QUÊ HƯƠNG ƠI! THÔI ĐÀNH XA
Sáng tác: Nhật Ngân
Ca sĩ: Duy Khánh
Đồng ruộng Nghĩa Hành
QUẢNG NGÃI NGÀY VỀ
Tháng Mười Một trời lạnh, những cánh rừng miền Ðông Bắc Hoa Kỳ cây trụi lá. Những bãi cỏ xanh biến thành màu vàng úa như đang chết, những con sóc và muôn chim cũng không còn lảng vảng cùng loài ong bướm bên những lùm cây để tạo nên bức tranh thiên nhiên sống động. Tháng Mười Một tất cả đi vào chu kỳ nằm yên tiêu hóa và ngủ vùi qua mùa Ðông để chờ mùa Xuân đến. Tháng Mười Một là No, là Nothing, là không còn những cánh hoa, không còn dấu chân người đi dạo phố, là không còn gì cả, là November! Nhưng tháng Mười Một vẫn còn có em và con. Tôi đã vỗ ngọt em hãy làm loài gấu để đi vào trạng thái ngủ vùi cùng con, để tôi có lý do về thăm Mẹ già, thăm quê hương mà không bị mặc cảm áy náy! Hơn nữa em cũng đã “ớn” sau chuyến về thăm năm trước!
Tháng Mười Một mùa Ðông đến nơi đây, tuyết phủ trắng mặt đất, và cũng là lúc những đàn ngỗng Canada rời miền Bắc bay về miền Nam. Những buổi chiều nhìn lên bầu trời xanh lơ người ta sẽ bắt gặp đâu đó đàn ngỗng rời mặt đất bay lên không, xếp thành từng hàng hình chữ V kêu oang-oác. Những tiếng kêu mời gọi và càng lúc đàn ngỗng càng dài ra, tung cánh chim tìm về tổ ấm. Và tôi cũng rời em cùng cánh rừng trụi lá, để về với những cơn mưa như thác đổ, mưa rỉ rả cả ngày đêm, mưa như nhớ ai mưa triền miên. Mưa như… mưa rừng!
Cũng thành phố này, mỗi lần máy bay sắp đáp xuống phi trường là lòng tôi thấy bâng khuâng và hồi hộp! Mắt nhìn qua khung cửa với những dãy phố và đèn màu đua nhau chạy mà lòng bồn chồn, tôi như một đứa bé xa mẹ rất lâu, nay được về. Và ngoài kia, trong đám đông thấp thỏm ngóng chờ trên sân bay, chắc sẽ có một người tôi quen biết. Tôi liên tưởng đến những khuôn mặt vui tươi, những nụ cười và ánh mắt tràn ngập hạnh phúc. Chỉ có bấy nhiêu đó đã làm tôi vui lên và quên đi những nhọc nhằn trên suốt chuyến bay dài lê thê.
Cũng như mọi lần tôi về, máy bay đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất vào lúc nửa đêm. Nhưng lần này không như lần trước, người xét giấy tại phi trường mân mê cuốn thông hành, lật qua lật lại không thấy gì trong đó. Tôi biết cái mà anh ta muốn tìm, nhưng không có trong cuốn thông hành và cuối cùng, với giọng điệu chua cay gắt gỏng, anh ta cũng phải trả giấy thông hành cho tôi đi! Ôi! “Quê hương là chùm khế ngọt!” Nhưng ưu phiền rồi cũng bay đi khi tôi đẩy chiếc xe hành lý qua khỏi cổng kiểm soát. Những gương mặt hớn hở, lức láo nhấp nhô tìm người thân reo lên và đưa tay vẫy chào khi tôi bắt gặp ánh mắt một người.
Vừa bước ra phi trường, cái lạnh của tháng Mười Một từ bên kia bờ Thái Bình Dương đã biến mất và được thay vào cái nóng hừng hực nơi đây. Cái nóng oi bức để báo hiệu cho một cơn mưa sắp đến cũng bị quên đi, khi trước mắt tôi là hình ảnh của những người thân đang vui mừng. Những câu chào hỏi vẫn còn trên môi thì chiếc taxi cũng vừa cập lại. Chúng tôi lên xe về cầu Phú Mỹ, quận 7. Ðường phố Sài Gòn lúc nào cũng mang lại trong tôi một sự háo hức. Tôi luôn say mê nhìn hai bên đường để tìm lại một chút gì, một chút gì mang linh hồn của ngày xưa, một chút gì làm lòng tôi chùn lại với kỷ niệm thời học sinh buồn, vui, và bối rối. Nhưng tất cả đã thay đổi! Ngay cả cái tên cũng đã đổi thay, nhưng với tôi Sài Gòn muôn đời vẫn là Sài Gòn.
