QUẢNG NGÃI TRONG TÔI
Sáng tác & trình bày: Lê Đình Thậm
Trong thời gian sống ở Huế, tôi có quen biết nhiều em sinh viên quê đảo Lý Sơn đang theo học các trường đại học ở Huế. Các em đã kể cho tôi nghe về vùng đất Lý Sơn và tôi đã ấp ủ trong lòng là khi nào gặp dịp tôi sẽ nhận lời ra đảo Lý Sơn lập tức mà không phải chần chừ suy nghĩ. Phải mất gần 20 năm sau ước nguyện ấy mới thành hiện thực.
Bình minh trên đảo Lý Sơn
Ngày 13.08.2014 là ngày Lễ Khánh thành và Cung hiến thánh đường của giáo xứ Lý Sơn. Tôi có một người thân quen trước đây vào ngày 20.07.2012 đã ra Lý Sơn dự Lễ Khởi công xây dựng lại nhà thờ Lý Sơn, nay mời tôi ra dự Lễ Khánh thành. Điểm hẹn để ra Lý Sơn là cảng Sa Kỳ. Cảng Sa Kỳ thuộc xã Bình Châu, huyện Bình Sơn. Từ Quốc lộ 1 (bờ bắc sông Trà Khúc) xuống cảng Sa Kỳ khoảng 15 cây số. Từ cảng Sa Kỳ nhìn ra khơi thấy đảo Lý Sơn. Đảo cách đất liền khoảng 30 cây số. Đúng 14 giờ ngày 12.08.2014 tàu cao tốc sẽ đưa đoàn người tham dự Lễ Khánh thành nhà thờ Lý Sơn ra đảo. Trên tàu có Tổng Giám mục Leopoldo Girelli - Đại diện không thường trú của Tòa thánh Vatican tại Việt Nam, Giám mục Mat thêu Nguyễn Văn Khôi - Giám mục Giáo phận Quy Nhơn. Sau hơn một tiếng đồng hồ trên biển khơi tàu cập bến. Từ bến vào đến nhà thờ Lý Sơn khoảng 4 cây số, có xe con đưa đón tất cả quan khách vào đến tận nhà thờ. Trên đảo cũng có nhà nghỉ, nhà hàng, cây xăng…như ở đất liền.
Mặt trước của nhà thờ Lý Sơn
Chuông trên tháp cao của nhà thờ Lý Sơn ngân vang đón chào quan khách. Sau khi nhận chỗ nghỉ đêm và biết rằng vào lúc 14 giờ ngày hôm sau là phải rời đảo Lý sơn để trở về đất liền, nên tôi đã tranh thủ đi tham quan đảo Lý Sơn. Huyện đảo Lý Sơn có diện tích là 9,97 cây số vuông. Theo như Đồng Khánh dư địa chí quyển viết về tỉnh Quảng Ngãi bằng chữ Hán trong quãng năm 1886-1888 cho biết là vào thời đó trên đảo Lý Sơn có hai phường: phường An Vĩnh xã Lý Sơn và phường An Hải xã Lý Sơn thuộc tổng Bình Hà, huyện Bình Sơn. Sau năm 1930, phường An Hải đổi thành xã Hải Yến và phường An Vĩnh đổi thành xã Vĩnh Long. Từ năm 1954-1975 trên đảo có hai xã là Bình Yến (nay là An Hải) và Bình Vĩnh (nay là An Vĩnh) thuộc quận Bình Sơn. Năm 1992 thành lập Huyện đảo Lý Sơn nên đổi tên xã Bình Yến thành xã Lý Hải và xã Bình Vĩnh thành xã Lý Vĩnh. Năm 2003 đổi tên xã Lý Hải thành xã An Hải và xã Lý Vĩnh thành xã An Vĩnh và do đặc thù nằm riêng ở đảo Bé (Cù lao Bờ Bãi) nên thôn Bắc của xã An Vĩnh tách ra thành lập xã An Bình
Mặt sau của nhà thờ Lý Sơn
Huyện đảo Lý Sơn gồm có 3 đảo: Đảo Lớn (còn gọi là Lý Sơn; Cù lao Ré). Vì sao có tên Cù lao Ré? Trên đảo trước đây có rất nhiều cây Ré, thân và lá cây Ré gần giống cây nghệ, trái chín màu vàng, ăn được. Do đó dân mới đặt tên như vậy). Trên đảo Lớn này có hai xã là An Vĩnh và An Hải. Huyện lỵ nằm trên phần đất xã An Vĩnh; Đảo Bé (Cù lao Bờ Bãi) nằm phía bắc đảo Lớn, trên đảo có xã An Bình và Hòn Mù Cu nằm phía đông đảo Lớn.
Trên đảo Lớn có 5 hòn núi, dân địa phương gọi là Ngũ Hành sơn, đó là núi Hòn Tai; núi Giếng Tiền; núi Hòn Vung; núi Hòn Sỏi; núi Thới Lới. Riêng trên đỉnh núi Thới Lới có một hồ chứa nước chảy xuống suối Chình. Dân trong vùng cho biết hồ nước ấy chính là miệng núi lửa và ngay miệng hồ chảy xuống suối Chình được xây ngăn lại để chứa nước dùng để tưới tỏi trên đảo. Trên sườn núi Thới Lới có tảng đá có hình tượng giống con trâu đang gặm cỏ được gọi là “Hòn đá Con Trâu”. Từ xưa đên nay Hòn đá con Trâu vẫn trụ vững trước biết bao cơn phong ba bão táp!
Hòn đá con trâu trên sườn núi Thới Lới
Điểm đến đầu tiên của tôi là Dinh Thiên Y, người dân ở đây gọi là Dinh Bà Trời. Dinh Thiên Y được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh. Tại dinh này có một cổ vật, đó là con kỳ lân bằng đá nguyên khối đặt chính giữa lòng tấm án phong của Dinh. Những người ở đây cho biết, con lân này là con lân đực, ngoài ra họ còn cho biết cách dinh Thiên Y khoảng hơn 3 cây số ở chùa Vĩnh Ân có một con kỳ lân cái cũng bằng đá nguyên khối to tương đương với con kỳ lân ở dinh Thiên Y. Hai tượng kỳ lân đá nguyên khối này được người dân vớt từ dưới biển lên đã lâu lắm rồi. Tôi hỏi vì sao lại để mỗi nơi mỗi con như vậy? Họ đã không giải đáp được. Theo tôi nghĩ đây là hai con lân của thương thuyền Trung Quốc chở ra nước ngoài để đặt ở một Hội quán Trung Quốc nào đó chẳng may bị gặp nạn gần đảo Lý Sơn.
Con kỳ lân cái đặt trước tam cấp chùa Vĩnh Ân thuộc xã An Vĩnh.
Sau khi nghe kể về tượng kỳ lân cái ở chùa Vĩnh Ân, tôi liền đi về hướng chùa Vĩnh Ân. Trên đường đi tôi đi ngang qua tượng đài Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải và Nhà trưng bày, tôi ghé vào tham quan. Mặt sau của tượng đài có 4 dòng chữ: hai dòng chữ lớn gồm một dòng chữ Hán và một dòng chữ Quốc ngữ nằm dọc chính giữa. Dòng chữ Hán lớn bên phải có tất cả 11 chữ, dòng chữ Quốc ngữ lớn bên trái cũng có tất cả 11 chữ là phiên âm của dòng chữ Hán: “Bản quốc hải cương Hoàng Sa xứ tối thị hiểm yếu”. Phía dưới chân dòng chữ Hán về bên phải có dòng lạc khoản chữ Hán nhỏ xin phiên âm: “Minh Mạng thứ thập thất, Bính Thân niên”. Phía dưới chân dòng chữ Quốc ngữ là dòng lạc khoản bằng chữ Quốc ngữ: “Minh Mạng thứ 17 năm Bính Thân 1836”. Dòng lạc khoản chữ Hán ghi như vậy là không đúng văn phạm chữ Hán, cần phải sửa lại cho đúng văn phạm. Ghi: “Minh Mạng thứ thập thất” xem ra văn phạm có vẻ “nửa Tàu, nửa Ta”, phải bỏ bớt chữ “thứ” và sửa lại là: “Bính Thân, Minh Mạng thập thất niên”. Bởi vì câu: “Bản quốc hải cương Hoàng Sa xứ tối thị hiểm yếu” nằm trong sách Đại Nam thực