ĐẦU NĂM TẢN MẠN VỀ BÀI ĐƯỜNG THI BẤT HỦ “PHONG KIỀU DẠ BẠC” CỦA TRƯƠNG KẾ
Nói đến thơ Đường, chúng ta không thể không nhắc đến nhà thơ cổ thụ Quách Tấn, một vị trong nhóm “Bàn Thành Tứ Hữu” (bốn người bạn của thành Đồ Bàn) (1) của xứ Bình Định, quê hương của vị anh hùng áo vải Quang Trung Đại đế Nguyễn Huệ. Mối duyên nợ của nhà thơ Quách Tấn với Đường Thi thì quả thật hết sức là đằm thắm, nhất là qua các tập thơ “Một tấm lòng”, “Mùa cổ điển”.
Trong tập “Thi nhân Việt Nam”, Hoài Thanh và Hoài Chân đã viết: “Đêm đã khuya, tôi ngồi một mình xem thơ Quách Tấn. Ngoài kia, có lẽ trăng sáng lắm. Nhưng trời về Thu, khí trời lành lạnh, cửa sổ bên bàn viết đóng kín. Ngọn nến trên bàn tỏa ra một bầu ánh sáng chỉ đủ sáng chỗ tôi ngồi. Chung quanh tối cả. Tối và im. Một thứ im lặng dày đặc. Trong ấy có muôn ngàn thứ tiếng ta không nghe. Lúc này chính là lúc xem thơ xưa. Tôi lắng lòng để đón một sứ giả đời Đường, đời Tống. Đời Đường có lẽ đúng hơn. Đời Đường mới có cái âm u ấy. Thơ Tống, dù xem được ít, tôi nhớ hình như quang đãng và bình yên, không như thế!”
Trước khi đọc và bàn bạc đến bài Đường thi “Phong Kiều dạ bạc” (Đêm đậu thuyền tại bến Phong Kiều), chúng ta hãy nên nghe nhà thơ Quách Tấn đã mơ màng về trời sương bến Phong Kiều, cùng trăng soi trên dòng sông Xích Bích, trong bài thơ “Đêm Thu nghe quạ kêu” (Mùa cổ điển) như sau:
Từ “ô y hạng” rủ rê sang,
Bóng lẫn đêm thâu tiếng rộn ràng.
Trời bến “Phong Kiều” sương thấp thoáng,
Thu sông “Xích Bích” nguyệt mơ màng.
Bồn chồn thương kẻ nương song bạc,
Lạnh lẽo sầu ai rụng giếng vàng?
Và bây giờ, thì chúng ta trở về với bài thơ “Phong Kiều dạ bạc”của thi sĩ Trương Kế vậy.
Trương Kế là một nhà thơ tuy tác phẩm có rất ít, nhưng ông rất nổi tiếng với duy nhất một bài thơ, bài “Phong Kiều dạ bạc” dưới đây (2):
Chùa Hàn San và bến Phong Kiều
Nguyệt lạc ô đề, sương mãn thiên,
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên,
Cô Tô thành ngoại Hàn San tự,
Dạ bán, chung thanh đáo khách thuyền.
Phong Kiều: là tên đất nằm phía Tây Ngô huyện 10 dặm, thuộc tỉnh Giang Tô. Ở đây, bài thơ nói đến bến sông Phong Kiều, nơi thuyền bè ra vào và neo đậu để vận chuyển hàng hóa mua bán. Hàn san tự: ngôi chùa cổ của đất Ngô huyện, nằm phía Tây Phong Kiều. Tương truyền rằng về đời Đường, có hai nhà sư là Hàn San và Thập Đắc trụ trì ở đấy, nên được gọi tên chùa là Hàn San. Cô Tô: thành phố nổi tiếng ở đấy, nằm về phía Tây Nam Ngô huyện. Ngày xưa, thời Đông Chu (770 – 314 tr.CN), Ngô vương Phù Sai cho xây dựng đền đài ở đây cho nàng Tây Thi ở.
(Trăng lặn, quạ kêu, sương phủ đầy trời. Hàng cây phong hai bên bờ sông và đóm lửa ghe chài đối nhìn nhau trong một giấc ngủ sầu buồn! Chùa Hàn San ở ngoại thành Cô Tô, nửa đêm, tiếng chuông vọng truyền đến các thuyền của khách, đang neo đậu tại bến sông Phong Kiều).
