Trong 5 bài thơ Đường thuộc về chủ đề hoài cổ mà nhiều nhà phê bình văn học đã xếp chung lại để bình phẩm là: (1) HOÀNG HẠC LÂU (Lầu Hoàng Hạc) của Thôi Hiệu, (2) ĐĂNG KIM LĂNG PHỤNG HOÀNG ĐÀI (Lên đài Phượng hoàng ở Kim Lăng) của Lý Bạch, (3) VẠN TUẾ LÂU (Lầu Vạn tuế) của Vương Xương Linh và (5) ĐẰNG VƯƠNG CÁC (gác Đằng Vương) của Vương Bột, thì bài HOÀNG HẠC LÂU được xếp hạng đứng đầu bảng, là bài thơ xuất sắc nhất, hay nhất, rất được nhiều người ưa thích nhất và nhớ thuộc không bao giờ quên!
Nhà thơ Tiên Lý Bạch trong lần đầu đến viếng thăm lầu Hoàng hạc, dự tính chấp bút đề thi, nhưng sau khi thấy bài thơ của Thôi Hiệu đề trên vách, ông đã phải vất bút mà than thở:
Nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc,
Thôi Hiệu đề thi tại thượng đầu!
(Cảm xúc được với cảnh trí trước mắt, nhưng không thể làm theo ý muốn của mình được (ý nói ông muốn làm thơ, nhưng không thể phóng bút làm thơ được), bởi lẽ vì đã có bài thơ của Thôi Hiệu đề trên vách (thơ quá hay, dù Lý Bạch có làm thơ cũng không hay hơn, vậy không làm thơ nữa là điều tốt hơn!)
Xin mời độc giả xem bài HOÀNG HẠC LÂU (Lầu Hoàng hạc) của nhà thơ Thôi Hiệu sau đây:
HOÀNG HẠC LÂU
Tích nhân dĩ thừa Hoàng hạc khứ,
Thử địa không dư Hoàng hạc lâu.
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản,
Bạch vân thiên tải không du du.
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ,
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu.
Nhật mộ, hương quan hà xứ thị?
Yên ba giang thượng sử nhân sầu!
Kiến trúc lầu Hoàng Hạc trong hiện tại
Hoàng Hạc lâu: lầu Hoàng hạc.
Lầu này được xây trên một hòn đá tên là Hoàng Hộc, nằm trên ngọn núi Xà sơn, nay thuộc thành phố Vũ Hán, huyện Vũ Xương, tỉnh Hồ Bắc. Gần đấy, về phía Tây-Nam, có con sông Trường giang uốn khúc. Lầu Hoàng hạc được xây dựng đầu tiên vào năm Hoàng Vũ thứ 2, đời nhà Ngô (thời Tam quốc), năm 223. Nguyên thủy, lầu Hoàng hạc là một kiến trúc bằng gỗ chạm trỗ, có ba tầng. Cho đến nay, trải qua gần 1800 năm, đã có 12 lần bị thiêu hủy, 12 lần phải trùng tu, xây cất lại. Sau lần trung tu mới nhất 1981, hoàn thành 1985, ngày hôm nay tuy trông lộng lẫy hơn, nhưng vẫn còn giữ lại những đặc tính văn hóa và nét đẹp cổ truyền của lầu Hoàng hạc thời cổ, với 5 tầng, cao 51.4 mét (cao hơn kiến trúc cũ 20 mét).
Anh Vũ châu: bãi sông Anh Vũ, nằm bên bờ con sông Trường giang này.
(Người xưa đã cưỡi chim hạc vàng bay đi từ chỗ này. Nơi đây chỉ còn trơ lại tòa lầu Hoàng hạc mà thôi !Hoàng hạc một đi không trở lại. Mây trắng tự ngàn xưa, nay vẫn còn lững lờ trôi. Hàng cây đất Hán Dương bên bờ sông xanh tốt tươi sau cơn mưa tạnh. Trên bãi sông Anh Vũ, cỏ thơm chen nhau mọc tươi tốt. Trong cảnh chiều tà, khách du ngóng trông, không biết quê làng cũ của mình nằm về phương hướng nào đây ! Khói sóng trên mặt sông mịt mờ, khiến cho lòng ta bị khơi dậy một mối u sầu !)
Các bài dịch:
LẦU HOÀNG HẠC
Người xưa cưỡi hạc đã đi đâu?
Hoàng hạc còn đây một bóng lầu!
Hạc vàng một đi không trở lại,
Lững trôi mây trắng tự ngàn thâu.
Hán Dương sông tạnh, cây xanh thắm,
Anh Vũ bãi sông, cỏ đượm màu.
Xế bóng, trông vời đâu cố lý?
Trên sông, khói sóng gợi cơn sầu!
THẾ ĐẠI dịch
GÁC HOÀNG HẠC
Hạc vàng ai cưỡi đi đâu?
Mà đây Hoàng hạc riêng lầu còn trơ !
Hạc vàng đi mất từ xưa,
Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay.
Hán Dương, sông tạnh, cây bầy,
Bãi xa Anh Vũ, xanh đầy cỏ non.
Quê hương khuất bóng hoàng hôn,
Trên sông, khói sóng cho buồn lòng ai.
TẢN ĐÀ dịch
NGÀY NAY số 80, 10-10-1937
LẦU HOÀNG HẠC
Người xưa cưỡi hạc đã lên mây,
Lầu hạc còn suông với chốn nầy.
Một vắng, hạc vàng xa lánh hẳn,
Nghìn năm, mây bạc vẩn vơ bay.
Vàng gieo bến Hán, cây ngàn hửng,
Xanh ngút châu Anh, lớp cỏ dày.
Trời tối, quê nhà đâu tá nhỉ?
Đầy sông khói sóng gợi niềm tây!
NGÔ TẤT TỐ dịch
LẦU HOÀNG HẠC
Người xưa cưỡi hạc đến nơi đâu?
Hoàng hạc còn đây một mái lầu.
Hoàng hạc một đi không trở lại,
Mênh mang mây trắng xóa ngàn thâu.
Hán Dương, sông tạnh, cây in sắc,
Anh Vũ bờ thơm, cỏ biếc màu.
Chiều tối, trông vời đâu cố quận,
Trên sông, khói sóng giục ai sầu?
TRẦN TRỌNG SAN dịch năm 1957.
Người xưa cưỡi hạc bay đi mất,
Riêng lầu Hoàng hạc vẫn còn đây.
Hạc đà một đi không trở lại,
Man mác muôn đời mây trắng bay.
Hán Dương sông tạnh, cây in bóng,
Anh Vũ bờ thơm, cỏ biếc đầy.
Chiều tối quê nhà đâu chẳng thấy,
Trên sông khói sóng gợi buồn ai!
TRẦN TRỌNG SAN dịch năm 1994.
Lầu Hoàng Hạc
HOÀNG HẠC LÂU
Người đi cưỡi hạc từ xưa,
Đất này Hoàng hạc còn lưa một lầu.
Hạc vàng đi mất đã lâu,
Ngàn năm mây trắng một màu mênh mông.
Hán Dương, cây bóng lòng sông,
Bãi kia Anh Vũ, cỏ trông xanh rì.
Chiều hôm lai láng lòng quê,
Khói bay, sóng vỗ, ủ ê nỗi sầu!
TRẦN TRỌNG KIM dịch
HOÀNG HẠC LÂU
Ai cưỡi hạc vàng đi thuở trước?
Trơ lầu Hoàng hạc lại đây thôi !
Hạc vàng một đã đi đi biệt,
Mây trắng ngàn năm bay chơi vơi.
Sông tạnh Hán Dương cây sáng rỡ,
Cỏ thơm Anh Vũ bãi xanh ngời.
Hoàng hôn về đó, quê đâu tá ?
Khói sóng đầy sông những ngậm ngùi.
KHƯƠNG HỮU DỤNG dịch
(Xem thêm các bản dịch khác: click vào đây)
* VỀ NỘI DUNG, TÌNH Ý CỦA BÀI THƠ:
Nhà thơ Thôi Hiệu đứng ở lầu Hoàng hạc: chim hạc vàng đã bay đi mất tự bao giờ rồi, chỉ còn trơ lại nơi đây ngôi lầu trống vắng, cô đơn. Trên không, mây trắng đang lững lờ trôi, có lẽ tự ngàn xưa cho đến giờ, và mãi mãi sau này, cũng như thế thôi!
Hàng cây Hán Dương, bãi sông Anh Vũ và mặt sông Trường giang đang tỏa mờ khói sóng (hơi nước)..., tất cả những cảnh trí ấy tự nhiên gây cho khách du một mối buồn man mác, lâng lâng. Mối cảm xúc này đã dẫn dắt khách du bỗng chạnh nhớ đến quê xưa, nhà cũ của mình. Trình tự diễn tiến mối cảm xúc từ Hoài cổ tích đến Hoài cố hương rất là tự nhiên, chân thực và cũng rất là sống động!
- Hai câu đầu: tác giả nhắc lại người xưa đã cưỡi hạc bay đi “Tích nhân dĩ thừa Hoàng hạc khứ”. Ngày nay, chỉ còn trơ lại ngôi lầu Hoàng hạc tại nơi đây “Thử địa không dư Hoàng hạc lâu”. Trắc âm “khứ” cuối câu 1 có một âm điệu trổi lên cao, nghe chói tai đã diễn tả đầy đủ được cái đột ngột mà người xưa đã làm. Cuộc ra đi và chia tay của người xưa “Hoàng hạc khứ” này đã để lại cho người đời nay một mối buồn “người xưa, cảnh cũ”. Và mối buồn hoài cổ này đã nhẹ nhàng và lâng lâng, len lén thấm từ từ vào tâm hồn của người đọc qua âm điệu du dương và buồn bã của vần trầm bình thanh “lâu” ở cuối câu 2 “... không dư Hoàng hạc lâu”. Cảm xúc này sao giống y như cảm xúc của ta khi đọc bài thơ “Thăng Long thành hoài cổ’ của bà Huyện Thanh Quan :
. . . . . .
Dấu xưa xe ngựa, hồn thu thảo,
Nền cũ lâu đài, bóng tịch dương.
. . . . . .
và:
. . . . . .
Nghìn năm gương cũ soi kim cổ,
Cảnh đấy, người đây luống đoạn trường!
- Hai câu 3 và 4: có dụng ý như 2 câu đầu: Chim Hoàng hạc đã bay đi và vĩnh viễn không bao giờ trở lại “Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản”. Sự ra đi không trở lại này chính là một cú sốc. Tác giả dùng trắc âm “phản” để diễn tả tâm trạng bàng hoàng của người đời nay, khi đến viếng thăm lầu Hoàng hạc, biết được người xưa dứt áo ra đi, không bao giờ trở lại. Bên cạnh mối xúc động này, ngoại cảnh nơi đây như là trên trời cao, mây trắng tự nghìn xưa vẫn cứ lững lờ trôi, trôi đi mãi mãi và bất tận. Tác giả dùng 3 âm trầm bình thanh “không du du” trong câu thơ “Bạch vân thiên tải không du du” với âm điệu lâng lâng, miên man ấy, đã diễn tả đúng mức được mối sầu buồn triền miên này!
- Hai câu 5 và 6: Hàng cây đất Hán Dương trên bờ con sông Trường giang, sau cơn mưa vừa tạnh, cảnh vật hiện rõ một màu xanh tươi thắm “Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ”. Và trên bãi sông Anh Vũ, cỏ thơm chen chúc nhau mọc tươi tốt. Đây chính là 2 nét chấm phá của bức họa lầu Hoàng hạc, làm tăng thêm vẻ đẹp của di tích cổ xưa nổi tiếng này!
- Hai câu7 và 8: Hai câu thơ này là 2 câu thơ Hay và Đẹp nhất của toàn bài. Trong cảnh chiều tà, khách viễn du đứng ngóng mông ra chung quanh, chợt động lòng nhớ đến làng xưa, quê cũ của mình, giờ đây nằm về phương hướng nào “Nhật mộ, hương quan hà xứ thị?”? Trắc âm “xứ” và trọng âm “thị” đưa giọng lên cao để diễn tả nỗi thắc mắc, lời chất vấn của khách du tự hỏi lấy mình là quê làng mình nằm về phương hướng nào?
Và sau cùng, chỉ vỏn vẹn trong 1 câu thơ cuối “Yên ba giang thượng sử nhân sầu” tác giả đã vẽ ra mặt sông Trường giang trong cái cảnh mờ mờ, chập chờn những khói sóng (hơi nước), khiến cho khách du phải bị khơi dậy một mối sầu buồn. Trầm bình thanh “sầu” cuối bài thơ trong một âm điệu trầm, buồn, với âm vang như kéo lê dài ra bất tận, đã diễn tả được đầy đủ cái trĩu nặng, nhưng mông lung và miên man của nỗi sầu buồn này.
Tóm lại, cách dụng công về TỪ và ĐIỆU trong bài thơ này của tác giả đã đạt được đến mức tuyệt hảo vậy
* VỀ CÁCH CẤU TRÚC CÂU THƠ:
Chúng ta thấy: từng nhóm các câu thơ như: (1 - 2), (3 - 4), (5 - 6) và (7 - 8) đối nhau hết sức hoàn chỉnh cả về từ lẫn ý:
- Trong hai câu 1 và 2: ta có: “Tích nhân dĩ thừa” (Người xưa đã cưỡi) đối với “Thử địa không dư” (Đất này chỉ còn lại). Và “Hoàng hạc khứ” (Hoàng hạc bay đi) đối với “Hoàng hạc lâu” (Lầu Hoàng hạc).
- Trong hai câu 3 và 4: ta có: “Hoàng hạc nhất khứ” (Hoàng hạc một đi) đối với “Bạch vân thiên tải” (Mây trắng từ nghìn năm). Và “Bất phục phản” (Không trở lại) đối với “Không du du” (Vẫn lững lờ trôi).
- Trong hai câu 5 và 6: ta có “Tình xuyên” (sông tạnh, ý nói cảnh sông sau cơn mưa) đối với “Phương thảo” (Cỏ thơm). Và “Lịch lịch” (hiện rõ ra) đối với “Thê thê” (tốt tươi).
- Trong hai câu 7 và 8: ta có “Nhật mộ” (Chiều hôm) đối với “Yên ba” (khói sóng). Và “Hương quan” (Quê nhà) đối với “Giang thượng” (Trên sông). Thêm nữa “Hà xứ thị” (ở phương nào) đối với “Sử nhân sầu” (khiến cho lòng ta cảm thấy buồn rầu).
* VỀ NHỊP ĐIỆU:
Đặc biệt, trong bài này tác giả đã dùng nhiều loại nhịp điệu như: nhịp 2 chữ, nhịp 3 chữ, nhịp 4 chữ... xếp xen kẻ nhau để cấu trúc câu thơ. Ta thấy:
- Nhịp 4 chữ: kết đối nhau trong các câu 1 và 2 là: “Tích nhân dĩ thừa” với “Thử địa không dư”. Kết đối nhau trong các câu 3 và 4 là: “Hoàng hạc nhất khứ” với “Bạch vân thiên tải”.
- Nhịp 3 chữ: kết đối nhau trong các câu 1 và 2 là: “Hoàng hạc khứ” với “Hoàng hạc lâu”. Kết đối nhau trong các câu 3 và 4 là: “Bất phục phản” với “Không du du”. Kết đối nhau trong các câu 5 và 6 là: “Hán Dương thụ” với “Anh Vũ châu”.
- Nhịp 2 chữ: kết đối nhau trong các câu 5 và 6 là: “Tình xuyên” với “Phương thảo” và “Lịch lịch” với “Thê thê”. Kết đối nhau trong các câu 7 và 8 là: “Nhật mộ” với “Hương quan” và “Hương quan” với “Giang thượng”.
Những nhịp điệu 4 chữ, 3 chữ, 2 chữ, trình bày bên trên, đã được tác giả sắp xếp xen kẽ nhau và kết đối với nhau rất cân xứng, tạo cho bài thơ có một âm điệu khi nhặt, khi khoan, lúc trầm, lúc bỗng, uyển chuyển, nhịp nhàng, phù hợp mối sầu đã tác động lên tâm hồn của người khách du.
Kỹ thuật xây dựng bài thơ này của thi sĩ Thôi Hiệu quả thật là hết sức trác tuyệt!
Tiểu sử của nhà thơ THÔI HIỆU:
Thôi Hiệu sinh vào năm nào không rõ, là người Biện Châu, nay là huyện Khai Phong, tỉnh Hà Nam. Năm thứ 13, niên hiệu Khai Nguyên, đời vua Đường Huyền Tông (725), ông thi đậu Tiến sĩ. Tính lãng mạn, thích cờ bạc, ham rượu chè. Ông có đến ba, bốn lần lấy vợ. Làm đến chức Tư huân Viên ngoại lang. Ông mất năm 754, để lại 1 tập thơ.
* * *
Xem bài cùng tác giả: click vào đây
Xem trang Biên khảo: click vào đây
Trang chính: www.nuiansongtra.net