Một điều không thay đổi là căn nhà nhỏ trong hẻm đường Nguyễn Văn Quỳ dưới chân cầu Phú Mỹ, nơi đó có mẹ, có anh, chị và những ngày ngắn ngủi êm-ả tôi sống trên quê hương.
Buổi chiều, sau vài ngày trở lại thành phố Sài Gòn, tôi chạy chiếc xe Honda cũ kỹ đến gặp một số bạn bè. Sài Gòn vào tháng Mười Một tức là vào mùa mưa. Ðang đi trên đường Cách Mạng Tháng Tám bỗng nhiên trời đổ mưa, tôi lay hoay tấp xe vào lề đường và tròng chiếc áo mưa vào người. Mưa lớn hột nhưng tôi vẫn thích lao vào cơn mưa. Lâu lắm rồi tôi mới được đi dưới cơn mưa Sài Gòn! Làm tôi nhớ những cơn mưa dai dẵng của ngày xưa: những cơn mưa dường như không có dấu chấm hết, những cơn mưa làm ướt đẫm tà áo trắng nữ sinh, những cơn mưa làm người thiếu nữ thẹn thùng trong tiếng quen nhau, và những cơn mưa làm nhịp cầu chắp nối cho tình yêu ban đầu, vì, “nếu tôi đừng đưa em, thì chắc đôi mình không quen!”
Những giọt mưa nhạt nhòa trên đôi mắt kính rồi cũng ngừng rơi khi tôi đến trước cửa quán ăn Shun, 164A Nguyễn Văn Trỗi, Phú Nhuận. Có lẽ vì tôi sợ trời mưa đường đi chậm nên tôi đã đến đây sớm hơn giờ hẹn. Người con gái tiếp tân đưa tôi lên phòng ăn ở lầu hai, chỉ một mình tôi ngồi bên hành lang nhìn những hạt mưa rơi. Cô bé thấy tôi ngồi một mình khá lâu và một phần đèn điện trong quán tối câm nên đến trò chuyện. Tôi thấy mọi nhà chung quanh đều sáng ngoại trừ cái quán này tối thui! Cô bé có vẻ áy náy cho tôi biết rằng điện bị cúp, tôi bảo không sao em có thể mang đèn cầy ra đốt cũng đươc. Ðã đến giờ hẹn, cô bé hỏi bạn bè tôi đâu? Có lẽ họ đang trên đường đến, có lẽ vì mưa, và có lẽ vì Sài Gòn còn có một giờ đặc biệt. Cô bé hỏi tôi giờ đặc biệt là giờ gì? Tôi vui đùa bảo đó là giờ dây thun. Cô bé nhìn tôi cười hồn nhiên. Tôi đang trò chuyện với cô gái tiếp viên thì người bạn bước vào phòng ăn, mới nhìn tôi biết ngay đó là M. Hạnh vì tôi đã thấy hình của M. Hạnh trước đây. Rồi lần lượt Hải, T. Dung, Bốn, và Thái Lập Huy từ bên kia Thái Bình Dương mới về cũng có mặt. Họ là những người bạn tôi mới quen, mới như những hạt mưa đầu mùa vừa rơi ngoài kia. Có một điều là chúng tôi cùng đến từ quê hương Quảng Ngãi. Tuy lần đầu gặp gỡ nhưng tình cảm giữa chúng tôi như đã quen nhau từ lâu. Nhưng cuộc vui nào rồi cũng chấm dứt, vì hội ngộ là để bắt đầu cho chia tay. Cơn mưa đã tạnh, cuộc hội ngộ đã tàn, những người bạn ra về để lại trong tôi một thứ tình cảm quê hương, và để đáp lại tôi đã gửi gắm một chút tâm tình trong cuốn sách “Làng Tôi” như một món quà tri âm.
Chia tay những người bạn mới. Ngày mai tôi lên đường trở về Núi Ấn Sông Trà.