Bến sông Phong Kiều
VỀ Ý THƠ:
- Trong câu thơ đầu, chỉ có 7 chữ “Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên”, tác giả đã vẽ lên được một bức tranh tuyệt đẹp: bức tranh một đêm trăng thượng tuần, vạn vật đang chìm đắm trong màn sương mù. Có tiếng quạ kêu khuya làm tăng thêm buồn cho cái cảnh một đêm trăng vắng lặng!
- Tiếp theo, tác giả đưa hai tĩnh vật làm chứng nhân cho cái cảnh đêm buồn này, đó là những cây phong hai bên bờ sông “giang phong” và ngọn lửa ghe chài “ngư hỏa” đối nhìn nhau trong đêm vắng mù sương. Từ thuyền nhìn lên bờ, hàng cây phong trong màn sương mù chỉ là những bóng dáng thấp thoáng, mờ mờ, ảo ảo, lúc ẩn, lúc hiện. Còn đóm lửa ghe chài thì leo lắt, chập chờn, lúc sáng, lúc tắt. Cả hai chứng nhân này cùng hiện diện và cũng đang cùng nhau đắm chìm dần vào một giấc ngủ sầu buồn của đêm dài tịch mịch!
- Không dừng ở đó, trong 2 câu cuối, tác giả đưa hồi chuông tụng kinh khuya của chùa Hàn San ngân nga vọng đến bến sông Phong Kiều, khiến cho khách trọ trên thuyền nơi đây, những ai còn đang trằn trọc chưa ngủ được, càng thấm đậm thêm nỗi buồn vắng lặng và cô quạnh của một đêm trăng non có sương mù bao phủ!
VỀ KỸ THUẬT:
Cách ngắt câu và phân nhịp:
- 2 câu đầu, tác giả dùng cách ngắt câu với nhịp chữ theo thứ tự là 2/2/3 như là:
Nguyệt lạc/ ô đề/ sương mãn thiên,
Giang phong/ ngư hỏa/ đối sầu miên.
Cách ngắt câu theo nhịp 2/2/3 nói trên có lẽ đã diễn tả đúng mức được nỗi trằn trọc, trăn trở bởi giấc ngủ không đến, đang gây bực dọc cho những khách thuyền tại bến sông Phong Kiều.
- Còn 2 câu cuối, thì tác giả lại đưa nhịp thơ đi suốt luôn một mạch cho đến hết bài, gây cho người đọc một cảm giác triền miên, dằng dặc, phù hợp với tiếng chuông chùa Hàn San cũng ngân nga kéo dài cái tịch mịch, vắng lặng, trong cái đêm trăng thượng tuần sầu buồn này ra như bất tận vậy!
ĐÊM ĐẬU THUYỀN TẠI BẾN PHONG KIỀU
Trăng tàn, quạ thức kêu sương,
Lửa chài đối bóng hàng phong giấc sầu.
Cô Tô chùa cổ Hàn San,
Nửa đêm, chuông vọng đến thuyền khách neo.
THẾ ĐẠI dịch
ĐÊM ĐẬU THUYỀN TẠI BẾN PHONG KIỀU
Trăng tà tiếng quạ kêu sương,
Lửa chài cây bến, sầu vương giấc hồ.
Thuyền ai đậu bến Cô Tô,
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San.
(TẢN ĐÀ dịch)
ĐÊM ĐẬU THUYỀN TẠI BẾN PHONG KIỀU
Trăng tà, tiếng quạ lẫn sương rơi,
Sầu đượm hàng phong giấc lửa chài.
Ngoài ải Cô Tô, chùa vắng vẻ,
Nửa đêm, chuông vẳng đến thuyền ai.
(TRẦN TRỌNG SAN dịch)
ĐÊM KHUYA THUYỀN ĐẬU Ở BẾN PHONG KIỀU
Quạ kêu, trăng lặn, sương rơi,
Lửa chài, cây bãi đối người nằm co.
Con thuyền đậu bến Cô Tô,
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San.
(TRẦN TRỌNG KIM dịch)
CẦU PHONG ĐÊM GHÉ THUYỀN
Quạ kêu, sương tỏa, trăng lui,
Đèn chài, cây bãi đối người nằm khô.
Chùa đâu trên núi Cô Tô,
Tiếng chuông đưa đến bến đò canh khuya.
