Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 10, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Đất nước, con người
MỘT THỜI TRÊN QUÊ HƯƠNG: TRƯỜNG XƯA THẦY CŨ
HỒ PHI
Các bài liên quan:
    TRƯỜNG TIỂU HỌC QUẢNG NGÃI (Phần II)
    TRƯỜNG TIỂU HỌC QUẢNG NGÃI (Phần I)

Hồi thời Pháp còn cai trị trước năm 1945, thành phố Quảng Ngãi là một thị trấn nhỏ, chỉ có 2 khúc đường chính: khúc chạy từ cửa Tây cổ thành đến tháp nước và đoạn quốc lộ 1 từ đầu Sông Đào và đến ngã ba nhà thờ đạo là hết. Phố xá buôn bán, xây cất còn lưa thưa, còn nhiều chỗ đất trống còn trồng mía, hoặc trủng thả rau muống. Chợ tỉnh thì vẫn là chỗ bây giờ. Khu hành chánh của nhà cầm quyền gồm dinh Tuần vũ, dinh Án sát, nhà thương, Hành cung, Tòa Sứ, đồn lính Khố xanh, Bưu điện, sở Lục lộ, nhà tù, Cư xá Công chức thì đều tọa lạc trong cổ thành. Phố buôn có thể đếm trên đầu ngón tay. Sách báo bút chỉ văn phòng thì chỉ có 2 tiệm.

Trường học công lập gồm có Nam Tiểu học gồm có một lớp Năm (cours Enfantin), một lớp tư (Cours Préparatoire), một lớp Ba (Cours Elémentaire), một lớp Nhì 1 (Cours Moyen Un), một lớp Nhì 2 (Cours Moyen Deux), và một hay hai lớp Nhất (Cours Supérieur). Trường nầy gồm hai dãy lớp bằng gạch ngói, với nền cao tọa lạc tại địa điểm rộng rãi của trường Trần Quốc Tuấn ngày nay và chỉ một trường Nữ Tiểu học trong cổ thành kế phía nam bịnh viện Quảng Ngãi xưa gần cửa Bắc. Tại hai trường nầy học sinh khỏi đóng học phí hằng tháng.

Còn trường tư thục thì có Tiểu học Mai Xưa tọa lạc gần tháp nước Quảng Ngãi, đầu ngã ba đi Chợ Chùa, cách ngã tư chính chừng vài trăm thước. Một Tư thục Trung học Cẩm Bàng gồm có vài lớp Nhất niên và Nhị Niên (Nhất Niên là lớp đã có bằng Tiểu học và là năm đầu bậc trung học), toạ lạc gần góc Tây bắc chợ tỉnh, bên kia khúc đường từ cửa Tây đi lên, chỉ là mấy căn phố nhỏ. Và trường Sơ Học Chiêu Anh tọa lạc trên con đường phía Nam kế bên chợ tỉnh, gần và phía Đông Nam bên kia rạp Ciné Kiến Thành sau nầy. Trường Chiêu Anh day học sinh trình độ bắt đầu từ abc đến lớp Ba soạn thi bằng Sơ học Yếu lược (Certificat d’étude elémentaire). Thời đó đậu bằng Sơ học Yếu lược, mới được xin vào học lớp Nhì 1 (Cours Moyen Un). Ở đây tôi chỉ kể giới hạn vào trường Chiêu Anh với những nét đặc biệt nhất mà thôi.

Khi tôi bắt đầu đi học, tính ra vào khoảng 1942 hay 1943 gì đó không chính xác, vì hồi đó tôi mới 6, 7 tuổi chưa ý thức về năm tháng, và hình như tôi nhớ đã nhìn thấy những con số nầy đâu đó không rõ lắm. Đầu tiên tôi được dắt vào học abc tại trường Chiêu Anh nầy. Tôi cũng không biết trường nầy đã hiện hữu từ trước bao lâu, vì lúc đó tôi đâu cần biết đến. Nay nghĩ lại, tôi thấy trường có nhiều điểm đặc biệt, cũng đáng ghi lại cho thế hệ đến sau nhìn thấy vài cảnh học hành của nơi quê hương thời còn Pháp thuộc.