lục chính biên, Đệ nhị kỷ, quyển CLXV (165). Nguyên văn chữ Hán được phiên âm: “Công bộ tấu ngôn: Bản quốc hải cương Hoàng Sa xứ tối thị hiểm yếu. Tiền giả, tằng phái miêu hội đồ bản, nhi hình thế quảng mạc cận đắc nhất xứ…” (Bộ Công tâu nói: “Cương giới mặt biển nước ta có xứ Hoàng Sa rất là hiểm yếu. Trước kia, đã phái vẽ bản đồ mà hình thế nó xa rộng, mới chỉ được một nơi…” (1). Mở đầu quyển CLXV (165) viết về những sự kiện xảy ra trong tháng giêng năm Bính thân (1836) là dòng chữ: “Bính Thân, Minh Mạng thập thất niên”. Dịch ra quốc ngữ là: “Bính Thân, Minh Mạng năm thứ 17 [1836]”. Hoặc muốn ghi lạc khoản ấy bằng chữ Hán theo như 10 cái bài gỗ mà Suất đội Thủy quân Phạm Hữu Nhật mang ra Hoàng Sa dựng làm dấu thì ghi: “Minh Mạng thập thất niên, Bính Thân” (Minh Mạng năm thứ 17, Bính Thân) (2)
Trước đây khi xem tác phẩm “Lịch sử Việt Nam tập 5 từ năm 1802 đến năm 1858” thấy ghi: “Xã An Vĩnh và xã An Hải ở hai bên cửa biển Sa Kỳ, trong đó xã An Vĩnh là nguồn chính cung cấp dân binh cho đội Hoàng Sa. Tại xã An Vĩnh (nay thuộc thôn An Vĩnh, xã Tự Kỳ còn di tích ngôi miếu Hoàng Sa vốn thờ bộ xương đầu của con cá voi và thờ lính Hoàng Sa...)”. Cuối trang sách có chú thích: “Theo Nguyễn Nhã, Quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Luận án Tiến sĩ chuyên ngành Lịch sử Việt Nam, mã số 5.03.15, TP. Hồ Chí Minh, năm 2002, tr.75.” (3).
Bến thuyền đánh cá Lý Sơn
Tôi hỏi thăm ở Quảng Ngãi có xã nào mang tên là xã Tự Kỳ thì chẳng ai biết cả! Khi vào Nhà Trưng bày lưu niệm đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải thấy bên dưới một tấm ảnh chú thích: “Cổng đình An Vĩnh, xã Tịnh Kỳ - Quê gốc của lớp cư dân đầu tiên trong đất liền ra khai khẩn lập nên phường An Vĩnh trên đảo Lý Sơn vào thế kỷ XVII”. Xã Tự Kỳ hóa ra là xã Tịnh Kỳ! Không biết trong Luận án Tiến sĩ, ông Nguyễn Nhã ghi là “ thôn An Vĩnh, xã Tự Kỳ” hay là do “tam sao thất bản”! Quyển Đồng Khánh dư địa chí tỉnh Quảng Ngãi cho biết xã An Hải trong đất liền thuộc tổng Bình Điền, huyện Bình Sơn và xã An Vĩnh trong đất liền thuộc tổng Bình Châu, huyện Bình sơn.
Rời Nhà Trưng bày lưu niệm đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, tôi đi tiếp về hướng chùa Vĩnh Ân và đi ngang nhà Từ đường họ Phạm. Mặt trong cũng như mặt ngoài của cổng Phạm từ đường có câu đối rất hay. Câu đối mặt ngoài xin phiên âm:
“Khai thác nhân cơ, tổ đức trường tồn thùy vạn đại
Tài bồi nghĩa chỉ, tông công vĩnh tích khải thiên thu”,
Câu đối mặt trong cổng:
“Đức mỹ công cao, thế thế tương thừa minh hiếu nghĩa
Thượng hòa hạ mục, nhân nhân khắc thiệu thể tôn vinh”.