(NGÔ TẤT TỐ dịch)
Chùa Hàn San
Về tác phẩm bất hủ “Phong Kiều dạ bạc” này, có một giai thoại lưu truyền lại là nhờ có một văn nhân thi sĩ vô danh nọ tình cờ đã giúp cho nhà thơ Trương Kế làm xong được bài thơ này. Chuyện kể rằng, đêm hôm ấy, nhà thơ Trương kế neo thuyền nghỉ đêm tại bến sông Phong Kiều. Mãi khuya, vẫn còn thao thức không ngủ được, ông bèn bước lên trên khoan thuyền để ngắm cảnh vật. Trăng thượng tuần sắp lặn, tỏa ánh sáng vàng vọt, yếu ớt trong một không gian mù mịt, bị phủ kín bỡi màn sương dày đặc. Điểm xuyết cho đêm buồn hiu quạnh này, lại có tiếng quạ kêu trên không vọng xuống! Trong cái cảnh trời đất mông lung, huyền ảo này, chỉ còn thấy thấp thoáng hàng cây phong trên bờ sông đối bóng với ngọn lửa ghe chài, lúc ẩn, lúc hiện trên mặt sông. Hồn thơ của Trương tiên sinh bị khêu động mạnh, và ông ứng khẩu đọc ngay 2 câu thơ sau:
Nguyệt lạc, ô đề, sương mãn thiên,
Giang phong, ngư hỏa đối sầu miên.
Chuông chùa Hàn San
Nỗi hân hoan do bỡi mới nghĩ được hai câu thơ đắc ý vừa mới phát lộ trên nét mặt rạng rỡ, thì đôi mày nhà thơ bỗng nhăn tít lại! Thì ra tứ thơ của ông đã bị tắt nghẽn ngay sau khi làm được hai câu thơ nói trên. Bóp trán, nặn óc mãi lâu, mà nhà thơ vẫn trong tình trạng bí lối, không thể nghĩ tiếp ra được hai câu cuối của bài Thơ thất ngôn này!
Cũng trong đêm hôm đó, tại ngôi cổ tự Hàn San, có hai thày trò một văn nhân vô danh nọ, nhân đi du lãm lỡ đường, xin trọ qua đêm tại chùa. Đầu hôm, thầy trò dắt nhau đi dạo quanh trong vườn chùa, để thưởng hoa dưới trăng. Đêm thượng tuần, nhân lúc trời trong, vầng trăng khuyết treo trên không giống như một chiếc liềm bạc. Còn phần tối của trăng thì đen, mờ, trông như một cánh cung vậy. Chàng văn nhân ứng khẩu đọc liền hai câu thơ:
Sơ tam, sơ tứ, nguyệt mông lung,
Bán tự ngân câu, bán tự cung.
(Mồng ba, mồng bốn, trăng mờ ảo mông lung. Một nửa vầng trăng giống như cái liềm bạc. Nửa kia thì giống như một cánh cung).
Chú tiểu đồng cắp tráp theo hầu vổ tay tán thưởng chủ mình đã làm được hai câu thơ quá hay.
Nhưng cũng giống như nhà thơ Trương Kế, tứ thơ của chàng văn nhân nọ lại bị tắt nghẽn nửa chừng. Hai thầy trò vẫn tiếp tục đi quanh quẩn trong vườn chùa khá nhiều vòng, nhưng chàng công tử nọ vẫn chưa thể làm tiếp được 2 câu kế để kết thúc bài thơ. Nhưng rồi bỗng nhiên chú tiểu đồng reo to lên là con đã nghĩ ra rồi. Và không đợi chủ hỏi thêm, chú cất giọng ngâm to:
Nhất phiến ngọc hồ phân lưỡng đoạn,
Bán trầm thủy để, bán phù không.
(Một tấm ngọc được chia làm hai phần: nửa chìm trong đáy nước (phần tối, mờ), nửa kia (phần sáng) lại nổi trên không).
Gương mặt chàng công tử hơi ngẩn ra trong giây lát, nhưng rồi chàng vui mừng hẳn ra và lẩm nhẩm hai câu thơ của chú tiểu đồng vừa đọc, như sợ bị quên mất đi. Bỗng chàng chụp vào hai tay chú tiểu đồng, nắm chặt lấy, rồi trang nghiêm bảo: Phật tổ có lẽ đã mở trí cho con nghĩ được 2 câu thơ mà con vừa đọc, để giúp ta hoàn thành được bài thơ này! Vậy thì bây giờ thầy trò ta hãy vào đại điện thắp hương lễ Phật, để tạ ơn Ngài! Vừa nắm tay kéo chú tiểu đồng bước lên đại điện, chàng công tử vừa cao giọng ngâm sang sảng toàn bài thơ mà thầy trò vừa ngộ tác:
Sơ tam, sơ tứ, nguyệt mông lung,
Bán tự ngân câu, bán tự cung.
Nhất phiến ngọc hồ phân lưỡng đoạn,
Bán trầm thủy để, bán phù không.
(Mồng ba, mồng bốn trăng mờ,
Nửa như liềm bạc, nửa ngờ cánh cung.
Ngọc kia,ai xẻ đôi vừng?
Nửa chìm đáy nước, nửa vùng lên không).
Hồi chuông lễ tạ ơn Phật của hai thầy trò chàng công tử nọ lãnh lót, ngân nga và dìu dặt vang vọng ra khắp bốn bề đêm tối u huyền.
Cũng vào lúc này, trên chiếc thuyền neo tại bến Phong Kiều, chính là lúc nhà thơ Trương Kế đang bứt rứt, buồn bực vì chưa làm xong hai câu thơ cuối. Nhưng vừa chợt nghe được tiếng chuông chùa, ông lộ vẻ vui mừng khôn tả, rồi vội vã đọc ngay hai câu thơ mà ông mới vừa nghĩ ra:
Cô Tô thành ngoại Hàn San tự.
Dạ bán, chung thanh đáo khách thuyền.
Nhờ một văn nhân vô danh nọ, hay đúng hơn, nhờ hồi chuông nửa đêm của chùa Hàn San, mà nhà thơ Trương Kế mới hoàn thành được một tác phẩm bất hủ, lưu truyền cho hậu thế, mà ngày hôm nay chúng ta mới có dịp bàn bạc và phẩm bình đến !
Tiểu sử nhà thơ Trương Kế:
Trương Kế tự là Ý Tôn, người đất Tương Châu, nay thuộc tỉnh Hồ Bắc. Ông sinh và mất năm nào không rõ, chỉ biết ông thi đậu Tiến sĩ năm thứ 12 niên hiệu Thiên Bảo (753). Ông từng giúp việc trong Quân mạc phủ và giữ chức Diêm thiết Phán quan. Cuối thời Đại lịch, ông vào triều giữ chức Tư bộ Viên ngoại lang. Sau đó, ông ra coi việc tài phú tại Hồng Châu và mất tại đấy. Thơ của ông để lại có 1 tập, nhưng chỉ nổi tiếng nhất là bài “Phong Kiều dạ bạc”.
(1) Nhóm “BànThành Tứ Hữu” (4 người bạn ở thành Đồ Bàn) hay còn được gọi là “Tứ Linh”, gồm: 1) Long là thi sĩ Hàn Mạc Tử (1912-1940). 2) Lân là thi sĩ Yến Lang (1916-1998). 3) Qui là thi sĩ Quách Tấn (1910-1992). 4) Phụng là thi sĩ Chế Lan Viên (1920-1989).
Nhóm Bàn Thành Tứ Hữu được khai sinh từ năm 1936 với mục đích cùng họ chỏi và thúc đẩy nhau trên con đường sáng tác. Tuy nhóm thơ này giao du rất rộng, nhưng họ không hề mở rộng nhóm thơ, trước sau chỉ có 4 người mà thôi. Từ 1936 đến 1945, “Bàn Thành Tứ Hữu” lần lượt cho ra mắt nhiều tập thi phẩm có giá trị, gây được tiếng vang trên văn thi đàn khắp nước, như:
Quách Tấn có: “Một tấm lòng” (1939), “Mùa cổ điển” (1941).
Chế Lan Viên có: “Điêu tàn” (1937).
Yến Lang có: “Bến My Lăng” (Phong trào thơ Mới).
Hàn Mạc Tử có: “Gái quê” (1936).
(2) Bài viết dưới đây được trích đoạn từ trong tập Sách DẠO QUANH VƯỜN THƠ ĐƯỜNG, TUYỂN DỊCH VÀ BÌNH GIẢNG, do tác giả biên, soạn, dịch (trang 367-373/ 505).
Tượng Trương Kế
(Gần bến Phong Kiều và chùa Hàn San)
Thế Đại NGUYỄN THÁI ĐỆ
* * *
Xem bài trên trang Thơ, click vào đây
Xem trang Thơ (Cổ văn), click vào đây
Về trang chính: www.nuiansongtra.com