Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 06, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Đất nước, con người
NGUYỄN VỸ, NHÀ VĂN NƯỚC VIỆT
TRẦN QUẢNG Á
Các bài liên quan:
    TUẤN CHÀNG TRAI NƯỚC VIỆT (Ch.36-40)
    TUẤN CHÀNG TRAI NƯỚC VIỆT (Ch.31-35)
    TUẤN CHÀNG TRAI NƯỚC VIỆT (Ch 26-30)
    TUẤN CHÀNG TRAI NƯỚC VIỆT (Ch.21-25)
    TUẤN CHÀNG TRAI NƯỚC VIỆT (Ch.16-20)
    TUẤN, CHÀNG TRAI NƯỚC VIỆT (Ch.11-15)
    TUẤN CHÀNG TRAI NƯỚC VIỆT (Ch.6-10)
    TUẤN, CHÀNG TRAI NƯỚC VIỆT (Ch.1-5)
    TUẤN, CHÀNG TRAI NƯỚC VIỆT (Tựa)

Lời giới thiệu:

Tôi lần đầu biết danh Nguyễn Vỹ, lúc tôi lên bậc trung học, khi được đọc cuốn Thi Nhân Việt Nam của Hoài Thanh và Hoài Chân xuất bản từ hồi tiền chiến. Do muốn có riêng một bản để dành đọc, tôi đã mượn và cặm cụi chép toàn bộ tác phẩm ấy trong những dịp hè rảnh rỗi. Vào thời đầu thập niên 60 của thế kỷ 20, cuốn Thi Nhân Việt Nam rất hiếm ở Miền Nam - trên tạp chí Văn của Trần Phong Giao vẫn đăng liên tục lời rao cần mua hoặc mượn - và nhiều năm sau mới được in lại và bày bán ở các hiệu sách (còn ở Miền Bắc, Thi Nhân Việt Nam chỉ được tái bản sau năm 1985 vào thời gọi là “cởi trói văn nghệ”). Chính công trình chép tay tác phẩm ấy đã tạo cho tôi cái duyên được nói chuyện với ông Nguyễn Vỹ chừng vài mươi phút, vào năm 1964.

Hè năm ấy, tôi có dịp vào Sài Gòn và nhân một hôm đến thăm người chú họ là ký giả H. Thu ở gần nhà thờ Huyện Sĩ, khúc cuối hai con đường báo chí nổi tiếng là Lê Lai và Phạm Ngũ Lão, tôi được gặp ông Nguyễn Vỹ. Chủ nhà và khách trong câu chuyện (lúc ấy có cả ông Mai Ngọc Dược, vừa rời chức vụ Tỉnh trưởng Long An sau năm 1963) đang nhắc đến cụ Huỳnh Thúc Kháng - là người đã dắt dẫn Nguyễn Vỹ vào văn nghiệp, khởi đầu bằng việc viết báo Tiếng Dân cho cụ vào năm 1927 khi ông mới 16 tuổi vừa chân ướt chân ráo từ Quảng Ngãi ra Hà Nội.

Riêng ông Mai Ngọc Dược thì thời làm Tỉnh trưởng Quảng Ngãi đã chủ trì việc trùng tu mộ cụ Huỳnh (mất năm 1947 ở Nghĩa Hành) trên núi Thiên Ấn vào năm 1958. Cũng vào dịp ấy, Nguyễn Vỹ có một loạt bài công phu về đời hoạt động cách mạng của cụ Huỳnh đăng nhiều kỳ trên tạp chí Phổ Thông, còn ký giả H. Thu đã viết tin tường thuật đăng nhật báo ở Sài Gòn về buổi lễ khánh thành trùng tu phần mộ hôm ấy, mà chính tôi cũng được theo cha tôi đến dự.

Nhân được gặp ông Nguyễn Vỹ, đợi lúc thuận tiện tôi đánh bạo ngỏ lời thăm hỏi và đưa khoe ông bản chép tay Thi Nhân Việt Nam tôi sẵn mang theo. Ông có vẻ hơi ngạc nhiên, lật xem qua sáu cuốn vở trăm trang chi chít chữ và đọc thoáng qua (dĩ nhiên ông đã từng đọc kỹ từ khi sách xuất bản) phần tác giả viết về ông, rồi ông nhìn tôi mỉm cười. Lòng ham thích thơ văn của một học trò 16 tuổi như tôi, dù được thể hiện bằng hàng ngàn dòng chép nắn nót, vẫn kém xa nỗi đam mê văn nghiệp của ông đã có từ lúc cùng trạc tuổi, nhưng có lẽ cũng đủ để ông cảm thông và sẵn lòng trả lời tôi vài câu hỏi hiếu kỳ. Sau đó, ông có hỏi tôi đã mượn được ở đâu để chép lại cuốn sách hiếm ấy, vì chính ông cũng đã không giữ được. Lúc tôi chào từ biệt, ông vỗ vai tôi và nói đôi lời khích lệ.

Năm ấy, ở vào tuổi 53, ông Nguyễn Vỹ trông chững chạc, bước đi hơi nhanh mà không lạch bạch như những người có cùng dáng đẫm thấp khác. Ông có giọng nói bình thản, hơi nhỏ nhưng rõ và thẳng thắn. Cũng qua câu chuyện được nghe hôm đó, tôi biết nhật báo Dân Ta của ông mới tục bản từ cuối năm 1963, lại vừa bị đóng cửa. Riêng tạp chí Phổ Thông do ông chủ trương, ra đời mấy năm trước, vẫn phát hành đều đặn một tháng hai kỳ, có nội dung đúng như tên gọi và cũng có số lượng độc giả đáng kể.

* * *

SƠ LƯỢC TIỂU SỬ:

Ngoài bút hiệu Nguyễn Vỹ và cũng là tên thật được nhiều người biết, trong các bài báo và văn đủ thể loại ông còn ký tên là Cô Diệu Huyền, Tân Phong, Tâm Trí...

Ông sinh năm Nhâm Tý (1912) tại làng Tân Phong (trước gọi là Tân Hội, ngày nay là Phổ Phong) huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi, trong một gia đình cách mạng (thân phụ là Nguyễn Thống, bác ruột là Tú tài Nguyễn Tuyên đều từng bị nhà cầm quyền Pháp bỏ tù vì tham gia phong trào Đông Du).