Ông chủ trường kiêm Hiệu trưởng là ông Bùi Đồng (ở thị xã Quảng Ngãi có 2 ông Bùi Đồng, nên đã có lúc ông nầy mang tiếng lộn xộn, khiến ông kia bị vợ xài xể oan ức). Tôi biết ông vì ông thường hay đến tiệm sách của bố tôi ở Ngã Tư. Còn thầy giáo duy nhất của trường là ông Hồ Văn Thôi, năm đó cỡ khoảng 23, 24 tuổi, gọi ông nội tôi là chú ruột. Trường nầy chung quy chỉ có một hiệu trưởng và môt giáo viên. Hiệu trưởng lâu lắm mới thấy ghé qua thăm trường chừng năm ba phút rồi đi. Còn tất cả mọi việc từ dạy học, thu học phí, làm sổ sách, dọn dẹp vệ sinh, và điều hành mọi việc đề do một mình ông giáo Thôi đảm đương tất cả.

Trường có khoảng chừng 100 học sinh, có thể chia làm 4 lớp, tất cả đều học chung một phòng, ngày 2 buổi sáng chiều trong chỉ một căn phố, tôi nghĩ ít hơn 5 mét mỗi bề (có lẽ 4 mét thì phải hơn vì thường là căn phố một phòng của quê mình đâu có rộng đến mỗi bề 5 mét). Một bên là căn phố người ta ở, một bên là một tiệm thợ bạc của ông Phụng và tiếp đến là một căn làm đồ gỗ trên một dãy phố chừng năm sáu căn, vách gạch lợp ngói cũ kỹ nằm day mặt ra đường. Hai bên đường có 2 hàng cổ thụ dầu lai, mùa Hè đầy bóng mát. Chúng tôi thường lượm những trái dầu lai khô rơi xuống đường nát ra vung vải, lấy hột chơi, xỏ xâu đeo, và lấy những múi vỏ khô móc nhau cho gãy gọi là đá gà, móc nào gãy trước là thua. Mùa Đông mưa gió, cành dầu lai lớn gãy rơi xuống làm bể mái ngói, rất dễ gây tai nạn. Xéo về hướng Tây Bắc, phía bên kia con đường là chợ tỉnh, chợ đối diện với bến xe ngựa. Cuối đường về phía Đông là hào thành, đầu đường về phía Tây là quốc lộ 1. Nói là trường nhưng chỉ là một căn phòng gần như vuông mà thôi. Một cửa chính đi vào phía trước và một cửa hậu phía sau ra nhà xí chung cho dãy phố, cách qua cái sân nhỏ chừng dăm mét khá hôi hám.

Mặt tiền trường có bảng hiệu treo ngang mái, với mấy chữ “Trường Chiêu Anh’’. Chữ Chiêu Anh đặt tên cho trường học thật là hay, có nghĩa là nơi mời đón, tiếp rước qui tụ những kẻ anh hào tuấn kiệt, “cỡ như tui’’. Hay và ý nghĩa như thế, nhưng học trò trường khác cứ gọi chế riễu là trường “Chiếu Manh’’, lại còn nghịch đặt ra câu tồi tệ: “Chiếu manh giành ăn với chó’’, mỗi khi chúng gặp trêu chọc, làm cho tôi nghe mất vui và mắc cỡ.

Bên trong phòng trường nầy, sau lưng bàn thầy giáo là ba tấm bảng đen, đối diện là ba dãy bàn ghế học trò, mỗi dãy năm bộ, ngồi chật cứng. Dãy sát cửa ra vào phía trước dành cho học trò lớp Ba, học chuẩn bị thi bằng Sơ học Yếu Lươc. Dãy giữa dành cho học trò lớp Tư, và dãy trong cùng dành cho lớp Năm ở vài bàn phía trước gồm học trò đã biết viết, biết đọc, và phía sau chừng 15 đứa, mới vào học vỡ lòng, từ abc đến vần xuôi, vần ngược, đang tập đồ theo viết chì của thầy, hoặc viết được vài hàng ám tả (dictée, sau nầy gọi là chính tả, orthograph). Ngôn ngữ giảng dạy gồm tiếng Pháp, xen lẫn tiếng Việt. Mỗi khi thầy giáo hay khách lạ bước vào thì học trò đồng loạt đứng thẳng dậy, và sau đó thầy hô “Assayez-vous!” học trò mới được ngồi xuống và tiếp tục việc đang làm.

