cạn tát nước kịp thời,
Nước mà khô cạn ruộng đời nào nên.
Việc nông ta phải cần chuyên,
Làm ăn sinh sống trước tiên không chờ.
Mẹ cha ai dễ nuôi cho,
Vợ con mong mỏi nương nhờ ta nay.
Thờ trên, đỡ dưới khó thay,
Thuế sưu cũng ở ruộng này mà ra.
Mấy lời khuyên bạn nông ta,
Quyết tâm làm lụng chớ la nhọc nhằn.
(Lê Thước và Phạm Khắc Khoan dịch)
Thực ra, trước khi Nguyễn Thông đến trấn nhậm Quảng Ngãi, địa phương này đã có những công trình thủy lợi, tuy nhiên những công trình thủy lợi này không còn sử dụng được nữa. Tại sao? Sau đây chúng ta sẽ thấy Nguyễn Thông có những nhận xét tâm lý khá tinh vi đã dẫn đến những nguyên nhân thất bại của các công trình thủy lợi về trước:
“Thần đã vâng lệnh xuống hạt khám xét trù tính, đến đâu thân hào, sĩ dân cũng đều thấy rõ... Song kẻ tiểu dân thì kẻ lười với người siêng có khác, khả năng cùng ý muốn không đồng, như ba thôn trại Phú Nhiêu, Tân Bình, Tân Hội thuộc phủ Tư Nghĩa cùng nhau đắp một đập nước An Sơn, ba xã thôn Vĩnh Phú, Trà Vinh, Đôn Luân thuộc huyện Mộ Đức cùng nhau xây một bể chứa dẫn nước vào tưới ruộng, đã hưởng được lợi ấy rồi, nhưng lâu ngày bê trễ lại sinh chuyện phân bì này kia, đổ lẫn cho nhau, đến nỗi đường nước lấp cạn dần, tưới tắm không đến nơi đến chốn, những ruộng trồng lúa hiện đang chuyển ra trồng mía, khoai đậu, đời sống ngày càng khó khăn, thiếu thốn, đại khái có thể thấy rõ vậy”
(Sớ trình bày về công việc thủy lợi và trồng cây - Trần thủy lợi tài thụ sự nghi sớ) (7).
Ông là người giàu lòng nhân ái, lúc nào cũng bênh vực cho quyền lợi của đám nông dân nghèo khổ. Chính các sử gia triều Nguyễn trong bộ sử Đại Nam Thực Lục cũng đã xác nhận:
“...Hạt ấy (tức tỉnh Quảng Ngãi) đất xấu, dân nghèo, mà viên ấy (tức Nguyễn Thông) đến trị nhậm, đào ngòi lạch, đắp bờ đê, cấm trấp tệ hại của nha lại, đè nén những kẻ cường hào, dân được tiện lợi nhiều lắm...”
(Đại Nam Thực Lục, quyển XXXII)
Ông biết rõ tâm trạng của đám quần chúng thấp cổ bé miệng sống dưới một xã hội còn nhiều bất công, chính ông đã đứng ra can thiệp cho quyền lợi của họ:
“...Lại xét rằng hạt của thần, thuế biệt nạp chỉ có thôn Đông Dương, xã Văn Lâm, xã Long Phụng, thôn Phước Lộc, xã Bồ Đề, xã Năng An (thuộc huyện Mộ Đức) phải nộp thuế guồng nước đồng niên hơn 80 quan. Song nghề nông không cần gì bằng nước, việc đắp đập khơi ngòi là làm lợi cho dân, dù cho tiêu tốn công quỹ triều đình cũng không tiếc, huống chi kẻ tiểu dân phải tự lo lấy mà lại theo bắt nộp thuế sao? Trộm cho có lẽ bọn ấy buổi đầu tính toán cẩn thận, nộp đơn xin chịu thuế để khỏi tranh giành với xã khác, để lâu ngày thành chuyện đã rồi, không có ai trình bày giúp cho mà thôi. Huống chi bể chứa, đập nước, mương ngòi, xe nước của nhân dân ở ba phủ huyện trong hạt của thần đều được miễn thuế như nhau, chẳng lẽ riêng các thôn xã ấy lại phải chịu thuế hạng như vậy, tưởng cũng không công bằng. Vậy tiền thuế guồng nước các nơi ấy nên chăng tạm miễn để lấy chỗ khuyến khích nông dân?”