Năm giờ bốn mươi lăm phút sáng ngày 7-11-2013 máy bay sẽ cất cánh rời Tân Sơn Nhất đi Ðà Nẵng. Khuya hôm trước đó trời đổ mưa, những hạt mưa to và đậm gõ đều trên mái tôn đã đánh thức tôi. Nhìn ngoài trời tối như mực và cơn mưa như thác đổ! Tôi ráng nhắm mắt nhưng không tài nào ngủ được, nằm nhìn mái tôn. Lâu lắm rồi tôi mới được nằm nghe tiếng mưa đêm trên mái tôn. Tiếng mưa rỉ rả mang theo nỗi buồn như tiếng hát của Thanh Thúy “đời từ muôn thuở, tiếng mưa có vui bao giờ!” Nhưng tôi vẫn thích nằm nghe tiếng mưa đêm. Tiếng mưa khuấy động những kỷ niệm của thời xa xưa, những kỷ niệm của thời học sinh với những mối tình ngây thơ, để rồi “tôi thiếp đi trong niềm vui và đêm rớt những hạt mưa… đầu mùa.”
Ðã bốn giờ rưỡi sáng mà trời vẫn còn mưa lớn, taxi đang đến, tôi lội ra đầu hẻm để lên xe. Taxi chạy trong mưa, tôi nói tài xế ghé bốc thêm người anh trên đường Bùi Văn Ba. Nhưng taxi chạy được một đoạn đường ngắn thì tắt máy vì bị ngập nước! Tài xế lay hoay đề máy lại, nhưng vô ích chiếc xe vẫn nằm ì một chỗ. Nhìn đồng hồ chỉ còn chưa đầy một tiếng nữa là máy bay cất cánh. Mà từ đây lên phi trường còn xa mút mùa. Tôi hối tài xế phải làm sao nếu không sẽ trể chuyến bay. Cuối cùng anh tài xế phải gọi về hãng cho xe khác đến đổi. Trên đường chúng tôi bắt gặp nhiều xe hơi chết máy do ngập nước. Tôi hối tài xế chạy lẹ cho kịp giờ máy bay cất cánh, và anh đã chạy như chạy giặc! Năm giờ rưỡi xe đến phi trường Tân Sơn Nhất, tôi trả thêm cho anh tài xế vì đã khuyến khích anh chạy ẩu!
Chiếc VietStar loại nhỏ cất cánh đi Ðà Nẵng đúng giờ. Tôi cùng người anh ngồi sát bên nhau. Cũng như mọi chuyến bay, khi máy bay vừa lên không thì phi hành đoàn hướng dẫn hành khách những thủ tục an toàn và trường hợp khẩn cấp. Tôi đi máy bay cũng đã nhiều lần, và nhiều hãng khác nhau trên thế giới cũng như nội địa nước Mỹ, nên, hầu hết tôi ít để ý những lời hướng dẫn từ chiêu đãi viên hàng không. Nhưng lần này tôi lắng nghe. Những thủ tục rất bình thường như tắt điện thoại, không được hút thuốc, tắt những dụng cụ điện tử, v.v… Nhưng tôi sững sờ và ngạc nhiên khi nghe tiếp viên hàng không VietStar, sau khi giải thích các thủ tục an toàn lại thêm mấy lời “đe dọa” bằng tiếng Việt như: “Nếu quý vị không tuân theo những thủ tục trên thì sẽ bị xử phạt theo luật hàng không hiện hành”. Tôi sững sờ vì những hãng hàng không của các quốc gia khác và Hoa Kỳ chỉ nói lời hướng dẫn an toàn thôi, họ không “đe dọa” sẽ bi phạt này phạt nọ đối với hành khách. Rồi tôi lắng tai nghe tiếp lời hướng dẫn bằng tiếng Anh, thì không nghe lời tiếp viên cảnh cáo sẽ phạt nếu hành khách sơ suất! Tôi nghĩ sao lạ, cùng một sự việc, sao không răn đe người nước ngoài luôn mà chỉ răng đe người Việt! Không lẽ chỉ biết lấy tiền của dân mình mà không cần tôn trọng hay sao? Hay là họ chỉ biết sợ người nước ngoài mà luôn ăn hiếp dân mình!?
Bốn mươi lăm phút sau, phi cơ đáp xuống phi trường Ðà Nẵng. Tôi cùng anh đón taxi về ga xe lửa để tiếp tục đi Quảng Ngãi:
-“Cô bán cho tôi hai ghế đi Quảng Ngãi nhé.”