Năm 1927, Nguyễn Vỹ lúc đang học năm thứ 3 trường trung học Pháp Việt ở Qui Nhơn thì bị đuổi vì tham gia bãi khóa. Sau đó ra Hà Nội theo học ban Tú tài, và cũng năm ấy bắt đầu viết cho báo Tiếng Dân ở Huế của cụ Huỳnh Thúc Kháng. Dạy học một thời gian tại trường Trung học Thăng Long, cùng thời với Khái Hưng và Võ Nguyên Giáp.

Từ năm 1932, trợ bút cho các báo chí ở Hà Nội như: La Patrie Annamite, L'ami du Peuple Indochinois, Văn Học Tạp Chí, Hà Nội Báo, Đông Tây Tạp Chí, Đông Phương Tuần Báo, Tiểu Thuyết Thứ Năm, Phụ Nữ Tuần Báo... Ông thuộc nhóm nhà văn chống một số chủ trương của Tự Lực Văn Đoàn vì họ đả phá hầu hết các phong tục cổ truyền của dân tộc, lại luôn dùng từ “nhaque” (là chữ nhà quê được Pháp hóa) để miệt thị người nông thôn.

Năm 1937, Nguyễn Vỹ xuất bản tờ báo song ngữ Pháp Việt Bạch Nga - La Cygne cùng với Trương Tửu, nội dung văn nghệ và cả quan điểm chính trị quyết liệt nên bị các báo Pháp đánh giá ”Bạch Nga rõ là một con gà chọi”. Báo bị phủ Thống sứ Bắc Kỳ và chính phủ Nam Kỳ kiện tại Hà Nội, Nguyễn Vỹ bị kêu án 6 tháng tù và 3 ngàn quan tiền phạt.

Năm 1940, Nguyễn Vỹ viết 2 cuốn sách chống Nhật và Pháp bị bỏ tù lần thứ hai tại Trà Khê (tỉnh Phú Yên). Ra tù năm 1945, ông cùng một nhóm chiến sĩ quốc gia cho ra tờ báo Tổ Quốc ở Sài Gòn, chỉ được 6 số thì bị đóng cửa.

Năm 1948, ông mở một nhà in ở Đà Lạt và xuất bản tuần báo Dân Chủ được hơn một năm rồi cũng bị chính phủ Nam Kỳ đóng cửa. Năm 1952, ông đắc cử chức Chủ tịch Hội đồng Thành phố Đà Lạt. Sau một thời gian, ông lại xuất bản nhật báo Dân Ta ở Sài Gòn nhưng bị thu giấy phép vào năm 1954.

Từ năm 1957, Nguyễn Vỹ chủ trương tạp chí Phổ Thông. Cuối năm 1963 đến 1964, ông được mời tham gia Hôi đồng Nhân sĩ. Từ năm 1967 đến 1969, ông được mời vào thành phần Giám khảo giải thưởng Văn học Nghệ thuật của Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa.

TÁC PHẨM:

* Tập Thơ Đầu - Premières Poésies (thơ Việt và Pháp), tự xuất bản, Hà Nội, 1934.
* Đứa Con Hoang (tiểu thuyết), Minh Phương, Hà Nội, 1936.
* Grandeurs et Servitudes de Nguyễn Văn Nguyên (truyện ngắn, tiếng Pháp), Đông Tây, Hà Nội, 1937.
* Kẻ Thù Là Nhật Bản (luận đề chính trị), Thanh Niên, Hà Nội, 1938.
* Trước Thảm Kịch Pháp-Việt (luận đề chính trị, tiếng Việt và Pháp), tự xuất bản, Đà Lạt, 1947.
* Hào Quang Đức Phật (luận đề tôn giáo), tự xuất bản, Đà Lạt, 1948.
* Chiếc Áo Cưới Màu Hồng (tiểu thuyết), Dân Ta, Sài Gòn, 1957.
* Dây Bí Rợ (tiểu thuyết), Dân Ta, Sài Gòn, 1957.
* Hai Thiêng Liêng I & II (tiểu thuyết), Dân Ta, Sài Gòn, 1957.
* Hoang Vu (thơ), Phổ Thông, Sài Gòn, 1962.
* Mồ Hôi Nước Mắt (tiểu thuyết), Sống Mới, Sài Gòn, 1965.
* Những Người Đàn Bà Lừng Danh Lịch Sử (biên khảo), Sống Mới, Sài Gòn, 1970.
* Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (ký ức văn học), Khai Trí, Sài Gòn, 1970.
* Tuấn - Chàng Trai Nước Việt I & II (chứng tích thời đại), Chiêu Dương, Sài Gòn, 1971.

* * *

Trong làng văn làng báo Việt Nam kể từ thập niên 30 đến 70 của thế kỷ XX - đặc biệt là tại miền Nam thời kỳ hai mươi năm sau 1955, với những phát triển phong phú của ngành văn hóa truyền thông trong một xã hội dân chủ vừa được hình thành - không ai lạ gì những tên tuổi thuộc hạng kỳ cựu nhất như Nguyễn Vỹ, Bút Trà, Hồ Văn Đồng, Thinh Quang... đã và vẫn suốt đời gắn bó với văn nghiệp. Bốn vị nầy cùng xuất thân từ Quảng Ngãi, nhưng chỉ riêng Nguyễn Vỹ từng hoạt động khắp cả ba miền Bắc - Trung - Nam, sớm nhất từ năm 1927 ở Hà Nội và ngay ở độ tuổi trẻ nhất.

Nguyễn Vỹ đã nổi tiếng từ thời tiền chiến trong số những nhà văn nhà thơ tiêu biểu nửa đầu thế kỷ XX, được nhắc đến trong cả hai tác phẩm phê bình văn học cùng xuất bản năm 1942 tại Hà Nội và hầu hết các tác phẩm cùng loại về sau. Trong bộ Nhà Văn Hiện Đại của Vũ Ngọc Phan, Nguyễn Vỹ có tên trong số vỏn vẹn 9 nhà văn quê từ Quảng Bình vào Nam, 70 người kia đều có gốc Bắc. Trong cuốn Thi Nhân Việt Nam, Hoài Thanh và Hoài Chân kể ra 46 nhà thơ cả nước, và trong số 20 người từ Quảng Bình trở vào thì Nguyễn Vỹ là một trong ba nhà thơ Quảng Ngãi được nêu danh (hai người kia là Bích Khê và Tế Hanh).

Các tác giả trên và nhiều cây viết phê bình từ ấy đến nay đã dành khá nhiều trang giấy để đánh giá Nguyễn Vỹ và thơ văn của ông, cùng được xem là hiện tượng có phần khác thường. Lời khen cũng đáng kể, nhưng tiếng chê có phần nặng hơn như Lê Ta (Thế Lữ) viết trên báo Phong Hóa của Nhất Linh, đả kích và châm biếm cũng giống ý Hoài Thanh “Nguyễn Vỹ quả đã muốn lòe đời”.

Những lời phê bình khách quan lẫn chủ quan đều có nguyên do cả. Trước tiên, không thể không xét đến tâm lý dị ứng hiểu ngầm: Trong làng văn Việt Nam tập trung ở Hà Nội thời ấy, bỗng xuất hiện một cậu trai trẻ gốc gác từ một làng quê miền Trung, trong khoảng 10 năm cậu ta đi học rồi đi dạy, và cùng lúc hoặc trước sau cộng tác cho gần chục tờ báo khác nhau, với các bài đủ thể loại viết bằng tiếng Việt lẫn tiếng Pháp. Những hoạt động có thể coi là “ồn ào” ấy phải chăng đã vô tình xúc phạm những người ngồi sẵn trong chiếu làng văn, vẫn tự coi là “chính thống” ở chốn thâm nghiêm ngàn năm văn vật!

Thành kiến với Nguyễn Vỹ cũng dễ nhận ra trong các loạt bài chê lối thơ của ông tầm thường và rườm rà, khi ông đi trước thử nghiệm lối thơ 12 chân (12 pieds hoặc alexandrin) của Pháp. Bàng Bá Lân cho rằng các chỉ trích ấy đều quá đáng, và đã viết “Giữa lúc phong trào thơ mới đang bành trướng, các nhà thơ đua nhau đi tìm những chân trời mới, những ý tưởng lạ, những hình thức phô diễn tân kỳ. Nguyễn Vỹ có thử dùng lối thơ alexandrins cũng là thường... Có người như Xuân Diệu đã lấy ý rồi dịch bài thơ Pháp (đổi “Đi là chết trong lòng một ít” (Partir, c'est mourir un peu) ra “Yêu là chết trong lòng một ít” rồi nhận mình là tác giả, lại chẳng ai nêu ra để phê phán...”. (Kỷ Niệm Văn Thi Sĩ Hiện Đại, trang 143).

Thơ Nguyễn Vỹ lại dễ gây cảm xúc, vừa bất ngờ vừa tương phản xảy ra cùng lúc. Lối thơ đã lạ mà ý thì nặng trĩu. Giọt sương bé nhỏ của ông cũng “nặng trĩu” nỗi niềm như ý của câu thơ tưởng chỉ thoảng tiếng thở dài của Nguyễn Khuyến:

Lần lữa lấy chi đền tấc bóng,
Sao con đàn hát vẫn say sưa?

Hoặc lời nhẹ nhàng than trách của Phan Châu Trinh :

Muôn dân nô lệ quân cường bạo,
Tám vế văn chương giấc ngủ nồng!

Rõ ràng, người ta dễ mê những câu thơ tình tứ và êm ái hơn :

Mau với chứ, vội vàng lên với chứ!
Em, em ơi! Tình non đã già rồi!
(Xuân Diệu)

Nai cao gót lẫn trong mù,
Xuống rừng nẻo thuộc, nhìn thu mới về.
(Huy Cận)

Trăng nằm sóng soải trên cành liễu
Đợi gió đông về để lả lơi...
(Hàn Mặc Tử)

Nhưng, phải chăng những lời thơ ấy cũng du dương như khúc “Hậu Đình Hoa” đã được Đỗ Mục đời Đường nhắc đến để chỉ trích thái độ vô tư hưởng lạc của một số người vào thời Trung Hoa bị ngoại bang cai trị:

Thương nữ bất tri vong quốc hận,
Cách giang do xướng Hậu Đình Hoa!

Nhiều người cũng có lý riêng để chê Nguyễn Vỹ “lòe đời”, vì họ cũng có tâm trạng như Lê Ta, an phận “Gậm một mối căm hờn trong cũi sắt” và quên đời “Ta nằm dài trông ngày tháng dần qua”.

Ngay cả Tản Đà, nhà thơ tài hoa từng tỏ lòng mình qua Vịnh Bức Dư Đồ Rách hoặc Thề Non Nước, rồi cũng dìm mình vào cơn say:

Làng văn chi thiếu khách đua chơi
Dan díu như ai, tớ với đời.

Hai câu thơ trong bài Còn Chơi của Tản Đà này hẳn cũng được một số người đắc ý và tán tụng, hơn là bài Hết Chơi do Nguyễn Vỹ họa lại để đối chát:

Đua nhau hoa nguyệt gọi là chơi?
Không hổ tài thơ giữa cõi đời?
Đời sống mênh mông trong khổ lụy,
Ông còn chơi mãi vẫn chưa thôi?

Bài Hết Chơi nầy chắc chắn không những bị chê mà còn bị lên án bởi một giới khác, chính là nhà cầm quyền Pháp. Giới nầy chỉ khuyến khích thơ văn mùi mẫn và sẵn sàng tiếp hơi với rượu và thuốc phiện!

Mãi sau nầy, Nguyễn Vỹ vẫn còn bị nhìn một cách lệch lạc, như chủ ý khá dụng công của Võ Phiến trong một đoạn so sánh tính chất và thái độ của hai thế hệ nhà văn tại miền Nam sau 1955. Võ Phiến khi đưa ra Nhất Linh và Nguyễn Vỹ như điển hình thuộc lớp già để so với lớp trẻ; tiện thể Võ Phiến cũng nêu ý kiến về phong cách khác nhau của hai vị nầy rất đối chọi, chủ quan phân định trọng và khinh, thanh và tục: “Già dễ dãi bình dân như Nguyễn Vỹ hay già tinh tế trí thức như Nhất Linh - họ đều có chỗ giống nhau và họ đều khác hẳn lớp trẻ - khác như những tờ tạp chí Phổ Thông, Văn Hóa Ngày Nay đặt bên cạnh những tờ Thế Kỷ Hai Mươi (và v.v...). Một bên ung dung giản dị, cười cợt hoặc tủm tỉm, hoặc hô hố tuệch toạc...” (Tổng Quan Văn Học Miền Nam, tr. 128).