(Sớ trình bày về công việc thủy lợi và trồng cây - Trần thủy lợi tài thụ sự nghi sớ) (8).
Ông là người thật bén nhạy với nỗi lo sợ thường trực của nông dân: sợ thuế khóa.
Một lần đến thăm bạn là một nông dân, ông Nguyên Điền Nguyễn Tử Mỹ ở phủ Tư Nghĩa, để bà con nông dân khỏi sợ mình là một tên lại đi thu thuế, ông đã phải tự xưng tên họ của mình:
Điền gia tối phạ thôi tô lại,
Vị hướng bàng nhân thông tính danh.
(Tư Châu quá Nguyễn Tử Mỹ)
(Nhà làm ruộng rất sợ bọn người về thu thuế,
Vì thế nên hướng về người đứng cạnh nói rõ tên họ mình)
(Đến Tư Nghĩa ghé ông Nguyễn Tữ Mỹ)
Nếu ta biết rằng, thời xưa người ta quan niệm “quan là cha mẹ của dân” (dân chi phụ mẫu) thì mới thấy hết cái thái độ vì dân hết sức trang trọng của Nguyễn Thông.
Ông là người rất tôn trọng kẻ hiền tài, những người dám vì nghĩa quên mình. Bạn của ông không chỉ là những người quyền cao chức trọng:
-“Khi lớn lên cùng với ông Phan Tử Đan, hiệu Bút Phong và ông Trần Tử Mẫn người đồng huyện kết làm bạn thơ rượu. Năm Kỷ Dậu, niên hiệu Tự Đức thứ 2 (1849), thi Hương đậu, rồi mới giao du với các ông Bạch Hào Tử hiệu Thương Sơn (tức Tùng Thiện Vương Miên Thẩm), Phan Lương Khê (Phan Thanh Giản), Trúc Đường (Phạm Phú Thứ), Nguyễn Vân Lộc (Nguyễn Tử Giản), Đỗ Tùng Trai (Đỗ Đăng Đệ), các ông ấy đều là những tay cự phách trong làng văn và cho tôi là bạn đồng điệu”. (Lời đề đầu tập Ngọa Du Sào) (9) mà cũng còn là những người dân dã như: “... Dật sĩ Bắc Nhai, nhàn sĩ Đông Tân, cư sĩ Nguyên Điền và ông già Bình Trang thì chân không hề ra đến thị thành. Khi tôi làm Bố chánh Quảng Ngãi, nếu có việc công thì các ông ấy mới tới công đường, việc xong lại trở về, người xem tầm thường, không có gì đặc sắc cả” (Truyện bốn người - Tứ nhân truyện) (10).
Và chính những “người xem tầm thường, không có gì đặc sắc cả” ấy mang đúng bản sắc của người Quảng Ngãi, tiêu biểu cho đức tính tôn trọng lẽ phải, vị nghĩa quên mình của người Quảng Ngãi, đã cứu Nguyễn Thông qua cơn hoạn nạn:
“Đến khi tôi mắc lỗi nặng, náu nương bên bờ bể, tai vạ chẳng biết tới mức nào thì khách khứa cũ ngày càng ít lui tới. Lúc ấy ông Bắc Nhai thì vợ ốm hơn một tháng không dậy được cũng bỏ mặc không ngó ngàng gì tới, ông Đông Tân thì cha già 70 tuổi cũng nhờ cậy hàng xóm trông nom, cùng mang lương lặn lội với ông già Bình Trang đi gấp ra kinh bày tỏ việc của tôi cho các quan biết. Ông Nguyên Điền thì đang cày trên ruộng, nghe chuyện tức khắc bỏ cày mà về, chạy tới các bạn nhờ tìm cách giúp tôi thoát nạn, thảy đều không cho tôi biết.