-“Anh muốn ghế nào?”
Lần đầu tiên tôi đi xe lửa ở Việt Nam.
-“Tôi không hiểu, ghế nào là ghế nào? Tôi chỉ cần hai ghế thôi!”
-“Anh muốn ghế nằm, ghế cứng hay ghế mềm?”
-“Tôi không muốn ghế nằm. Vậy “ghế cứng” và “ghế mềm” thì sao cô?”
Tôi vừa hỏi vừa cười “duyên”. Cô bán vé không trả lời, ngước nhìn tôi:
-“Anh thật không biết ghế cứng khác ghế mềm sao à?
Tôi lại nhìn cô bán vé, cười cười và nói:
-“Tui biết thế nào là cứng và mềm, nhưng chưa biết ghế cứng ghế mềm thôi.”
Cô bán vé nguýt tôi một cái, xong giải thích thế nào là ghế cứng ghế mềm cho tôi. Thì ra ghế cứng rẻ hơn ghế mềm và ghế cứng là ghế gỗ, ghế mềm là ghế bằng nệm!
-“Vậy cô cho tui hai ghế mềm đi.”
Tôi trả tiền, lấy hai vé xe bước đi mà không khỏi cười thầm khi nhớ đến ánh mắt, và cái nguýt của cô bán vé!
Còn hơn một tiếng đồng hồxe lửa mới đến. Tôi đưa anh ra quán ăn bên cạnh ga Ðà Nẵng để ăn sáng. Tôi gọi hai tô phở và trò chuyện qua loa với người Quảng Nam để nghe giọng nói của họ. Thì ra cũng không khác gì “en không en tét đèn đi ngủ” của người Quảng Ngãi. Một giờ chiều xe rời ga Ðà Nẵng. Ðêm qua nằm nhìn mái tôn nghe tiếng mưa rơi, sáng nay tôi thức dậy sớm cho kịp chuyến bay, tính ra thì tôi đã mệt đừ người. Nhưng tôi vẫn cố nhìn ra hai bên đường rầy với cảnh ruộng đồng sông nước. Những đàn bò xa xa trên cánh đồng nước trắng xóa làm mắt tôi sáng rực. Từ đó tôi không còn muốn nhắm mắt ngủ nữa. Tiếng kêu xình-xịch và những toa xe kéo nhau chạy, và tôi say mê ngắm cảnh núi rừng sông nước.
Ba tiếng đồng hồ sau xe đến ga Quảng Ngãi, mà ngày xưa còn gọi là ga Ông Bố. Người ta gọi là ga Ông Bố vì ngày xưa dinh thự của viên Bố Chánh người Pháp nằm nơi đây. Và gọi là chợ Ông Bố ở thị xã Quảng Ngãi cũng từ lý do này mà ra, tôi nghĩ vậy. Từ ga Ông Bố chúng tôi lấy taxi chạy về nhà người cậu, ở trung tâm thành phố Quảng Ngãi, mà vợ lại là cháu của tôi. Nó tréo cẳng ngỗng như vậy, nên bên nào gọi bên nấy.
Chiều ngày hôm đó tôi chạy xe cậu Khôi đến cà phê Ocean Blue bên sông Trà Khúc để gặp vợ chồng Lê Hồng Khánh, Lê Ðức Tiến và Nguyễn Phong, những người bạn tôi quen trên mạng qua văn chương. Ocean Blue phong cảnh hữu tình nằm bên dòng sông Trà. Vào mùa nước lũ nên sông Trà nước đục ngầu chảy cuồn cuộn. Lê Hồng Khánh đưa chúng tôi đến quán Ðông Phương cũng nằm dọc theo bờ sông Trà. Qua chén trà, ly rượu, và những mẫu chuyện trên trời dưới đất đã mang tình bạn thêm gần gũi hơn. Trời đã tối tôi chia tay bạn bè, cùng Lê Ðức Tiến qua cầu Trà Khúc trở về thị xã. Lê Ðức Tiến tiếp tục chạy về ngã năm, tôi rẽ đường Quang Trung quẹo trái vào Lê Trung Ðình.