Cái đặc biệt là bất cứ lúc nào trường cũng có thể nhận thêm học trò mới, tuy đã đông cả trăm đứa từ năm bảy tuổi đến mười ba, mười bốn tuổì. Chỉ có chừng hơn mười học trò con gái ngồi bàn phía trước mà thôi. Sáng chiều đều có giờ chơi khoảng 15, 20 phút gì đó. Học trò con gái tụ nhau trước hè chơi bắt nẻ. Con trai thì chạy chơi lung tung đá kiện, đánh đáo, đá banh cao su nhỏ trên đường trải đá cán với đất đỏ, vì thời đó cũng không có mấy chiếc xe qua lại. Thấy cũng có một cô đầm cỡ 12 tuổi tên là Michell mặc jupe cũng đến học lớp Tư ở đó, không biết là đầm thiệt hay đầm lai và cô cũng chơi đùa với mấy cô bé Việt Nam quần dài đen áo cánh, học trò con trai thì quần đùi, áo cánh hầu hết đi chân đất, chỉ vài đứa có giày dép tươm tất. Xã hội Việt Nam thời đó cũng nghèo và rất thiếu thốn. Mùa mưa thì mang tơi đội nón, đến chất đầy trước hè. Cả trường chỉ có một đứa có áo mưa tráng cao su. Mỗi lần tan buổi học, học trò chen lấn nhau để ra khỏi lớp. Vì nhỏ bé tôi bị đám học trò lớn lấn ép tối tăm mặt mày để ra khỏi lớp mỗi khi thầy ra lệnh “sortez”.

Ông giáo Thôi luôn luôn mặc quốc phục, quần trắng, áo dài vải xuyến đen, đội mũ cối trắng, mang guốc gỗ, đi bộ đến trường. Một mình ông dạy đồng thời cả 3 lớp và thêm vài chục đứa vỡ lòng abc trình độ khác nhau. Trường học chật chội như vậy, mỗi bàn chứa bảy tám đứa, hồi đó tôi sợ đòn nên lo học, lúc nào cũng ê a vì sợ không nhớ mặt chữ sẽ bị roi mây. Tôi không có suy nghĩ thắc mắc gì về việc đó vì nghĩ đi học là phải thế. Tuy học vậy rồi cũng biết, rồi với thời gian cũng thi trường học, trường đời, xông pha, tha phương, cơm áo, ngựa xe, mưu sinh thoát hiểm. Sau nầy sang Mỹ đem con đi học, tôi mới thấy một sự trái ngược, lớp vỡ lòng Kindergarten của Mỹ chỉ có mười lăm đứa nhỏ mà đã có một bà giáo chính và 2 bà phụ giáo, dạy cho tập đồ, tập viết, tập đọc, tập cắt giấy tô màu, còn các học trò lớp 1 và lớp 2, lớp 3 mỗi lớp chỉ 15 hay 18 học sinh mà còn có khi có cả phụ giáo kèm thêm một bên nữa. Nên nghĩ lại ông giáo Thôi và trường nầy có thể đáng được ghi tên vào world record của Guiness Book của những chuyện bất thường, và nghĩ chỉ có ở Quảng Ngãi và chỉ vào thời ấy đặc biệt là trường nầy mà thôi.

Càng nghĩ lại càng ê mình cho ông giáo Thôi, đầu tắt mặt tối, phải dạy cho học trò biết và thi đậu bằng Yếu lược, người ta mới cho con đến học. Ông giáo cho lớp Ba làm bài thì ông lại giảng bài, chấm bài cho lớp Tư. Lớp Tư làm bài thì ông dạy lớp Năm, rồi quay lại luyện cho học trò thi bằng Yếu lược. Có khi một bài chính tả dài, học trò lớp Năm dừng viết ở đoạn một, lớp Tư dừng viết ở đoạn kế, và lớp Ba mới tiếp tục viết hết cả bài. Ba cái bảng đen để dạy cho ba lớp ngay trước mặt từng lớp. Lớp vỡ lòng thì chăm sóc cho từng đứa, đứa thì ông viết cho chữ mới, đứa thì ông dùng bút chì sổ thẳng, sổ móc, hay viết cả chữ cho đồ theo, đứa thì ông dò bài, đánh roi vào mông, vào vai, đứa thì ông dùng thước gạch khẽ vào bàn tay vì đã làm cuốn vở nhem nhuốc và cuốn góc như xấp bánh xèo. Vào giờ học trò ra chơi thì ông chấm bài, nghĩa là không có phút giây nào ông có thể nghỉ thở lấy hơi.

