Cuối năm 2014, nhà xuất bản Văn Học xuất bản và phát hành tập thơ "Hai-ku" của Nguyễn Thánh Ngã. Đây là tập thơ thứ năm của Nguyễn Thánh Ngã, sau các thi phẩm: Nhớ xanh, Nhìn từ đôi mắt khác, Thượng nguồn ngạc nhiên, Gõ... đã từng được bạn đọc yêu thích.
Sinh ra ở vùng đất lửa Ba Gia - Quảng Ngãi, Nguyễn Thánh Ngã đã cùng gia đình định cư ở Lâm Hà - Lâm Đồng.
Từ những bài thơ mượt xanh tuổi ngọc xuất hiện trên các báo văn nghệ ở miền Nam trước năm 1975, đến hôm nay, Nguyễn Thánh Ngã đã có 40 năm gắn bó với thơ ca. Mỗi tập thơ mới ra đời là một khám phá mới của Nguyễn Thánh Ngã trên con đường sáng tác thơ ca. Những năm gần đây, những người yêu thơ bắt gặp những nét mới, đầy sáng tạo trong thơ Nguyễn Thánh Ngã. Không dàn trải. Cô đọng đến bất ngờ. Lời thơ nhẹ nhàng, nghĩa sâu sắc, đầy lãng mạn:
"Thiếu nữ tắm sông
Chải từng giọt trời xanh
Chấm gót".
Thơ Nguyễn Thánh Ngã đọc xong ghim lại trong lòng người yêu thơ. Nguyễn Thánh Ngã đã tạo được nét riêng của anh trong thơ. Thơ Hai-ku của Nhật Bản có qui luật về số từ. Nhưng khi viết thơ Hai-ku, Nguyễn Thánh Ngã đã có những cách tân đầy sáng tạo. Những bài thơ Hai-ku của Nguyễn Thánh Ngã có một nét rất riêng. Dường như Nguyễn Thánh Ngã muốn tạo ra một trường phái thơ riêng của mình. Chính vì vậy, có lúc các bạn yêu thơ gọi thơ Hai-ku của Nguyễn Thánh Ngã là thơ "Ô haii" (Ô hay!):
"Qua sông Hàm Luông
Dáng chèo của mẹ
Xô chiều trôi".
Mỗi bài thơ ngắn của Nguyễn Thánh Ngã là một bức tranh vừa thực vừa ảo đầy thơ mộng. Nguyễn Thánh Ngã không viết về những đề tài cao xa, bí hiểm, thơ anh gắn với cuộc sống hiện tại. Nguyễn Thánh Ngã đã tinh tế chắt lọc, đưa vào thơ của mình những hình ảnh của cuộc sống, của xã hội hôm nay đang chuyển động:
"Đội đất
Những hạt mầm vươn dậy
Tìm ánh ban mai".
Có gì xúc động hơn tấm lòng của bà mẹ quê mòn mỏi mong con:
"Nắng xiên khoai
Mắt mẹ già đã mòn
Giọt lệ kẻ sọc".
...
"Con đi
Vách lá khô nắng quá
Tia mắt úa mẹ già".
... Và nỗi đau tột cùng khi mẹ không còn sống trên đời:
"Nhớ mẹ
Nước mắt đâu cháy được
Mà lòng tàn tro".
Nguyễn Thánh Ngã còn đưa vào thơ của mình những mảnh đời côi cút, nghèo khó, trôi dạt bên đường:
"Xó chợ
Chiếc lon trống
Hạt mưa mồ côi".
"Đứa trẻ" - Đây là bài thơ Nguyễn Thánh Ngã đã đạt giải nhất thơ Hai-ku Việt Nhật năm 2009.
Chúng ta còn bắt gặp hình ảnh đô thị hóa nông thôn:
"Thùng rác
Chú bò vàng
Cười nhe răng".
Những hình ảnh vừa nực cười vừa pha lẫn chua xót đến đắng lòng:
"Nhớ chuồng
Sừng trâu cạ
Cột đèn đêm".
Và những hiểm họa về môi trường sống hôm nay:
"Cỏ cháy
Mắt bò rớm lệ
Gió tàn tro bay".
Rừng chúng ta đang khóc:
"Hai cây thông
Ôm nhau
Khóc trước lưỡi cưa".
Để rồi:
"Tiếng voọc hú
Áo rách chiều thu
Chân núi Chư Yang Sin".
Trong thơ, Nguyễn Thánh Ngã không giáo điều, không hô hào cổ động, anh chỉ đưa vào thơ của mình những hình ảnh của cuộc sống tưởng chừng mong manh như sương sớm, nhẹ nhàng như màu trăng thu. Nhưng sau khi đọc thơ anh người đọc chợt thấy dâng lên một nỗi xót xa, canh cánh trong lòng, càng nghĩ nhiều về kiếp nhân sinh, về cuộc sống hôm nay...
Nguyễn Thánh Ngã đã "gõ" vào lòng bạn đọc, vào cõi nhân sinh.
Qua thơ Nguyễn Thánh Ngã, chúng ta còn bắt gặp lại tuổi thơ của mình:
"Cọng rơm xà phòng
Chùm bong bóng
Nhắc tuổi thơ bay".
Đọc xong tập thơ Hai-ku của Nguyễn Thánh Ngã, chúng tôi và nhiều người yêu thơ sẽ có chung nhận định với nhà thơ Lê Anh Dũng và nhà thơ Thu Nguyệt: "Đọc thơ Hai-ku Nguyễn Thánh Ngã giúp ta quay về chính mình, sống chậm, ngẫm nghĩ về nhân sinh quan - ... mọi sự quanh mình kỳ diệu thật". Và, chúng ta càng yêu thêm cuộc đời này.
Lê Ngọc Trác
La Gi, cuối năm 2014
* * *
Xem bài cùng tác giả, click vào đây
Xem bài trên trang Văn học, click vào đây
Trở về trang chính: www.nuiansongtra.com