Tất nhiên, cái cười “hô hố, tuệch toạc” là lối đặc tả của Võ Phiến dành riêng cho “nhà văn dễ dãi bình dân như Nguyễn Vỹ”, chứ không phải nói về Nhất Linh.

Đành rằng có những nhà văn nhắm đến một số độc giả chọn lọc, nhưng nhiều người khác trong đó có Nguyễn Vỹ lại hướng về bạn đọc bình dân, như một tôn chỉ dễ nhận ra qua cách đặt tên báo của ông là Dân Ta hoặc Phổ Thông... Nhưng Võ Phiến - thường được biết như có tài “chẻ sợi tóc làm tư” - lần nầy có lẽ “chẻ lỗi” khi đặt cái “cười cợt hô hố” lên khuôn mặt Nguyễn Vỹ, vốn là người được Bàng Bá Lân (gần gũi Nguyễn Vỹ thường xuyên vì phụ trách mục Những Áng Thơ Hay trên báo Phổ Thông) mô tả như sau:

-“Anh nói nhỏ nhưng rõ với giọng đều đều, hơi lạnh lùng, ít thiện cảm... Về sau hiểu anh hơn, tôi mới thấy rằng trong cái vẻ bề ngoài ít niềm nở ấy chứa đựng những tình cảm khá chân thành” (Kỷ Niệm Văn Thi Sĩ Hiện Đại, trang 148).

Nguyễn Hiến Lê cũng có cảm tưởng như Bàng Bá Lân về Nguyễn Vỹ (Kỷ Niệm Văn Thi Sĩ Hiện Đại II, trang 256), nhà học giả miền Nam nầy hẳn hiểu rõ hơn cái văn phong không rào đón của con người bộc trực Nguyễn Vỹ. Và ngay cả tôi, chỉ được gặp ông một lần ngắn ngủi thời tôi còn trẻ, cũng không thể tưởng tượng Nguyễn Vỹ lại dễ dãi bình dân. Văn tức là người, và Nguyễn Vỹ được nhìn qua thơ của mình bằng con mắt của Hoài Thanh và Hoài Chân:

-“Tôi tin rằng linh hồn chung của một lớp người đủ phức tạp để cảm thông với hầu hết những thơ văn có giá trị. Một bài như bài “Sương Rơi” được rất nhiều người thích. Người ta thấy Nguyễn Vỹ đã sáng tạo ra một nhạc điệu riêng để tả một cái gì đang rơi. Cái gì đó có thể là những giọt sương, cũng có thể là những giọt lệ hay những giọt gì rơi đều đều, chầm chậm trong lòng ta mỗi lúc vẩn vơ buồn ta đứng một mình lặng lẽ”

SƯƠNG RƠI

Sương rơi
Nặng trĩu
Trên cành
Dương liễu... Rồi hạt
Nhưng hơi Sương trong Rơi sương,
Gió bấc Tan-tác Cành dương
Lạnh lùng Trong lòng Liễu ngả.
Hiu hắt Tả tơi, Gió mưa
Thấm vào, Em ơi, Tơi tả
Em ơi, Từng giọt Từng giọt
Trong lòng Thánh thót, Thánh thót,
Hạt sương Từng giọt Từng giọt
Thành một Điêu tàn Tơi bời,
Vết thuong... Trên nấm Mưa rơi,
Mồ hoang!... Gió rơi,
Lá rơi,
Em ơi!

Nguyễn Vỹ không hẳn chỉ “vẩn vơ buồn” như Hoài Thanh nói. Sương Rơi chính là niềm u uẩn nặng trĩu về kiếp người mong manh và cũng là niềm xót xa vô bờ về số phận bi thảm của quê hương dân tộc thời ấy, được ông bày giải bằng lối thơ hai chữ được chính ông vận dụng lần đầu tiên vào thơ Việt. Nỗi niềm ấy cũng có thể nhận ra trong một bài thơ khác, với lối thơ hình quả trám rất lạ (thơ losane đã được các thi sĩ phương Tây dùng từ lâu), cũng do Nguyễn Vỹ đi trước thử nghiệm:

MƯA RÀO

Mưa
Lưa thưa
Vài ba giọt ...
Như rót rã rời
Giọt lệ tình đau xót
Như mây mịt mù gió đưa
Cây lá rung xào xạc giữa trưa
Mưa đổ xuống ào ạt, mưa, mưa, mưa!
Thời gian trôi tan tác theo tiếng mưa cười;
Không-gian tan nát dập vùi theo thác mưa trôi.
Đàn em thơ nhào ra đường, giỡn hớt chạy dầm mưa.
Cỏ hoa mừng nên vận hội, ngả nghiêng tắm gội say sưa,
Nhưng ta không vui không mừng lòng không ca hát!
Ta đưa tay ra trời, xin dòng mưa thấm mát,
Tưới vết thương còn héo hắt tự năm xưa!
Nhưng ô kìa! Mưa rụng chóng tàn chưa!
Trời xanh xanh, mây bay tan tác,
Ai còn ươm hạt mưa đào
Lóng lánh trong tim hoa?
Ai ươm mưa sầu,
Ôi mong manh
Trong tim
Ta !
(Sài Gòn, một chiều Hè 1959)

Ông lại có những bài viết theo lối thơ rất cổ Trung Hoa, trong đó có bài được coi là xuất sắc nhất:

GỞI TRƯƠNG TỬU
(Viết trong lúc say)

Nay ta thèm rượu nhớ mong ai!
Một mình nhắp nhém, chẳng buồn say!
Trước kia hai thằng hết một nậm,
Trò chuyện dông dài, mặt đỏ xẫm.
Nay một mình ta một be con,
Cạn rượu rồi thơ mới véo von!

Dạo ấy chúng mình nghèo xơ xác,
Mà vẫn coi tiền như cỏ rác.
Kiếm được đồng nào đem tiêu hoang
Rủ nhau chè chén, nói huênh hoang.
Xáo trộn văn chương với chả cá,
Chửi Đông, chửi Tây, chửi tất cả,
Rồi ngủ một đêm mộng với mê,
Sáng dậy nhìn nhau cười hê hê!

Thời thế bây giờ vẫn thấy khó,
Nhà văn An Nam khổ như chó!
Mỗi lần cầm bút viết văn chương,
Nhìn đàn chó đói gặm trơ xương,
Rồi nhìn chúng mình hì hục viết,
Suốt mấy năm trời kiết vẫn kiết,
Mà thương cho tôi, thương cho anh,
Đã rụng bao nhiêu mớ tóc xanh!

Bao giờ chúng mình thật ngất ngưỡng?
Tôi làm Trạng nguyên, anh Tể tướng,
Rồi anh bên võ, tôi bên văn,
Múa bút, tung gươm hả một phen?
Cho bõ căm hờn cái xã hội
Mà anh thường kêu mục, nát, thối?
Cho người làm ruộng, kẻ làm công,
Đều được an vui hớn hở lòng?

Bao giờ chúng mình gạch một chữ
Làm cho đảo điên pho lịch sử
Làm cho bốn mươi thế kỷ xưa
Hất mồ nhổm dậy cười say sưa,
Để xem hai chàng trai quắc thước
Quét sạch quân thù trên Đất Nước?
Để cho toàn thể dân Việt Nam
Đều được Tự do muôn muôn năm?
Để cho muôn muôn đời dân tộc
Hết đói rét, lầm than, tang tóc?

Chứ như bây giờ là trò chơi!
Làm báo làm bung chán mớ đời!
Anh đi che tàn một lũ ngốc,
Triết lý con tiều, văn chương cóc!
Còn tôi bưng thúng theo đàn bà
Ra chợ bán văn, ngày tháng qua!
Cho nên tôi buồn không biết mấy!
Đời còn nhố nhăng, ta chịu vậy!
Ngồi buồn lấy rượu uống say sưa,
Bực chí, thành say mấy cũng vừa!
Mẹ cha cái kiếp làm thi sĩ!
Chơi nước cờ cao gặp vận bĩ!
Rồi đâm ra điên, đâm vẩn vơ,
Rốt cuộc chỉ còn... mộng với mơ!
(Viết rồi hãy còn say)

Hoài Thanh và Hoài Chân đánh giá:

-“Thực là một kiệt tác của Nguyễn Vỹ. Trong lúc say, Nguyễn Vỹ đã quên được cái tật cố hữu của người, cái tật lòe đời, người đã quên những câu thơ hai chữ và những câu thơ mười hai chữ. Người dùng lối thơ rất bình dị, rất xưa, lối thơ thất ngôn tràng thiên liên vận và liên châu... Lời thơ thống thiết, uất ức, đủ giải nỗi bi phẫn cho cả một hạng người. Một hạng người nếu có tội với xã hội (lời người viết: Sao lại có tội với xã hội? Tội ấy thực ra là do cường quyền áp đặt!) thì cũng có chút công, một hạng người đã đau khổ nhiều lắm, hạng sống bằng nghề văn. Hãy cho đi là họ không có gì xuất chúng thì ít nhất họ cũng đã nuôi những giấc mộng to lớn khác thường.
Nhưng đời không chiều họ, đụng vào sự thực, những giấc mộng của họ đều tan tành và lần lượt bỏ thây ở dọc đường hay trong một căn phòng bố thí...Nguyễn Vỹ đã làm bài thơ nầy trong một lúc vô cùng buồn giận vì cái nghiệp văn chương. Những ai cùng một cảnh huống, xem thơ tưởng có thể khóc lên được...”

Cây bút Nguyễn Hưng Quốc nói thêm:

-“Nguyễn Vỹ đã thành công rực rỡ... Bài thơ không những thể hiện tâm trạng của một hạng người mà còn rất mới trong cái khuôn thơ cũ, vì chưa bao giờ có trong lịch sử thi ca Việt Nam, kể cả trong thơ Cao Bá Quát và Trần Tế Xương” (Nghĩ Về Thơ, trang 102).

Riêng Tản Đà, sau khi đọc bài Hết Say và nhất là bài Gởi Trương Tửu, có hỏi Nguyễn Vỹ:

-“Sao anh lại ví nhà văn chúng mình với chó? Anh không xấu hổ à?”.

và được đáp lại:

-“Tôi có ví như thế thì chó xấu hổ, chứ chúng ta xấu hổ nỗi gì!”

Có lẽ Tản Đà buồn tình đời hơn là giận Nguyễn Vỹ. Từng khổ với nghề cầm bút, Tản Đà chỉ than thở:

Bao nhiêu củi nước mới thành văn
Bán được văn ra chết mấy lần
Ông chủ nhà in in đã đắt
Lại ông hàng sách mấy mươi phân

Cảnh khổ mà Hoài Thanh và Hoài Chân chỉ nói mơ hồ, thực ra đã xảy đến cho rất nhiều người thuộc hạng sống bằng nghề văn ở Việt Nam suốt thế kỷ XX, được Tản Đà là người đầu tiên thổ lộ một phần; và Nguyễn Hưng Quốc đã nhận ra chính Nguyễn Vỹ đã không những không sĩ diện hão khi ví von thân phận nhà văn, mà còn dám nói toạc ra nhà cầm quyền Việt và Pháp đương thời là thủ phạm gây khốn khổ riêng cho nhà văn và chung cho cả dân “An Nam”.

Bài thơ viết trong cơn say nhưng Nguyễn Vỹ rất tỉnh. Gởi Trương Tửu không giống như hầu hết văn thơ đầy mê đắm của những người thực ra rất tỉnh, và cả những người rất tỉnh lại đi tìm cơn say như Tản Đà, để tự biến mình thành đà điểu coi văn chương như đụn cát vùi đầu vào trốn thực tế đời sống. Lời thơ cực tả của Nguyễn Vỹ hẳn còn gây cho nhiều người trong làng văn vừa sửng sốt vừa khó chịu.

Điều đáng ngạc nhiên là cái tâm lý “khó chịu” ấy vẫn cứ tồn tại nhiều chục năm về sau, đã dẫn dắt các cây bút bình văn “chăm bẳm” phân tích từng câu, từng đoạn các tác phẩm gọi là “chẳng ra gì” của Nguyễn Vỹ. Những người được gọi là sính văn chương, sao lại không biết hoặc có thể quên rằng xưa nay đã có không ít thi sĩ chỉ cần có một bài thơ đáng giá thôi, cũng đủ lưu danh với đời: Trương Kế với Phong Kiều Dạ Bạc, Thôi Hộ với Đề Tích Sở Kiến Xứ, Thâm Tâm với Tống Biệt Hành, Nguyễn Bá Trác với Hồ Trường, Hữu Loan với Màu Tím Hoa Sim, Phùng Quán với Lời Mẹ Dặn...

Hai bài Sương Rơi và Gởi Trương Tửu đã xưa bằng một đời người và Nguyễn Vỹ đã qua đời hơn 30 năm trước, nhưng bao giờ nhà văn và cả dân Việt còn khổ, Nguyễn Vỹ và thơ của ông hẳn vẫn còn được nhớ đến.

Cũng khác với Tản Đà, trong bài thơ có câu “Văn chương hạ giới rẻ như bèo” rồi đã xoay xở “Anh gánh lên đây bán chợ trời” để lo cho riêng mình, Nguyễn Vỹ nghĩ đến cả mọi người đồng cảnh ngộ:

Rồi nhìn chúng mình hì hục viết,
Suốt mấy năm trời kiết vẫn kiết,
Mà thương cho tôi, thương cho anh,
Đã rụng bao nhiêu mớ tóc xanh!

Nguyễn Vỹ không chỉ nghĩ, mà khi đứng chủ báo ông đã làm cho nhà văn bớt “kiết”, như đã được Bàng Bá Lân nhắc đến:

-“Một điều đáng kể là sổ sách rất đàng hoàng, tiền nhuận bút của các ký giả và văn hữu viết giúp được trả rất sòng phẳng, mau chóng. Đó là điều mà đa số các chủ báo khác không mấy lưu tâm”.

Thời chủ trương tạp chí Phổ Thông, Nguyễn Vỹ được sự cộng tác của một số cây bút tên tuổi như thi sĩ Bàng Bá Lân với mục Những Áng Thơ Hay, nhà phê bình Thiếu Sơn với Phê Bình Văn Học, Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Văn Cổn với Lá Thư Paris, và các nữ sĩ như Tuệ Mai và Minh Đức Hoài Trinh.

Riêng Nguyễn Vỹ, với các bút hiệu khác nhau, cũng phụ trách nhiều mục trên báo Phổ Thông. Theo Bàng Bá Lân trong Kỷ Niệm Văn Thi Sĩ Hiện Đại, trang 157:

-“Luận thuyết, biên khảo, phê bình, hồi ký, truyện ngắn, truyện dài... Loại nào anh viết cũng được... đều có ưu điểm thích hợp với mọi từng lớp (trí thức cũng như bình dân) và khá hấp dẫn... Ta phải công nhận anh là một nhà báo có tài...”.

Bàng Bá Lân còn nói:

-“không giống như hầu hết các văn nghệ sĩ có lối sống hay bừa bãi, việc làm thường thiếu tổ chức... nhưng việc làm báo của Nguyễn Vỹ thì phải nhận là có tổ chức chặt chẽ và đứng đắn. Báo ra đúng kỳ hạn, bài vở đều đặn...”.

Nguyễn Vỹ sòng phẳng với người và cũng thành thật về mình, khi được hỏi về các đứa con tinh thần của ông “tác phẩm nào do tim và hồn tôi đã phôi thai trong hoàn cảnh thiếu thốn, có tật què một chân hay câm một chữ, thì anh cứ tin rằng quyển sách hoặc bài thơ đó được tôi yêu nhất” (Kỷ Niệm Văn Thi Sĩ Hiện Đại, trang 158).

Thẳng thắn nhận nhược điểm qua tác phẩm của mình là một điều hiếm thấy trong giới cầm bút mọi thời, Nguyễn Vỹ lại sẵn sàng chịu khổ nghèo khi chọn văn nghiệp làm lẽ sống là một việc hiếm khác. Nhiều người thời ấy chỉ cần Chứng chỉ Tiểu học hoặc Trung học cũng đủ đi làm thư lại trung cấp cho Tây để hưởng vinh thân phì gia. Ngay cả Phạm Quỳnh và Nguyễn Văn Vĩnh cũng chưa tốt nghiệp Trung học mà chỉ có bằng Thông ngôn, nên Nguyễn Vỹ hẳn là một trong số rất ít nhà văn tiền chiến đã có bằng Tú tài Pháp (1932). Qua các tác phẩm, bài diễn thuyết, và nhất là các bài báo viết bằng tiếng Việt và cả tiếng Pháp, lại dễ nhận ra đặc tính sống động của Nguyễn Vỹ khác hẳn với lối làm báo bàn giấy của nhiều tên tuổi đương thời như Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Huỳnh Thúc Kháng, Nhất Linh... Nguyễn Vỹ đã xông xáo khắp cả 3 miền đất nước, tiếp xúc với đủ mọi thành phần xã hội (chính quyền, đảng phái, tôn giáo, quần chúng mọi ngành nghề, tù nhân...) kể cả người ngoại quốc đến Việt Nam với các công việc khác nhau. Với phương pháp làm báo tân tiến không khác gì thời nay, Nguyễn Vỹ lưu giữ đầy đủ các tài liệu quan trọng, lại có trí nhớ tốt nên các bài viết của ông giúp người đọc có được khái niệm khá chính xác về các thời kỳ vô cùng phức tạp tại Việt Nam hơn nửa thế kỷ, như đã được Nguyễn Vỹ sử dụng trong hai tác phẩm sau cùng của ông xuất bản vào năm 1970 và 1971.

Thực vậy, chẳng hạn trong cuốn Văn Thi Sĩ Tiền Chiến, tuy Nguyễn Vỹ cũng đề cập đến các cây bút đã được kể ra trong hai bộ Thi Nhân Việt Nam và Nhà Văn Hiện Đại nhưng khác với Hoài Thanh và Vũ Ngọc Phan hầu như chỉ ngồi ở bàn viết để điểm các tác giả qua tác phẩm của họ, Nguyễn Vỹ còn giúp độc giả của ông cơ hội được nhìn thấy đời thật của các văn thi sĩ tiền chiến ở cả ba miền đất nước, vì chính ông hơn ai hết là người viết văn vừa làm báo đã tận mặt tiếp xúc với gần trọn đồng nghiệp của mình. Chính hai yếu tố văn và người cùng được Nguyễn Vỹ nêu ra, đã tạo cho tác phẩm Văn Thi Sĩ Tiền Chiến một giá trị riêng và đáng được tin cậy.

Là một văn thi sĩ, Nguyễn Vỹ và đồng nghiệp cùng thời dù có cuộc đời dài ngắn khác nhau, vẫn nối tiếp cùng dân tộc trải qua một thời kỳ lịch sử phức tạp kéo dài suốt thế kỷ. Tất cả những biến động thời thế ấy đã ghi những dấu ấn đủ màu sắc trong văn học Việt Nam, tạo nên những hiện tượng cả thật lẫn giả, như da con kỳ nhông ngoài màu chính lại có thể đổi ra đỏ, xanh, vàng... để tồn tại tùy môi trường sống. Nguyễn Vỹ đã không hoặc không thể đổi màu, nên từng bị cả Nhật, Tây và triều đình An Nam bắt tội. Và năm 1945, ông đã về Sài Gòn thay vì trở lại Hà Nội, sau khi ra khỏi trại tù miền Trung.

Chọn Sài Gòn làm đất dụng văn, Nguyễn Vỹ đã xuất bản được tác phẩm luận đề chính trị Trước Thảm Kịch Việt - Pháp với lập trường chống nhà đương quyền Pháp, ông và những tư nhân khác cũng có quyền phát hành sách báo dù có thể bị thu hồi giấy phép. Từ năm 1945, ông đã sớm nhận ra miền Nam ít nhiều vẫn có tự do ngôn luận, điều mà những đồng nghiệp cùng thời với ông ở miền Bắc mười năm sau mới biết, và mãi 40 năm sau nhà báo Nguyễn Văn Trấn lúc về già mới thẳng thắn nói ra.

Và cũng qua từng ấy năm, câu thơ ví von của Nguyễn Vỹ “nhà văn An Nam khổ như chó” vẫn để đời, không phải là quá đáng. Từ nhà văn “An Nam” trở thành nhà văn Việt Nam khi nước nhà độc lập, trong các bối cảnh chính trị khác nhau diễn tiến theo thời thế, cái khổ rõ là vẫn còn đeo đuổi hạng người nầy ở cả 2 miền Nam Bắc, qua các thời kỳ có hẳn các tên gọi: nhà văn phản tỉnh (46), Nhân Văn Giai Phẩm, văn nghệ sĩ lao động thực tế (58), tòa soạn tự ý đục bỏ (60), nhà báo bị gậy xuống đường (74), văn nghệ sĩ cải tạo (75), cởi trói (rồi trói lại) văn nghệ (85), nhà văn già sám hối và phản kháng (90)... Nỗi khổ triền miên ấy đã thui chột văn tài của hầu hết các cây bút nổi danh từ tiền chiến, và họ chỉ còn vang bóng một thời như Nguyễn Tuân, và bao người khác, dù còn sống thêm nhiều chục năm vẫn không có được công trình văn học nào đáng kể, sau khi đã “phản tỉnh” và tự phủ nhận những tác phẩm giá trị đã đưa họ vào văn học sử Việt Nam.

Ngay cả ở miền Nam, Nguyễn Vỹ cũng đã buồn nghe Nhất Linh một lần tâm sự:

-“Tôi thì hết tin tưởng vào đời sống và thế hệ ngày nay. Họ bảo tôi kiêu ngạo, tự cao tự đại. Anh xem có vô lý không? Tôi không chịu được họ, không có nghĩa là tôi tự cao tự đại” (Văn Thi Sĩ Tiền Chiến, trang 162).

Ít lâu sau lần gặp Nguyễn Vỹ, Nhất Linh đã tự vẫn (1963) như một cách biểu lộ thái độ bất khuất của con người tự do và một kẻ sĩ tự trọng trước áp chế của chính quyền đương thời.

Đường đời và đường văn quả lắm chông gai. Nhưng Nguyễn Vỹ vốn tự tin, và nhiều năm sau ở vào tuổi lục tuần, sức khỏe và sức viết của ông vẫn sung mãn. Ngay sau Văn Thi Sĩ Hiện Đại, tập I và II thì Tuấn - Chàng Trai Nước Việt cũng được lần lượt xuất bản, cộng chung gần 2000 trang.

Nguyễn Vỹ vẫn vững bước, vững bước như Tuấn - nhân vật chính trong tác phẩm của ông, viết theo dạng hồi ký biến thể, vẫn lối văn thẳng thắn và giản dị quen thuộc, nhưng có tính xác thực cao vì ông có ghi chú rõ ràng từng thời gian địa điểm, kèm theo phụ bản về cảnh và người liên quan đến các sự kiện và biến cố trong mọi lãnh vực được ông kể lại. Tác phẩm nầy khác với các hồi ký xuất bản hàng loạt (tự viết hoặc thuê viết) vào những thập niên sau, lại không giống vài cuốn hồi ký hiếm hoi trước đó như Một Cơn Gió Bụi của Trần Trọng Kim hoặc Bên Dòng Lịch Sử của Cao Văn Luận.

Nội dung hồi ký của các tác giả khác nói chung cũng có giá trị riêng và mức tin cậy nhiều hay ít, nhưng thường chỉ là những ghi nhận từ xa và đã qua về các biến cố và sự kiện cùng các chế độ với những nhân vật liên quan đã qua đời hoặc hết thời. Riêng tác phẩm Tuấn, Chàng Trai Nước Việt Chứng Tích Thời Đại từ 1900 đến 1970, Nguyễn Vỹ đã có chủ ý không những thuật lại mà còn dẫn dắt các liên quan từ quá khứ sang hiện tại và đến tương lai.

Thật vậy, Nguyễn Vỹ qua nhân vật Tuấn hầu như lúc nào cũng có mặt, đã viết thật và rõ về những điều ông nghĩ, biết và thấy về các ý đồ đen tối của những kẻ sâu dân mọt nước và các thế lực chính trị với các nhân vật đã, đang hoặc sắp nắm quyền cai trị không ngại triệt hạ bất cứ ai có hành động hoặc tư tưởng chống đối. Như vậy, Nguyễn Vỹõ có thể đã cùng lúc nhận cả hai bản án nặng nhất của hai quan tòa không ra mặt, vốn nghịch nhau nhưng đều có quyền sinh sát. Tác phẩm Tuấn - Chàng Trai Nước Việt là một bộ gồm nhiều cuốn, năm 1971 Nguyễn Vỹ chỉ kịp xuất bản cuốn I và II ghi chứng tích thời đại từ 1900 đến 1945. Những cuốn sau là các chứng tích kế tiếp đến năm 1970, đã và sẽ không bao giờ đến tay người đọc của ông nữa, vì chẳng bao lâu sau trong cùng năm ấy, Nguyễn Vỹ tử nạn lưu thông trên đường Mỹ Tho về Sài Gòn. Đây cũng là dịp lại có những ý kiến phê bình khác, hoặc là lời chê cuối cùng từ một số đồng nghiệp vốn đố kỵ ông, có thể đã được bàn tán nhưng không tiện viết ra. Chẳng hạn, những người như Hoài Thanh từng nói Nguyễn Vỹ lòe đời, lần nầy giả thử biết tin về cái chết của ông hẳn sẽ chê tiếp: “viết mà không biết lách”. Còn những người như Thế Lữ, đến lúc ấy chẳng những cảm thông mà còn thầm phục Nguyễn Vỹ, vì “... từ năm 1945 đến hết đời, Thế Lữ không làm bài thơ nào nữa, viện cớ tôi chưa chỉnh được cái đầu nên chưa làm (thơ)... - theo Xuân Vũ, trang 102, Văn Nghệ Sĩ Miền Bắc”. (Điều nầy cũng dễ hiểu vì Thế Lữ nhà thơ xuất sắc của Tự Lực Văn Đoàn có thể là một trong số rất ít người không muốn bị Phan Khôi thuộc nhóm Nhân Văn Giai Phẩm xếp vào hạng cu li văn nghệ).

DÒNG TƯỞNG NIỆM THAY LỜI KẾT:

Nguyễn Vỹ qua đời vào thời điểm mỗi ngày còn có hàng trăm đồng bào ngã gục dưới bom đạn trong cuộc chiến tranh đang hồi khốc liệt. Trong bối cảnh ấy, những người sống hẳn lo âu về số phận của riêng mình hơn là bận tâm đến những người đã nằm xuống, nên cái chết của Nguyễn Vỹ chỉ gây vài xôn xao trong làng báo rồi sớm chìm vào quên lãng.

Nhưng, một người như Nguyễn Vỹ đáng được nhắc đến. Qua gần một thế kỷ dằng dặc nhiễu nhương trên đất nước Việt Nam: thời bị ngoại nhân đô hộ - thời chiến tranh chống ngoại xâm - thời đất nước phân ly và nồi da xáo thịt, Nguyễn Vỹ luôn tỏ được nhân cách của ông trong suốt một đời gắn bó với văn nghiệp. Những hoạt động và nhất là qua các tác phẩm, cho thấy ông là người nặng tình quê hương dân tộc với lý tưởng quốc gia thuần túy. Ông luôn luôn ngưỡng mộ và tán tụng những nhà ái quốc Nguyễn Thái Học, Ngô Đức Kế, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh... mà chính ông đã có nhiều dịp được diện kiến. Ông không có tham vọng chính trị và cũng không đứng về phía chính quyền hoặc tổ chức cách mạng nào vì hiểu rằng mỹ từ cách mạng luôn được diễn giải khác nhau hoặc thậm chí nghịch nhau tùy chủ trương và mục đích chính trị. Vì thế, khi có hai quyền lực tương tranh, vô hình trung Nguyễn Vỹ thành người đứng giữa, và cũng giữa cả hai lằn đạn.

Thực vậy, ông đã từng trả giá với hàng chục lần sách báo bị tịch thu hoặc đóng cửa, kể cả vào tù ra tội dưới các chính quyền khác nhau và kế tiếp nhau. Nhưng, ông vẫn cứ thẳng đường bước lên chông gai mà đi lên phía trước, khi nhiều nhà văn cùng thời đã hơn một lần uốn cong ngòi bút để xoay hướng theo thời thế. Và cái giá cuối cùng và đắt nhất mà Nguyễn Vỹ phải trả là chính sinh mạng của ông.

Trong số gần 100 văn thi sĩ tiêu biểu được cả Hoài Thanh và Vũ Ngọc Phan kể ra trong hai tác phẩm của họ từ thời tiền chiến, chỉ có độ hai phần ba thực sự được ghi vào văn học sử Việt Nam cận đại. Nhưng nếu lựa lọc riêng những cây bút trung thực nhất, suốt đời đã thực hiện được thiên chức cao quí của nhà văn, hẳn chỉ còn ít hơn một phần ba là xứng đáng, vì:

Người làm xiếc đi dây rất khó
Nhưng không khó bằng làm nhà văn
Đi trọn đời trên con đường chân thật
(Lời Mẹ Dặn, Phùng Quán)

Nguyễn Vỹ đã đi trọn đời trên con đường chân thật ấy, cho đến khi bị cường lực đè ngã xuống. Án mạng ấy là một nghi vấn không bao giờ có câu trả lời xác thực. Ông hẳn đã hiểu lẽ tử sinh của người đời và càng hiểu số phận bạc bẽo của hạng nhà văn mà ông đã chọn từ thời trai trẻ, số phận mà chính Hoài Thanh từng nói trong phần bình thơ Nguyễn Vỹ từ năm 1940, không ngờ 30 năm sau lại ứng vào chính Nguyễn Vỹ: “Nhưng đời không chiều họ, đụng vào sự thực, những giấc mộng của họ đều tan tành và lần lượt bỏ thây ở dọc đường...”

Là một kẻ hậu sinh, tôi viết bài nầy để tưởng niệm Nguyễn Vỹ, người đã sinh ra ở xứ Quảng - núi Ấn sông Trà và là một nhà văn kẻ sĩ trọn đời một tấm lòng son với nước non dân tộc.

TRẦN QUẢNG Á

Sách tham khảo:
1. Nhà Văn Hiện Đại - Vũ Ngọc Phan, 1942.
2. Thi Nhân Việt Nam - Hoài Thanh & Hoài Chân, 1942.
3. Kỷ Niệm Văn Thi Sĩ Hiện Đại II - Bàng Bá Lân, NXB Xây Dựng, Sài Gòn, 1963.
4. Việt Nam Thi Nhân Tiền Chiến, quyển thượng - Nguyễn Tấn Long & Nguyễn Hữu Trọng, NXB Xuân Thu, Hoa Kỳ (không ghi năm tái bản).
5. Tổng Quan Văn Học Miền Nam - Võ Phiến, Văn Nghệ, Hoa Kỳ, 1988.
6. Nghĩ Về Thơ - Nguyễn Hưng Quốc, Văn Nghệ, Cali, 1989.
7. Văn Học Từ Điển - Thanh Tùng, Khai Trí, Sài Gòn, 1974.
8. Văn Nghệ Sĩ Miền Bắc - Xuân Vũ, Đại Nam, Hoa Kỳ, 1997.
Và các tác phẩm của Nguyễn Vỹ.

Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh