Tôi sinh ra ở đất thần kinh, làng Vỹ Dạ, có sông Hương, núi Ngự Bình, nhưng tôi lớn lên ở miền Nam.
Ba tôi là công chức, vì nghề nghiệp nên thường đi công tác ở các tỉnh. Gia đình tôi phải dọn nhà theo ba tôi. Những tỉnh mà tôi đã ở như: Phan Thiết, Nha Trang, Kontum, Bình Long, Cần Thơ, Mỹ Tho và thành phố sau cùng là Sài Gòn.
Có những lần ba tôi đi công tác miền Tây, vào dịp nghỉ hè, tôi được theo ba xuống các tỉnh như Long Xuyên, Bạc Liêu, Sóc Trăng. Ôi thật tuyệt vời với sự phì nhiêu của miền Tây nào là gạo trắng, cá tươi, trái cây đủ loại. Tôi được ba dắt đi ăn canh chua cá lóc, cá bông lau là những đặc sản của miền Tây, nhờ vậy tôi mới biết được phong tục tập quán từng miền. Những kỷ niệm ấy gắn sâu vào tâm hồn tôi, làm sao tôi quên được.
Đời sống êm đềm của miền Nam bỗng nhiên bị sụp đổ kể từ ngày 30.4.1975. Gia đình tôi chịu chung số phận như bao nhiêu người khác và cuộc sống gia đình thay đổi từ đó.
Tôi đã sống 5 năm dưới chế độ cộng sản. Sau những lần vượt biên không thành công, lần cuối cùng được Cap Anamur vớt. Tháng 7 năm 1980, gia đình tôi cùng với những thuyền nhân khác được định cư tại tỉnh Recklinghausen, thuộc tiểu bang Nordrhein Westfalen, Tây Đức. Nơi đây là quê hương thứ hai của tôi.
Ngày ấy hai con tôi còn nhỏ. Cháu lớn 4 tuổi, cháu nhì 18 tháng. Năm đầu tiên ở xứ người tôi được học tiếng Đức một năm. Sau đó chồng tôi đi học xa, tôi và hai con nhỏ ở lại Recklinghausen. Đêm đêm nằm nhớ quê hương, nhớ gia đình, nhớ cha mẹ, tôi khóc hàng đêm. Cứ nghĩ là mình sẽ không bao giờ gặp lại cha mẹ.
Những năm tháng đầu tiên, đồ ăn Á Châu thiếu thốn, chúng tôi mua gạo Đức nấu ăn. Muốn có một chai nước mắm phải chờ qua Pháp mới mua được. Thời gian trôi qua, tôi cố gắng hội nhập với cuộc sống mới nơi đất khách quê người.
Năm 1987 chồng tôi tốt nghiệp Đại học và là năm đón mừng cháu gái thứ ba ra đời. Song vào đó chồng tôi có việc làm tại München. Thế là một cảnh hai quê trở lại, một mình tôi lo cho ba cháu.
Đi làm khó khăn, tôi bèn nghĩ đến việc đi dạy nấu ăn vào ban đêm để ban ngày có thời giờ lo cho con. Năm 1989 bức tường Bá Linh sụp đổ. Những năm sau đó nhà hàng Việt Nam được mở ra như nấm.
Trước đó, nhiều người Đức không biết gì về Việt Nam và nước Việt Nam ở đâu? Từ ngày người Việt tỵ nạn cộng sản được tàu Cap Anamur vớt và được chính quyền Đức thâu nhận cho định cư thì người Đức mới biết nhiều về Việt Nam và những món ăn Việt.
Tác giả và lớp học
Năm 1992 là năm đầu tiên tôi đi dạy tại VHS Recklinghausen (VHS: Volkshochschule). Sau 6 tháng quen với công việc dạy, nhiều người Đức hỏi thăm về những món ăn Việt Nam. Tôi bắt đầu ghi danh dạy ở những trường VHS và FBS (Familienbildungsstätte) của Kreis Recklinghausen như các thành phố Datten, Halten, Marl, Castrop Rausen, Dorsten, Herne, Herten, Bochum, Recklinghausen và những vùng phụ cận.
Tác giả và học viên tại nơi dạy nấu ăn
Từ đó những món ăn Việt Nam được nhiều người biết đến. Sau 5 năm dạy ở vùng Ruhr đến năm 1997 chồng tôi lại đổi chỗ làm đến Frankfurt am Main. Năm 1998 tôi cùng gia đình dọn nhà xuống Frankfurt. Lúc bấy giờ cháu trai đầu lòng đang học Đại học ở Bochum. Cháu thứ hai vừa thi xong tú tài (Abitur) và học Y Khoa tại Đại học Giessen. Cháu gái học lớp 6. Thế là tôi phải rời quê hương thứ hai nơi mà có nhiều kỷ niệm từ ngày đầu đến Đức. Cứ mỗi lần nhắc đến Recklinghausen là mỗi lần lòng tôi thương nhớ nơi mà tôi không bao giờ quên được.
Gia đình tôi dời xuống sống ở Egelsbach, Kreis Offenbach, ngoại ô của Frankfurt. Tôi chọn nơi nầy làm quê hương thứ ba.
Tác giả giải thích cách thức ăn sau khi đã dạy cách nấu
Nơi đây tôi tiếp tục dạy ở VHS, FBS tại các thành phố Darmstadt, Dieburg, Münster, Egelsbach, Weiterstadt, Mörfelden-Waldorf, Groß-Gerau, Dreieich, Offenbach, Hanau, Rödermark, Hainburg, Rüsselheim. Ngoài ra tôi còn dạy ở Institute Küchenmeister in Darmstadt và Genuss Akademie tại Frankfurt.
Trích từ Genuss Akademie Magazin Frankfurt
Qua những khoá dạy, học viên được học những món ăn thuần tuý của quê hương Việt Nam mà họ đã ăn ở nhà hàng hay đã có dịp đến Việt Nam.
Họ nhận xét rằng những món ăn ở đây được nấu ngon hơn, tươi hơn, nguyên bản hơn ở các nhà hàng mà họ đã có dịp thưởng thức.
Trong những món súp, họ thích nhất là món Bún Bò Huế. Mùi thịt bò cọng với ruốc, sả, quyện với nhau làm cho tô bún bò thơm ngon .
Những năm dạy nấu ăn tôi hãnh diện là một người Việt Nam. Tôi có cơ hội trình bày cho người Đức biết về văn hoá Việt Nam. Sau 23 năm trong nghề, tôi nhận thấy đồ ăn Việt Nam được chế biến là một nghệ thuật nấu ăn ngang hàng với những món ăn trên thế giới.
Nhân đây, tôi xin cống hiến quý vị một công thức Bún Bò Huế, một món ăn quốc hồn, quốc tuý mà không thể thiếu trong những món ăn Việt Nam.
Mến chúc quý vị ăn ngon.
BÚN BÒ GIÒ HEO HUẾ
Cách nấu:
Giò heo rửa sạch, bỏ vào nồi nấu sôi khoảng 5 phút. Đổ giò heo ra và rửa sạch thịt giò heo. Dùng một nồi nước khác, thêm vào một muỗng cà phê muối, bỏ thịt heo vào và nấu. Lấy cây tăm gắm vào thịt nếu không còn ra máu nữa là thịt đã chín (cứng, mềm tuỳ theo ý thích). Vớt thịt ra, cắt thịt như ý muốn. Nếu muốn ăn móng heo thì luộc móng heo cho thêm vào.
Xương và thịt bò bỏ vào nồi nấu vừa sôi, đổ ra rửa thật sạch. Bắc nồi nước, bỏ thịt bò, thơm, nước ruốc trong, sả cây cắt khúc và một muỗng cà phê muối vào nấu cho mềm như ý thích. Vớt thịt ra.
Sau đó, đổ nước luộc thịt heo vào chung với nước hầm thịt bò. Nêm nếm cho vừa miệng.
- Thịt bò cắt lát mỏng.
- Hai cây sả bằm nhỏ. Tỏi, hành bằm nhỏ. Gừng cắt sợi nhỏ.
- Lấy một nửa sả bằm phi với dầu cho vàng. Sau đó bỏ ớt bột vào và nhắc xuống liền.
- Lấy một cái chảo khác bỏ dầu vào cho nóng, bỏ một ít sả bằm, gừng, tỏi, hành vào phi cho thơm. Sau đó bỏ thịt bò cắt mỏng vào xào. Cho gia vị vào và nêm nếm cho thấm.
- Bún cọng to luộc chín.
- Hành, ngò, rau răm, cắt nhỏ.
- Lấy cái tô, bỏ bún, múc thịt bò xào, xếp thịt giò heo vào tô. Cho dầu ớt sả vào. Lấy nước lèo thật sôi múc vào tô bún. Bỏ hành, ngò, rau răm vào tô. Thêm miếng chả Huế vào, ngon lắm.
Dương Thị Thanh Thuỷ
Email: thuy@vichikoch.de
http://www.vichikoch.de
Chân dung tác giả
(Kochkursdozentin)
* * *
Xem bài khác cùng tác giả: click vào đây
Xem trang Tạp văn, tùy bút: click vào đây
Trở về trang chính: www.nuiansongtra.net