... Bốn người ấy đã giúp tôi trong cơn nguy khốn mà chẳng muốn nêu rõ tên tuổi; cho nên tôi thuật lại việc làm của họ, truyền trong một đôi người quân tử có cùng sở thích, để biết rằng trong khoảng Núi Ấn Sông Vệ vốn có nhiều bậc kỳ sĩ không thể đánh giá theo bề ngoài.
(Truyện bốn người - Tứ nhân truyện) (11).
Để khởi công đắp cái đập ở tây Bình Sơn, ông đã động tú tài Đinh Duy Tự (1*), người địa phương trông nom việc xây đập với lời khích lệ “Người sĩ phu, dù ở nhà hay ra làm, cốt nhất là có giúp ích cho đời. Đi lập công ở huyện khác sao bằng giúp ngay huyện nhà”
(Bài ký về đập Đinh Gia - Đinh Gia yển ký) (12).
Và để ghi công cho Đinh Duy Tự, ông đã cho đặt tên là đập Đinh Gia dù trong dân gian vẫn gọi là đập Ông Cá.
Những công trình thủy lợi do ông khởi xướng như kênh Vĩnh Lợi ở Mộ Đức, đập Đinh Gia ở Bình Sơn đã đem lại những lợi ích thiết thực cho dân chúng địa phương. Ông đã mô tả nỗi hân hoan vui mừng của dân chúng khi họ hưởng được cái thành quả do ông khởi xướng và do chính bàn tay của họ thực hiện bằng một giọng thật hào sảng:
“Năm ấy trời lâu không mưa, suốt mấy dặm dọc theo con kênh tiếng xe nước dội lên khắp nơi, dân cày vác cày mà hát, đàn bà con nít gánh thùng mà hò”.
(Vĩnh Lợi cừ ký) (13).
* * *
Trong thời gian làm việc tại Quảng Ngãi, ông đã đặt bước chân đến nhiều nơi tại địa phương này. Nhiều cảnh sắc của miền núi Ấn sông Trà đã được ghi lại trong thơ của ông. Cảnh ở đây không phải là những ước lệ của phong hoa tuyết nguyệt mà ta thường gặp trong thơ ca cổ điển Việt Nam, cảnh ở đây không chỉ là cái đẹp thuần túy của cảnh sắc mà mỗi cảnh được mô tả đều ăm ắp tình người.
Trong những ngày đầu tiên đặt chân đến Quảng Ngãi, ông đã đến thăm hải đài Đại Cổ Lũy, một cửa biển thuộc miền đông Tư Nghĩa:
Đăng Đại Cổ Lũy hải đài
“Đông vọng bình sa ủng tuyết đôi,
Hải môn trung phách lưỡng giang khai.
Trùng dương ngũ nguyệt vân phàm tập,
Bán thị Nam Trung mễ khoáng lai”.
Dịch nghĩa:
Đứng trông về phía đông, thấy bãi cát vàng bao bọc những đồi tuyết,
Phía trong cửa bể chia ra hai ngọn sông.
Tiết tháng năm, thuyền mành đều nhóm đậu ở ngoài khơi,
Phần nhiều là thuyền chở gạo và bông ở Nam chở ra.
Dịch thơ:
Phía đông bãi cát, tuyết đồi
Vào trong cửa bể chia đôi hai dòng.
Tháng năm tấp nập thuyền đông,
Gạo ngon, bông trắng Nam trung đổ về.
(Bảo Định Giang dịch)
Ông cũng đã đặt chân đến Tĩnh Man quân thứ thuộc miền núi phía tây tỉnh Quảng Ngãi để thăm một người bạn là Đỗ Đăng Đệ đang đóng lỵ sở ở đây với tư cách Tiễu phủ sứ, ông đã để lại bài thơ:
“Biệt Tùng Đường” (Từ biệt ông Tùng Đường)
Tiêu tiêu đãn vũ mãn quan hà,
Phốc bị đồng quân thính dạ qua.
Hưu quái úy đồ khinh viễn thiệp,
Như kim bình địa tán phong ba.
Dịch nghĩa:
Từ biệt ông Tùng Đường
Ở xứ mường, mưa lác đác khắp nơi,
Ôm chăn cùng ông ngủ cho qua đêm.
Đường nguy hiểm mà khinh suất đi xa chẳng có lạ gì,
Hiện nay giữa đất bằng chỗ nào cũng sóng gió hết!
Dịch thơ:
Bản mường lác đác mưa bay,
Ghé thăm anh ngủ đêm này cho qua.
Hiểm nghèo bao quản xông pha,
Đất bằng đâu chẳng phong ba buổi rày.
(Giản Chi dịch)
Có một điểm đặc biệt là, “Thiên Bút phê vân” một trong mười hai thắng cảnh của Quảng Ngãi đã được ông nhắc đi nhắc lại nhiều lần bằng một tâm tình vô cùng trang trọng.
Viết thư cho bạn ở miền Bắc là ông Vân Lộc Nguyễn Tuân Thúc, tức nhà thơ Nguyễn Tử Giản, ông viết trong bài thơ:
“Phụng giản Vân Lộc Nguyễn Tuân Thúc Nội các”:
Thành đầu cật triêu tân vũ quá,
Bút sơn sảng khí sinh y cư.
Đề thi tặng quân ý nan thiếp,
Lâm phong trường vọng không trù trừ.
Dịch:
Kính gởi ông Vân Lộc Nguyễn Tuân Thúc ở Nội các.
Đầu thành ban mai mưa mới nhẹ qua,
Khí mát núi Thiên Bút vương bên tà áo.
Đề thơ tặng ông thấy chưa thỏa ý,
Buồn ngóng về xatrước giờ luống những chần chờ.
Dịch thơ:
Đầu thành mưa thấm hôm mai,
Bút sơn khí mát thoáng ngoài áo xiêm.
Tặng thơ, tứ chửa êm đềm,
Ngóng trông trước gió lòng thêm thẫn thờ.
(Lã Xuân Mai - Bảo Định Giang dịch)
Họa lại bài thơ Thu Hoài của một người bạn khác, ông Tùng Đường Đỗ Đăng Đệ, người huyện Sơn Tịnh, ông cũng nhắc đến Thiên Bút:
Hải diện tây phong giảo lữ tình,
Bút phong tàn nguyệt bạng song minh.
Mạn tương nhất tịch luân thiên cổ,
Vô ná hoài nhân độc tứ canh...
(Gió tây ngoài bể khơi thổi vào, khêu gợi tâm tình người lữ thứ,
Bóng trăng tàn ở đỉnh Thiên Bút dọi ánh bên cửa sổ,
Lan man trong một đêm mà bàn chuyện ngàn xưa,
Một mình ta nhớ người suốt cả bốn canh, không biết tính sao)
Dịch thơ:
Gió tây thổi chạnh lòng lữ khách,
Trăng Bút phong khẽ lách dòm song.
Chuyện đời một tối khó xong,
Nhớ ai ta những mơ mòng thâu đêm.
(Bảo Định Giang dịch)
Và trong khi đến huyện Tư Nghỉa ghé thăm một người bạn khác nữa, ông Nguyên Điền Nguyễn Tử Mỹ, một lần nữa ông lại nhắc đến Thiên Bút với cảnh sắc thật linh động mang sắc thái đồng quê Việt Nam trong bài “Tư Châu quá Nguyễn Tử Mỹ” (Đến Tư Nghĩa ghé thăm Nguyễn Tữ Mỹ, bài 2)
Tân cốc đăng trường dã vụ phì,
Noãn phong sơ trưởng Bút sơn vi.
(Lúa mới vừa phơi, vịt trời đang béo,
Được gió ấm, cây cỏ trên núi Thiên Bút bắt đầu tốt tươi)
và trong bài Tư Châu quá Nguyễn Tử Mỹ, bài 1:
Dã độ thu thâm lược chước hoành,
Phù dung đê hạ đạo hoa minh.
(Nơi bến nước trên đồng, sắc thu nhuốm đậm chiếc cầu tre bắc ngang,
Bên dưới bờ phù dung, lúa sắp trổ bông vàng tươi)
* * *
Như ta đã biết, Nguyễn Thông là một người giàu lòng nhân ái, đối xử với bạn bè thật chí tình, không phân biệt kẻ qúy, người tiện.
Đối với Đỗ Đăng Đệ (2*), tự Thứ Khanh, hiệu Tùng Đường, người đất Châu Sa (Sơn Tịnh) từng giữ chức Bố chánh tỉnh Định Tường, khi về lại quê nhà, giữ chức Tiễu phủ sứ Tĩnh Man quân thứ (miền núi phía tây tỉnh Quảng Ngãi), thương bạn “mạn truyền lại sự thôi niên lão” (nghe đồn rằng việc quan làm cho già đi), ông đã bùi ngùi tiễn bạn đi trấn nhậm nơi biên tái qua bài thơ “Tống Tiễu phủ sứ Đỗ Tùng Đường phó Tĩnh Man quân thứ” (Đưa tiễn Tiễu phủ sứ Đỗ Tùng Đường đến quân thứ Tĩnh Man):
Linh khải đăng thương tái hạ lai,
Mãn thành tranh đổ sứ xa hồi.
Mạn truyền lại sự thôi niên lão,
Tằng kiến quân thư ỷ mã tài.
Ly Thủy cựu đồn yêu thảo quật,
Hoành Sơn tân lũy loạn vân đôi.
Man Khê tự cổ kham tùng tiếu,
Thái bút bằng quân thi nhất khai.
(Giáp trụ thương đao ra cửa ải,
Khắp thành chen nhau nhìn xe sứ về.
Nghe đồn rằng việc quan làm cho già đi,
Nhưng lại sớm nhận được thư ông dựa vào lưng ngựa mà viết.
Ở đồn cũ Nước Re cỏ dại đã mọc đầy hào,
Trên lũy mới Hoành Sơn mây loạn lại đùn thành gò.
Việc đánh dẹp Man Khê từ xưa đã chịu tiếng cười chê,
Bút thơ vì ông thử viết lại một bài).
Ông đã đến tận Tĩnh Man quân thứ, một vùng núi non hiểm trở ở miền tây Quảng Ngãi để thăm bạn, đã chung chăn với bạn ngủ qua đêm để tâm sự, và khi từ giã bạn ra về ông đã làm bài thơ “Biệt Tùng Đường” ý chân thành, lời trang nhã, thấy được cái khó khăn nguy hiểm của bạn và khuyên bạn hãy giữ mình:
Tiêu tiêu đãn vũ mãn quan hà
Phốc bị đồng quân thính dạ qua.
Hưu quái úy đồ khinh viễn thiệp
Như kim bình địa tán phong ba.
(Ở xứ Mường mưa lác đác khắp nơi,
Ôm chăn cùng ông ngủ cho qua đêm.
Đường nguy hiểm mà khinh suất đi xa chẳng có lạ gì,
Hiện nay giữa đất bằng chỗ nào cũng sóng gió hết)
Có lẽ đối với Đỗ Đăng Đệ ông có biệt nhãn và luôn nghĩ về bạn với tất cả tâm tình chí thiết.
Man tương nhất tịch luân thiên cổ,
Vô ná hoài nhân độc tứ canh.
(Lan man trong một đêm mà bàn chuyện ngàn xưa,
Một mình ta nghĩ nhớ người suốt cả bốn canh không biết tính sao).
Một người bạn khác của ông là Phạm Thục (3*), hiệu Bình Sơn, người Trà Bình (Bình Sơn, nay thuộc xã Tịnh Trà, huyện Sơn Tịnh). Có lẽ Phạm Thục là người đã giúp ông một phần trong việc thiết kế xây đập Đinh Gia ở tây Bình Sơn, và ông đã nhìn thấy nơi Phạm Thục một nhân cách đáng trân quý. Khi Phạm Thục được triều đình vời về kinh giữ một chức quan nhỏ (Dực thiện, có lẽ là một quan chức nhỏ trông coi về từ hàn ở các vương phủ), ông đã làm bài thơ “Tống Bình sơn Phạm Thục Dực thiện”
(Tiễn đưa ông Phạm Thục, hiệu Bình Sơn, chức Dực thiện).
Qua bài này ta thấy ông nhận xét về tư cách của Phạm Thục hết sức trân trọng:
“...Thánh triều trọng sư tư,
Chư công giai chiết tiết.
Dực thiện tuy vi quan,
Khải đạo thực thân thiết.
Ích Phủ tiến lương quy,
Giả sơn phiến thời triệt.
Quần Ngọc đối thế vụ
Quốc khí cao dự yết...”
(Thánh triều trọng phong tư bậc thầy
Các quan đều nhường về khí tiết.
Dực thiện tuy là chức quan nhỏ,
Nhưng rất gần gũi với việc mở đạo.
Dâng kế hay như Ích Phủ
Hòn non bộ nhanh chóng bị bãi bỏ.
Đối với việc đời như Quần Ngọc
Nổi tiếng là vật báu của nước...)
Chỉ với hai câu kết của bài thơ, ta đã thấy tất cả cái chí tình của ông đối với bạn:
Hành hỹ miễn gia xan,
Nỗ lực hy tiền triết.
(Đi rồi hãy gắng ăn uống nhiều hơn,
Ra sức noi theo các bậc hiền triết)
Đang làm Bố chánh Quảng Ngãi, vì sơ xuất trong một vụ xử án lại thêm bị tên trọc phú Lê Doãn cáo gian, tháng 7 năm Tân Mùi (1871) Tự Đức thứ 24, ông bị cách chức, bắt giam và xử trượng. Sĩ dân Quảng Ngãi, đặc biệt là các ông Nguyên Điền, Bắc Nhai, Đông Tân và Bình Trang đã hết mình khiếu oan cho ông, lại nhờ sự công minh của quan Khâm sai Hình bộ Thượng thư Nguyễn Bính, ông được giảm tội và được lưu lại Quảng Ngãi để hoàn tất các công trình thủy lợi còn dở dang.
Từ sau vụ án này, ta thấy cảm tình của ông đối với dân chúng Quảng Ngãi lại càng đậm đà, tha thiết hơn. Và cũng từ đây, Nguyên Điền đã trở thành người bạn khá thân thiết của ông.
Như ta đã biết, Nguyên Điền Nguyễn Tử Mỹ, còn có tên là Nguyễn Đăng Cẩn, người huyện Tư Nghĩa là một người dân dã bình thường. Có lẽ ông là người có học thức, nhưng vì không thích xuất chính nên không thiết tha gì đến việc thi cử và sống bình thường như một nông dân.
Đối với Nguyên Điền Nguyễn Tử Mỹ, Nguyễn Thông cũng biểu lộ một thái độ trân trọng như đối với ông Bình Sơn Phạm Thục. Cũng giống như Phạm Thục, Nguyên Điền vì cảm cái tình tri ngộ với Nguyễn Thông đã giúp nhiều công sức cho Nguyễn Thông trong công việc thực hiện các công trình thủy lợi, đặc biệt là trong công trình làm đập Đinh Gia. Ông cũng cám ơn Nguyên Điền và các bạn đã giúp đỡ ông trong cơn hoạn nạn và dù có bị “dự sinh tích hủy tiêu” (đời thừa tiêu mòn vì lời nói xấu) ông cũng không hề oán hận triều đình đã bắt tội ông mà ông vẫn trách yêu Nguyên Điền sao không bỏ nghề cày cuốc để ra giúp nước phò vua:
Thị Nguyên Điền Nguyễn Tử Mỹ
Ngô đạo nhân giai tiện,
Phiền quân vãn kiến chiêu.
Tru mao phân khích địa,
Trừ nguyệt đối hàn tiêu.
Chính luân quần công tại,
Dự sinh tích hủy tiêu.
Khu khu bổn tháp dịch,
Hà bổ thánh minh triều.
Dịch:
Trình ông Nguyên Điền Nguyễn Tử Mỹ
Người người đều cho đạo của tôi là hèn hạ,
Phiền ông đã già mà vẫn bị mời ra.
Cắt cỏ chia đất trống,
Đợi trăng ngắm đêm lạnh,
Lời bàn ngay thẳng còn giữa các ông,
Đời thừa tiêu mòn vì lời nói xấu
Chăm chăm vào việc cái mai, cái cuốc
Lấy gì mà báo bổ ân thánh triều.
Như ta đã biết, Nguyễn Thông là một nhà hành chánh rất bình dân và thân dân. Chính sách bình dân và thân dân của ông đã được đáp lại bằng tất cả thịnh tình của quần chúng - nhất là quần chúng nông dân. Khi ông là viên Bố chánh bị án oan, họ đã hết mình lo minh oan cho ông “chỉ vì ý chí thông cảm với nhau, hoạn nạn giúp đỡ lẫn nhau, không khác như đi cứu cha anh, thì thật là một cử chỉ vì nghĩa quên mình rất cao cả” (Truyện bốn người - Tứ nhân truyện). Khi ông là một viên quan coi về thủy lợi đến thăm bạn là Nguyên Điền, họ coi ông như bằng hữu thân tình:
Ngã lai chinh trực đồn bôi thục,
Phụ lão tương yêu tận túy quy!
(Tư Châu quá Nguyễn Mỹ)
(Ta đến đúng vào lúc rượu nếp than chín
Các bậc phụ lão muốn ta uống thật say rồi hãy ra về)
Thi nhân vố là giống yêu hoa. Thế nên, khi làm Bố chánh Quảng Ngãi, Nguyễn Thông đã cho trồng bên cạnh công đường mấy giống hoa quý: hoa phù dung, hoa cúc và cây tùng
Tháng 7 năm Tân Mùi (1871) ông bị án oan. Biết mình sắp phải từ biệt cái vùng đất thân yêu mà ông đã đem hết tâm lực ra để phục vụ, để mượn cảnh thay người, ông đã làm ba bài thơ từ biệt cây phù dung, cây cúc và cây tùng. Hoa và cảnh ở đây không chỉ thuần túy là một loài thực vật, mà hoa và cảnh ở đây là biểu tượng của một tâm hồn và tinh thần của những người dân Quảng Ngãi, cái tâm hồn cao đẹp và thanh khiết như hoa phù dung, hoa cúc, cái tinh thần cứng cỏi nhưng trầm mặc như cây tùng. Ngay trong nhan đề của bài thơ ta cũng đã thấy cái tình chan chứa của ông. “Nghĩa sảnh bàng thủ thực hoa mộc sổ chủng, tương khứ quan phú thử vi biệt” (Bên cạnh công đường tỉnh Quảng Ngãi chính tay trồng mấy giống cây, hoa, lúc sắp thôi làm quan ở đó làm thơ từ biệt).
Lời từ biệt cây phù dung:
Bạng trì thừa vũ tiếp chi tài,
Chiếu thủy nồng hoa lưỡng độ khai.
Ngã khứ mạc hiềm phong vị giảm,
Thế nhân hoàn thị tự Nam lai.
Dịch thơ:
Bờ ao mưa tạnh cắt cành trồng,
Hai độ hoa xuân đáy nước lồng.
Đừng ngại ta đi phong vị giảm,
Người thay ta cũng ở Nam Trung.
(Lê Thước dịch)
Lời từ biệt cây cúc:
Uyên Minh lão khứ vãn di tài,
Ái nhĩ sương tiền chính sắc khai.
Nhất dạng thanh phương nhân cộng thưởng,
Bất tu đồng ngã phú Quy lai.
Dịch thơ:
Uyên Minh để lại giống này,
Mùa sương nẩy sắc vàng đầy quý thay.
Ưa thơm ai cũng như ai,
Thôi đừng ngâm khúc “Quy lai” với mình.
(Lê Thước, Phạm Khắc Khoan dịch)
Lời từ biệt cây tùng:
Sổ châu luy khả bạng song tài,
Xuân tận tiêm hoa dục bán khai.
Lưu nhĩ đông ly bạn tùng cúc,
Thập niên yển cái đãi trùng lai.
Dịch thơ:
Vài nhành cứng cỏi ở bên song,
Hết tiết xuân rồi mới chớm bông.
Mày ở lại đây chới với cúc,
Mười năm xếp lọng đợi chờ ông.
(Lê Thước, Phan Khắc Khoan dịch)
Ông đang nói lời từ biệt với những loài hoa chăng? Không đâu. Ông đang nói lời từ biệt với những con người - những người bạn Quảng Ngãi - những con người mà ông đã hết lòng lo lắng cho họ và họ cũng đã đền đáp lại bằng tất cả chân tình.
* * *
Nguyễn Thông là một nhà thơ nổi tiếng của đất Lục tỉnh Nam Kỳ vào nửa cuối thế kỷ 19, đồng thời với các nhà thơ Phan Thanh Giản (1796-1867), Bùi Hữu Nghĩa (1807-1872), Huỳnh Mẫn Đạt (1807-1883), Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888), Tôn Thọ Tường (1825-1877), Phan Văn Trị (1830-1918), Nguyễn Hữu Huân tức Thủ khoa Huân (1841-1875).
Sở dĩ chúng ta ít biết đến tên tuổi của ông chỉ vì toàn bộ tác phẩm của ông đều được viết bằng chữ Hán.
Trong bài biên khảo trên đây, chúng tôi chỉ trích dẫn những bài thơ, những đoạn văn có liên quan đến cảnh vật và con người của miền núi Ấn sông Trà.
Hy vọng với bài biên khảo này, chúng ta thấy được phần nào tâm hồn của nhà thơ đối với “chốn núi Ấn sông Vệ này có biết bao nhiêu người giỏi, chớ nên xét theo bề ngoài mà thôi”.
Tài liệu tham khảo chính:
1. Nguyễn Thông, con người và tác phẩm - Ca Văn Thỉnh & Bảo Định Giang, xuất bản năm 1984 tại Sài Gòn.
2. Tác phẩm Nguyễn Thông - Cao Cự Thanh & Đoàn Lê Giang, xuất bản năm 1984 tại Long An.
Chú thích:
1. Nguyễn Thông, con người và tác phẩm tr. 237
2. -sách đã dẫn (sđd)- tr. 236
3. -sđd- tr. 236
4. -sđd- tr. 237
5. -sđd- tr. 239
6. -sđd- tr. 237
7. Tác phẩm Nguyễn Thông tr. 188
8. – sđd - tr. 190
9. Nguyễn Thông, tác phẩm và con người tr. 221
10. Tác phẩm Nguyễn Thông tr. 229
11. – sđd - tr. 230
12. Nguyễn Thông, con người và tác phẩm tr.240
13. – sđd - tr. 238
(1*) Đinh Duy Tự (1807-1888) quê làng Trà Bình, nay thuộc xã Tịnh Trà, huyện Sơn Tịnh. Tuy chỉ đỗ tú tài nhưng có tiếng văn hay chữ tốt nên được vua Thiệu Trị (1840-1847) vời về kinh đô giữ chức Cung trung Giáo tập, được phong tước “nghè” nên thường được gọi là Nghè Kim. Năm 50 tuổi ông xin về quê làm nghề dạy học và nghề thuốc. Đến năm 65 tuổi (1872), được Bố chánh Nguyễn Thông vời ra trông coi việc đắp đập Ông Cá tức đập Đinh Gia.
(2*) Đỗ Đăng Đệ (1814-1888), tự là Thứ Khanh, hiệu Tùng Đường, người làng Châu Sa, nay thuộc xã Tịnh Châu, Sơn Tịnh. Đỗ Cử nhân năm Tân Sửu 1841, năm sau đỗ Phó bảng. Từng giữ những chức vụ quan trọng như Án sát Bình Thuận (1859), Bố chánh Định Tường (1860), Tiễu phủ sứ Sơn phòng Quảng Ngãi (quyền Thượng thư bộ Lễ (1876). Ông có để lại tác phẩm Tùng Đường di thảo, rất tiếc nay đã thất lạc.
(3*) Phạm Thục (? - ?), người làng Trà Bình, nay là xã Tịnh Trà, huyên Sơn Tinh, đỗ Cử nhân khoa Mậu Ngọ 1858 tại trường thi Bình Định (đỗ á nguyên) từng giữ chức Tri huyện và sau đó được triều đình vời về kinh giữ chức Dực thiện, dạy học và kiêm việc từ hàn tại các vương phủ.
Tinh Huy
* * *
Xem trang QN: Đất nước, con người, click vào đây
Trở về trang chính: http://www.nuiansongtra.com