Sáng ngày hôm sau, Pétain (Pê-tanh, tên gọi ở quê của cậu Khôi) cho tôi mượn chiếc xe Honda suốt thời gian tôi ở Quảng Ngãi, tôi đèo anh về Hành Thịnh. Xe chạy một hồi qua khỏi cầu Sông Vệ tôi cùng anh ngừng lại ở quán don bên đường quốc lộ số 1 để thử món ăn đặc sản của Quảng Ngãi. Với năm ba trái ớt hiểm bằm nhỏ, vài miếng bánh tráng nướng bóp nhỏ bỏ hết vào tô don nóng hổi. Tôi vừa ăn, vừa thổi, vừa hít hà, vừa lau… nước mũi! Cay quá, bao nhiêu dây thần kinh khứu giác đều bị tê liệt, anh tôi hỏi: “ngon hông?” Tôi đâu còn biết gì nữa, cay điếc lỗ tai rồi! Nhưng hình như vẫn còn nghe mùi thơm của con don!
Tôi tiếp tục đèo anh chạy đi. Con đường Quốc Lộ số 1 gió thổi rì rào qua lỗ tai, những cánh đồng lúa xanh rì hai bên đường cứ kéo dài ra. Xa xa là hòn Thiên Bút và La Hà Thạch Trận, nay cũng “mòn” đi một ít! Ðến ngã ba Quán Lát tôi quẹo mặt chở anh về Núi Ðồi thăm mộ Cha. Lần nào về quê tôi cũng đều ghé thăm mộ Cha tôi trước nhất. Tôi mất Cha từ khi còn nhỏ, nhưng vì lý do nào đó tôi luôn nhớ đến Ông và thương Ông thật nhiều. Có lẽ lúc sinh thời Cha tôi đã là khuôn mẫu cho cuộc đời của tôi đến bây giờ. Rời Núi Ðồi anh ngồi sau chỉ đường tôi chạy về Hành Thịnh. Con đường quanh co và anh nay đã lớn tuổi, nên đã quên lối về! Cho nên tôi chạy hết ngõ cụt này đến ngõ cụt khác, đường sình lầy nhầy nhụa, và cuối cùng “con đường nào cũng đến La Mã”, tôi và anh đã đến Hành Thịnh.
Tháng Mười Một là mùa mưa bão ở miền Trung, và cơn bão Haiyan được cho là cơn bão lớn nhất từ xưa nay đang trên đường đi vào Quảng Ngãi. Tôi đến Quảng Ngãi trước Haiyan một ngày. Buổi chiều đi thăm bà con trong thôn Ba Bình nghe đâu đâu người ta cũng bàn tán về bão Haiyan. Nhiều người đã đốn những cây cao nằm gần nhà trước khi Haiyan “đổ bộ”. Nhưng nỗi lo âu sâu nặng nhất, ngoài những căn nhà cấp bốn, là những người chủ của những rừng cây Keo trên núi! Nếu Haiyan đổ bộ vào Quảng Ngãi với cấp 12, 13 thì những rừng Keo trên núi sẽ thành bình địa! Có nghĩa là tài sản và mồ hôi nước mắt của họ trong ba bốn năm trời sẽ tiêu tan theo mây gió.
Keo là một loại cây công nghiệp dùng làm giấy. Thân cây Keo cao nhỏ và dòn dễ gãy. Từ lúc trồng đến lúc có thể thu hoạch được là khoảng bốn năm. Keo con có giá từ 5.000 đến 7.000 đồng mỗi cây, nhưng khi thu hoạch thì giá khoảng từ ba đến bốn chục ngàn một cây.
Nhưng bão Haiyan đã đổi hướng không đổ bộ vào Quảng Ngãi mà đi về miền Bắc.
Sau một đêm ngủ bình yên trên quê hương trong căn nhà của người chị, mà nay để lại cho vợ chồng thằng Giới, đứa con lớn ở. Sáng sớm những tiếng gà gáy liên hồi đã đánh thức tôi dậy, những tiếng gà gáy mà lâu lắm rồi nay tôi mới nghe lại. Ðứa cháu dâu ra chợ Ba Bình mang về một chục bánh xèo, loại bánh xèo nhỏ của miền Trung thơm ngon để ăn sáng. Chợ Ba Bình ngày xưa nằm giữa làng nay được dời ra phía trước, nơi mà ngày xưa là gò Mả Chợ, nhưng mồ mả trên gò Mả Chợ nay đã được dời vào gò Rú dùng đất làm chợ.
Xong buổi ăn sáng tôi đi cùng người anh và Giới lên núi. Ngày xưa tôi phải lội bộ, leo đồi leo dốc trên con đường mòn hằng giờ mới đến đỉnh núi Ngang. Ngày nay người ta đục núi làm đường bê-tông, xe gắn máy chạy khắp nơi trên núi. Tôi mang theo máy chụp hình, khi đến hòn đá Bằng, tức là nửa dốc núi, tôi ngừng xe mang máy đi chụp những ngọn cây quen thuộc của một thời như chà là, móc, sim, mẫn khiểng, mây, giấy, sưng, cải trời, củ dọc, v.v… những trái cây ngày xưa tôi thường hái trên núi này, nhưng nay không còn một móng! Ngày xưa lên núi có rất nhiều cây ăn trái, những loại thảo mộc quý hiếm dùng làm thuốc nam, và cho thú rừng ăn. Những bụi cây như trên bây giờ đi tìm mỏi mắt cũng không thấy một cây làm thuốc! Vì cứ mỗi ba bốn năm, sau khi cắt cây Keo bán, người chủ đốt rụi khu rừng để trồng lại cây mới! Cho nên rừng Quảng Ngãi bây giờ chỉ có một loại cây duy nhất, là Keo!
Vì khoảng lợi tức này mà những khu rừng nguyên sinh ở quận Nghĩa Hành, và có lẽ cả tỉnh Quảng Ngãi, đều bị tiêu diệt để trồng Keo!
Buồn, không có gì của ngày xưa để xem và chụp hình làm kỷ niệm cho một chuyến đi, tôi ngồi trên mỏm đá Bằng nhìn xuống cánh đồng Sa Băng ngập đầy nước. Nhớ lại những ngày xa xưa, những ngày mưa gió, chân tôi giẫm trên khắp cánh đồng, trên núi rừng này với biết bao nhiêu điều thú vị, mà thương cho tuổi thơ ngày nay!
Ngủ ở quê được ba đêm, tôi đi thăm mồ mả ông bà và viếng thăm những người bà con xưa nay còn trụ ở quê. Một số lớn đã ra đi, số ít còn lại nay đã già nua và đi tìm mưu sinh nơi khác! Tôi ghé thăm Nguyễn Văn Thành, biết nhau qua mạng xã hội mà vợ là vai cháu họ của tôi trong dòng tộc Nguyễn Mậu. Từ hiên nhà Thành nhìn ra sẽ thấy sông Vệ, ngày xưa với bãi dâu tằm bát ngát nằm bên bờ sông. Trong một đêm đen tối của năm 1965, sau khi “giải phóng” xã Hành Thịnh, Cha Mẹ tôi dẫn đàn con rời bỏ quê hương giẫm chân lên rừng gai dương trong những đám dâu tằm này để đi tìm cái sống trong cái chết! Những bãi dâu tằm ở thôn Ðồng Xuân đã một thời dùng để ươm tơ, dệt lên những mảnh lụa làm đẹp cho đời, cũng trên bờ sông này.
Một buổi sáng, dưới cơn mưa phùn tôi bước chân ra đồng Sa Băng. Con đường ra đồng nay đã khác. Ngày xưa tại ngã tư, nơi con đường làng từ bãi sông Ba Bình đâm thẳng ra ruộng bắt ngang qua đường cái quan, là lối ra ruộng. Bên tay mặt ngã tư là nhà ông Lộng sống bằng nghề thợ rèn, trước mặt nhà ông Lộng là nhà chị hai Kỷ dâu bác Phó Mận. Dưới nhà chị hai Kỷ là nhà ông Kiểm Nhì (cha chị hai Kỷ) có hàng cau cao vút với những ổ chim sẻ trên ngọn mà có lần tôi trèo lên bắt chim con để nuôi. Bên trái ngã tư có nhà cô Tú mẹ anh Tạ Phi Long và xóm nhà ông Quỳ đối diện bên kia đường, xuống thêm chút nữa là gò mả Chợ, ngày xưa có nhà cô Bảy nằm bên cạnh. Từ ngã tư đi thẳng ra ruộng sẽ gặp nhà bà Nở, và nhà bà Tài Phú bên tay trái chuyên làm bánh chén, mà ngày đó tôi thường ra ruộng suốt lúa của thiên hạ đem vô đổi bánh chén. Ði tới chút nữa là nhà bà A nằm bên tay mặt mà trận lụt năm 1964 đã bứng căn nhà bả mang đi! Ngoài cùng là hàng rào vi rồi đến ruộng. Qua khỏi cổng hàng rào vi một chút là gò mả Cây Sanh bên tay mặt.
Tất cả những căn nhà đó và gò mả Cây Sanh nay đã biến mất!
Tôi đi thẳng ra ruộng, khi không còn đi được nữa vì nước ngập lai láng, thì đó là đám ruộng Bờ Khoa của Cha tôi ngày xưa. Từ năm 1965 đến giờ tôi mới bước chân lại mảnh đất này, tính ra cũng gần năm mươi năm rồi! Lòng tôi có một cảm giác rất lạ khi đi lại trên dấu chân ngày xưa! Tôi đi tìm, một mình trên cánh đồng rộng, những trái lờ thả cá, những chiếc ghe nan, những dấu chân in sâu trong đám ruộng, và những mảnh đất vỡ trên bờ ruộng do ai đó đào chuột đồng, tôi thấy tuổi thơ tôi sống lại. Hình ảnh của Cha và những người anh trong dòng họ đang đạp đám Bờ Khoa cho khô nước để bắt cá; Hình ảnh thằng Bi con ông Tòng đang chèo ghe đi thăm lờ; đám con ông Hấn đi cắm câu trên đồng Sa Băng trong mỗi buổi chiều về; Và hình ảnh anh tôi đi bắn vịt trời ngoài kia lần lượt ùa về theo bước chân tôi. Tôi đứng đó nhìn và ôn lại những kỷ niệm của tuổi thơ trong những ngày thanh bình, và bom đạn trên cánh đồng này. Không còn ai nữa, tất cả dường như đã ra đi! Tôi quay gót trở lại mà lòng bồi hồi trên từng bước chân!
Tối về tôi cùng đứa cháu và anh Hai đi soi cá trên đồng Sa Băng. Với chiếc đèn pin nhỏ mù mờ bước chân tôi lội lủm bủm trong ruộng sâu, mắt nhìn chăm chăm tìm cá. Gần nửa tiếng đồng hồ trôi qua mà không thấy một con cá nào bơi lội trong nước. Tôi hỏi thằng Giới ở đây có rắn không? Nó nói có chứ cậu! Chữ “có” của thằng Giới làm tôi giật nẫy mình lên, và từ đó tôi sợ. Chân bước đi quờ quạng, thế rồi tôi sụp… lỗ chân trâu và găm đầu xuống ruộng! Cá mắm đâu không thấy chỉ thấy mặt mày đầu cổ tôi dính đầy sình, và chiếc điện thoại cầm tay cũng đi tiêu luôn! Tôi nói, thôi đi về. Ngày xưa tôi bắt biết bao nhiêu cá trên đồng Sa Băng này bằng mọi cách như cắm câu, đi soi, đặt lờ, tát mương, kéo nhá, v.v… Nhưng đêm nay tôi chỉ giỏi ở chỗ… chụp ếch!
Trưa ngày hôm sau tôi giã từ vợ chồng thằng Giới, ra thị xã Quảng Ngãi để ngày hôm sau trở vô Sài Gòn. Buổi chiều tôi cùng một số anh em bạn bè lên thăm núi Thiên Ấn và mộ nhà cách mạng Huỳnh Thúc Kháng. Sau bữa ăn tối tại quán Sông Trà, anh Bân đưa hai anh em tôi đến đốt cây nhang cho anh Bình và thăm chị Sâm. Anh Bình là một người con Nguyễn Mậu rất thành công trên con đường công danh sự nghiệp. Mới gặp năm nào mà nay anh đã nằm xuống ở gò Rú, nơi mồ mả của dòng tộc Nguyễn Mậu chôn cất. Ngủ lại nhà anh Bân một đêm, rồi ngày hôm sau tôi đến ga Ông Bố lên tàu ra Ðà Nẵng. Siết chặt tay anh Bân, chào tạm biệt tôi cùng anh Hai bước chân lên tàu. Con tàu hú một hồi còi, rồi từ từ chuyển bánh. Nhìn qua cửa sổ, hình ảnh quê hương từ từ lùi lại, và tuổi thơ của tôi, cũng mờ dần trên sân ga.
Ðồng Sa Băng
* * *
Xem bài cùng tác giả: click vào đây
Xem trang Tạp văn, tùy bút: click vào đây
Về trang chính: http://www.nuiansongtra.net