Cây Da Sộp hơn 300 tuổi ở dinh Đụn (Linh Bảo điện)
được công nhận là Cây Di sản Việt Nam.
Đi tiếp là đến sau lưng Dinh Đụn. Tôi ghé vào thăm Dinh Đụn. Tên chữ Dinh Đụn là Linh Bảo điện. Do đóng cửa Dinh, nên không biết bên trong thờ vị nào. Trước cổng dinh vẫn còn băng rôn mang dòng chữ: “Nhiệt liệt chào mừng các đại biểu về dự lễ công nhận Cây Di sản Việt Nam”. Trong sân dinh có hai cây da Sộp cổ thụ. Nghe người dân ở cạnh đó kể là hôm 19/07/2014 tại dinh Đụn có Lễ công nhận cây da Sộp trên 300 tuổi là Cây Di sản Việt Nam. Kế bên Dinh Thiên Y cũng có một cây da Sộp nhỏ hơn cây da Sộp ở dinh Đụn một ít.
Dinh Thiên Y ở thôn Tây xã An Hải.
Rời Dinh Đụn tôi đến Lăng Tân. Trước cổng ghi 3 đại tự bằng chữ Hán: “Nam Hải tự”. Vậy Lăng Tân thờ cá Ông (Voi). Ngoài biển trước mặt Lăng Tân, lợi dụng nước biển rút, xe múc hối hả múc đất đào mương để đặt dây điện ngầm nối từ đất liền ra đảo Lý Sơn. Ở Lý Sơn điện chỉ được thắp sáng vài tiếng đồng hồ vào buổi tối mà thôi, ngoài ra muốn có ánh sáng điện phải dùng máy phát điện riêng. Từ tháng 9 năm 1999 tại hai xã An Hải và An Vĩnh trên đảo Lớn bắt đầu có điện được cung cấp từ một tổ máy phát điện 340 kW chạy bằng dầu diesel và hai trạm biến áp phụ tải 160 kVA do Ủy ban Nhân dân huyện Lí Sơn quản lý. Lúc đầu mỗi xã được dùng điện theo phương thức luân phiên, mỗi đêm có điện từ 4 - 5 tiếng đồng mà thôi. Đầu năm 2002 địa phương giao lại cho ngành điện quản lý. Sau khi tiếp nhận, Công ty Điện lực 3 (nay là Tổng Công ty Điện lực miền Trung) đã cho lắp đặt bổ sung 8 tổ máy phát điện, công suất lên đến 3.000 kW, cải tạo nâng cấp 9,6 km đường dây trung áp, 18,7 km đường dây hạ áp, 14 trạm biến áp phụ tải, với tổng dung lượng 3.520 kWA để cấp điện cho dân trong hai xã. Kể từ đó nguồn điện trên đảo được cung cấp từ 17 giờ đến 23 giờ hàng ngày, không còn cảnh cắt điện luân phiên nữa. Địa điểm nối điện lưới Quốc gia từ đất liền ra đảo Lý Sơn nằm bên tay phải của Lăng Tân. Hiện nay việc trồng trụ điện trên đảo đã hoàn tất chỉ chờ lắp dây điện mà thôi. Nghe người dân cho biết là trung tuần tháng 10/2014 đảo Lí Sơn sẽ có điện lưới Quốc gia. Một khi đảo Lý Sơn có điện lưới Quốc gia thì bộ mặt đảo Lý Sơn sẽ đổi thay rất nhiều!
Lúc này thôn xóm đã lên điện nhưng tôi vẫn cố gắng đến cho được chùa Vĩnh Ân và đình An Vĩnh. Đến chùa Vĩnh Ân, tôi xin phép thầy trụ trì để tôi tham quan tượng con kỳ lân cái. Thầy trụ trì liền dẫn tôi đến bên tam cấp của chùa, nhưng ở hai bên tam cấp lại có hai tượng kỳ lân và thầy trụ trì chỉ cho tôi con kỳ lân về phía tay phải của khách từ ngoài vào chùa mới là tượng con kỳ lân cái bằng đá nguyên khối được vớt từ biển lên. Con kỳ lân đứng phía tay trái là do nhà chùa mới cho tạc sau này để có đủ cặp đối xứng trước chùa. Đúng như người dân đã kể, đây là con lân cái, bởi vì chân trái phía trước của nó đang ôm một con lân con. Hình tượng này gọi là “lân mẫu xuất lân nhi”. Còn con lân ở Dinh Thiên Y là con lân đực, bởi vì chân phải trước của nó đặt trên quả cầu. Hình tượng này gọi là “lân hí cầu”. Thầy trụ trì chùa Vĩnh Ân còn cho biết thêm chi tiết là con lân con trước đây bị kẻ vô ý thức đập bể và con lân con hiện nay là được đắp lại. Người dân quen gọi chung là kỳ lân hoặc gọi tắt là lân. Sự thật người ta phân biệt con đực gọi là “kỳ”, con cái gọi là “lân”. Cũng như chim phụng hoàng là cách gọi chung chứ con đực gọi là “phụng”, con cái gọi là “hoàng”; đôi uyên ương thì con đực gọi là “uyên”, con cái gọi là “ương”.
Tượng kỳ lân đực giữa án phong trước dinh Thiên Y.
Rời chùa Vĩnh Ân tôi đến thăm đình An Vĩnh. Do trời tối nên chỉ quan sát sơ qua mà thôi! Trước đây ngôi đình nhỏ, cách nay không lâu được cấp kinh phí trùng tu mới lại đình An Vĩnh. Vì trời quá tối nên tôi quay về lại nhà thờ Lý Sơn bằng con đường bờ kè sát bờ biển. Con đường này chạy bao quanh đảo Lý Sơn.
Đúng 8 giờ ngày 13/08/2014 mới bắt đầu Lễ Khánh thành nhà thờ, nên sau khi dùng điểm tâm sáng cùng với khách mời tham dự, tôi quyết định không tham dự Lễ Khánh thành nhà thờ mà lại tiếp tục tham quan đảo Lí Sơn, vì biết khó có dịp ra đảo lần nữa! Sáng nay tôi lại đi về hướng đông của đảo. Nơi tôi đến đầu tiên là mộ cá Ông (Voi), chôn cạnh bờ tường rào phía sau nhà thờ Lý Sơn (đầu mộ sát tường rào nhà thờ, đuôi mộ nằm sát đường bờ kè). Con cá Ông này “lụy” vào mùa mưa bão năm 2013 và được ngư dân Lý Sơn chôn cất tử tế. Đến khi mãn tang sẽ moi hài cốt cá Ông lên và rửa sạch sẽ, sau đó nhập vào lăng để thờ cúng. Cá Ông này dài khoảng 14 mét. Chung quanh mộ được cắm cọc tre và giăng dây rào lại. Trên đầu mộ dựng tạm một cái rạp và bên trong có bàn thờ, trên bàn thờ có hương hoa đèn và một cài bài vị ghi bằng chữ Hán, xin phiên âm: “Đại tướng Hoàng Long Hải chi linh vị”. Tục thờ cá Ông là của ngư dân miền Trung trở vào. Từ sông Gianh trở ra Bắc cá Voi vẫn là cá, từ sông Gianh trở vào Nam, cá Voi được tôn kính như thần linh (“Dĩ Bắc vi ngư, dĩ Nam vi thần”).
Mộ cá Ông được bao bọc bằng hàng rào tre
Kế góc Đông Nam tường rào nhà thờ là đình An Hải. Kiến trúc đình An Hải cổ kính. Trên bờ nóc trang trí cá, rồng phụng. Đặc biệt là hai trụ bên của hàng hiên mặt trước đình được xây trên lưng hai con kỳ lân đắp mảnh sành. Giữa đỉnh nóc nhà tiền tế có đắp 3 chữ Hán: HẢI YẾN ĐÌNH. Hải yến được rút từ câu: “Hải yến, hà thanh” (biển lặng, sông trong). Bên trong đình lại có 3 chữ Hán: AN LONG ĐÌNH (chữ “Long” có nghĩa là thịnh, dày - bộ “phụ”). Tôi hỏi vài người dân An Hải có mặt ở sân đình là trước đây làng An Hải có tên là làng Hải Yến và trước đó làng có tên là An Long phải không? Họ trả lời là không biết và họ nói đây là lần đầu tiên họ mới biết ba chữ Hán trên nóc đình là HẢI YẾN ĐÌNH!
Mặt trước tượng đài Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải.
Đình An Hải được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia vào ngày 20/08/1997 do Bộ trưởng Nguyễn Khoa Điềm kí và thời điểm ấy mang tên đình Lý Hải, xã Lý Hải, huyện Lý Sơn. Tôi hỏi đình được xây dựng năm nào, những người có mặt ở đó (cả anh từ đình) cũng không biết. Sau khi quan sát tôi thấy bên ngoài đầu nóc đình phía bên tay trái của đình có 3 chữ Hán gắn mảnh sành: “Quí Vị (Mùi) niên”, bên ngoài nóc đình bên tay phải của đình có số 1943. Như vậy đình An Hải được trùng tu vào năm Quí Mùi (1943). Tất cả câu đối liễn bảng trong đình đều bằng chữ Hán, chỉ có hai trụ hai bên hàng cửa trước của đình có đôi câu đối bằng chữ Quốc ngữ:
“Biển thẳm, vực thâm nguyên, muôn thuở trời Nam đưa lượng Thánh
Non cao, cây tú mậu, nghìn thu gió Bắc khẽ rung cành”.
Mặt sau tượng đài Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải với dòng chữ
"Bản quốc hải cương Hoàng Sa xứ tối thị hiểm yếu"
Đình An Hải là trung tâm sinh hoạt tế tự của cả xã An Hải. Ngoài đình An Hải trong xã còn có 24 tòa dinh miễu (không kể chùa và nhà thờ tộc họ). Như vậy nếu tính chung cùng với xã An Vĩnh thì cả đảo Lý Sơn có khoảng gần 50 tòa dinh miễu. Cứ đi một đoạn là gặp dinh, gặp miễu.
Tối mùng 3 rạng mùng 4 Tết tại đình An Hải có lễ cúng Động thổ (có nơi gọi là cúng Khai sơn - mở rừng). Sau khi cúng xong thì 4 lân (xóm) mới rước đuốc từ đình về lân của mình để cúng. Cả xã An Hải có 4 lân: Lân ghe Rồng (khu vực Dinh Bà Chúa Vàng); Lân ghe Lân (khu vực Dinh Bà Thủy); Lân ghe Quy (khu vực Dinh Bà Trời - Thiên Y); Lân ghe Phụng (khu vực dinh Thái Giám).
Trong mâm cúng của người dân Lý Sơn không thể thiếu món bánh ít lá gai. Khi mới lập làng An Hải ở đảo Lý Sơn có 8 tộc họ là tiền hiền của làng (Nguyễn, Nguyễn, Nguyễn, Trương, Dương, Trần, Võ, Lê - ba ông họ Nguyễn chỉ “đồng tánh” nhưng “bất đồng tông”). Cũng vì bánh ít lá gai mà phải “khước” ông họ Lê ra khỏi danh sách tiền hiền của làng. Ngày cúng đình các tộc họ xúm xít lại quết bột với lá gai để làm bánh ít. Sau khi quết xong mới đổ cục bột ra nia rồi mới ngắt từng cục rồi bỏ nhân đậu vào trong sau đó mới gói lá chuối lại. Vợ ông tiền hiền họ Lê (vợ chồng đều gốc Huế) lần đầu tiên thấy bánh ít nên khi nhìn thấy cục bột đen thui nằm trong nia nên buột miệng nói: “Bánh gì mà giống như bãi cứt trâu vậy!”. Bảy ông tiền hiền kia nghe vậy cho là có lời nói bất kính với thần linh nên mới cùng nhau ra kinh đô kiện. Ông tiền hiền họ Lê bị thua kiện và uất ức vì do một lời nói vô tình của vợ ông mà ông phải mang vạ nên ông tự tử tại Huế và hiện nay mộ ông vẫn còn ở Huế. Đó là lời kể của một hậu duệ tộc họ Lê. Hiện nay ở miếu Tiền hiền (kế bên đình An Hải) chỉ thờ 7 vị tiền hiền (Làng An Vĩnh ở Lý Sơn ban đầu có 7 tộc họ tiền hiền, sau tộc họ Đặng có vấn đề gì đó nên bị “khước” khỏi danh sách tiền hiền.Hiện nay chỉ còn 6 tộc họ tiền hiền: Phạm, Phạm, Nguyễn, Trương, Dương, Võ).
Đình An Vĩnh được trùng tu
Cũng theo lời kể của một hậu duệ tộc Lê là sau khi ông họ Lê chết, ông rất linh hiển. Đến mùa cá trích vào đầy bãi nhưng không ai vớt được con nào. Có người “phụ đồng” báo là hằng năm phải cúng cho ông họ Lê một con heo thì mới vớt cá được. Dân làng thực hiện theo lời và quả y như vậy. Sau khi vớt cá trích cũng chia cho ông họ Lê quá cố ấy một phần. Nay lệ cúng heo nguyên con không còn nữa mà chỉ củng “thủ vĩ” mà thôi.
Trong 7 tộc họ tiền hiền làng An Hải có cử ra một ông “Cả” (đứng đầu 7 tộc họ). Ông Cả đứng chánh tế (bàn thờ giữa) ở miếu Tiền hiền. Muốn lên chức ông Cả trước đó đã được đứng cúng vị trí “đông hiến” (bàn thờ bên tả của bàn thờ chính), muốn đứng cúng ở vị trí “đông hiến” thì trước đó phải được chọn vào đứng cúng ở vị trí “tây hiến” (bàn thờ phía bên hữu của bàn thờ chính). Trong những năm gần đây con cháu tộc Lê cũng được 7 tộc họ tiền hiền kia mời vào đứng cúng vị trí “tây hiến” để sau đó lên “đông hiến” và cuối cùng lên chức ông Cả, nhưng con cháu tộc Lê không dám nhận vì sợ tổ tiên quở phạt (!)
Đình An Hải
Ở Lý Sơn người dân ăn Tết từ 30 tháng Chạp cho đến mùng 8 Tết. Sau Lễ Động thổ vào rạng sáng ngày mùng 4 Tết ở đình An Hải và kế đến là cúng ở các lân là bắt đầu đua ghe giữa các lân (xóm) trong xã, sau đó chọn 4 ghe đứng đầu. Ngày mùng 8 Tết, 4 ghe nhất của 4 lân xã An Hải đến khu vực Tượng đài Đội Hoàng Sa để cùng 4 ghe của xã An Vĩnh tranh tài. Cuối cùng chọn 4 ghe vào tranh giải nhất, nhì, ba. Có năm giải nhất, nhì, ba đều thuộc về một xã mà thôi!
Bên tay phải của đình An Hải là miếu Tiền hiền mới được trùng tu. Kế đến là miếu Thành Hoàng và tiếp theo là miếu Bà Thiên Quỷ. Tôi hỏi sự tích bà Thiên Quỷ thì những người được hỏi chỉ trả lời nghe người xưa bảo là bà Thiên Quỷ thì chỉ biết vậy thôi!
Bên trong nội thất của đình An Hải
Tại đình An Hải có một anh thương binh đang mắc võng trên thân các cây phi lao để hóng mát nên tôi mượn chiếc xe đạp mini cũ của anh ta để tiếp tục đi về hướng đông của đảo. Cạnh bờ biển trước Huyện đội Huyện đảo Lý Sơn đang thi công xây dựng Trung tâm Cảnh Sát Biển. Khu vực phía đông Huyện đội, thời Pháp là sân bay dã chiến, sang chính thể Việt Nam Cộng Hòa cũng tiếp tục dùng làm sân bay. Hiện nay là vùng trồng tỏi, trồng hành. Giữa vùng trồng tỏi - hành này là Dinh Bà Chúa Vàng, cổng Dinh có ba chữ Hán lớn là “An Đông tòa”. Đi tiếp là gặp tấm biển ghi: Quần thể Mù Cu. Giữa đảo Lý Sơn và hòn Mù Cu đang được san lấp biển để nối liền với nhau. Cực đông của đảo Lý Sơn là ngọn hải đăng Lý Sơn. Kế bên ngoài vách tường khu vực hải đăng Lý Sơn là một lô cốt để bảo vệ hải đăng có từ thời thực dân Pháp cai trị nước ta. Còn cách Hang Câu không bao xa nữa nhưng khi xem đồng hồ thì đã gần đến giờ hẹn trả xe đạp cho anh thương binh nên tôi phải quay trở về lại đình An Hải. Tuy trời nắng gắt nhưng nhờ chiếc xe đạp cũ kỹ của anh thương binh mà tôi biết nhiều địa điểm trên đảo Lý Sơn. Từ giã anh thương binh tôi về lại nhà thờ Lý Sơn và khi ấy tiệc mừng Lễ Khánh thành nhà thờ Lý sơn cũng sắp tàn .
Đua thuyền ngày Tết tại Lý Sơn
Nhà thờ đầu tiên của họ đạo Lý Sơn được khởi công xây dựng đầu năm 1963. Một người cao tuổi mà tôi tiếp xúc tại đình An Hải cho biết là khu vực nhà thờ Lý Sơn trước đây là khu vực Lăng Ông Nam Hải (Cá Voi). Ông Bùi Đài làm Đại diện Hành chánh xã Bình Yến (nay là xã An Hải) là người theo đạo Công giáo đã thuyết phục ông Cả (người đứng đầu 7 tộc họ tiền hiền làng Bình Yến) di dời Lăng Ông Nam Hải đi nơi khác và ông Cả chấp thuận và nhường khu vực Lăng để xây dựng nhà thờ Lý Sơn. Nghe những người cao tuổi ở đó kể là năm 1962, Tổng thống Ngô Đình Diệm có đến thăm đảo Lý Sơn và theo tôi chắc là có tiếng nói của Tổng thống Ngô Đình Diệm nên ông Cả mới chấp nhận di dời Lăng Ông đi một cách nhanh chóng như vậy! Tháng 11/1963 việc xây dựng nhà thờ Lý Sơn bị đình lại. Năm 1965 mới tiếp tục công việc xây dựng. Linh mục Quản xứ Lý Sơn hiện nay là Linh mục Nguyễn Quốc Việt thuộc Dòng Chúa Cứu Thế. Linh mục đã vận động quyên góp tiền của từ nhiều nơi để xây dựng mới ngôi nhà thờ. Chi phí xây dựng ngôi nhà thờ trên đảo Lý Sơn phải tốn gấp ba, gấp bốn lần so với trong đất liền. Nay trên đảo Lý Sơn xuất hiện một kiến trúc tôn giáo mang phong cách Tây phương đã góp phần làm cho bộ mặt đảo Lý Sơn thêm đa dạng về phong cách kiến trúc.
Đúng 14 giờ ngày 13/08/2014 tàu cao tốc rời bến để đưa quan khách vào lại đất liền. Tạm biệt đảo Lý Sơn với bao lưu luyến và hẹn một ngày gần đây khi có dịp tôi sẽ trở lại đảo Lý Sơn và ở nhiều ngày hơn để nghiên cứu kỹ càng hơn.
Nguyễn Văn Nghệ
7/1 Tô Hiến Thành – Nha Trang - Khánh Hòa
Chú thích:
1- Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 4, Nxb Giáo dục, tr. 867
2- Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 4, Nxb Giáo dục, tr. 867. Có thể xem thêm Châu bản “Minh Mạng thập thất niên, nhị nguyệt, thập nhị nhật” (Ngày 12 tháng 2, Minh Mạng năm thứ 17 [1836]) bằng chữ Hán được đăng trên Tạp chí Xưa & Nay số 449 tháng 7 năm 2014, trang 14. Châu bản ấy cũng ghi: “Minh Mạng thập thất niên, Bính Thân” (Minh Mạng năm thứ 17, Bính Thân).
3- Trương Thị Yến (Chủ biên), Lịch sử Việt Nam tập 5 từ năm 1802 đến năm 1858, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội-2013, tr. 614 (Sách Nhà nước đặt hàng)
* * *
Xem các bài cùng tác giả, click vào đây
Xem trang QN, Đất nước, con người, click tại đây
Trở về trang chính: http://www.nuiansongtra.com