Mùa nắng vào lúc 2, 3 giờ chiều, gió hiu hiu mát, thổi từ phía cửa sổ sau lớp, tôi ê a một đỗi, rồi ngủ gục, hoặc ngủ mê trên bàn, mồ hôi ra dầm dề, có đứa khác thưa, hay chính ông giáo nhìn thấy, tôi liền bị một cái tát tai nẩy lửa, giật mình thức tỉnh để ê a tiếp, và không phải chỉ một hai lần như vậy. Thời đó tôi học thì ít, mà cũng như nhiều đứa khác, bị bịnh sốt rét nghỉ học thì nhiều. Mỗi lần lên cơn sốt rét là ngáp, chuyển mỏi cả người, rồi một cơn lạnh xảy đến, đắp mấy tấm mền vẫn lạnh, rồi ngủ quên đi, sau đó thấy người nóng hực chảy mồ hôi, tỉnh dậy khát nước và sau đó cơn đau nhẹ dần, người mỏi mệt yếu đuối. Rồi đúng giờ hôm sau lại tái diễn liên tiếp như vậy. Nhưng rồi tôi cũng xong lớp Năm, cũng biết được “le coq” là con gà, “le chien” là con chó, “le chat” là con mèo, và đọc thuộc cuốn sách Giáo khoa thư lớp Đồng Ấu rồi nghỉ Hè.

Niên khóa tiếp tôi lại vào lớp Tư cũng tại trường Chiêu Anh. Nhưng lần nầy trường đã dời vào căn phố của đại gia đình ông Ba Đương (ngay địa điểm mạch nha Thiên Thai thời Quốc gia trên đường Quang Trung sau nầy) khoảng giữa ngã tư chính và ngã ba nhà thờ đạo. Trường có thêm cô Dung, em ông Ba Đương (bố cô Bích) từ Huế về dạy lớp Tư và lớp Ba ở phần trước căn phố. Bên trong phía sau là phòng của cô Dung ở, và một bên có phòng cho lớp Năm và vở lòng do ông giáo Thôi dạy. Trường rộng rãi thoáng mát hơn, tôi cảm thấy thoải mái, không còn bị chật chội nóng nực như trước. Bây giờ ông giáo Thôi được dễ thở hơn, bớt căng thẳng vì dạy quá đông và quá nhiều việc trong mỗi buổi dạy như năm trước. Cô Dung khá đẹp, dịu dàng, tận tụy dạy cùng lúc 2 lớp nhưng cũng không quá vất vả như ông giáo Thôi trước đó. Cũng cùng một số công việc được chia đôi, thì nhẹ hơn trước nhiều.

Tôi nhớ mùa Thu năm ấy một thương gia giàu có bậc nhất ở Thị xã Quảng Ngãi là bà Tài (Người Tàu) qua đời, tôi muốn đi xem đưa đám tang, nhưng phải bận đi học. Bà có nhiều căn phố bán tạp hóa đối diện với đình Chánh Lộ gần ngã Tư chính về phía Đông. Đám tang linh đình trong một ngày mưa gió, đưa bà lên núi Thiên Ấn. Cũng vào Thu đó có một trận bão rất lớn, bay mái ngói và gây nhiều hư hại ở khắp Quảng Ngãi, tôi mang tơi đi từ ngã tư về nhà ở sông Đào mà gió muốn thổi bay, cây cối gãy tứ tung, may nhờ ông Ba Nhiều cùng xóm gặp đưa về nhà an toàn. Mùa Xuân năm sau tôi bị bịnh thương hàn nằm liệt ba bốn tháng, tóc tai rụng hết, và từ đó tôi không còn biết gì về trường Chiêu Anh nữa. Xuân năm sau Nhật đảo chánh Pháp và trường Chiêu Anh cũng đóng cửa lúc nào tôi không biết. Và từ đó, tôi không còn biết tin tức gì về cô Dung.

Đến tháng 12 năm 1946, năm tôi đang học lớp Nhì tại trường Tiểu học Công lập thị xã thì toàn quốc kháng chiến, tản cư, thành phố Quảng Ngãi bị chính sách tiêu thổ của CS đập nát thành gạch vụn, chỉ trừ một vài căn phố của người Tàu. Tất cả người thành phố đều lưu ly tứ tán.

Mãi đến cuối 1958 được Tạ Công Soại dẫn đến thăm cô Dung ở Sài Gòn, tôi mới biết cô đã may mắn thoát khỏi 9 năm kháng chiến tại Quảng Ngãi và đã lập gia đình với Giáo Sư Nguyễn Ngu Í ở đường Phan Đình Phùng, Sài gòn. Còn ông giáo Thôi thì từ đó tôi không biết ông còn dạy học đâu đó, hay sau khi lập gia đình ông chỉ sống về nghề nông, vì trong nhiều năm, tôi rất bận rộn không nghe biết về ông.

Sau khi bị máy bay oanh tạc cháy hết ở Sông Vệ (3/1949), mùa Thu năm 1949, trường Lê Khiết khai giảng lại ở An Ba, Nghĩa Hành, tôi may cùng đi với ông giáo Thôi vào đó, mỗi người một mục đích khác nhau. Ông vào đó định xin làm thư ký cho nhà trường, nhưng không thành. Còn tôi đến vừa đúng ngày để chuẩn bị vào học năm thứ nhì (nhị niên B6) tại trường nầy. Tôi được xếp vào lớp học tại chi nhánh Mỹ Hưng, tại một làng nhỏ trên bờ Nam Sông Vệ cách An Ba khoảng non cây số về phía Tây Bắc. Rồi từ đó, tôi không còn dịp gặp lại ông giáo Thôi. Mãi đến năm 1969, ông có vào trọ tại nhà tôi ở Sài Gòn vài ba tuần để khám và chữa bệnh ở bệnh viện Chợ Rẫy. Ông có vẻ yếu đi nhiều và màu da tái xám. Mùa Hè năm 1975, tôi về thăm Quảng Ngãi lần cuối trước khi vĩnh viễn xa rời đất nước. Tôi có đến thăm ông tại Phú Mỹ Thượng, ông tâm sự với tôi rằng bịnh ông nếu còn thời Quốc gia, thì ông còn có thể sống thêm bốn năm năm nữa, nhưng giờ đã gặp lại thời Cộng sản rồi, chắc ông sẽ không sống qua mùa Đông thiên năm nầy. Khi qua đến Mỹ một thời gian, tôi được tin ông qua đời đúng như ông đã dự liệu ở tuổi trên năm mươi.

Nay nhân hội Liên trường để nhắc lại kỷ niệm học hành thời trước, tôi nhớ trường Chiêu Anh ở Thị Xã Quảng Ngãi được lập ra và biến đi cách đây non bảy mươi năm qua, đã gây một ấn tượng mạnh mẽ và sâu xa trong lòng tôi mãi đến giờ. Tôi vẫn hình dung rõ ràng thầy, lớp trường ấy trong tâm trí, như tôi đến đó ê a vừa mới hôm qua. Nên tôi kể lại để chia xẻ tâm tư cùng quí bạn và xin lỗi đã dông dài làm phiền thì giờ quí bạn đã đọc.

Hồ Phi

Ghi chú: Bài nầy được đăng trong “Kỷ Yếu Trường Xưa”, phát hành trong dịp Kỷ niệm ngày Hội ngộ Liên trường Trung học Quảng Ngãi Kỳ 2 (29 & 30 tháng 8 năm 2009) tại San Jose, California, Hoa Kỳ.

* * *

Xem các bài cùng tác giả: click vào đây
Xem QN: Đất nước, con người: click vào đây
Trổ về trang chính http://www.nuiansongtra.com

Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh